Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/02/2022

Điểm báo Pháp - Putin dửng dưng trước mọi sức ép ?

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Nga Putin dửng dưng trước mọi sức ép ?

Nỗi lo sợ chiến tranh bùng lên giữa Nga và Ukraine bao trùm trang nhất báo Pháp ra ngày 14/02/2022, được các tờ Le Monde, Le Figaro Les Echos nêu bật trong những hàng tựa lớn trang nhất. Riêng La Croix và Libération, dù chú ý nhiều hơn đến phiên tòa bắt đầu mở ra tại Paris nhằm xét xử vụ khủng bố Hồi giáo sát hại linh mục Pháp Jacques Hamel năm 2016, nhưng cũng dành cho hồ sơ Ukraine những phân tích độc đáo. 

putin0

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc họp báo với tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 07/02/2022, tại điện Kremlin, Moskva, Nga. AP - Thibault Camus

Về nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Phương Tây, Le Monde nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất sự kiện : "Khủng hoảng Ukraine : Hoa Kỳ gióng lên hồi chuông báo động", trong lúc Les Echos nhấn mạnh đến tâm trạng "Lo sợ trước sự leo thang", còn Le Figaro tự hỏi "Liệu chúng ta có thể ngăn chặn vòng xoáy chiến tranh hay không ?"

Ukraine : Hoa Kỳ báo động, Phương Tây lo ngại

Đối với Le Monde, tâm lý lo ngại chiến tranh bùng lên đã dâng lên trở lại sau khi Hoa Kỳ ngày 11/02 vừa qua đã cảnh báo các đồng minh của mình về nguy cơ chiến tranh "sắp sửa" nổ ra, nhưng lại thừa nhận rằng không biết rõ là tổng thống Nga Vladimir Putin đã dứt khoát hay chưa. Tờ báo nhắc lại lời báo động của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan theo đó một chiến dịch "có thể bắt đầu" trước khi ngày Thế Vận Hội Bắc Kinh bế mạc vào cuối tuần này. 

Theo Le Monde, để đối phó với các đợt triển khai lực lượng mới của Nga xung quanh Ukraine, Mỹ đã gửi thêm quân đến Ba Lan và Romania. Tại Anh Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ tại Châu Âu, chính phủ của thủ tướng Boris Johnson đang phải chịu sức ép từ Washington, muốn Luân Đôn tấn công vào các khoản đầu tư đáng ngờ của giới tài phiệt vào Anh Quốc. 

Le Figaro cũng nhấn mạnh đến những lời báo động liên tiếp của chính quyền Biden về một cuộc tấn công sắp sửa xẩy ra, ghi nhận là vào hôm qua, một hôm sau cuộc điện đàm giữa Joe Biden và Vladimir Putin được đánh giá là "không có gì để lạc quan", các quan chức cấp cao của Mỹ lại nhắc lại rằng Nga có thể tấn công Ukraine "bất cứ lúc nào". Tờ báo cũng trích nhận định của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, cho rằng một cuộc tấn công của Nga là một "khả năng rất, rất thực tế", và chiến dịch xâm lược Ukraine của Nga có thể bắt đầu trước khi kết thúc Thế Vận Hội với "các cuộc tấn công bằng oanh tạc cơ và tên lửa". 

Theo tờ báo thiên hữu Pháp, trong lúc chủ nhân Điện Kremlin vẫn tỏ ra vô cảm trước những nỗ lực ngoại giao của Phương Tây, Nga thậm chí còn tiếp tục leo thang quân sự ở biên giới Ukraine, tích lũy thêm quân lính và thiết bị.

Le Figaro nêu bật hai phản ứng trái ngược nhau tại Ukraine. Trong lúc người dân nước này vẫn có vẻ bình tĩnh, không hoảng loạn bất chấp những tin đồn về chiến tranh, thì người nước ngoài đang tìm cách rời khỏi quốc gia này theo khuyến cáo của các đại sư quán nước họ. 

Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos dĩ nhiên đã chú ý đến tác động kinh tế của tình hình căng thẳng xuất phát với hai sự kiện được tờ báo nhấn mạnh là việc Nga đã triển khai các đơn vị quân đội mới ở biên giới Ukraine, và việc hầu như tất cả các nước phương Tây đều yêu cầu công dân của họ rời khỏi quốc gia này. 

Tờ báo đặc biệt ghi nhận tác động trên các thị trường chứng khoán của các diễn biến liên quan đến Ukraine. Trong bài "Nỗi Lo sợ về leo thang quân sự ở Ukraine khiến các thị trường thêm bất ổn", Les Echos nhắc lại rằng vào cuối tuần qua, thị trường Wall Street tại New York đã giảm mạnh khi chính quyền Hoa Kỳ cảnh báo rằng Nga đã điều động đầy đủ quân số ở vùng biên giới để tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine.

