Ukraine : Mỹ duy trì sức ép với Nga, loan báo gởi quân tăng viện đến Đông Âu
Trọng Nghĩa, RFI, 29/01/2022
Vào lúc các đồng minh ráo riết thúc đẩy các hoạt động ngoại giao hướng về Nga, Washington tiếp tục gia tăng áp lực lên Moskva. Vào hôm 28/01/2022, tổng thống Mỹ đã thông báo khả năng điều động một số lượng quân hạn chế đến Đông Âu.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Nicholas Kamm AFP
Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với một số phóng viên tại Washington, ông Joe Biden đã tiết lộ ngắn gọn: "Tôi sẽ sớm gửi quân đội Mỹ đến Đông Âu và các nước NATO. Không nhiều lắm". Tổng thống Mỹ tuy nhiên không nói gì thêm.
Mới đây, Hoa Kỳ đã đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động để sẵn sàng hỗ trợ cho NATO, nhưng chính tổng thống Mỹ đã nhiều lần nhắc lại rằng sẽ không có chuyện gởi lính Mỹ đến Ukraine, một quốc gia không phải là thành viên NATO.
Khả năng đưa thêm quân qua Đông Âu được cho là một động thái nhằm gia tăng áp lực lên Nga, mà Mỹ cho là có thể tấn công Ukraine vào giữa tháng 2. Vào hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng với hơn 100.000 quân đang được triển khai ở vùng giáp giới Ukraine, Nga đã có đủ lực lượng cho một cuộc xâm lược.
Tuy nhiên lãnh đạo Lầu Năm Góc vẫn cho rằng chiến tranh giữa Ukraine và Nga không phải là "không thể tránh khỏi", và "vẫn còn thời gian và phạm vi hoạt động cho ngoại giao".
Quân đội Nga đưa máu đến gần biên giới Ukraine
Cho dù vậy, hãng tin Anh Reuters đã trích dẫn 3 quan chức Mỹ tiết lộ rằng việc Nga tăng cường quân đội đến vùng gần biên giới với Ukraine còn kèm theo việc đưa thêm máu đến khu vực.
Việc bảo đảm được nguồn cung cấp máu cho những người bị thương là một chi tiết củng cố nhận xét của Mỹ về khả năng Nga mở cuộc tấn công vào nước láng giềng.
Trọng Nghĩa
***********************
Nga đưa máu tới Ukraine khiến Mỹ thêm lo ngại
VOA, 29/01/2022
Nga không những huy động lực lượng gần Ukraine mà còn huy động cả nguồn cung ứng tiếp tế máu và các vật dụng y khoa để có thể chữa trị thương binh, một chỉ dấu quan trọng nữa cho thấy sự sẵn sàng của quân đội Nga, ba giới chức Mỹ cho Reuters biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Hỗn hợp Mỹ họp báo về Nga và Ukraine tại Ngũ Giác Đài, ngày 28/1/2022.
Các giới chức Mỹ đã hồi hương và đương chức nói những chỉ dấu cụ thể - như tiếp tế máu - là quan trọng để xác định liệu Moscow có sẵn sàng xâm chiếm Ukraine hay không, một khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh.
Diễn tiến này diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng cảnh báo rằng là Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng Ukraine khi tập trung hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng dự đoán rất có thể xảy ra cuộc tấn công của Nga và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nói Nga có thể mở một cuộc tấn công mới vào Ukraine với một thông báo sát nút.
Ngũ Giác Đài từng công nhận là việc triển khai "yểm trợ y tế" nằm trong khuôn khổ cuộc huy động binh sĩ của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga chưa hồi đáp yêu cầu bình luận.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc không bình luận về việc Nga tiếp tế nguồn cung máu tới khu vực nhưng lưu ý các cảnh báo trước nay của Mỹ về sự sẵn sàng của quân đội Nga.
Ngũ Giác Đài từ chối thảo luận về những đánh giá tình báo.
Các giới chức Nga liên tục phủ nhận có kế hoạch xâm lược. Tuy nhiên Moscow nói họ cảm thấy bị đe dọa vì những quan hệ ngày càng tăng của Ukraine với phương Tây.
Tổng thống Nga ngày 28/1 nói Mỹ và NATO không giải quyết những đòi hỏi an ninh chính của Nga trong vấn đề Ukraine, nhưng Moscow sẵn sàng tiếp tục đàm phán.
Ông Biden từng tuyên bố sẽ không đưa quân đội Mỹ hay quân đồng minh sang Ukraine chống Nga nhưng nhấn mạnh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm hôm 27/1, rằng Washington và đồng minh sẵn sàng đáp trả quyết liệt nếu Nga xâm chiếm quốc gia cựu Xô Viết, Tòa Bạch Ốc nói.
Mỹ và các nước đồng minh đã cảnh cáo Nga sẽ phải chịu những chế tài kinh tế mạnh mẽ nếu tấn công Ukraine.
Các nước phương Tây liên tục áp đặt nhiều vòng chế tài kinh tế kể từ khi binh sĩ Nga chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Tuy nhiên những động thái như vậy không ảnh hưởng đủ mạnh lên chính sách của Nga. Moscow, nguồn cung cấp năng lượng chính cho EU, cho rằng phương Tây sẽ không có các bước nghiêm trọng để can thiệp vào việc xuất khẩu khí đốt.
