Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/03/2022

Điểm báo Pháp - Đối đầu Putin vs Zelensky

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Đối đầu Putin - Zelensky

Đã một tuần kể từ hôm Nga xâm lược Ukraine, ngày 03/03/2022, cuộc chiến này vẫn là đề tài nóng nhất đối với tất cả các nhật báo Pháp. Trang nhất Le Monde chạy tựa "Putin và Zelensky đối đầu với nhau ngoài chiến địa", nói về hai nguyên thủ quốc gia ở hai chiến tuyến.

putin1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, thủ đô Ukraine, ngày 02/03/2022,  via Reuters – Ukrainian Presidential Press SER

Theo Le Monde, Putin dường như đang trở thành một "lãnh đạo đơn độc" khi ông bị cả thế giới lên án và ngay cả những cộng sự của ông cũng không biết ông đang nghĩ gì.

Nhiều người Nga cảm thấy tuyệt vọng kể từ khi tổng thống Putin quyết định xâm lăng nước láng giềng Ukraine. Đó là nhận định của chuyên gia chính trị Ekaterina Schulmann trong bài phỏng vấn được Ksenia Sobchak đăng trên Internet. Bà Sobchak là nhà báo, nữ doanh nhân, cựu ứng cử viên tổng thống. Có nhiều lời đồn bà là con gái đỡ đầu của Vladimir Putin. Ông Putin cũng đã từng làm việc trong một thời gian với cha của bà là ông Anatoli Sobchak, cựu thị trưởng Saint-Petersburg.

Tất cả mọi người đều đang tự hỏi mục đích thực sự của tổng thống Putin là gì ? Làm thế nào để biện minh cho một quyết định dường như sẽ dẫn nước Nga đến thảm họa ? Ngay cả những người cho rằng họ biết rành ông Putin cũng phải ngạc nhiên về quyết định của vị tổng thống đã lãnh đạo nước Nga trong 22 năm.

Putin của năm 2014 không giống với Putin của năm 2022. Người Nga đã nhận thấy điều này từ vài tuần qua khi thấy tổng thống của họ có những bài phát biểu dài trên truyền hình và thường xen lẫn vào đó những "ám ảnh" của ông về lịch sử. Mặc dù chủ đề không thay đổi, giọng điệu của ông dường như ngày càng chứa nhiều sự uất hận khi ông nói về Ukraine, và đỉnh điểm là bài diễn văn tuyên chiến với Ukraine được phát sóng vào rạng sáng ngày 24/02 vừa qua.

Còn ở chiến tuyến bên kia, Le Monde có bài viết "Volodymyr Zelensky, gương mặt kháng chiến của cả một dân tộc", nói về nguyên thủ quốc gia Ukraine được ca ngợi vì sự dũng cảm của ông và được coi như một anh hùng ở cả trong lẫn ngoài nước.

Đã một tuần kể từ khi Moskva phát động cuộc tấn công Ukraine, Volodymyr Zelensky dường như đã hoàn toàn thay đổi. Tuần trước, mọi người còn thấy sự rụt rè và bỡ ngỡ của một diễn viên hài khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở Châu Âu kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Bây giờ, mọi người đã nhìn thấy được sự dũng cảm của một vị tổng thống đang thể hiện mình như một tổng tư lệnh quân đội thực thụ và được ca tụng trên khắp thế giới.

Ông Volodymyr Zelensky biết mình là mục tiêu số một của điện Kremlin, rằng Moskva đang tìm mọi cách để trừ khử ông và thành lập một chính phủ bù nhìn. Tuy nhiên, ông đã chọn ở lại Kiev để chiến đấu cùng các binh sĩ của mình và từ chối đề nghị sơ tán sang Mỹ.

Trên Facebook, Twitter và Instagram, ông thường xuyên đăng các bức ảnh selfie, thân thiện mỉm cười với đội ngũ của ông. Khác hẳn với ông Putin, luôn tỏ ra cứng rắn và lạnh lùng với các cố vấn của mình.

Thái độ của dân Nga về xung đột với Ukraine ?

Về chủ đề này, nhật báo thiên tả Libération có bài viết "Sau cuộc tấn công vào Ukraine, dân Moskva bị sững sờ và chấn động", nói về những người dân phản đối chiến tranh.

