Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/02/2022

Điểm báo Pháp - Xuống thang, vũ khí mới của Nga

RFI tiếng Việt

Xuống thang, vũ khí mới của Nga trong khủng hoảng Ukraine

Tuy đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, nhưng Ukraine vẫn là chủ đề được chú ý nhất trên báo Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa "Ukraine : Phương Tây tỏ ra thận trọng", La Croix ghi nhận "Moskva mưa nắng thất thường".

ukraine1

Ảnh cắt từ video do Bộ quốc phòng Nga cung cấp ngày 15/02/2022 : Các xe bọc thép được đưa về Nga sau cuộc tập trận.  AP

Sau nhiều tuần lễ căng thẳng và tám ngày ngoại giao dồn dập, Nga bắt đầu rút đi vài đơn vị. Phương Tây thở phào nhưng không thể tin tưởng. Hôm qua 16/02, Nhà Trắng lặp lại mối đe dọa từ Nga vẫn hiển hiện, và lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm nay bàn bạc về tình hình Ukraine.

La Croix nhận định"Xuống thang, vũ khí mới của Moskva". Khi loan báo rút quân, Nga chừng như loại bỏ khả năng gây chiến, nhưng không hề nhượng bộ về yêu sách. Pháp nói rằng có vài lý do để hy vọng, nhưng cần kiểm tra lại thực tế có rút quân hay không, lãnh đạo ngoại giao EU Josep Borrell cũng có ý kiến tương tự. Theo báo Nga Izvestia, hai trong số ba sư đoàn bộ binh cơ giới đã rời Crimea những ngày gần đây, đóng quân thường trực tại vùng Rostov và Voronej gần biên giới Ukraine.

Nga nói một đằng, làm một nẻo

Chuyên gia về quân đội Nga, Michael Kofman nhận thấy về mặt bố trí lực lượng, chưa hề có bằng chứng xuống thang, chỉ khi nào quân Nga rút khỏi Belarus sau cuộc tập trận sẽ kết thúc ngày 20/02. Ngoại trưởng Belarus, Vladimir Makei cam kết "sẽ không có một lính Nga nào lưu lại", nhưng ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lưu ý "Có sự khác biệt giữa những gì Nga nói và làm". Theo ông Kofman, Nga khó duy trì lâu dài một lực lượng đông đảo như vậy, về mặt logistic chỉ trụ được vài tuần.

Vậy Moskva muốn gì ? Nga tiếp tục gây hoang mang qua việc phát ra những dấu hiệu trái ngược với nhau. Sau tuyên bố chỉ rút quân "từng phần", Quốc hội Nga ra nghị quyết "kêu gọi" Kremlin công nhận độc lập của các lãnh thổ ly khai miền đông Ukraine. Động thái này giúp Moskva gây áp lực trong đàm phán. Về phía NATO khẳng định muốn thấy "một cuộc rút quân thực sự, lâu dài, chứ không chỉ là chuyển quân liên tục".Phương Tây kiên quyết với các nguyên tắc trong thỏa thuận Helsinki 1975 : tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tự do lựa chọn liên minh. Ông Michel Duclos, cố vấn Viện Montaigne giải thích, nếu đơn phương nhượng bộ, Nga sẽ đòi hỏi tiếp.

Liệu có thể xuống thang được hay không ? Còn phải chờ đợi cuộc họp "Normandie" (Pháp, Đức, Nga, Ukraine) đầu tháng Ba, họp song phương Nga-Mỹ, đối thoại trong khuôn khổ OSCE. Nhưng ông Dulos dự báo Moskva tiếp tục gây bất ổn cho Kiev, và không loại trừ hoạt động quân sự của Nga trên toàn bộ hay một phần lãnh thổ Ukraine trong vài tháng tới. Marie Dumoulin, Hội đồng Đối ngoại Châu Âu có cùng ý kiến. Song song đó, Nga tìm cách duy trì sức ép mạnh mẽ qua việc đóng quân sát biên giới Ukraine, tấn công tin học và nhiều công cụ khác.

"Phần Lan hóa" Ukraine ? Đã lỗi thời !

Trả lời Le Monde, ông Tytti Tuppurainen, bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu của Phần Lan cũng đánh giá "không thể loại trừ nguy cơ Nga tấn công Ukraine".

