Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/03/2022

Điểm báo Pháp - Nga ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Nga ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế 

Tình hình nóng bỏng tại Ukraine với việc Nga dồn quân đến bao vây thủ đô Kiev, trong bối cảnh người Ukraine cố tìm cách tổ chức kháng cự, là đề tài được tất cả các báo Pháp ra ngày 02/03/2022 đưa lên thành tựa lớn trang nhất. Tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga cũng được phân tích, với một hậu quả được hầu hết các báo nêu bật : Nước Nga chưa bao giờ bị cô lập như hiện nay.

colap1

Biểu tình chống Nga xâm lược Ukraine tại Bern, thủ đô Thụy Sĩ ngày 26 tháng 2 năm 2022.  AP - Manuel Lopez

Như để nhấn mạnh đến tính chất nghiêm trọng của tình hình, Le Monde, nhật báo uy tín nhất tại Pháp, đã dành một "ấn bản đặc biệt" cho hồ sơ Ukraine. Ngay trên trang nhất, dưới tựa lớn chạy dài trên 5 cột báo : "Nước Nga bị cô lập, Kiev chờ đợi cuộc tấn công", tờ báo cho đăng một bức ảnh cho thấy một "chiến hào" tại thủ đô Ukraine với lính trang bị súng chống tăng, bên dưới là cảnh đông người tại nhà ga trung tâm của Kiev, và cảnh người tình nguyện đang chế tạo bom xăng trong một căn hầm trú ẩn.

Lo ngại cho Kiev và Ukraine dưới làn bom đạn Nga

Nhật báo công giáo La Croix có cái nhìn bi quan hơn Le Monde, ghi nhận trong tựa lớn trang nhất : "Thành phố Kiev bên bờ vực thẳm". Theo tờ báo, kể từ hôm qua (01/03), Quân đội Nga đã gia tăng cường độ của điều mà họ gọi là chiến dịch "tấn công quân sự" vào Ukraine, bao vây hầu như là hoàn toàn thủ đô nước láng giềng, bất chấp việc đã gây thêm nhiều tổn thất đối với thường dân Ukraine.

Tờ báo thiên hữu Pháp Le Figaro cũng nêu bật trong tựa lớn trang nhất nguy cơ đang rình rập thủ đô Ukraine : "Putin khởi động chiến dịch bao vây Kiev". Tờ báo nhận thấy là Nga đang ồ ạt chuyển vận các phương tiện vũ khí hạng nặng đến cửa ngõ thủ đô Ukraine cũng như nhiều thành phố khác. Bom đạn Nga đã rơi xuống các khu dân cư và phá hỏng tháp truyền hình của Đài Quốc Gia Ukraine.

Nhật báo thiên tả Libération thì chú ý nhiều hơn đến khía cạnh nhân đạo của cuộc chiến qua tựa lớn trang nhất : "Cảnh chia ly" dưới một tiểu tựa "700.000 người tị nạn Ukraine", trên nền một bức ảnh cho thấy một cặp nam nữ đang đứng trên sân ga sát một toa tàu hỏa, chàng trai vẻ mặt ân cần, đang nắm tay cô gái có vẻ như đang khóc.

Ngay dưới hàng tựa, tờ báo giải thích : "Cảnh hoảng loạn, tình trạng gia đình ly tán, trên khắp đất nước Ukraine những đám đông sợ hãi, vào hôm qua thứ Ba, đã cố gắng tìm ra một chuyến tàu để chạy trốn bom đạn".

Cái giá Nga phải trả : Bị cả các nước trung lập trừng phạt

Tờ báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên đã tập trung nói về các hậu quả kinh tế thương mại của chiến sự tại Ukraine, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Pháp và phương Tây. Tờ báo chạy tưa : "Ukraine : Cái giá của xung đột".

Có lẽ cái giá lớn nhất mà nước Nga hiện đang phải trả sau khi xua quân xâm lược Ukraine bất chấp luật lệ quốc tế là tình trạng nước này ngày càng bị cô lập thêm trên trường quốc tế. Một ví dụ điển hình đã được Le Monde nêu rõ trong bài : "Chiến tranh ở Ukraine : Đến lượt Thụy Sĩ, vốn trung lập, trừng phạt Nga".

Theo Le Monde, thay đổi thái độ của Thụy Sĩ rất đáng chú ý vì cho đến gần đây, trung thành với truyền thống trung lập nổi tiếng của đất nước, chính quyền Thụy Sĩ luôn luôn từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt mà quốc tế kêu gọi.

