Nga xâm lăng Ukraine ? Dấu hỏi lớn cho Châu Âu năm 2022
Năm 2022 khởi đầu với nhiều bất định về dịch tễ, kinh tế và ba nguy cơ xung đột lớn (Đài Loan, Ukraine, Iran). Tại Châu Âu, liệu Putin sẽ xâm lăng Ukraine và Mỹ phải phản ứng ra sao ? Theo các báo tuần này, Nga hiện có nhiều thuận lợi, nhưng những yêu sách quá đáng của Moskva chỉ gây phản tác dụng.
Một thủy quân lục chiến Ukraine tại chiến hào, nơi giới tuyến với phe nổi dậy thân Nga ở Donetsk, ngày 07/01/2022. AP - Andriy Dubchak
Courrier International đặt vấn đề, từ ngày 01/01, Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, và Emmanuel Macron sẽ phải tả xung hữu đột trên nhiều mặt trận. Liệu đó có phải là điều tốt, hay lại thêm một gánh nặng cho ông ? Chân dung tổng thống Pháp cũng chiếm trang bìa Le Point với hàng tựa "Macron đệ nhị, để làm gì ?".Tuần báo phân tích về đường hướng ê-kíp mới của ông, cuộc "cách mạng" của vị tổng thống trẻ tuổi đã đi đến đâu. L’Obs chạy tựa"Loạn luân : Sức mạnh của ngôn từ", với ảnh bìa là tác giả cuốn sách tố cáo tệ nạn lâu nay bị coi là đề tài cấm kỵ.
Le Point nêu ra"Những gì để hy vọng cho 2022"dù năm nay nhiều bất định với dịch bệnh, lạm phát, đảo lộn địa chính trị, bất bình đẳng gia tăng… L’Express dành hồ sơ số đầu năm cho "Những hứa hẹn và thách thức của năm 2022".
2022 : Các chính phủ không thể kích cầu mãi
Sau 2020 của đại dịch và suy thoái lịch sử, 2021 được đánh dấu bởi sự phục hồi ở những nước có đầy đủ vac-xin. Năm 2022 khởi đầu bằng đợt dịch Covid thứ năm trong lúc cái giá thực sự phải trả qua sự can thiệp của các chính phủ bắt đầu hiện rõ.
Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã làm 290 triệu người bị nhiễm ; 5,5 triệu người chết trên thế giới – nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì con số thực tế gấp hai đến ba lần. Biến thể Omicron buộc các nước phải áp đặt trở lại các biện pháp dịch tễ, tăng cường kiểm soát biên giới, thu hẹp một số lãnh vực hoạt động, thậm chí phong tỏa như Áo và Hà Lan. Hậu quả là tiêu thụ giảm, chuỗi cung ứng rối loạn.
Tiếp theo Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu cũng tìm lại mức độ của cuối 2019, nhưng số thiệt hại là khổng lồ. Tăng trưởng giảm mạnh tại Trung Quốc vì địa ốc, và tại các nước mới nổi vì thiếu vac-xin ; trong khi lạm phát tăng lên, tạo nguy cơ trì trệ. Thế nhưng việc trợ cấp ồ ạt cho các gia đình và doanh nghiệp không thể kéo dài mãi mãi, lượng tiền đổ vào nền kinh tế giảm dần và lãi suất tăng, gây bất ổn cho những nước nhiều nợ nần.
Nguy cơ xung đột ở Đài Loan, Ukraine, Iran và biến thể Omicron
Chiến tranh tiếp tục diễn ra ở Ethiopia, Miến Điện, Syria, Yemen… nhưng đáng lo nhất là nguy cơ xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên ba mặt trận. Đó là Đài Loan đang bị Trung Quốc gây áp lực lớn về quân sự, Ukraine bị 100.000 quân Nga đe dọa, và Iran sắp sửa bước qua ngưỡng chế tạo bom nguyên tử. Trước những hiểm nguy này, vẫn còn có những lý do để hy vọng.
