Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/02/2022

Điểm báo Pháp - Ukraine : Putin trên đà "phóng lao rồi theo lao"

RFI tiếng Việt

Ukraine : Putin trên đà "phóng lao rồi theo lao" bất chấp trừng phạt phương Tây

Khủng hoảng Ukraine dĩ nhiên vẫn tiếp tục chiếm lĩnh trang nhất trên hầu hết các tờ báo lớn tại Pháp ra ngày hôm nay, 24/02/2022, từ La Croix, Le Monde, cho đến Le Figaro, Les Echos. Chỉ riêng Libération là dành tít chính cho một cuộc điều tra độc quyền của tờ báo vốn đã phát hiện nhiều dấu hiệu gian lận trong cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua của đảng cánh hữu Pháp Những Người Cộng Hòa (LR). 

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tấn công Ukraine, Moskva, ngày 24, 2022  via Reuters - Russian Pool

Về tình hình Ukraine, báo giới Pháp đều cho là qua những phát biểu đầy thách thức của tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Ukraine và phương Tây, và căn cứ vào những hành động của ông từ khi lên cầm quyền tại Moskva, khả năng Nga tung quân tấn công nước láng giềng không phải là điều viễn vông. 

Vấn đề là đối mặt với mối đe dọa đó, phản ứng của phương Tây chỉ tập trung vào các biện pháp kinh tế bị cho là không đủ sức răn đe tổng thống Nga. 

Putin trong thế phóng lao về phía trước 

Bên trên một bức ảnh bán thân chụp ông Putin đang nhìn vào ống kính với vẻ mặt lạnh lùng, trên một phông nền màu xậm, nhật báo công giáo La Croix nhận định : "Putin, phóng lao thì phải theo lao". 

Theo La Croix, trong bối cảnh nước Nga tiếp tục đe dọa là sẽ tung ra một chiến dịch quân sự với quy mô rầm rộ đánh vào Ukraine, giới quan sát tiếp tục tìm hiểu về những lý do đã khiến tổng thống Nga trở thành cực đoan như hiện nay. 

Trong bài phân tích mang tựa đề : "Vladimir Putin tự nhốt mình trong quan điểm của một nạn nhân", tờ báo cho rằng bài diễn văn đọc hôm thứ Hai 21/02 vừa qua đã bộc lộ tính cách của một nhà lãnh đạo "cô đơn, độc tài và co cụm hơn bao giờ hết trong một tầm nhìn nặng tính chất ý thức hệ, tự cho mình là nạn nhân của Lịch Sử và các mối quan hệ quốc tế". 

Tờ báo nhắc lại rằng trong bài phát biểu đó, ông Putin đã cáo buộc chính quyền Ukraine nào là ủng hộ "khủng bố Hồi giáo" ở vùng Crimea, nào là muốn bổ sung kho vũ khí hạt nhân, nào là tiến hành "diệt chủng" ở miền đông khu vực Donbass. Theo Vladimir Putin, trong quá khứ, Ukraine chỉ là một chư hầu của Nga, và chỉ tồn tại như một thực thể chính trị khác với Nga do một sự tình cờ của lịch sử mà thủ phạm là "nước Nga cộng sản và Bolshevik". Trên cơ sở đó, tổng thống Nga hầu như không còn giấu giếm ý định xâm lược nước láng giềng khi nói rằng : "Chúng tôi sẵn sàng cho các người thấy ý nghĩa thực sự của việc phi cộng sản hóa Ukraine". 

Những lời lẽ kể trên, theo La Croix, đã khiến nhiều chuyên gia cho rằng ông Putin đã dứt khoát hành động nhắm vào Ukraine. Bà Tatiana Jean, giám đốc trung tâm Nga thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI cho rằng vì cảm tính, ông Putin đã "không còn cân nhắc lợi hại". 

Đối với La Croix, phương án leo thang xung đột của ông Putin không hề phi lý chút nào mà nằm trong một loạt chính sách được theo đuổi từ nhiều năm nay, bắt nguồn từ ý muốn khẳng định bản sắc trong nỗi ám ảnh là mình bị bao vây. 

