Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/02/2022

Điểm báo Pháp – Mali : Pháp rút quân trong cay đắng

RFI tiếng Việt

Pháp rút quân trong cay đắng, chấm dứt chiến dịch chống khủng bố ở Mali

Pháp rút quân "trong cay đắng" là chủ đề được nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm. Khủng hoảng Ukraine và những nước đi không ai lường được của Nga, khiến phương Tây quan ngại. Cuộc bầu cử tổng thống Pháp và các câu hỏi không có câu trả lời trong chương trình tranh cử của các ứng viên. Bê bối về nạn buôn vợ tại Trung Quốc chứng minh sức mạnh của mạng xã hội.

mali1

Binh lính thuộc lực lượng Barkhane của Pháp kết thúc nhiệm vụ ở Sahel rời căn cứ ở Gao, Mali, ngày 09/06/2021. AP - Jerome Delay

Trong bối cảnh quan hệ ngày càng phức tạp với chính quyền quân đội của Mali, tổng thống Pháp cùng với các đối tác Châu Âu và Châu Phi thông báo rút khoảng 2400 binh lính triển khai trong chiến dịch Barkhane, hôm thứ Năm tại điện Elysée. Báo Le Monde dành hồ sơ lớn cho chủ đề này. Trong bài đăng với tựa đề "Pháp kéo chuông rút quân khỏi Mali". Pháp và các đối tác Châu Âu và Châu Phi nhất trí rằng phải rời khỏi Mali vì nước này không đáp ứng các điều kiện chống khủng bố. Quân đội phương Tây vẫn sẽ ở lại trong khu vực, tại các nước láng giềng với Mali, và tổ chức lại nguồn lực nhằm hạn chế nguy cơ quân thánh chiến mở rộng ở Châu Phi.

Trái ngược với việc Hoa Kỳ vội vàng rút quân khỏi Afghanistan vào mùa hè năm ngoái, quyết định rút quân tập thể "đầy đau đớn" này là không hẳn là vì quan hệ giữa Mali Pháp đang xấu đi. Một trong những lãnh đạo Châu Âu cho biết : "Chúng tôi đến Mali cùng nhau, rời đi cùng nhau là chuyện bình thường", Le Monde trích dẫn. Riêng với Pháp, động thái này được xem như là một cách để giảm bớt thất bại bẽ bàng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, nhất là sự xuất hiện của lính đánh thuê Wagner Nga trên lãnh thổ Mali. Đây được xem là "cơn ác mộng" đối với Paris, Libération nhận định, do phải chứng kiến Mali thân Nga và mối đe doạ từ lính Wagner gây khó dễ cho các hoạt động quân sự của Pháp. 

Libération cho rằng rút quân là điều hiển nhiên, và không thể tránh khỏi. Công luận Mali trong những năm gần đây cáo buộc sự can thiệp của Paris là âm mưu theo đuổi chủ nghĩa thực dân mới. Macron cũng không ngừng nhắc lại rằng Pháp triển khai quân trong chiến dịch Barkhane theo yêu cầu của các nhà chức trách Bamako. 

Trong mục xã luận, Le Monde cho rằng đây là một cú sốc lớn và là thất bại cho cả Bamako và Paris, mặc dù Macron phủ nhận điều này. Nguyên do là hai nước được gắn kết không chỉ bởi lịch sử và ngôn ngữ mà còn bởi các chính sách nhập cư và các hoạt động của nhiều tổ chức phi chính phủ hỗ trợ Mali. Sự thất bại này giáng một đòn mạnh mẽ vào tham vọng của Pháp về việc gắn kết Châu Âu với Châu Phi. 

