Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/03/2022

Điểm báo Pháp - Dầu khí, một cuộc chiến khác

RFI tiếng Việt

Dầu khí, một cuộc chiến khác giữa phương Tây với Nga

Mãi đến khi Moskva đưa quân xâm lược Ukraine, Châu Âu mới ý thức được tác hại của sự lệ thuộc năng lượng vào Nga. Phải trả một cái giá như thế nào để chận được sự bành trướng điên cuồng của Vladimir Putin ? Không thể giao dịch với một nhà cung cấp đã công khai đe dọa mình, tài trợ cho một cuộc chiến mà phương Tây lên án.

daukhi1

Nga là quốc gia sản xuất dầu khí lớn thứ nhì thế giới – Ảnh minh họa

Cấm vận dầu khí Nga và những hệ quả là chủ đề chiếm trang nhất tất cả nhật báo lớn của Pháp hôm nay.Le Figarochạy tựa "Pháp trước giá dầu khí tăng vọt", La Croixnói về "Bài toán khí đốt Nga". Le Mondeđặt câu hỏi, "Châu Âu có thể không dùng khí đốt của Nga ?", trong khiLes Echosnêu ra "Các hướng để tránh lệ thuộc vào khí đốt Nga". Libérationkhẳng định "Dầu khí Nga, một cuộc chiến tranh khác đã được tuyên bố".

Loan báo cấm vận của Hoa Kỳ cho thấy sự đối địch sắp tới sẽ tăng lên, và một cú sốc chưa từng thấy kể từ nửa thế kỷ qua. Theo Libération, trước cái giá máu mà người dân Ukraine phải trả, tình cảnh phải lưu lạc sang các nước khác, và loạt trừng phạt quốc tế có thể đẩy nước Nga thụt lùi một thế hệ, hậu quả kinh tế của cuộc chiến đối với người tiêu dùng Mỹ và Châu Âu chừng như không đáng kể. Nay phương Tây tấn công vào lá phổi kinh tế của Nga : dầu khí xuất khẩu, vốn chiếm 1/3 nguồn thu ngân sách. Mục tiêu độc lập năng lượng tạo thêm sức bật mới cho Châu Âu, sau khi nhất trí vay chung 750 tỉ euro để tái thúc đẩy kinh tế hậu Covid.

Một cuộc chiến khác với Nga : Năng lượng

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga trả đũa bằng việc cắt toàn bộ nguồn năng lượng hóa thạch cho Châu Âu ? Theo ông Thomas Pellerin-Carlin, giám đốc Trung tâm năng lượng thuộc Viện Jacques-Delors, trước mắt không hề gì, vì mùa đông sắp qua, lượng khí đốt dự trữ đủ dùng đến tháng 11. Vấn đề là chuẩn bị cho mùa đông năm tới. Châu Âu đề ra kế hoạch "REPowerEU" nhằm đạt được tự chủ năng lượng trước 2030, với một loạt biện pháp khẩn cấp. Ủy Ban Châu Âu cũng dự định buộc các thành viên phải dự trữ dưới lòng đất ít nhất 90% nhu cầu vào ngày 01/10 hàng năm.

Song song đó là đa dạng hóa nguồn năng lượng ở tầm châu lục, nhanh chóng giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ gia tăng nhập khí hóa lỏng (GNL) và khí đốt từ Na Uy, Qatar, Algeria, Hoa Kỳ… ; phối hợp để tối ưu hóa việc sử dụng các đường ống dẫn và thiết bị. Hy vọng kế hoạch này sẽ giúp giảm ít nhất 155 tỉ mét khối khí, số lượng nhập từ Nga trong năm 2021.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp khác không thể một sớm một chiều tăng sản lượng. Le Figaro dẫn nguồn từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), ước tính Hà Lan, Na Uy và Azerbaijan có thể cung ứng thêm 10 tỉ mét khối khí đốt. Úc, nước xuất khẩu GNL nhiều nhất hiện tập trung cho thị trường Châu Á, nếu vận chuyển qua nửa vòng trái đất đến Châu Âu, giá thành sẽ đội lên nhiều. Còn lại Hoa Kỳ, với nguồn khí đá phiến khổng lồ, giới kỹ nghệ đang đòi chính quyền Biden hủy bỏ các hạn chế. Một trở ngại lớn nữa là giá cả, vốn đã tăng cao trong thời gian gần đây.

