Căng thẳng biên giới Ukraine : Hoa Kỳ "sẵn sàng thảo luận" đề xuất về an ninh của Nga
Anh Vũ, RFI, 18/12/2021
Theo AFP, ngày 17/12/2021, Washington tuyên bố sẵn sàng thảo luận đề xuất thỏa thuận của Moskva nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và NATO trong khu vực lân cận với Nga. Hoa Kỳ một lần nữa cảnh cáo nếu Nga xâm lược Ukraine sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề.
11111111111111111111
Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm qua video với tổng thống Nga Vladimir Putin, từ Nhà Trắng, Washington, ngày 07/12/2021. AP - Adam Schultz
Trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng ở biên giới Nga - Ukraine, hôm qua 17/12, Moskva đã công bố tài liệu đề xuất thỏa thuận nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và NATO trong vùng giáp với nước Nga. Liền sau đó Washington đã cho biết sẵn sàng thảo luận các đề xuất của Nga sau khi tham khảo ý kiến của các nước Châu Âu.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki khẳng định, "sẽ không có thảo luận về an ninh Châu Âu mà không có sự tham gia của các đồng minh và đối tác Châu Âu của chúng tôi".
Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng ẩn danh nói với báo chí rằng Hoa Kỳ "sẵn sàng thảo luận" các đề xuất của Nga cho dù trong đó có "một số nội dung mà Nga cũng biết là không thể chấp nhận được". Ông này cũng nhấn mạnh thêm, "nếu có thêm cuộc xâm lược Ukraine, thì sẽ có những hậu quả nặng nề và cái giá phải trả sẽ rất đắt".
Văn kiện mà Moskva đưa ra chủ yếu đòi cấm mọi hành động mở rộng NATO, lập các căn cứ quân sự Mỹ tại những nước thuộc Liên Xô cũ cũng như phát triển hợp tác quân sự với các quốc gia trên.
Trong buổi họp báo giới thiệu tài liệu trên trước báo giới, thứ trưởng ngoại giao Nga, Serguei Riabkov nhấn mạnh "điều cốt lõi là việc bảo đảm an ninh cho nước Nga phải được ghi trên văn bản và có hiệu lực pháp lý". Ông cũng đề xuất mở đàm phán ngay trong ngày "thứ Bảy 18/12" tại Genève.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ sẽ đưa ra "trong tuần tới một đề nghị cụ thể" về khuôn khổ các cuộc thảo luận, sau khi đã tham khảo các đồng minh Châu Âu.
Theo ông Riabkov, các tài liệu đề xuất của Nga là nhằm "khôi phục lại mối quan hệ với phương Tây, bắt đầu từ một trang mới hoàn toàn".
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba (14/12) đã kêu gọi các các cuộc đàm phán "ngay lập tức" về bảo đảm an ninh cho Nga.
Việc NATO mở rộng đến một nước thuộc Liên Xô cũ là vượt qua làn ranh đỏ của Nga. Trong khi đó Ukraine và Gruzia đang muốn xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Với Washington thì tất cả các nước đều có quyền tự quyết định tương lai cũng như chính sách đối ngoại, không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.
Anh Vũ
***********************
Liên Hiệp Châu Âu nhất trí trừng phạt kinh tế Nga nếu xâm lược Ukraine
Thu Hằng, RFI, 17/12/2021
Lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu nhất trí sẽ phối hợp với Hoa Kỳ và Anh Quốc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong trường hợp chính quyền Moskva ra lệnh tấn công Ukraine. Tuy nhiên, trong phiên họp thượng đỉnh ngày 16/12/2021, Bruxelles vẫn ưu tiên con đường trao đổi ngoại giao với Nga.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Bruxelles, Bỉ ngày 16 tháng 12 năm 2021. Reuters - POOL
Trong thông cáo chung sau cuộc họp kín diễn ra trong nhiều giờ tại Bruxelles, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 27 nước Liên Hiệp Châu Âu nêu rõ "thêm bất kỳ vụ tấn công quân sự nào nhắm vào Ukraine sẽ dẫn đến những hậu quả hàng loạt và trả giá đắt, trong đó có các biện pháp hạn chế được phối hợp với các đối tác" Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Đây là một trong những lời cảnh cáo trực tiếp nhất của Bruxelles nhắm đến Nga. Tuy nhiên, theo Reuters, chi tiết các biện pháp trừng phạt không được đưa ra thảo luận tại thượng đỉnh. Nhưng trước đó, một số nhà ngoại giao cho rằng Bruxelles có thể nhắm đến các đại tập đoàn Nga và cấm mọi giao dịch ngân hàng của Châu Âu với các ngân hàng Nga.
Phía NATO cũng ủng hộ lập trường của Liên Hiệp Châu Âu. Tổng thư ký Jens Stoltenberg từng cảnh báo "sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào về quyền của Ukraine được tự lựa chọn con đường riêng, về quyền quyết định của NATO bảo vệ các thành viên hay làm đối tác với Ukraine". Moskva vẫn yêu cầu NATO "chính thức" từ bỏ quyết định năm 2008 mở đường kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên. Đây là "lằn ranh đỏ" mà chính quyền của tổng thống Putin đặt ra vì Nga không muốn NATO hiện diện ngay sát sườn.
Cũng trong thông cáo chung, 27 nhà lãnh đạo tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu "cổ vũ mọi nỗ lực ngoại giao và ủng hộ "khuôn khổ Normandie" để đạt đến việc triển khai hoàn toàn các thỏa thuận Minsk" được ký năm 2014 và 2015 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Donbass, phía đông Ukraine. Nga luôn phủ nhận có binh sĩ hiện diện trong vùng ly khai này nhưng theo thẩm định của Mỹ, có khoảng 100.000 quân, đang tập kết ở sát vùng biên giới chung với Ukraine.
Thu Hằng