Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/03/2022

Điểm báo Pháp - Mỹ gây áp lực để Trung Quốc bỏ thái độ mập mờ

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Mỹ gây áp lực để Trung Quốc bỏ thái độ mập mờ

Tình hình chiến sự nóng bỏng tại Ukraine dĩ nhiên vẫn là chủ đề thu hút báo chí Pháp ra ngày 15/03/2022, từ những hành động bị đánh giá là vô nhân đạo của Nga khi tấn công các khu dân cư tại các thành phố lớn của Ukraine, cho đến động thái "dằn mặt" NATO trong vụ không kích một căn cứ quân sự sát biên giới Ba Lan. Nhưng được bình luận nhiều nhất lại là vụ Mỹ tiết lộ Putin đã cầu cứu Tập Cận Bình và nguy cơ Trung Quốc ra tay giúp Nga.  

apluc1

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan họp báo ngày 11/02/2022 tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ. AP - Manuel Balce Ceneta

Vấn đề này đã được cả Libération lẫn Le Figaro đưa lên trang nhất, và được các báo còn lại phân tích trong nhiều bài viết trang trong.  

Chiến tranh Ukraine : Trò chơi mập mờ của Bắc Kinh 

Trên nền một bức ảnh chụp hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình đứng sát cạnh nhau với vẻ mặt đăm chiêu, Libération chạy hàng tựa lớn: "Chiến tranh Ukraine : Trò chơi mập mờ của Bắc Kinh". Tờ báo ghi nhận : "Hỗ trợ kinh tế hay thiết bị quân sự, sự giúp đỡ mà Putin có thể nhận được từ nước láng giềng Trung Quốc hùng mạnh đang khiến phương Tây lo lắng".  

Trong bài phân tích mang tựa đề : "Ukraine : Liên minh Nga-Trung bước vào giai đoạn thử lửa", Libération nhắc lại rằng theo các thông tin được rò rỉ tại Hoa Kỳ, tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã yêu cầu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viện trợ kinh tế và quân sự (trong đó có các loại máy bay không người lái).   

Tờ báo thiên tả Pháp cho rằng, cần phải hết sức thận trọng trước thông tin đó, mà cả Moskva lẫn Bắc Kinh đều phủ nhận, nhưng nếu quả thực là như vậy, thì "sự xin xỏ" đó vừa khẳng định những khó khăn mà Nga đang gặp phải, vừa buộc Trung Quốc phải từ bỏ thái độ trung lập giả tạo của mình.  

Đối với Libération, chính quyền Biden đã cố tình cho rò rỉ thông tin này trên một loạt phương tiện truyền thông, để buộc đối thủ lớn của Mỹ phải gánh trách nhiệm, vào lúc Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công Ukraine, với cái giá vốn đã đáng kể về người và của.  

Câu hỏi mà Libération đặt ra là liệu tình hữu nghị "vô bờ bến" mà hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc phô trương hôm 04/02 vừa qua tại Bắc Kinh có thực sự là như vậy hay không ?  

Trong bài "Đối với Trung Quốc, can dự sâu hơn sẽ là tự sát", Libération đã nêu bật ý kiến của ông Marc Julienne, một chuyên gia Pháp về Trung Quốc, đánh giá rằng có rất ít khả năng Bắc Kinh giúp đỡ Nga về mặt quân sự, vì sợ bị cộng đồng quốc tế trừng phạt về kinh tế, cho dù cho đến nay, họ vẫn ngoài mặt thì bày tỏ lập trường trung lập, nhưng trong thực tế thì vẫn ngấm ngầm ủng hộ Moskva về mặt chính trị, và giúp đỡ Nga về mặt kinh tế.  

Putin : Một tổng thống kém cỏi 

Trong bài xã luận "Vladimir Putin bị buộc phải nhờ vả một kẻ chuyên chế hơn mình", Libération không ngần ngại phê phán nặng nề tổng thống Nga Putin vì đã hạ mình để xin xỏ Tập Cận Bình.  

