Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/03/2022

Điểm báo Pháp - Liên Âu đoàn kết về chính trị

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Liên Âu đoàn kết về chính trị là một thất bại cho Putin

Chiến tranh đã đến Châu Âu, đã ở ngay cửa ngõ của Liên Hiệp Châu Âu (EU). Thượng đỉnh 27 nước Châu Âu họp tại Pháp trong hai ngày, bắt đầu từ hôm nay, 10/03/2022, dự kiến bàn về kế hoạch chấn hưng hậu Covid-19, trở thành hội nghị bàn về "những vấn đề sống còn với Liên Hiệp". Thượng đỉnh Liên Âu tại lâu đài Versailles, Pháp, là chủ đề hàng đầu của báo chí Pháp hôm nay.

lienau1

Cờ Liên Âu và quốc kỳ Ukraine trước Nghị viện Châu Âu, ngày 8/3/2022 ở Strasbourg, miền đông nước Pháp, hai ngày trước Thượng đỉnh khối 27 nước ở Versailles, ngoại ô Paris. AP - Pascal Bastien

"Năng lượng, quốc phòng : Châu Âu tìm cách đáp trả Putin" là tựa trang nhất Le Figaro. "Nền quốc phòng Châu Âu, năm khởi đầu", nhan đề trang nhất báo La Croix. "Ukraine : 5 hồ sơ chủ yếu gây bất đồng trong Liên Âu" là một hồ sơ chính của Les Echos. Le Monde có bài "Bốn ngày đảo lộn Châu Âu" nhấn mạnh đến cuộc tấn công bất ngờ của Nga đã buộc khối 27 nước "phải đưa ra những quyết định nhanh chóng", đánh dấu một bước ngoặt lịch sử với Liên Hiệp. Liên Âu tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga về dầu, khí với thượng đỉnh tại Versailles cũng là một chủ đề chính của Libération. "Giá dầu, khí, lúa mì tăng vọt : cú sốc toàn cầu" là hồ sơ trang nhất của Le Monde.

Có một sự trùng hợp khá kỳ lạ. Cuộc tấn công Ukraine của Nga diễn ra đúng vào lúc nước Pháp nhiệm kỳ Emmanuel Macron làm tổng thống, đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên khối 27 nước. Trùng hợp bởi tổng thống Macron cũng chính là người, ngay từ khi nhậm chức, đã thúc đẩy cho các dự án siết chặt đoàn kết Châu Âu về nhiều mặt, thúc đẩy Liên Âu tự chủ về chiến lược, đặc biệt về quốc phòng. Le Figaro có bài : "Macron đề xuất một kế hoạch chấn hưng chung mới với khối 27 nước".

Nga xâm lược Ukraine : Liên Âu cần một kế hoạch "Next Generation" mới

Thượng đỉnh phục hồi hậu khủng hoảng Covid, "tìm mô hình tăng trưởng mới cho Châu Âu sau 2030", biến thành "một thượng đỉnh để Châu Âu xốc tới", sẵn sàng trước nguy cơ chiến tranh nhãn tiền, theo phủ tổng thống Pháp. Theo Le Figaro, tổng thống Macron muốn "dồn các nước Châu Âu đến chân tường", buộc khối 27 nước phải tính đến một kế hoạch đầu tư chung mới, đáp ứng được thách thức to lớn hiện nay.  

Cho đến nay, Liên Âu đã có "một ngoại lệ về đầu tư chung" : kế hoạch chấn hưng phục hồi sau Covid (Next Generation EU), với tổng ngân sách 750 tỉ euro. Điện Elysée cho biết, hiện các thương lượng mới bắt đầu cho một ngoại lệ mới. Một kế hoạch mới như vậy sẽ phải tập trung vào ba lĩnh vực chính, quốc phòng, năng lượng, và "chuyển đổi khí hậu". Tổng tư đầu tư chung dự kiến ít nhất là khoảng 100 tỉ euro. Hiện tại, dự kiến về một kế hoạch này chưa nhận được các tín hiệu hưởng ứng từ Đức và Hà Lan, vốn là các nước rất khắt khe trong các quyết sách tài chính.

