Ukraine vẫn bên bờ vực chiến tranh
Stalin từng lấy cớ Phần Lan khiêu khích để hôm 30/11/1939 xua quân xâm chiếm nước này. Phương pháp của Kremlin không hề thay đổi, kể cả việc dàn cảnh để vu cho Ukraine tấn công thường dân. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng hy vọng vẫn còn "cho đến khi những chiếc xe tăng thực sự hoạt động và chiến đấu cơ xuất hiện trên bầu trời". Hòa hoãn có lợi trước mắt, nhưng về lâu về dài, khó thể hình dung "cành ô liu" chìa ra trước mũi xe tăng có thể chận được Putin.
Cô Alisa, 38 tuổi, chuyên gia quan hệ truyền thông tại Kiev, Ukraine chuẩn bị cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nếu quân Nga tấn công. Ảnh chụp ngày 19/02/2022. Reuters – Antonio Bronic
Tình hình Ukraine lại căng thẳng khiến báo chí Pháp dù đã đề cập nhiều đến hồ sơ này, hôm nay đồng loạt chạy tựa trang nhất. Le Figarođăng ảnh những chiếc xe tăng Nga đang tập trận ở Belarus với dòng tít lớn "Putin siết chặt gọng kềm lên Ukraine". Cũng với hình ảnh xe tăng Nga nhưng cận cảnh, Libérationnhận định "Ukraine, hòa bình mong manh trên sợi chỉ". Trang nhất La Croix là một chiến binh Ukraine, với tựa đề "Vẫn luôn bên bờ vực chiến tranh". Le Mondera từ ngày hôm trước, chú ý đến "Ukraine : Kịch bản tệ hại nhất ở Donbas", cònLes Echosbáo động "Ukraine trên miệng núi lửa, khủng hoảng sắp sửa xảy ra".
Một cuộc chiến tranh chưa tuyên bố
Đặc phái viên Libération ở cả hai bên chiến tuyến mô tả : những hồi còi hụ vang trong đêm, hàng trăm quả moọc-chê và đại bác bắn đi từ phe nổi dậy thân Nga và quân đội Ukraine. Những gia đình từ hai vùng ly khai Lugansk và Donetsk di tản sang Nga trên những chuyến xe lửa, những người đàn ông được động viên, cấp quân phục và tập bắn súng. Cảnh tượng của chiến tranh, nhưng về mặt chính thức, lại chưa có chiến tranh !
Trước nguy cơ hiển hiện, cả ngày hôm qua, Chủ nhật 20/02 lại cấp tập một làn sóng ngoại giao mới. Hy vọng vẫn còn "cho đến khi những chiếc xe tăng thực sự hoạt động và chiến đấu cơ xuất hiện trên bầu trời" - ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, và khẳng định tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin "bất kỳ lúc nào, theo bất cứ dạng thức nào nếu giúp tránh được chiến tranh".
Về phía Châu Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua trao đổi qua video gần hai tiếng đồng hồ với Vladimir Putin. Điện Élysée cho rằng "mỗi một ngày trôi qua không có chiến tranh là lợi thêm được một ngày cho hòa bình". Còn phản ứng của điện Kremlin sau cuộc điện đàm rất dài này thì kín kẽ hơn, theo kiểu "không có gì mới dưới ánh mặt trời", và - như thường lệ - tố cáo do "Ukraine khiêu khích".
Màn kịch quen thuộc "ngậm máu phun người"
Trong bài xã luận "Trò dàn dựng mới của Moskva", Libération cho biết đối với nhiều nhà quan sát, màn kịch đóng vai nạn nhân này rất quen thuộc. Stalin từng lấy cớ Phần Lan khiêu khích để hôm 30/11/1939 xua quân xâm chiếm nước này. Các ký giả tại chỗ nhận thấy phương pháp của Kremlin không hề thay đổi, kể cả việc dàn cảnh vụng về để vu cho Ukraine tấn công thường dân song tịch.
Đặc phái viên Le Monde tại Kharkov dẫn lời các nhà báo độc lập, khẳng định những người "tị nạn" trên đây không tự nguyện ra đi, không ít người bị ép buộc. Một cư dân Lugansk kể lại : "Người dân được kêu gọi đến nơi làm việc khẩn cấp, và được giải thích làm thế nào để nhận được trợ cấp. Trong khi đó hai chiếc xe buýt đã đưa phụ nữ và trẻ em sang Rostov". Người này hiểu rằng đã bị lừa đảo.
