Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/02/2022

Điểm báo Pháp - Nước Pháp trong ván cờ Mỹ - Nga

RFI tiếng Việt

Nước Pháp trong ván cờ Mỹ - Nga : Macron đi Moskva hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine

Chuyến công du mang hy vọng nhưng đầy bất trắc của tổng thống Pháp đến Moskva hôm 07/02/2022, là chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo Pháp hôm nay. Paris hy vọng tìm cơ hội xuống thang cho căng thẳng giữa phương Tây và Nga, có nguy cơ bùng phát thành xung đột vũ trang tại Ukraine. Bê bối trong hệ thống các nhà dưỡng lão tại Pháp cũng là một chủ đề thời sự trang nhất.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Mỹ Joe Biden tại Roma, Ý, 29/10/2021.  © Reuters

"Tổng thống đi Nga với hy vọng đạt được "một tín hiệu" xuống thang" là chủ đề trang nhất của Le Figaro. "Macron – Putin : Những được mất của cuộc gặp" là tựa Libération. Nhật báo La Croix có hồ sơ chính : "Putin dẫn dắt cuộc chơi như thế nào".

Không kỳ vọng, chủ yếu để tránh tình hình xấu thêm

Chuyến công du đầy bất trắc bởi dường như điện Kremlin đang làm chủ cuộc chơi. Nhật báo kinh tế Les Echos chọn mở đầu bài phân tích trên trang Thế Giới, với câu tục ngữ Nga : "Nếu bạn mời một con gấu Nga nhảy múa, thì không phải bạn là người quyết định kết cục của điệu múa, mà là gấu". Trước chuyến đi nhạy cảm này, trả lời phỏng vấn báo Pháp, tổng thống Emmanuel Macron cho biết rõ ông không trông đợi gì nhiều, "điều cơ bản là tránh để tình hình xấu đi", trước khi thiết lập được các cơ chế gây dựng lòng tin.

Nhật báo kinh tế Pháp dẫn lời một nhà báo Nga gần gũi với chính quyền Putin, cho rằng "tổng thống Nga không mấy coi trọng nguyên thủ Pháp, "đối tác duy nhất quan trọng" với Putin là tổng thống Hoa Kỳ, người có thể thảo luận về "tái tổ chức lại kiến trúc an ninh toàn cầu". Ý đồ của Nga là dựa vào nguy cơ chiến tranh tại Ukraine để "mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế" với sự trợ giúp của Trung Quốc, xóa đi những bước lùi về địa chính trị của Nga kể từ khi Liên Xô giải tán". Chuyến công du của tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh Nga đang điều động thêm lực lượng tới vùng biên giới Ukraine.

Môi giới xuống thang với Nga : Pháp ở vị thế thuận lợi nhất

Tuy nhiên, vai trò của nước Pháp trong bối cảnh hiện nay là không nhỏ. Les Echos trong một bài viết khác nhấn mạnh đến vị thế "môi giới" của nước Pháp thúc đẩy việc giảm căng thẳng quân sự Nga – Ukraine. Nhà nghiên cứu Cyrille Bret nhấn mạnh đến thế đối đầu gia tăng Mỹ - Nga khiến cả hai bên khó lòng xuống thang mà không bị mất mặt. Ngay cả khi lui quân, phía Nga cũng phải thể hiện là đã thu hoạch được thành công. Chính sách ngoại giao "từng bước nhỏ" của Pháp trong công thức Normandie (tức cơ chế bốn bên Pháp, Đức, Nga, Ukraine) về vùng miền đông Donbas có thể thể giúp xuống thang.

Về chủ đề này, Le Figaro có bài "Vladimir Putin trông đợi gì từ cuộc hội kiến với tổng thống Pháp", nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của nước Pháp trong căng thẳng Nga – phương Tây hiện nay. Đối với Moskva, trước một nước Mỹ đang trong "cơn cuồng loạn" trước nguy cơ Nga sắp tấn công Ukraine, và một "Châu Âu không có tiếng nói chung", tổng thống Pháp trở thành một đối tác có ích, có thể thúc đẩy một thỏa hiệp giữa hai bên. Le Figaro nhắc lại hồi năm ngoái, chính quyền Đức dưới thời Merkel cùng với Pháp đã thúc đẩy một thượng đỉnh Liên Âu – Nga nhưng không được các thành viên Liên Âu khác ủng hộ.

Ba lợi ích với Nga

Về phần mình, La Croix coi cuộc gặp Macron – Putin chủ yếu mang lại lợi ích cho Nga. Bài "Emmanuel Macron và chủ nhân điện Kremlin, một cặp đôi đầy bất trắc" lưu ý là bất chấp nhiều nỗ lực kể từ khi nhậm chức đến nay, "giữa điện Elysée và điện Kremlin, sự cân bằng giữa đối thoại và cứng rắn vẫn luôn là điều khó đạt được". Chính quyền Nga ngày càng trở nên độc đoán hơn trong nước và hung bạo hơn với bên ngoài.

