Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/01/2022

Điểm báo Pháp – Phương Tây siết chặt hàng ngũ

RFI tiếng Việt

Phương Tây siết chặt hàng ngũ, trước cuộc khủng hoảng Ukraine

Nếu chia rẽ, phương Tây sẽ thua cuộc ngay trước khi bắt đầu. Điều nghịch lý là sự hung hăng của Nga đã phản tác dụng : NATO đang "chết não" bỗng tỉnh thức và trẻ trung trở lại, thậm chí quyến rũ được cả Thụy Điển và Phần Lan. Pháp tâm đầu ý hợp với Mỹ đến nỗi phải tự hỏi vụ "phản bội" qua hiệp ước AUKUS ở Ấn Độ-Thái Bình Dương có thực sự xảy ra hay không. 

eu1

Các quân nhân Ukraine tuần tra tại khu vực tiền tuyến ở Donetsk, nơi họ phải chiến đấu với quân ly khai thân Nga. Ảnh chụp ngày 27/12/2021.  AP - Andriy Andriyenko

Biến thể Omicron làm dấy lại hy vọng miễn dịch tập thể, áp-phe xét nghiệm Covid béo bở, thất nghiệp thấp nhất tại Pháp kể từ 10 năm qua, ảnh hưởng của người nổi tiếng trong lớp trẻ Hồi giáo, Tây Phi trong vòng xoáy đảo chánh, đó là tựa chính trang nhất các báo Pháp hôm nay. Cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục chiếm nhiều giấy mực. Trong bài "Mỹ và Châu Âu đã hiểu ngoài số phận của Ukraine, chính mình cũng bị tấn công", Le Monde nhận định rốt cuộc phương Tây đã thấy ra cần phải sát cánh với nhau trước một nước Nga đang đe dọa thế cân bằng của toàn Châu Âu.

Đoàn kết trước Nga : Lối thoát của phương Tây

Không thể nào trở lại với cái thời chia rẽ trầm trọng hồi năm 2003 trong vụ đưa quân vào Iraq. Cuối tháng Giêng 2022, sau ba tháng hoang mang về ý đồ của Nga đối với Ukraine, rõ ràng giờ đây các đồng minh cần phải đoàn kết.

Đoàn kết, đó là thông điệp được lặp lại bằng mọi ngôn ngữ sau cuộc họp trực tuyến tối thứ Hai 24/01, tập trung các lãnh đạo chính của Châu Âu xung quanh tổng thống Joe Biden. Mối nguy đang cận kề. Tuần trước Paris còn bất bình khi Mỹ và Anh không thông báo những tin tức về khả năng Nga xâm lược Ukraine, và Berlin không giấu giếm những phân tích khác với Washington, còn Luân Đôn tranh với Mỹ vai trò đồng minh số một của Ukraine.

Tuần này, phương Tây siết chặt hàng ngũ. Cố vấn ngoại giao của tổng thống Pháp sang Washington để "trao đổi về tình hình tại chỗ" với đồng nhiệm Mỹ, và nay Pháp cho biết "hài lòng về việc chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ". Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) cùng với tổng thống Ba Lan được mời tham dự hội nghị video với Joe Biden, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thách thức tìm được một bất đồng nào dù nhỏ nhoi.

Putin muốn tái lập trật tự thế giới, như Liên Xô chưa hề sụp đổ

Tại sao có sự đoàn kết này ? Đó là vì phương Tây đã hiểu rằng cuộc khủng hoảng vượt ra ngoài số phận của Ukraine, chính mình cũng bị tấn công, toàn bộ an ninh Châu Âu bị thách thức. Tổng thống Nga không chỉ chống lại quyền của người Ukraine được chọn phe, mà còn muốn xóa đi những thành tựu mà Hoa Kỳ và đồng minh đạt được vào cuối cuộc chiến tranh lạnh. Một viên chức Ukraine đã cảnh báo "Nếu lần này các bạn để cho Putin tự tung tự tác, ông ta sẽ không dừng lại ở Kiev".

