Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/03/2022

Điểm báo Pháp - Kinh tế Nga sẽ trụ được trong bao lâu ?

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Kinh tế Nga sẽ trụ được trong bao lâu ?

Đã 3 tuần kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các nhật báo Pháp ngày 16/03/2022 vẫn dành sự chú ý cho đề tài này. 

kinhteNga1

Người dân xếp hàng chờ rút tiền qua máy tự động ATM của ngân hàng Alfa Bank, Moskva, ngày 27/02/2022. AP

Trang nhất báo Le Monde chạy tựa "Tìm kiếm bằng chứng về tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine" nói về việc Ukraine, các nước phương Tây và các tổ chức phi chính phủ đang lập hồ sơ để đưa Nga ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. 

Nếu chiến tranh tạo ra tro tàn và nước mắt, thì chiến tranh cũng để lại dấu vết và bằng chứng. Hôm thứ Hai 14/03, Iryna Venediktova, viện trưởng Viện Công tố Ukraine tuyên bố mở "cuộc điều tra về vụ nã pháo vào một khu dân cư của Kharkiv". Vụ tấn công đã khiến ít nhất hai người thiệt mạng. Trên mạng xã hội Twitter, lãnh đạo Viện Công tố nhắc lại rằng "việc sử dụng các phương tiện quân sự trong thành phố, chống lại dân thường, là vi phạm trực tiếp luật nhân đạo quốc tế"

Cùng ngày hôm đó, bà tuyên bố mở cuộc điều tra về cái chết của nhà báo người Mỹ Brent Renaud, xẩy ra một ngày trước đó tại Irpin, ngoại ô Kiev. Hôm Chủ nhật, bà cũng đề cập đến vụ tấn công vào một bệnh viện ở Mariupol, giết chết ba người, trong đó có một bé gái. 

Quân đội Nga đang bị cáo buộc vi phạm luật chiến tranh bởi từ lúc cuộc xung đột này nổ ra vào ngày 24/02, hàng chục nhà nghiên cứu đã bắt đầu phân tích các video được đăng tải trên internet để cố gắng tìm ra các bằng chứng về tội ác của quân đội Nga. 

Và rất nhanh chóng, các tổ chức phi chính phủ bao gồm tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã lên án việc sử dụng bom chùm. Hơn một trăm quốc gia đã phê chuẩn vào năm 2008 một công ước cấm sử dụng bom chùm nhằm tránh gây ra những rủi ro cho thường dân. 

Volodymyr Zelensky theo gót Churchill

Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết "Sứ mệnh Churchill của Volodymyr Zelensky" nói về vị tổng thống trẻ tuổi của Ukraine đã đi vào lịch sử nhờ lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm, khích lệ tinh thần kháng chiến. 

Đây là "khoảnh khắc Churchill" của ông ấy. Trong ba tuần, Volodymyr Zelensky đã trở thành biểu tượng anh hùng cho cuộc kháng chiến của cả một dân tộc. Ông đang tìm mọi cách để bảo vệ Ukraine, Châu Âu, các giá trị tự do và dân chủ của phương Tây. Thứ Ba tuần trước, các nghị sĩ Anh đã chào đón ông bằng tràng pháo tay nồng nhiệt. Với khuôn mặt nhợt nhạt mệt mỏi, ông xuất hiện trên màn hình trong buổi họp trực tuyến với Hạ viện ở Luân Đôn. 

Kinh tế Nga sẽ trụ được trong bao lâu ?

Về chủ đề này, tờ Le Monde có bài phỏng vấn nhà kinh tế, giảng viên tại Viện nghiên cứu Chính trị (Sciences Po) Sergei Guriev. Ông Guriev nhận định rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể làm suy yếu ông chủ điện Kremlin, sẽ khiến người dân Nga nghèo hơn đáng kể, đặc biệt là những người không khá giả. 

Sergei Guriev là một trong những cố vấn kinh tế cho chính phủ Nga vào đầu những năm 2010, trước khi lưu vong sang Pháp. An nguy của ông bị đe dọa sau khi ông chỉ trích việc những người phản đối tổng thống Putin tái đắc cử năm 2012 bị bắt giữ. Ông giải thích lý do tại sao nước này đánh giá thấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. 