Bài xã luận nêu bật ba giả thuyết không tưởng : "Bạn có thể tưởng tượng Sa hoàng Peter Đại đế yêu cầu sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại Vua Thụy Điển không ? Bạn có thể tưởng tượng Hoàng đế Alexander Đệ Nhất cầu xin vũ khí từ người Thổ Nhĩ Kỳ để có thể vào Paris hay không ? Stalin có cần sự chứng thực của Trung Quốc để đánh bại Hitler không ?". 

Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là không, và theo Libération : "Vladimir Putin rõ ràng là kém so với ba nhân vật lịch sử Nga mà ông đã lấy làm hình mẫu".   

Mỹ đòi Trung Quốc bỏ rơi Putin 

Nhật báo Le Figaro cũng chú ý đến thông tin Putin cầu cứu Tập Cận Bình, nhưng lại thấy rằng "Mỹ đòi Trung Quốc bỏ rơi Putin" - tựa lớn trên trang nhất. Theo tờ báo, trong bối cảnh Bắc Kinh muốn duy trì thái độ trung lập bề mặt, Washington đã lên tiếng đe dọa là sẽ trả đũa nếu Trung Quốc giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.  

Theo Le Figaro, dù cả Nga lẫn Trung Quốc đều lên tiếng phủ nhận việc Vladimir Putin xin Tập Cận Bình viện trợ kinh tế và quân sự để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây và những khó khăn của quân đội Nga ở Ukraine, chính quyền của tổng thống Joe Biden vẫn cảnh báo Trung Quốc là không nên tìm cách lách các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.   

Trung Quốc bị kẹt giữa Nga và Mỹ 

Trong bài "Trung Quốc bị kẹt giữa Moskva và Washington", tờ báo Pháp cho là Washington đang thúc đẩy Bắc Kinh từ bỏ lập trường trung lập ngoài mặt của họ để xa rời Putin, tác giả của một cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc không hề lên án.  

Le Figaro cho rằng đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, giữa liên minh của ông với "người bạn cũ" ở Điện Kremlin và mong muốn ổn định địa chính trị của Trung Quốc.  

Đối với Le Figaro, khi gây sức ép trên Trung Quốc, "Hoa Kỳ đang cố gắng cô lập Vladimir Putin về mặt ngoại giao". Mục tiêu là làm sao tránh được liên minh giữa các đối thủ, đồng thời tập hợp các đồng minh mà một số vẫn còn rất miễn cưỡng.   

Một cách cụ thể, Washington sợ rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ củng cố liên minh giữa Bắc Kinh và Moskva, góp phần phân chia thế giới thành hai khối đối nghịch nhau.  

Trung Quốc đã đến lúc phải dứt khoát 

Cùng một cái nhìn như hai đồng nghiệp Le Figaro Libération, nhật báo Le Monde cũng thấy "Trung Quốc đang bước vào thời điểm phải dứt khoát lựa chọn" trên vấn đề Ukraine, sau khi chính quyền Biden quyết định là phải thuyết phục Bắc Kinh là không nên lao vào việc công khai giúp đỡ Nga trên vấn đề Ukraine, vì cái giá phải trả sẽ rất cao, đặc biệt với các biện pháp trừng phạt kinh tế gián tiếp.   

Tờ báo Pháp nhắc lại lời cảnh cáo hôm Chủ nhật vừa qua của cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan trên kênh truyền hình Mỹ CNN, theo đó thì Washington sẽ "đảm bảo sao cho cả Trung Quốc lẫn bất kỳ nước nào khác không thể giúp Nga bù đắp các thiệt hại".  

Mỹ lo ngại về các ý đồ của Trung Quốc  

Nhật báo kinh tế Les Echos đã nêu bật các mối lo ngại của Mỹ về ý đồ Bắc Kinh trong hồ sơ Ukraine, từ việc Trung Quốc không chịu lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, thậm chí còn tố cáo NATO "bành trướng về phía đông" và "tâm lý Chiến Tranh Lạnh" của Washington, và mới đây là ủng hộ luận điểm của Nga cho rằng các phòng thí nghiệm Ukraine, đối tác của một chương trình của Mỹ nhằm "chống lại các nguy cơ sinh học", là nơi sản xuất vũ khí sinh học.  

