Báo chí Trung Quốc hoan nghênh việc phá vỡ mạng lưới CIA (RFI, 22/05/2017)
Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay 22/05/2017 hoan nghênh công tác chống gián điệp của chính quyền, sau khi New York Times tiết lộ việc Bắc Kinh đã sát hại hoặc bỏ tù đến 20 điềm chỉ viên CIA trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2012.
Trụ sở cơ quan CIA ở Langley, Virginia, Hoa Kỳ. wikipedia
Hoàn Cầu Thời Báo trong bài xã luận đã đắc chí : "Chẳng những mạng lưới gián điệp của CIA đã bị phá vỡ, mà Washington còn chẳng biết chuyện gì xảy ra cả. Có thể nói đây là chiến thắng vang dội. Điều này có nghĩa là nếu CIA lại gầy dựng một mạng lưới gián điệp mới tại Trung Quốc thì chỉ chuốc lấy kết quả tương tự mà thôi".
Tuy vậy tờ báo khẳng định một phần của bài viết là sai. "Câu chuyện một điềm chỉ viên bị bắn chết trên sân một hoàn toàn bịa đặt, có lẽ là sản phẩm tưởng tượng kiểu Mỹ, trên cơ sở ý thức hệ".
Nêu ra ba nguồn tin chính thức, nhật báo Mỹ cho biết một điềm chỉ viên CIA đã bị bắn chết ngay trước mắt các đồng nghiệp, trong sân một tòa nhà chính phủ để làm gương.
Theo New York Times, những thiệt hại của CIA hết sức đáng kể, có thể so sánh với thời kỳ bị tổn thất nặng nề trước cơ quan tình báo trung ương Liên Xô cũ và tại Nga, do các tin tức được hai điệp viên Aldrich Ames và Robert Hanssen cung cấp cho Nga. Ames hoạt động trong thập niên 80, còn Hanssen từ 1979 đến 2001.
Chính quyền Trung Quốc không bình luận gì về bài báo này. Bộ An ninh Quốc gia phụ trách chống phản gián, không có cả số điện thoại lẫn trang web, khác hẳn với các bộ ngành khác.
Cũng như nhiều tờ báo lớn phương Tây, trang web của New York Times không truy cập được tại Trung Quốc. Tuy nhiên nội dung bài báo trên đây đã được phổ biến rộng rãi với nhiều lời bình, trên các trang mạng thời sự Trung Quốc.
Thụy My
***********************
Trung Quốc phá hoạt động gián điệp Mỹ (VOA, 21/05/2017)
Trung Quốc đã thủ tiêu hoặc bỏ tù từ 18 đến 20 nguồn tin của CIA từ năm 2010 đến năm 2012, gây gián đoạn hoạt động gián điệp của Mỹ trong một vụ xâm phạm tình báo quy mô to lớn mà nguồn gốc của nó vẫn chưa được xác định, theo tin mà báo The New York Times loan tải hôm thứ Bảy.
Cờ Trung Quốc - Ảnh minh họa
Các nhà điều tra vẫn chia rẽ quan điểm về việc liệu có điệp viên nào trong Cơ quan Tình báo Trung ương đã phản bội các nguồn tin hay không, hay liệu Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống liên lạc bí mật của CIA, tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ hiện nhiệm và tiền nhiệm cho biết.
Trung Quốc đã thủ tiêu ít nhất một chục người cung cấp thông tin cho CIA từ năm 2010 đến năm 2012, phá vỡ một mạng lưới mất nhiều năm để kiến tạo, tờ báo nói.
Một người bị bắn chết trước một tòa nhà chính phủ ở Trung Quốc, ba quan chức nói với tờ Times. Họ nói thêm việc này được hoạch định để gửi đi một thông điệp tới những người khác về việc cộng tác với Washington.
Vụ xâm phạm được coi là đặc biệt nguy hại, với số nguồn tin bị mất sánh ngang với số người ở Liên bang Soviet và Nga thiệt mạng sau khi thông tin được chuyển đến Moscow bởi hai gián điệp Aldrich Ames và Robert Hanssen, tờ báo cho biết. Ames là điệp viên hoạt động trong những năm 1980 và Hanssen trong những năm 1979-2001.
CIA từ chối bình luận khi được hỏi về bài báo của tờ Times hôm thứ Bảy.
Những hoạt động của Trung Quốc bắt đầu lộ ra vào năm 2010, khi cơ quan gián điệp của Mỹ nhận được thông tin chất lượng cao về chính phủ Trung Quốc từ những nguồn nằm sâu bên trong bộ máy quan liêu, bao gồm những người bất mãn về tình trạng tham nhũng của chính phủ Bắc Kinh, bốn cựu quan chức nói với tờ Times.
Đến cuối năm đó thông tin bắt đầu cạn dần và các nguồn tin bắt đầu biến mất vào đầu năm 2011, bài báo cho biết.
Khi thêm nhiều nguồn tin bị thủ tiêu, FBI và CIA bắt đầu một cuộc điều tra chung nhắm vào vụ xâm phạm, kiểm tra tất cả những điệp vụ được vận hành ở Bắc Kinh và mỗi một nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở đó.