Chiến tranh tại Ukraine gây tổn phí thế nào cho EU

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Với Liên Âu, chiến tranh tại Ukraine gây tổn phí thế nào ?". Les Echos dẫn thông tin của kinh tế gia Jean Pisani-Ferry (nghiên cứu của Viện Bruel) theo đó, Liên Âu sẽ phải chi tổng cộng thêm 175 tỉ euro trong năm 2022. Đây là ước tính sơ bộ đầu tiên về "cái giá của chiến tranh Ukraine" đối với Liên Hiệp, tương đương 1,2% GDP của khối. Cái giá này có thể sẽ còn tiếp tục tăng thêm, tùy theo cường độ và độ dài của chiến tranh. Les Echos nhấn mạnh là "sự trở lại của chiến tranh buộc các lãnh đạo Châu Âu phải can thiệp nhiều hơn vào kinh tế. Hiện tại chưa phải là một nền kinh tế chiến tranh. Nhưng từ đây đến đó không xa".

Châu Âu phải sẵn sàng đầu tư thêm hàng trăm tỉ đô la trong hoàn cảnh mới. Hai thách thức nhãn tiền về mặt kinh tế với Liên Âu. Thứ nhất là hỗ trợ các gia đình nghèo, giữ giá năng lượng, không để giá tăng vọt làm đảo lộn cuộc sống. Và thứ hai là nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch của Nga, mà hiện mỗi năm mang lại cho chính quyền Putin khoảng 400 tỉ euro (theo số liệu 2019). Theo chuyên gia Jean Pisani-Ferry, Liên Âu cần có kế hoạch đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng năng lượng, để chuyển sang tiếp nhận năng lượng đến từ các nguồn khác ngoài Nga, tổng đầu tư ước tính 75 tỉ euro.

Bên cạnh đó việc tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine cũng đòi hỏi một số tiền khổng lồ. Nếu căn cứ theo cách tính của nước Đức, trong việc tiếp nhận người tị nạn trong cuộc khủng hoảng năm năm 2016, số tiền này ước tính ít nhất 30 tỉ euro. Để bảo vệ Ukraine, Liên Âu cũng phải đầu tư cho quân đội Ukraine khoảng 20 tỉ euro trong năm nay, và khoảng 70 tỉ euro hàng năm, những năm tiếp theo. "Một kế hoạch kiểu Next Generation EU (với tổng chi phí 750 tỉ euro, tức vượt xa con số 100 tỉ euro Le Figaro nêu trên) là điều cần thiết để Liên Âu có cơ may giành thắng lợi".

Kinh tế gia Jean Pisanni-Ferry cảnh báo : Nếu để thua Nga trong trận chiến kinh tế này, thì sẽ không còn có phương tiện kháng cự phi bạo lực nào khác đủ sức để mang ra thi thố.   

Dầu khí : "Sự phụ thuộc độc hại" về chính trị và môi trường

"Dầu mỏ và khí đốt : Thoát khỏi một sự phụ thuộc độc hại" là chủ đề xã luận Le Monde. Theo Le Monde, "cuộc tấn công của Nga cho thấy tính cấp thiết của việc thoát khỏi sự phụ thuộc độc hại về mặt môi trường cũng như chính trị". Le Monde cảnh báo, không nên hy vọng cuộc khủng hoảng này sẽ nhanh chóng chấm dứt. Cú sốc năng lượng buộc chúng ta phải đối mặt với sự thực. Tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch là điều có làm được ngay, để không góp thêm tiền cho cuộc xâm lăng của Nga. Le Monde trách tổng thống Macron hiện thiếu đi một thông điệp kép trong vấn đề then chốt này, gắn liền việc cắt bớt nguồn tài chính cho Moskva (khi ngừng mua khí đốt) với việc giúp cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Điều mà đông đảo người Pháp hiện vốn đã sẵn ủng hộ, theo Le Monde.

Một số chuyên gia : Đức có thể ngừng nhập khẩu khí đốt Nga "ngay lập tức"

Cũng Les Echos điểm mặt "Năm hồ sơ lớn với Liên Âu" : Thoát khỏi sự phụ thuộc Nga về năng lượng, xây dựng quốc phòng Châu Âu, khẳng định chủ quyền kinh tế, phối hợp trừng phạt Moskva, yêu cầu gia nhập Liên Âu của Ukraine. Thoát khỏi sự phụ thuộc Nga về năng lượng là thách thức hàng đầu. Châu Âu không thể tiếp tục trả tiền cho kẻ đang đe dọa Châu Âu, tuy nhiên, do các phụ thuộc nặng nề vào Nga, nên tiến trình thoát ra cũng không thể nhanh chóng, theo Les Echos.