Ukraine đã yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp ngày 21/02/2022 của Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE) để thảo luận về "tình hình thực địa nhanh chóng xấu đi". Cùng ngày, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian điện đàm với đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov và có thể gặp mặt trong tuần. Ông Macron hôm qua cũng nói chuyện với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky và buổi tối với thủ tướng Đức Olaf Scholz, tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Châu Âu khác. Thủ tướng Anh Boris Johnson khi trả lời BBC khẳng định Nga chuẩn bị "một cuộc chiến có thể là quy mô nhất ở Châu Âu kể từ 1945".
Cành ô liu trước mũi xe tăng khó chặn được Putin
Ở phía bắc Ukraine, tại Belarus, sự hiện diện của quân Nga trong một loạt "tập trận thường lệ" sẽ kéo dài. Đối với Mỹ, lại thêm một bằng chứng cho thấy Nga sắp xâm lược Ukraine như ông Biden đã cảnh báo tối thứ Sáu, dù Putin nói với Macron là sẽ rút quân. Tối qua điện Élysée lại nhấn mạnh "Trái banh đang ở bên phần sân của Putin".
Có đến 190.000 lính Nga tập trung ở miền đông Ukraine và hầu như toàn bộ quân đội Belarus cộng thêm 30.000 quân Nga được triển khai ở biên giới phía bắc, thế gọng kềm này khiến khả năng hai cuộc tấn công nhắm vào thủ đô Ukraine cách đó 100 kilomet trở nên hiện thực. Một cuộc xâm lăng bất chấp mọi cảnh báo của phương Tây, và Emmanuel Macron có lý khi cố gắng làm tất cả để tránh cho được điều mà giờ đây dường như khó thể tránh khỏi.
Le Figaro kể thêm : pháo binh, hỏa tiễn triển khai ồ ạt, hàng loạt chiến hạm và chiến đấu cơ, đội ngũ sẵn sàng tiếp đón người tị nạn… Chỉ còn thiếu có quyết định của tư lệnh ! Giờ phút của sự thật đang đến gần đối với Ukraine và cả với phương Tây.
Áp lực quân sự càng lên cao, nỗ lực tìm ra một lối thoát với ông chủ điện Kremlin càng lớn, nhưng với cái giá nào ? Hy sinh Ukraine, đóng hẳn cánh cửa NATO và đẩy nước này trở vào quỹ đạo của Moskva ? Chắc hẳn NATO khó thể ổn định sau khi tỏ ra yếu đuối đến thế. Càng nhân nhượng, sẽ càng bị lấn tới cho đến khi quay lại với một Châu Âu của năm 1997. Hòa hoãn có lợi trước mắt, nhưng về lâu về dài, khó thể hình dung "cành ô liu" chìa ra trước mũi xe tăng có thể chận được Vladimir Putin.
Chiếm được Ukraine, Nga sẽ dựng lên chính quyền bù nhìn và truy sát đối lập
Trong bài "Xâm lăng Ukraine, một kịch bản rủi ro cho Putin", La Croix nhận định về khả năng Nga tung ra chiến dịch quân sự để dựng lên một chính quyền thân Moskva ở Kiev. Quân đội Ukraine có thể gây thiệt hại nặng nề cho quân Nga.
Đó là kịch bản tệ hại nhất. Nga lợi dụng thế thượng phong về quân sự để tấn công Ukraine trên nhiều mặt trận : từ đông bắc, Donbas và Crimea. Quân Nga đang đóng tại Belarus sẽ là mũi nhọn tấn công để bao vây thủ đô Kiev. Quân đội Ukraine tại vùng Donbas, trên lý thuyết sẽ phải hạ vũ khí.
Mục tiêu là buộc chính phủ Ukraine phải nhanh chóng đầu hàng và "vô hiệu hóa" các nhà lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ. Những chính khách thân Nga, như nhà tài phiệt Viktor Medvedchuk, hồi tháng 5/2021 bị buộc tội phản quốc, có thể được đưa lên cầm quyền, bằng cách gian lận bầu cử nếu cần. Theo nhiều nhà phân tích trong đó có ông Michael Kofman thuộc Center for a New American Security (CNA), đó là "cách tốt nhất cho Moskva để đạt lợi ích chính trị lâu dài".
Nói cách khác, tạo ra một Ukraine yếu thế, lệ thuộc vào Nga. Moskva nhân đó có thể tóm được những nhà đối lập và ly khai người Belarus và Nga đang tị nạn ở Ukraine. Theo trang Foreign Policy, Nga đã lập danh sách các chính khách có thể bị bắt hoặc bị sát hại khi Ukraine bị xâm lược.
Cái giá đắt đỏ cho chiến tranh
Những chuyên gia khác cho rằng Moskva có thể chỉ tấn công giới hạn, chiếm phần còn lại của Donbas đang do Kiev kiểm soát, và các cảng Mariupol trên biển Azov, Odessa ở Hắc Hải, lập ra vùng lãnh thổ nối dài với Crimea. Như vậy Nga kiểm soát được phần lớn Ukraine.