Vị bộ trưởng bác bỏ ý tưởng "Phần Lan hóa" đối với Ukraine, cho rằng đó là khái niệm trong chiến tranh lạnh nay đã lỗi thời, "không nên hà hơi cho những bóng ma cũ". Phần Lan hoàn toàn ủng hộ việc Kiev có quyền tự do chọn lựa, không phải Kremlin ra lệnh cho người Ukraine phải làm gì. Theo ông, vấn đề đối với Châu Âu không chỉ là quan hệ kinh tế với Moskva. Putin không chỉ tấn công vào một lãnh thổ là Ukraine, mà cả những giá trị phương Tây : nhân quyền, dân chủ, Nhà nước pháp quyền…

Moskva mất nhiều hơn được khi giương oai diễu võ

Liệu ông Putin có hài lòng với kết quả của chiến dịch thị uy ? Trả lời Libération, nhà nghiên cứu Maxim Sushkov cho rằng sau khi Moskva hạ nhiệt hôm thứ Ba 15/02 sẽ là một vòng xung đột mới. Theo giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế Moskva, ván cờ vẫn chưa kết thúc vì Vladimir Putin chừng như chưa đạt được những gì đã đòi hỏi.

Nhà nghiên cứu cho rằng sự xuống thang bắt đầu sau chuyến thăm của thủ tướng Đức Olaf Scholz chứ không phải ông Macron, càng không phải nhờ Anh. Một mặt, Nga muốn siết lại quan hệ hữu nghị với tân thủ tướng, mặt khác, do Berlin không cung cấp vũ khí cho Kiev bất chấp những chỉ trích. Đây là lúc Putin cho thấy ông ta muốn được đối xử như thế nào, và các nước phương Tây khác cần phải "noi gương".

Cũng theo chuyên gia Sushkov, Moskva mất nhiều hơn được. Tình hình đã được chỉnh đốn. Nga muốn thanh toán mối hận từ 30 năm với phương Tây, nhưng trong cách diễn đạt của phương Tây lại trở thành một cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Tất cả những tuyên bố, điện đàm giữa các nhà lãnh đạo, với Putin, những chuyến đi Moskva đều hướng về việc giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Và không còn ai nói về các yêu sách của Moskva hồi tháng 12/2021. Đó là chiến thắng về mặt truyền thông của phương Tây, biến một chủ đề khủng hoảng an ninh toàn cầu thành khủng hoảng khu vực xung quanh Ukraine.

Putin không đòi được "bảo đảm pháp lý"

Câu hỏi đặt ra là Vladimir Putin, người khởi đầu mọi thứ, có hài lòng với kết quả, có nghĩa là tiếp tục đối thoại về chủ đề mà ông ta coi là "hạng hai" ? Nếu không, sẽ diễn ra một đợt căng thẳng mới, chẳng hạn Pháp, Đức thất bại trong việc gây áp lực lên Kiev để thực hiện thỏa thuận Minsk. Một khả năng khác là tiếp tục sa lầy, vấn đề mở rộng NATO không được giải quyết. Và tuy Putin luôn được nghe rằng Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên NATO, ông ta không nhận được bảo đảm pháp lý như đã đòi hỏi.

Còn về việc Quốc hội Nga đòi công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, có thể là chiến dịch truyền thông hướng về phương Tây. Để trình ra bộ mặt tử tế của Putin, trước những con diều hâu sẽ trả lời "Hãy dành cơ hội cho ngoại giao, tôn trọng thỏa thuận Minsk, vùng Donbas vẫn thuộc về Ukraine với điều kiện người nói tiếng Nga được tôn trọng". Đồng thời là cơ hội đưa ra ván bài tẩy : "Nếu không tìm được tiếng nói chung, tôi buộc phải tuân theo ý muốn của đa số đồng bào, nhìn nhận hai nước cộng hòa này".

Người Ukraine đoàn kết trước họa xâm lăng

Về phía Kiev, La Croix cho biết"Ukraine chứng tỏ tình đoàn kết trước đe dọa của Nga". Đúng vào ngày 16/02, được cho là Nga sẽ xâm lăng Ukraine, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố "Ngày Đoàn kết Dân tộc".

