Quân đội Nga đang trả giá đắt cho những sai lầm khi xâm lược Ukraine
Theo quan sát của các chuyên gia và nhà báo trên thực địa, quân đội Nga đang thất bại, phải trả giá cho những sai sót của chính mình : tổ chức kém, khinh địch. Một số đơn vị đã có hiện tượng đào ngũ.
Các quân nhân Ukraine điều khiển chiếc xe tăng tịch thu được của quân Nga sau một trận đánh ở ngoại ô Brovary, gần Kiev, Ukraine ngày 10/03/2022. Reuters – Thomas Peter
Chiến tranh làm đảo lộn trật tự thế giới, Chính thống giáo bị chia rẽ, trong khi chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp bị xáo trộn, chính phủ trợ giá xăng dầu đồng thời bãi bỏ nhiều hạn chế trong khi Covid có nguy cơ tăng lên. Đó là các chủ đề chiếm trang nhất của báo Pháp hôm nay.
Bên cạnh những bài phóng sự tại chỗ về sự chiến đấu anh dũng của quân dân Ukraine trước quân Nga xâm lược, các báo cũng điểm qua cán cân lực lượng và tác động với những nước trong khu vực. Le Monde cho biết chẳng hạn tại Latvia thuộc vùng Baltic kế cận, người dân chuẩn bị "túi xách 72 giờ" gồm các vật dụng thiết yếu để sống sót trong ba ngày nếu chiến tranh lan sang. Hành trang này nặng khoảng 10 ký lô, trị giá 180 euro. Những hầm trú ẩn từ thập niên 50 dành cho các đảng viên cộng sản cao cấp được sửa sang lại. Tại Romania, Ba Lan, Moldova, người dân lo trữ lương thực, mức xăng bán ra bị hạn chế, nhiều người lo gia hạn hộ chiếu để có thể ra đi khi cần.
Quân đội Nga đang thất bại, xuống tinh thần
Le Figaro nhận định"Quân đội Nga đang thất bại, phải trả giá cho những sai sót của chính mình". Theo quan sát của các chuyên gia và nhà báo trên thực địa, quân Nga tổ chức kém và đang có hiện tượng đào ngũ. Thứ Bảy 12/03 vừa qua, ba người tự giới thiệu là sĩ quan Nga trước các nhà báo phương Tây, cho biết đã nhảy dù kịp thời khi máy bay bị Ukraine bắn rơi và trở thành tù binh. Họ được giao nhiệm vụ hôm 23/02, một ngày trước khi chiến dịch khởi đầu.
Maksim Sergueïvitch Krishtop, trung tá trung đoàn 47 Không quân Nga nói rằng được lệnh phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự cho đến ngày 05/03 thì được yêu cầu bắn vào mục tiêu dân sự. Alexeï Golovenski, phi công của Hải quân Nga đóng ở Crimea và từng tham chiến ở Syria, cho biết cấp trên khẳng định phòng không Ukraine hầu như không tồn tại. Sĩ quan trẻ tuổi này thổ lộ "Tôi đã bị đẩy đến cái chết 100%". Cả ba đều nói hoàn toàn tự nguyện tham dự cuộc họp báo, vì không chịu đựng được ý nghĩ phải giết chóc những người anh em Ukraine.
Kiev tuyên truyền chăng ? Le Figaro cho rằng những lời chứng của họ rất khả tín, xác nhận những thông tin mà giới chuyên môn có được về nội tình quân Nga : vô tổ chức, đào ngũ, mất tinh thần. Christo Grozev, nhà báo nổi tiếng người Bulgaria đang ở tuyến đầu, có nhiều đầu mối tiếp xúc và nhờ vào kỹ thuật tiếp sóng của mạng lưới báo chí điều tra Bellingcat, nhận định Quân đội Nga đang trong cảnh hỗn loạn, không chiến lược lẫn chiến thuật.
Số lính Nga tử trận quá nhiều có làm rúng động Kremlin ?
Những sĩ quan chỉ huy liên lạc bằng điện thoại di động không bảo mật : do bị không kích các trạm tiếp vận của Ukraine, hệ thống mã hóa của quân đội Nga đã bị vô hiệu hóa. Đó là vì chiến dịch được hoạch định chỉ kéo dài ba ngày, đội quân gởi đến Kiev gồm nhiều cảnh sát và vệ binh liên bang, không hề được chuẩn bị cho những trận đánh dữ dội mà nhằm tiếp quản thành phố một khi đã hạ bệ chính quyền Ukraine.