Bà Marie Dumoulin, nguyên là một nhà ngoại giao và hiện là chủ nhiệm chương trình "Châu Âu Rộng Mở" tại cơ quan tham vấn Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu cho rằng quan hệ căng thẳng của ông Putin đối với phương Tây không phải điều mới mẻ vì ngay từ những năm 2000, Vladimir Putin từng cáo buộc Mỹ là đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy ở miền Bắc Kafkaz. 

Tờ báo nhắc lại rằng cách nay 8 năm, thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng nhận xét rằng tổng thống Nga đã "xa rời với thực tế", một nhận định có thể áp dụng cho cái nhìn của Vladimir Putin về thế giới xuyên suốt trong nhiều năm qua. 

Trừng phạt của phương Tây chưa làm Nga xao xuyến

Để đối phó với Vladimir Putin, Hoa Kỳ và Châu Âu đã lập tức công bố các biện pháp trừng phạt chủ yếu về kinh tế, thương mại. Vấn đề đặt ra - như nhật báo kinh tế Pháp Les Echos đã ghi nhận ngay trang nhất - là nước Nga có vẻ dửng dưng trước phản ứng quá nhẹ nhàng này. 

Dưới hàng tựa lớn : "Các biện pháp trừng phạt : Nga không xao xuyến", Les Echos dĩ nhiên đã tập trung mổ xẻ các biện pháp đáp trả của phương Tây nhắm vào Nga và nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất : "Các biện pháp trừng phạt : Nước Nga không xao xuyến".  

Theo tờ báo, vào thời điểm hiện tại, các biện pháp trừng phạt tài chánh của phương Tây đối với Nga sẽ có rất ít tác động. Một trong những lý do là nhu cầu tài trợ từ ngoại quốc của Moskva rất ít. Giới có thể bị ảnh hưởng nặng nhất là các nhà tài phiệt Nga cũng đã bắt đầu dùng đến tiền điện tử (cryptomonnaie) để khỏi lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài tại Nga cũng đã giảm bớt hoạt động ở nước này để giảm thiểu nguy cơ bị các lệnh trừng phạt tác hại. 

Trên tờ La Croix, ông Jean-Marie Guéhenno, cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng tỏ ý bị quan là các biện pháp răn đe mà phương Tây đang áp dụng sẽ không có hiệu quả vì Ukraine đã trở thành một vấn đề "cảm tính" đối với Vladimir Putin, nhất là khi phương Tây đã từ chối khả năng dùng biện pháp quân sự. 

Cũng trên La Croix, ông Sébastien Jean, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện INRAE của Pháp cho rằng các biện pháp trừng phạt chỉ có một tác động hạn chế mà thôi.  

Nhật báo Le Monde cũng phân tích phản ứng của phương Tây trong hồ sơ chính, với một hàng tựa lớn trên trang nhất mang tính chất giải thích : "Đối mặt với Putin ngày càng hung hăng, phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đầu tiên". 

Theo tờ báo, ngay sau khi Vladimir Putin tuyên bố công nhận sự độc lập của các vùng lãnh thổ Ukraine ở vùng Donbass, rộng lớn hơn cả các khu vực hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phe ly khai thân Nga, Mỹ và Châu Âu đã công bố các biện pháp trừng phạt đầu tiên, có quy mô giới hạn nhưng có khả năng trở thành cứng rắn hơn trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược quy mô lớn hơn. 

Đối với Le Monde, các trừng phạt ban đầu của Mỹ hay Châu Âu chỉ mang tính chất cảnh cáo cho nên đã vấp phải nhiều chỉ trích là sẽ không có hiệu quả. 

Ukraine sẵn sàng đáp trả Nga nhưng trong thế yếu

Phản ứng của nạn nhân bị Nga ức hiếp là Ukraine cũng được báo giới quan tâm. Nhật báo cảnh hữu Le Figaro đã dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề này : "Ukraine chuẩn bị đối phó với một cuộc xâm lược từ Nga".

Bên dưới một bức ảnh chụp cảnh lính dự bị Ukraine đang tập luyện tại một địa điểm gần thủ đô Kiev ngày 19/02 vừa qua, Le Figaro đã nêu bật thế yếu của quân đội Ukraine khi lưu ý rằng trong bức hình, người ta thấy nhiều người lính dự bị phải dùng đến súng giả khi tập luyện. 

