Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/03/2022

Mục tiêu của Putin là chiếm trọn Ukraine

RFI tổng hợp

Chiến tranh Ukraine : Nga dồn quân cố đánh chiếm Kiev

Thanh Phương, RFI, 01/03/2022

Hôm 01/03/2022, ngày thứ sáu của cuộc xâm lăng Ukraine, quân đội Nga dường như đang dồn quân về thủ đô Kiev để đánh chiếm mục tiêu quân sự quan trọng hàng đầu trong cuộc tấn công. 

muctieu1

Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp cho thấy một đoàn xe không có điểm cuối ở phía đông nam của Ivankiv, phía tây bắc của Kiev, Ukraine, 28/02/2022.  © Satellite image 2022 Maxar Technologies via AP

Theo hãng tin AFP, tối qua, công ty ảnh vệ tinh của Mỹ Maxar cho biết các ảnh chụp được hôm qua cho thấy một đoàn xe quân sự trải dài trên 60 km, từ sân bay Antonov ở phía nam Kiev đến một thị trấn ở phía bắc thủ đô Ukraine. Kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine, sân bay Antonov vẫn là nơi giao tranh ác liệt, vì quân Nga cố chiếm được cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng chiến lược trong cuộc tấn công vào Kiev.

Hôm nay, trên mạng Facebook, quân đội Ukraine cũng thông báo là trong 24 tiếng đồng hồ qua, quân Nga đang tập trung lực lượng, huy động thêm xe thiết giáp và các khẩu pháo " nhằm bao vây và giành quyền kiểm soát Kiev và các thành phố khác".

Hai nguồn tin ngoại giao và an ninh cho hãng tin AFP biết là, quân Nga đang chuẩn bị mở một chiến dịch tấn công mới. Cho tới nay, quân đội Ukraine vẫn ngăn được quân Nga tiến vào trung tâm thủ đô Kiev và hôm qua, đà tiến của quân Nga đã chậm lại.

Cũng theo hãng tin AFP, trong đêm qua, trên mạng Facebook, Igor Kolikhaiev, thị trưởng thành phố Kherson ở miền nam Ukraine, cho biết quân đội Nga đang tiến gần đến cửa ngõ của thành phố này. Nhưng ông Kolikhaiev khẳng định : "Kherson vẫn thuộc về Ukraine. Kherson vẫn kháng cự !".

Trong khi đó, theo đặc phái viên RFI Denis Strelkov, thành phố Kharkov đêm qua đã bị oanh tạc dữ dội :

"Tình hình ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nằm ở phía nam Kiev, rất nóng. Thành phố bị oanh tạc và đang bị quân Nga bao vây. Hiện giờ, chính quyền Ukraine khẳng định đang kiểm soát hoàn toàn Kharkov, nhưng trong vài tiếng nữa có thể tình hình sẽ thay đổi. Ai cũng rất lo. Có thông tin là các khu dân cư đã bị oanh tạc khiến hàng chục người chết, nhưng hiện chưa có nguồn tin nào khác xác nhận điều này. 

Nói chung là từ Kharkov rất khó có được những thông tin có thể kiểm chứng được. Thành phố Mariupol được biết là vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine, nhưng thành phố này đang bị cắt điện hoàn toàn. Quân đội đang tiến vào gần như toàn bộ các thành phố của Ukraine, kể cả Lviv, theo báo chí Ukraine, không còn là thành phố hoàn toàn an toàn. Người ta lo ngại tình huống xấu nhất tại đây.

Tại Kiev, đêm qua đã không có tiếng nổ nào, nhưng thành phố vẫn có nguy cơ bị oanh tạc và còi báo động đã vang lên nhiều lần. Sáng nay, tuyết có rơi một chút, tôi không thấy nhiều binh lính trên đường phố như hôm qua, nhưng có rất nhiều xe thiết giáp ở trung tâm Kiev. Có thông tin quân Nga đang chuẩn bị bao vây thành phố, nhưng thông tin này chưa được quân đội Ukraine chính thức xác nhận. Họ cho rằng Kiev vẫn phòng thủ vững chắc, thường dân không nên chạy khỏi thành phố, mà chỉ nên vào các hầm trú ẩn.

Tuy vậy, tình hình ở trung tâm thủ đô khá căng thẳng, do cảnh sát và quân đội đang truy lùng những người Nga cải trang thành quân Ukraine. Đó mới chính là mối đe dọa đối với Kiev".

Hôm nay, bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoygu vừa tuyên bố là quân Nga sẽ tấn công "cho đến khi nào đạt được toàn bộ mục tiêu" và một lần nữa cáo buộc quân đội Ukraine dùng thường dân làm "lá chắn sống".

Thanh Phương

**********************

Xâm lăng Ukraine và quan hệ Nga-Trung : Bắc Kinh ngày càng khó xử

Thanh Phương, RFI, 01/03/2022

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine càng kéo dài thì Trung Quốc ngày càng khó xử đối với đồng minh Moskva cũng như đối với phương Tây.

muctieu2

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại điện Kremlin, ngày 08/05/2015. Reuters/Sergei Karpukhin

Kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, Bắc Kinh vẫn trong tư thế của người đi dây : không muốn đối đầu trực tiếp với đồng minh Moskva, nhưng cũng không muốn bị xem là ủng hộ Nga xâm lăng Ukraine. Trung Quốc tuyên bố rất "thông hiểu" những yêu sách "hợp lý" của Nga về an ninh, thậm chí cũng chỉ trích khối NATO giống như Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại nhấn mạnh đến một nguyên tắc truyền thống của Trung Quốc, đó là "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia".