Cầm quyền từ hai thập niên, Vladimir Putin đã thu về dưới trướng ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (Belarus, Armenia, Kazakhstan), và chiếm đóng quân sự lãnh thổ của ba nước khác (Georgia, Moldavia, Ukraine). Nhờ can thiệp vào cuộc chiến Thượng Karabakh năm 2020, Putin cũng thành công trong việc bố trí được 2.000 quân trên vùng đất bị cho là lãnh thổ của Azerbaidjan. Công cuộc tái chinh phục vùng ảnh hưởng Nga không thể hoàn chỉnh nếu thiếu viên ngọc quý Ukraine.

Ông chủ điện Kremlin còn đòi rút tất cả lực lượng NATO ra khỏi những nước đã tham gia Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ cuối chiến tranh lạnh, quay lại với trật tự Châu Âu trước 1991. Cứ như sự sụp đổ của Liên Xô chỉ là một cơn ác mộng ! Tham vọng của Vladimir Putin không có gì mới mẻ, vấn đề là ông ta đang biến thành hành động.

Moskva hung hăng làm NATO bỗng thức tỉnh

Tại sao lại tiến hành lúc này ? Đó là vì Putin thấy mở ra một cơ hội trong tình hình phương Tây hiện nay. Chuyên gia Marek Menkiszak thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông (OSW) ở Warszawa phân tích : "Vladimir Putin nhận thấy cuộc khủng hoảng năng lượng là dịp may duy nhất để bắt bí Châu Âu. Ông ta nghĩ rằng phương Tây đang bị khủng hoảng nhiều mặt, với các xã hội phân cực, giới tinh hoa dị ứng trước những rủi ro, một Châu Âu chỉ lo cho những vấn đề riêng mình, và như vậy phản ứng sẽ hạn chế. Putin biết rằng chính sách về Ukraine của mình là thất bại, nhưng tin giờ đây có thể lật ngược thế cờ".

Song song đó, dù yếu kém về kinh tế, Moskva vẫn can thiệp vào Trung Đông, Châu Phi và vùng Balkan, đồng thời nuôi dưỡng quan hệ với Trung Quốc vốn đang thích thú quan sát cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba 25/01 tóm tắt, Nga "đang trở thành một thế lực gây bất ổn tại biên giới Châu Âu, ở vùng Caucasus và vài khu vực khác".

Nếu chia rẽ, phương Tây sẽ thua cuộc ngay trước khi bắt đầu. Điều nghịch lý là sự hung hăng của Nga đã phản tác dụng : NATO đang "chết não" bỗng tỉnh thức và trẻ trung trở lại, thậm chí quyến rũ được cả Thụy Điển và Phần Lan. Ba Lan tỏ ra hợp tác. Pháp muốn gởi quân sang Rumani, và tâm đầu ý hợp với Mỹ đến nỗi phải tự hỏi vụ "phản bội" qua hiệp ước AUKUS ở Ấn Độ-Thái Bình Dương có thực sự xảy ra hay không. Le Monde mong rằng sự đoàn kết này vững chắc vì ván cờ có nguy cơ kéo dài.

Châu Âu lệ thuộc cả Mỹ lẫn Nga

Nhà nghiên cứu Cyrille Bret nhận định trên Le Monde "Có một hố sâu giữa can thiệp quân sự của Nga và việc tái lập Liên bang Xô viết". Từ sau cuộc chiến với Georgia năm 2008, Moskva duy trì áp lực quân sự khắp nơi : trên biển Baltic, Hắc Hải, Caucasus. Khi NATO mở rộng cho Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, các nước Baltic, Nga tiến hành cuộc chiến phức hợp về quân sự, kinh tế, ngoại giao, truyền thông, tại những nước còn lại trong không gian hậu xô-viết. Tuy nhiên khó thể dựng lại uy thế của Liên Xô cũ : không có chủ nghĩa Mác-Lê, kinh tế kế hoạch hóa và phi thực dân hóa, Nga không thể nói chuyện với thế giới cùng một tư cách như thời Liên bang Xô viết. Nhưng duy trì huyền thoại Liên Xô giúp dân chúng quên đi sự bất lực không đa dạng hóa được nền kinh tế, sự lép vế trên trường quốc tế trước các thế lực mới như Trung Quốc. Bóng ma Liên Xô không thể gây sợ hãi.

"Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Châu Âu nhận rõ tính dễ tổn thương của mình", theo nhà chính trị học Alexandra de Hoop Scheffer : vừa phải dựa vào Mỹ vừa lệ thuộc vào nguồn khí đốt Nga. Đây là cuộc xung đột không cân xứng, trước những lằn ranh đỏ rực của Moskva, những ranh giới được Washington và Bruxelles đặt ra chỉ là màu hồng nhạt.

Sự nhập nhằng của Joe Biden giữa "một vụ xâm nhập nhỏ"  "tấn công Ukraine" khiến Putin có thể dấn tới. Mập mờ trong chiến lược thật ra được duy trì từ 2008, khi hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucarest hứa hẹn Georgia và Ukraine "có thể là thành viên", nhưng lại không mở ra cuộc đàm phán nào về vấn đề này. Hai nước liên quan bèn bị Moskva coi là kẻ thù chiến lược, nhưng lại không có được bảo đảm an ninh của NATO. Các quốc gia thành viên NATO cũng trong thế lưỡng nan, không muốn Ukraine gia nhập, nhưng lại không thể tự cho phép đóng chặt cánh cửa trước áp lực của Nga.

Nga có thể ngưng bán khí đốt cho Châu Âu để trả đũa ?

Không chỉ có áp lực quân sự. Về mặt kinh tế, liệu Nga có thể ngưng bán khí đốt cho Châu Âu để trả đũa khi bị trừng phạt hay không ? Câu hỏi mà cách đây mới vài tuần không thể hình dung được, nay cần nghiêm túc đặt ra - cho dù chỉ mới trên lý thuyết - trước sự leo thang căng thẳng ở Ukraine.

Nhà phân tích Michael Stoppard của IHS Markit nhận định trên Les Echos, khó có việc Moskva ngưng cung cấp toàn bộ. Nhưng cần chuẩn bị cho một số kịch bản như một số đường ống dẫn khí nối Nga với Châu Âu thông qua Ukraine và Ba Lan bị đóng. Châu Âu rất lệ thuộc vào khí thiên nhiên, có những năm khí đốt từ Nga chiếm đến 40%, tỉ lệ này năm ngoái còn 30%, riêng Pháp chủ động hơn vì nhà cung cấp chính là Na Uy. Năng lượng nhập từ Nga ít hơn một phần do giá tăng gấp bốn lần. Washington, Berlin và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tố cáo Moskva siết nguồn cung để lên giá, gây áp lực đối với phương Tây.

Một viên chức cao cấp Nhà Trắng ẩn danh cho biết sẵn sàng tìm giúp nguồn năng lượng thay thế, nhấn mạnh rằng Nga cũng cần thu nhập từ dầu khí như Châu Âu cần năng lượng. Ngày mai tổng thống Joe Biden sẽ tiếp quốc vương Qatar, nhà xuất khẩu khí hóa lỏng (GNL) hàng đầu thế giới để bàn về "sự ổn định trong trật tự năng lượng quốc tế". Nhà phân tích Kateryna Filippenko của Wood Mackenzie giải thích, Châu Âu có nhiều giải pháp. Na Uy có thể tăng sản lượng và Hà Lan, Algérie cũng vậy. Nhất là Châu Âu có thể nhập GNL nhiều hơn từ Hoa Kỳ, Qatar, Châu Phi. Riêng trong tháng Giêng, số khí hóa lỏng nhập khẩu có thể cao hơn khí đốt Nga, một điều chưa từng xảy ra. Một phần là nhờ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhập GNL ít hơn do thời tiết ấm áp ở Bắc Á.

