Dù xâm lăng Ukraine hay không, Putin đã làm tổn hại nước Nga
Vladimir Putin đã tập trung được sự chú ý của toàn thế giới vào Moskva mà không cần bắn một phát súng nào, gây bất ổn cho Ukraine và có thể đạt được nhượng bộ của NATO. Thế nhưng những lợi ích này chỉ mang tính chiến thuật. Về mặt chiến lược lâu dài, ông ta đã đánh mất vị thế. Phương Tây sẽ trừng phạt nặng nề, NATO hồi sinh, Ukraine giờ đây có được sự ủng hộ chưa từng thấy của quốc tế. Mối quan hệ này không bỗng chốc tan biến một khi quân Nga rút đi.
Người dân Ukraine biểu tình tại trung tâm thành phố Kiev ngày 12/02/2022 phản đối Vladimir Putin gây căng thẳng. AP - Efrem Lukatsky
Bạo lực tại Pháp(Le Point), Covid vì sao chưa thể kết thúc(L’Express), gián điệp thời chiến tranh lạnh (L’Obs), thất bại của Putin (The Economist), chuẩn bị hội nhập thế giới ảo tương lai (Courrier International)là hồ sơ của chính các tuần báokỳ này. Riêng cuộc khủng hoảng Ukraine là đề tài được tất cả các tuần san đề cập đến.
L’Obsnói về "Cuộc chiến tranh phức hợp của Putin". Khi giương oai diễu võ ở biên giới, tổng thống Nga đồng thời vận dụng những thế cờ vây và ván bài tẩy nhằm chiến thắng mà không phải chiến đấu ; dùng mọi thủ đoạn tung hỏa mù, giựt dây, bóp méo thông tin…
Putin tấn công Ukraine trên mọi phương diện
"Chiến tranh phức hợp" là sự phối hợp giữa các phương tiện quân sự quy ước với các lực lượng phi truyền thống (lính đánh thuê, dân quân, khủng bố, tội phạm…), cộng thêm gián điệp, truyền thông, tác nhân kinh tế, dư luận viên… Moskva tiến hành một cuộc chiến toàn diện nhưng ngấm ngầm, không trực diện. Đó là một cuộc xung đột "dưới ngưỡng" chiến tranh, tránh bị đối phương phản ứng bằng quân sự.
Hình thái thứ nhất là "mô hình Gerasimov" với "những người áo xanh" không phiên hiệu hồi chiếm Crimea, mãi sau này mới biết là đặc nhiệm Nga. Hình thái thứ hai là "chiến tranh chính trị" gồm những hành động phi quân sự (nổi dậy, tham nhũng, tung tin giả, gây chia rẽ). Theo chuyên gia Mark Galeotti, đó là mô hình ưu tiên của các lãnh đạo an ninh Nga, vì tính dễ tổn thương của các chính thể dân chủ trước chế độ độc tài.
Ukraine là ví dụ mới nhất. Trước khi Nga dàn quân ở biên giới đe dọa theo kiểu cổ điển, Sergey Shefir, cố vấn và là bạn tổng thống Volodymyr Zelensky từng suýt chết trước 18 phát súng máy ; tình báo Ukraine phá vỡ một âm mưu lật đổ. Nhiều cơ quan chính phủ bị tấn công tin học ồ ạt, và chỉ trong ba tuần đầu của tháng Giêng, đã có 300 vụ báo động bom giả. Những danh khoản giả trên mạng xã hội tung tin Ukraine bị tấn công, bị Châu Âu, NATO bỏ rơi v.v. Moskva ngưng xuất khẩu than đá qua Ukraine từ tháng 11/2021 và từ đầu năm nay lượng khí đốt trung chuyển giảm hẳn. Nếu không được hỗ trợ đầy đủ từ bên ngoài, chính quyền Kiev khó chống chọi nổi sự tấn công đa dạng về mọi phương diện của Moskva.
Ba lý do khiến Ukraine luôn là ám ảnh của Putin
Trả lời phỏng vấn của Le Point, nhà báo kiêm nhà sử học chuyên về Đông Âu của The Atlantic, Anne Applebaum giải thích vì sao Ukraine luôn là nỗi ám ảnh của Nga. Thứ nhất, Ukraine từng là cựu thuộc địa, hai nước cùng một nhà nước tồn tại trong nhiều thế kỷ. Tuy Ukraine có bản sắc và ngôn ngữ riêng, nhưng vẫn bị Moskva coi là "một nước Nga thu nhỏ". Mùa hè năm ngoái, Vladimir Putin đã gởi một văn bản dài ký tên ông đến từng người lính Nga, khẳng định việc Ukraine tách khỏi Nga chỉ là một sự cố của lịch sử.
