Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tôi xin nói một cách hết sức bình tĩnh rằng Putin là một kẻ tâm thần bệnh hoạn và hèn hạ. Thế giới chỉ có thể chiến thắng y bằng sức mạnh. Tôi toàn hoàn toàn đồng ý với tòa án quốc tế, chỉ có thể nhốt chung thân Putin vào tù mới giúp cho nhân loại bình yên.

Sự hèn hạ của Putin

Chỉ có kẻ mạnh mới có thể bao dung. Có thể lấy Yeltsin (tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga) làm ví dụ. Ông ta là một kẻ độc tài, ông ta ghét cay ghét đắng một phóng viên đến nỗi nếu thấy phóng viên đó xuất hiện trên truyền hình thì những người xung quanh lập tức chuyển sang kênh khác, vậy mà khi nghe tin người phỏng viên đó mắc trọng bệnh cần có sự can thiệp mạnh mẽ của y tế, Yeltsin đã dành cho người đó mọi điều kiện y tế cấp quốc gia. Ngược lại Putin là kẻ rất nhạy cảm, nên mọi biểu hiện về năng lực trước mặt Putin đều dẫn đến sự nguy hiểm.

Putin rất sợ sự coi thường của người khác, nên sau khi đã vững vàng trong vị trí quyền lực thì người đầu tiên bị xử chính là kẻ đã đưa ông ta lên - Pugachev (Пугачёв Сергей Викторович), thượng nghị sĩ Nga. Putin từng là một người thất nghiệp phải nằm khách sạn, Pugachev đã nhận Putin vào làm việc và sau đó giới thiệu Putin với Yeltsin. Theo Pugachev thì mộng ước của Putin lúc đó chỉ muốn kiếm tiền để ra sống ở nước ngoài. Tình hình chính trị của Nga 1996-1999 rất hỗn loạn, gần như không có tổng thống. Yeltsin biết mình bất lực nên chỉ cắm đầu vào rượu, toàn bộ chính quyền phó mặc vào tay Pugachev và con gái của ông. Chính Pugachev đã tiến cử Putin vào chức giám đốc PSB, (cơ quan kế thừa của KGB), để từ đó Putin tiến dần đến đỉnh cao quyền lực.

Chính Pugachev là người dìu dắt Putin trong suốt 13 năm. Ông đã dành cho Putin mảnh đất ngoại ô bên cạnh nhà ông nên ở ngoại ô Moskva có ba căn biệt thự sát bên nhau là biệt thự của Yeltsin, biệt thự của Pugachev và biệt thự của Putin. Vì vậy Putin bên cạnh Pugachev không chỉ trong thời gian làm việc mà kể cả bữa cơm chiều. Pugachev cũng từng tặng cho Putin siêu du thuyền. Nhưng điều này cũng không giúp được gì cho Pugachev, người ta nói gần vua như gần cọp. Dưới sức ép của Putin, Pugachev phải nhanh chóng rời bỏ đất nước, để lại toàn bộ gia sản, khoảng 12 tỉ USD để đổi lấy an toàn cho tính mạng.

xcang1

Sergei Viktorovich Pugachev, tỉ phú, cựu Thượng nghị sĩ Liên bang Nga, người đã đưa Putin lên đỉnh cao quyền lực nhưng sau đó bị Putin thanh trừng.

Theo lời Zhirnov (Жирнов Сергій Олегович) người từng học cùng trường KGB với Putin thì hầu hết sinh viên trường này đều là những nhân tài sau khi đã kết thúc khóa học ở các trường khác, riêng Putin là người được cử đi từ ngành an ninh, theo cách gọi của người Việt Nam đó là học hàm thụ. Người Việt Nam có câu "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức", cũng theo lời của Zhirnov, Putin trong khóa học mới, trước sự nhanh nhạy của giới trẻ cùng khóa thì Putin luôn thu mình, đôi khi Putin trở thành đối tượng của sự châm chọc. Người ta cho rằng Medvedev (cựu tổng thống Nga) được chọn thay thế cho Putin chính vì chiều cao, phần lớn người Nga đều cao hơn Putin.

Với bản tính hèn hạ, đố kỵ Putin không thể sống được với những người có tư cách và ngược lại những người có tư cách họ phải rời xa Putin. Chế độ độc tài Putin, sau hơn 20 năm chỉ còn lại những kẻ xu nịnh. Nhân tài nước Nga bỏ nước ra đi. Sự chảy máu chất xám trong tất cả mọi ngành mọi địa hạt. Chỉ còn lại những con người sẵn sàng vinh thân phì gia chấp nhận phủ phục trước đại đế Putin.

Cô đơn và ác độc

Từ một người chỉ có mong muốn có tiền để được sống ở nước ngoài thành một kẻ quyền lực, Putin không muốn rời vị trí của mình. Đó là hành trình của một kẻ cô đơn và ác độc. Ngoài những người thân như vợ và con, chỉ còn là liên minh lợi ích, Putin không có bạn. Theo lời Zhirnov, khi học trường KGB sinh viên được nhận 300 Rúp học bổng (theo tôi nhớ thì năm 1988 học bổng của tôi là 60 Rúp), với học bổng đó Putin hoàn toàn có thể đưa vợ con về sống ở Moskva. Nhưng ngay cả khi về Leningrad, Putin đi gặp gái nhiều hơn là về với vợ. Ở Leningrad, Putin đã từng phải vào đồn cảnh sát vì đánh nhau giành gái. Đây là lỗi rất nghiêm trọng của sinh viên KGB, họ không được có tên trong tất cả các biên bản của cơ quan công quyền. Qua sự chia sẻ của chính vợ Putin có thể thấy, bà ấy chỉ là một công cụ cho mục đích tiến thân của Putin, vì trong một số ngành học, việc có vợ như là một sự bắt buộc. Có nhiều dấu hiệu để thấy Putin là một người hoàn toàn cô độc trong cả cuộc sống gia đình.

