BBC, 15/02/2022
Tin mới nhất ngày 15/02 cho hay Moscow thông báo 'rút một số đơn vị khỏi biên giới với Ukraine' nhưng các nước Phương Tây yêu cầu Nga đưa ra bằng chứng 'rút toàn bộ quân'.
Tổng thống Putin tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Điện Kremlin và bàn về Ukraine
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg nói rằng việc giảm căng thẳng thực sự chỉ xảy ra khi Nga rút đi đáng kể quân lính và phương tiện quân sự khỏi biên giới với Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh, bà Liz Truss nói trên kênh LBC sáng thứ Ba ở London : "Chúng tôi muốn nhìn thấy việc rút quân tổng thể, toàn bộ của Nga (full scale removal of troops) để ghi nhận đó là sự thực".
Cùng ngày, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Telegram : "Ngày 15 tháng Hai sẽ đi vào lịch sử như một ngày thất bại của tuyên truyền Phương Tây, thật xấu hổ cho họ".
Trong ngày thứ Ba, Tổng thống Putin tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Điện Kremlin và bàn về Ukraine.
Tại hội đàm, ông Putin nói Nga "không muốn chiến tranh" nhưng đòi hỏi các yêu cầu an ninh của mình phải được đáp ứng.
Ông Putin cũng đưa ra cáo buộc quân Ukraine "gây ra diệt chủng ở vùng Donbass" hiện thuộc quyền kiểm soát của phiến quân được Moscow hỗ trợ.
Cảnh báo về hoạt động của Nga
Trước đó, các lãnh đạo Mỹ và Anh cho rằng vẫn còn hy vọng về đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng cảnh báo vẫn còn chưa có gì là chắc chắn.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều đồng thuận rằng một thỏa thuận về Ukraine vẫn còn khả thi mặc dù có nhiều cảnh báo về các hành động quân sự tiềm tàng từ phía Nga.
Xe tăng Nga tập trận gần Kazan
Nga luôn bác bỏ các kế hoạch xâm lược Ukraine mặc dù đã huy động hơn 100.000 binh sĩ ở khu vực biên giới.
Vào ngày 14/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói khả năng để đạt được một giải pháp ngoại giao "không phải hoàn toàn cạn kiệt".
Cho đến nay đã có hơn 10 nước kêu gọi các công dân rời khỏi Ukraine và Mỹ cho biết các cuộc ném bom từ trên không có thể bắt đầu "bất kỳ lúc nào".
Thế nhưng trong cuộc trao đổi thì Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng vẫn còn "một cánh cửa ngoại giao quan trọng", theo tuyên bố từ số 10 Downing Street.
"Thủ tướng Anh và Tổng thống Biden đã cập nhật thông tin cho nhau về các cuộc trao đổi gần đây với những lãnh đạo thế giới", tuyên bố cho biết.
"Họ cũng đồng ý là vẫn còn một cánh cửa ngoại giao quan trọng và cho phía Nga rút lại những đe dọa về phía Ukraine.
"Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ một cuộc xâm lược nào nhằm vào Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kéo dài cho Nga, với tổn thất gây ảnh hưởng đáng kể đối với Nga và thế giới", theo như tuyên bố.
Ông Johnson đã nói rằng nước Anh sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để hậu thuẫn và ông Biden đã phản hồi rằng : "Chúng ta sẽ luôn sát cánh cùng nhau".
Ông Johnson có kế hoạch sẽ tổ chức một cuộc họp nội các vào ngày hôm nay 15/2 để thảo luận về các phản ứng của Anh trước sức ép.
Những diễn biến khác :
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo về những "ngôn từ châm dầu vào lửa" và cho biết ông sẽ kiên định trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã có một bài phát biểu hiên ngang trước toàn dân, tuyên bố ngày 16/2 - ngày mà giới chức Mỹ cho rằng Nga có thể tấn công Ukraine - là "ngày đoàn kết".
Lầu Năm góc nói Nga đang gia tăng việc huy động binh sĩ gần biên giới với Ukraine và Tổng thống Putin có nhiều lựa chọn nếu muốn sử dụng quân sự.
Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Kyiv của Ukraine đã được sơ tán hoàn toàn và được chuyển sang Lviv, thành phố phía Tây Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói với Tổng thống Putin rằng một số cuộc diễn tập quân sự của Nga gần biên giới với Ukraine đã kết thúc và một số cuộc diễn tập khác sắp hoàn tất.
Khi được hỏi liệu có cơ hội cho một thỏa thuận giải quyết căng thẳng Ukraine với phương Tây hay không thì Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng "các khả năng vẫn chưa phải cạn kiệt hoàn toàn, chắc chắc không nên kéo dài mà không thấy hồi kết, nhưng tôi đề nghị là nên tiếp tục và tăng cường".
