Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/02/2022

Điểm báo Pháp – Nga-Trung lật đổ trật tự hậu chiến tranh lạnh

RFI tiếng Việt

Nga và Trung Quốc bắt tay lật đổ trật tự hậu chiến tranh lạnh của Mỹ

Qua thông cáo chung Nga-Trung từ Bắc Kinh hôm 04/02/2022, Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã dấn thêm một bước : ủng hộ các yêu sách của nhau và công khai chống lại thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.

trattu1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022.  via Reuters - Sputnik

Lợi nhuận cao kỷ lục 137 tỉ euro của 40 tập đoàn hàng đầu nước Pháp (CAC 40) và tái thúc đẩy điện nguyên tử là hai chủ đề thời sự trong nước được báo chí Paris quan tâm nhất. Nhật báo thiên tả Libération chạy tít trang nhất "137 tỉ, chúng ta chia sẻ nhé ?", "CAC 40, làm gì với số siêu lợi nhuận này ?"tựa chính của nhật báo Công giáo La Croix. Ở các trang trong, địa chính trị với các cuộc khủng hoảng từ Âu sang Á vẫn là mối ưu tư của báo Pháp hôm nay.

Le Figaro nhận xét, nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế chồng chất làm rối loạn nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden. Tuy đã diệt trừ được thủ lãnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh, IS) hôm 03/02, Biden vẫn phải đối mặt với các hồ sơ từ Ukraine đến Đài Loan, từ Iran đến Bắc Triều Tiên, đe dọa trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo từ hơn ba phần tư thế kỷ.

Trục mới Nga-Trung và hồ sơ Ukraine

Trước hết là trục mới Nga-Trung, nổi rõ sau cuộc gặp Vladimir Putin -Tập Cận Bình nhân khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, với tuyên bố tình hữu nghị giữa hai nước là không giới hạn, không có lãnh vực hợp tác nào bị cấm đoán. Nhất là về yêu sách lãnh thổ : Moskva khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc, còn Bắc Kinh tuy không nêu cụ thể tên Ukraine nhưng ủng hộ yêu cầu bảo đảm an ninh của Nga, hàm ý tối hậu thư của Putin đưa ra với phương Tây. Hai nước chống lại mọi hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lập ra tại Châu Á-Thái Bình Dương, đòi hỏi không can thiệp vào chuyện nội bộ. Tóm lại, một bàn cờ chiến lược mới, một thế giới đa cực mà các nước lớn tha hồ hành động vì lợi ích của mình.

Tại Châu Âu, cuộc khủng hoảng Ukraine là trầm trọng nhất và cũng là cổ điển nhất. Đó là mối đe dọa bị trực tiếp xâm lăng, một kiểu cách mà các nhà ngoại giao và chiến lược gia hầu như đã quên đi. Hoa Kỳ đứng trước thế lưỡng nan như thời chiến tranh lạnh, vì phải hết sức thận trọng khi đối đầu trực diện với một cường quốc nguyên tử khác. Nếu trừng phạt quốc tế không hiệu quả, Nga sẽ hầu như vô sự sau khi xâm lược Ukraine, như Liên Xô đã từng đổ quân vào Đông Âu : Berlin năm 1953, Budapest 1956, Praha năm 1968. Và Moskva nhân đà đó có thể gây áp lực lên các thành viên NATO như ba nước vùng Baltic, thách thức trực tiếp Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Trên biển, tự do hàng hải được hạm đội Mỹ bảo đảm từ sau Đệ nhị Thế chiến ngày càng bị thách đố. Việc kiểm soát Biển Đông và eo biển Đài Loan, là vấn đề chiến lược đối với Bắc Kinh, Trung Quốc chạy đua vũ trang cho lực lượng hải quân hùng hậu. Hải quân Nga thì từ đầu năm nay đã tiến hành các cuộc tập trận ngoài khơi Ireland, rồi tại Ấn Độ Dương cùng với Trung Quốc, Iran ; và chuẩn bị tập trận ở biển Okhotsk, biển Nhật Bản.