Theo tờ báo kinh tế, chỉ số VIX, thường được coi là "chỉ số sợ hãi", trong giây lát đã vượt qua mức cao là 30 điểm, còn thị trường trái phiếu thì phải gánh chịu một đà đảo ngược đặc biệt dữ dội. 

Nhật báo La Croix, trong một hàng tựa nhỏ trên trang nhất, đã giới thiệu một bài phân tích rất lý thú về khả năng quân sự hiện nay của Nga. Theo tờ báo : "Quân đội Nga là chủ bài chính trong ván bài của Điện Kremlin". 

Theo tờ báo công giáo Pháp, lực lượng võ trang mà Nga cho triển khai từ vài tuần lễ nay ở biên giới Ukraine, cũng như ở Belarus, vừa trải qua một thập kỷ cải cách, với kết quả là đã trở thành một công cụ hữu hiệu cho Điện Kremlin. 

Putin dửng dưng trước sức ép của phương Tây 

Trong số các bài phân tích đa dạng về cuộc khủng hoảng Ukraine, đáng chú ý nhất hôm nay có lẽ là bài viết trên tờ Le Figaro mang tựa đề "Ukraine : Putin dửng dưng trước sức ép của phương Tây". 

Đối với Le Figaro, từ Điện Kremlin, bên trong những bức tường đỏ như máu ngăn cách ông với những người phàm tục, Vladimir Putin đang quan sát vũ điệu ngoại giao của các nước phương Tây. Hết người này đến người khác, lục tục đi qua Quảng trường Đỏ hoặc điện thoại cho ông ta đôi khi cả hai tiếng đồng hồ.

Trong mười ngày qua, hoạt động ngoại giao lên đến đỉnh điểm, nhưng không ai trong số các lãnh đạo phương Tây có được một chút nhượng bộ từ ông chủ Điện Kremlin. Joe Biden, tổng thống của cường quốc hàng đầu thế giới, cho đến Emmanuel Macron, người lãnh đạo Châu Âu, các quan chức của EU, của nước Đức đầy ảnh hưởng hay thủ tướng Anh Boris Johnson, tất cả đều bị Vladimir Putin hất hủi, dù ông chỉ là tổng thống của một quốc gia khổng lồ nhưng bị cô lập, có GDP tương đương với Tây Ban Nha và dân số giảm hàng năm. 

Sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng Mỹ Joe Biden hôm 12/02 vừa qua với ông Putin, các nguồn tin từ Paris hay Washington đều nghĩ rằng tổng thống Nga vẫn duy trì đường lối cứng rắn.

Theo Le Figaro, không những các nỗ lực ngoại giao như bị nghẹt dưới lớp tuyết rơi tại Nga, mà Điện Kremlin còn tiếp tục leo thang quân sự ở biên giới Ukraine, tích lũy thêm quân và thiết bị.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Vladimir Putin lại cứng rắn như vây, bất chấp nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế và bị thêm các lệnh trừng phạt mới ? Đối với báo Le Figaro, đó có lẽ vì đã đến lúc ông phải đi đến cùng. Hoa Kỳ đã suy yếu kể từ khi rút khỏi Afghanistan và muốn tập trung các nỗ lực quốc tế vào Trung Quốc. Châu Âu bị chia rẽ và không có ý chí quyền lực.

Hôm thứ Bảy, Emmanuel Macron nhắc lại "quyết tâm hành động" của Phương Tây, và Joe Biden đe dọa "những hậu quả nghiêm trọng và nhanh chóng" trong trường hợp xảy ra xâm lược. Nhưng tại sao Vladimir Putin lại phải nhượng bộ khi phương Tây vẫn nói rằng họ sẽ không đưa quân vào Ukraine trong trường hợp có chiến tranh, và chính Joe Biden người đầu tiên nói như vậy.

Trong khi đó thì Nga đã gầy dựng lại quân đội, khôi phục vị thế của mình trên trường quốc tế. Nga khai thác sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt của mình và tận dụng sự do dự của tổng thống già nua Joe Biden.

Đối với một người hoài cổ như Vladimir Putin, sự yếu kém của phương Tây có lẽ là cơ hội cuối cùng để lấy lại Ukraine, mà nền độc lập chưa bao giờ được ông nuốt trôi - và để kiểm soát lại vùng ảnh hưởng trước đây của Liên Xô. Đối với ông sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị tồi tệ nhất trong thế kỷ 20".

Mỹ muốn bán F15 cho Indonesia 

Bên cạnh hồ sơ nóng Ukraine, báo giới Pháp cũng không quên những sự kiện liên quan đến Châu Á. Nhật báo Les Echos đã có bài phân tích sự kiện Indonesia liên tiếp đặt mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp và F-15 của Mỹ. 

Vài giờ sau khi ký kết hợp đồng mua 42 máy bay chiến đấu Rafale, Mỹ đã bật đèn xanh cho việc bán 36 chiếc F15 cho Indonesia. Một câu hỏi có thể đặt ra : Đây là một sự kiện ngẫu nhiên, hay là một thủ đoạn của Mỹ. Tuy nhiện theo Les Echos, Pháp vẫn quyết tâm theo đuổi mối quan hệ quốc phòng mang tính xây dựng với Indonesia. 