Lý do thứ hai, Putin vẫn coi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20, mà việc Ukraine rời bỏ khiến sự tồn tại của Liên bang không còn ý nghĩa. Lúc đó là nhân viên KGB ở Dresden, Putin thấy như bầu trời sụp đổ, không hề cảm nhận được tâm trạng vui mừng của người dân vào cuối thập niên 80 và thập niên 90 ; chưa hề cảm thấy tự do dân chủ là tích cực.
Thứ ba và quan trọng nhất, chế độ chính trị Nga là độc tài tham nhũng, còn Ukraine muốn là một nền dân chủ theo kiểu phương Tây, muốn hội nhập vào các định chế phương Tây. Đối với Vladimir Putin, đó là một thách thức hoàn toàn không thể chấp nhận được. Putin và phe nhóm của ông cảm thấy bị đe dọa bởi phong trào dân chủ, các cuộc biểu tình trong nước đòi hỏi tự do cá nhân, bởi lá cờ Châu Âu. Ukraine, một nước gần gũi về văn hóa với Nga, không thể trở thành một chế độ dân chủ, Nhà nước pháp quyền, vì như vậy có nghĩa Nga cũng có thể trở nên một quốc gia dân chủ thịnh vượng.
Vũ trang cho Ukraine để tránh chiến tranh
Nhà sử học lưu ý, phương cách tốt nhất để đối phó với sức mạnh quân sự là răn đe : làm cho Moskva hiểu được nếu đổ quân vào chiếm Ukraine sẽ phải trả một cái giá rất đắt, không như vụ chiếm Crimea - một cuộc xâm lăng không đổ máu. Hiện nay Nga thấy có thể tấn công vì Ukraine thiếu sức mạnh phòng không và quân đội kém trang bị. Anne Applebaum nhấn mạnh một điều tưởng như nghịch lý : "Để tránh chiến tranh, hãy vũ trang cho Ukraine".
Nếu không giúp Ukraine tự vệ, coi như khuyến khích Moskva xâm lược nước này. Pháp cần cung cấp vũ khí cho Ukraine, như Cộng hòa Czech, các nước Baltic, Ba Lan, Hoa Kỳ đã làm. Nếu một thành phố lớn Châu Âu như Kiev bị xâm chiếm, tàn phá – điều chưa hề xảy ra từ sau 1945 – bàn cờ chính trị cả châu lục sẽ thay đổi. An ninh nhiều nước bị trực tiếp đe dọa, sẽ có hàng triệu người tị nạn, nguồn cung khí đốt bị bất ổn lâu dài. Ngoài ra, chiến tranh vốn không thể kiểm soát, khó biết được bao giờ mới chấm dứt.
L’Obs khen ngợi tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, mới cách đây vài năm còn là một diễn viên hài. Giờ đây "Vova" (tên tắt của ông) đã thực hiện được công việc khó khăn, thậm chí bất khả. Ở trong nước, phải giữ khoảng cách giữa phe dân tộc chủ nghĩa không ngán chiến tranh và phe thân Nga – còn cứng rắn hơn. Về đối ngoại, vừa bình tĩnh trước những báo động liên tục của đồng minh Mỹ, vừa kềm chế trước những khiêu khích của Nga, và phải siết chặt quan hệ với một Châu Âu không hề muốn tham chiến để cứu vãn Kiev. Gánh nặng đè lên đôi vai của "Vova", người nghệ sĩ không kinh nghiệm chính trị, nay phải đóng vai một nhà ngoại giao khôn khéo và thủ lãnh chiến tranh đầy uy vũ.
Sự hung hăng của Nga gây phản tác dụng
Trong bài xã luận "Quả bóng đang ở trên chân Putin", Le Point nhận định cuộc khủng hoảng Ukraine đã dẫn đến sự thức tỉnh về địa chính trị của Châu Âu và khiến NATO hồi sinh. Có nghĩa là ngược hẳn so với những gì mà ông chủ điện Kremlin hy vọng.
Khi huy động trên 130.000 quân vây quanh Ukraine, Vladimir Putin khiến phương Tây kề vai sát cánh với nhau như lúc cao điểm thời chiến tranh lạnh, NATO tìm lại lý do hiện hữu kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Hoa Kỳ phải đầu tư trở lại vào Châu Âu, tuy hơn 15 năm qua tìm cách rút chân khỏi châu lục để đối đầu với Trung Quốc ; đại đa số người Ukraine lại càng hướng về phương Tây.
