Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/01/2022

Điểm báo Pháp - Làm thế nào tránh được chiến tranh Ukraine

RFI tiếng Việt

Đàm phán Mỹ-Nga : Làm thế nào tránh được chiến tranh Ukraine

Chi Phương, RFI, 10/01/2022

Về thời sự quốc tế, hầu hết các báo đều có bài nhận định, hôm nay bắt đầu một tuần lễ quyết định, với các hoạt động ngoại giao dồn dập liên quan đến tình hình tại Ukraine và đặc biệt là an ninh ở Châu Âu. Nhìn sang Châu Á, chuyến thăm Miến Điện của thủ tướng Hun Sen cũng được giới quan sát lưu ý bởi vì năm nay, Cam Bốt đảm trách chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

ukraine0

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và đồng nhiệm Nga Sergei Ryabkov dẫn đầu hai phái đoàn đàm phán về an ninh tại Geneve, Thụy Sĩ, ngày 10/01/2022.  Reuters – Denis Balibouse

Ukraine và an ninh Châu Âu, trọng tâm đàm phán Mỹ-Nga

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ và Nga gặp nhau hôm nay, 10/01/2022, tại Geneve, Thụy Sĩ và một trong những hồ sơ chính được hai siêu cường thảo luận là Ukraine. Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : Putin-Biden : Làm thế nào tránh được chiến tranh Ukraine.

Theo tờ báo, thay vì tiến hành điều chỉnh chiến lược để đối phó với Trung Quốc như mong muốn lúc mới bắt đầu nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ Joe Biden giờ đây đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng tại Châu Âu, một cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh : Đó là số phận của Ukraine trước nguy cơ Nga xâm lấn và an ninh trên lục địa Châu Âu.

Le Figaro nhận định, đối phó với tổng thống Nga Vladimir Putin, khả năng hành động của Hoa Kỳ bị hạn chế. Ngoại giao Mỹ đang đứng trước vấn đề nan giải, giữa cứng rắn và thích ứng hòa hoãn, giữa nguy cơ leo thang xung đột quân sự với hậu quả tệ hại và sự nhượng bộ ngoại giao, làm mất uy tín của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), mất lòng tin vào những bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ đã gạt bỏ khả năng điều động lính Mỹ đến Ukraine, đe dọa tổng thống Putin sẽ áp dụng các trừng phạt cực kỳ nặng nề nếu như Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, trong các cuộc nói chuyện riêng tư, các nhà ngoại giao Mỹ thừa nhận là từ 2014, các biện pháp trừng phạt không ngăn cản được Nga sáp nhập Crimea, ủng hộ lực lượng ly khai ở Donbass, ngăn chặn các vụ tấn công tin học hay các âm mưu ám sát những nhân vật đối lập đang tỵ nạn ở nước ngoài.

Trong tuần này, ngoài cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Nga, sẽ còn có cuộc họp bất thường Nga-NATO tại Bruxelles, ngày 12/01 và sau đó là cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), tại Vienna, Áo, ngày 13/01.

Tuy nhiên, chính ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thừa nhận là sẽ không có một bước đột phá nào trong các cuộc thương lượng với Nga. Ông nhận định, xin trích : "Nga muốn lôi kéo chúng ta vào cuộc thảo luận về NATO thay vì tập trung vào vấn đề mà chúng ta quan tâm, đó là việc Nga (có thể) xâm lược Ukraine. Chúng ta sẽ không để bị đánh lạc hướng trong vấn đề này" Bởi vì, theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, những gì xẩy ra tại Ukraine không chỉ liên quan đến Ukraine mà thực ra đó là cách ứng xử gây mất ổn định, nguy hiểm và thông thường là bất hợp pháp của Moskva vì Nga đang tìm cách tạo dựng vùng ảnh hưởng, bằng cách thôn tính các quốc gia trước đây nằm dưới ách thống trị của Liên Xô và ngăn chặn những nước này thực hiện các khát vọng dân chủ với tư cách là những quốc gia độc lập và có đầy đủ chủ quyền.

Trang nhất của Le Monde cũng có tựa : "Ukraine và NATO : một tuần lễ quyết định giữa Moskva và Washington". Nga đã tuyên bố sẽ không có một nhượng bộ nào trong cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nga-Mỹ tại Genève.

Sau khi huy động đông đảo binh sĩ tập trung ở vùng biên giới chung với Ukraine, tuần này, Nga bắt đầu các đàm phán ngoại giao liên quan đến an ninh ở Châu Âu và các nước láng giềng. Liệu Nga có quan tâm đến việc giải quyết một cách hòa bình các căng thẳng trên cơ sở các thỏa hiệp song phương hay chỉ ưu tiên giải pháp dùng vũ lực và việc đã rồi ? Những câu hỏi này sẽ từng bước được làm sáng tỏ thông qua các cuộc gặp của Nga với Mỹ, với NATO và trong cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).