Ông Guriev cho rằng mặc dù các trừng phạt của Tây phương khiến nền kinh tế Nga bị suy yếu, nhưng họ vẫn có thể cầm cự được. Nga có thể hy vọng thay thế một số công nghệ phương Tây bằng những công nghệ được thiết kế ở Trung Quốc. Sẽ có hai vấn đề then chốt. Đầu tiên là dầu khí. Nếu một lệnh cấm vận được áp dụng và Nga không còn nhận được tiền từ khí đốt và dầu, nước này sẽ phải đối mặt với một vấn đề tài chính lớn. Khi đó, ông Putin sẽ gặp khó khăn trong việc trả lương cho binh lính, cho những cảnh sát đã đàn áp những người biểu tình và những người làm công tác tuyên truyền về chiến dịch tại Ukraine, những người mà Putin cần hơn bao giờ hết. 

Khi được hỏi về việc liệu Nga và Trung Quốc có hình thành một cặp chống lại phương Tây hay không, thì ông Guriev cho rằng Nga sẽ chỉ là đối tác hạng hai trong liên minh do Bắc Kinh dẫn đầu. Nhưng mọi chuyện chưa chắc đã đi theo chiều hướng đó. Sau năm 1941, Hoa Kỳ và Anh hợp tác với Liên Xô để đánh bại Đức. Để lên án các tội ác chiến tranh của ông Putin, việc phương Tây hợp tác với Trung Quốc để đánh bại Nga là điều hoàn toàn chính đáng. Lợi ích quốc gia đối với Trung Quốc không phải là một liên minh với Nga, và Đảng cộng sản Trung Quốc muốn thấy một Châu Âu hòa bình hơn thay vì một cuộc chiến ở lục địa này. 

Ông cũng nhận định rằng người dân Nga sẽ rất khổ sở, đặc biệt là những người nghèo nhất. Sức mua sẽ giảm đi rất nhiều. Với sự tụt dốc của đồng rúp, mọi thứ sẽ đắt hơn. Giá thuốc sẽ tăng vọt lên 50% hoặc 100% do phần lớn thuốc phải nhập khẩu. 

Những người dân bình thường sẽ không còn mua được những sản phẩm cơ bản, hoặc chất lượng của những sản phẩm đó sẽ bị giảm sút. Những người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ không còn có thể đi du lịch cũng như truy cập vào các nền tảng cung cấp dịch vụ như Netflix hoặc các mạng xã hội, điều này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của họ một cách đáng kể. 

Nữ nhà báo Nga Marina Ovsiannikova tố cáo chiến tranh trực tiếp trên truyền hình

Nhật báo thiên tả Libération dành trang nhất của mình cho nữ nhà báo Marina Ovsiannikova khi bà bất chấp sự kiểm duyệt của điện Kremlin, cầm tấm áp phích phản đối chiến tranh trực tiếp trên truyền hình. Nhà báo Pervy Kanal (Kênh một) đã nhận được sự ngưỡng mộ trên toàn thế giới. 

Đó là một hành động dũng cảm và liều lĩnh, có thể không mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng nó cho phép hy vọng rằng chính sách kiểm duyệt, bịt miệng vốn đang đè nén quyền tự do ngôn luận ở Nga sẽ bị rạn nứt. Hôm thứ Hai, trong bản tin buổi tối được xem nhiều nhất ở Nga, trên kênh công cộng Pervy Kanal, sau lưng người dẫn chương trình Ekaterina Andreyeva, bà Ovsiannikova đột nhiên xuất hiện và giơ một tấm áp phích viết tay có ghi : "Chấm dứt chiến tranh. Đừng tin vào những lời tuyên truyền. Bạn đang bị lừa dối". Bà hô to : "Hãy dừng chiến tranh". Vậy Marina Ovsiannikova là ai mà dám bất chấp sự kiểm duyệt, viết và nói ra những ngôn từ bị luật pháp Nga cấm, khi nước này buộc giới truyền thông và người dân chỉ nói về một "chiến dịch quân sự đặc biệt" chứ không phải là "chiến tranh" ở Ukraine. 

Cho đến thứ Hai, chúng ta không biết nhiều về người phụ nữ này. Trang Wikipedia của bà được tạo ra sau hành động tuyệt vọng này, cho biết bà sinh năm 1978 ở Odessa và bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà báo tại đài truyền hình công cộng VGTRK ở Kuban, phía nam nước Nga, bà đã kết hôn và có hai người con. 

Trong một video được tổ chức OVD-Info đăng tải, nhà báo Ovsiannikova cho biết là cha của bà là người Ukraine và bà nhấn mạnh rằng những gì đang diễn ra ở đất nước này là một tội ác, và Nga là kẻ xâm lược, và Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến này. "Thật đáng buồn là trong nhiều năm qua tôi đã làm việc cho Pervy Kanal, làm công tác tuyên truyền cho điện Kremlin. Tôi rất xấu hổ về điều đó. Tôi xấu hổ vì đã cho phép những lời nói dối được phát sóng trên truyền hình, xấu hổ vì đã góp phần tẩy não dân Nga". 