Trung Quốc, cho đến nay đã không tham gia vào các biện pháp trừng phạt Nga, và đã mặc nhiện trở thành người hưởng lợi gián tiếp chính. Ngay từ khi bắt đầu xung đột, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga, trong khi một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ hai nối hai quốc gia đã được ký kết. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang cung cấp đồng nhân dân tệ cho Nga, bị cấm cấp vốn bằng euro hoặc đô la. Thương mại giữa hai nước lên tới 147 tỷ đô la.  

Nga cảnh cáo mạnh NATO 

Tình hình chiến sự tại Ukraine đã được Le Monde nêu bật trong hàng tít lớn trang nhất : "Ukraine : Nga mở rộng không kích và cảnh cáo NATO". Tờ báo nhắc lại rằng đã có ít nhất 35 người thiệt mạng hôm Chủ nhật trong vụ không kích một căn cứ Ukraine gần Ba Lan, từng liên liên kết chặt chẽ với NATO cho đến trước lúc nổ ra chiến tranh và từ đó đóng vai trò là cơ sở trung chuyển vũ khí.  

Trong bài "Một miệng hố khổng lồ tại căn cứ Yavoriv", ​​nơi b Nga oanh kích, Le Monde nhn mnh rng đây là ln đầu tiên mt căn c min tây Ukraine, ch cách biên gii Ba Lan 20 km, b Nga không kích. Căn c này, theo ghi nhn ca đặc phái viên Le Monde còn là nơi tm trú ca các đơn vị tình nguyện nước ngoài. 

Trong bài phân tích "Moskva đưa ra lời cảnh báo đối với phương Tây", Le Monde khẳng định rằng vụ bắn phá căn cứ quân sự Ukraine ở Yavoriv có dấu hiệu là một lời cảnh báo nghiêm khắc nhắm vào các nước phương Tây, không muốn lâm chiến chống Nga, nhưng lại hết sức hỗ trợ Ukraine. 

Đối với tờ báo Pháp, thời điểm và mục tiêu được chọn không hề ngẫu nhiên, và vụ không kích diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ và Châu Âu cho biết đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới và muốn tăng cường giao vũ khí cho lực lượng Ukraine để đối đầu với quân đội Nga.  

Về tình hình chiến sự nói chung, Le Monde cho biết là các nhà báo Pháp đều ghi nhận là tại hai vùng chiến sự Mariupol hay Mykolaiv, quân đội Nga đều cố tình bắn vào thường dân, trong lúc tại Kiev, họ siết chặt vòng vây để chuẩn bị cho một cuộc tấn công.  

Châu Âu giúp đỡ người tị nạn Ukraine  

Cũng dành tựa lớn trang nhất cho hồ sơ Ukraine, nhưng nhật báo La Croix tập trung trên thảm cảnh nhân đạo mà bom đạn Nga đang gây ra cho người dân nước láng giềng. 

Ngay trang nhất tờ báo chạy tựa "Với những người Ukraine được tiếp nhận tại Pháp" và giới thiệu câu chuyện của ba gia đình người Ukraine vừa mới đến được Pháp. Những nhân chứng cho biết là họ đã phải chạy trốn khỏi các cuộc oanh tạc và sự tàn khốc của chiến tranh, bằng tàu hỏa, máy bay hoặc đi nhờ xe. Thường đó là những phụ nữ không có chồng đi cùng, nhưng lại mang theo con nhỏ.    

Trong bài "Ở Ba Lan, mọi tầng lớp đều đoàn kết để tiếp nhận người tị nạn Ukraine", La Croix đã khen ngợi tinh thần tương thân tương trợ của người Ba Lan đã tiếp đón hơn 1,5 triệu người tị nạn Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu và nỗ lực giúp đỡ họ. 

Báo động tại trái tim công nghiệp Trung Quốc 

Vào lúc các đồng nghiệp đặt trọng tâm vào vai trò mà Bắc Kinh có thể đóng trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nhật báo kinh tế Les Echos lại chú ý đến một hiểm họa khác xuất hiện tại Trung Quốc và có nguy cơ đe dọa thế giới. Trên trang nhất tờ báo chạy hàng tựa lớn : "Báo động ngay tại trung tâm nền công nghiệp Trung Quốc".  