Đối với vị Sa hoàng mới vốn nổi tiếng nhiều mưu mô, kết quả là thảm hại. Ít nhất từ 2007, Putin không ngừng nỗ lực gây chia rẽ phương Tây, giữa Hoa Kỳ và Châu Âu cũng như giữa các nước Liên Hiệp Châu Âu với nhau, đặt NATO ra ngoài lề. Cách đây ba năm, ông ta gần như sắp đạt mục đích, khi tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đóng sập cánh cửa với Liên minh, Erdogan khiêu khích Hy Lạp và Emmanuel Macron nói rằng NATO "chết não".
EU đoàn kết đáng kinh ngạc trong hồ sơ Ukraine
Khủng hoảng Ukraine khiến Châu Âu không còn ảo tưởng về một nền hòa bình vĩnh cửu. Một cuộc điều tra tại bảy nước Châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Romania) do Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) vừa công bố cho thấy Vladimir Putin đã thành công trong việc làm cho vấn đề an ninh Châu Âu lại trở thành trọng tâm. Nhưng không phải như ông chờ đợi : công chúng tin tưởng mạnh mẽ vào sự bảo vệ của NATO và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Đa số kể cả ở Pháp cho rằng Nga sẽ xâm lăng Ukraine trong năm 2022.
L’Expressnói về "Sự đoàn kết đáng ngạc nhiên của 27 nước EU trước Putin". Nếu Châu Âu vẫn "không có số điện thoại" như lời phàn nàn của Henry Kissinger cách đây 50 năm, thì nay đã có được một hộp thư. Vào đầu tháng, Nga đã gởi 27 lá thư đến các nước thành viên, một lần nữa muốn chia rẽ EU. Nhưng ngược với sự chờ đợi, ngoại trưởng Sergey Lavrov chỉ nhận được một lá thư hồi âm duy nhất của đại diện ngoại giao Châu Âu Josep Borrell. Thông điệp đã quá rõ !
Tuy nhiên hiện giờ mối đe dọa vẫn ở bên ngoài biên giới. Trong trường hợp Ukraine bị tấn công, Châu Âu cần phải phối hợp đáp trả trong vài tiếng đồng hồ, và vẫn chưa thỏa thuận được về kế hoạch chi tiết. Về phía Hoa Kỳ vẫn luôn tập trung sức cho cuộc đấu với Trung Quốc, coi Nga là vấn đề hạng nhì ; bên cạnh đó Donald Trump có thể quay lại năm 2025. Một bài học của cuộc khủng hoảng này là Châu Âu chưa thể phòng vệ tập thể trước một thách thức quân sự quan trọng, nếu Washington không đóng vai trò nhạc trưởng. Để xây dựng một nền quốc phòng chung Châu Âu, còn lắm gian nan.
Lâu nay bị quên lãng, Ukraine được phương Tây ủng hộ chưa từng thấy
Tuần báo The Economistkhẳng định, "Dù xâm lăng Ukraine hay rút lui, Putin cũng đã làm hại cho nước Nga".
Nhiều nhà quan sát phương Tây cho rằng Vladimir Putin đã tập trung được sự chú ý của toàn thế giới vào Nga mà không cần bắn một phát súng nào. Ông ta chứng tỏ được sự quan trọng của Nga, gây bất ổn cho Ukraine và có thể đạt được nhượng bộ của NATO để tránh chiến tranh, đồng thời đánh lạc hướng dư luận trong nước trước những khó khăn kinh tế và đàn áp như vụ xử nhà đối lập Navalny.
Tuy nhiên theo The Economist, những lợi ích này chỉ mang tính chiến thuật. Ngay cả nếu Putin thắng lợi, về mặt chiến lược lâu dài, ông ta đã đánh mất vị thế. Vladimir Putin đã kích thích các đối thủ, khiến phương Tây đồng ý sẽ trừng phạt nặng nề hơn hồi chiếm Crimea năm 2014, NATO được trông cậy để bảo vệ những nước giáp giới Nga. Luôn trung lập, nhưng Phần Lan, Thụy Điển nay có thể gia nhập NATO ; Đức vốn lừng khừng vì Nord Stream 2, đã chấp nhận rằng việc xâm lược Ukraine sẽ giết chết dự án này. Nếu Putin cho rằng đe dọa sẽ khuất phục được phương Tây, ông ta đã lầm.