Chính là theo đúng nguyên tắc đó mà Trung Quốc đã không ủng hộ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và nay cũng không ủng hộ việc điện Kremlin công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine. Đây cũng là điều dễ hiểu vì Bắc Kinh không muốn sau này các vùng tự trị của Trung Quốc như Tân Cương hay Nội Mông cũng được công nhận độc lập.

Thái độ khó xử của Trung Quốc đã được thể hiện qua cuộc biểu quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm thứ sáu tuần trước 25/02. Trung Quốc cùng với một vài nước khác đã không bỏ phiếu khi các thành viên Hội Đồng biểu quyết về nghị quyết do Hoa Kỳ đồng soạn thảo lên án cuộc xâm lăng Ukraine. Nghị quyết này đã bị Nga dùng quyền phủ quyết để bác bỏ, nhưng với việc Bắc Kinh không bỏ phiếu, như vậy là Nga hoàn toàn bị cô lập trong Hội Đồng Bảo An.

Sự lúng túng của Trung Quốc còn được biểu lộ qua cuộc điện đàm giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin trước đó vài tiếng. Trong cuộc điện đàm này, chủ tịch Trung Quốc nói ông ủng hộ việc giải quyết xung đột Ukraine bằng con đường ngoại giao. Những lời lẽ này khác hẳn với nội dung bản tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nga-Trung ở Bắc Kinh đầu tháng 2 : "Tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga không có giới hạn và không có lĩnh vực hợp tác nào là cấm kỵ".

Theo nhật báo Pháp Les Echos, trong một bài phân tích được đăng vào cuối tuần, nhóm nghiên cứu-tư vấn Eurasia Group của Mỹ viết : "Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng mạnh từ phía Hoa Kỳ và Châu Âu đòi Bắc Kinh nêu rõ lập trường và lên án mạnh mẽ hơn cuộc xâm lăng Ukraine". Việc Bắc Kinh từ chối giúp giải quyết cuộc xung đột Ukraine có thể sẽ khiến phương Tây thêm thù địch với Trung Quốc. 

Thật ra, theo nhận định của Les Echos, bản thân Bắc Kinh cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột có thể gây tác hại đến lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, làm xáo trộn nền kinh tế, cũng như khiến cho quan hệ với Châu Âu và Hoa Kỳ thêm xấu đi. Nên nhớ rằng Trung Quốc có rất nhiều lợi ích kinh tế ở Ukraine, quốc gia được xem là một ngã tư chiến lược trên "Những con đường tơ lụa mới", dự án đầy tham vọng của Tập Cận Bình.

Ấy là chưa kể đến việc thái độ của Bắc Kinh hiện nay gây nguy hiểm cho các công dân Trung Quốc đang ở Ukraine. Đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev đã phải khuyến cáo công dân của họ nên thật kín đáo, giấu quốc kỳ Trung Quốc đi, để không làm phức tạp việc di tản ra khỏi Ukraine. Theo báo chí Trung Quốc, cuộc di tản này đã bắt đầu từ hôm qua

Thành ra không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh đang cố thúc đẩy Moskva và Kiev thương lượng với nhau. Nếu hai bên đạt được một hiệp ước về trung lập thì điều này sẽ giúp Trung Quốc thoát khỏi tình thế khó xử.

Trước mắt, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang quan sát việc phương Tây ban hành các trừng phạt đối với Nga, suy nghĩ về phương cách chống đỡ nếu như sau này Trung Quốc cũng bị trừng phạt về cuộc xâm lăng Đài Loan : Làm sao duy trì các giao dịch tài chính nếu Trung Quốc bị loại khỏi hệ thống Swift ? Làm sao tránh cho tài sản của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không bị phong tỏa, hay tránh cho tiền đầu tư của Trung Quốc ở phương Tây không bị tịch biên ?

Thanh Phương

**********************

Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra về cuộc chiến Ukraine

Thụy My, RFI, 01/03/2022

Công tố viên Karim Khan của Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) tối 28/02/2022 thông báo ý định mở điều tra về các tội ác tại Ukraine. Hồi tháng 12/2020, Tòa đã kết luận rằng các tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh đã diễn ra trên lãnh thổ Ukraine từ khi khởi đầu cuộc xung đột tháng 2/2014, nhưng cho đến nay chưa có cuộc điều tra nào được mở ra.

muctieu3

Một người đàn ông ở trong một chiếc xe bị hư hại do pháo kích, ở Brovary, ngoại ô Kiev, Ukraine 1/03/2022. AP - Efrem Lukatsky

Từ La Haye, thông tín viên Stéphanie Maupas tường trình :

"Thông cáo của công tố viên cho biết cuộc điều tra sẽ xoay quanh những tội ác do tất cả các bên xung đột phạm phải trên lãnh thổ Ukraine. Do Kiev không phải là thành viên tòa án, ông Karim Khan cần có được sự đồng ý của các thẩm phán để mở một cuộc điều tra như vậy. Hoặc là một trong 123 quốc gia thành viên khởi kiện, và đó cũng là gợi ý của công tố viên. Trong trường hợp này, ông có thể lập tức khởi động điều tra mà không phải đợi các thẩm phán bật đèn xanh.

Cả Ukraine lẫn Nga đều không phải là thành viên CPI. Nhưng Kiev đã cho phép Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra về các tội ác diễn ra trên lãnh thổ nước mình kể từ tháng 2/2014, trước khi cựu tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich bị lật đổ. Văn phòng công tố biện minh do không đủ phương tiện nên cho đến này chưa có cuộc điều tra nào được mở ra.

Ngoài ra ông Karim Khan còn đòi hỏi một ngân sách bổ sung, các đóng góp tự nguyện và biệt phái thêm nhân sự cho văn phòng. Một lần nữa, ông kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế về nhân đạo".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Thụy My
Read 277 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)