Phải đợi đến Nga khởi chiến mới thấy tác hại của lệ thuộc

La Croixchỉ trích "Sự lệ thuộc tai hại". Vào lúc Ukraine bị xâm lược, 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đứng trước thế lưỡng nan, sau quyết định của Mỹ, có nên ngưng nhập khí đốt Nga ?

Cựu tổng thống Pháp François Hollande trên Le Monde khẳng định, không thể tài trợ cho một cuộc chiến mà chúng ta lên án. Quan điểm này vừa logic vừa hợp đạo lý, tuy nhiên thực tế bài toán là không thể giải quyết trong ngắn hạn và phải trả giá đắt trong trung hạn, đối với doanh nghiệp cũng như người dân.

Độc lập năng lượng Châu Âu là một trong những chủ đề của cuộc họp thượng đỉnh tại điện Versailles bắt đầu vào ngày mai, nhiệm vụ này phức tạp vì độ lệ thuộc vào khí đốt Nga khác nhau : Pháp 17%, Đức 50%. Ủy Ban Châu Âu hôm qua công bố loạt biện pháp ban đầu : hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng để nhập từ các nước khác. Tờ báo tỏ ý tiếc rằng phải cần đến một cuộc chiến để Châu Âu ý thức được tác hại của sự lệ thuộc năng lượng vào Nga.

Cái giá phải trả cho chiến tranh

Xã luận của Le Figaronhấn mạnh đến "Cái giá của chiến tranh". Phải trả một cái giá như thế nào để chận được sự bành trướng điên cuồng của Vladimir Putin ?

Hai tuần sau khi Nga xua quân xâm lược Ukraine, loạt trừng phạt vẫn chưa kết thúc, người ta bắt đầu đánh giá tác động của cuộc chiến. Đó là cú sốc năng lượng to lớn gây lo ngại kinh tế sẽ lại đình trệ - giá tăng trong khi tăng trưởng giảm - như trong thập niên 70. Vế đầu đã thấy được, giá dầu khí tăng vọt gây khó khăn cho cá nhân và doanh nghiệp. Nhà nước sẽ tài trợ một phần, nhưng nợ công đã lên đến 2.800 tỉ euro, cần phải có một số cải cách.

Bên cạnh những biện pháp ngắn hạn, ngòi nổ Ukraine áp đặt phải suy nghĩ lại về chính sách năng lượng Châu Âu. Ví dụ của Đức cho thấy giao phó việc cung ứng cho nước Nga của Putin tác hại như thế nào. Berlin lý tưởng hóa, từ bỏ điện nguyên tử là sai lầm kinh tế và chính trị không thể tha thứ. Pháp sau khi dò dẫm trên con đường này rốt cuộc đã đối hướng kịp thời. Cuộc chiến tranh ở Ukraine khẳng định việc chuyển toàn bộ sang năng lượng tái tạo là một bẫy sập chết người.

Góp sức bằng việc giảm tiêu thụ năng lượng

Les Echoskhẳng định "Khí đốt : Chính chúng ta nên hành động" thay vì cứ trông chờ vào chính phủ. Thoạt nhìn thì Châu Âu đã bị trói tay trói chân, quá cần khí đốt Nga để sưởi ấm, sản xuất điện và cho hoạt động của các nhà máy. Cũng cần cả dầu lửa, nhưng vàng đen có thể vận chuyển đến bằng tàu dầu từ khắp thế giới. Còn khí đốt được đưa tới qua các đường ống phải mất nhiều năm trời mới xây dựng xong, và những đường ống này chủ yếu từ Nga. Thế nên cho đến nay lãnh vực khí đốt vẫn tránh được trừng phạt.

Tại một đất nước như Pháp, Nhà nước đóng vai trò chính và bao bọc nhiều thứ trong đời sống, người dân thường có tâm lý ỷ lại. Nhưng như cựu thủ tướng Xã hội Lionel Jospin đã khuyến cáo, "không nên bất cứ thứ gì đều chờ đợi ở chính phủ". Một phần tư các gia đình Pháp dùng khí đốt để sưởi ấm, và nếu giảm nhiệt độ trong nhà chỉ 1°C, sẽ giảm được 7% lượng gaz tiêu thụ. Đây cũng là một trong mười biện pháp được Cơ quan Năng lượng Quốc tế đề nghị vào tuần trước để giảm lệ thuộc vào khí đốt Nga. Ngoài ra còn có thể không di chuyển bằng xe hơi đối với những quãng đường ngắn chẳng hạn. 