Theo lời ông Pugachev, có lần nhận được tin cái chết đau thương của một bé gái, ông đã kể cho Putin nghe hi vọng nhận được sự đồng cảm. Ông không nhận được sự đồng cảm nào từ tổng thống của một đất nước. Ông ngỡ là mình đã đưa tin sau vì có người khác đã nói cho Putin rồi nên ông hỏi lại : có người đã nói cho anh rồi ? Putin khẳng định một cách thản nhiên : không anh là người đưa tin đầu tiên. Cái chết của ai đó đáng thương hay không đáng thương không hề làm Putin bận tâm.

pu1

Putin là một kẻ nói dối không biết ngượng và giờ đây y có nói gì thì cũng không ai tin.

Putin là một kẻ lường gạt

Trước cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, Putin vẫn khăng khăng nói dối không hề biết ngượng : "nước Nga không có ý định tấn công Ukraine". Putin còn cáo buộc Mỹ vu cáo và dựng chuyện Putin có ý định tấn công Ukraine. Ngày 24/2/2022 Putin tuyên bố mở cuộc hành quân đặc biệt vào Ukraine trên truyền hình và khẳng định sẽ lấy Kiev trong vòng 2 ngày. Putin hứa sẽ bắn pháo hoa và duyệt binh vào 20 giờ ngày 26/02/2022. Chiến dịch thất bại, Putin chẳng biết đổ lỗi cho ai. Hai năm trời chỉ biết nhắc đi nhắc lại câu ‘mọi thứ hoàn toàn trong kế hoạch’. Sự hèn hạ của Putin đã biến đất nước của Puskin, Lev Tolstoi... thành quốc gia nô lệ. Cả một hệ thống khổng lồ gồm truyền thông, báo chí, nhà nước, quốc hội, cảnh sát, nhà tù và giáo hội chính thống giáo cùng nhau toa rập nhắc lại những lời của hoàng đế Putin. Tự do ngôn luận bị bóp nghẹt. Một đất nước mất hết cả liêm sỉ !

Muốn trở thành người của Putin thì phải giúp Putin lừa cả xã hội, họ phải nhúng chàm. Từ một con người tài ba lão luyện, Lavrov trở thành người nói dối trơ trẽn trong các hội nghị quốc tế. 25 năm phục vụ cho Putin họ mất đi năng lực, mất đi tư cách, mất đi cả sự tử tế. Họ hoàn toàn thụ động. Nó đem đến cho Putin sự toàn quyền nhưng đất nước mất đi những bộ óc tỉnh táo và lương thiện.

Sự tê liệt của chính quyền độc tài

Tôi luôn tin tưởng rằng Putin sẽ thất bại trong cuộc chiến này, kể cả với kịch bản Putin nhanh chóng lấy được Ukraine và lập ra chính quyền thân Nga. Ukraine là một đất nước đã nhuốm màu dân chủ, người dân có thể lật đổ chính quyền bằng các cuộc biểu tình, họ sẽ không đầu hàng, họ sẽ lật đổ chính quyền thân Nga.

Tôi tin rằng rất nhiều những người thân cận của Putin đều hiểu rằng Ukraine là cái xương cá khó nuốt. Nhưng không ai đủ can đảm can ngăn Putin. Một người can đảm duy nhất là Patrushev (Патрушев Николай Платонович, thư ký Hội đồng An ninh quốc gia) dám liều mình can ngăn Putin, nhưng đã sợ đến á khẩu, chỉ lắp bắp nhắc lại lời Putin.

Putin có trong tay một chính quyền hoàn toàn tê liệt, cả một xã hội toàn trị chỉ có lệnh từ trên xuống và không có bất kỳ một chiều ngược lại. Cả nước chỉ còn lại một bộ óc duy nhất đó là bộ óc bệnh hoạn của Putin. Dấu hiệu rõ nhất của chế độ độc tài toàn trị khi Prigozhin (Евгений Викторович Пригожин) nổi loạn. Trước hết phải hiểu đội quân Wagner là đội quân hoàn toàn bất chính, không được nhìn nhận trên luật pháp nước Nga. Nhưng nó lại được Putin cung cấp cho một ngân sách khổng lồ. Chỉ với 25.000 quân theo lời của Prigozhin, nhưng có thể hành quân từ Bakhmut vượt qua biên giới, đi thẳng tới gần Moskva. Thực tế theo các đánh giá qua số lượng xe, người ta cho rằng chỉ có khoảng 8.000 quân tiến về Moskva. Không thể tưởng tượng nổi một đội quân với 8.000 quân có thể làm cho Putin hồn siêu phách lạc phải bỏ chạy ra khỏi Moskva. Tại sao Putin lại sợ Prigozhin đến vậy ? Vì bản chất của Putin là hèn nhát. Prigozhin một trùm băng đảng, băng đảng Prigozhin sống bằng luật riêng của giang hồ. Phần còn lại Nga sống bằng luật của Putin, Putin không sợ nô bộc của mình.