Có vô số vấn đề về hậu cần, và huy động đến bốn thế hệ xe tăng. Mỗi cuộc đàm thoại nghe lén được đều cho thấy các chỉ huy đều hiểu rằng đã thất bại, nhưng liệu cấp cao nhất có thấy được thực tế hay không ? Nhà báo Christo Grozev nghĩ rằng điện Kremlin có thể đang rúng động. Ông khẳng định đã đếm được khoảng 3.000 lính tử trận phía Nga, rồi ngưng không đếm nữa vì đã là một thảm bại, "sẽ làm lung lay chính quyền khi những người mẹ nhận được quan tài con". Lầu Năm Góc nêu ra con số 5 đến 6.000 lính Nga tử trận, phía Ukraine cho rằng lên đến 12.000...
Theo Grozev, giờ phút quyết định sẽ đến trong khoảng mười ngày tới : cho dù không nhìn nhận thất bại, Nga sẽ cố đóng băng tình hình để có được ít nhất một lợi thế về lãnh thổ ở những vùng chiếm đóng. Ông không loại trừ một hành động tuyệt vọng của kẻ cùng đường, bằng vũ khí hóa học hay nguyên tử. Trong khi đó kênh truyền hình Nga ORT liên tục đưa hình ảnh quân đội Nga "giải phóng" dân Ukraine khỏi phát xít đang oanh kích họ. Nhưng lần đầu tiên trong chương trình của nhà báo tay sai chế độ xuất hiện hai nhân vật tỏ ý nghi hoặc về thành công của "chiến dịch đặc biệt", dấu hiệu tiên khởi cho thất bại chăng ?
Putin hung hăng vì Châu Âu tỏ ra mềm yếu
Chuyên gia Louis Gautier, từng là quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng và an ninh Pháp, cảnh báo trên Les Echos "Nếu Châu Âu không thức tỉnh, sẽ trở thành mồi ngon cho kẻ xâm lăng". Ông nhận định việc hiện đại hóa quân đội của Nga chỉ mới đi được nửa đường, đó là một quân đội "da beo".
Moskva đã nỗ lực rất nhiều về vũ khí nguyên tử và quy ước, các loại hỏa tiễn mới của Nga thuộc loại hiệu quả nhất thế giới. Nhưng để giữ bí mật và để tiết kiệm vì đắt tiền, Nga không đưa những loại này vào chiến trường Ukraine, chỉ điều đủ loại xe tăng cũ mới, pháo bình thường, hậu cần thì tổ chức kém, chiến đấu cơ cũng không đủ để hỗ trợ bộ binh. Để bẻ gãy quyết tâm của Ukraine, Nga có thể tấn công mạnh hơn. Vấn đề hiện nay là làm sao thương lượng một sự xuống thang, để tránh cho những thành phố tử đạo khác bị nhấn chìm dưới mưa bom.
Ông Gautier phê phán phương Tây đã để yên cho Vladimir Putin múa gậy vườn hoang từ năm 2014. Putin phá hoại đủ kiểu từ tạo bất ổn chính trị, tấn công tin học, gây khó dễ về khí đốt cho đến ngăn trở hoạt động của vệ tinh và cáp ngầm đáy biển, đe dọa các tàu chiến, gởi lính đánh thuê Wagner đến Châu Phi… Các nước dân chủ vốn hiếu hòa, nhưng Putin sẽ phải trả lời về cuộc chiến tranh này.
Thu thập bằng chứng tội ác chiến tranh
Trên Libération, bà Cécile Coudriou, chủ tịch Amnesty International tại Pháp nhấn mạnh cần thu thập những bằng chứng tội ác chiến tranh để một ngày nào đó đưa ra trước một tòa án độc lập. Ê-kíp Crisis Evidence Lab vẫn cần cù xử lý hàng ngàn tài liệu, lời chứng, ảnh chụp, ảnh vệ tinh… Chẳng hạn hôm 03/03, tám quả bom đã được thả xuống các khu vực dân cư đông đúc ở Tchernihiv trong khi không có cơ sở quân sự nào gần đó, làm 47 nạn nhân thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, tất cả đều là thường dân đang ở nhà hoặc xếp hàng mua thực phẩm. Bà tỏ ra hài lòng khi lần đầu tiên cả 39 quốc gia đã ký vào hiệp ước Roma (để thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế) đồng lòng đưa việc xâm lăng Ukraine ra trước tòa.
Les Echos lưu ý, đây là lần đầu tiên chiến tranh xảy ra tại một quốc gia có nhiều nhà máy điện nguyên tử như thế. Olivier Gupta, tổng giám đốc Hiệp hội các cơ quan quản lý an toàn nguyên tử tại Tây Âu (ASN) cảnh báo nếu thảm họa xảy ra, cần phải sơ tán cư dân trong bán kính 20 kilomet và có biện pháp bảo vệ người dân ở cách 100 kilomet.
