Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/01/2022

Điểm báo Pháp - Dựng lại bóng ma Liên Xô

RFI tiếng Việt

Dựng lại bóng ma Liên Xô, giấc mơ của Putin

Ba mươi năm sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Vladimir Putin vẫn mơ làm sống lại bóng ma xưa cũ. Tuy nhiên theo nhà địa chính trị học Cyrille Bret, Nga không có được nguồn lực như thời Liên Xô cũ, và đang bị Trung Quốc lấn lướt.

bongma1

Công nhân Liên Xô mừng lễ Quốc tế Lao động tại Quảng trường Đỏ, Moskva ngày 01/5/1986.  AP – Boris Yurchenko - Ảnh minh họa

ORIS YURCHENKO

Cuộc đình công của ngành giáo dục hôm 13/01/2022, bạo lực đối với các đại diện dân cử, nỗi lo lạm phát là những chủ đề chính trên báo Pháp. Về thời sự quốc tế, Nga tiếp tục chiếm nhiều giấy mực của báo chí.

Hỏa tiễn Nga đe dọa Châu Âu

Tướng Stéphane Mille, tư lệnh Không quân Pháp khi trả lời phỏng vấn của Le Mondecho rằng "Vụ bắn hạ vệ tinh của Nga là điều đáng lo". Nga đã thử nghiệm cách đây nhiều năm và đến bây giờ mới thành công, chứng tỏ khả năng tấn công trên vũ trụ. Bên cạnh đó Nga còn triển khai một loại hỏa tiễn có chức năng tương tự nhưng phóng đi từ máy bay.

Vùng trời ngày càng bị tranh chấp. Trong 10 năm qua, đã có 98 phi cơ tiêm kích bị bắn hạ ở bên giới Châu Âu : tại Libya, Thượng Karabakh, Ukraine… Bên cạnh đó còn có 25 phi cơ vận tải, trinh sát, 63 trực thăng, trên 300 máy bay không người lái bị phá hủy. Nhiều hệ thống hỏa tiễn địa-không của Nga được xuất khẩu vào các khu vực sát cạnh Châu Âu, nhất là hệ thống phòng không tầm xa S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria. Ngoài ra còn có hỏa tiễn địa-không, chống hạm Kalibr đặt tại các căn cứ ở Syria, có thể đe dọa các hoạt động thường lệ của Pháp ở Hắc Hải và kênh đào Syria.

Nga-Trung đồng sàng dị mộng

Nhìn chung trong bối cảnh địa chính trị, nhà cựu ngoại giao Michel Duclos và chuyên gia về Châu Á François Godement phân tích trò chơi quyền lực giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, trong đó "Ukraine là khủng hoảng đầu tiên trong cuộc chiến tranh lạnh mới".

Nga và Trung Quốc thường sóng đôi bỏ phiếu phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc, và cùng có chung nỗi lo về các cuộc "cách mạng màu". Những trao đổi giữa hai bên – khí đốt và vũ khí Nga, hàng tiêu dùng Trung Quốc – vẫn không giúp Moskva và Bắc Kinh thôi nghi ngờ lẫn nhau. Trung Quốc thỉnh thoảng mới điều quân, Nga thì đưa quân sang Georgia (Gruzia), Donbass, Syria, Kazakhstan.

Chiếm Crimea, Nga bị phương Tây trừng phạt và trở nên lệ thuộc Bắc Kinh nhiều hơn, còn Trung Quốc của Tập Cận Bình lo bị cô lập ngoại giao. Bắc Kinh rất muốn biến tình trạng bị ruồng bỏ thành liên minh cơ hội với Nga, hoặc hù dọa Mỹ về nguy cơ hai cuộc khủng hoảng cùng lúc ở Ukraine và Đài Loan. Lần đầu tiên kể từ nhiều năm, Trung Quốc có lẽ cần Nga hơn là Nga cần Trung Quốc, và Vladimir Putin không quên điều này.

Trung Quốc không coi Nga "bằng vai phải lứa"

Sau khi huy động quân đội ở biên giới Ukraine và đưa ra tối hậu thư cho phương Tây, Putin họp trực tuyến với Tập. Thông cáo của Trung Quốc nói rằng "Nga sẽ kiên quyết bảo vệ lập trường Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Đài Loan", và "phản đối tất cả những ‘nhóm nhỏ’ ở Châu Á-Thái Bình Dương" - có nghĩa là liên minh AUKUS (Úc, Anh, Mỹ), và Bộ Tứ (Mỹ, Ấn, Úc, Nhật) ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Còn phát ngôn viên Nga cho biết : "Ông Tập ủng hộ ông Putin trong nỗ lực đạt được các bảo đảm pháp lý mang tính ràng buộc từ phương Tây".