Sự sợ hãi của thế giới

Tôi chia sẻ quan điểm của tổng thống Zelensky cũng như của nhân dân Ukraine là không có gì để thỏa thuận với Putin. Thật đáng tiếc trong khi người dân Ukraine chiến đấu với một kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần thì thế giới lại thiếu đi những con người làm chính trị can đảm, dám thẳng thắn đứng về phía lẽ phải. Hàng ngày hàng giờ Ukraine không có đủ phương tiện và vũ khí để chiến đấu khiến biết bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương và trong đó có trẻ em. Thế giới phương Tây thừa phương tiện để ngăn chặn tên lửa từ điểm xuất phát, nhưng thời gian hơn hai năm chưa đủ cho họ vượt qua nỗi sợ. Sự sợ hãi của thế giới nói chung đã dung dưỡng sự hèn hạ, độc ác của Putin. Dường như thế giới đã coi Liên bang Xô viết cũ là địa hạt của riêng Putin. Thế giới đã quay lưng với người dân Nga, người dân Georgia (Gruzia)... và bây giờ là người dân Ukraine.

Một tin vui giờ cuối đó là Mỹ và NATO mới đây đã đồng ý (trong sự dè dặt) cho phép Ukraine dùng vũ khí được viện trợ để tấn công vào trong lãnh thổ Nga. Đó là một sự dũng cảm cần thiết để chống lại cuộc xâm lược của Putin. Cuộc chiến này đang diễn ra một cách rất kỳ cục và vô lý, quân xâm lược Nga thì tự do bắn phá và tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ của Ukraine trong khi Ukraine thì bị trói tay hoàn toàn, không được quyền bắn trả. Đã đến lúc phải thay đổi sự vô lý đó.

xcang3

Tổng thống Mỹ Biden đã bật đèn xanh cho phép Ukraine dùng vũ khí được viện trợ tấn công vào các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Quyết định dũng cảm này sẽ nhanh chóng làm thay đổi cán cân trên chiến trường.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn chúng tôi nghĩ nhưng kết quả sẽ không thay đổi : Nước Nga sẽ tan rã và biến mất khỏi danh sách các cường quốc trên thế giới. Người Nga sẽ phải ăn năn rất nhiều sau cuộc chiến này sau khi đền bù đầy đủ cho Ukraine. Còn Ukraine sẽ sớm được gia nhập vào các quốc gia dân chủ và phát triển trong đại gia đình Liên Hiệp Châu Âu.

Bài học lớn cho Việt Nam đó là khi một quốc gia không có dân chủ, quyền lực chính trị tập trung vào một kẻ độc tài, ắt sẽ đưa đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trong chế độ đó người dân không được tự do, sự vận hành của xã hội phụ thuộc vào ý muốn chủ quan và thất thường của kẻ nắm quyền. Mà kẻ độc tài nào cũng mắc chứng bệnh trầm kha : hoang tưởng, tự cho mình là tài giỏi, kiệt xuất, tự cho mình có quyền tối thượng định đoạt mọi việc của quốc gia vì thế mà xem thường tất cả, dù là người dân hay những kẻ dưới quyền.

Nước Nga đang rơi vào bế tắc và khủng hoảng không lối thoát vì Putin. Tham vọng đưa nước Nga trở lại thời hoàng kim chỉ là ảo tưởng, không những nó thất bại mà còn khiến liên bang Nga tụt hậu cả vài chục năm.

Dân tộc Nga, nhất là tầng lớp trí thức Nga, phải hạ bệ Putin thì mới có thể có một tương lai khác tươi sáng hơn và thế giới cũng bớt đi một kẻ xâm lược gây hấn, khủng bố xấc xược. Điều này chỉ có thể thành công khi Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu tăng cường cung cấp vũ khí, phương tiện cho người dân Ukraine giải phóng toàn bộ lãnh thổ của họ khỏi sự chiếm đóng tàn bạo của đồ tể Putin !

Đỗ Xuân Cang

(6/6/2024)

Published in Quan điểm

Trước chiến tranh, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở Ukraine có khoảng 7.000-8.000 người, chủ yếu sống tập trung ở ba thành phố lớn là thủ đô Kyiv, thành phố cảng Odessa và Kharkiv. Hơn 90% người Việt kinh doanh buôn bán hàng quần áo tại các khu chợ và trung tâm thương mại. 70% người Việt Nam có nhà và xe ô tô. Căn hộ một phòng ngủ mới xây có giá chỉ khoảng 50.000 USD. Người Việt định cư tại Ukraine chủ yếu là sinh viên và công nhân sang Ukraine làm việc theo chương trình xuất khẩu lao động được ký kết giữa Nhà nước Việt Nam và Liên Xô từ thập niên 80 đến 90.

Cũng như các cộng đồng Việt Nam khác trên thế giới, thế hệ thứ nhất đến Ukraine với hai bàn tay trắng và một quyết tâm thay đổi cuộc đời. Họ đầu tư cho thế hệ thứ hai ăn học đàng hoàng, đa số các cháu sinh ra và lớn lên tại Ukraine đều tốt nghiệp đại học. Do cơ hội làm việc tại Ukraine không nhiều nên phần lớn thế hệ thứ hai, sau khi học xong thì sang nước khác làm việc như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Canada…

Dù không giàu có và thành công như các cộng đồng người Việt khác nhưng nói chung cuộc sống của bà con người Việt tại Ukraine tương đối ổn định. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm nhiều người Việt tại Ukraine trắng tay do đồng tiền Ukraine mất giá nặng nề so với đồng USD. Cuộc ‘Cách mạng Nhân Phẩm’ của người dân Ukraine năm 2014 lật đổ tổng thống thân Nga, Viktor Yanukovich và sau đó là cuộc xâm chiếm bán đảo Crimea và vùng Donbass của Putin càng làm cho kinh tế Ukraine suy giảm. Công việc kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Ukraine ngày càng trở nên khó khăn khi người dân giảm mua sắm để lo cho việc ăn uống hàng ngày. Một số người Việt có tiền đã trở về Việt Nam làm ăn, chủ yếu là đầu tư vào bất động sản. Đa số bà con vẫn ở lại Ukraine vì con cái đang học hành dang dở…

uk101

Cuộc sống êm đềm của cộng đồng người Việt tại Ukraine đã kết thúc vào lúc 5 giờ sáng ngày 24/2/2022 khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine.