Hiện tại, các nước Châu Âu chọn giải pháp giảm dần sự phụ thuộc. Đức, Hungary, Phần Lan nằm trong số các quốc gia phụ thuộc nặng nhất. 55% khí đốt của Đức phụ thuộc vào Nga. Việc thoát khỏi khí đốt Nga quả là không dễ dàng với nền kinh tế số một Châu Âu. Tuy nhiên, trên Le Monde có bài viết "Nhiều kinh tế gia Đức ủng hộ ngừng ngay việc mua khí đốt Nga". Một số chuyên gia Đức, như Veronika Grimm, khẳng định, việc ngừng mua khí đốt của Nga có thể gây khó khăn cho lĩnh vực năng lượng, nhưng để chiến tranh kéo dài thì còn nguy hiểm hơn bội phần.

Một nghiên cứu của hai chuyên gia có tên tuổi, công bố hôm qua, đưa ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt khí đốt từ Nga. Đồng tác giả của nghiên cứu là Moritz Shularick (Học viện chính trị Paris).

Dành cho Ukraine sự ủng hộ đặc biệt, hơn là kết nạp khẩn cấp

Yêu cầu gia nhập Liên Âu của Ukraine cần được xem xét như thế nào cũng là một chủ đề trong bài "Liên Âu muốn đoàn kết đối mặt với Putin" của Le Figaro. Theo Le Figaro, thượng đỉnh khối 27 nước dự kiến sẽ ra một tuyên bố chung, nhấn mạnh đến "cuộc xâm lăng của Nga đang gây ra một thay đổi nền móng đối với lịch sử Châu Âu". Theo ông Eric Maurice (Quỹ Schuman), tuyên bố chung sẽ không đưa ra bất cứ một quyết định nào, mà chủ yếu là xác định "các định hướng chính trị lớn", việc xác định các mục tiêu và hành động cụ thể sẽ diễn trong những tuần và tháng tiếp theo.

Đề nghị gia nhập của Ukraine là một chủ đề thách thức sự đoàn kết khối 27 nước. Nhóm các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ (đứng đầu là Ba Lan, Slovakia, Bulgari) muốn kết nạp Ukraine thật nhanh. Ngược lại, nhiều nước khác, như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan và cả Pháp, ưu tiên hướng trước mắt xác lập một quan hệ đối tác ưu tiên. Về nguyên tắc, quá trình gia nhập Liên Âu luôn kéo dài, đòi hỏi nhiều thời gian.

Không làm thất vọng Ukraine, nhưng cũng không để việc đốt cháy thể thức kết nạp với trường hợp của Ukraine gây bất bình cho các quốc gia vùng Balkan (cũng đang muốn gia nhập khối 27 nước), có thể đe doạ tương lai Liên Âu, là thông điệp Les Echos nhấn mạnh. Les Echos dẫn thông tin từ phủ tổng thống Pháp cho biết, cho dù không kết nạp ngay Ukraine theo thể thức chính thức, điều quan trọng là Liên Âu xem xét dành cho Ukraine những hỗ trợ đặc biệt về an ninh và kinh tế, khiến Ukraine nhanh chóng gắn bó mật thiết với Liên Âu.

Liên Âu "đoàn kết về chính trị" sẽ là "một thất bại thực sự với Putin"

"Xây dựng một Liên Âu hùng mạnh" là một vấn đề sống còn vừa về mặt chính trị, vừa về triết học, đó là tựa đề bài phỏng vấn đáng chú ý của La Croix với nhà triết học Jean-Marc Ferry. Bài phỏng vấn được thực hiện nhân dịp thượng đỉnh Liên Âu tại Versailles. Theo nhà triết học Jean-Marc Ferry, bên cạnh sự đáp trả về mặt kinh tế, và phần nào đó là quân sự, vũ khí thực sự của Liên Âu là "chính trị", nếu Liên Âu đoàn kết về chính trị, thì đây sẽ là "một thất bại thực sự của Putin". 

