Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/02/2022

Điểm báo Pháp - Trung Quốc làm Nga vỡ mộng về vụ Ukraine

RFI tiếng Việt

Trung Quốc làm Nga vỡ mộng trong hồ sơ Ukraine ?

Dù Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã trình diễn màn thắm tình đoàn kết trong dịp khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh đứng về phía Moskva một cách mù quáng trong hồ sơ Ukraine.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lúc duyệt hàng quân danh dự tại Bắc Kinh ngày 08/06/2018.  AP - Greg Baker

Ukraine vẫn là mối quan tâm chính của báo chí Pháp hôm nay. Le Figaro Libérationcùng dành trang nhất, bài xã luận và hồ sơ ở các trang trong cho chủ đề này.Le Figarochạy tựa "Ukraine : Thử thách Nga của Macron", cònLibérationđăng hình ảnh hai vị tổng thống ngồi ở hai đầu mút bàn, với tựa đề "Macron-Putin, đối thoại kiểu Nga".

Đến Moskva gặp Putin, tổng thống Pháp chấp nhận thử thách

Le Figaro nhận định, Emmanuel Macron là một tổng thống thích chấp nhận rủi ro, và chưa bao giờ lùi bước trước những chướng ngại, ngay cả khi được cho là không thể vượt qua. Đây là lần đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa tổng thống Nga với một nguyên thủ phương Tây hàng đầu từ khi căng thẳng gia tăng cuối năm ngoái. Trên lãnh địa của Putin, cuộc gặp lần thứ bảy sau 16 cuộc gọi mang tầm vóc quan trọng đối với tương lại Ukraine và Châu Âu, và bảng thành tích quốc tế của Macron, vài tuần lễ trước khi chiến dịch bầu cử tổng thống bắt đầu.

Sáng kiến của Emmanuel Macron nhằm giúp xuống thang qua việc đề nghị một lối thoát cho Vladimir Putin, và cuộc đối thoại giúp "trắc nghiệm các giả thiết, đưa ra những chọn lựa". Bài toán không đơn giản. Hôm qua, chuyên gia địa chính trị Pháp François Heisbourd nhận định, "Putin đã leo tuốt lên ngọn dừa và không biết làm cách nào tuột xuống". TheoLe Figarohướng thứ nhất là "công thức Normandie" (Pháp, Đức, Ukraine, Nga), và hướng thứ hai là một thỏa hiệp với các biện pháp an ninh chung cho cả Châu Âu. Trái banh đang ở trên phần sân Nga, con đường còn rất dài, và còn tùy thuộc vào "những dấu hiệu xuống thang" mà Emmanuel Macron đến Moskva để tìm kiếm.

Trong bài "Điệu nhảy của con gấu", Le Figarođặt câu hỏi, gà trống Gô-loa có trọng lượng như thế nào trước gấu Nga, nhắc lại câu thành ngữ "Nếu mời một con gấu khiêu vũ, thì không phải bạn quyết định được khi nào điệu nhảy kết thúc mà là con gấu". Bài xã luận "Song đấu" của Libération ghi nhận tính biểu tượng của việc tổng thống Pháp thay vì họp qua video, đã lên máy bay đến tận "căn cứ địa" của Putin, - điện Kremlin đầy ắp bóng dáng lịch sử. Không chỉ là nguyên thủ Pháp, Macron còn là đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, ông chọn đến Moskva trước tiên rồi mới sang Kiev. Trong cuộc so găng về truyền thông, mỗi chi tiết đều được tính đến.

Mỹ hàng ngày cảnh báo nguy cơ Nga xâm lăng Ukraine

Le Figaronhận thấy "Chống lại Moskva, Joe Biden chọn thách thức bi kịch hóa". Không một ngày nào mà không có một viên chức chính quyền Mỹ thượng đài để cảnh báo khả năng Nga tiến chiếm Ukraine. Trước Quốc hội và ống kính truyền hình, họ nêu ra những nước cờ mà Moskva có thể sử dụng : đảo chánh tổng thống Volodymyr Zelensky, tạo video giả cảnh Ukraine sát hại thường dân để lấy cớ, xâm lăng một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ Ukraine, với con số ước tính thiệt hại cụ thể.