"Đừng đòi hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, hãy tự hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước" - đó là câu nói nổi tiếng của tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy. Nhật báo kinh tế viết, khi tự nguyện tham gia tiết kiệm năng lượng, chúng ta đã hành động không chỉ cho nước Pháp mà còn cho sức khỏe, cho Ukraine, cho khí hậu, vậy bạn đã sẵn sàng chưa ?

Không thể tài trợ cho Moskva xâm lăng Ukraine !

Libération nhận định, cấm vận Mỹ về dầu khí Nga báo trước một cú sốc năng lượng toàn cầu. Liên Hiệp Châu Âu hoàn toàn thấu hiểu khi nhấn mạnh "Chúng ta không thể trông cậy vào một nhà cung cấp đã công khai đe dọa mình". Chiến tranh đã được tuyên bố, cuộc chiến duy nhất mà Châu Âu có thể tiến hành chống lại Vladimir Putin nhưng không phải gởi quân sang chiến trường Ukraine.

Tuy nhiên, hậu quả có thể lớn hơn nhiều so với dự kiến. Trừng phạt Iran có thể nhanh chóng được dỡ bỏ, Saudi Arabia sẽ cố gia tăng sản lượng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế sẽ phân bổ nguồn dự trữ cho các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, những biện pháp này không đủ để bỗng chốc từ bỏ nhà cung cấp dầu lửa thứ nhì thế giới.

Tờ báo nhắc lại trong cuộc khủng hoảng thập niên 70, tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đã nói Pháp không có dầu lửa nhưng có sáng kiến, và một trong những biện pháp đó là đổi sang giờ mùa hè. Giờ đây đến lượt ông Emmanuel Macron phải chứng tỏ là can đảm hơn những người tiền nhiệm.

Nga cố bao vây thủ đô Kiev

Về tình hình chiến sự, Les Echosghi nhận "Moskva cố gắng bao vây Kiev", trước khi dồn lực vào một cuộc tấn công mang tính quyết định.

Quân đội Nga hầu như không còn tiến được trong ngày thứ 13 của cuộc chiến, ngược lại các vụ không kích và bắn hỏa tiễn dồn dập hơn, nhất là vào các thành phố Kharkov, Sumy, Izium. Nga gặm nhấm được một ít đất ở tây bắc Kiev, với hy vọng tiến vào được thủ đô Ukraine trong hai, ba ngày tới. Có thể quân Nga co cụm do cần phải tập hợp lực lượng và hậu cần trước tổng tấn công : các đoàn công-voa logistic là mục tiêu ưu tiên bị Ukraine phục kích, và lượng xăng dầu, lương thực, đạn dược đã bị dự đoán dưới mức cần thiết vào đầu cuộc xung đột.

Cần phải kể thêm tác động của "bộ tứ kỵ sĩ" Ukraine, theo cách gọi của Jason Lyall, nhà giáo Mỹ chuyên về lịch sử chiến tranh. Đó là Javelin (hỏa tiễn chống tăng của Mỹ), Stinger (hỏa tiễn phòng không), rasputitsa (hiện tượng sình lầy do tuyết tan), và TikTok (mạng xã hội phổ biến ở Ukraine). Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các drone Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, và gần đây là các hỏa tiễn tầm ngắn NLaw và AT4 của Thụy Điển.

Quân Nga thiệt hại nặng nề, đôi bên bắt đầu hạ giọng

Thiệt hại về nhân mạng và vũ khí hạng nặng của Nga xem chừng rất lớn, theo tính toán dựa vào chứng cứ trên thực địa và các video được xác thực và định vị.

Có ít nhất 145/1.000 xe tăng đưa vào đã bị phá hủy hoặc tịch thu, cùng với khoảng hai chục phi cơ tiêm kích, hơn một chục trực thăng. Theo nguồn tin Mỹ, có đến 4.500 lính Nga bị tử thương trong 12 ngày qua, còn theo nguồn tin Châu Âu thì con số này lên đến 6.000 (tương đương 1/4 số thiệt hại của Liên Xô tại Afghanistan từ 1979 đến 1989). Moskva chỉ nhìn nhận 498 lính tử trận, Kiev khẳng định đã tiêu diệt 12.000 lính. Số bị thương chắc hẳn cao gấp bốn lần ở cả hai phe.