Trên lãnh vực nhập cư, Le Monde nhận thấy chỉ trong vài ngày, một Châu Âu-pháo đài đã thay đổi hẳn trước dòng người chạy loạn từ Ukraine. Nếu trước đây Châu Âu mở rộng vòng tay với người tị nạn - các nhà ly khai ở Liên Xô và Đông Âu, rồi đến người Việt Nam và Chile - những năm gần đây những bức tường đã mọc lên, những chính sách được đưa ra để ngăn chặn người nhập cư từ Syria, Afghanistan, Châu Phi… Giờ đây bỗng dưng lại xuất hiện những nạn nhân chiến cuộc đầu tiên ở Châu Âu từ sau Đệ nhị Thế chiến, và 27 nước EU mở rộng cửa đón nhận những người Ukraine chạy sang.
Chỉ trong vòng hai tuần, thế giới đã thay đổi
Les Echos mô tả "Chiến tranh Ukraine đã vẽ lại bản đồ thế giới như thế nào",tuy cuộc chiến chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Chẳng những Putin không còn là hình mẫu, mà còn trở thành phản mô hình : ông ta là minh chứng mối nguy hiểm cho thế giới, khi một nhà độc tài lạnh lùng nêu ra khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhờ Putin mà người Ukraine tìm được hứng khởi về bản sắc dân tộc, còn Liên Hiệp Châu Âu (EU), sợ hãi và phẫn nộ, thấy được nguồn lực của mình và đang chứng tỏ cuộc chiến kinh tế có thể làm khốn đốn một "cường quốc quân sự nhà nghèo" như Nga.
Liên Xô sụp đổ vì khoảng cách giữa sức mạnh quân sự và sự bất lực về kinh tế, Putin đang lặp lại sai lầm ? Các nước dân chủ không thể sử dụng vũ khí trừng phạt với Trung Quốc, nhưng những thiệt hại đối với Nga là có thể chịu đựng được, hơn nữa lại theo đúng khuynh hướng giảm khí thải carbone.
Putin đã khiến cho tất cả các nhà nước không muốn vào bất cứ liên minh quân sự nào như Thụy Điển, Phần Lan phải xem xét lại. Thổ Nhĩ Kỳ nay phải tránh đứng bên cạnh một nước bị cô lập trên trường quốc tế, cung cấp cho Ukraine vũ khí lợi hại là drone ; hơn nữa, Ankara không muốn Moskva tái kiểm soát Odessa và Hắc Hải - khơi lại sự đối địch xưa giữa đế quốc Ottoman và đế quốc Nga. Putin muốn mở rộng biên giới Nga, nhưng ông ta lại tái khởi động tiến trình mở rộng EU.
Tại Châu Á, trước cái giá mà Nga phải trả khi xâm lăng Ukraine, Trung Quốc có thể phải chùn bước không dám ra tay với Đài Loan lúc này. Ngay cả tại Trung Đông và Châu Phi, những nước như Syria và Mali sẽ tự hỏi có nên chọn Nga làm người bảo trợ. Liệu Mỹ sẽ lại đóng vai trò chính ở Trung Đông ? Saudi Arabia cũng như Venezuela bỗng trở nên quan trọng với Washington nhờ nguồn dầu khí. Chỉ có Ấn Độ của ông Modi và Trung Quốc của Tập Cận Bình còn tránh chỉ trích Moskva, nhưng về lâu về dài, không ai muốn gắn bó số phận mình với một nhà nước bị ruồng bỏ, và có nguy cơ phá sản. Thế giới đã thay đổi chỉ trong 15 ngày, và cần tránh được một sự leo thang nguyên tử hay hóa học khi còn cứu vãn được.
Cuộc đối đầu giữa dân chủ và độc tài
Le Figaro nói về "Cuộc đối đầu vĩ đại": cuộc xâm lăng Ukraine đã bất ngờ đánh thức sự đối kháng giữa thế giới dân chủ và các chế độ độc tài. Trong lúc mọi chú ý đang hướng về căng thẳng Mỹ-Trung xung quanh Đài Loan, chính tại Châu Âu mà chiến tranh đã nổ ra.
Như trong mọi cuộc chiến tranh, diễn biến không như dự tính. Vladimir Putin đã đánh giá quá cao hiệu quả của quân đội Nga, coi thường lòng yêu nước, quyết tâm và khả năng kháng cự của người Ukraine ; chủ quan về nguy cơ bị quốc tế trừng phạt. Sự sa lầy của quân đội, thiệt hại to lớn về kinh tế và nhân mạng khiến Putin càng tăng thêm bạo lực, và giai đoạn sắp tới có thể là vây hãm và phá hủy toàn bộ những thành phố miền trung và miền đông Ukraine. Trong khi đó, những xung đột ở biên giới có nguy cơ leo thang tại Châu Âu, vùng Balkan, Trung Đông, Châu Phi.