Để ra khỏi đại dịch, cần tái thúc đẩy hợp tác quốc tế ; việc tổ chức lại lao động và cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp tăng hiệu quả ; cột mốc hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường đã được đặt ra ; giá trị tập thể được coi trọng. Covid cho thấy những đòn bẩy cho các nền dân chủ : một Nhà nước có khả năng phản ứng nhanh, sức mạnh của kỹ nghệ và nghiên cứu, đầu tư vào công nghệ mới và giáo dục, hòa hợp xã hội, năng lực của các nhà lãnh đạo. Năm 2022 cũng mang tính quyết định đối với nước Pháp, đợt dịch thứ năm có thể cản trở cuộc bầu cử, làm yếu đi tính chính danh của tân tổng thống, trong khi nhiệm kỳ 5 năm tới phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính vì nợ nần.
L’Express cũng có cùng ý kiến : năm 2022 có quá nhiều yếu tố bất định. Tuần báo chọn phỏng vấn ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton, cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp, vì trong những tháng tới, một số quyết định quan trọng sẽ được đưa ra từ Bruxelles. Có thể kể : sản xuất và phân phối vac-xin ; bảo đảm nguồn cung chất bán dẫn, đất hiếm ; vũ khí pháp lý trong kỹ thuật số, nguyên tử ; chiến lược quốc phòng…Ông cho rằng Châu Âu cần tái lập tương quan sức mạnh, và rút ra bài học từ đại dịch : trong một cú sốc toàn cầu, ngay cả đồng minh trung thành nhất cũng có thể lo tự cứu lấy thân trước hết.
Putin sẽ sớm xâm lăng Ukraine ?
The Economist đăng hình vẽ tổng thống Nga Vladimir Putin đang bệ vệ trên ngai vàng với khẩu súng trường đặt trên đùi. L’Obs mô tả "Thế giới năm 2022, theo Putin"và đặt câu hỏi "Liệu chúng ta có phải chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng Ukraine tức khắc của Nga ?"
Vladimir Putin và Joe Biden sẽ thảo luận với nhau ngày 10/01 tại Genève, tuy nhiên không có sự tham dự của Châu Âu, trong khi tối hậu thư của Nga đưa ra là cho cả Washington lẫn Bruxelles, thậm chí đe dọa trực tiếp đến an ninh Châu Âu. Nhưng Putin coi Liên Hiệp Châu Âu là một cỗ máy cồng kềnh và bất lực, chỉ thích ngồi ngang hàng với Mỹ, biểu tượng cho chiến tranh lạnh – nỗi ám ảnh của ông.
Từ khi lên nắm quyền, Putin không ngừng nhắc nhở sức mạnh Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, bằng cách tấn công Gruzia, Ukraine, hay bỏ mặc trong tay kẻ thù như Armenia. Và giờ đây Vladimir Putin muốn buộc Mỹ phải công nhận quyền lực của Nga tại các nước chư hầu xưa. The Economist nói thêm, tổng thống Nga lu loa rằng đất nước của ông bị đe dọa, nhưng thật ra NATO là một liên minh phòng thủ. Ngay cả sau vụ Crimée bị Nga nuốt chửng, NATO vẫn không điều lực lượng chiến đấu thường trực tại Đông Âu. Mối đe dọa thực sự chính là Vladimir Putin, và những yêu sách quá đáng của ông chỉ củng cố thêm quyết tâm của phương Tây lẫn người dân Ukraine, thúc đẩy hai nước trung lập Thụy Điển, Phần Lan gõ cửa xin gia nhập NATO.
Cứng rắn hay mềm dẻo với Nga : Thế lưỡng nan của Mỹ
Theo Dimitri Trenin, giám đốc Carnegie Center ở Moskva, Putin xoáy vào nghịch lý trong chính sách đối ngoại Mỹ : vừa từ chối phủ quyết việc Ukraine gia nhập NATO, lại vừa không muốn bảo vệ Kiev trong trường hợp Moskva xâm lăng. Tuy nhiên, ông Trenin không cho rằng Nga sẽ đổ quân sang Ukraine ngay, Putin chủ yếu muốn ngăn chận việc mở rộng NATO thay vì chiếm thêm lãnh thổ. Cuộc thương lượng ngày 10/01 có thể dẫn đến việc ngưng để ngỏ NATO cho Ukraine và Gruzia.
Có điều, một sự nhượng bộ như vậy càng làm Mỹ mất uy tín. Năm 2013, Barack Obama nuốt lời hứa, không tấn công chế độ Syria dù chế độ này đã vượt qua lằn ranh đỏ vũ khí hóa học, đã mở ra đại lộ thênh thang cho Nga nhúng tay vào khu vực. Vụ rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021 càng làm các đối tác của Washington thêm nghi ngại.