Trong hồ sơ này, La Croix chạy tựa trang nhất "Vị đắng ở Mali". Nhật báo công giáo nhận định rằng mặc dù đã có được không ít kết quả đáng chú ý trong công cuộc chống khủng bố, sự can thiệp của hàng ngàn binh lính, một số đã phải bỏ mạng trong khu vực, không giúp Mali ổn định hay giúp đất nước phát triển, tiến đến dân chủ. Mối quan hệ giữa Paris và Bamako sẽ không có dấu hiệu hòa dịu chừng nào chính quyền quân đội chưa chịu trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự thông qua bầu cử. Tuy nhiên mối quan hệ này vẫn được duy trì, đặc biệt là nhờ vào cộng đồng kiều bào Mali ở Pháp. La Croix kết luận rằng Pháp cần phải xem xét lại các hành động của mình ở Châu Phi. Vai trò chống khủng bố của Pháp ở Sahel vẫn rất quan trọng nhưng Paris cần phải kín đáo hơn và lôi kéo sự tham gia của Liên Âu, và nhất là không mang nặng vấn đề về quá khứ thuộc địa của mình. 

Ông Putin thực ra muốn gì ? 

Khủng hoảng tại sườn đông Châu Âu vẫn là chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo chí Pháp hôm nay, liên quan đến việc Nga nói một đằng làm một nẻo, tuyên bố rút quân dần nhưng thực ra lại điều thêm binh lính đến cửa ngõ vào Ukraine. Trong bài viết có tựa "NATO tăng cường hiện diện ở Đông Âu". Lại cuộc họp đáng ra là để tăng cường quan hệ giữa Châu Âu và Châu Phi, Le Monde đặt ra vấn đề qua câu hỏi không có câu trả lời của lãnh đạo các nước Liên Âu : Ông Putin thực ra muốn gì ?

Nếu như Moskva vẫn khẳng định muốn xuống thang bằng con đường ngoại giao, thì hành động điều thêm 7.000 binh lính lại chứng minh điều ngược lại. Về phía Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, hàng trăm lính dù Hoa Kỳ đã đáp xuống Ba Lan, cách biên giới với Ukraine khoảng một trăm cây số. Hoa Kỳ cũng sẽ triển khai thêm 4.700 binh lính, nâng tổng số lính Mỹ tại Đông Âu lên đến gần 10.000. Anh Quốc cũng sẽ cử lính đến Ba Lan. Hà Lan và Na Uy phụ trách tăng cường hiện diện của NATO ở Litva. Đan Mạch và Tây Ban Nha sẽ cử máy bay giám sát không vận. Pháp tăng cường lực lượng ở Romania. Trong một bài đăng khác liên quan đến khủng hoảng Ukraine, Le Monde quan tâm đến lập trường của Ý. Nếu như quốc gia này luôn cố gắng giữ mối quan hệ tốt với Nga vì phụ thuộc năng lượng vào Moskva, thì nay chuyển hướng theo cách hành sử ngoại giao của Pháp và Đức.

Bạo lực ở Donbas - cái cớ cho Moskva tấn công Ukraine 

Le Figaro quan tâm đến các mối lo ngại khác ở vùng Donbas, miền đông Ukraine. Các vụ xả súng qua lại giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga, mà cả hai đổ trách nhiệm cho nhau dấy lên mối lo ngại về các làn sóng bạo lực mới. Nước cộng hòa tự xưng Donetsk thông báo hôm thứ Năm (17/02) 9 ngôi làng đã bị phá hủy. Thêm vào đó, Le Figaro nhắc lại yêu cầu của Duma hôm thứ Ba (15/02), kêu gọi Putin công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk, đã khiến phương Tây lên án mạnh mẽ. 

Về tình hình này, Les Echos cho rằng Moskva có thể lấy cớ bảo vệ 600 000 dân ở vùng Donbas đã được cấp hộ chiếu Nga để tấn công Ukraine. Moskva vẫn chối bỏ tất cả các cáo buộc về kế hoạch tấn công, nhưng cùng lúc đó lại trục xuất nhà ngoại giao Mỹ ở Moskva và đe doạ sẽ có hành động trả đũa về mặt quân sự nếu Hoa Kỳ bác bỏ các nguyên tắc chính về an ninh. 

Le Figaro nhận định khủng khoảng trở nên gay go hơn khi tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko đồng minh của Putin, xác nhận sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân. Belarus sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng Hai (27/02). 

