Chiến tranh Ukraine bước qua ngày thứ 5, Kiev và Kharkov vẫn kiên trì kháng cự quân Nga
Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2022
Chiến sự tại Ukraine hôm 28/02/2022 bước vào ngày thứ 5. Dù bị lực lượng Nga liên tục tấn công từ nhiều ngày qua, thủ đô Kiev và thành phố lớn thứ hai tại Ukraine là Kharkov vào trưa hôm nay vẫn đứng vững.
Kho xăng gần căn cứ không quân Vasylkiv, vùng Kiev, Ukraine bị oanh kích, ngày 27/02/2022. Reuters – Maksin Levin
Theo Quân đội Ukraine, trong đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, lực lượng Nga đã "nhiều lần" tấn công nhằm chiếm lĩnh một số vị trí ở vùng ngoại vi Kiev, nhưng đều đã bị đẩy lùi, và tình hình thủ đô Ukraine vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền.
Theo một cố vấn của tổng thống Ukraine, vào tối hôm qua, Nga đã bắn ba tên lửa vào Kiev, trong đó có một chiếc đã bị phòng không Ukraine phá hủy.
Còn tại thành phố Kharkov, ở miền đông-bắc Ukraine, truyền thông nước này cho biết là nhiều tiếng nổ lớn đã được nghe thấy vào tối hôm qua, nhưng Quân đội Ukraine cho biết đã giành lại quyền kiểm soát thành phố sau khi nơi này bị lực lượng thiết giáp Nga đánh chiếm tối Thứ Bảy.
Trong bối cảnh Kiev đang bị lực lượng Nga công hãm, hàng nghìn cư dân thủ đô đang cố tản cư đi nơi khác để lánh nạn, bằng ô tô hoặc tàu hỏa. Bên cạnh đó cũng có hàng trăm người từ các thành phố khác đổ về thủ đô để đầu quân chống lại kẻ thù.
Thông tín viên RFI Stephane Siohan tại Kiev đã có mặt tại nhà ga trung tâm để tìm hiểu thêm.
Mỗi buổi tối, nhà ga trung tâm của Kiev đều đầy ắp người, bởi vì việc đi lại trên đường phố sau giờ giới nghiêm đã bị nghiêm cấm, và người vi phạm có nguy cơ bị bắn bỏ. Do đó, vào buổi tối những ai nôn nóng chờ đợi chuyến tàu đưa họ về phía tây, hoặc những người đã quyết định lên thủ đô để nhập ngũ, đều chen chúc nhau để qua đêm trong nhà ga.
Ví dụ như Denis, 32 tuổi, quê tại Kherson, đã lên thủ đô với một ý tưởng trong đầu. Anh nói : "Tôi đã đến gặp cảnh sát và họ nói với tôi rằng cho đến thứ Hai vẫn còn giới nghiêm, nhưng sau đó tôi có thể đến trung tâm tuyển quân. Sau khi đăng ký, tôi muốn tham gia Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ. Tôi muốn cầm súng để bảo vệ đất nước".
Trong hai ngày, Bộ Quốc phòng Ukraine đã tuyển mộ được gần 100.000 tân binh tình nguyện, gia nhập Quân đội hay Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ.
Tuy nhiên cũng có người như Ivan, 45 tuổi, một công nhân ở Shchastya thuộc vùng Donbass, vừa đến được Kiev sau khi thành phố của anh gần như nằm trong tay lính Nga. Anh giải thích : "Khi súng vừa nổ, chúng tôi đã chạy ngay đến nơi trú ẩn để tránh không kích. Sau đó đã có lệnh sơ tán và chúng tôi đã đến nhà ga để đón tàu hỏa lên Kiev. 80% thành phố nơi tôi ở đã bị phá hủy, không còn đèn đuốc hay điện, ga, không còn gì để sống. Nhà máy điện nơi tôi làm việc cũng bị phá hủy hoàn toàn. Tại Kiev này, tôi sẽ tạm ở với đứa con trai lớn, sau đó chúng tôi sẽ phải thay đổi cuộc sống, tìm kiếm việc làm… Chúng tôi đến đây, như đến một thế giới mới".
Thế nhưng, kể từ cuối tuần, cả Ukraine đã bước vào một thực tế mới, với một thành phố 4 triệu dân, nơi mọi người đều phải qua đêm trong boongke, hoặc trong tầng hầm của các hộ dân cư.
Theo Ủy Ban Châu Âu, sau bốn ngày chiến tranh, bảy triệu người Ukraine đã phải di tản cư.
Trọng Nghĩa
*********************
Phương Tây ồ ạt viện trợ vũ khí cho Ukraine chống xâm lược Nga, nhưng hiệu quả đến đâu ?