Le Monde có cùng nhận định như Le Figaro : khả năng hành động của Hoa Kỳ rất hạn hẹp. Chiến lược của tổng thống Mỹ hạn chế các chủ đề gây khủng hoảng với Nga để tập trung sức lực đối phó với Trung Quốc giờ đây đang bị thử thách. Hơn nữa, bên trong NATO, giả thuyết về việc Mỹ và Nga thỏa hiệp trên lưng Ukraine làm cho các nước Baltic và Ba Lan lo ngại.

Hồ sơ Ukraine cũng được báo Les Echos quan tâm và cho rằng đó là "một tuần lễ đàm phán dồn dập". Cụ thể là Nga đã đưa ra hai dự thảo hiệp ước, một để đàm phán với Mỹ và văn bản kia để nói chuyện với NATO với mục tiêu rất rõ ràng : rút các lượng của NATO ra khỏi các nước đồng minh Trung Âu và Đông Âu và không cho Ukraine gia nhập NATO.

Theo nhận định của ngoại trưởng Mỹ, chiến lược của Nga là đưa ra một danh sách các đòi hỏi hoàn toàn không thể chấp nhận được và sau đó, cáo buộc phe bên kia không muốn giải quyết vấn đề và lấy cớ này để biện minh cho một cuộc xâm lược.

Cùng chủ đề này, báo La Croix nhận định : "Vladimir Putin muốn trắc nghiệm phương Tây ở Genève". Theo giới chuyên gia được tờ báo trích dẫn, "không ai ở Nga biết được Putin đang suy tính gì và đâu là các lằn ranh đỏ mà ông ta vạch ra".

Cựu đại sứ Pháp tại Nga Jean Maurice Ripert nhận định : Putin có mối ám ảnh là quay lại thời Chiến tranh lạnh, vào lúc đó, Nga là một cường quốc trên thế giới và là một bên đối thoại với Hoa Kỳ. Ý đồ của Nga là sử dụng mối đe dọa tấn công quân sự Ukraine để tiến hành đàm phán về một chủ đề rộng lớn hơn liên quan đến an ninh tại Châu Âu.

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen thăm Miến Điện

Thời sự Châu Á đáng chú ý là bài "Miến Điện : nối lại đối thoại với ASEAN" trên Le Figaro.

Trong tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, sau 36 giờ thăm chính thức "thủ đô ma" Napidaw, đã tuyên bố đạt được những "kết quả đáng chú ý" trong hồ sơ Miến Điện đầy gai góc qua các cuộc thảo luận với tướng Min Aung Hlang. Trong thông cáo chung sau chuyến thăm, lãnh đạo Miến Điện, tướng Min Aung Hlang thông báo lệnh "ngừng bắn" đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo báo Le Figaro, cam kết này không có hiệu quả trên thực tiễn, vì lệnh này "không tính đến việc giải quyết bạo lực bùng phát giữa quân đội và người dân Miến Điện" và chỉ liên quan đến các nhóm vũ trang chống đảo chính và các nhóm vũ trang dân tộc, quân du kích, "ngày càng đông đảo và có tổ chức". Theo chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, ông Sharon Seah Li Lian, các cam kết ngừng bắn trước đây chưa bao giờ được quân đội tôn trọng thực hiện, và lần này cũng không ngoại lệ. Sau chuyến thăm của phái đoàn Phom Penh, quân đội Miến Điện công nhận tính hợp pháp của bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cam Bốt Prak Sakhonn, người sắp được bổ nhiệm làm đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện.

Báo Le Figaro phê phán phái đoàn Cam Bốt đã không yêu cầu gặp gỡ hai nhà lãnh đạo bị phế truất "Aung San Suu Kyi và Win Myin với lý do đề nghị này "phản tác dụng". Do vậy, tờ báo kết luận, chuyến công du của ông Hun Sen gần như "không có kết quả gì".

Cũng về Miến Điện, nhân chuyến đi của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, báo Le Monde trong bài "Chuyến thăm tập đoàn quân sự Miến Điện đầu tiên của một lãnh đạo" đặt câu hỏi liệu có bàn tay Trung Quốc đứng sau hay không ?

Thủ tướng Hun Sen bảo vệ ý nghĩa chuyến công du với lập luận là cần đưa Miến Điện trở lại khối ASEAN, nếu không khối sẽ mất đi "tính tập trung". Le Monde cũng nhắc lại việc Miến Điện không được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối hồi tháng 10/2021. Cam Bốt cũng nằm trong số 4 quốc gia của khối (với Lào, Thái Lan và Brunei) bỏ phiếu trắng tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 6/2021, về việc đưa ra nghị quyết lên án đảo chính của quân đội Miến Điện.