Cuộc chiến đã bước sang ngày thứ bảy và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhưng mọi thứ có thực sự bình thường đối với người dân hay không ? Đất nước của họ đã xâm lược và ném bom láng giềng, nơi có người thân, bạn bè của họ sinh sống. Nhà báo Macha Borzounova nói rằng : "Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục sống với những gì đã và đang xảy ra ? Đây là một thảm họa khủng khiếp cho cả Ukraine lẫn Nga. Cuộc sống bình thường đã qua và phải còn rất lâu nữa chúng ta mới tìm lại được nó".

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây dường như đang giáng "một trận tuyết lở" xuống Nga, khi nước này bị chặn giao dịch quốc tế, không được nhập khẩu công nghệ nước ngoài và đa số cường quốc đóng không phận của mình với Nga. Các trừng phạt này đã ngay lập tức khiến cho Moskva bị cô lập với thế giới, hứa hẹn cho một tương lai cực kỳ đen tối.

Ngoài ra, người dân Nga cũng bị các cơ quan truyền thông trong nước "bịt mắt", do những cơ quan này thường bị điện Kremlin điều khiển, do đó đưa tin sai lệch, hoặc không đưa những tin nhạy cảm. Tổn thất về nhân mạng trong chiến tranh vốn được coi là bí mật quốc phòng kể từ năm 2015. Ngoài ra, từ một tuần qua, chính quyền Nga đã cấm truyền thông sử dụng các thuật ngữ "chiến tranh" hay "xâm lược" để mô tả các sự kiện ở Ukraine.

Phản ứng của Macron 

Về chủ đề này, báo Les Echos có bài viết "Emmanuel Macron muốn "bảo vệ" nước Pháp khỏi hậu quả chiến tranh" nói về việc tổng thống Pháp lên án "những lời nói dối" của Vladimir Putin và nhấn mạnh sự ủng hộ của Pháp đối với Ukraine. Nhưng ông cũng nói thêm là người dân Pháp sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Ông Macron hứa sẽ tìm ra một kế hoạch phục hồi kinh tế và xã hội, đồng thời đưa ra những bảo đảm về việc tăng cường ngân sách quốc phòng.

Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh : "Liên Hiệp Châu Âu (EU), Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay Hoa Kỳ đều không muốn chứng kiến cuộc chiến này. Cuộc chiến này do một mình tổng thống Putin khởi xướng. Hiện không có căn cứ quân sự nào của NATO nằm ở Ukraine, đó là những lời nói dối". Ông Macron đồng thời đã chỉ đích danh Nga là "kẻ xâm lược".

Một bước ngoặt lịch sử như 11/09/2001

Vẫn về xung đột Nga-Ukraine, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phỏng vấn nhà triết học Robert Redeker, khi ông nhận định rằng chúng ta đang ở giai đoạn bước ngoặt lịch sử giống như sự kiện 11/09/2001.

Ông Redeker đánh giá rằng ngày Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02/2022 sẽ là một ngày để lại dấu ấn giống như ngày 11/09/2001 : " Chúng ta có thể coi đó là hai ngày quan trọng nhất của đầu thế kỷ 21."

Những ảnh hưởng của ngày 24/02 sẽ không xóa bỏ những ảnh hưởng của ngày 11/09. Ngược lại, hai ngày này sẽ liên kết với nhau. Ngày 11/09 đã đánh dấu sự xuất hiện của kẻ thù đầu tiên của phương Tây, đó là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, và kẻ thù xuất hiện hôm 24/02 vừa rồi, đó là Đế chế chuyên quyền. Cả hai "kẻ thù" này đều không quan tâm đến những gì chúng ta coi trọng, đó là mạng sống con người, chủ quyền, độc lập của các dân tộc, quyền lợi của các quốc gia và sự tự do. Nếu Nga đại diện cho một đế chế, thì Châu Âu là một tập hợp của các quốc gia. Tại sao dư luận Châu Âu đồng cảm với những người Ukraine bị tấn công ? Bởi vì họ rất hiểu cảm giác của dân tộc Ukraine, họ nhìn thấy chính mình ở trong đó, vì cả hai đều không chấp nhận chủ nghĩa đế quốc.