Một loạt sự kiện được tổ chức, từ việc treo quốc kỳ hai màu xanh vàng trên khắp các đường phố, cho đến "Chuyến tàu kết đoàn" du hành theo chiều rộng đất nước 1.800 kilomet kể từ hôm nay 17/02. Tất cả các đài truyền hình trình chiếu những chương trình đặc biệt : tranh luận về cách phòng vệ, ca ngợi những "lực lượng bảo vệ lãnh thổ" dân sự… Vốn là một trong những nhân vật kín tiếng nhất Ukraine, nhà tài phiệt ngành luyện kim Rinat Akhmetov xuất hiện trước truyền thông tại Mariupol, hải cảng nằm cách tiền tuyến chưa đầy 15 kilomet cùng với một doanh nhân giàu có khác là Vadim Novinsky, ca ngợi "một Ukraine vững vàng, hòa bình và xinh đẹp".

Nỗ lực của chính phủ trong những ngày gần đây bị ảnh hưởng bởi sự ra đi ồ ạt của phương Tây trước nguy cơ Nga tấn công, từ nhân viên ngoại giao đến các cố vấn quân sự, tạo cảm giác Ukraine bị bỏ rơi. Một đợt di tản khác ngày 13/02 đặc biệt làm Kiev tức giận : khoảng 20 máy bay tư nhân của một số người giàu nhất nước. Tổng thống Zelensky một ngày sau đó đã ra lệnh phải quay lại "trong vòng 24 giờ". Dù đã ra đi từ cuối tháng Giêng nhưng lo lắng cho hình ảnh của mình, tỉ phú Rinat Akhmetov đã tuân theo.

Yeltsin bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, Putin xâm chiếm Crimea

Le Monde đề cập đến một khía cạnh khác : Phía sau cuộc khủng hoảng Ukraine là nguy cơ vũ khí nguyên tử lại được triển khai ở Belarus. Tờ báo nhắc lại một bài tường thuật cách đây gần 30 năm về hội nghị thượng đỉnh Budapest ngày 05/12/1994. Tổng thống Mỹ Bill Clinton cổ vũ cho việc mở rộng NATO sang Đông Âu, ông hứa : "Không một nước nào tự động bị ngăn vào NATO, và chúng ta không cho phép một quốc gia bên ngoài nào phủ quyết việc mở rộng này". Boris Yeltsin đáp lời : "Tại sao lại gieo rắc hoài nghi khi chúng ta không còn là kẻ thù ?". Thủ tướng Anh John Major đề nghị "không phủ quyết đối với Nga".

Một văn bản quan trọng được ký kết : bản ghi nhớ Budadest. Theo đó, Ukraine, Belarus và Kazakhstan, ba nước cộng hòa ra khỏi Liên Xô ba năm trước đó, chấp nhận chuyển giao cho Nga những vũ khí nguyên tử xô-viết trên lãnh thổ nước mình.

Cơn ác mộng của Washington sau khi Liên Xô sụp đổ là phải đối phó với bốn cường quốc nguyên tử bất ổn thay vì một. Thế nên chính quyền Bush gây sức ép với ba Nhà nước mới, đổi lại họ được viện trợ kinh tế và nhất là được "bảo đảm" toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng hai mươi năm sau, Vladimir Putin, người kế nhiệm ông Yeltsin, xâm chiếm Crimea của Ukraine !

Belarus bỏ tư cách trung lập : Nguy cơ vũ khí nguyên tử

Điều ít người biết là bản ghi nhớ Budapest giờ đây một lần nữa có cơ bị vi phạm, lần này là từ Belarus. Năm 1994, Hiến pháp nước này khẳng định là "Nhà nước trung lập", không vũ khí hạt nhân. Được bầu lên cùng năm, Lukashenko gởi trả đầu đạn nguyên tử của 80 hỏa tiễn SS-25 cho Nga. Tuy nhiên ông ta chỉ tháo dỡ một trong những địa điểm phóng hỏa tiễn, sự kiện này chỉ được Lukashenko thú nhận vào tháng 11/2021. Sau vụ gian lận bầu cử tháng 8/2020 làm dấy lên phong trào phản kháng, Lukashenko cầu viện Putin và giữ được ghế, nhưng phải trả giá bằng sự lệ thuộc.