Nguồn khí dự trữ của Châu Âu đủ dùng trong mùa đông này, tuy nhiên phải lo nhập ồ ạt kể từ mùa xuân để bảo đảm cho mùa đông 2022-2023. Nếu Nga tiếp tục giới hạn xuất khẩu, tình trạng thiếu năng lượng sẽ tiếp diễn, giá tăng vọt làm hao mòn túi tiền các nước nhập khẩu. Nhiều nước như Pháp đã phải chi ra hàng tỉ euro để kềm giá khí đốt và điện. Michael Stoppard kết luận, vấn đề là khủng hoảng giá cả hơn là khủng hoảng nguồn cung.

Khủng hoảng Ukraine : Giá dầu tăng, đồng rúp xuống dốc, lúa mì có thể khan hiếm

Nhật báo kinh tế Pháp cũng cho biết, tình hình căng thẳng ở Ukraine làm giá dầu tăng vọt, còn đồng rúp sụt giá. Trong khi các nhà ngoại giao Pháp, Đức, Nga, Ukraine đàm phán, ba ngưỡng mang tính biểu tượng đã bị vượt qua hôm thứ Tư. Đồng rúp lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020 xuống giá, phải 80 rúp mới đổi được 1 đô la. Dầu thô vọt lên 90 đô la một thùng, lần đầu kể từ 7 năm qua. Bên cạnh đó Washington, lo ngại Nga xâm lăng, kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Ukraine - một cảnh báo chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ với hai nước này.

Một cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine cũng sẽ làm chao đảo thị trường kim loại và lúa mì. Giáo sư Philippe Chalmin, đại học Paris-Dauphine nhắc nhở, nguyên vật liệu luôn biến động trước mọi cuộc xung đột. Năm ngoái, tranh cãi giữa Bắc Kinh và Melbourne khiến than đá tăng giá, vụ đảo chánh ở Guinée làm cho nguồn bauxite trở nên bất ổn. Cho đến nay, giá quặng kim loại và nông sản vẫn dao động theo sức nóng của thương chiến Mỹ-Trung, nhưng nay Ukraine trở thành trung tâm mọi biến chuyển. Nếu Ukraine bị xâm lăng, giá nhôm và kẽm sẽ tăng vọt, nông sản cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt là lúa mì, vì Ukraine là một trong tám nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Vladimir Putin nếu nuốt chửng được Kiev, sẽ kiểm soát được 1/3 thị trường lúa mì toàn cầu.

Một trận chiến khác giữa Ukraine và Nga : Báo động đánh bom giả

Nhật báo La Croixnói thêm về "Cuộc chiến kỳ lạ về báo động bom giả giữa Nga và Ukraine". Hôm thứ Hai 24/02, cảnh sát thành phố Kryvyi Rih ở miền trung Ukraine nhận được thư nặc danh đe dọa làm nổ tung tất cả các trường học trong vòng một tiếng đồng hồ, khiến phải nhanh chóng sơ tán học sinh, nhiều em vừa chạy vừa khóc. Chỉ từ đầu năm đến nay, đã có 340 vụ báo động kiểu này, làm Ukraine phải sơ tán hơn 3.100 cơ sở trên khắp cả nước. Về phía Nga chỉ có một ít vụ báo động giả tương tự, và thường Kiev bị điểm mặt chỉ tên. Tuy nhiên phải kể thêm một nguyên nhân khác : Tass cho biết hôm 21/01 nhiều học sinh bị bắt tại thành phố Krasnoiarsk của Nga thú nhận đã bịa ra có bom để đùa chơi.

Nhìn chung trong năm 2021, lực lượng an ninh Ukraine ghi nhận có đến trên 1.100 báo động đánh bom, hầu hết từ Nga hay miền đông Ukraine đang do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine tố cáo Moskva muốn gieo rắc sợ hãi, làm cảnh sát Ukraine kiệt lực vì phải liên tục kiểm tra và tổ chức di tản, còn cơ quan tình trạng khẩn cấp gọi làn sóng báo động giả này là "khủng bố thông tin".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 182 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)