Đài Loan, Bắc Triều Tiên, Iran chưa hề hạ nhiệt

Tại Đài Loan, trong đợt xâm nhập mới nhất Trung Quốc đã điều 34 phi cơ tiêm kích, 4 phi cơ tác chiến điện tử và 1 oanh tạc cơ tiếp cận quần đảo Đông Sa (Pratas). Đài Bắc phải dùng hệ thống cảm biến để theo dõi loại xung đột vùng xám này, mà Trung Quốc dùng để trắc nghiệm đáp trả của không quân Đài Loan, làm kiệt lực họ vì phải duy trì tình trạng báo động thường xuyên.

Bắc Triều Tiên cũng lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để thử nghiệm hỏa tiễn trở lại. Chỉ trong tháng Giêng đã có bảy vụ, trong đó có một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung (IRBM) Hỏa Tinh 12 (Hwasong-12), có thể bay đến đảo Guam của Mỹ. Đây là khúc dạo đầu cho những vụ bắn thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hỏa Tinh 14 và Hỏa Tinh 15, đe dọa được Bắc Mỹ.

Ở Trung Đông, viễn cảnh Iran trở thành cường quốc nguyên tử vẫn hiển hiện. Tehran sau khi can thiệp thành công tại Syria, càng vững mạnh hơn khi đồng minh là phe Houthi ở Yemen sở hữu hàng loạt hỏa tiễn và drone có tầm hoạt động xa chưa từng thấy. Houthi bắn hỏa tiễn liên tục vào Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất khiến lần đầu tiên lực lượng Mỹ ở Abu Dhabi phải hai lần kích hoạt hệ thống phòng không Patriot - lần đầu tiên kể từ 2003. Cũng như các tổ chức dân quân khác - Hezbollah ở Lebanon, dân quân Shia ở Iraq - Houthi khó chống lại so với một Nhà nước, và tuy muốn kết thúc các hoạt động của Mỹ tại Trung Đông, Biden phải quan tâm đến mối đe dọa mới này.

Le Figaro kết luận, sức mạnh quân sự Mỹ vẫn tuyệt vời, nhưng mỗi nhận định, tính toán sai lầm đều phải trả giá, mỗi thách thức cũng là một nguy cơ nổ ra xung đột ngoài tầm kiểm soát.

Mùa đông của mọi hiểm nguy

Les Echos cảnh báo "Một mùa đông của mọi hiểm nguy". Biến thể Omicron, leo thang xung đột, lạm phát, thiếu nhân công… vô số nhân tố khiến những tháng sắp tới trở nên bất ổn, theo nhà kinh tế Mỹ Mohamed A. El-Erian, và như vậy việc ra quyết định là khá tế nhị.

Omicron đã làm số ca nhiễm Covid tăng vọt, gây rối loạn cho việc tổ chức lao động và cung ứng, nhất là chính sách zero Covid của Trung Quốc, dẫn đến áp lực tăng giá trong lúc lạm phát trở thành quan ngại hàng đầu của Hoa Kỳ. Cú sốc giá cả tác động lên tâm lý người tiêu thụ, người thu nhập thấp càng nghèo thêm.

Tình trạng thiếu nhân lực kéo dài tạo ra hệ quả đối với lương của người lao động bậc thấp, chi phí tăng thêm được doanh nghiệp tính vào giá thành mà người tiêu dùng phải chịu. Quỹ dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong một thời gian ngắn có thể ngưng mua vào trái phiếu đồng thời tăng lãi suất để tránh suy thoái. Căng thẳng giữa Ukraine và Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc càng làm tăng áp lực lạm phát trong bối cảnh bất định.

Nga và Trung Quốc dấn thêm một bước mới

Le Monde chú ý đến thông cáo chung Nga-Trung từ Bắc Kinh, cho đây là sự khẳng định một mô hình quản trị khác với trật tự quốc tế hiện nay. Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã tiến thêm một bước : ủng hộ các yêu sách của nhau và công khai chống lại thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Cổ vũ cho một "kỷ nguyên mới" với phát triển bền vững, đối thoại, công bằng, tự do, bình đẳng… Bản tuyên bố dài 14 trang của hai nhà độc tài lớn nhất thế giới là Tập Cận Bình và Vladimir Putin được công bố ngày 04/02/2022 sau cuộc hội đàm bên lề Thế vận hội Bắc Kinh, khiến người ta chỉ có thể mỉm cười về tính đạo đức giả của bản hùng ca này. Phía sau chiếc lá nho mệnh danh dân chủ, là một mô hình đối kháng hẳn với dân chủ tự do và trật tự thế giới hiện nay.