Ngay cả Thụy Sĩ cũng tham gia trừng phạt kinh tế

Ngay từ năm 2014, khi Phương Tây quyết định trừng phạt Nga về việc sáp nhập vùng Crimea của Ukraine, Thụy Sĩ đã từ chối đi theo với lý do mình là một quốc gia trung lập và có thể đóng vai trò một trung gian hòa giải tốt giữa các bên tranh chấp. Quan điểm này đã tiếp tục được duy trì khi Nga bắt đầu xua quân tấn công Ukraine.

Thế nhưng, như Le Monde ghi nhận, thái độ chần chừ của chính quyền đã vấp phải phản ứng bất bình ngày càng tăng cả ở Thụy Sĩ lẫn nước ngoài, đặc biệt với hai cuộc biểu tình lớn ở Genève và thủ đô Bern ngày 26/02 vừa qua.

Trước áp lực càng lúc càng tăng của công luận, chính quyền Liên Bang Thụy Sĩ hôm 28/02 vừa qua đã phải loan báo quyết định tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với Nga và sẽ đóng băng tài sản của những đối tượng bị nhắm.

Đối với báo chí Thụy Sĩ, dù muộn màng, nhưng thà "trễ còn hơn không", chính quyền Bern đã có được "một quyết định quan trọng sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử trung lập của Thụy Sĩ".

Theo Le Monde, ngoài ý nghĩa "cách mạng" kể trên, quyết định tham gia trừng phạt của Thụy Sĩ sẽ rất tai hại cho chế độ Putin vì quốc gia vùng núi Alpes này là một trung tâm trong hệ thống tài chính và dầu mỏ của Nga.

Phần Lan và Thụy Điển bỏ tư thế trung lập, giúp vũ khí cho Ukraine

Cũng nhấn mạnh đến việc nước Nga của Putin ngày càng bị cô lập thêm, báo Le Figaro đã nêu lên ví dụ của hai nước gọi là trung lập khác trong bài : "Ở Phần Lan và Thụy Điển, lập trường trung lập không còn phù hợp vào thời điểm này".

Đối với Le Figaro, Phần Lan là một nước có truyền thống không xuất khẩu vũ khí sang các vùng có xung đột. Thế nhưng, Thứ hai vừa qua, Helsinki đã ra tuyên bố cho biết họ sẽ gửi cho quân đội Ukraine 2.500 khẩu súng tấn công, 1.500 súng phóng tên lửa, cùng với đạn dược và khẩu phần ăn ở chiến trường.

Trước Phần Lan, nước láng giềng Bắc Âu của họ là Thụy Điển, vào tối Chủ nhật, cũng cam kết cung cấp 5.000 súng phóng tên lửa chống tăng do nước này sản xuất cho quân đội Ukraine, cùng với 5.000 mũ sắt và áo giáp chống đạn, với tổng chi phí là 40 triệu euro. Ngoài ra, Stockholm sẽ cung cấp thêm 50 triệu viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân Ukraine của cuộc xung đột.

Đây là quyết định chưa từng có của Thụy Điển kể từ năm 1939, quốc gia này viện trợ cho láng giềng Phần Lan... bị Liên Xô của Stalin tấn công, nhưng đối với nữ thủ tướng Thụy Điển, bà Magdalena Andersson, "quyết định đặc biệt" đó là phản ứng trước một "tình huống ngoại lệ", trước một mối đe dọa hiện đang đè nặng lên "toàn bộ hệ thống an ninh Châu Âu".

Thủ tướng Thụy Điển khẳng định : "An ninh của chúng ta sẽ được bảo đảm tốt hơn khi hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraine", điều đã được bộ trưởng quốc phòng Peter Hultqvist nhấn mạnh khi ông cho rằng : "Cuộc đấu tranh của Ukraine cũng là cuộc đấu tranh của chúng ta".

Le Figaro cũng nêu lên một ví dụ khác về lập trường dù vẫn lững lờ của Thổ Nhĩ Kỳ để cho thấy là Nga càng lúc càng bị cô lập. Trong bài "Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus đối với tàu chiến Nga", tờ báo Pháp cho rằng đây là sự đáp ứng miễn cưỡng của Ankara trước yêu cầu của Ukraine, muốn Thổ Nhĩ Kỳ ngăn tàu Nga qua lại Biển Đen. Hôm 28/2, như vậy là Ankara tuyên bố đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với tàu chiến mọi nước, kể cả tàu Nga.