Ukraine bị thiệt hại, nhưng người dân càng tin tưởng định mệnh họ liên quan đến phương Tây. Đã đành Putin ngăn cản được Ukraine gia nhập NATO, nhưng thực ra đây chỉ là viễn cảnh xa vời. Điều quan trọng là lâu nay bị lãng quên, Ukraine giờ đây có được sự ủng hộ chưa từng thấy cả về ngoại giao lẫn quân sự của phương Tây. Mối quan hệ được tạo dựng trong cuộc khủng hoảng sẽ không bỗng dưng tan biến một khi quân Nga rút đi. Một lần nữa, đi ngược lại với mong muốn của Putin.
Tác hại cho Nga nếu gây chiến
Nga đã cố gắng tăng cường dự trữ ngoại hối, giảm bớt lượng đô la, giảm lệ thuộc vào vốn nước ngoài, tạo dựng công nghệ từ chip bán dẫn cho đến mạng lưới riêng, xích gần với Trung Quốc – khách hàng tiềm năng cho năng lượng vốn là nguồn thu chính. Những nỗ lực này có thể làm giảm tác hại khi bị phương Tây trừng phạt, nhưng không thể tránh né hết. Liên Hiệp Châu Âu chiếm 27% xuất khẩu của Nga, đường ống Power of Siberia khi hoàn thành năm 2025 chỉ đưa được 1/5 khí đốt đến Trung Quốc so với số lượng cung cấp cho Châu Âu.
Nếu chiến tranh nổ ra, Nga có thể bị loại khỏi mạng thanh toán quốc tế, các ngân hàng lớn bị tách rời khỏi hệ thống tài chính, các công ty công nghệ Nga có nguy cơ gặp khó khăn lớn như Hoa Vi (Huawei) đã từng nếm mùi. Nếu quay sang Trung Quốc, Nga sẽ trở thành đối tác dưới cơ của một chế độ vô cảm chỉ coi Moskva bằng nửa con mắt.
Liên minh độc tài này cũng phải trả một cái giá tâm lý ở trong nước, chứng tỏ Vladimir Putin lệ thuộc vào các siloviki, những ông trùm an ninh coi khả năng Ukraine gắn bó với phương Tây là mối đe dọa cho việc kiểm soát và cướp bóc nguồn lợi nước Nga. Những người chủ trương tự do và các nhà kỹ trị cảm thấy thua thiệt, có thể ra đi.
Putin phải gánh chịu trách nhiệm trước lịch sử
Còn nếu Putin dù ý thức tất cả những điều này, vẫn quyết định chiếm Ukraine ? Chiến tranh sẽ gây thiệt hại cho Nga nhiều hơn là đe dọa gây chiến. Phương Tây sẽ cứng rắn hơn, quyết tâm hơn trong việc quay lưng với khí đốt Nga, Ukraine biến thành vết thương loang máu – làm chảy máu tiền bạc và nhân mạng Nga, còn Vladimir Putin thành kẻ bị ruồng bỏ.
Bài xã luận củaL’Expressnhấn mạnh "Ukraine-Nga : Vladimir Putin đơn độc trước Lịch sử". Léon Tolstoi đã viết trong Chiến tranh và hòa bình : "Nhà vua là nô lệ của Lịch sử", nhưng Putin muốn mình là ông chủ. Tổng thống Nga cho rằng lịch sử đã đặt ông vào hoàn cảnh là người duy nhất có thể mang lại tầm vóc vĩ đại cho nước Nga – và trong trường hợp này Putin thực sự là "nô lệ của Lịch sử". Đối lập bị bịt miệng, không còn phản biện, vị Sa hoàng mới chỉ tham vấn vài nhân vật thân cận trong cung điện của mình và tự ra quyết định. Và như thế chỉ trong vài ngày Putin quyết định xâm chiếm Crimea năm 2014. Không thể đoán định, đó là sức mạnh của ông ta.
Khi Washington liên tục báo động Nga có thể tấn công Ukraine "bất kỳ lúc nào", tất cả các nước phương Tây di tản nhân viên sứ quán ở Kiev, nhưng Elysée vẫn tiếp tục đối thoại với Kremlin như không có chuyện gì. Vì sao Paris vẫn giữ hy vọng cho đến khi nào phát súng đầu tiên nổ ra ? Tổng thống Emmanuel Macron cố tìm ra một lối thoát cho đến cùng, muốn Putin vẫn duy trì giải pháp ngoại giao nơi chiếc bàn dài ngoằng của ông ta. Nếu đồng nhiệm Nga từ chối bàn tay hòa hiếu chìa ra, Vladimir Putin sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm khi biến Châu Âu thành nơi "gió tanh mưa máu".
Thụy My