Nhưng dù tấn công một phần hay toàn diện, cái giá sẽ rất đắt. Hoa Kỳ ước lượng các trận đánh sẽ gây thương vong cho ít nhất 50.000 thường dân, các vụ vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh là không thể tránh khỏi. Hàng trăm ngàn người sẽ chạy sang tị nạn tại Ba Lan và các nước khác thuộc Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Về phía quân đội Ukraine, với sự hợp sức của những người tình nguyện, có thể kháng cự và khiến lính Nga phải trả giá nặng nề. Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga bình luận : "Putin đã lâm chiến bốn lần : Tchechenya năm 1999, Georgia năm 2008, Ukraine năm 2014 và Syria 2015. Mỗi lần như vậy phương Tây đều không ngăn được, và ông ta có cảm giác đã chiến thắng. Đáng buồn là Putin cảm thấy dễ chịu khi gây chiến".
Một điều chắc chắn là phương Tây chờ sau khi Nga tấn công mới trừng phạt, ngược với mong muốn của tổng thống Ukraine là cần ra tay ngay bây giờ để ngăn chặn Kremlin. Hôm 19/02 tại Munich, ông Zelensky hỏi : "Tại sao phải chờ ? Một khi đã bị tấn công, Ukraine không còn biên giới lẫn nền kinh tế thì trừng phạt Nga có nghĩa gì ?"
Không có nước NATO nào dự định trực tiếp tham gia bảo vệ Ukraine, quốc gia không phải là thành viên. Nhưng một số sẽ hỗ trợ cho Ukraine kháng chiến, qua chia sẻ thông tin tình báo và cung cấp vũ khí như hỏa tiễn cơ động.
Không phải vũ khí NATO đe dọa Nga, mà là tinh thần dân chủ
Tác giả Dominique Moisi trênLes Echoskhẳng định "Ukraine : Vladimir Putin nhầm lẫn mục tiêu". Phải chăng khi muốn vẽ lại toàn cảnh Châu Âu theo ý mình, Putin đã củng cố phe đối thủ là các nước dân chủ ? Không phải sự hiện diện của vũ khí phương Tây đe dọa Moskva, mà là lý tưởng tự do.
Nhấn mạnh đến tính chất "Nga" sâu sắc của Ukraine, Putin liệu có bị đánh giá là đôi bàn tay vấy máu Nga ? Người ta không thể khởi động một cuộc nội chiến với người anh em Slav, với lý lẽ đại loại "nếu em không lấy anh, anh sẽ giết em". Mặc dù lực lượng không cân xứng, việc dùng vũ lực có thể khiến quân đội phải trả giá đắt về nhân mạng, và nhất là về kinh tế đối với các nhà tài phiệt thân cận Putin. Tại sao lại phải chiếm cho được vài mẫu đất ở Ukraine, để rồi không thể gởi con cái sang Thụy Sĩ, sang Anh du học, không thể mua nhà đất ở Luân Đôn ?
Thông tín viên của Les Echos tại Luân Đôn cho biết thêm, dưới áp lực, Anh quốc đã loan báo chấm dứt cấp "golden visa", loại chiếu khán "Tier 1" dành quyền thường trú cho những đại gia đầu tư trên 2 triệu bảng Anh. Tổ chức Minh bạch Quốc tế hôm thứ Sáu 18/02 công bố báo cáo cho thấy đầu tư khả nghi vào địa ốc khoảng 6,7 tỉ bảng Anh, trong đó có 1,5 tỉ bảng Anh là từ những người Nga bị cáo buộc tham nhũng, có liên quan đến Kremlin. Tờ The Guardian thống kê được 31 công ty Nga niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn có trị giá 468 tỉ bảng Anh, chưa kể các tỉ phú Nga như Evgeny Lebedev, con của tỉ phú kiêm cựu sĩ quan KGB Alexander Lebedev, là chủ của hai nhật báo The Independent và The Evening Standard.
Theo ông Moisi, Putin đã nhầm lẫn mục tiêu khi nhấn mạnh vào NATO, thay vì ý hướng dân chủ. Sau Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô muốn mở rộng ảnh hưởng ý thức hệ, hoặc thông qua các đảng cộng sản chư hầu, hoặc bằng những chiếc xe tăng. Ngày nay những người thừa kế Liên Xô không còn ý thức hệ để truyền bá, nhưng muốn mở rộng vòng ảnh hưởng theo truyền thống đế quốc. Vào thời khủng hoảng tên lửa Cuba, các bên đều biết rằng sự tồn tại của hành tinh là quan trọng nhất. Sáu mươi năm sau, không chắc Putin có thể như Khrushchev, rốt cuộc đã ý thức được trách nhiệm.
Thụy My