Bầu cử tổng thống Pháp và các lời hứa hẹn khó tin cậy 

Tại Pháp, chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống. Đây thường là dịp để cho các ứng viên đưa ra các lời hứa hẹn, giải pháp các vấn đề chính trị hay xã hội trong chương trình tranh cử của mình. Nếu như trang nhất báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến những lời hứa hẹn cải thiện sức mua không mấy đáng tin của các ứng cử viên tổng thống, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thì Le Monde đề cập đến các vấn đề khí hậu dường như bị cho vào lãng quên trong các chương trình tranh cử, mặc dù 94% người Pháp cho rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng. Le Monde cho biết, trước cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá cả leo thang, sức mua sụt giảm và dẫn đễn khủng hoảng xã hội, các chủ đề về môi trường và khí hậu khó có thể thu hút được sự chú ý.

Trong mục xã luận, Figaro đặt ra câu hỏi điều gì thôi thúc người dân đi bỏ phiếu bầu cử ? Câu trả lời đầu tiên đó có thể là trách nhiệm công dân và những hy vọng thay đổi từ chính trị. Thế nhưng, nếu như những thất vọng nối tiếp nhau thì lại càng cần nhiều hy vọng để lấp đầy các phòng bỏ phiếu. Một số thì lo lắng về vấn đề khí hậu, một số khác thì quan tâm đến các vấn đề về văn hóa, bản sắc và xã hội, tất cả những nỗi sợ hãi có sức mạnh huy động lớn như những lời hứa của các chính trị gia. 

Quay trở lại với vấn đề sức mua, một vấn đề nhức nhối của xã hội, được xem như là yếu tố cấu thành của mỗi người, thậm chí nỗi lo cuối tháng có còn tiền hay không trở thành sự lo sợ về ngày tận thế, đến mức mà không ứng cử viên nào dám đứng ra thuyết phục mọi người rằng chương trình tranh cử của mình có thể tạo ra thay đổi. Le Figaro nhận định, người Pháp hiểu rằng nếu như chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ tăng sức mua thì chính phủ cũng sẽ tìm được cách thu lại, nên nếu ai nói có thể cải thiện sức mua, thực ra chỉ là "trò bịp bợm phục vụ bầu cử".

Cánh tả Pháp có còn quan tâm đến tầng lớp bình dân ? 

Trang nhất Libération hôm nay quan tâm đến vấn đề an toàn lao động, với tựa đề "Tai nạn lao động, những cái chết vô hình". Mỗi năm, hơn 500 người thiệt mạng do tai nạn lao động, hai phần ba trong số đó là công nhân. Trên thực tế số liệu liên quan đến tai nạn lao động - một vấn đề lớn của xã hội lại không được quan tâm nhiều. Vấn đề nay hoàn toàn vắng bóng trong chương trình tranh cử của các ứng viên cánh hữu như Valérie Pécresse hay Eric Zemmour.

Các ứng viên cách tả có vẻ như thể hiện đôi chút quan tâm hơn, như đề xuất của ứng viên đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Melenchon, yêu cầu tăng cường thanh tra lao động hay thiết lập các ủy ban về vệ sinh cũng như các điều kiện lao động. Thế nhưng, trong mục xã luận, Libération đặt câu hỏi nếu như trước kia giới chính trị gia cánh tả Pháp luôn coi tại nạn tại nơi lao động là một cái chết sai lầm và đấu tranh ngày lẫn đêm để luật pháp ghi nhận vụ việc như là một bất công xã hội, thì ngày nay cánh tả Pháp đang làm gì ? Theo thống kê của Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2018, Pháp là quốc gia có số người thiệt mạng do tai nạn lao động cao nhất Châu Âu. Libération cho biết các gia đình nạn nhân nếu như trước kia nhanh chóng được bồi thường một cách hợp lý thì ngày nay phải đấu tranh rất nhiều để đòi lại công lý cho người quá cố, trong khi đó những bất công xã hội này ở các nước khác đã giảm rất nhiều. 