Những bình luận của ông Lavrov được đưa ra trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, được xem là một sự nhượng bộ rõ ràng rằng các cuộc điện đàm có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng. Thế nhưng giới phân tích nói rằng nếu không có bên nào vượt qua được vấn đề gai góc là khả năng Ukraine có thể gia nhập Nato thì sẽ vẫn còn bế tắc.
Điện Kremlin nói rằng không chấp nhận Ukraine - một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vốn có mối liên kết xã hội và văn hóa sâu rộng với phía Nga lại có thể gia nhập Nato vào một ngày nào đó, và cũng đã yêu cầu phải loại bỏ khả năng này. Các quốc gia thành viên của Nato đã bác bỏ yêu cầu này từ phía Nga.
Đầu ngày 14/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đáp xuống thủ đô Kyiv cho các cuộc hội đàm giải quyết khủng hoảng - đây cũng là nhà lãnh đạo phương Tây mới nhất đến thăm khu vực để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine.
Ông Scholz nói là "không có sự lý giải hợp lý nào" cho việc Nga tăng cường quân đội ở khu vực biên giới với Ukraine và các quốc gia phương Tây sẽ phải áp đặt "các lệnh trừng phạt có tác dụng và có ảnh hưởng đáng kể" nhằm vào Nga.
Cũng vào ngày 14/2, Mỹ nói đã đưa 8 máy bay chiến đấu F-15 đến Ba Lan để tham gia vào các cuộc tuần tra trên không của Nato. Trước đó, Mỹ cho biết sẽ gửi thêm 3.000 binh sĩ đến Ba Lan trong vài ngày tới để tăng cường sức mạnh của Nato trong khu vực.
*********************
Minh Anh, RFI, 15/02/2022
Phủ tổng thống Nga hôm 15/02/2022, xác nhận bắt đầu rút bớt quân trú đóng gần biên giới với Ukraine. Điện Kremlin khẳng định đây là một "tiến trình bình thường", đồng thời tố cáo "chứng cuồng loạn" của phương Tây về khả năng sắp xảy ra một cuộc xâm lược Ukraine từ Nga.
Xe tăng Nga trong cuộc tập trận tại vùng Lenigrad. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 14/02/2022. AP
Trước giới báo chí, phát ngôn viên phủ tổng thống, Dmitri Peskov tuyên bố : "Chúng tôi đã nói với quý vị rằng sau khi hoàn tất các cuộc tập trận, các đạo quân sẽ trở về doanh trại của mình. Đây chính là những gì đang diễn ra, đó là một tiến trình bình thường".
Theo ông, Moskva trong sắp tới sẽ còn tổ chức "nhiều cuộc tập trận khác trên toàn nước Nga" bởi vì "đây là quyền của chúng tôi tổ chức các cuộc tập trận trên lãnh thổ của chúng tôi, ở bất cứ nơi nào chúng tôi đánh giá là thích hợp".
Trước những cảnh báo từ phương Tây và nhất là từ Mỹ, cho rằng chiến dịch xâm lược Ukraine sắp xảy ra, ông Peskov lên án một "chiến dịch tuyệt đối chưa từng có nhằm gây ra những căng thẳng". "Đây chính là một kiểu cuồng loạn không dựa trên một điều gì cả", phát ngôn viên điện Kremlin khẳng định.
AFP cho rằng, việc Nga ra lệnh cho rút các đội quân được triển khai gần biên giới với Ukraine về doanh trại là một dấu hiệu hạ nhiệt đầu tiên. Sự hiện diện của những đội quân này làm dấy lên mối lo sợ từ nhiều tuần qua khả năng xảy ra một cuộc tấn công chống Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Hôm qua, chính quyền Moskva còn cho phát đi hình ảnh được dàn dựng về cuộc trao đổi giữa tổng thống Nga Vladimir Putin với các bộ trưởng Ngoại Giao Serguei Lavrov và Quốc Phòng là ông Serguei Choigu. Ngoại trưởng Nga cho rằng "vẫn luôn có một cơ hội" để đạt được thỏa hiệp. Ông khẳng định nước Nga còn rất nhiều khả năng hành động, nhưng đồng thời đề nghị các bên "tiếp tục và mở rộng đối thoại".
Một phần quân Nga quay về căn cứ, Ukraine phản ứng thận trọng
VOA, 15/02/2022
Ngày 15/2, Nga cho biết một số đơn vị quân đội của họ quay về căn cứ sau các cuộc tập trận gần Ukraine, sau những ngày Mỹ và Anh cảnh báo rằng Moscow có thể xâm lược quốc gia láng giềng bất cứ lúc nào.
Bức ảnh này do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga cung cấp vào ngày 14/2/2022 cho thấy xe tăng Nga tại một thao trường trong cuộc tập trận quân sự ở vùng Leningrad, Nga.
Chưa rõ có bao nhiêu đơn vị đã được rút đi và đi với khoảng cách bao xa, sau khi đã có ước tính khoảng 130.000 quân Nga được tăng cường ở phía bắc, đông và nam Ukraine.
