Mỹ sẽ đưa quân tới Đông Âu trong những ngày tới
VOA, 03/02/2022
Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt việc triển khai khoảng 3.000 lính Mỹ tới Đông Âu giữa những giằng co với Nga về vấn đề Ukraine, ba quan chức Mỹ cho biết trước thông báo của Lầu Năm Góc.
Một binh sĩ Mỹ tại Ba Lan sau khi được triển khai trong khuôn khổ xây dựng NATO ở Đông Âu tại Zagan, ngày 14/1/2017. Mỹ sẽ triển khai thêm khoảng 3.000 quân tới Đông Âu giữa lo ngại về việc Nga sẽ tấn công Ukraine. (Reuters/Kacper Pempel)
Các đợt triển khai sẽ vượt quá con số 8.500 quân mà Lầu Năm Góc đã đặt trong tình trạng báo động vào tháng trước để sẵn sàng được đưa tới Châu Âu nếu cần. Cùng với đó, các động thái này còn nhằm để trấn an các đồng minh NATO đang lo lắng khi đối mặt với việc Nga tăng cường quân sự gần Ukraine.
Một nguồn thạo tin cho biết 1.700 quân sẽ được triển khai từ Fort Bragg ở North Carolina đến Ba Lan và 300 binh sĩ khác từ căn cứ này đến Đức. Nguồn tin này cho biết khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ đang trú đóng tại Đức sẽ được đưa tới Romania.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận nhưng dự kiến sẽ sớm thông tin tới các phóng viên.
Binh sĩ Mỹ được thông báo về lệnh sẵn sàng triển khai vào tuần trước bao gồm các đơn vị tác chiến, nhân viên hậu cần, hỗ trợ y tế, hỗ trợ hàng không và các lực lượng tham gia các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát.
Nga phủ nhận việc lên kế hoạch xâm lược. Tuy nhiên, sau khi tạo ra cuộc khủng hoảng đang diễn ra bằng cách bao vây Ukraine với các lực lượng từ phía bắc, đông và nam, Moscow hiện đang viện dẫn phản ứng của phương Tây như một bằng chứng để chứng minh rằng Nga là mục tiêu, chứ không phải là kẻ chủ mưu, của sự gây hấn.
Nga, nước đã chiếm Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và ủng hộ các phiến quân thân Nga chống lại lực lượng chính phủ ở miền đông Ukraine, đang yêu cầu đảm bảo an ninh sâu rộng, bao gồm cả lời hứa rằng NATO sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine.
Hoa Kỳ đã bác bỏ những lời kêu gọi như vậy, và nói rằng việc Kiev tham gia liên minh sẽ do Ukraine và NATO quyết định.
"Đó không phải là điều mà ông Putin có quyền phủ quyết. Nó không phải là như vậy", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hôm 1/2.
(Reuters)
**********************
Tài liệu mật : Mỹ sẵn sàng thảo luận về giới hạn quân số và tên lửa với Nga
VOA, 02/02/2022
Washington sẵn sàng thảo luận về hứa hẹn sẽ không triển khai tên lửa phóng từ mặt đất hoặc lực lượng tác chiến ở Ukraine nếu Nga đồng ý làm điều tương tự, theo các tài liệu mật mà tờ El Pais của Tây Ban Nha nói là những phản hồi bằng văn bản của Washington và NATO về các yêu cầu an ninh của Nga.
Lính Mỹ hướng dẫn một binh sĩ Ukraine cách sử dụng tên lửa M141 Bunker Defeat Munition (SMAW-D) tại khu huấn luyện quân sự Yavoriv, gần Lviv ở phía tây Ukraine, hôm 30/1. (Ukrainian Defense Ministry Press Service via AP)
El Pais không cho biết làm thế nào họ có được các tài liệu này.
"Mỹ sẵn sàng thảo luận về các biện pháp minh bạch hai chiều dựa trên các điều kiện và các cam kết có đi có lại của cả Hoa Kỳ và Nga nhằm kiềm chế việc triển khai các hệ thống tên lửa tấn công từ mặt đất và các lực lượng tác chiến thường trực trên lãnh thổ Ukraine", theo một bản sao tài liệu của Mỹ, đăng trên trang web El Pais.
Mỹ và các đồng minh NATO cũng sẵn sàng thảo luận các biện pháp có qua có lại để tránh các sự cố nguy hiểm trên không hoặc trên biển, đồng thời trấn an Moscow rằng không có tên lửa hành trình Tomahawk nào được đặt tại Romania và Ba Lan, theo các tài liệu được tờ báo của Tây Ban Nha đăng tải.
NATO và Điện Kremlin nói với Reuters rằng họ sẽ không đưa ra bình luận về các thông tin này.