(Reuters)
*************************
Mỹ cảnh báo có "nhiều khả năng" Nga tấn công Ukraine vào tháng Hai
Thu Hằng, RFI, 28/01/2022
Trong cuộc điện đàm ngày 27/01/2022 với đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cảnh báo có "nhiều khả năng" Nga tấn công Ukraine vào tháng Hai. Theo bà Emily Horne, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, lời cảnh báo này vẫn được nguyên thủ Mỹ "công khai đề cập" và "chúng tôi đã dự báo từ nhiều tháng nay".
Thiết giáp của Nga tại Kadamovsky trong vùng Rostov gần biên giới với Ukraine. Ảnh ngày 27/01/2022. Reuters – Sergey Pivovarov
Trong cuộc điện đàm lần thứ ba kể từ tháng 12/2021, ông Biden tiếp tục trấn an tổng thống Zelensky rằng Hoa Kỳ cùng với các đồng minh "cương quyết" đáp trả trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Thông cáo của Nhà Trắng, được AFP trích dẫn, còn cho biết tổng thống Mỹ đang "suy nghĩ đến việc hỗ trợ thêm về kinh tế" cho Ukraine.
Ngoài ra, ông Joe Biden khẳng định đại sứ quán Mỹ tại Kiev "vẫn mở cửa và hoạt động" dù Washington quyết định hồi hương gia đình nhân viên sứ quán. Quyết định này từng bị chính quyền Kiev chỉ trích là "bất cân xứng".
Mỹ yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp về khủng hoảng Ukraine
Ngoài tìm kiếm tiếng nói chung với Liên Hiệp Châu Âu và Ukraine, Mỹ đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp về hồ sơ Ukraine. Cuộc họp ban đầu được dự kiến diễn ra ngày 28/01 nhưng hoãn lại đến thứ Hai 31/01 để tránh ảnh hưởng đến cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Nga.
Trong một thông cáo, đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield lên án "Hơn 100.000 quân Nga được triển khai ở biên giới Ukraine và Nga đang tiến hành nhiều hoạt động gây bất ổn khác nhắm vào Ukraine. Đây là mối đe dọa rõ ràng cho hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc".
Tuy nhiên, một số nguồn tin phương Tây cho rằng nếu tấn công, có thể tổng thống Vladimir Putin sẽ không tiến hành trong kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 theo đề nghị của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng chính thức ủng hộ "những mối bận tâm chính đáng" của Moskva, theo ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm ngày 27/01 với đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken. Phía Washington "kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng đối với Moskva để thúc đẩy Nga đàm phán ngoại giao".
Thu Hằng
*************************
Anh : Hãy đề phòng Nga tấn công mạng khi khủng hoảng Ukraine trầm trọng thêm
VOA, 28/01/2022
Vương quốc Anh đưa ra lời cảnh báo hôm thứ Sáu 28/1 rằng các doanh nghiệp lớn cần tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng của Nga vì phương Tây ngày càng lo ngại rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ ra lệnh cho quân đội sáp nhập thêm một phần đất nữa của Ukraine.
Các trang web của các cơ quan nghe lén GCHQ và tình báo MI5 của Anh.
Mỹ, Liên hiệp Châu Âu và Anh đã nhiều lần cảnh báo ông Putin chớ có tấn công Ukraine sau khi Nga triển khai khoảng 100.000 quân gần biên giới với nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ.
Các quan chức Nga cho rằng phương Tây bị hoang tưởng với nỗi sợ hãi nước Nga và họ chẳng có quyền gì mà rao giảng với Moscow về cách hành xử sau khi phương Tây đã bành trướng liên minh quân sự NATO về phía đông sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và gieo rắc hỗn loạn ở Iraq và Syria.
Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh (NCSC), một bộ phận của cơ quan tình báo nghe lén GCHQ, cảnh báo các tổ chức lớn cần tăng cường khả năng bảo đảm an ninh mạng của họ trong bối cảnh căng thẳng về Ukraine ngày càng gia tăng.
Các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng Thế kỷ 21 sẽ được định hình bởi cuộc đấu tranh giữa các nền dân chủ và các đối thủ như Trung Quốc và Nga, là những nước mà phương Tây cho là đang thách thức trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh về mặt quân sự, công nghệ và kinh tế.
Paul Chichester, Giám đốc hoạt động của NCSC nói : "Trong vài năm, chúng tôi đã quan sát thấy một hình thái hành vi xấu của Nga trong không gian mạng".
Đã xảy ra một cuộc tấn công mạng vào Ukraine hồi đầu tháng này với lời cảnh báo rằng người dân Ukraine hãy biết "sợ hãi và chờ đón điều tồi tệ nhất". Ukraine cho rằng Moscow đứng sau vụ tấn công đó.
Ông Chichester nói : "Các vụ việc ở Ukraine mang dấu ấn tương tự như hoạt động của Nga mà chúng tôi đã quan sát được trước đây".
Các cường quốc thực hiện tấn công mạng nhiều nhất thế giới là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nga và Trung Quốc, theo xếp hạng năm 2020 của Trung tâm Belfer tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Các chuyên gia tình báo hàng đầu của Anh nói rằng Nga vẫn là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với phương Tây, nhưng khả năng chiếm ưu thế công nghệ về lâu dài của Trung Quốc sẽ tạo ra vấn đề lớn hơn nhiều.
(Reuters)