Tình hình di dân Ukraine ?

Về chủ đề di dân Ukraine, báo Le Figaro có bài viết "Pháp tiếp đón những người tị nạn Ukraine đầu tiên", nói về số người Ukraine đang cố gắng sang các nước Liên Hiệp Châu Âu để lánh nạn. Tình trạng di dân rời Ukraine đang làm chấn động cả Châu Âu. Ước tính đã có hơn 700.000 người Ukraine vượt biên sang các nước láng giềng.

Từ hôm qua 02/03, một số bộ trưởng Pháp đã tiếp các quan chức địa phương để điều đình với các tỉnh trưởng nhằm tìm ra các "giải pháp khả thi" chuẩn bị tiếp nhận người tị nạn tại các tỉnh của mình.

Trung Quốc "không ủng hộ chiến tranh"

Nhìn sang Châu Á, tờ Le Monde có bài viết "Trung Quốc "vô cùng đau buồn" về những diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine" nói về Bắc Kinh dường như đã không lường trước được việc Nga xâm lăng Ukraine.

Một số chi tiết dường như xác nhận giả thuyết này. Thứ nhất là sự im lặng của chủ tịch Tập Cận Bình hôm 24/02. Trong khi một số lãnh đạo phương Tây tìm cách liên lạc với ông, ông đã từ chối trả lời tất cả mọi người, chỉ nhắn tin rằng ông đang bận chuẩn bị cho kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, sẽ bắt đầu vào ngày 04/03. Chủ tịch Trung Quốc chỉ nói chuyện với duy nhất một nhà lãnh đạo vào ngày hôm sau : Vladimir Putin.

Một manh mối khác : Thông cáo báo chí sau cuộc điện đàm với ông Putin được bộ ngoại giao Trung Quốc công bố hôm 25/02 khác hẳn với thông cáo báo chí được chính cơ quan này công bố một ngày trước đó. Chính quyền Bắc Kinh cho biết họ "thông hiểu" các yêu cầu an ninh "hợp lý" của Nga, thông cảm với những bất bình của Moskva đối với NATO. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh phải "tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia". 

Manh mối thứ ba cho thấy sự bối rối của Bắc Kinh : Hôm 24/02, đại sứ quán Trung Quốc tại Kiev kêu gọi công dân của mình phủ quốc kỳ Trung Quốc lên xe hơi của họ, và rốt cuộc hai ngày sau đó lại khuyên công dân hãy kín đáo và hạn chế để lộ danh tính.

Quyết định mang tính lịch sử của Đức

Quay trở lại Châu Âu, báo Le Monde dành bài xã luận của mình nói về Đức, gã khổng lồ về kinh tế và chú lùn về địa chính trị, đã có một bước đột phá về mặt quân sự kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Những tuần đầu tiên sau khi ông Olaf Scholz nhậm chức thủ tướng Đức, giới truyền thông đã đặt ra một câu hỏi thậm chí đã trở thành một hashtag trên mạng xã hội : "Ông Olaf Scholz đang ở đâu ?". Bất chấp thái độ ngày càng cứng rắn đối với Nga, tân thủ tướng Đức đã từ chối bình luận về đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trong trường hợp Nga xâm lăng Ukraine. Ông cũng từ chối không muốn giao vũ khí cho Kiev. Những động thái này đã khiến các đồng minh Châu Âu và Hoa Kỳ nghi ngờ sự "trung thành" của Đức đối với các đồng minh.

Nhưng kể từ hôm tổng thống Putin công nhận hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine, thủ tướng Scholz đã tuyên bố không cho Nord Stream 2 đi vào hoạt động. Hôm 26/02, hai ngày sau khi Nga tấn công vào Ukraine, ông đã bật đèn xanh cho việc giao vũ khí cho Ukraine. Và ngày hôm sau, trước Hạ Viện, ông đã có một bài phát biểu mang tính lịch sử, trong đó đáng chú ý là ông tuyên bố Đức sẽ tăng chi tiêu quân sự lên hơn 2% GDP (so với 1,5% hiện nay), vượt quá mức tối thiểu do NATO đặt ra.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 298 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)