Hoa Kỳ chọn chiến thuật công khai tố cáo đến từng chi tiết những thủ đoạn của Nga, dựa vào thông tin tình báo. Nếu Nga đổ quân sang xâm lược, chính quyền Biden có thể đổ cho Châu Âu quá ngây thơ, đồng thời tăng thêm áp lực để Châu Âu tham gia chính sách trừng phạt Nga. Biden muốn tập hợp các nước NATO chống lại những chế độ độc tài trên thế giới. Dưới mắt Washington, Ukraine là biểu tượng kháng chiến chống lại bóng ma toàn trị, như Phần Lan nhỏ bé trước "quái thú" Nga năm 1939.

Năm 2013, quan sát thấy Obama từ chối không kích Syria dù chế độ Damascus dùng đến vũ khí hóa học giết dân, sáu tháng sau Putin tung quân chiếm Crimea, và ông ta đã tính toán đúng : phương Tây không đứng ra bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Năm 2021, vụ rút quân khỏi Afghanistan, bị so sánh với cuộc di tản khỏi Sài Gòn năm 1975, cũng khiến Putin tin rằng Mỹ đang yếu đi, cần tranh thủ để vẽ lại bàn cờ Châu Âu. Nhà phân tích Stephen Collinson cho là điều này không thể chấp nhận được đối với Washington.

Ngoại giao, lối thoát cho Putin (và phương Tây) ?

Libérationđánh giá những tiết lộ từ phía Mỹ là nhằm thống trị cuộc chiến truyền thông, và trong hậu trường thì tiếp tục hoạt động ngoại giao cổ điển : điện đàm Biden-Putin, trao đổi liên tục với các đồng minh… Tờ báo nhấn mạnh, "Trong hồ sơ Ukraine, có nhu cầu sống còn về ngoại giao". Nhà nghiên cứu Rajan Menon nhận thấy "các động thái quân sự của Nga dẫn đến hệ quả làm ngoại giao thêm năng động". Ông tin rằng "vào phút cuối, ngoại giao có thể làm chú thỏ nhảy ra khỏi chiếc nón". Đây cũng là hy vọng của tổng thống Pháp.

Trong khi đó tại Nhà Trắng, thủ tướng Đức Olaf Scholz cố làm ông Biden an lòng. Chẳng lẽ đối với người Đức khí đốt Nga không quan trọng bằng tự do của Ukraine, tại sao Berlin từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev ? Nhiều câu hỏi có thể được đặt ra, và người kế nhiệm bà Merkel chấp nhận đặt Nord Stream 2 lên bàn cân để buộc Nga phải "trả giá thật đắt về kinh tế". Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley nhận định, cuộc so găng giữa Châu Âu với Nga làm loãng đi thách thức địa chính trị lớn nhất : sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Theo ông, trừng phạt đường ống Nord Stream 2 là đủ để buộc "thần đèn" Nga chui trở vào cây đèn huyền thoại.

Một số người khác thấy rằng thái độ cứng rắn đã mang lại kết quả. Cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine, William Taylor nhận định rằng Putin đã đi quá xa, và có thể cần chấp nhận thương lượng một loạt chủ đề về tương quan lực lượng vũ khí nguyên tử, đạn đạo và quy ước tại Châu Âu. Theo Richard Haas, giám đốc Council on Foreign Relation : "Putin đã sản xuất ra cuộc khủng hoảng Ukraine do nghĩ rằng đang ở thế mạnh so với phương Tây, nhưng ông ta đã phạm một sai lầm : đánh giá thấp đối thủ. Chính Putin đã tự đặt mình vào cái thế phải chọn lựa leo thang, hoặc phải tìm cách rút lui mà không bị mất mặt".