Diễn biến này dẫn đến phản ứng thận trọng từ phía Ukraine và Anh, đồng thời cũng thúc đẩy một đợt phục hồi mạnh mẽ trên thị trường tài chính. Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng vẫn còn quá sớm, chưa thể xác định chắc chắn là mức độ xuống thang sẽ ra sao.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói : "Chúng tôi lâu nay vẫn luôn khẳng định rằng quân đội sẽ trở về căn cứ sau khi tập trận kết thúc. Lần này cũng vậy".
Ông cáo buộc Hoa Kỳ đã đổ thêm dầu vào lửa của cuộc khủng hoảng bằng cách cảnh báo nhiều lần về một cuộc xâm lược sắp xảy ra, đến mức ông Peskov nói rằng Tổng thống Vladimir Putin đã có những câu chuyện hài hước về điều đó.
"Ông ấy yêu cầu (chúng tôi) tìm hiểu xem liệu thời gian chính xác bắt đầu cuộc chiến đã được công bố hay chưa. Không thể hiểu được sự điên rồ của thông tin này", ông Peskov nói với các phóng viên.
Anh, quốc gia cùng với Hoa Kỳ dẫn đầu những cảnh báo về hành động sắp xảy ra, đã phản ứng một cách thận trọng.
"Nga tuyên bố họ không có kế hoạch xâm lược, nhưng chúng tôi cần phải chứng kiến một việc rút toàn bộ quân đội thì mới tin là điều đó đúng", Ngoại trưởng Liz Truss nói với đài LBC.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kyiv sẽ chỉ tin rằng Nga đang tiến tới hạ nhiệt tình hình nếu chính mắt họ thấy quân đội Nga đang được rút đi.
"Nếu chúng tôi thấy rút binh, thì chúng tôi sẽ tin là có sự giảm leo thang", Interfax Ukraine dẫn lời ông nói.
Thực thi nhiệm vụ mới nhất của phái bộ ngoại giao phương Tây nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bắt đầu cuộc hội đàm với ông Putin tại Điện Kremlin.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong khi các cuộc tập trận quy mô lớn trên cả nước vẫn tiếp tục diễn ra, một số đơn vị của quân khu phía Nam và phía Tây giáp Ukraine đã hoàn thành diễn tập và bắt đầu trở về căn cứ.
Quân khu miền Nam cho biết các lực lượng của họ đã bắt đầu rút khỏi Crimea và trở về căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc tập trận trên bán đảo mà Nga sáp nhập từ tay Ukraine vào năm 2014.
Đoạn video do Bộ Quốc phòng công bố cho thấy một số xe tăng và các phương tiện bọc thép khác đang được đưa lên các toa tàu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói : "Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại. Nhục nhã và thất bại mà không hề có một phát súng nào bắn ra".
Cổ phiếu Nga, trái phiếu chính phủ và đồng rúp, vốn bị ảnh hưởng bởi lo ngại xung đột sắp xảy ra, đã tăng mạnh và trái phiếu chính phủ Ukraine cũng tăng giá.
Lính đánh thuê Nga có liên hệ với gián điệp ngày càng nhiều tại Ukraine
VOA, 15/02/2022
Lính đánh thuê Nga có liên hệ với gián điệp của Moscow ngày càng nhiều tại Ukraine trong những tuần gần đây, khiến một số nước thành viên NATO quan ngại là Nga có thể đang tạo tiền đề để xâm chiếm Ukraine, ba nguồn tin an ninh cao cấp phương Tây cho biết.
Binh sĩ Ukraine quan sát địa điểm một rốc-kết rơi gần vị trí cùa họ tại Popasna, vùng Luhansk, đông Ukrsine, ngày 14/2/ 2022.
Họ nói lo ngại của họ được củng cố trong những tuần gần đây rằng một cuộc xâm chiếm bất thình lình của Nga vào Ukraine có thể bắt đầu bằng một cuốc chiến tranh thông tin, và những cuộc tấn công mạng vào hạ tầng cơ sở thiết yếu của Ukraine như là lưới điện và khí đốt.
Nga cũng có thể sử dụng lính đánh thuê để gieo rắc bất đồng và làm tê liệt Ukraine qua những cuộc ám sát có mục đích và sử dụng các vũ khí đặc biệt, các nguồn tin nói.
Mỹ ngày 13/2 một lần nữa cảnh báo rằng Nga có thể dàn dựng những hoạt động giả tạo ngụy trang bên trong Ukraine để biện minh cho cuộc xâm chiếm.
"Có thể là lính đánh thuê Nga, dưới chỉ thị của nhà nước Nga, sẽ dính líu đến bất cứ hành vi thù nghịch nào tại Ukraine, có khả năng bao gồm một lý do biện minh giả tạo cho một cuộc xâm chiếm", một nguồn tin an ninh phương Tây nói, với điều kiện ẩn danh.