Theo Les Echos, bộ trưởng quốc phòng Indonesia, Prabowo Subianto, mơ ước cho đất nước của mình một kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng hơn 100 tỷ đô la chưa từng có trong hơn mười năm. Và nhu cầu của Indonesia rất lớn. 

Không quân Indonesia hiện được chỉ trang bị 49 máy bay chiến đấu, trong đó có 16 chiếc Sukhoi 27 của Nga và 33 chiếc F16 và F5 của Mỹ. Bộ trưởng nước này đã đặt cược vào Rafale để thay thế F16 và F 5, nhưng ông cũng muốn mua loại chiến đấu cơ Mỹ F15 Eagles để cuối cùng thay thế các máy bay chiến đấu của Nga.

Vấn đề là còn phải xem liệu Jakarta có đủ khả năng để tôn trọng khoản đầu tư 22 tỷ đô la vào máy bay mới hay không và khi nào. 

Thành phố Trung Quốc bị cách ly, giá nhôm tăng vọt 

Cũng về Châu Á, Le Figaro ghi nhận một tác hại kinh tế bất ngờ của dịch Covid-19: Một thành phố Trung Quốc mới bị phong tỏa đã đẩy giá nhôm trên thế giới tăng vọt. 

Các mối đe dọa đối với nguồn cung nhôm đang làm tăng giá của kim loại này rất được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, từ xây dựng đến hàng không, bao gồm cả thực phẩm, ô tô và điện tử.

Giá đã tăng vọt vào thứ Năm tuần trước lên 3.300 đô la một tấn, giảm nhẹ so với mức cao nhất mọi thời kỳ vào tháng 7 năm 2008, ở mức 3.380,15 đô la. Tình hình như cho thấy là giá nhôm sẽ bị đẩy lên các mức chưa thể xác định.

Nguyên nhân đà tăng hiện nay, theo Le Figaro, đến từ Trung Quốc. Để ngăn chặn sự bùng phát mới của các ca bệnh Covid-19, Trung Quốc đã cách ly thành phố Bách Sắc (Baise), thủ phủ nhôm ở miền nam. Một tin xấu trong khi nhiều xưởng làm nhôm của Trung Quốc theo lệnh của Nhà nước đã phải giảm sản lượng để hạn chế ô nhiễm trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội mùa đông. Để sản xuất nhôm, cần một lượng điện rất lớn, được cung cấp chủ yếu ở Trung Quốc từ các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm cao.

Sau khi khiến thế giới tràn ngập nhôm giá rẻ để kìm hãm sự cạnh tranh, giờ đây Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu của mình... vào thời điểm mà sự bất ổn cũng đang gia tăng do việc Nga, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, đang tham gia vào cuộc đọ sức với phương Tây ở Ukraine. Nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế được thực hiện, Rusal, tập đoàn khổng lồ nhôm của Nga có thể bị tác hại. 

Pháp xét xử vụ sát hại giáo sĩ Jacques Hamel

Như nói ở trên, phiên tòa mở ra hôm nay tại Paris để xét xử các nghi phạm liên quan đến vụ sát hại linh mục Jacques Hamel tại Pháp vào năm 2016 đã được hai tờ báo Pháp nêu lên thành tựa chính trang nhất. Nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh : "Linh mục Jacques Hamel : Thời của công lý", trong lúc tờ báo thiên tả Libération ghi nhận: "Vụ sát hại giáo sĩ Hamel : Sáu năm sau vụ tấn công, một phiên tòa và những ký ức".

La Croix nhắc lại là vào ngày 26 tháng 7 năm 2016, giáo sĩ Jacques Hamel đã bị hai phần tử thánh chiến Hồi giáo cắt cổ khi đang cử hành thánh lễ trong một nhà thờ ở Saint-Étienne-du-Rouvray, gần Rouen. Cả hai thủ phạm đều đã bị lực lượng an ninh hạ sát sau đó, và phiên tòa mở ra hôm nay nhằm xét xử 4 người bị cho là đồng phạm của những kẻ sát nhân.

Theo tờ báo, dù 6 năm đã trôi qua, những ký ức đau thương về thảm kịch này tại Saint-Étienne-du-Rouvray vẫn còn sống động. Thế nhưng, tại nơi này, các công đồng Cộng giáo và Hồi giáo vẫn không để bị lòng hận thù chia rẽ.

La Croix cũng đăng bài phỏng vấn giám mục Dominique Lebrun, tổng giám mục của Rouen, hy vọng rằng công lý sẽ được thực hiện và ánh sáng sẽ làm sáng tỏ những sự kiện. Vị tổng giám mục rất muốn hiểu vì sao nhiều thanh niên lại có thể trở thành cực đoan đến mức giết hại một linh mục già nua.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 360 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)