Trọng Nghĩa, RFI, 28/02/2022
Vào lúc cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang tiếp diễn, ngày càng có thêm nhiều nước phương Tây loan báo viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Câu hỏi đặt ra là, hậu thuẫn này phải chăng là đã quá muộn và không đủ sức ngăn chặn một quân đội mạnh thứ hai thế giới.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu, Josep Borrell, họp báo tại Bruxelles, Bỉ, ngày 27/02/2022. AP - Stephanie Lecocq
Phải nói là quyết định xâm lược Ukraine của Nga đã khiến phương Tây, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu hết sức lo ngại, và có những phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng khác thường. Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chánh nhắm vào Nga, điểm nổi bật nhất trong những quyết định mà Bruxelles đưa ra là khoản viện trợ quân sự khổng lồ trị giá 450 triệu euro được loan báo hôm qua, 27/02/2022, bao gồm các loại trang thiết bị phòng thủ và tấn công sẽ được chuyển giao cho quân đội Ukraine.
Đối với giới quan sát, đây là một quyết định lịch sử, vì từ khi thành lập đến nay, Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ chuyển giao vũ khí cho một nước đang có chiến tranh. Một số quốc gia, theo tiết lộ của người đặc trách ngoại giao Châu Âu Josep Borrel vào hôm qua, thậm chí còn sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Viện trợ của Liên Âu đã bổ sung vào những khoản trợ giúp riêng đã được loan báo trước đó của một số nước như Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan…
Ngoài ra, một điểm nổi bật khác phản ánh mối quan tâm của Liên Âu là tính chất khẩn cấp khác thường : 27 thành viên Liên Âu đã thống nhất được quan điểm và đạt được thỏa thuận trong thời gian kỷ lục.
Hơn nữa, một số quốc gia như Đức hay Thụy Điển đã không ngần ngại phá vỡ cấm kỵ tồn tại từ lâu trên đất nước của họ, vốn tuân thủ chủ trương cấm tất cả các hoạt động xuất khẩu vũ khí sát thương tới các khu vực xung đột.
Câu hỏi đặt ra là phản ứng của Liên Âu nói riêng và của phương Tây nói chung phải chăng đã quá muộn màng ?
Trên đài truyền hình Pháp Ngữ TV5 Monde ngày 27/02, bà Samantha de Bendern, nhà nghiên cứu người Anh tại bộ phận Nga-Âu-Á của Viện Các vấn đề Quốc tế Hoàng gia (Chatham House, London), nhận xét : "Nếu Ukraine mất quyền kiểm soát các sân bay của mình, thì sẽ rất khó giao vũ khí. Sân bay Kiev và miền tây Ukraine vẫn nằm trong tay người Ukraine, vì vậy việc giao hàng trên mặt đất vẫn có thể thực hiện được. Nhưng với mỗi ngày trôi qua, nó trở nên phức tạp hơn".
Ngoài ra, kể cả khi Ukraine nhận được viện trợ, một vấn đề khác nổi lên là liệu Quân đội nước này biết cách sử dụng tất cả các thiết bị nhận được hay không.
Nhật báo Pháp Le Monde ngày 28/02 ghi nhận các khó khăn chính vào lúc này. Liệu các nước chi viện có đủ vũ khí trong kho của mình để chuyển sang cho Ukraine hay không. Ngoài ra còn có vấn đề tính tương thích và năng lực kỹ thuật của người Ukraine trong việc sử dụng các loại vũ khí mới.
Vẫn còn phải xem liệu những khí tài này có thể đến tay người nhận và một cách kịp thời hay không. Hiện tại, các con đường tiếp cận duy nhất đến lãnh thổ Ukraine là bằng đường bộ.
Sau cùng, đối mặt với một đội quân hùng mạnh như quân đội Nga, liệu những khoản viện trợ này có thể giúp Ukraine tạo ra sự khác biệt hay không.
Theo bà Samantha de Bendern trên TV5 Monde, Ukraine không thể thắng Nga về mặt quân sự trong dài hạn, nhưng việc hỗ trợ vũ trang cho Ukraine cho phép phương Tây gởi đến Nga một tín hiệu, để Nga hiểu rằng việc chinh phục một quốc gia mà phương Tây có quan hệ tốt sẽ rất khó khăn.