Các nguồn tin an ninh phương Tây cho hay lính đánh thuê được điều động từ các công ty quân sự tư (PMC) có liên hệ chặt chẽ với Cơ quan Anh ninh Liên bang (FSB) tức ‘hậu duệ’ chính thức của KGB thời Xô Viết và cơ quan tình báo quân sự GRU.
Trong số những người được điều động trong những tuần gần đây có một cựu sĩ quan GRU cũng làm việc với tổ chức lính đánh thuê Wagner. Cựu sĩ quan này đã đến Donetsk, một trong hai vùng ở miền đông Ukraine do các phần tử ly khai thân Nga kiểm soát kể từ năm 2014, nguồn tin nói.
Reuters không thể xác nhận cựu sĩ quan này được giao nhiệm vụ gì và cũng không tiếp xúc được với Tổ chức Wagner để yêu cầu bình luận.
Điện Kremlin nói với Reuters hôm 14/2 là Nga không củng cố sự hiện diện của họ trên lãnh thổ Ukraine và binh sĩ Nga chưa bao giờ có mặt tại đây và cũng không có mặt vào lúc này.
Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận khi được yêu cầu bằng văn bản ngày 11/2 về những cáo buộc của phương Tây.
Các nhóm lính đánh thuê Nga đã cung cấp vũ khí, kinh nghiệm hoạt động đặc biệt và huấn luyện quân sự cho các dân quân thân Nga tại đông Ukraine, các nguồn tin nói.
Các nguồn tin cũng cho Reuters biết một số hoạt động của nhóm lính đánh thuê Wagner đã được đặt trên biên giới Ukraine sau khi được huấn luyện tại một căn cứ của GRU gần thành phố Krasnodar miền nam nước Nga.
Reuters không thể kiểm chứng độc lập tin tức về những hoạt động của lính đánh thuê Nga tại đông Ukraine.
Những tổ chức lính đánh thuê Nga khác có liên hệ đến FSB và GRU cũ đã gia tăng hoạt động tại Ukraine kể từ đầu năm nay, các nguồn tin cho hay.
Reuters không thể tiếp xúc với các nhóm lính đánh thuê tại Ukraine để yêu cầu bình luận.
‘Chiến tranh hỗn hợp’
Mỹ bày tỏ lo ngại là Nga có thể dùng lính đánh thuê, lực lượng đặc nhiệm và những chiến thuật vùng xám để làm mất tính chính danh của Ukraine trước khi xâm chiếm, một vài giới chức Mỹ nói với Reuters.
Khi được yêu cầu bình luận, Ngũ Giác Đài nhắc tới phát biểu của phát ngôn viên John Kirby trước đây rằng Nga tìm cách tạo dựng một tiền đề để xâm chiếm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Wagner và những tổ chức tư khác không đại diện cho nhà nước Nga cũng như không được nhà nước Nga trả lương, dù ông nói họ có quyền hoạt động miễn là không vi phạm luật pháp Nga.
Liên hiệp Châu Âu áp đặt chế tài lên Wagner hồi năm ngoái, cáo buộc tổ chức này là gây bạo động, đánh cắp tài nguyên thiên nhiên và làm bất ổn nhiều nước trên thế giới.
Nga phủ nhận kế hoạch muốn sáp nhập thêm một phần lãnh thổ nữa của Ukraine và ông Putin nói phương Tây đang gieo rắc hoảng sợ trong nỗ lực lùa Nga vào chiến tranh sau khi không màng tới những quan ngại của Điện Kremlin về việc NATO bành trướng sau Chiến tranh Lạnh.
Trọng Thành, RFI, 14/02/2022
Theo truyền thông Anh, đại sứ Ukraine tại Anh cho biết chính quyền nước này có thể từ bỏ ý định gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nếu điều này xảy ra đây sẽ là một nhân nhượng lớn của Kiev đối với Nga.
Binh sĩ Đức chuẩn bị triển khai sang Romania, trong khuôn khổ hoạt động của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), tại căn cứ không quân Vilseck, Đức, ngày 09/02/2022. AP - Michael Probst
Hãng tin Reuters hôm nay, 14/02/2022, dẫn lời đại sứ Vadym Prystaiko, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC. Đáp lại câu hỏi của phóng viên về việc chính quyền Kiev có khả năng từ bỏ ý định gia nhập NATO hay không, đại sứ Ukraine cho biết Kiev sẵn sàng "mềm dẻo" về chủ trương gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Ông Vadym Prystaiko nói : "chúng tôi có thể (thay đổi lập trường), đặc biệt trong bối cảnh bị đe dọa như hiện nay". Đại sứ Vadym Prystaiko cũng nhấn mạnh là Kiev đang "bị đẩy đến chỗ phải đưa ra một quyết định như vậy".