Nhà triết học Jean-Marc Ferry cũng trở lại với một sai lầm quan trọng trong quan hệ giữa Liên Âu và Nga, trong thập niên 1990, sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Việc Châu Âu "dưới ảnh hưởng của Mỹ, đẩy nước Nga về phương Đông" là một thất bại lớn. Liên Âu đã không thực hiện được định hướng đưa Nga hội nhập vào mái nhà chung Châu Âu, như tổng thống Nga Gorbachev từng hy vọng, và cũng là ý tưởng của nhiều cố lãnh đạo Pháp.

Về hiện tại, triết gia Ferry nhấn mạnh cần phân biệt rõ Nhà nước Nga và cá nhân ông Putin. Tội ác chiến tranh của ông Putin nếu có, một ngày nào đó, Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ xét xử, nhưng không thể trừng phạt nước Nga, một đất nước vĩ đại mà chúng ta cần phải thiết lập các quan hệ vừa cởi mở, vừa cứng rắn. Liên Âu không phải là kẻ thù của Nga, Liên Âu tôn trọng Nga. Ông Ferry lưu ý thêm, "ứng xử đúng với Nga là điều mang tính sống còn với Liên Âu, đừng đẩy Nga về phía Trung Quốc".

Chiến tranh Ukraine: "Chỉ có Trung Quốc mới dừng được Nga" ?

Trung Quốc có vai trò gì trong cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraine ? Báo Les Echos có bài nhận định của kinh tế gia Stephen S. Roachgiáo sư Đại học Yale, cựu chủ tịch quỹ đầu tư Morgan Stanley Asia. Bài viết mang tựa đề "Chỉ có Trung Quốc mới có thể dừng được Nga", đặt nhiều hy vọng vào Bắc Kinh. Kinh tế gia Mỹ vạch ra hai khả năng : "Nếu Trung Quốc chọn ủng hộ Putin, phù hợp với thỏa thuận được ký kết vào ngày 4 tháng 2 giữa hai cường quốc, thì Bắc Kinh sẽ tự đặt mình vào thế cô lập quốc tế, điều này có thể gây nguy hiểm cho Trung Quốc. Ngược lại, nếu Tập Cận Bình nỗ lực hết sức để đàm phán cho một giải pháp hòa bình, mà chỉ có ông ta mới có thể thuyết phục được từ Putin. Nếu làm được như vậy, ông Tập Cận Bình sẽ đi vào lịch sử".

Kinh tế gia Stephen S. Roach nhấn mạnh là "tương lai của Nga hiện nay đang rất ảm đạm, không có Trung Quốc, Nga sẽ không có tương lai". Chế độ Bắc Kinh hiện nắm giữ con át chủ bài cho sự tồn vong của nước Nga của Putin. Kinh tế gia Mỹ lưu ý là : Tập Cận Bình không thể chọn thái độ nước đôi, vừa ủng hộ Nga, vừa khẳng định bảo vệ hòa bình. Nếu ủng hộ Nga, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu cùng Nga các trừng phạt, và cô lập, cùng các áp lực kinh tế và tài chính đi kèm, hoặc ngược lại, đàm phán cho một nền hòa bình cứu nguy cho thế giới, điều đó sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc.

Đừng nên ảo tưởng vào Trung Quốc

Về chủ đề này, Le Monde có bài "Trung Quốc khó xử khi phải đóng vai trò người môi giới tìm giải pháp thoát xung đột", nhấn mạnh là Bắc Kinh hiện tại không muốn đóng vai trò đứng đầu trong một giải pháp cho vấn đề mà Trung Quốc gọi là "khủng hoảng Ukraine". Hai tuần sau khi Nga mở màn cuộc tấn công Ukraine, ông Tập Cận Bình mới có cuộc nói chuyện đầu tiên với một lãnh đạo phương Tây, để bàn về giải pháp. Nhà nghiên cứu Andrew Small, Quỹ German Marshall Fund, nhấn mạnh là không nên ảo tưởng đặt niềm tin vào Trung Quốc. Theo chuyên gia này, "điều tồi tệ nhất cần chuẩn bị là Bắc Kinh sẽ đòi hỏi các nhân nhượng từ phương Tây, mà không đóng góp thực sự điều gì".