Cuộc điều tra cuối cùng tập trung vào một cựu điệp viên CIA làm trong bộ phận giám sát Trung Quốc, tờ báo nói, nhưng không có đủ bằng chứng để bắt giữ ông ta.
Một số nhà điều tra tin rằng Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống liên lạc bí mật của CIA.
Tuy nhiên những người khác nghĩ rằng vụ xâm phạm này là kết quả của công tác gián điệp bất cẩn, trong đó có việc đi cùng những tuyến đường tới cùng những điểm gặp gỡ hoặc gặp gỡ các nguồn tin tại những nhà hàng nơi Trung Quốc đã cài thiết bị nghe lén, tờ báo cho biết.
Tới năm 2013, tình báo Mỹ kết luận khả năng của Trung Quốc xác định những điệp viên của họ đã bị hạn chế, tờ báo cho biết, và CIA vẫn đang cố gắng xây dựng lại mạng lưới gián điệp của mình ở đó.
(Reuters)
*********************
Trung Quốc giết nguồn kín, tổn hại CIA (BBC, 21/05/2017)
Khoảng gần 20 mật thám của CIA đã bị giết hoặc bắt giam bởi chính phủ Trung Quốc từ 2010 đến 2012, theo như tờ New York Times, làm tổn hại đến hoạt động tình báo của Hoa Kỳ tại nước này trong nhiều năm.
Cảnh sát Trung Quốc canh gác ngoài văn phòng đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Bắc Kinh
Hiện không rõ CIA đã bị tấn công hay một gián điệp đã giúp Trung Quốc phát hiện danh tính các mật thám, các quan chức nói với tờ Times.
Họ nói rằng một viên mật thám đã bị bắn chết trong sân của một tòa nhà chính phủ như một lời cảnh cáo.
Bốn cựu nhân viên CIA nói với tờ báo rằng nguồn thông tin bên trong chính phủ Trung Quốc bắt đầu cạn kiện dần trong năm 2010. Các mật thám viên lại bắt đầu mất tích đầu 2011.
CIA và FBI đã bắt tay vào điều tra các sự kiện mà một nguồn nói bí danh là Honey Badger.
Tờ báo này nói cuộc điều tra này tập trung vào một cựu mật thám của CIA nhưng không có đủ bằng chứng để bắt giữ ông ta. Hiện ông ta đang sống ở một quốc gia Châu Á khác.
Năm 2012, một quan chức tại bộ quốc phòng Trung Quốc đã bị bắt giữ vì nghi ngờ làm gián điệp cho Mỹ. Ông được cho là bị lừa để gia nhập vào CIA. Không có cuộc điều tra nào khác được công bố với công chúng trong thời điểm đó.
Matt Apuzzo, một phóng viên của tờ New York Times điều tra vụ việc này nói với BBC :
"Một trong những điều thật sự đáng lo ngại là chúng ta vẫn thực sự không biết điều gì đã xảy ra.
"Có một sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ Mỹ về việc liệu là do một nội gián hay là vấn đề kĩ năng, rằng các viên mật thám đã sơ hở và bị phát hiện, hay là Trung Quốc đã đột nhập vào hệ thống".
Một vài năm sau, vào 2015, CIA triệu hồi các nhân viên khỏi đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, sau khi có một vụ tấn công mạng được cho là do Trung Quốc đứng đằng sau đã làm tiết lộ hàng triệu nhân viên chính phủ Mỹ.
Năm ngoái, Trung Quốc cảnh báo nhân viên chính phủ nên đề phòng gián điệp - và không nên có mối quan hệ tình cảm với họ
Sự biến mất của nhiều gián điệp đã làm tổn hại đến một hệ thống phải mất nhiều năm để xây dựng và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tình báo nhiều năm tới, khiến ngay cả trong nội bộ chính phủ Obama cũng đặt câu hỏi tại sao hoạt động tình báo đã bị chậm lại.
Các quan chức nói đây là một trong những lỗ hổng an ninh tồi tệ nhất trong những năm gần đây.
Năm 2013, chính phủ Trung Quốc lại mất khả năng định dạng các mật thám Hoa Kỳ, và CIA tiếp tục tái thiết lập hệ thống tình báo.
Ông Apuzzo nói thêm : "Trong nhiều năm Trung Quốc và Hoa Kỳ luôn giáp công trong trận chiến tình báo sau hậu trường. Khi điều tra về vụ việc này, chúng tôi cũng phát hiện ra tình báo Trung Quốc đã thâm nhập vào tiền đồn của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ tại Đài Loan.
Chính phủ Trump đã bổ nhiệm Terry Branstad, thống đốc bang Iowa, làm đại sứ Trung Quốc nhưng ông vẫn chưa chuyển đến Bắc Kinh.
Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, không đưa ra lời bình luận nào, nhưng trong một thông cáo báo chí gần đây, ông đề cập đến "đà phát triển tích cực mà cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều đang tận hưởng".