Nga đã chuyển từ dân chủ phi tự do sang độc tài, trong một chế độ đã định chế hóa dối trá và khủng bố. Quốc gia này nay đang bị cô lập vì những trừng phạt chưa từng thấy, bị cắt rời internet và bị giới thể thao, văn hóa tẩy chay. Tuy cùng chống phương Tây, Tập Cận Bình tỏ ra dè dặt. Kinh tế thế giới bất ổn với sự bùng nổ giá dầu khí, ngũ cốc cộng với đe dọa vũ khí nguyên tử tạo không khí tiêu cực cho Đại hội Đảng sắp tới.
Chủ quyền Biển Đông, Mỹ dỡ bỏ trừng phạt : Điều kiện để Bắc Kinh đứng ra hòa giải ?
Dù vậy Trung Quốc có thể vui mừng trước một cuộc chiến đang thách thức trực diện phương Tây, khiến Nga phải quỵ lụy mình, kéo Hoa Kỳ và Châu Âu sang phía khác khiến Bắc Kinh có thể làm mưa làm gió trên Thái Bình Dương. Trung Quốc chỉ chấp nhận làm trung gian hòa giải nếu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và công nhận "chủ quyền" Trung Quốc trên Biển Đông. Theo La Croix, Trung Quốc, "người bạn nhập nhằng" của Nga chưa chi đã thủ lợi, khi buộc Moskva phải trả giá đắt qua lối thoát nhân dân tệ vì không còn được dùng đô la và euro.
Cuộc chiến Ukraine mở ra một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ còn kéo dài, ngay cả khi có được giải pháp ngoại giao. Sự hung hăng của Nga đã đoàn kết phương Tây, thức tỉnh NATO, tái lập sự thăng bằng tương đối giữa Hoa Kỳ và Châu Âu - vốn trễ tràng nhận ra sau Ukraine, mình sẽ là mục tiêu sắp tới của Putin. Cuối cùng, thế giới không còn lưỡng cực.
Các nền dân chủ không chuẩn bị đối đầu với các chế độ độc tài, nhưng đã chứng tỏ khả năng đáp trả thích đáng. Về lâu về dài, còn phải vạch ra chiến lược toàn cầu để chận đứng các thế lực toàn trị. Đối với Nga, là buộc phải trả giá đắt cho việc xâm lăng, ngăn chặn leo thang, duy trì liên hệ với xã hội dân sự Nga. Với Trung Quốc, cần giảm dần sự lệ thuộc vào những mặt hàng thiết yếu. Theo Le Figaro, EU nên tái lập việc hợp tác chặt chẽ với Anh về quân sự, tái thúc đẩy NATO. Cuối cùng là trấn an giai cấp trung lưu, chấp nhận những hy sinh cần thiết để bảo vệ tự do.
Nguy cơ Nga vỡ nợ đang hiển hiện
Nhưng trước mắt là nguy cơ vỡ nợ của Nga chừng như khó thể tránh khỏi. Les Echos nhận thấy cả ba cơ quan đánh giá tín nhiệm đều xếp Nga vào loại "C", giai đoạn cuối cùng trước khi bị rơi vào "D" (tức défaut, mất khả năng chi trả). Hiếm khi một quốc gia ít nợ nần (chiếm 20% GDP) lại rơi vào tình cảnh này. Giờ của sự thật đang đến gần : ngày 16/03 Nga phải trả 117 triệu đô la trái phiếu đến hạn, nhưng các nhà đầu tư hầu như không còn hy vọng. Dự kiến GDP của Nga sẽ sụt ít nhất 12%.
Đành rằng người Nga từng quen thuộc với nhiều thập niên thiếu thốn thời Liên Xô cũ và nạn lạm phát phi mã khi chế độ xô-viết sụp đổ, nhưng người dân Nga trưởng thành sau chiến tranh lạnh khó thể lại chấp nhận xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ trước các cửa hàng. Hiện Nga phải nhập 20% nông sản và ngành chăn nuôi không thể cung cấp đủ thịt cho 145 triệu dân. Người Nga cũng phải làm quen với một cuộc sống thiếu vắng những cột trụ của quyền lực mềm phương Tây : trong số 340 tập đoàn đa quốc gia hiện diện ở Nga, chỉ còn khoảng hơn một chục thương hiệu trong ngành thực phẩm là chưa ngưng hoạt động.
Thụy My