Theo hai tác giả, các tuyên bố này sẽ thuyết phục hơn nếu nằm trong một thông cáo chung. Đi vào chi tiết từng thông cáo của mỗi phía, hai ông Duclos và Godement thấy rằng ông Tập hoan nghênh Putin đã chống lại sự "xúi giục chia rẽ" giữa Bắc Kinh và Moskva. Đây thực chất là một lời cảnh báo, cho thấy Trung Quốc không ưa tam giác chiến lược Washington – Moskva – Bắc Kinh. Trung Quốc thường cảnh giác trước các sáng kiến quân sự của Nga, còn Vladimir Putin vẫn bực tức khi Nga không được coi ngang hàng với hai đại cường Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Ukraine, khủng hoảng đầu tiên trong cuộc chiến tranh lạnh mới

Cuối cùng, một trong những chiếc chìa khóa của quan hệ Nga-Trung là lịch trình hành động. Không phải ngay ngày mai Trung Quốc tấn công Đài Loan, vì rủi ro quá lớn, giá trị chiến lược của hòn đảo đối với Mỹ và các đồng minh rõ ràng lớn hơn rất nhiều so với Ukraine. Vài năm nữa, quân đội đủ mạnh để đối đầu với Hoa Kỳ thì Bắc Kinh mới ra tay. Ngược lại Vladimir Putin đã từng dùng đến sức mạnh quân sự ở Châu Âu (Georgia, Crimea, Donbass), ông ta không muốn kết thúc sự nghiệp trong một cuộc chiến đóng băng, nhưng đặt nước Nga trở lại vị trí trung tâm.

Tập Cận Bình có thời gian rình mồi, tổng thống Nga thì cần ra tay khẩn cấp. Putin muốn dựa vào đồng minh cơ hội là Trung Quốc trong thời điểm thuận lợi này, trước khi Nga xuống dốc. Về phía Bắc Kinh, nhờ Nga giương oai giễu võ với Ukraine nên Mỹ phải phân tâm, không dốc toàn lực để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Về lâu về dài, Nga hung hăng về quân sự là một đồng minh có lợi cho Trung Quốc, nhưng bị cô lập nhiều hơn, và lệ thuộc vào Bắc Kinh nhiều hơn.

Người thiệt thòi trong sự leo thang này là Châu Âu, và Ukraine là khủng hoảng đầu tiên của cuộc chiến tranh lạnh mới, xảy ra tại Châu Âu nhưng Châu Á mới là trọng tâm được chú ý. Trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu vẫn có trong tay những vũ khí đáng kể, như trừng phạt thương mại Nga. Với Trung Quốc, thị trường Châu Âu rất quan trọng nên có thể làm áp lực để đối thoại. Trước mắt, trong cuộc chiến mới này, Châu Âu cần ưu tiên cho quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ. Với một niềm tin : cặp Nga-Trung không bao giờ có được sức mạnh của một Liên minh Bắc Đại Tây Dương vững chắc.

Bóng ma Liên Xô khó thể quay lại

Cũng về nước Nga, nhà địa chính trị học Cyrille Bret đặt câu hỏi trên Les Echos "Liên Xô sẽ quay lại chăng ?". Ba mươi năm sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, Vladimir Putin vẫn mơ làm dựng dậy bóng ma xưa cũ.

Đưa quân sang Kazakhstan ngay đầu năm 2022, can thiệp vào xung đột Armenia-Azerbaidjan năm 2021, tái lập liên minh với Belarus năm 2020, tấn công Ukraine từ 2014… Liên bang Nga lại đầu tư vào quân sự, kinh tế tại nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Tình trạng căng thẳng được Nga duy trì khắp nơi : Baltic, Hắc Hải, Caucasus (Kavkaz)… Tuy nhiên theo tác giả, Liên Xô không thể hồi sinh.

Trước hết, Liên bang Nga không có nguồn lực kinh tế, quân sự và chính trị như Liên bang Xô viết. Hoàn toàn lệ thuộc vào xuất khẩu dầu khí, khoáng vật và công nghệ quân sự, Nga không nắm được vận mệnh kinh tế của mình, dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc giá cả và trừng phạt. Dân số giảm làm tăng trưởng đi xuống, và quản lý nhà nước khiến khu vực tư nhân bị trói tay.

Nga không còn khả năng phố biến ý thức hệ như Liên Xô cũ. Nói cách khác, không có Mác Lênin, kinh tế kế hoạch hóa và phi thực dân hóa, Nga không thể nói chuyện với thế giới như hồi thập niên 60, 70. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chen vào sân sau của Nga với Con đường tơ lụa mới, lấn lướt với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và sự hiện diện cùng khắp về thương mại.