Putin, trị vì từ đầu thế kỷ, và Tập, lên ngôi được mười năm qua, đã gặp nhau 38 lần, đã ký kết vô số văn bản chung. Nhưng lần này tổng thống Nga gọi quan hệ Nga-Trung ở mức"chưa từng có".

Hai chế độ độc tài hợp sức, gây khó khăn cho thế kỷ 21

Khác biệt ở chỗ nào ? Chuyên gia về Châu Á Mathieu Duchâtel của Viện Montaigne so sánh với một thông cáo chung khác ngày 04/02/2016 về "tăng cường ổn định chiến lược thế giới"chủ yếu chống chạy đua vũ trang ; và "xúc tiến luật pháp quốc tế", vào lúc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc coi việc Nga chiếm Crimea là bất hợp pháp, và yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông bị Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye khẳng định vô căn cứ.

Tuyên bố chung ngày 04/02 vừa rồi đã mở rộng sang chính trị, ngoại giao và ý thức hệ. Bắc Kinh có được sự ủng hộ của Moskva đối với cách nhìn về dân chủ, nhân quyền, rằng một nước có thể chọn lựa dạng dân chủ phù hợp với mình. Đổi lại, Trung Quốc lần đầu tiên nói theo giọng điệu Nga về việc không mở rộng NATO và an ninh Châu Âu.

Hai bên phản đối các cuộc "cách mạng màu", gia tăng hợp tác công nghệ thông tin, "quốc tế hóa" việc quản lý internet (có nghĩa là không phải do Mỹ lãnh đạo). Le Monde lo ngại việc hai thế lực toàn trị hợp sức sẽ khiến thế kỷ 21 trở nên rất phức tạp.

Lợi hại của việc Nga bóp méo thông tin

Trả lời phỏng vấn Le Monde, phó chủ tịch người Cộng hòa Czech của Liên Hiệp Châu Âu Vera Jourova kêu gọi "Hãy ngưng đánh giá thấp nạn bóp méo thông tin của Nga". Điện Kremlin vận dụng chiến tranh phức hợp (tin tặc, tin giả…) từ lâu, riêng các chiến dịch bóp méo thông tin nhắm vào những điểm yếu của mỗi xã hội. Đôi khi còn viết lại lịch sử, chẳng hạn thuyết phục mọi người là cuộc sống dưới chế độ xô-viết tốt đẹp hơn. Kiểu tuyên truyền này tràn ngập mạng xã hội các nước.

Về Ukraine, các thông tin nhấn mạnh rằng Kiev và NATO là kẻ tấn công, Ukraine diệt chủng người Nga tại vùng Donbas… Trong năm 2021, đã ghi nhận khoảng 2.700 bản tin loại này, cho thấy đây là một kế hoạch hẳn hoi. Một thăm dò mới đây ở Slovakia cho biết có đến 44% dân số tin rằng NATO là nguyên nhân cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Trước nạn tẩy não này, các chính phủ dân chủ khó thể thuyết phục công dân là phải hành động trong hồ sơ Ukraine.

Tại Châu Âu, để bảo vệ tự do ngôn luận, cấm đoán những nội dung hay phương tiện truyền thông chỉ là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng. Nhưng năm 2022 là năm bầu cử ở Pháp, Hungary, Slovenia ; những kẻ bóp méo thông tin đã hoàn thiện phương pháp, những tin giả được trộn lẫn với một phần tin tức thật.