Các quan điểm nêu trong hai tài liệu (từ Mỹ và NATO), được chính thức trao cho Moscow vào ngày 26/1, phù hợp với các tuyên bố công khai của Washington và các đồng minh đưa ra trước đây, đặc biệt trong việc minh bạch thông tin về quân sự.
Mỹ từ lâu đã nói rằng lá chắn tên lửa Châu Âu của NATO ở Romania, và một địa điểm được lên kế hoạch ở Ba Lan, sẽ không đóng vai trò phòng thủ trong tương lai trước tên lửa của Nga, mà là để phòng thủ trước các mối đe dọa từ Iran và vùng Trung Đông rộng lớn hơn.
Trong văn bản trả lời, Mỹ đã đề nghị sẽ minh bạch về các địa điểm đặt tên lửa ở Romania và Ba Lan nếu Moscow cũng làm như vậy tại hai địa điểm ở Nga.
Trong tài liệu của NATO, liên minh 30 thành viên nói : "việc Nga rút quân đội mà họ đã đưa đến biên giới xung quanh Ukraine sẽ là điều cần thiết cho những tiến bộ thực chất".
Phương Tây cho biết hơn 100.000 quân Nga đang bố trí ở biên giới Ukraine và Belarus. Nga bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng họ đang có kế hoạch xâm lược Ukraine.
(Reuters)
************************
Ukraine công bố kế hoạch tăng quân, Mỹ yêu cầu Nga giảm leo thang
VOA, 02/02/2022
Tổng thống Ukraine vừa ký một sắc lệnh hôm 1/2 cho phép tăng cường lực lượng vũ trang của nước này thêm 100.000 binh sĩ trong vòng ba năm, giữa lúc các nhà lãnh đạo Châu Âu đồng loạt ủng hộ ông trong cuộc đối đầu với Nga và Hoa Kỳ yêu cầu Nga giảm leo thang căng thẳng ngay lập tức .
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy kêu gọi các nhà lập pháp bình tĩnh và tránh hoảng sợ. Ông nói ông đã ra lệnh tăng quân "không phải vì chúng ta sắp có chiến tranh... mà vì sẽ sớm và trong tương lai sẽ có hòa bình ở Ukraine".
Nga đã điều hơn 100.000 quân đến gần biên giới Ukraine. Moscow phủ nhận kế hoạch xâm lược nhưng nói rằng họ có thể thực hiện các hành động quân sự nếu các yêu cầu không được đáp ứng, bao gồm cả việc cấm Ukraine gia nhập NATO. Hoa Kỳ và các đồng minh nói rằng bất kỳ cuộc xâm lược nào cũng sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn từ phương Tây.
Nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov qua điện thoại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại Washington sẵn sàng tiếp tục đối thoại, nhưng kêu gọi Mosocw "ngay lập tức giảm leo thang" và "rút quân binh và thiết bị khỏi biên giới Ukraine", Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Lực lượng vũ trang của Ukraine có quân số khoảng 250.000 người, so với sức mạnh tổng thể của Nga là khoảng 900.000 người.
Quân đội Nga đã tổ chức các cuộc tập trận ở Belarus và ở một khu vực ly khai của Moldova, có khả năng tấn công từ nhiều hướng.
Ukraine cho biết họ đang làm việc với Ba Lan và Anh để tăng cường hợp tác "trong bối cảnh Nga đang tiếp tục gây hấn".
Trong chuyến thăm tới Kiev, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Warsaw sẽ giúp Ukraine cung cấp khí đốt và vũ khí, cũng như viện trợ nhân đạo và kinh tế.
Ông Morawiecki nói : "Sống gần một nước láng giềng như Nga, chúng tôi có cảm giác như đang sống dưới chân núi lửa", đồng thời hứa hẹn với Ukraine về việc cung cấp đạn dược, đạn cối, hệ thống phòng không di động và máy bay trinh thám không người lái.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã đến thăm Kiev hôm 1/2 trong một sự ủng hộ của phương Tây nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ phải trả giá đắt cho bất kỳ hành động gây hấn nào.
"Chúng tôi kêu gọi Nga lùi lại và tham gia đối thoại để tìm ra giải pháp ngoại giao và tránh đổ máu thêm", ông Johnson nói trong bài phát biểu được đưa ra trước khi ông đến.
Một số quốc gia đã đưa các nhân viên đại sứ quán không thiết yếu ra khỏi Kiev và Washington hôm 1/2 khuyến cáo người dân không nên đến Belarus vì "sự gia tăng hoạt động quân sự bất thường của Nga gần biên giới Ukraine".
(Reuters)