Vì sao Putin sa lầy ở Ukraine ?

Libération dành hồ sơ chính nói về lý do "Vì sao Putin sa lầy" tại Ukraine, với hình ảnh trang nhất một xe tăng chìm trong khói lửa. Libération nhấn mạnh đến các lý do như sai lầm về chiến lược, yếu kém về tình báo, về chuẩn bị hậu cần… Tuy nhiên, bất chấp các thiếu sót đáng kinh ngạc này, quân đội Nga vẫn tiếp tục tiến lên tại Ukraine.

Phương Tây đang tăng tốc cung cấp vũ khí cho quân dân Ukraine, đủ sức kháng cự là ghi nhận khác của Libération. Hai phương tiện hiệu quả, đắt tiền, được nhiều nước phương Tây hỗ trợ chàng David trong cuộc chiến chống lại gã khổng lồ Goliath, đó là các vũ khí chống tăng và phòng không. Trên các mạng xã hội Ukraine, ngay từ ngày đầu chiến tranh, đã phổ biến hình ảnh Đức Mẹ ôm trong tay một khẩu súng chống tăng, bức hình kèm theo tên gọi "Thánh Javelin". Javelin là tên loại súng chống tăng "cực kỳ hiệu quả", do Mỹ sản xuất, một trong những át chủ bài hiếm hoi của Ukraine, đối diện với hoả lực mạnh hơn gấp bội phần của quân đội Nga. Một trái Javelin có giá hơn 80.000 đô la. Theo thông báo của Washington và Bruxelles, chỉ chưa đầy một tuần kể từ ngày Nga khai chiến, hơn 17.000 súng chống tăng đã được đưa vào lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, theo Libération, Liên Âu thận trọng khi không cung cấp các vũ khí tấn công, như phi cơ chiến đấu cho Ukraine, do sợ bùng lên xung đột trực tiếp với Nga. Trả lời Libération, sử gia chuyên về chiến tranh Martin Motte, Trường Chiến tranh Paris, cho biết cho dù giai đoạn đầu của chiến tranh, quân Nga chuẩn bị kém, nhưng hiện tại không thể đánh giá thấp khả năng của quân đội Putin trong giai đoạn tiếp theo.  

Theo Le Monde, nước Pháp cũng trực tiếp cung cấp cho Ukraine nhiều tên lửa chống tăng Michelin, trị giá khoảng 6.000 euro, với phương tiện phóng khoảng 24.000 euro. Tuy nhiên, số lượng tên lửa Pháp cấp cho quân đội Ukraine được đánh giá là "nhỏ giọt". Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, quyết định cấp "nhỏ giọt" loại vũ khí phòng thủ đáng sợ này cũng là một cách để "ngỏ cánh cửa thương lượng ngoại giao" giữa tổng thống Pháp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Thổ Nhĩ Kỳ "trung lập tích cực" : Cơ hội hòa bìnhh hé mở ?

Chiến sự tiếp diễn tại Ukraine, nhưng cơ hội tìm một giải pháp ngoại giao dường như cũng hé ra, với cuộc hội kiến đầu tiên hôm nay giữa ngoại trưởng Nga và ngoại trưởng Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng Nga. "Với Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ thử trở lại với sân chơi ngoại giao" là tựa của một bài viết trên Les Echos.

Les Echos nhấn mạnh đến tư cách đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên khối NATO, nhưng lại là khách hàng mua hệ thống tên lửa Nga S-400, và 40% khí đốt của quốc gia này là từ Nga. Các máy bay không người lái (Bayraktar TB2) Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đang được Ukraine sử dụng để chống lại Nga.

Ngay từ khi chiến tranh bùng nổ, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định "không bỏ rơi Kiev, cũng như Nga". Thổ Nhĩ Kỳ không áp đặt các trừng phạt của phương Tây chống Nga, cũng không đóng cửa không phận với Nga. Theo chuyên gia Berk Esen, Viện quan hệ quốc tế và an ninh Đức, vị thế "trung lập tích cực" này giúp Thổ Nhĩ Kỳ "có mặt trong khu vực trung tâm của cuộc chơi ngoại giao hiện nay". 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 269 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)