Cuộc gặp với tổng thống Pháp mang lại gì cho Nga ? Trên La Croix, nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaio, chuyên gia thuộc Trung tâm Carnegie Moskva lưu ý ba điểm : "thứ nhất cuộc gặp cho phép tổng thống Nga kiếm thêm được thời gian, để chuẩn bị các biện pháp mang tính kỹ thuật – quân sự, kể cả một chiến dịch tấn công Ukraine, thứ hai là tỏ ra là Moskva cởi mở và thứ ba là để chia rẽ phương Tây".

Nga cũng có thể có một nhân nhượng xuống thang trong việc chấp nhận tái khởi động thực thi các thỏa thuận Minsk, nhưng việc giải quyết khủng hoảng sẽ kéo dài nhiều tháng theo vận tốc rùa bò, theo cảnh báo của cựu đại sứ Pháp tại Nga, ông Jean-Maurice Ripert. La Croix cũng kết thúc bài viết bằng câu tục ngữ Nga : "Khi đã mời gấu Nga nhảy… Gấu sẽ là người quyết định phần kết".

Quyết tâm phục hận của giới đầu não Nga

Hồ sơ chính của La Croix nhấn mạnh đến khát vọng phục thù 30 năm sau khi Liên Xô tan vỡ của dàn lãnh đạo cao cấp nhất của Nga. Nhóm "silovik" này bao gồm 5, 6 nhân vật thân cận nhất của tổng thống ("silovik" trong tiếng Nga có nghĩa là những người điều hành các cơ quan trụ cột quốc gia). Ngoài ngoại trưởng Serguei Lavrov và bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoygu, hai nhân vật khác là thành viên Hội đồng An ninh Nga, cựu lãnh đạo an ninh Nikolai Patrushev và đương kim lãnh đạo tình báo Sergey Naryshkin cùng hai doanh nhân, Igor Sechie, lãnh đạo tập đoàn dầu mỏ nhà nước Rosneft (bạn thời trẻ của Putin khi cùng làm việc tại KGB) và Yevgeny Prigozhin, người đứng sau công ty lính đánh thuê Wagner nổi tiếng.

Đích ngắm của nhóm "silovik" Nga là các cuộc bầu cử Châu Âu. La Croix cảnh báo tổng thống Pháp cần tránh một cạm bẫy của Nga. Đó là đạt được một thỏa thuận, nhưng thỏa thuận sẽ tan vỡ "ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Pháp".

Vì sao chính quyền Biden phải đặc biệt cứng rắn ?

Cũng về hồ sơ khủng hoảng Ukraine nhân chuyến công du Nga của tổng thống Pháp, Libération có bài phỏng vấn đáng chú ý với nhà chính trị học Mỹ Rajan Menon (mang tựa đề "Càng nhiều hoạt động ngoại giao hơn, càng ít nguy cơ chiến tranh tại Ukraine"), nêu bật những lý do đằng sau chính sách cứng rắn với Nga của chính quyền Biden. Theo chuyên gia Rajan Menon, trên thực tế, cuộc đối đầu dữ dội trên truyền thông Mỹ - Nga có phần mang tính chất "trình diễn" về cả hai phía. Bởi chiến tranh sẽ khiến Nga phải trả giá rất đắt, ông Putin thừa hiểu điều này.

Tổng thống Joe Biden với độ từng trải về chính trị, cũng hiểu rằng cần phải tránh chiến tranh, nhưng theo chuyên gia Mỹ, trong không khí chính trị "bạo lực và dễ bị kích động" chưa từng thấy như hiện tại ở Mỹ, bất cứ động thái nào thỏa hiệp nhỏ nào cũng có thể dễ bị coi là đứng về phía kẻ thù. "Đa số thành phần cứng rắn trong đảng đối lập Cộng hòa" coi tổng thống Biden như thủ tướng Anh Neville Chamberlain, người đã ký thỏa thuận Munich năm 1938 với chế độ phát xít Đức, bị lên án là kẻ phản bội. Hình ảnh rất phổ biến về một nước Nga thù địch trên truyền thông Mỹ cũng góp phần gây "ác cảm triệt để" với Nga.