Phủ tổng thống Ukraine ngay lập tức đã có phản ứng sau phát biểu của đại sứ tại Anh. Trả lời Reuters, phát ngôn viên của tổng thống Ukraine ghi nhận việc đại sứ Vadym Prystaiko "đã sử dụng từ "mềm dẻo"" về dự án gia nhập NATO, nhưng đồng thời khẳng định, chủ trương gia nhập NATO đã được ghi vào Hiến pháp Ukraine, và là một ưu tiên của Kiev.
Vẫn theo Reuters, đại sứ Vadym Prystaiko đã có lời cải chính, khi khẳng định Ukraine sẽ không từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO, và chính quyền Kiev sẵn sàng có "nhiều nhân nhượng để tránh chiến tranh", nhưng sẽ không có bất cứ một thỏa hiệp nào liên quan đến dự án gia nhập NATO.
Cho đến nay, việc khối NATO có khả năng kết nạp Ukraine, mở rộng địa bàn đến tận sát biên giới Nga là điều mà chính quyền Moskva không chấp nhận, với lý do đe dọa an ninh Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin coi việc Ukraine gia nhập NATO là "lằn ranh đỏ", không được phép vượt qua.
Từ nhiều tháng nay, Nga tập trung hơn 100.000 quân tại vùng giáp biên giới với Ukraine để gia tăng áp lực. Từ tuần trước, Nga tổ chức tập trận quy mô lớn với Belarus trên lãnh thổ Belarus, sát biên giới phía bắc Ukraine, cách thủ đô Kiev khoảng 100 km.
Trong một thông báo tối hôm qua, 13/02, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba khẳng định Moskva đã làm ngơ trước một đề nghị của Kiev, yêu cầu minh bạch về các hoạt động quân sự tại các khu vực sát biên giới, theo quy định của Văn kiện Vienna. Văn kiện Vienna là một thỏa thuận của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), đòi hỏi 57 thành viên OSCE minh bạch về các hoạt động quân sự của nhau.
Bộ Ngoại Giao Ukraine yêu cầu triệu tập họp khẩn giữa Nga với toàn bộ các thành viên OSCE trong vòng 48 giờ, về chủ đề Nga "tăng cường và di chuyển lực lượng tại các vùng đất giáp biên giới với Ukraine và tại bán đảo Crimée bị Nga chiếm đóng".
Trọng Thành, RFI, 14/02/2022
Hôm 13/02/2022, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm. Mỹ, Ukraine tái khẳng định chủ trương vừa đối thoại, vừa sẵn sàng cứng rắn với Nga. Tổng thống Ukraine mời nguyên thủ Mỹ đến Kiev trong những ngày tới.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Joe Biden đang điện đàm với đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelenskiy, từ Nhà Trắng, ngày 09/12/2021. Reuters - LEAH MILLIS
Theo hãng tin Pháp AFP, sau cuộc điện đàm gần một giờ đồng hồ nói trên, Nhà Trắng ra thông báo cho biết hai nguyên thủ nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao, nhưng sẵn sàng các biện pháp răn đe để đáp trả việc Moskva tăng cường binh lực tại các vùng giáp biên giới Ukraine". Tổng thống Mỹ một lần nữa hứa sẽ có một phản ứng "nhanh chóng và cương quyết" từ phía Washington trong sự phối hợp với các đồng minh, nếu Nga xâm lược Ukraine.
Về phần mình, phủ tổng thống Ukraine thông báo trong cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Zelensky đã mời nguyên thủ Mỹ đến Kiev trong những ngày tới, và coi chuyến đi này là "một tín hiệu mạnh, góp phần làm bình ổn tình hình". Tuy nhiên, phía Mỹ không hề nhắc đến lời mời của tổng thống Ukraine, trong thông báo về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ.
Về mặt ngoại giao, theo AFP, các nỗ lực của tổng thống Mỹ đã không mang lại kết quả. Hôm qua, 13/02, người phát ngôn Nhà Trắng, John Kirby, khẳng định cuộc điện đàm giữa hai ông Joe Biden và Vladimir Putin hôm thứ Bảy 12/02, đã cho thấy tín hiệu "lạc quan" nào. Cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine "ngay trong tuần này".
Phan Minh, RFI, 12/02/2022
Theo thông báo của Nhà Trắng được AFP trích dẫn, giá dầu thô tăng vọt vào hôm 11/02/2022 và các chỉ số tại thị trường chứng khoán New York (Wall Street) giảm mạnh trong bối cảnh nguy cơ Nga xâm lược Ukraine gia tăng.
Một điểm khai thác dầu tại Watford City, Hoa Kỳ. AP - Matthew Brown
Giá dầu thô Brent giao tháng 4 tăng 3,31% lên 94,44 đô la, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014. Tại New York, một thùng dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 3 tăng 3,58% lên 93,10 USD, cũng là mức cao nhất trong hơn bảy năm.
Giá thùng dầu của Mỹ thậm chí đã tăng hơn 5% vào đầu giờ chiều sau tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng Nga có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào sau khi Moskva điều động hơn 100.000 binh lính và vũ khí hạng nặng ra biên giới Ukraine từ nhiều tháng qua. Chính phủ Mỹ đánh giá là Nga có thể xâm lăng Ukraine trước khi Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh kết thúc.