Từ con ngựa thành Troy đến chiến tranh phức hợp thời nay

Về mặt lịch sử, tác giả Marc Semo trên Le Monde nhận định, khi khởi động và duy trì những cuộc xung đột bất đối xứng, ở mức độ kém dữ dội trong đó quân đội không còn độc quyền, nước Nga của Vladimir Putin và Trung Quốc của Tập Cận Bình là những cường quốc đầu tiên sử dụng lại lý thuyết có từ thời cổ đại.

Chuyên gia Thomas Gomart của IFRI cho biết khái niệm "guerre hybride", tạm dịch "chiến tranh phức hợp", giúp định nghĩa các cuộc xung đột hiện nay - đang bao gồm cả đe dọa từ phía các Nhà nước sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hoạt động phối hợp giữa lực lượng đặc biệt và lính đánh thuê, và thủ đoạn bóp méo thông tin.

Kiểu chiến tranh này trộn lẫn các hoạt động quân sự với phi quân sự, trực tiếp và gián tiếp, luôn giữ dưới ngưỡng có thể bị trả đũa hay khởi phát chiến tranh. Sau khi dân chúng Ukraine nổi dậy lật đổ chế độ thân Nga, Moskva đã chiếm Crimea năm 2014 với lực lượng đặc biệt không quân hàm quân hiệu, được mệnh danh là "những người áo xanh", và giựt dây cho quân ly khai miền đông bằng các quân nhân mặc thường phục.

Với "chiến tranh phức hợp", không cần thiết phải vũ trang. Chẳng hạn chế độ Belarus mở cửa thậm chí đưa đường cho hàng ngàn di dân vượt biên để gây áp lực lên Châu Âu. Tung tin giả, tấn công tin học, dự báo kinh tế giả mạo… cũng là những dạng đối đầu mới, trong đó không phân biệt giữa lính chính quy và chiến binh nghiệp dư.

Thật ra chỉ có dạng thức là thay đổi, chứ xưa nay thủ đoạn, tuyên truyền, lừa dối vẫn được người xưa sử dụng, như câu chuyện Con ngựa thành Troy, hay "bất chiến tự nhiên thành" trong binh pháp Tôn Tử. Thế nên tướng Thierry Burkhard, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp muốn chuẩn bị để "chiến thắng trước khi xảy ra chiến tranh", một cuộc chiến diễn ra không chỉ trên chiến địa mà cả trong ngoại giao, tin học, không gian, kinh tế và luật pháp.

Ghép tim heo cho người : Thành công ngoạn mục của y học

Trên lãnh vực y tế, sự kiện lần đầu tiên ghép tim heo cho người được các báo coi là một thành công tuyệt vời của khoa học. David Bennett, người đàn ông Mỹ 57 tuổi bị thiểu năng tim ở giai đoạn cuối và rối loạn nhịp tim, không thể ghép tạng một cách bình thường và cũng không dùng được hệ thống bơm tim nhân tạo. Nếu để yên trong tình trạng hiện nay, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong, nên rốt cuộc FDA đã cho phép phẫu thuật. Người bệnh vẫn sống 72 tiếng đồng hồ sau cuộc giải phẫu với trái tim hoạt động được, có nghĩa là bộ phận mới không bị thải loại – nguy cơ lớn nhất khi ghép tạng.

Giáo sư John de Vos giải thích trên Le Figaro, có tất cả 10 gien được biến đổi trong số 20.000 gien của con heo, được thực hiện từ trong giai đoạn phôi thai và mang tính di truyền. Từ khi có được công nghệ Crispr-Cas9, việc chuyển đổi gien trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Bác sĩ Benoit Averland nói với Le Monde, đó là một loại "kéo ADN" vô cùng chính xác.

Trong số 10 gien trên, có 3 gien bị làm cho bất hoạt để trái tim không bị cơ thể người nhận thải loại lập tức vì là những gien đóng góp vào việc sản sinh ra chất đường cho loài vật, bị cơ thể người nhận ra ngay. Sáu gien người khác được cấy vào, và gien thứ mười bị loại ra để tránh tế bào tim phát triển quá nhanh, phù hợp hơn với cơ thể con người. Nếu bệnh nhân vẫn sống tiếp vài tháng nữa mà không có phản ứng thải loại, dù các loại thuốc làm hệ thống miễn dịch yếu đi, cuộc phẫu thuật coi như thành công hoàn toàn. Ông Gille Blancho, giám đốc Viện ghép tạng ở Nantes nhắc nhở, chúng ta đang chập chững bước đầu tiên của cuộc phiêu lưu. Vụ ghép tạng đầu tiên diễn ra trong thập niên 50, và mãi đến thập niên 80 mới thực sự cải thiện.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 347 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)