Cuộc sống êm đềm của cộng đồng người Việt tại Ukraine đã kết thúc vào lúc 5 giờ sáng ngày 24/2/2022 khi quân đội Nga tràn qua biên giới Ukraine. Tiếng bom và đạn pháo Nga rung chuyển khắp lãnh thổ Ukraine. Một cuộc xâm lược vô lý và ngang ngược nhất thế giới từ sau thế chiến thứ 2 đã bắt đầu. Cũng như đại đa số người dân Ukraine, không một người Việt Nam nào tin rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine. Nhiều người vẫn nhập một lượng hàng lớn, chuẩn bị cho mùa xuân. Nhiều người không có đồng nào trong nhà vì tiền bạc đã đầu tư hết vào hàng hóa.

Nhiều người Việt ở Ukraine tin rằng cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc với phần thắng thuộc về Putin. Xe tăng Nga đã vào đến trung tâm thành phố Kharkiv và lính dù Nga đã chiếm được sân bay Antonov, gần thị trấn Hostomen, cách trung tâm Kyiv chỉ 32 km… Thế nhưng diễn tiến cuộc xâm lược Ukraine đã diễn ra không theo đúng ý muốn của Sa hoàng Putin. Quân đội Ukraine đã chặn đứng đội quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới và đẩy lùi quân Nga về bên kia biên giới. Bị thiệt hại nặng nề nên quân Nga đã phải rút lui khỏi Kyiv và Kharkiv để tập trung vào khu vực Donbass và phía Nam Ukraine.

Sau hơn một tuần xảy ra chiến sự thì bà con người Việt ở Ukraine nhận ra rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài và trước sự bắn phá điên cuồng của quân Nga vào các khu dân cư thì họ không còn lựa chọn nào khác là phải di tản về phía Tây Ukraine. Các trạm xăng đã đóng cửa nên chỉ còn một cách di tản bằng tàu hỏa. Tình hình những ngày đó tại các sân ga lớn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng và khó quên. Hàng ngàn người chen chúc ở sân ga trong giá lạnh, chờ tàu suốt ngày đêm và khi tàu đến thì tình cảnh không khác gì trong bộ phim nổi tiếng Titanic. Cả biển người chen chúc, xô đẩy, la hét trong tuyệt vọng để được lên tàu và rồi cảnh sát và nhân viên đường sắt làm thành một hàng rào, họ chỉ cho phụ nữ và trẻ em lên tàu, tất cả đàn ông đều bị gạt lại. Nhiều người, cả ta lẫn tây cầm cả nắm tiền đưa cho cảnh sát để được lên tàu nhưng không ai nhận. Giàu nghèo khi đó đều ‘bình đẳng’ như nhau.

Đàn ông Ukraine từ 18 đến 60 tuổi không được xuất cảnh. Tuy nhiên đa số đàn ông người Việt tại Ukraine đều chưa có quốc tịch mà chỉ có thẻ định cư dài hạn nên đều được xuất cảnh. Họ phải chờ những chuyến tàu khuya mới được lên tàu. Suốt cuộc hành trình kéo dài từ 20 đến 24 giờ đó, họ đều phải đứng im một chỗ vì trên tàu chật cứng người. Sau khi đến Lviv, thủ phủ của miền Tây, giáp với Ba Lan thì mọi người không dừng lại mà tiếp tục di tản sang Ba Lan. Trừ những trường hợp hiếm hoi, đa số phải chờ từ 8 đến 10 tiếng giữa trời đêm giá lạnh mới qua được biên giới Ba Lan chỉ cách đấy độ 200 mét. Có những phụ nữ Ukraine đơn thân đem theo 3-4 đứa trẻ, trong đó có em bé chỉ mấy tháng tuổi, còn nằm trong xe nôi. Lần đầu tiên trong đời, bà con người Việt tại Ukraine mới biết thế nào là ‘chạy giặc’.

Người Ba Lan nói riêng và các nước EU nói chung đã chuẩn bị rất chu đáo và kịp thời trong việc đón tiếp người tị nạn Ukraine. Họ lập các trạm đón tiếp người Ukraine ngay sát biên giới, cạnh cửa khẩu biên phòng. Sau hàng chục tiếng đồng hồ chen chúc, chờ đợi giữa đêm khuya giá lạnh ở biên giới hai nước, chỉ cần đặt chân qua Ba Lan là mọi người được cho ăn uống đầy đủ sau đó được xe buýt chở đến ga tàu để về thủ đô Warszawa rồi từ đó đi các nước EU khác.

Người Việt có câu ‘trong cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau’, có sang EU mới thấy được sự văn minh, nhân bản và bao dung của họ. Những người tình nguyện viên làm việc 24h/24 từ lúc chiến tranh nổ ra với một thái độ và tình cảm chân thành, chia sẻ và thân ái. EU đã tiếp nhận hơn 8 triệu người Ukraine di tản và không một ai bị bỏ đói, không một ai bị ngủ ngoài đường và xã hội không hề loạn lạc, bất ổn. Không một người dân EU nào thấy bất tiện và giận dữ vì sự có mặt của những vị khách không mời. Các nước EU có đủ lý do để không nhận người Việt Nam sang tị nạn vì đa số đều có hộ chiếu Việt Nam và Việt Nam không bị chiến tranh. Tuy nhiên có lẽ họ quá hiểu chế độ cộng sản và vì họ rất nhân văn nên cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine đã được đón tiếp và đối xử như những người dân Ukraine. Tại Đức, các gia đình người Việt Nam đến từ Ukraine đều được cấp nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiền sinh sống. Tổng cộng một gia đình 3-4 người nhận khoảng 2000 Euro/tháng.

uk02

Người dân Ukraine sẽ không bao giờ quên và tha thứ cho cuộc xâm lược tàn bạo và ngang ngược của Putin và nước Nga.