Theo tờ báo Pháp, trước tình hình đã trở nên căng thẳng, chính quyền Ukraine đã ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh động viên lính dự bị. Quân tiếp viện cũng đã được chuyển đến miền đông và miền bắc đất nước để sẵn sàng chống lại những kịch bản tấn công khác nhau của Moskva. 

Thế nhưng, điểm đáng chú ý trong phản ứng của Kiev mà Le Monde ghi nhận là việc binh sĩ Ukraine cho biết là họ đã có chỉ thị là không được đáp trả các hành động khiêu khích của Nga, mà chỉ chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. 

Nga và Trung Quốc trên vấn đề Ukraine

Cũng trên hồ sơ Ukraine, La Croix đã trở lại với quan hệ Bắc Kinh-Moskva trong một bài phân tích nêu bật việc Nga trông cậy vào hậu thuẫn cụ thể của Trung Quốc, nhưng có nguy cơ là sẽ thất vọng. 

Theo La Croix, sự hiện diện của Vladimir Putin tại buổi khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 2, giúp củng cố một liên minh chiến lược và kinh tế với đồng minh Trung Quốc, hai tuần trước quyết định mạnh tay đối với Ukraine. 

Vladimir Putin muốn đảm bảo an toàn cho mình sau sự cố ông gây ra ở Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế không thể tránh khỏi của phương Tây. Tại Bắc Kinh, ông Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện với nhau trong gần ba giờ đồng hồ, đã ký tuyên bố chung về trật tự thế giới mới và khoảng 15 hợp đồng kinh tế lớn.  

Đối với với La Croix, vào đầu thế kỷ 21, một liên minh mới, mang tính cơ hội hơn bao giờ hết, đã được ký kết giữa hai đại cường Trung Quốc và Nga, và chỉ hai tuần sau, Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai của Ukraine và đe dọa sẽ xâm lược khu vực này.  

Trước sự kiện hầu như bất ngờ, Trung Quốc không muốn đứng về phía nào. Bắc Kinh tránh lên án Moskva Nga nhưng cáo buộc Hoa Kỳ là "đổ dầu vào lửa". Chuyên gia về Trung Quốc Philippe Le Corre, của trường Harvard Kennedy School nhấn mạnh : "Ít ra Putin đã đợi cho đến khi Thế Vận Hội kết thúc rồi mới can thiệp vào Ukraine". Thế nhưng theo chuyên gia này, "Trung Quốc thấy mình ở trong một tình huống tế nhị, bởi vì họ không thể ủng hộ một hành động xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền". 

La Croix cho rằng rõ ràng đây là một đòn không hay của ông Putin đối với "đồng minh" Trung Quốc, và lần này không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh bị giằng xé giữa mối quan hệ hữu nghị với Moskva và sự lựa chọn của người hùng của Điện Kremlin

Trong vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014, mà Trung Quốc vẫn không công nhận, Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Giờ đây, 8 năm sau, Bắc Kinh vẫn không có nhiều không gian để xoay sở vì các mối quan hệ thương mại, tài chính và ngoại giao với Châu Âu cũng như Ukraine.

Theo một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc lần vẫn sẽ kín đáo về ngoại giao nhưng sẽ cung cấp "hỗ trợ Nga về kinh tế thông qua việc mua dầu khí". 

Ngoài ra, Bắc Kinh đang quan sát bản chất và mức độ của các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga. Chuyên gia Bonny Lin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định : "Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng là một bài trắc nghiệm quyết tâm của chính quyền Biden trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với Đài Loan".

Theo Philippe Le Corre, "một số chuyên gia đưa ra thời điểm 2027 (lúc kết thúc nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình) là năm Trung Quốc tung chiến dịch quân sự nhắm vào Đài Loan". Từ nay đến đó, Bắc Kinh đang theo dõi, kiên nhẫn và chuẩn bị. 

Đảng LR tại Pháp và một cuộc bầu sơ bộ "dởm"

Như nói ở trên, Libération đã dành tựa lớn trang nhất cho tình hình chính trị Pháp, công bố kết quả một cuộc điều tra riêng của tờ báo về một vụ tai tiếng có thể nói là rất lớn liên quan đến đảng chủ chốt của cánh hữu truyền thống, đảng Những Người Cộng Hòa LR. 