Trên thực tế, chính quyền Mỹ cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến cho phép tìm được đồng thuận với Nga về an ninh, như cắt giảm vũ khí chiến lược, cho phép thanh tra các hệ thống chống tên lửa tại Đông Âu… Về phía Liên Âu, chuyên gia Mỹ cũng thẳng thừng chỉ trích khối quốc gia với trọng lượng kinh tế gấp 8 lần nước Nga, và nền công nghệ hùng hậu, đã không đạt được thống nhất về "tự chủ chiến lược", như đề xuất của tổng thống Pháp, để phải tiếp tục phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Bê bối tại các nhà dưỡng lão Pháp : Cơn chấn động lan rộng

Bê bối trong hệ thống các nhà dưỡng lão Pháp (EHPAD) là hồ sơ lớn trang nhất Le Figaro, với tựa đề "Bê bối tại các EHPAD : cơn chấn động lan rộng". Cuốn sách "Les Fossoyeurs", điều tra về tình trạng ngược đãi người già tại nhà dưỡng lão của công ty tư nhân Orpea, làm chấn động công luận Pháp, vấn đề nhà dưỡng lão đang trở thành tâm điểm của tranh luận trong cuộc tranh cử tổng thống. Các khiếu nại được đưa ra liên tiếp, chính phủ đã mở hai cuộc điều tra. Theo Le Figaro, ba đời tổng thống Pháp liên tiếp đều từng đặt mục tiêu ra luật về vấn đề chăm sóc người già, nhưng rút cục đều đã từ bỏ.

Xã luận của Le Figaro thiên hữu, nhan đề "Đắm tàu thực sự" nhấn mạnh đến những lý do đằng sau sự thoái thác này, đó là việc "tuổi già" bị xã hội đương đại, bị hút hồn vào huyền thoại phát triển không ngừng, đã gạt thế hệ cao tuổi sang bên lề, chỉ nhìn thấy trong tuổi già "sự hèn hạ và bất hạnh", chứ không phải như "những bậc trưởng lão đáng kính" như trước đây.

Le Figaro có bài phỏng vấn chủ tịch Hội đồng tài chính cấp cao về bảo trợ xã hội, ông Dominique Libault, cơ sở từng chuẩn bị cho dự luật về tuổi già, vừa bị chính phủ từ bỏ hồi cuối năm ngoái. Trong tương lai, phải xây dựng được các cơ chế để các gia đình kiểm soát tốt hơn chất lượng các nhà dưỡng lão. Theo vị chủ tịch cơ quan này, việc đào tạo nhân sự là khâu cơ bản.

Các đề xuất cải cách hệ thống nhà dưỡng lão

"Một kiểu nhà dưỡng lão khác có thể được hay không ?" là nhan đề trang nhất báo Libération. Nhật báo thiên tả nhấn mạnh đến "những đề xuất" cho phép chăm sóc người cao tuổi một cách trân trọng hơn. Xã luận Libération với tựa đề "Nhìn thẳng" không đi sâu vào các cội rễ của vấn đề, mà nhìn thẳng vào các thách thức về tài chính, đạo lý của việc chăm sóc người già trong hiện tại. Libération điểm lại các đề xuất của tất cả các ứng viên chính tham gia bầu cử tổng thống, đặc biệt là đề xuất "chấm dứt loại hình nhà dưỡng lão vì mục tiêu lợi nhuận", được nhiều ứng cử viên, đảng phái đề xuất, từ chính trị gia đảng cầm quyền đến đảng cộng sản.

Đảng Xã hội ưu tiên việc chăm sóc người già tại gia đình. Ứng cử viên đảng cánh hữu cũng nghiêng theo hướng này. Ứng cử viên cực tả Nước Pháp Bất Khuất nhấn mạnh đến việc tuyển mộ 210 nghìn y tá với chương trình đầu tư từ 6 đến 8 tỷ euro. Đảng cộng sản cũng chủ trương đầu tư 5 tỉ ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, tăng lương 30% cho nhân viên, lập 400.000 chỗ làm cho y tá và người giúp việc tại nhà, với mục tiêu 10 nhân viên chăm sóc 10 người già tại các nhà dưỡng lão. Đảng Xanh để xuất 8 nhân viên cho 10 người già…

Không phải tất cả các nhà dưỡng lão ở Pháp đều tồi tệ. "EHPAD : chúng tôi chọn nơi tốt nhất cho cha mẹ mình, bởi chúng tôi yêu họ" là tựa đề hồ sơ chính của Libération.

Pháp không thể thiếu các nhà dưỡng lão tư

Khủng hoảng nhà dưỡng lão cũng là chủ đề trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Vụ bê bối của công ty Orpea có nguy cơ tác động xấu đến khu vực nhà dưỡng lão tư nhân ở Pháp. Hôm thứ Sáu, cổ phiếu của toàn lĩnh vực sụt giảm mạnh. Les Echos có bài phỏng vấn tổng giám đốc công ty nhà dưỡng lão tư nhân Korian. Bà Sophie Boissard bảo đảm công ty Korian khôn hề có các hành động ngược đãi người già như tại Orpea, và kêu gọi chính quyền gia tăng các biện pháp kiểm soát lĩnh vực này, đồng thời nhấn mạnh hệ thống chăm sóc người già tại Pháp hiện nay không thể không có sự tham gia của các nhà dưỡng lão tư nhân.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 273 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)