Đồng Rúp mất giá, dân Nga đổ xô mua ngoại tệ và hàng điện tử

Nếu các biện pháp hỗ trợ Ukraine trên phương diện quân sự chưa thể có tác dụng trước mắt, thì các biện pháp trừng phạt tài chánh của phương Tây đối với Nga đã cho kết quả trông thấy như ghi nhận của thông tín viên báo Le Monde tại Moskva trong bài : "Dân Nga bắt đầu bồn chồn lo lắng trước cuộc khủng hoảng".

Theo Le Monde, dù vẫn chưa biết rõ tổng số các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, cũng như tầm mức tác hại của chúng trên nền kinh tế Nga, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu khả năng chống đỡ nổi tiếng của Nga có bị suy yếu hay không. Thế nhưng, điều rõ nét, theo tờ báo, là cho dù chưa có tình trạng hoảng loạn, nhưng tại Nga đã xuất hiện tâm trạng bồn chồn, lo lắng nơi người dân, mà dấu hiệu đầu tiên là những cái đuôi dài của những người xếp hàng trước các máy rút tiền ATM đôi khi đã khô cạn.

Tờ báo Pháp ghi nhận là trong những ngày cuối tuần qua, người Nga đã đổ xô vào việc mua ngoại tệ để bảo đảm an ninh tài chánh cho mình. Vào hôm Thứ hai, nhiều nhà cung cấp đã hạn chế số tiền rút ra, ngay cả đối với đồng rúp.

Theo Le Monde, vào năm 2014, sau khi các lệnh trừng phạt đầu tiên được áp đặt đối với cuộc chiến ở Ukraine và việc sáp nhập Crimea, không có động thái nào như vậy được quan sát thấy. Giới quan sát cho rằng cú sốc được dự đoán có thể tương tự như năm vào 1998 khi nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính mà chấn thương vẫn còn hiện hữu ở Nga.

Có một chỉ số khác mà người Nga, gần như theo bản năng, luôn theo dõi. Đó là tỷ giá hối đoái của đồng đô la và đồng euro, được hiển thị bằng các ký tự phát sáng trên các đường phố, trên cửa sổ của các cở sở đổi tiền. Tỷ giá 100 rúp ăn 1 đô la chưa bao giờ bị vượt quá trong lịch sử. Thể nhưng hôm Thứ Hai, ngày 28 tháng 2, tỷ giá này đã lên đến 109 rúp, trong lúc đồng euro lên tới 127 rúp.

Ở một quốc gia mà 43% người dân nói rằng họ không có tiền tiết kiệm, tác động có thể rất tàn khốc, trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng mạnh trong một năm và mức sống giảm liên tục kể từ năm 2013. Le Monde nhận thấy là giá hàng điện tử hoặc ô tô đã tăng vọt. Từ ngày 25 tháng 2, người Nga đã đổ xô vào các cửa hàng điện tử để mua hàng về trữ, nhằm đề phòng khủng hoảng. Giá mặt hàng đã bị người bán thay đổi giá nhiều lần trong ngày.

Tờ báo Pháp nêu bật tuyên bố rất mạnh của bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định rằng : "Chúng ta sắp gây ra sự sụp đổ của nền kinh tế Nga".

Tác hại ngược của trừng phạt trên doanh nghiệp Châu Âu

Cũng trong địa hạt tác động kinh tế, nhật báo Les Echos đặc biệt quan tâm đến tác hại ngược lại của các biện pháp trừng phạt Nga cũng như của cuộc chiến Ukraine trên các doanh nghiệp Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.

Đối với Les Echos, các công ty của Pháp có mặt ở Ukraine đang phải đối mặt với rủi ro pháp lý và sự an toàn của nhân viên của họ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp, bị bất ngờ trước cuộc xung đột hiện phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan : bỏ đi hay ở lại. Còn các các nhà đầu tư phương Tây, bị mắc kẹt với các lệnh trừng phạt quốc tế, đang gặp khó khăn trong việc bán chứng khoán của họ. Riêng bộ kinh tế Pháp đã thành lập một đội đặc nhiệm để truy lùng tài sản của các nhà tài phiệt Nga thân cận với Điện Kremlin.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 332 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)