Các chỉ số của thị trường chứng khoán New York sụt giảm mạnh cũng vì lý do nói trên, chẳng hạn như chỉ số Dow Jones đã sụt 1,21% một giờ trước khi thị trường đóng cửa.
Phan Minh
Nỗi lo sợ chiến tranh bùng lên giữa Nga và Ukraine bao trùm trang nhất báo Pháp ra ngày 14/02/2022, được các tờ Le Monde, Le Figaro và Les Echos nêu bật trong những hàng tựa lớn trang nhất. Riêng La Croix và Libération, dù chú ý nhiều hơn đến phiên tòa bắt đầu mở ra tại Paris nhằm xét xử vụ khủng bố Hồi giáo sát hại linh mục Pháp Jacques Hamel năm 2016, nhưng cũng dành cho hồ sơ Ukraine những phân tích độc đáo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc họp báo với tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 07/02/2022, tại điện Kremlin, Moskva, Nga. AP - Thibault Camus
Về nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Phương Tây, Le Monde nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất sự kiện : "Khủng hoảng Ukraine : Hoa Kỳ gióng lên hồi chuông báo động", trong lúc Les Echos nhấn mạnh đến tâm trạng "Lo sợ trước sự leo thang", còn Le Figaro tự hỏi "Liệu chúng ta có thể ngăn chặn vòng xoáy chiến tranh hay không ?"
Đối với Le Monde, tâm lý lo ngại chiến tranh bùng lên đã dâng lên trở lại sau khi Hoa Kỳ ngày 11/02 vừa qua đã cảnh báo các đồng minh của mình về nguy cơ chiến tranh "sắp sửa" nổ ra, nhưng lại thừa nhận rằng không biết rõ là tổng thống Nga Vladimir Putin đã dứt khoát hay chưa. Tờ báo nhắc lại lời báo động của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan theo đó một chiến dịch "có thể bắt đầu" trước khi ngày Thế Vận Hội Bắc Kinh bế mạc vào cuối tuần này.
Theo Le Monde, để đối phó với các đợt triển khai lực lượng mới của Nga xung quanh Ukraine, Mỹ đã gửi thêm quân đến Ba Lan và Romania. Tại Anh Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ tại Châu Âu, chính phủ của thủ tướng Boris Johnson đang phải chịu sức ép từ Washington, muốn Luân Đôn tấn công vào các khoản đầu tư đáng ngờ của giới tài phiệt vào Anh Quốc.
Le Figaro cũng nhấn mạnh đến những lời báo động liên tiếp của chính quyền Biden về một cuộc tấn công sắp sửa xẩy ra, ghi nhận là vào hôm qua, một hôm sau cuộc điện đàm giữa Joe Biden và Vladimir Putin được đánh giá là "không có gì để lạc quan", các quan chức cấp cao của Mỹ lại nhắc lại rằng Nga có thể tấn công Ukraine "bất cứ lúc nào". Tờ báo cũng trích nhận định của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, cho rằng một cuộc tấn công của Nga là một "khả năng rất, rất thực tế", và chiến dịch xâm lược Ukraine của Nga có thể bắt đầu trước khi kết thúc Thế Vận Hội với "các cuộc tấn công bằng oanh tạc cơ và tên lửa".
Theo tờ báo thiên hữu Pháp, trong lúc chủ nhân Điện Kremlin vẫn tỏ ra vô cảm trước những nỗ lực ngoại giao của Phương Tây, Nga thậm chí còn tiếp tục leo thang quân sự ở biên giới Ukraine, tích lũy thêm quân lính và thiết bị.
Le Figaro nêu bật hai phản ứng trái ngược nhau tại Ukraine. Trong lúc người dân nước này vẫn có vẻ bình tĩnh, không hoảng loạn bất chấp những tin đồn về chiến tranh, thì người nước ngoài đang tìm cách rời khỏi quốc gia này theo khuyến cáo của các đại sư quán nước họ.
Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos dĩ nhiên đã chú ý đến tác động kinh tế của tình hình căng thẳng xuất phát với hai sự kiện được tờ báo nhấn mạnh là việc Nga đã triển khai các đơn vị quân đội mới ở biên giới Ukraine, và việc hầu như tất cả các nước phương Tây đều yêu cầu công dân của họ rời khỏi quốc gia này.
Tờ báo đặc biệt ghi nhận tác động trên các thị trường chứng khoán của các diễn biến liên quan đến Ukraine. Trong bài "Nỗi Lo sợ về leo thang quân sự ở Ukraine khiến các thị trường thêm bất ổn", Les Echos nhắc lại rằng vào cuối tuần qua, thị trường Wall Street tại New York đã giảm mạnh khi chính quyền Hoa Kỳ cảnh báo rằng Nga đã điều động đầy đủ quân số ở vùng biên giới để tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine.