Cộng đồng người Việt ở Đức, Ba Lan và các nước EU cũng rất tuyệt vời. Tình đồng bào của mọi người rất cảm động và đáng trân trọng, họ sẵn sàng nhường nhà cho những người đồng hương từ Ukraine ở và sau giờ làm việc họ nấu cơm, bún, cháo đem vào các trại tị nạn tiếp tế cho người Việt vì họ biết người Việt không ăn được bánh mì thường xuyên mà trong các trại thì bữa sáng và bữa tối thường là bánh mì, giò, bơ và pho mát. Chỉ bữa trưa mới có đồ ăn nóng. Nhiều cháu thanh niên Việt Nam thế hệ thứ hai bỏ cả công việc để đưa mọi người đi làm giấy tờ, thuê nhà, tìm việc làm, lấy thẻ điện thoại... Họ chân tình và cởi mở chứ không ‘sống chết mặc bay’ như ở Việt Nam.

Tất cả con em người Ukraine cũng như cộng đồng người Việt sang EU tị nạn đều được đi học ngay lập tức. Các lớp dạy tiếng bản xứ dành cho người Ukraine được mở ra và ai cũng có thể đăng ký đi học. Ai không thích thì đi làm. Đa số người Việt Nam sang Đức đều chọn công việc đi làm trong các quán ăn của người Việt. Đây là một ngành nghề rất phát triển tại Đức vì các quán ăn của người Việt có đủ ba tiêu chí ngon, bổ, rẻ. Giá một xuất ăn hay một bát bún phở giá từ 10-12 Euro, mức giá này so với thu nhập tại Đức là tương đối rẻ. Tuy nhiên công việc tại các quán ăn chiếm rất nhiều thời gian, bắt đầu từ 10 giờ sáng và kết thúc vào lúc 10 giờ tối, được nghỉ trưa 2 tiếng. Công việc không quá vất vả nhưng phải luôn chân luôn tay nên không phải ai cũng muốn làm. Các quán ăn của người Việt luôn thiếu người phục vụ, vì thế họ sẵn sàng nhận người Việt ở Ukraine sang. Vì quán toàn là người Việt nên cũng không cần phải biết tiếng. Đó là một lý do quan trọng vì hàng rào ngôn ngữ rất lớn mà không phải ai cũng vượt qua được.

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã, đang và sẽ làm thay đổi thế giới và nhất là nước Nga, Ukraine và cộng đồng người Việt sống tại Ukraine. Không ai biết chính xác khi nào chiến tranh sẽ kết thúc và đến lúc đó có lẽ chỉ một số ít người Việt quay trở lại Ukraine. Thời gian đã trôi qua hơn một năm, đa số người Việt đã tìm được cho mình một công việc mới ở các nước EU. Dù có những khó khăn ban đầu nhưng các nước EU rất phát triển, văn minh và bao dung nên bà con người Việt đã hội nhập rất nhanh. Mọi sự thay đổi đều khó khăn và cần thời gian nhưng dù gì thì sự thay đổi từ khổ sang sướng, từ lạc hậu sang văn minh, từ một nước nghèo sang các nước giàu… cũng dễ chịu và dễ thích nghi hơn là ngược lại.

uk03

Cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine dù có quay trở về lại Ukraine hay không thì tình cảm của họ dành cho Ukraine luôn là những gì thân thương và tốt đẹp nhất.

Theo tôi, sau khi chiến tranh kết thúc thì Ukraine sẽ sớm được gia nhập NATO và EU vì bây giờ người dân Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt đã được cấp giấy tờ cư trú trong hai năm và tự do đi lại trong EU. Nhiều người đã quay trở về Ukraine để giải quyết công việc như thanh lý hàng hóa, thăm nom nhà cửa… Hơn 4 triệu người Ukraine đã quay về nước nhưng có lẽ hàng triệu người khác, nhất là giới trẻ sẽ ở lại EU để học hành và tìm kiếm một công việc thích hợp. Ukraine còn rất nhiều việc phải làm sau khi chiến tranh kết thúc như chống tham nhũng, tạo dựng một môi trường sống và làm việc thông thoáng, văn minh và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Tôi tin là Ukraine sẽ làm được điều đó vì người dân Ukraine rất hiền lành, tử tế và nhân hậu. Họ đã chịu quá nhiều đau khổ, hy sinh và mất mát. Đây là cơ hội ngàn năm có một để họ xây dựng và kiến tạo lại đất nước theo tiêu chuẩn của EU. Cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine dù có quay trở về lại Ukraine hay không thì tình cảm của họ dành cho Ukraine luôn là những gì thân thương và tốt đẹp nhất. Nơi đó mãi mãi là một phần của cuộc đời họ, là những kỷ niệm êm đềm và hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

Việt Hoàng

(3/3/2023)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Nga xâm lăng Ukraine ? Dấu hỏi lớn cho Châu Âu năm 2022