Ngược lại, nếu Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn, Nga có thể tìm cách công nhận các "nước cộng hòa" tự tuyên bố Donetsk, Lugansk ; nhập vào một định chế địa chính trị mới gồm Nga và Belarus. Và càng khiến Moskva rơi vào vòng tay của Bắc Kinh : Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã bàn bạc về một cơ chế tài chính nhằm tránh né trừng phạt của Mỹ. Một viễn cảnh đáng lo cho Joe Biden, mà đôi mắt đang gắn chặt vào một cuộc chiến khác đang nóng dần lên giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Thời điểm lý tưởng để Putin làm mưa làm gió
Cũng về Ukraine, tờ báo Đức Deutsche Welle được Courrier International trích dịch nhận định "Putin sẽ không bao giờ lùi bước". Biden từng nói rằng Mỹ sẽ không triển khai vũ khí tấn công trên lãnh thổ Ukraine và trên thực tế, Washington đã nhượng bộ tất cả những gì có thể trước khi khởi động cuộc thương lượng ngày 10/01. Dù vậy, Kremlin vẫn đưa ra những yêu sách chắc chắn sẽ bị bác bỏ, mà theo The Economist, một thứ tối hậu thư để bị từ chối. Vì sao ?
Putin cho rằng phương Tây, nhất là Liên Hiệp Châu Âu, đã yếu đi vì đại dịch. Biden đã phạm sai lầm khi mời Putin đối thoại trực tiếp ngay sau khi quân Nga được huy động tại biên giới Ukraine. Động thái này được Moskva coi là dấu hiệu yếu đuối, cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng dùng Ukraine để "ngã giá", đổi lấy việc Nga không can thiệp vào xung đột Mỹ-Trung. Ông chủ điện Kremlin cũng bực tức vì tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bắt và đưa ra xử tội phản quốc Viktor Medvedtchuk, thủ lãnh nhóm chính khách thân Nga, bạn tốt của Putin. Bên cạnh đó là việc quân đội Ukraine sử dụng drone của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đại hóa Hải quân và tăng cường hợp tác với các nước NATO. Dưới cái nhìn của Moskva, đến một lúc nào đó Kiev có thể tấn công thắng lợi tại các vùng Nga đang kiểm soát ở Donbass.
Nga cho rằng thời điểm này không chỉ lý tưởng để làm mưa làm gió, mà còn là cơ hội duy nhất. Nước Đức do phe dân chủ xã hội lãnh đạo có quan hệ tốt với Nga, không muốn từ bỏ Nord Stream 2. Pháp bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống, và một ứng cử viên tuyên bố sẽ rút khỏi NATO, dỡ bỏ trừng phạt Nga. Hoa Kỳ giằng co giữa "Trung Quốc trước hết" với "đừng quên Nga", còn bản thân Ukraine yếu đi vì bất ổn chính trị và phản ứng chậm trước Covid.
Còn lại một yếu tố : là tổng tham mưu trưởng quân đội, Putin không thể điều một lực lượng hùng hậu và tốn kém đến như vậy chỉ nhằm đạt được một cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ. Nga không phải là một nước dân chủ, nên ông cần có được sự ủng hộ nơi các tướng lãnh, một trong những công cụ giúp ổn định chế độ. Thúc đẩy một cuộc xung đột với Ukraine có thể cần thiết cho Putin về mặt chiến lược. Thế nên hãy quên đi thượng đỉnh Kennedy-Krushchev và Brejnev-Nixon, nước Nga của Putin cảm thấy rảnh tay hành động hơn là Liên Xô cũ.
Kazakhstan : Tổng thống cầu viện ngoại bang, bất chấp độc lập đất nước
Ở khu vực Trung Á, Le Monde số cuối tuần nói về "Nền độc lập bị hy sinh của Kazakhstan". Phong trào nổi dậy của dân chúng bị đàn áp : 26 người biểu tình và 18 nhân viên an ninh thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, 3.000 người bị bắt, tổng thống Kassym-Jomart Tokayev khẳng định đã tái lập "trật tự hiến định".