Trên nền bức ảnh chụp ứng cử viên tổng thống đảng Những Người Cộng Hòa, bà Valérie Pécresse, Libération chạy hàng tựa lớn : "Bầu cử sơ bộ đảng LR : Mặt trái của một cuộc bỏ phiếu dởm". Tờ báo giải thích ngay : Một cuộc điều tra do tờ báo thực hiện đã vạch trần thực tế là cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng LR, mà người chiến thắng là bà Pécresse, đã đầy rẫy hiện tượng gian lận, với các thủ đoạn ngụy tạo để ghi đăng ký đảng viên có quyền bỏ phiếu, trong đó có nhiều người không hề biết là mình đã thành đảng viên LR và đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ.

Trong bài phân tích chính bên trong mang tựa đề rất dài : Các thành viên đã chết, hư cấu hoặc bù nhìn : Cánh hữu bị bóng ma của mình theo bám", Libération cho biết đã mở cuộc điều tra về một tài liệu nhạy cảm nhất và được bảo mật chặt chẽ nhất của đảng Les Républicains : hồ sơ của các đảng viên có thẻ đảng.

Cuộc điều tra cho thấy rằng cuộc bầu cử sơ bộ đã bị phá hoại bằng các thủ đoạn gian lận nhằm mục đích thổi phồng số lượng cử tri. Các thành viên hư cấu, đã qua đời hoặc bầu theo hướng dẫn, và thậm chí là một con chó, tất cả những hiện tượng này đã gieo rắc nghi ngờ về tính trung thực của phiếu bầu. 

Theo Libération, đảng LR đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng thành viên vào cuối năm 2021, từ khoảng 80.000 người đăng ký gia nhập vào cuối tháng 9 lên gần 150.000 vào giữa tháng 11. Trong số những người mới đến này, "ít nhất vài trăm cử tri" đã đăng ký gian lận. 

Nhật báo cũng thắc mắc về số lượng thành viên LR ở vùng Ile-de-France, do Valérie Pécresse, những người "không có quốc tịch Pháp, và do đó không có quyền bầu cử" trong cuộc bầu cử tổng thống. Những thành viên này chủ yếu thuộc cộng đồng người Hoa, vốn là mục tiêu của "công việc vận động hành lang rất hiệu quả" của các đại biểu dân cử thân bà Pécresse ở Seine-Saint-Denis, vùng ngoại ô Paris.

Hội nghị Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Paris

Tại Paris, một hội nghị Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc được tổ chức vào thứ Ba ngày 22 tháng 2 dưới sự bảo trợ của Pháp, Diễn đàn Hợp tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm "tăng cường quan hệ đối tác Châu Âu" với các quốc gia của một khu vực kinh tế và chiến lược quan trọng. Mục tiêu không công bố : tạo một sự thay thế cho cam kết của Trung Quốc. 

Hai quốc gia đã được chú ý do sự vắng mặt của họ trong Diễn đàn Bộ trưởng đầu tiên về hợp tác ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, được Pháp tổ chức vào thứ Ba, ngày 22 tháng 2 tại Paris, thay mặt cho Liên Hiệp Châu Âu mà Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên : Hoa Kỳ và Trung Quốc. Lý do rất đơn giản : họ đã không được mời. Trung Quốc bởi vì hiện được coi là một "đối thủ hệ thống (rivale systémique)" của Châu Âu ; Hoa Kỳ, bởi vì sự hiện diện của họ mà không có Trung Quốc sẽ bị nước này coi là một hành động khiêu khích có phần không được hoan nghênh (malvenue)

Diễn đàn này quy tụ 60 ngoại trưởng từ một số quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Liên Hiệp Châu Âu (EU), có mục tiêu theo lời của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhằm "tăng cường mối quan hệ đối tác [của hai mươi bảy quốc gia trong Liên Hiệp với khu vực Ấn Độ  - Thái Bình Dương] thông qua các dự án cụ thể trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kết nối và công nghệ kỹ thuật số". 