Các môn thể thao nghèo nàn ở Thế Vận Hội Mùa Đông 

Nhìn sang Châu Á, chỉ còn hai ngày nữa là đến lễ bế mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh, La Croix quan tâm đến việc các môn thể thao mùa đông Olympic không có nhiều sự thay đổi từ nhiều năm nay, hoàn toàn trái ngược với các môn thi đấu tại Thế Vận Hội Mùa Hè. Bắc Kinh chỉ đưa ra một môn thi đấu mới đó là nhảy xa trên không "Big Air". Trên thực tế, các môn thi đấu tại Thế Vận Hội Mùa Đông không có nhiều thay đổi từ 1992, với môn trượt tuyết tự do và sự ra đời của môn trượt tuyết bằng ván. Thế vận hội tại Sochi vào năm 2014 có thêm một số đổi mới, nhưng không đáng kể.

Giám đốc của trang Francs Jeux, trang chuyên cung cấp thông tin cho các sự kiện thể thao lớn cho biết, được La Croix trích dẫn, ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hài lòng với chương trình hiện tại và có lẽ không muốn thay đổi. "Nếu nhìn từ Châu Âu, những môn thể thao hiện tại có vẻ cũ kỹ, nhưng thực ra IOC lại quan tâm đến Châu Á và các lục địa mới dành cho trượt tuyết". Một lý do khác nữa đó là có ít môn thể thao mùa đông hơn là mùa hè. Thêm vào đó các chính sách của IOC hiện nay mang màu sắc chính trị nhiều hơn liên quan đến việc trẻ hóa khán giả và quan tâm nhiều hơn đến các môn thể thao cho phụ nữ.

Sức mạnh từ mạng xã hội Trung Quốc

Riêng tại Trung Quốc, Le Figaro có tựa "Trung Quốc phẫn nộ bởi hành động tra tấn nô lệ". Cụ thể là, video về một người phụ nữ sống cảnh nô lệ xiềng xích giữa đông giá lạnh ở Giang Tô, Trung Quốc, cùng với 8 đứa con bị chồng tra tấn đã thu hút 4 tỷ lượt xem trên mạng xã hội, khiến công luận phẫn nộ làm mờ nhạt các tuyên truyền về sự kiện "yêu nước" - Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh. 

Điều đáng chú ý là phản ứng "xoa dịu" của chính quyền muốn chôn vùi vụ bê bối bằng cách chỉ ra người phụ nữ này bị tâm thần phân liệt và vi phạm chính sách một con. Cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc không ngừng tố cáo thủ tục mua bán vợ tại ở một số vùng quê nghèo khổ cùng cực ở Trung Quốc, nhất là chính sách một con đã dẫn đến tình trạng thiếu phụ nữ, thúc đẩy nạn mua bán phụ nữ đến từ những vùng quê nghèo khác ở Việt Nam, hay Bắc Triều Tiên. Trong khi đó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố chiến thắng tệ nạn này từ đầu năm 2021. "Hình ảnh người phụ nữ bị xiềng xích đã phá vỡ những thành tựu hiển hách về xóa đói giảm nghèo và vẻ đẹp của Thế Vận Hội", theo nhận xét của nhà nghiên cứu xã hội tại đại học Thanh Hoa, được Le Figaro trích dẫn.

Nhật báo cánh hữu cho biết, vụ bê bối còn nêu ra vấn đề về các vụ mất tích và bắt cóc trẻ em, một nỗi ám ảnh của nhiều gia đình tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Sau hai tuần căng thẳng leo thang trên mạng xã hội, chính quyền Giang Tô thông báo hôm 17/2 mở cuộc điều tra làm sáng tỏ vụ việc. Trước đó, chính quyền đã thừa nhận việc người phụ nữ này bị bán từ Vân Nam, cách Giang Tô 2.000 cây số. Chồng và "bà mối" đã bị giam giữ vì tình nghi tội buôn người. Le Figaro kết luận rằng vụ bê bối chứng tỏ sức ảnh hưởng của mạng xã hội ở Trung Quốc, dù bị kiểm duyệt nhưng độ độc tài không dám coi thường.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 311 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)