Nhưng với cái giá nào ? Giá của máu – được bảo đảm bởi lực lượng trấn áp do người của Tokaiev đưa lên lãnh đạo, và cái giá cầu viện ngoại bang với cớ "tấn công khủng bố". Vladimir Putin gởi đến 3.000 quân trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC).
Tokayev có thể giữ được ghế, nhưng cũng như đồng nhiệm Alexander Lukashenko ở Belarus, ông phải mắc nợ Kremlin. Đối với một đất nước lâu nay giữ được thăng bằng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva, đây là một bước lùi thảm hại. Về phần Putin, sau Armenia và Belarus, nay ông có thể kiểm soát được cả Kazakhstan ; nhưng là một khu vực đang làm mồi cho nhiều cuộc nổi dậy, chỉ có thể trị vì bằng đàn áp.
Trung Quốc "zero Covid" vì vac-xin không hiệu quả, y tế yếu kém
L’Express quan tâm đến một nhà độc tài khác ở Châu Á, cho rằng 2022 là "Năm Tập đại đế được ‘ban phép thánh’ lần thứ ba, trong một Trung Quốc khóa kín". Tập Cận Bình sẽ tại vị ít nhất là một nhiệm kỳ 5 năm nữa nhân đại hội đảng mùa thu tới, và tiếp tục chính sách bàn tay sắt từ một thập niên qua.
Ông Tập núp sau "Vạn lý Trường thành dịch tễ", không rời khỏi Hoa lục từ ngày 18/01/2020 đến nay. Những người ngoại quốc được phép nhập cảnh phải chịu cách ly hai đến ba tuần lễ, số chuyến bay quốc tế bị giảm thiểu tối đa. Theo nhà nghiên cứu Richard McGregor của Viện Lowy ở Sydney, do tuyên truyền rằng sự thành công của zero Covid phản ánh tính "ưu việt" của chế độ cộng sản so với các nền dân chủ phương Tây, Bắc Kinh không có chọn lựa nào khác là phải tiếp tục chính sách cực đoan này.
Một lý do nữa là Trung Quốc không thể để cho bùng dịch vì hệ thống y tế yếu kém. Theo một nghiên cứu mới đây của Hồng Kông, vac-xin của Sinovac không bảo vệ được trước biến thể Omicron, kể cả tiêm đủ ba liều. Bên cạnh đó, Tập Cận Bình chủ trương gia tăng quyền lực của đảng lên nền kinh tế, nhân danh chủ nghĩa xã hội. Tăng trưởng sẽ còn giảm mạnh, và Omicron càng làm phức tạp thêm tình hình. Trong 11 tháng đầu 2021, có đến 4,3 triệu công ty nhỏ ở Hoa lục phải đóng cửa so với 1,3 triệu công ty mới thành lập.
Tập đè bẹp báo chí Hồng Kông, thăng chức bí thư Tân Cương
Tại Hồng Kông, Courrier International nói về"Mùa đông của báo chí độc lập". Sau khi Apple Daily bị đóng cửa tháng 6/2021 rồi đến trang web thông tin Stand News cuối tháng 12/2021, hôm 03/01/2022 đến lượt Citizen News thông báo chấm dứt hoạt động vì quá nhiều rủi ro. Chỉ có tờ Minh Báo (Ming Pao) cố gắng trình bày một cách khách quan, coi luật an ninh do Trung Quốc áp đặt là "lưỡi gươm Damoclès" treo trên đầu các nhà báo.
"Tại Tân Cương, người đứng đầu thay đổi nhưng mục tiêu vẫn như cũ",đó là nhận định của The Straits Times ở Singapore được Courrier International dịch lại. Hôm 25/12 người ta được biết Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Tân Cương rời chức vụ sau 5 năm đàn áp dữ dội, một số nhà quan sát cho đây là dấu hiệu Bắc Kinh nới tay hơn. Tuy nhiên, tờ báo dẫn một nguồn tin thông thạo trong đảng cho biết việc Trần Toàn Quốc ra đi không phải là tin tốt lành gì, ông ta có thể giữ ghế ở Bộ Chính trị và được bổ nhiệm làm lãnh đạo ngành an ninh, gồm cả công an, tình báo và tư pháp.
Thụy My
Nguồn : RFI, 08/01/2022