Nhưng hội nghị thượng đỉnh nhỏ ngắn ngủi này, được tổ chức ở cấp độ các quan chức ngoại giao từ các quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, New Zealand, Campuchia, Bangladesh, Sri Lanka, Brunei, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Lào, Comores hoặc Maurice, có lẽ quan trọng hơn đối với những gì hội nghị  để lại trong bóng tối hơn là những gì định làm nổi bật chính thức: chính khái niệm về Ấn Độ  - Thái Bình Dương, một khái niệm được cựu Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe phát triển, ngầm tiết lộ bức tranh của một nhóm các quốc gia lo lắng, ở các mức độ khác nhau, về hậu quả của sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Vẫn nên thận trọng  

"Trung Quốc đã không được mời tham dự diễn đàn này, ngay cả khi Liên Hiệp Châu Âu đảm bảo với họ rằng không muốn đối đầu với Bắc Kinh", Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy, nhận xét trong một chuyên mục của Nikkei Asia Review : "Tuy nhiên EU đã bắt đầu xoay trục sang Châu Á".  

"Dự án đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là một phản ứng đối với dự án 'những con đường tơ lụa mới' của Trung Quốc", một nhà ngoại giao Châu Âu đề nghị giấu tên giải thích. 

Tuy nhiên, ở một số quốc gia liên quan đến sự can dự kinh tế và chiến lược của Châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vẫn thận trọng : không được phép phất cờ đỏ trước một Trung Quốc vốn đã khó chịu với sáng kiến ​​ca EU. "Tôi nghĩ rng n Độ - Thái Bình Dương, như mt khái nim, là h qu ca mt thế gii 'hu M' hơn là mt phn ng [trước s tri dy] ca Trung Quốc : dấu ấn của Hoa Kỳ ngày nay nhẹ hơn và chính người Mỹ đã nhận ra rằng một Thái Bình Dương riêng biệt và một Ấn Độ Dương riêng biệt là những khái niệm không còn hiệu quả nữa", Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Le Monde. Cùng với Nhật Bản, ông là đại diện tại Diễn đàn của một trong hai quốc gia được mời có quan hệ đối tác chiến lược với EU. 

Lãnh đạo ngoại giao Ấn Độ, quốc gia mà gần đây đã chứng kiến ​​mi quan h ca h xu đi vi Trung Quc trong các v bạo lực biên giới trên dãy Himalaya, thích nhấn mạnh vào thực tế rằng diễn đàn hôm thứ Ba là bằng chứng rằng "đối với EU và Pháp, những gì xảy ra ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là quan trọng". Bộ trưởng Ấn Độ muốn tin rằng "chúng ta đang chứng kiến ​​mt kiu thống nhất của Châu Âu, không chỉ về kinh tế mà còn về mặt chiến lược". 

"Chúng tôi cần đa dạng hóa nền kinh tế của mình" 

Trong nhóm các quốc gia này, New Zealand cũng có ý định đóng vai trò của riêng mình, ngay cả khi nhóm diều hâu chống Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Úc, lên tiếng chỉ trích cách tiếp cận quá "ôn hòa" đối với Bắc Kinh. "Đối với chúng tôi", Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta giải thích, "điều quan trọng là sự hiện diện của Châu Âu được cảm nhận nhiều hơn trên khu vực Thái Bình Dương. Mối quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh chắc chắn là quan trọng, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của chúng tôi đến Trung Quốc, nhưng chúng tôi phải đa dạng hóa nền kinh tế của mình và không đặt tất cả trứng vào một giỏ, giỏ của Trung Quốc". 

Bộ trưởng, thuộc người Maori bản địa, người phụ nữ đầu tiên của người Polynesia này lên giữ chức vụ bộ trưởng ngoại giao của đất nước mình, đã sử dụng vào năm 2021 một phép ẩn dụ ban đầu để mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và New Zealand : một loại mà "taniwha", con vật thần thoại của người Maori, có thể có với một con rồng, biểu tượng của Trung Quốc. Tức : New Zealand tôn trọng đối tác Trung Quốc, hy vọng có đi có lại nhưng có ý định "bảo vệ", theo bà Mahuta, "một chính sách đối ngoại độc lập". 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 447 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)