Năm 2022 khởi đầu với nhiều bất định về dịch tễ, kinh tế và ba nguy cơ xung đột lớn (Đài Loan, Ukraine, Iran). Tại Châu Âu, liệu Putin sẽ xâm lăng Ukraine và Mỹ phải phản ứng ra sao ? Theo các báo tuần này, Nga hiện có nhiều thuận lợi, nhưng những yêu sách quá đáng của Moskva chỉ gây phản tác dụng.

ukraine1

Một thủy quân lục chiến Ukraine tại chiến hào, nơi giới tuyến với phe nổi dậy thân Nga ở Donetsk, ngày 07/01/2022. AP - Andriy Dubchak

Courrier International đặt vấn đề, từ ngày 01/01, Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, và Emmanuel Macron sẽ phải tả xung hữu đột trên nhiều mặt trận. Liệu đó có phải là điều tốt, hay lại thêm một gánh nặng cho ông ? Chân dung tổng thống Pháp cũng chiếm trang bìa Le Point với hàng tựa "Macron đệ nhị, để làm gì ?".Tuần báo phân tích về đường hướng ê-kíp mới của ông, cuộc "cách mạng" của vị tổng thống trẻ tuổi đã đi đến đâu. L’Obs chạy tựa"Loạn luân : Sức mạnh của ngôn từ", với ảnh bìa là tác giả cuốn sách tố cáo tệ nạn lâu nay bị coi là đề tài cấm kỵ.

Le Point nêu ra"Những gì để hy vọng cho 2022"dù năm nay nhiều bất định với dịch bệnh, lạm phát, đảo lộn địa chính trị, bất bình đẳng gia tăng… L’Express dành hồ sơ số đầu năm cho "Những hứa hẹn và thách thức của năm 2022".

2022 : Các chính phủ không thể kích cầu mãi

Sau 2020 của đại dịch và suy thoái lịch sử, 2021 được đánh dấu bởi sự phục hồi ở những nước có đầy đủ vac-xin. Năm 2022 khởi đầu bằng đợt dịch Covid thứ năm trong lúc cái giá thực sự phải trả qua sự can thiệp của các chính phủ bắt đầu hiện rõ.

Đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã làm 290 triệu người bị nhiễm ; 5,5 triệu người chết trên thế giới – nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì con số thực tế gấp hai đến ba lần. Biến thể Omicron buộc các nước phải áp đặt trở lại các biện pháp dịch tễ, tăng cường kiểm soát biên giới, thu hẹp một số lãnh vực hoạt động, thậm chí phong tỏa như Áo và Hà Lan. Hậu quả là tiêu thụ giảm, chuỗi cung ứng rối loạn.

Tiếp theo Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu cũng tìm lại mức độ của cuối 2019, nhưng số thiệt hại là khổng lồ. Tăng trưởng giảm mạnh tại Trung Quốc vì địa ốc, và tại các nước mới nổi vì thiếu vac-xin ; trong khi lạm phát tăng lên, tạo nguy cơ trì trệ. Thế nhưng việc trợ cấp ồ ạt cho các gia đình và doanh nghiệp không thể kéo dài mãi mãi, lượng tiền đổ vào nền kinh tế giảm dần và lãi suất tăng, gây bất ổn cho những nước nhiều nợ nần.

Nguy cơ xung đột ở Đài Loan, Ukraine, Iran và biến thể Omicron

Chiến tranh tiếp tục diễn ra ở Ethiopia, Miến Điện, Syria, Yemen… nhưng đáng lo nhất là nguy cơ xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên ba mặt trận. Đó là Đài Loan đang bị Trung Quốc gây áp lực lớn về quân sự, Ukraine bị 100.000 quân Nga đe dọa, và Iran sắp sửa bước qua ngưỡng chế tạo bom nguyên tử. Trước những hiểm nguy này, vẫn còn có những lý do để hy vọng.

Để ra khỏi đại dịch, cần tái thúc đẩy hợp tác quốc tế ; việc tổ chức lại lao động và cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp tăng hiệu quả ; cột mốc hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường đã được đặt ra ; giá trị tập thể được coi trọng. Covid cho thấy những đòn bẩy cho các nền dân chủ : một Nhà nước có khả năng phản ứng nhanh, sức mạnh của kỹ nghệ và nghiên cứu, đầu tư vào công nghệ mới và giáo dục, hòa hợp xã hội, năng lực của các nhà lãnh đạo. Năm 2022 cũng mang tính quyết định đối với nước Pháp, đợt dịch thứ năm có thể cản trở cuộc bầu cử, làm yếu đi tính chính danh của tân tổng thống, trong khi nhiệm kỳ 5 năm tới phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính vì nợ nần.

L’Express cũng có cùng ý kiến : năm 2022 có quá nhiều yếu tố bất định. Tuần báo chọn phỏng vấn ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton, cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp, vì trong những tháng tới, một số quyết định quan trọng sẽ được đưa ra từ Bruxelles. Có thể kể : sản xuất và phân phối vac-xin ; bảo đảm nguồn cung chất bán dẫn, đất hiếm ; vũ khí pháp lý trong kỹ thuật số, nguyên tử ; chiến lược quốc phòng…Ông cho rằng Châu Âu cần tái lập tương quan sức mạnh, và rút ra bài học từ đại dịch : trong một cú sốc toàn cầu, ngay cả đồng minh trung thành nhất cũng có thể lo tự cứu lấy thân trước hết.

Putin sẽ sớm xâm lăng Ukraine ?

The Economist đăng hình vẽ tổng thống Nga Vladimir Putin đang bệ vệ trên ngai vàng với khẩu súng trường đặt trên đùi. L’Obs mô tả "Thế giới năm 2022, theo Putin"và đặt câu hỏi "Liệu chúng ta có phải chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng Ukraine tức khắc của Nga ?"