Đạn bom chưa lên tiếng, chiến tranh phức hợp đã hoành hành tại Ukraine

Bài phóng sự dài "Cuộc chiến phức hợp đã hoành hành tại Kiev" của Libération ghi nhận tuy ý đồ quân sự của Kremlin vẫn chưa rõ, nhưng đối với người Ukraine, cuộc chiến đã bắt đầu. Tấn công bằng tin tặc, truyền thông, kinh tế... một kiểu xung đột mới nhằm buộc đối thủ phải quy hàng mà không nhất thiết phải dùng đến các phương tiện quy ước.

Cách đây một năm, tổng thống Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh cấm NewsOne, 112 và Zik, ba kênh truyền hình của Viktor Medvedchuk, thủ lãnh đảng thân Nga ở Ukraine, và là cha của cô bé Daria - con đỡ đầu của Vladimir Putin. Một sự đối đầu trực diện ! Ngày 19/02/2021, tài sản của nhà tài phiệt bị phong tỏa và chỉ hai ngày sau, Kremlin huy động 3.000 lính nhảy dù đến biên giới Ukraine. Ba kênh trên đây là những chiếc loa tuyên truyền Nga dành cho khán giả khá lớn tuổi, nhằm hạ uy tín nguyên thủ trẻ tuổi của Ukraine. Từ khi bị đóng, ý định bầu cho các chính khách thân Nga rơi xuống còn không đầy 10%.

Thời gian càng trôi, Kremlin càng dễ bị bật rễ tại Ukraine, vì những người ở lứa tuổi 30 chưa bao giờ biết đến Liên Xô. Thất bại về quyền lực mềm văn hóa, Nga quay sang quấy nhiễu, dọa nạt. Những tuần lễ gần đây, một loạt những hiện tượng xảy ra. Ngày 14/01, tin tặc đánh vào 70 trang web chính phủ Ukraine ; và nhất là một đợt cảnh báo bom chưa từng thấy : chỉ trong ba tuần lễ đầu của năm 2022 đã có 3.000 vụ báo động bom giả. Ngày 24/01, tất cả trường học ở Zaporijjia, thành phố lớn thứ sáu của Ukraine phải sơ tán. Thành phố Tcherkassy quyết định cho học qua mạng vì không thể kiểm tra nổi những vụ báo động giả nhằm tạo tâm lý hoảng loạn.

Bóp méo thông tin, tấn công tin học, lũng đoạn kinh tế…

Xe điện ngầm, trung tâm thương mại, cơ quan chính quyền đều trở thành mục tiêu ; hầu hết các vụ báo động bom giả đều xuất phát từ Belarus, Donetsk, Luhansk, Transnistria và Nam Ossetia. Chiến tranh phức hợp không chỉ giới hạn ở tung tin giả và tấn công tin học, mà còn can thiệp vào kinh tế, lôi kéo chính khách tham nhũng, kể cả hoạt động Chính thống giáo. Một hiện tượng khác là những thông tin thù địch tràn ngập các ứng dụng tin nhắn, chẳng hạn tin Nga sắp xua quân sang đầy dẫy trên Viber, ứng dụng phổ biến nhất ở Ukraine. Người sử dụng bị đưa vào các nhóm thảo luận gieo rắc sợ hãi nhưng không thể thoát ra được.

Đáng ngại là một số trong giới tinh hoa hàng ngày vẫn theo dõi những kênh bóp méo thông tin trên Telegram, trong đó một số do tình báo quân đội Nga GRU kiểm soát. Ukraine đã tuyển mộ một số hacker mũ trắng để đối phó. Kiev lo ngại các cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống nước, điện, nguyên tử dân sự trở thành mục tiêu bị tin tặc đánh phá. Tất cả khiến xã hội Ukraine sống trong lo sợ, mệt mỏi. Cuộc chiến không binh lính, không tuyên bố đang xóa nhòa dần biên giới giữa chiến tranh và hòa bình.