Tại sao Tây Âu có thái độ hòa hoãn hơn với Kremlin so với Đông Âu ? Bà Jourova trả lời : "Ở Đông Âu, chúng tôi đã thấy bằng ấy xe tăng Nga trên đường phố, đó là một nhân tố quyết định. Khi bạn chưa từng trải qua, không hề có hồi ức về việc này, bạn có xu hướng tin vào một đất nước có nền văn hóa tuyệt vời và một lịch sử với những con người can đảm. Điều đó đúng, nhưng đừng quên sự độc đoán, ý hướng đế quốc của Vladimir Putin - không chỉ xâm lăng lãnh thổ mà cả tâm trí con người".

Phi cơ dân dụng Trung Quốc vi phạm không phận Đài Loan ?

Tại eo biển Đài Loan, Le Figaro cho biết có thể một phi cơ dân sự Trung Quốc đã bay qua không phận đảo quốc. Nếu sự kiện chưa từng có này được chính thức xác nhận, sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến thuật đe dọa Đài Bắc.

Hôm thứ Bảy 05/02 vào lúc 14 giờ 39, một máy bay dân sự không nhận diện được đã bay qua quần đảo nhỏ bé Đông Dẫn (Dongyin) nằm giữa eo biển Đài Loan. Ban đầu được báo chí coi là drone, sau đó Bộ quốc phòng Đài Loan mô tả là máy bay phản lực dân dụng, và theo dân biểu Đài Loan Vương Định Vũ (Wang Ting Yu), Bộ quốc phòng xác định được là một chiếc Harbin Y-12 của Trung Quốc.

Từ hai năm qua, hàng loạt chiến đấu cơ Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không Đài Loan (ADIZ), bao trùm lên một vùng biển vượt quá lãnh thổ đảo quốc, nhưng chưa bao giờ có việc máy bay Trung Quốc bay vào không phận Đài Loan. Đại diện đảng Dân Tiến cầm quyền ở quần đảo Mã Tổ (Lienchiang) mà Đông Dẫn trực thuộc, nhận định dù cố ý hay không, sự kiện này là đáng báo động hơn cả các vụ xâm nhập trước đây.

Đông Dẫn gồm hai đảo có diện tích 4,4 kilomet vuông, nằm gần Trung Quốc nhất. Dù có các đường hầm dành cho quân sự và trang bị chống đổ bộ, quần đảo này không có một chiến đấu cơ nào. Đây là lần đầu tiên 1.400 cư dân phải đối mặt với mối đe dọa từ Hoa lục, tuy những năm gần đây, hàng đoàn tàu cá Trung Quốc vẫn áp sát để đánh bắt mực - một cách khác để khiêu khích Đài Loan.

Zero Covid, bước "Đại thụt lùi" của Trung Quốc

Trên lãnh vực dịch tễ, Les Echos coi việc Trung Quốc đóng cửa trước khách nước ngoài, trừ những người tham dự Thế vận hội, là bước "Đại thụt lùi". Mới đây Air France phải hủy các chuyến bay từ Paris đến Thượng Hải, vì khách nhập cảnh xét nghiệm dương tính thì hãng hàng không bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt. Russian Airlines, Turkish Airlines, Iran Mahan Airlines… cũng đồng loạt hủy bay đến Quảng Châu và Thành Đô.

Hiện nay mỗi tuần có khoảng 200 chuyến bay nối Hoa lục với phần còn lại của thế giới, trong khi đầu năm 2020 là 10.000 chuyến. Đường bay trực tiếp giữa Đức và Trung Quốc bị đóng hẳn, tuy Đức là nước xuất khẩu 104 tỉ đô la hàng hóa.

Bắc Kinh giải thích là để ngăn Covid và giờ đây là biến thể Omicron, nhất là trong thời gian Thế vận hội. Chiến lược zero Covid đã được đóng triện Tập Cận Bình nên không thể tránh khỏi, dù phải thường xuyên phong tỏa hàng triệu người. Nếu Trung Quốc có thể mở cửa trở lại sau khi chích ngừa cho toàn bộ dân số bằng vac-xin ARN thông tin made in China, vào năm 2023 hay 2024, cũng không nên coi thường những chỉ dấu khác. Chẳng hạn chính quyền không còn ủng hộ việc học tiếng Anh, xưa nay vẫn được coi là đòn bẩy để hội nhập trong công cuộc toàn cầu hóa.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 338 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)