Tổng thống Zelensky từ bỏ ý định gia nhập NATO

Về chủ đề này, báo Les Echos có bài viết nói về việc dường như tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenksy đã "chấp nhận số phận" khi nói rằng đất nước của ông sẽ không gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), do Liên Minh "ít nhiệt tình" trong việc thúc đẩy cho Ukraine vào khối. 

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng tuyên bố này của tổng thống Ukraine sẽ đủ để đặt nền móng cho một thỏa thuận đi đến hòa bình. Kiev đang yêu cầu Nga bồi thường về việc phá hủy cơ sở hạ tầng của mình, ước tính lên đến khoảng 100 tỷ đô la. Và Vladimir Putin đã từng nhấn mạnh trong bài phát biểu tuyên chiến hôm 24/02 rằng ông muốn "phi hạt nhân hóa" Ukraine, ngay cả khi gần đây ông đã tuyên bố rằng điều này không đồng nghĩa với việc thay đổi chế độ của Kiev. Nhưng tổng thống Nga rõ ràng đã ấp ủ một ý đồ muốn nuốt chửng Ukraine, bởi hôm 24/02, ông nhắc lại rằng "người Ukraine và người Nga trên thực tế là một dân tộc duy nhất". 

Trung Quốc ở thế khó xử

Nhật báo công giáo La Croix nói về cuộc chiến của Nga ở Ukraine kéo dài hơn dự kiến, và Trung Quốc thấy mình bị mắc kẹt bởi sự ngoan cố của Vladimir Putin, trong khi đối với Trung Quốc, việc từ chối lên án chiến tranh ngày càng trở nên không thể chấp nhận được. 

Không ai muốn bị rơi vào "hoàn cảnh không lường trước được". Những điều mà Vladimir Putin nói với Tập Cận Bình hôm 04/02 tại Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh lẽ ra chỉ là một "chiến dịch quân sự đặc biệt" và chỉ kéo dài vài ngày ở Ukraine. Nhưng sau ba tuần, Tập Cận Bình đã có thời gian "quan sát và học hỏi và rút kinh nghiệm". Và nếu Trung Quốc vẫn công khai ủng hộ ngoại giao đối với Nga và muốn hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình, thì điều này có thể sẽ thay đổi trong những tuần tới. 

Valérie Niquet, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) nhận định : "Vị thế của Trung Quốc đang ngày càng trở nên bấp bênh. Nếu Tập Cận Bình tiếp tục sử dụng giọng điệu tuyên truyền của Nga bằng cách tránh sử dụng những cụm từ như chiến tranh hay xung đột, thì ông ấy sẽ phải chờ xem tình hình trên thực địa sẽ diễn biến như thế nào"

Trong lúc mọi chuyện chưa ngã ngũ, Trung Quốc sẽ tiếp tục "úp mở" giữa việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia, mối quan hệ hợp tác với Moskva, khi hai nước này vốn có chung thái độ thù địch với Hoa Kỳ và phản đối các lệnh trừng phạt do phương Tây ban hành. Chính trong bối cảnh bất ổn này, Mỹ muốn gia tăng sức ép với Trung Quốc để ngăn cản nước này cung cấp viện trợ kinh tế, quân sự hay tài chính cho Nga. "Chúng tôi đã nói rất rõ với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ không ngồi yên. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào bù đắp những tổn thất mà Nga phải gánh chịu", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh hôm thứ Ba 15/03. 

Trong giới học thuật ở Bắc Kinh, các học giả như Hồ Vĩ (Hu Wei) thuộc cơ quan tư vấn cho chính phủ Trung Quốc (Tham Chính Quốc Vụ Viện) đã kêu gọi "cắt đứt quan hệ với Putin càng sớm càng tốt". Trong một bài báo dài được dịch sang tiếng Anh, ông thậm chí còn đi xa đến mức nói rằng "Trung Quốc không có đủ phương tiện để hỗ trợ Nga" và điều đó sẽ không "phục vụ lợi ích của Bắc Kinh". 

Chuyên gia này nói thêm : "Trung Quốc không nên để phương Tây cô lập mình. Trung Quốc phải thoát ra khỏi vị thế trung lập và xích lại gần hơn với Châu Âu và Hoa Kỳ". 

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 280 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)