Theo tờ báo kinh tế, chỉ số VIX, thường được coi là "chỉ số sợ hãi", trong giây lát đã vượt qua mức cao là 30 điểm, còn thị trường trái phiếu thì phải gánh chịu một đà đảo ngược đặc biệt dữ dội.
Nhật báo La Croix, trong một hàng tựa nhỏ trên trang nhất, đã giới thiệu một bài phân tích rất lý thú về khả năng quân sự hiện nay của Nga. Theo tờ báo : "Quân đội Nga là chủ bài chính trong ván bài của Điện Kremlin".
Theo tờ báo công giáo Pháp, lực lượng võ trang mà Nga cho triển khai từ vài tuần lễ nay ở biên giới Ukraine, cũng như ở Belarus, vừa trải qua một thập kỷ cải cách, với kết quả là đã trở thành một công cụ hữu hiệu cho Điện Kremlin.
Trong số các bài phân tích đa dạng về cuộc khủng hoảng Ukraine, đáng chú ý nhất hôm nay có lẽ là bài viết trên tờ Le Figaro mang tựa đề "Ukraine : Putin dửng dưng trước sức ép của phương Tây".
Đối với Le Figaro, từ Điện Kremlin, bên trong những bức tường đỏ như máu ngăn cách ông với những người phàm tục, Vladimir Putin đang quan sát vũ điệu ngoại giao của các nước phương Tây. Hết người này đến người khác, lục tục đi qua Quảng trường Đỏ hoặc điện thoại cho ông ta đôi khi cả hai tiếng đồng hồ.
Trong mười ngày qua, hoạt động ngoại giao lên đến đỉnh điểm, nhưng không ai trong số các lãnh đạo phương Tây có được một chút nhượng bộ từ ông chủ Điện Kremlin. Joe Biden, tổng thống của cường quốc hàng đầu thế giới, cho đến Emmanuel Macron, người lãnh đạo Châu Âu, các quan chức của EU, của nước Đức đầy ảnh hưởng hay thủ tướng Anh Boris Johnson, tất cả đều bị Vladimir Putin hất hủi, dù ông chỉ là tổng thống của một quốc gia khổng lồ nhưng bị cô lập, có GDP tương đương với Tây Ban Nha và dân số giảm hàng năm.
Sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng Mỹ Joe Biden hôm 12/02 vừa qua với ông Putin, các nguồn tin từ Paris hay Washington đều nghĩ rằng tổng thống Nga vẫn duy trì đường lối cứng rắn.
Theo Le Figaro, không những các nỗ lực ngoại giao như bị nghẹt dưới lớp tuyết rơi tại Nga, mà Điện Kremlin còn tiếp tục leo thang quân sự ở biên giới Ukraine, tích lũy thêm quân và thiết bị.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Vladimir Putin lại cứng rắn như vây, bất chấp nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế và bị thêm các lệnh trừng phạt mới ? Đối với báo Le Figaro, đó có lẽ vì đã đến lúc ông phải đi đến cùng. Hoa Kỳ đã suy yếu kể từ khi rút khỏi Afghanistan và muốn tập trung các nỗ lực quốc tế vào Trung Quốc. Châu Âu bị chia rẽ và không có ý chí quyền lực.
Hôm thứ Bảy, Emmanuel Macron nhắc lại "quyết tâm hành động" của Phương Tây, và Joe Biden đe dọa "những hậu quả nghiêm trọng và nhanh chóng" trong trường hợp xảy ra xâm lược. Nhưng tại sao Vladimir Putin lại phải nhượng bộ khi phương Tây vẫn nói rằng họ sẽ không đưa quân vào Ukraine trong trường hợp có chiến tranh, và chính Joe Biden người đầu tiên nói như vậy.
Trong khi đó thì Nga đã gầy dựng lại quân đội, khôi phục vị thế của mình trên trường quốc tế. Nga khai thác sự phụ thuộc của Châu Âu vào khí đốt của mình và tận dụng sự do dự của tổng thống già nua Joe Biden.
Đối với một người hoài cổ như Vladimir Putin, sự yếu kém của phương Tây có lẽ là cơ hội cuối cùng để lấy lại Ukraine, mà nền độc lập chưa bao giờ được ông nuốt trôi - và để kiểm soát lại vùng ảnh hưởng trước đây của Liên Xô. Đối với ông sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị tồi tệ nhất trong thế kỷ 20".
Bên cạnh hồ sơ nóng Ukraine, báo giới Pháp cũng không quên những sự kiện liên quan đến Châu Á. Nhật báo Les Echos đã có bài phân tích sự kiện Indonesia liên tiếp đặt mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp và F-15 của Mỹ.
