Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/01/2022

Khủng hoảng Ukraine : Thái độ của Hoa Kỳ và NATO đã rõ ràng

RFI tổng hợp

Hoa Kỳ bác bỏ yêu cầu của Nga, từ chối đóng cửa khối NATO với Ukraine

Thanh Phương, RFI, 27/01/2022

Trong văn bản trả lời gửi cho Nga hôm 26/01/2022, Hoa Kỳ đã bác bỏ một trong những yêu cầu chính yếu của Moskva, khi từ chối cam kết sẽ không thâu nhận Ukraine vào khối NATO. Tuy nhiên, Washington khẳng định đã đề nghị với Nga "một con đường ngoại giao nghiêm túc" để tránh một cuộc chiến tranh mới.

ukraine1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu về Nga và Ukraine trong cuộc họp giao ban tại Bộ Ngoại giao ở Washington, Mỹ, 26/01/2022  Reuters - Pool

Hôm qua, cả Hoa Kỳ và Liên minh Bắc Đại Tây Dương đều đã trao các bức thư cho phía Nga, vốn đã đòi phải trả lời bằng văn bản những dự thảo hiệp ước mà họ đã đề nghị với các nước phương Tây vào giữa tháng 12 năm ngoái.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Hoa Kỳ nhấn mạnh : Câu trả lời của họ là một con đường ngoại giao để tránh xung đột, nhưng vẫn với những lằn ranh đỏ mà ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại :

"Có những nguyên tắc căn bản mà chúng tôi đã cam kết ủng hộ và bảo vệ, trong đó có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và quyền của quốc gia này được chọn lựa tham gia các hiệp ước an ninh và các liên minh".

Nói cách khác, Washington không hứa là Ukraine sẽ không được gia nhập khối NATO và cũng không cam kết là Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ rút khỏi các quốc gia khác ở Đông âu.

Nhưng Mỹ sẵn sàng thảo luận về sự minh bạch của các cuộc tập trận ở Châu Âu và về vấn đề kiểm soát vũ khí. Ông Blinken nói :

"Câu trả lời của chúng tôi với Nga vẫn giống như tôi đã nói ở Kiev, Berlin và Genève tuần trước. Chúng tôi vẫn mở cửa cho đối thoại, chúng tôi thiên về giải pháp ngoại giao. Chúng tôi vẫn sẵn sàng tiến bước mỗi khi có một khả năng trao đổi thông tin và hợp tác với nhau, nếu nước Nga đi theo con đường xuống thang trong căng thẳng với Ukraine và chấm dứt những lời lẽ hiếu chiến, chấp nhận thảo luận về an ninh tương lai của Châu Âu, trong tinh thần đôi bên nhân nhượng nhau".

Tuy nhiên, trong cùng tuyên bố đó, ngoại trưởng Mỹ nhắc lại là việc cung cấp vũ khí cho Ukraine vẫn tiếp diễn, từ phía Hoa Kỳ cũng như từ các quốc gia Châu Âu, đặc biệt là các nước thành viên khối NATO.

Mặt khác, hôm qua, Washington hôm qua lại kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraine nên "tính đến việc rời khỏi nước này ngay bây giờ" để tránh bị kẹt trong một vùng chiến sự.

Thanh Phương

***********************

NATO trả lời Nga và kêu gọi đối thoại

Phan Minh, RFI, 27/01/2022

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) một lần nữa thuyết phục Nga đối thoại, nhưng vẫn không chấp nhận đòi hỏi của Moskva muốn khối này từ bỏ kết nạp các thành viên mới, có thể ảnh hưởng đến an ninh của Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 26/01/2022, cho biết khối này vẫn "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất" trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung.

ukraine2

Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 12/01/2022.  Reuters – Johanna Geron

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm :

Các đề xuất của NATO đã được ký bởi ba mươi quốc gia thành viên và đã được gửi tới Moskva. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng đối với Liên minh, điều cơ bản là khôi phục đối thoại với Nga, mở lại cơ quan đại diện ngoại giao, cùng nhau kiểm soát vũ khí, nhưng cũng phải cho phép nhau tiến hành các cuộc thanh tra trong các cuộc diễn tập lớn.

Ông Stoltenberg nói : "Việc Nga tăng cường triển khai binh lính sẵn sàng chiến đấu ở Belarus chính là lý do tại sao chúng tôi cần kiểm tra và thấy được sự minh bạch về các cuộc tập trận. Bởi vì chúng tôi đã thấy trước đây, chúng tôi đã thấy ở Crimea vào năm 2014, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến rằng quân đội ở mức độ báo động cao trong lúc luyện tập là một ngụy trang để phát động một cuộc tấn công".