Le Mondecũng có một phóng sự dài "Ukraine trước cuộc chiến tranh phức hợp của Moskva", cho biết hoạt động của các tài khoản Twitter tuyên truyền cho Nga đã tăng 300% từ tháng 11 đến tháng 12/2021. Dù chưa bị tấn công quân sự, tăng trưởng của Ukraine từ 3,8% có thể giảm xuống 3,4% trong năm 2022, và đồng tiền quốc gia hryvnia mất giá.

Trung Quốc ủng hộ nhưng không đứng hẳn về phía Nga

Trong hồ sơ Ukraine, Le Figaro nhận thấy Trung Quốc tuy ủng hộ Putin nhưng không hoàn toàn tin cậy, dù Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã trình diễn màn thắm tình đoàn kết trong dịp khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh mùa đông.

Cả hai tố cáo ý thức hệ thời chiến tranh lạnh của NATO. Trung Quốc ủng hộ yêu sách bảo đảm an ninh của Nga, không mở rộng NATO sang phía Đông. Nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh đứng về phía Moskva một cách mù quáng, vào lúc tiếng giày đinh rầm rập tại cửa ngõ Ukraine. Tập từ chối hỗ trợ một cuộc xâm lăng quân sự, thông cáo chung không hề nhắc đến Ukraine.

Eurasia Group cho rằng Trung Quốc chủ trương một giải pháp ngoại giao thay vì quân sự, không muốn một cuộc xung đột xảy ra trong thời gian Thế vận của mình. Năm 2022 là năm quan trọng cho tương lai Tập Cận Bình, vốn đã đầy bất định về kinh tế và địa chính trị. Trong khi đó tuyết sắp tan, thu hẹp lại khả năng tấn công của Nga vào Ukraine.

Nga và Trung Quốc loan báo tăng cường hợp tác năng lượng, giúp sức cho Gazprom và Rosfnet trong lúc Washington đe dọa trừng phạt. Tuy nhiên Trung Quốc với GDP cao gấp 10 lần Nga, không muốn bảo kê cho một dự án xây dựng hệ thống tài chính ngoài khu vực đồng đô la mà một số nhà chiến lược Nga vẫn mơ, trong trường hợp Moskva bị Mỹ trừng phạt kinh tế.

Bắc Kinh không muốn phải chọn giữa Moskva và Kiev

Sự thận trọng này có nguồn gốc từ sự nghi kỵ xưa nay giữa hai láng giềng suýt xảy ra chiến tranh năm 1969. Dù xích lại gần nhau chưa từng thấy, Bắc Kinh không muốn gắn vận mệnh của mình với ông chủ điện Kremlin vốn khó đoán.

Chuyên gia Triệu Thông (Zhao Tong) khẳng định tuy hợp tác trong những lãnh vực quân sự nhạy cảm, Trung Quốc không có ý định vượt qua ngưỡng một liên minh chính thức, có thể dẫn dắt vào những cuộc xung đột trong khi đang phải so găng với Washington.

Bắc Kinh hoan nghênh Putin gây áp lực, trắc nghiệm quyết tâm của Mỹ và sự đoàn kết của Châu Âu, giúp đánh lạc hướng mặt trận Châu Á-Thái Bình Dương, đưa một vận động viên Tân Cương ra cầm cờ Thế vận để chọc tức Mỹ. Nhưng trên thực địa, Bắc Kinh đi dây để duy trì quan hệ chặt chẽ với Kiev, nơi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất, sau khi hất cẳng... Moskva.

Ukraine cung cấp 80% lượng bắp nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2019, bên cạnh đó là công nghệ quân sự mũi nhọn, chẳng hạn hỏa tiễn trang bị cho J-11. Ngay cả Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc cũng mua lại của Ukraine. Giữa Moskva và Kiev, Trung Quốc hy vọng không phải chọn lựa.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 327 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)