Theo báo Le Monde, có thể nhận thấy mối quan ngại của Phnom Penh về lời "dụ dỗ ngon ngọt" từ phía Trung Quốc, mà Cam bốt là quốc gia thân Trung Quốc nhất trong khối 10 nước này.

Giáo viên tiểu học Pháp đình công vì Omicron

Tình hình Covid đương nhiên cũng được các báo quan tâm. Les Echos nêu vấn đề "Nền kinh tế thích ứng với làn sóng Omicron như thế nào", bởi vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp Pháp đang phải đối mặt với tình trạng số nhân viên nghỉ làm gia tăng do bị lây nhiễm Omicron.

Trong khi đó, nhiều tờ báo đề cập đến cuộc đình công của giới công đoàn giáo viên tại Pháp.

Một tuần sau khi của chính sách đối phó với dịch tại trường học "đầy bất cập" ở Pháp, các bậc phụ huynh cũng như giáo viên "kiệt sức". Mục xã luận của báo La Croix chỉ ra những bất cập là vì "phải đưa con đến trường, rồi quay trở lại để xét nghiệm cho đứa thứ nhật, sau đó, đến trưa lại đến trường đón đứa thứ hai vì giáo viên vắng mặt, trong khi đó vẫn phải đảm bảo đi làm bình thường, cho con tiếp tục học hành, lo bữa trưa, v.v. Các hàng dài phụ huynh đưa con xét nghiệm trong thời tiết lạnh giá, không khỏi làm công luận bức xúc. Các phòng thí nghiệm và hiệu thuốc trong tình trạng quá tải. Nhiều phụ huynh bắt buộc phải cho trẻ ở nhà. Một số phụ huynh khác "lúng túng" không biết có nên đưa trẻ đến trường hay không. Một mặt vì vẫn đang đợi kết quả xét nghiệm, và mặt khác, đúng hơn là đa số, là vì giáo viên vắng mặt.

Nhật báo công giáo La Croix cho biết nền giáo dục quốc gia cho thấy những bất lực và từ đó tất cả những "bất cập" thiếu sót của hệ thống trường học tại Pháp như có cơ hội để "trỗi dậy" : thiếu nhân lực y tế, thiếu giáo viên thay thế, không thống nhất hướng dẫn từ trên xuống dưới, nhẫm lẫn trong các quy định về đeo khẩu trang hay xét nghiêm. Và trên hết là thiếu đoàn kết trong hệ thống mà ai cũng đùn đẩy trách nhiệm. Từ tất cả những lý do trên dẫn đến thông báo đình công của công đoàn giáo viên.

Bộ trưởng Y tế Pháp vẫn cứng nhắc giữ quyết định mở cửa lớp học bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, theo báo Libération, Bộ Y tế, không thể lờ đi và phải xem xét lại các quyết định của mình. Phát ngôn viên của chính phủ Pháp, Gabriel Attal cũng đã thông báo vào Chủ nhật về việc củng cố hệ thống sàng lọc, với việc mở "vài trăm trung tâm" xét nghiệm. Tuy nhiên, điều đó là không đủ đối với các công đoàn, họ đổ lỗi cho chính phủ vì đã không phản ứng với hầu hết các tuyên bố của họ : cung cấp khẩu trang FFP2, máy cảm biến CO2 và máy lọc không khí, và tuyển dụng giáo viên thay thế.

Bầu cử tổng thống Pháp : Bầu không khí tĩnh lặng

Về cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Trang nhất báo Libération nói về việc cựu bộ trưởng tư pháp cánh tả, bà Christiane Taubira, tuyên bố chấp nhận tham gia bầu cử sơ bộ lựa chọn một ứng viên duy nhất cho cánh tả.

Nhưng theo Libération, dường như đây là một "cú đánh may rủi", bởi vì tuyên bố này dường như đã không có ý nghĩa gì nữa, các ứng viên thuộc đảng Xanh, đảng Nước Pháp Bất Khuất, đảng Cộng Sản đã từ chối tham gia sơ tuyển.

Trong khi đó, báo La Croix nhận định : "Bầu cử tổng thống, sự yên tĩnh phẳng lặng". Chỉ còn ba tháng nữa là đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống, nhưng các ứng viên không làm sao thu hút được sự chú ý của cử tri. Cuộc khủng hoảng Covid không phải là lý do duy nhất của sự thờ ơ này. Theo giới phân tích, người dân biết rằng cuộc bầu cử tổng thống là quan trọng, nhưng đối với họ thì còn xa. Có một sự chênh lệch khác biệt giữa một bên là sự sốt ruột của các ứng viên và các nhà quan sát ; họ muốn là chiến dịch vận động tranh cử phải sôi sục. Và bên kia là người dân Pháp đang chờ đợi các chương trình tranh cử và các cuộc tranh luận.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 273 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)