Ngay dưới một bức ảnh lớn chiếm một phần tư trang báo, cho thấy một cô gái trùm kín người trong một bộ quần áo bảo hộ y tế đang đứng ngoài đường và nói trong một chiếc loa phóng thanh cầm tay, Les Echos ghi nhận nhiều sự kiện đáng ngại đang diễn ra tại Trung Quốc : "Trước đà bùng lên trở lại của dịch Covid, thành phố Thâm Quyến đã phải chịu phong tỏa trong ít nhất một tuần, nhiều trung tâm kinh tế khác cũng bị tác hại".  

Tờ báo Pháp nêu bật một ví dụ điển hình : "Hãng Foxconn đình chỉ sản xuất tại cơ xưởng làm IPhone của họ ở Thâm Quyến, toàn bộ ngành công nghệ được đặt trong tình trạng báo động".  

Đối với Les Echos, tình hình này có nguy cơ trở thành "một mối đe dọa mới nhắm vào thương mại thế giới, cộng thêm vào những khó khăn đang đánh vào ngành xuất khẩu Nga và Ukraine".  

Trong bài viết chính bên trong mang tựa đề : "Sự bùng phát trở lại của Covid làm cho các động cơ kinh tế của Trung Quốc bị hỏng hóc", thông tín viên báo Les Echos tại Thượng Hải nhấn mạnh đến các diễn biến đáng ngại do việc Bắc Kinh áp dụng chính sách "zero Covid" tại Thâm Quyến, Thượng Hải và Cát Lâm, các trung tâm công nghiệp hàng đầu của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.  

Tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ và là thành phố xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc, khoảng 17 triệu dân đã được yêu cầu ở yên trong nhà trong ít nhất một tuần kể từ Chủ nhật 13/03, các phương tiện giao thông công cộng đều bị đình chỉ hoạt động. Thâm Quyến là nơi có nhiều công ty hàng đầu về công nghệ như Foxconn, Hoa Vi, DJI, Tencent và nằm ở trung tâm tỉnh Quảng Đông, vốn chiếm 11% GDP của Trung Quốc. Hệ quả của việc thành phố này bị phong tỏa được thấy ngay lập tức : Cổ phiếu ngành công nghệ tại thị trường chứng khoán Hồng Kông đã tuột dốc ngay vào hôm qua.  

Các trung tâm kinh tế lớn khác ở Trung Quốc cũng đang phải chống chọi với sự bùng phát trở lại của đại dịch. Trước Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm - 24 triệu dân - ở phía đông bắc của Trung Quốc cũng bị phong tỏa, tác hại đến hoạt động của Trường Xuân, một trung tâm công nghiệp với khoảng 9 triệu dân, chiếm khoảng 11% sản lượng ô tô của Trung Quốc. Nhà máy của hãng xe Nhật Bản Toyota chẳng hạn đã bị buộc phải đình chỉ hoạt động.  

Tại Thượng Hải, không có phong tỏa đại trà, nhưng nhiều khu dân cư hay văn phòng đã bị phong tỏa cục bộ.   

Trong một bản phân tích công bố hôm qua, các chuyên gia kinh tế thuộc công ty tham vấn Gavekal Dragonomics nhận định : "Dù tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất còn rất nhẹ ở Trung Quốc, nhưng nhiều vấn đề khác dường như không thể tránh khỏi, do tầm quan trọng của Thượng Hải và Thâm Quyến trong tư cách hải cảng và trung tâm sản xuất".  

Các nhà kinh tế tại Ngân Hàng ANZ cũng lo lắng : "Nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể". Theo các chuyên gia này, việc phong tỏa cục bộ các tỉnh giàu có về kinh tế rất đáng lo : "Một nửa GDP và dân số của Trung Quốc lần này sẽ bị ảnh hưởng. Việc phong tỏa các khu vực bị Covid trong một tuần có thể làm mất đến 0,8 điểm tăng trưởng GDP của Trung Quốc".  

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 301 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)