Quan điểm của Moskva và Kiev bắt đầu bớt cứng rắn. Phát ngôn viên điện Kremlin hôm thứ Hai nhắc lại các yêu sách của Nga, nhưng không còn nói đến đòi hỏi NATO phải lui về ranh giới hồi 1999, phi quân sự hóa và "phi phát xít hóa" Ukraine. Về phía tổng thống Volodymyr Zelensky khi trả lời đài truyền hình Mỹ ABC nói rằng nhiệt tình gia nhập NATO đã nguội bớt. Trên mặt trận kinh tế, danh sách các công ty phương Tây ngưng hoạt động ở Nga ngày càng dài thêm, với Adidas, Shell, McDonald...

Dân cảng Odessa chuẩn bị chiến đấu

Tại Lviv, Le Monde cho biết những người tình nguyện hỗ trợ Bảo tàng quốc gia và các giáo đường bảo vệ những di sản văn hóa Ukraine, những tác phẩm, công trình từ 400 năm tuổi trở nên, trước nguy cơ bị quân Nga hủy hoại. Ở khu trung tâm thành phố, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhiều tòa nhà được che chắn bằng bao cát. Bốn bức tượng được bao bọc với những lớp mút xốp dày và vải bạt.

Trong khi đó tại Odessa, thành phố cảng miền nam chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công của quân Nga đang tiến sát. Đặc phái viên Libération mô tả hàng trăm người xếp thành chuỗi trên bãi biển, người xúc cát, kẻ đổ vào bao, người khác chuyền tay đưa lên xe tải, và có cả người… đứng hát. Đó là Yuri Dudar và Andrey Kharlamov, hai giọng ténor của Nhà hát giao hưởng Odessa, thỉnh thoảng cao giọng hát quốc ca Ukraine để động viên anh em. Họ đã làm được 300.000 bao cát kể từ ngày thứ ba của cuộc chiến, cung cấp cho quân đội và lực lượng dân quân tự vệ. Gần đó nữ họa sĩ Olga Progribna buổi sáng chế những chai bom xăng, buổi chiều làm băng-rôn đả kích Nga. Cô thổ lộ tuy không hề muốn nhưng không thể khoanh tay đứng nhìn "Chúng tôi bị tấn công nên phải đáp trả".

Một cựu chiến binh Mỹ 27 tuổi từng phục vụ ở Iraq và Kuwait, chia sẻ với các đồng đội mới ở Odessa những kinh nghiệm. Họ còn huấn luyện cho nhau được bao lâu nữa ? Thị trưởng Gennadiy Trukhanov lo ngại thành phố Mykolaiv gần đó đang chống cự với quân Nga sẽ phải chịu đựng một đợt tấn công mới, đồng nhiệm bên ấy nói rằng nếu thất thủ sẽ chạy sang chiến đấu cùng Odessa.

Moskva sử dụng lính đánh thuê giá rẻ từ Syria

Nếu chí nguyện quân từ các nước lần lượt đến hỗ trợ Ukraine, thì Moskva lại tuyển mộ lính đánh thuê Syria. Le Monde nhận thấy Bachar Al Assad không chỉ ủng hộ bằng miệng mà còn tuyển quân giúp Nga đánh Ukraine. Theo The Wall Street Journal, một số lính đánh mướn từng có kinh nghiệm đánh du kích trong thành phố hiện đã có mặt tại Nga, chuẩn bị sang Ukraine. Việc tuyển mộ bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên cuộc chiến, như lời các nhân chứng được tổ chức phi chính phủ Syrians for Truth and Justice (STJ) thu thập được.

Một thanh niên Syria vừa đi quân dịch xong, nói rằng đã điền vào mẫu đăng ký từ 27/02, sau đó được kết nối với một quân nhân đóng vai trò điều phối viên cho một công ty an ninh Nga, có thể là Wagner. Người này nói ưu tiên cho những ai đã chiến đấu dưới quyền Nga. Bassam Alahmad, người đồng sáng lập STJ cho biết, ngược với ở Libya, nơi các thanh niên Syria chỉ canh gác những giếng dầu, Nga cần tuyển người có kinh nghiệm chiến đấu. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bị tố cáo dùng đến quân Syria tại Libya và Thượng Karabath. "Đó là những lính đánh thuê giá rẻ đối với Nga, một số có hơn 10 năm kinh nghiệm chiến trường. Nếu họ tử trận, Nga chẳng mất mát gì cả !".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 281 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)