Ngày 04/11/2021, Nga và Belarus thông qua chủ thuyết quân sự chung. Tuy không được tiết lộ, nhưng Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết theo đó Minsk không còn là Nhà nước trung lập, không vũ khí nguyên tử. Một ngách nguy hiểm đã được mở ra, tuy trong dự thảo Hiến pháp mới sẽ được "trưng cầu dân ý" thông qua ngày 27/02 tới, phương Tây chỉ chú ý đến việc Lukashenko nắm quyền đến năm 2035.

Cặp Nga-Trung chống Mỹ, một sự đảo lộn lịch sử

Les Echos quan tâm đến"Trung Quốc-Nga : Một cặp bài trùng mới chống Mỹ". Nếu Hoa Kỳ thời Nixon xích lại gần Bắc Kinh cách đây đúng 50 năm để cô lập Liên Xô, thì ngày nay chính Trung Quốc bắt tay với Nga để chống lại ảnh hưởng Mỹ.

Hiếm khi lịch sử lại quay ngoắt rõ rệt như vậy. Tam giác chiến thuật thời chiến tranh lạnh giờ đây được Bắc Kinh áp dụng, để thay đổi trật tự thế giới vào lúc nước Mỹ trở nên dễ tổn thương. Cuộc hôn phối mới tạo thuận lợi cả về kinh tế lẫn địa chính trị. Nga sở hữu khí đốt mà Trung Quốc rất cần, còn Bắc Kinh với lượng ngoại hối khổng lồ và Con đường tơ lụa, giúp Nga thêm sức nặng trong tham vọng lãnh thổ. Cả Tập Cận Bình lẫn Vladimir Putin đều tin rằng Hoa Kỳ muốn ngáng chân mình. Với Trung Quốc là thuế quan của Donald Trump, dự án TPP, AUKUS ; còn với Nga là NATO. Putin mang lại chính xác những gì mà Tập cần : một đối tác có thể gây bất ổn cho liên minh phương Tây và đánh lạc hướng sự chú ý của Mỹ đối với Trung Quốc, giúp mở cánh cửa cho Trung Quốc cất cánh thành đại cường số một thế giới.

Hoa Kỳ giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên vì kinh tế của địch thủ suy sụp. Ngay thì kinh tế Mỹ đang yếu đi trong khi Trung Quốc đang lên. Cuộc chiến tranh lạnh mới khác hẳn cuộc chiến trước, nhưng tác giả bài viết, nhà kinh tế Stephen S. Roach tiếc rằng nước Mỹ dường như vẫn đang ngủ quên.

Pháp từ biệt Mali

Nhìn sang Châu Phi, một chủ đề lớn khác hôm nay là việc Pháp chuẩn bị kết thúc chiến dịch Barkhane. Le Figaro trong bài xã luận mang tựa đề "Tạm biệt, Bamako !" nhận định tốt nhất Pháp nên rút ra bài học về thất bại ở Mali.

Sau một thập niên truy lùng quân thánh chiến tại vùng Sahel, với 53 chiến sĩ ngã xuống, chiến dịch viễn chinh dài nhất của Pháp sau cuộc chiến Algeria đã đạt đến hồi kết. Pháp không còn được hoan nghênh tại đất nước đã kêu cứu với Paris năm 2012, vì tập đoàn quân sự cầm quyền bằng đảo chánh, với đồng minh mới là lực lượng lính đánh thuê của Putin, đồng lõa với quân Hồi giáo muốn Pháp ra đi. Thế thì tạm biệt Bamako !

Nhưng một cuộc chiến chống khủng bố không dễ gì chấm dứt theo ý muốn. Emmanuel Macron muốn lật sang trang mới ở Sahel với các đối tác Châu Phi và Châu Âu còn lại, ít nhất là chận đứng các băng nhóm Hồi giáo ở vùng ba biên giới (Mali, Burkina Faso, Niger) đang tìm cách mở rộng xuống phía nam. Có thể nghi ngờ khả năng thành công của thế thăng bằng quân sự mới, với phân nửa lực lượng hiện nay tại một vùng đất rộng gấp 10 nước Pháp. Quân đội Mali có lẽ cảm thấy mạnh hơn với những người bạn mới Wagner, nhưng đất nước bị trừng phạt này có nguy cơ trở thành hố đen thánh chiến. Khi đó, Bamako sẽ cầu cứu ai đây ?

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 351 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)