Trọng Nghĩa
*************************
Thụy Điển thay đổi lập trường, quyết định giao vũ khí cho Ukraine
Phan Minh, RFI, 28/02/2022
Một quyết định mang tính lịch sử đối với Thụy Điển. Theo AFP ngày 27/02/2022, thủ tướng Magdalena Anderson tuyên bố sẽ viện trợ quân sự cho Ukraine và như vậy, từ bỏ quan điểm không giao vũ khí cho một nước đang có chiến tranh.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu trong một cuộc họp báo về an ninh Châu Âu, Stockholm, ngày 27/02/2022. via Reuters - TT News Agency
Từ Stockholm, thông tín viên Frédéric Faux tường trình :
Magdalena Anderson, thủ tướng thuộc đảng Dân chủ Xã hội đã thông báo một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Thụy Điển vào tối Chủ nhật. Cho đến nay, Thụy Điển không cung cấp vũ khí cho một nước đang có chiến tranh. Thế nhưng, giờ đây, Thụy Điển sẽ chuyển giao cho quân đội Ukraine 5.000 súng phóng tên lửa chống tăng, cùng 5.000 mũ bảo hiểm và áo chống đạn, 135.000 khẩu phần ăn, với tổng chi phí là 50 triệu euro.
Đây là quyết định chưa từng có kể từ năm 1939, khi Thụy Điển viện trợ cho nước láng giềng Phần Lan, bị Liên Xô của Stalin tấn công. Nhưng quyết định này cũng phù hợp với bối cảnh ông Putin thường xuyên đưa ra những lời đe dọa ngày càng mạnh mẽ đối với hai quốc gia này.
Mặc dù không phải là thành viên của NATO, nhưng Thụy Điển và Phần Lan hợp tác ngày càng chặt chẽ với Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Thụy Điển tham gia cơ chế "Đối tác vì hòa bình" của NATO vào năm 1994, cũng đã quyết định tăng cường tiềm lực quốc phòng và khôi phục nghĩa vụ quân sự sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Phan Minh
**********************
Pháp, Mỹ và nhất là Đức, loan báo gởi vũ khí hỗ trợ Ukraine
Trọng Nghĩa, RFI, 27/02/2022
Trong một quyết định đi ngược hẳn với chính sách truyền thống của mình, nước Đức vào hôm 26/02/2022 đã bật đèn xanh cho việc cung cấp tên lửa chống tăng và phòng không cho Ukraine. Pháp cũng loan báo "quyết định giao các thiết bị phòng thủ bổ sung cho chính quyền Ukraine". Các tuyên bố của Đức và Pháp được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden bổ sung 350 triệu đô la viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev.
Lính Ukraine vác vũ khí NLAW tỏng cuộc tập trận ở cùng Donetsk, 15/02/2022. AP - Vadim Ghirda
Trong một thông báo, chính phủ Đức cho biết sẽ chuyển giao cho Ukraine "càng sớm càng tốt" một nghìn tên lửa chống tăng và 500 tên lửa phòng không loại Stinger, cùng với 9 dàn đại pháo di động, để giúp nước này đối mặt với sự xâm lược của quân đội Nga.
Theo một nguồn tin chính phủ, Đức cũng thông báo chuyển cho Ukraine 14 xe bọc thép cũng như 10.000 tấn nhiên liệu. "Các biện pháp hỗ trợ khác hiện đang được nghiên cứu".
Berlin gần đây đã bị chính quyền Kiev chỉ trích nặng nề trong vì đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Chính phủ Đức luôn biện minh cho mình bằng chính sách hạn chế mà họ đã tuân theo kể từ thời hậu chiến, cấm xuất khẩu thiết bị "sát thương" đến các khu vực có xung đột.
Ngay sau Đức, vào tối thứ Bảy, Pháp đã thông báo quyết định chuyển giao thêm thiết bị phòng thủ và hỗ trợ nhiên liệu cho Ukraine. Theo phủ tổng thống Pháp, quyết định đã được thông qua trong cuộc họp của hội đồng quốc phòng tại điện Elysée dưới quyền chủ tọa của tổng thống xung quanh tổng thống Emmanuel Macron.
Theo đại sứ Ukraine tại Paris, Kiev rất cần đến các "phương tiện phòng không" và thiết bị kỹ thuật số.
Ngay từ thứ Sáu 25/02, tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cung cấp bổ sung 350 triệu đô la vũ khí cho Ukraine, lấy từ kho vũ khí của Hoa Kỳ. Trong thời gian qua, Ukraine đã đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí chống tăng Javelin và tên lửa Stinger để bắn hạ máy bay.
Hoa Kỳ đã trích vũ khí kho của mình để cung cấp cho Ukraine vào mùa thu năm 2021 và sau đó một lần nữa vào tháng 12. Trong năm qua, Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 1 tỷ đô la cho Ukraine.
Trọng Nghĩa