Vladimir Putin và Joe Biden sẽ thảo luận với nhau ngày 10/01 tại Genève, tuy nhiên không có sự tham dự của Châu Âu, trong khi tối hậu thư của Nga đưa ra là cho cả Washington lẫn Bruxelles, thậm chí đe dọa trực tiếp đến an ninh Châu Âu. Nhưng Putin coi Liên Hiệp Châu Âu là một cỗ máy cồng kềnh và bất lực, chỉ thích ngồi ngang hàng với Mỹ, biểu tượng cho chiến tranh lạnh – nỗi ám ảnh của ông.

Từ khi lên nắm quyền, Putin không ngừng nhắc nhở sức mạnh Nga đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, bằng cách tấn công Gruzia, Ukraine, hay bỏ mặc trong tay kẻ thù như Armenia. Và giờ đây Vladimir Putin muốn buộc Mỹ phải công nhận quyền lực của Nga tại các nước chư hầu xưa. The Economist nói thêm, tổng thống Nga lu loa rằng đất nước của ông bị đe dọa, nhưng thật ra NATO là một liên minh phòng thủ. Ngay cả sau vụ Crimée bị Nga nuốt chửng, NATO vẫn không điều lực lượng chiến đấu thường trực tại Đông Âu. Mối đe dọa thực sự chính là Vladimir Putin, và những yêu sách quá đáng của ông chỉ củng cố thêm quyết tâm của phương Tây lẫn người dân Ukraine, thúc đẩy hai nước trung lập Thụy Điển, Phần Lan gõ cửa xin gia nhập NATO.

Cứng rắn hay mềm dẻo với Nga : Thế lưỡng nan của Mỹ

Theo Dimitri Trenin, giám đốc Carnegie Center ở Moskva, Putin xoáy vào nghịch lý trong chính sách đối ngoại Mỹ : vừa từ chối phủ quyết việc Ukraine gia nhập NATO, lại vừa không muốn bảo vệ Kiev trong trường hợp Moskva xâm lăng. Tuy nhiên, ông Trenin không cho rằng Nga sẽ đổ quân sang Ukraine ngay, Putin chủ yếu muốn ngăn chận việc mở rộng NATO thay vì chiếm thêm lãnh thổ. Cuộc thương lượng ngày 10/01 có thể dẫn đến việc ngưng để ngỏ NATO cho Ukraine và Gruzia.

Có điều, một sự nhượng bộ như vậy càng làm Mỹ mất uy tín. Năm 2013, Barack Obama nuốt lời hứa, không tấn công chế độ Syria dù chế độ này đã vượt qua lằn ranh đỏ vũ khí hóa học, đã mở ra đại lộ thênh thang cho Nga nhúng tay vào khu vực. Vụ rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021 càng làm các đối tác của Washington thêm nghi ngại.

Ngược lại, nếu Hoa Kỳ tỏ ra cứng rắn, Nga có thể tìm cách công nhận các "nước cộng hòa" tự tuyên bố Donetsk, Lugansk ; nhập vào một định chế địa chính trị mới gồm Nga và Belarus. Và càng khiến Moskva rơi vào vòng tay của Bắc Kinh : Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã bàn bạc về một cơ chế tài chính nhằm tránh né trừng phạt của Mỹ. Một viễn cảnh đáng lo cho Joe Biden, mà đôi mắt đang gắn chặt vào một cuộc chiến khác đang nóng dần lên giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Thời điểm lý tưởng để Putin làm mưa làm gió

Cũng về Ukraine, tờ báo Đức Deutsche Welle được Courrier International trích dịch nhận định "Putin sẽ không bao giờ lùi bước". Biden từng nói rằng Mỹ sẽ không triển khai vũ khí tấn công trên lãnh thổ Ukraine và trên thực tế, Washington đã nhượng bộ tất cả những gì có thể trước khi khởi động cuộc thương lượng ngày 10/01. Dù vậy, Kremlin vẫn đưa ra những yêu sách chắc chắn sẽ bị bác bỏ, mà theo The Economist, một thứ tối hậu thư để bị từ chối. Vì sao ?

Putin cho rằng phương Tây, nhất là Liên Hiệp Châu Âu, đã yếu đi vì đại dịch. Biden đã phạm sai lầm khi mời Putin đối thoại trực tiếp ngay sau khi quân Nga được huy động tại biên giới Ukraine. Động thái này được Moskva coi là dấu hiệu yếu đuối, cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng dùng Ukraine để "ngã giá", đổi lấy việc Nga không can thiệp vào xung đột Mỹ-Trung. Ông chủ điện Kremlin cũng bực tức vì tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bắt và đưa ra xử tội phản quốc Viktor Medvedtchuk, thủ lãnh nhóm chính khách thân Nga, bạn tốt của Putin. Bên cạnh đó là việc quân đội Ukraine sử dụng drone của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đại hóa Hải quân và tăng cường hợp tác với các nước NATO. Dưới cái nhìn của Moskva, đến một lúc nào đó Kiev có thể tấn công thắng lợi tại các vùng Nga đang kiểm soát ở Donbass.

Nga cho rằng thời điểm này không chỉ lý tưởng để làm mưa làm gió, mà còn là cơ hội duy nhất. Nước Đức do phe dân chủ xã hội lãnh đạo có quan hệ tốt với Nga, không muốn từ bỏ Nord Stream 2. Pháp bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống, và một ứng cử viên tuyên bố sẽ rút khỏi NATO, dỡ bỏ trừng phạt Nga. Hoa Kỳ giằng co giữa "Trung Quốc trước hết" với "đừng quên Nga", còn bản thân Ukraine yếu đi vì bất ổn chính trị và phản ứng chậm trước Covid.