Ngoài việc cáo buộc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự xung quanh Ukraine, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương còn từ chối các yêu cầu của điện Kremlin bằng cách khẳng định rằng "chính sách mở cửa" của họ vẫn tiếp tục cho Ukraine và Georgia một cơ hội, có thể là trong tương lai xa, gia nhập NATO.

Phan Minh

***********************

Ukraine : Pháp, Đức sẽ phản ứng mạnh với mọi gây hấn nhưng kêu gọi Nga đối thoại

Trọng Thành, RFI, 26/01/2022

Các nỗ lực ngoại giao của Châu Âu nhằm giải quyết hòa bình căng thẳng Nga – Ukraine bằng con đường đối thoại tiếp tục. Hôm 25/01/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz hội kiến tại Berlin. Lãnh đạo hai nước khẳng định chính quyền Nga sẽ phải "trả giá đắt" cho mọi hành động xâm lược.

ukraine3

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo chung trước cuộc hội đàm tại Phủ thủ tướng ở Berlin, Đức, ngày 25/01/2022.  Reuters - Pool

Tổng thống Pháp lên án chính sách gây bất ổn định của Nga tại khu vực nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tổng thống Macron nhấn mạnh đến việc Châu Âu cần phải chuẩn bị một phản ứng chung để đối phó với Nga, với mức độ tùy theo các hành động của Moskva. Về phía Đức, thủ tướng Olaf Scholz lưu ý Moskva "cần có các biện pháp rõ ràng để góp phần vào việc giảm căng thẳng", "mọi hành động xâm lược sẽ có các hậu quả nghiêm trọng".

Tuy nhiên, trong nội bộ các nước Châu Âu, hành động đơn phương từ phía Mỹ gây lo ngại có thể rót thêm dầu vào lửa. Các nước Châu Âu, trước hết là Pháp và Đức ưu tiên giải pháp ngoại giao.

Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev phân tích :

Hôm thứ Ba (25/01), trong một cuộc họp báo chung ở Berlin với thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Emmanuel Macron thông báo ông sẽ có một cuộc điện đàm ngày thứ Sáu (28/01) với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Tổng thống Pháp nói : "Nếu Nga gây hấn với Ukraine, sẽ có phản ứng và cái giá phải trả là rất cao".

Trên thực tế, trong nội bộ, giới ngoại giao Pháp và các đối tác Châu Âu bày tỏ thái độ giận dữ trước các động thái của Mỹ ở Ukraine. Ở Paris và các thủ đô Châu Âu khác, giới lãnh đạo Châu Âu khó có thể hiểu được quyết định được cho là quá sớm của chính quyền Mỹ, Anh và Úc về việc sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Kiev, trong lúc biện pháp huy động trước 8.500 lính Mỹ có thể đổ thêm dầu vào lửa, trước một cuộc gặp quan trọng mới Mỹ - Nga vào thứ Sáu tại Geneve, mà Hoa Kỳ sẽ phải phản hồi bằng văn bản đối với các yêu cầu của Nga về an ninh. 

Trong bối cảnh đó, Paris và Berlin chơi lá bài tái khởi động lại tiến trình Minsk II : trong tuần này các cố vấn của tổng thống Ukraine, Nga, Pháp và Đức sẽ gặp lại nhau sau nhiều tháng hoàn toàn bế tắc. Duy có điều, vấn đề chính vào thời điểm này không chỉ còn là việc giải quyết xung đột tại vùng Donbass, nơi tình hình đang rất yên tĩnh, mà là tránh một sự cố ngoại giao lớn và nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh quy ước giữa hai quốc gia. 

Nga từ chối mọi thương lượng với Liên Âu

Pháp, Đức thúc đẩy đối thoại với Nga, nhưng Moskva cự tuyệt. Theo Reuters, hôm nay, 26/01, tại Hạ Viện Nga, ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tuyên bố Nga hoàn toàn không có ý định thảo luận về tình hình Ukraine và an ninh của nước Nga với Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).

Ngoại trưởng Nga tái khẳng định Moskva sẽ có "các biện pháp phù hợp", nếu không nhận được từ Mỹ và Nato các đáp ứng đối với các quan tâm của Nga về an ninh. Nga đã đợi một văn bản trả lời từ phía Mỹ về các yêu cầu của Nga, đặc biệt là ngừng mở rộng khối NATO về phía đông.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Phan Minh, Trọng Thành
Read 262 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)