Vài giờ sau khi ký kết hợp đồng mua 42 máy bay chiến đấu Rafale, Mỹ đã bật đèn xanh cho việc bán 36 chiếc F15 cho Indonesia. Một câu hỏi có thể đặt ra : Đây là một sự kiện ngẫu nhiên, hay là một thủ đoạn của Mỹ. Tuy nhiện theo Les Echos, Pháp vẫn quyết tâm theo đuổi mối quan hệ quốc phòng mang tính xây dựng với Indonesia.
Theo Les Echos, bộ trưởng quốc phòng Indonesia, Prabowo Subianto, mơ ước cho đất nước của mình một kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng hơn 100 tỷ đô la chưa từng có trong hơn mười năm. Và nhu cầu của Indonesia rất lớn.
Không quân Indonesia hiện được chỉ trang bị 49 máy bay chiến đấu, trong đó có 16 chiếc Sukhoi 27 của Nga và 33 chiếc F16 và F5 của Mỹ. Bộ trưởng nước này đã đặt cược vào Rafale để thay thế F16 và F 5, nhưng ông cũng muốn mua loại chiến đấu cơ Mỹ F15 Eagles để cuối cùng thay thế các máy bay chiến đấu của Nga.
Vấn đề là còn phải xem liệu Jakarta có đủ khả năng để tôn trọng khoản đầu tư 22 tỷ đô la vào máy bay mới hay không và khi nào.
Cũng về Châu Á, Le Figaro ghi nhận một tác hại kinh tế bất ngờ của dịch Covid-19: Một thành phố Trung Quốc mới bị phong tỏa đã đẩy giá nhôm trên thế giới tăng vọt.
Các mối đe dọa đối với nguồn cung nhôm đang làm tăng giá của kim loại này rất được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, từ xây dựng đến hàng không, bao gồm cả thực phẩm, ô tô và điện tử.
Giá đã tăng vọt vào thứ Năm tuần trước lên 3.300 đô la một tấn, giảm nhẹ so với mức cao nhất mọi thời kỳ vào tháng 7 năm 2008, ở mức 3.380,15 đô la. Tình hình như cho thấy là giá nhôm sẽ bị đẩy lên các mức chưa thể xác định.
Nguyên nhân đà tăng hiện nay, theo Le Figaro, đến từ Trung Quốc. Để ngăn chặn sự bùng phát mới của các ca bệnh Covid-19, Trung Quốc đã cách ly thành phố Bách Sắc (Baise), thủ phủ nhôm ở miền nam. Một tin xấu trong khi nhiều xưởng làm nhôm của Trung Quốc theo lệnh của Nhà nước đã phải giảm sản lượng để hạn chế ô nhiễm trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội mùa đông. Để sản xuất nhôm, cần một lượng điện rất lớn, được cung cấp chủ yếu ở Trung Quốc từ các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm cao.
Sau khi khiến thế giới tràn ngập nhôm giá rẻ để kìm hãm sự cạnh tranh, giờ đây Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu của mình... vào thời điểm mà sự bất ổn cũng đang gia tăng do việc Nga, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, đang tham gia vào cuộc đọ sức với phương Tây ở Ukraine. Nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế được thực hiện, Rusal, tập đoàn khổng lồ nhôm của Nga có thể bị tác hại.
Pháp xét xử vụ sát hại giáo sĩ Jacques Hamel
Như nói ở trên, phiên tòa mở ra hôm nay tại Paris để xét xử các nghi phạm liên quan đến vụ sát hại linh mục Jacques Hamel tại Pháp vào năm 2016 đã được hai tờ báo Pháp nêu lên thành tựa chính trang nhất. Nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh : "Linh mục Jacques Hamel : Thời của công lý", trong lúc tờ báo thiên tả Libération ghi nhận: "Vụ sát hại giáo sĩ Hamel : Sáu năm sau vụ tấn công, một phiên tòa và những ký ức".
La Croix nhắc lại là vào ngày 26 tháng 7 năm 2016, giáo sĩ Jacques Hamel đã bị hai phần tử thánh chiến Hồi giáo cắt cổ khi đang cử hành thánh lễ trong một nhà thờ ở Saint-Étienne-du-Rouvray, gần Rouen. Cả hai thủ phạm đều đã bị lực lượng an ninh hạ sát sau đó, và phiên tòa mở ra hôm nay nhằm xét xử 4 người bị cho là đồng phạm của những kẻ sát nhân.
Theo tờ báo, dù 6 năm đã trôi qua, những ký ức đau thương về thảm kịch này tại Saint-Étienne-du-Rouvray vẫn còn sống động. Thế nhưng, tại nơi này, các công đồng Cộng giáo và Hồi giáo vẫn không để bị lòng hận thù chia rẽ.
La Croix cũng đăng bài phỏng vấn giám mục Dominique Lebrun, tổng giám mục của Rouen, hy vọng rằng công lý sẽ được thực hiện và ánh sáng sẽ làm sáng tỏ những sự kiện. Vị tổng giám mục rất muốn hiểu vì sao nhiều thanh niên lại có thể trở thành cực đoan đến mức giết hại một linh mục già nua.
Trọng Nghĩa