Còn lại một yếu tố : là tổng tham mưu trưởng quân đội, Putin không thể điều một lực lượng hùng hậu và tốn kém đến như vậy chỉ nhằm đạt được một cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ. Nga không phải là một nước dân chủ, nên ông cần có được sự ủng hộ nơi các tướng lãnh, một trong những công cụ giúp ổn định chế độ. Thúc đẩy một cuộc xung đột với Ukraine có thể cần thiết cho Putin về mặt chiến lược. Thế nên hãy quên đi thượng đỉnh Kennedy-Krushchev và Brejnev-Nixon, nước Nga của Putin cảm thấy rảnh tay hành động hơn là Liên Xô cũ.

Kazakhstan : Tổng thống cầu viện ngoại bang, bất chấp độc lập đất nước

Ở khu vực Trung Á, Le Monde số cuối tuần nói về "Nền độc lập bị hy sinh của Kazakhstan". Phong trào nổi dậy của dân chúng bị đàn áp : 26 người biểu tình và 18 nhân viên an ninh thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, 3.000 người bị bắt, tổng thống Kassym-Jomart Tokayev khẳng định đã tái lập "trật tự hiến định".

Nhưng với cái giá nào ? Giá của máu – được bảo đảm bởi lực lượng trấn áp do người của Tokaiev đưa lên lãnh đạo, và cái giá cầu viện ngoại bang với cớ "tấn công khủng bố". Vladimir Putin gởi đến 3.000 quân trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC).

Tokayev có thể giữ được ghế, nhưng cũng như đồng nhiệm Alexander Lukashenko ở Belarus, ông phải mắc nợ Kremlin. Đối với một đất nước lâu nay giữ được thăng bằng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva, đây là một bước lùi thảm hại. Về phần Putin, sau Armenia và Belarus, nay ông có thể kiểm soát được cả Kazakhstan ; nhưng là một khu vực đang làm mồi cho nhiều cuộc nổi dậy, chỉ có thể trị vì bằng đàn áp.

Trung Quốc "zero Covid" vì vac-xin không hiệu quả, y tế yếu kém

L’Express quan tâm đến một nhà độc tài khác ở Châu Á, cho rằng 2022 là "Năm Tập đại đế được ‘ban phép thánh’ lần thứ ba, trong một Trung Quốc khóa kín". Tập Cận Bình sẽ tại vị ít nhất là một nhiệm kỳ 5 năm nữa nhân đại hội đảng mùa thu tới, và tiếp tục chính sách bàn tay sắt từ một thập niên qua.

Ông Tập núp sau "Vạn lý Trường thành dịch tễ", không rời khỏi Hoa lục từ ngày 18/01/2020 đến nay. Những người ngoại quốc được phép nhập cảnh phải chịu cách ly hai đến ba tuần lễ, số chuyến bay quốc tế bị giảm thiểu tối đa. Theo nhà nghiên cứu Richard McGregor của Viện Lowy ở Sydney, do tuyên truyền rằng sự thành công của zero Covid phản ánh tính "ưu việt" của chế độ cộng sản so với các nền dân chủ phương Tây, Bắc Kinh không có chọn lựa nào khác là phải tiếp tục chính sách cực đoan này.

Một lý do nữa là Trung Quốc không thể để cho bùng dịch vì hệ thống y tế yếu kém. Theo một nghiên cứu mới đây của Hồng Kông, vac-xin của Sinovac không bảo vệ được trước biến thể Omicron, kể cả tiêm đủ ba liều. Bên cạnh đó, Tập Cận Bình chủ trương gia tăng quyền lực của đảng lên nền kinh tế, nhân danh chủ nghĩa xã hội. Tăng trưởng sẽ còn giảm mạnh, và Omicron càng làm phức tạp thêm tình hình. Trong 11 tháng đầu 2021, có đến 4,3 triệu công ty nhỏ ở Hoa lục phải đóng cửa so với 1,3 triệu công ty mới thành lập.

Tập đè bẹp báo chí Hồng Kông, thăng chức bí thư Tân Cương

Tại Hồng Kông, Courrier International nói về"Mùa đông của báo chí độc lập". Sau khi Apple Daily bị đóng cửa tháng 6/2021 rồi đến trang web thông tin Stand News cuối tháng 12/2021, hôm 03/01/2022 đến lượt Citizen News thông báo chấm dứt hoạt động vì quá nhiều rủi ro. Chỉ có tờ Minh Báo (Ming Pao) cố gắng trình bày một cách khách quan, coi luật an ninh do Trung Quốc áp đặt là "lưỡi gươm Damoclès" treo trên đầu các nhà báo.

"Tại Tân Cương, người đứng đầu thay đổi nhưng mục tiêu vẫn như cũ",đó là nhận định của The Straits Times ở Singapore được Courrier International dịch lại. Hôm 25/12 người ta được biết Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Tân Cương rời chức vụ sau 5 năm đàn áp dữ dội, một số nhà quan sát cho đây là dấu hiệu Bắc Kinh nới tay hơn. Tuy nhiên, tờ báo dẫn một nguồn tin thông thạo trong đảng cho biết việc Trần Toàn Quốc ra đi không phải là tin tốt lành gì, ông ta có thể giữ ghế ở Bộ Chính trị và được bổ nhiệm làm lãnh đạo ngành an ninh, gồm cả công an, tình báo và tư pháp.

Thụy My

Nguồn : RFI, 08/01/2022

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế