Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/03/2022

Điểm báo Pháp - Tòa án đặc biệt để xét xử tội ác của Putin

RFI tiếng Việt

Lập tòa án đặc biệt để xét xử tội ác của Putin ở Ukraine ?

"Putin rõ ràng là tội phạm chiến tranh, những gì đang diễn ra ở Ukraine đã vượt quá tầm mức ở Chechnya hay Syria". Những bằng chứng tội ác chiến tranh đang được nhiều tổ chức cần mẫn thu thập. Tuy nhiên hãy còn rất nhiều trở ngại trước khi thấy được tổng thống Nga đứng trước vành móng ngựa. Đó là vì rất khó truy tố một nguyên thủ.

cpi1

Các thiếu nữ quấn lá cờ Ukraine trước một kiosque sách báo với ảnh tổng thống Volodymyr Zelensky trên trang nhất một tạp chí và hàng tựa "Ai sẽ chận được Putin ?". Ảnh chụp tại Paris trong ngày biểu tình chống quân Nga xâm lược, thứ Bảy 05/03/2022.  AP - Francois Mori

Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga tiếp tục được báo chí Pháp đề cập dưới nhiều khía cạnh, với các phóng sự về cuộc chiến đấu can trường bảo vệ tổ quốc, người di tản, sự xuất hiện ấn tượng của tổng thống Volodymyr Zelensky trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, nội tình Châu Âu... Le Monde chạy tựa "Nga khóa chặt các thông tin về cuộc chiến", La Croixđặt câu hỏi "Có thể một ngày nào đó xét xử Putin được hay không ?"

Cuộc chiến đấu từ các thành phố nhỏ đến thủ đô Ukraine

Phóng sự của các báo cho thấy người dân Ukraine vẫn dũng cảm kháng cự lại quân xâm lược. Chẳng hạn tại Voznessensk, thành phố nhỏ bé đã khiến quân Nga nếm mùi thảm bại. Voznessensk có 35.000 dân, nằm ngay vị trí chiến lược cách Odessa 145 kilomet, gây ngạc nhiên khi đẩy lùi được đoàn xe bọc thép Nga. Chỉ huy quân sự Ukraine đã phải quyết định phá cầu, nếu không, quân Nga khi chiếm được thành phố này sẽ kiểm soát được tuyến đường nối Kiev với Odessa, chưa kể những cơ sở chiến lược tại chỗ như sân bay quân sự, kho vũ khí, nhà máy điện nguyên tử Ioujnooukraïnsk... Sau hai ngày chiến đấu, quân Nga phải rút lui.

Le Figaro thuật lại, trong hai ngày nặng nề đó, Volodymyr Doskar và các láng giềng trong khu phố phải sống cạnh những người lính Nga rất trẻ và đầy vẻ hoang mang. Người đàn ông 60 tuổi bỗng nổi tiếng bất đắc dĩ khi một video được đưa lên mạng. Camera ghi lại cảnh hai lính Nga xông vào định buộc Doskar tay giơ lên đầu và ra khỏi nhà, họ còn hung hăng bắn chỉ thiên, nhưng người dân này thản nhiên bảo "Cút đi" và đẩy hai vị khách không mời ra. Dân quân thành phố cho biết đã tịch thu được khoảng 30 xe tăng Nga và bắn hạ một trực thăng chở quân.

Tại Kiev, mục tiêu hàng đầu của quân Nga, đô trưởng Vitali Klitschko thề rằng không bao giờ Nga chinh phục được thủ đô Ukraine. Ông nói với Le Monde "Thành phố sẵn sàng tự vệ, chúng tôi là những chiến binh", tuy nhiên vẫn lo Moskva muốn hủy diệt toàn bộ Kiev. Theo ông, không nơi nào còn có thể an toàn tại Kiev. Tuy chận được những đoàn xe bọc thép, nhưng những người bảo vệ thủ đô không thể làm gì được trước chiến đấu cơ và những đợt oanh kích liên tục của địch.

Đợt giới nghiêm thứ hai nhằm bảo vệ thường dân trước nguy cơ biệt kích Nga xâm nhập. Vitali Klitschko, cựu vô địch quyền Anh ngay từ đầu cuộc chiến đã cầm súng, và bản thân vị đô trưởng này cũng là một mục tiêu của Nga, nên ông trả lời báo chí bằng video thu sẵn để không lộ địa điểm. Klitschko cảm thấy được cổ vũ khi nhiều người sau khi đưa vợ con về miền quê hay lên núi tị nạn, đã tự nguyện quay lại bảo vệ thủ đô. Kiev tràn ngập người tình nguyện, nhưng vũ khí vẫn chưa đủ. Tại một chốt kiểm soát, nhà báo Pháp nhận thấy có năm người sử dụng chung một khẩu kalachnikov.

"Hãy khóa giúp bầu trời chúng tôi !»

Bài xã luận mang tên "Sự trung lập bất khả" của La Croix mở đầu bằng đề nghị khẩn thiết của tổng thống Ukraine "Hãy khóa lại bầu trời chúng tôi", câu nói đã tóm lược một cách bi thảm vấn đề quan trọng cho hiện tại và tương lai của đất nước ông.

Ngay từ đầu cuộc xâm lược, quân đội Ukraine không còn kiểm soát nổi không phận, máy bay Nga có thể bảo vệ các đoàn xe bọc thép và tha hồ dội bom. Để bảo vệ lực lượng, Volodymyr Zelensky đề nghị NATO bảo đảm vùng cấm bay : những phi cơ Nga vi phạm có thể bị bắn hạ. NATO và Hoa Kỳ từ chối vì không muốn mở rộng xung đột.

Đó cũng là một trong những mục tiêu cuộc chiến của Vladimir Putin : ngăn cản mọi khả năng bảo vệ Ukraine, khóa xu hướng ngả về phương Tây. Cuộc chiến tranh tuy đã chặn đứng được Kiev một cách tàn bạo, nhưng Nga còn muốn ghi hẳn vào thỏa thuận tương lai việc trung lập hóa nước láng giềng. Putin hôm thứ Ba đã giành được thắng lợi đầu tiên khi Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine có thể không gia nhập NATO. Nhưng ngay sau đó Moskva liền đưa tiếp một yêu sách khác : Ukraine phải được đặt trong tình trạng trung lập. Có nghĩa là với tư thế chư hầu, trừ phi các cường quốc khác kiên quyết bảo vệ.

Như vậy tương lai Ukraine sẽ nằm trong một trật tự an ninh mới ở Đông Âu, liên quan đến Nga, Hoa Kỳ, NATO, các nước Liên Hiệp Châu Âu (EU). Một cuộc đàm phán như vậy chỉ có thể bắt đầu sau chiến tranh. Đó là một thế lưỡng nan khác của Volodymyr Zelensky. Thời gian càng trôi, người Ukraine càng ít nắm được vận mệnh của mình.

"I have a dream" và giấc mơ của Zelensky

La Croix lưu ý, tổng thống Ukraine qua cuộc họp video với lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm qua, một lần nữa kêu gọi giúp bảo vệ không phận, ông "gợi lên những bóng ma Mỹ" - theoLibération.

Volodymyr Zelensky nói : "Trong lịch sử vĩ đại của quý vị, có những trang sử giúp hiểu được người Ukraine. Hãy nhớ lại trận Trân Châu Cảng, buổi sáng khủng khiếp ngày 07/12/1941, khi bầu trời đen kín những chiến đấu cơ bay đến tấn công các bạn. Hãy nhớ lại ngày 11/09/2001 khủng khiếp, khi loài quỷ dữ định biến các thành phố của bạn thành chiến trường, những người vô tội bị tấn công từ trên trời cao (…). Đất nước chúng tôi hàng ngày phải chịu đựng tương tự".

Nhắc lại câu "I have a dream" của Martin Luther King, Zelensky nói về giấc mơ của ông, đó là "bảo vệ bầu trời Ukraine, tôi cần đến quyết định của quý vị, sự giúp đỡ của quý vị". Nhà lãnh đạo mặc chiếc áo màu nhà binh hướng về tổng thống Mỹ Joe Biden "Lãnh đạo thế giới là lãnh đạo hòa bình". Zelensky nhận được những tràng vỗ tay kéo dài của Quốc hội Mỹ.

Cuộc đối đầu giữa hai tổng thống

Nhà văn Ý Roberto Saviano cổ vũ trên Libération "Trước Nga, không nên hèn nhát". Cuộc xâm lăng đã kéo dài hơn 20 ngày. Những quả bom đang rơi trên đầu Zelensky, những cử tri đã bầu và không bầu cho ông lần lượt gục ngã, và ông vẫn ở đó để đại diện cho tất cả, cho quyết tâm của cả một dân tộc. Và thật khó tin khi một tổng thống "người của truyền hình" như Volodymyr Zelensky lại sâu sát hơn Vladimir Putin, người đã có rất nhiều năm kinh nghiệm chính trường, đã nắm trọn quyền lực trong hơn 20 năm.

Zelensky có mặt khắp nơi trên thực địa, ủy lạo các chiến binh, phát biểu, đề nghị với quốc tế, mối đe dọa đang đè nặng chừng như không làm ông sợ hãi. Trong khi Putin ẩn náu trong boong-ke, nghi ngờ tất cả, vạch ra những âm mưu trong bóng tối. Chỉ có sự kháng cự dũng cảm của người Ukraine mới gây khó khăn cho Putin về quân sự, kinh tế và nhất là để có thời gian thương lượng. Người Ukraine chiến đấu vì tự do và bảo vệ mảnh đất của cha ông họ. Tác giả khuyên những người cho rằng Ukraine nên đầu hàng để mau chóng kết thúc chiến tranh, để xăng dầu giảm giá nên chọn lựa giữa hèn nhát và can đảm.

Các bằng chứng tội ác chiến tranh đang được nhiều nơi thu thập

Nhật báo La Croix cho biết nhiều tổ chức phi chính phủ, các Nhà nước và người dân Ukraine đang nỗ lực thu thập các bằng chứng tội phạm chiến tranh của Nga để một ngày nào đó được tòa án quốc tế có thể sử dụng. Như hôm 03/03 tại Tchernihiv, miền bắc Ukraine, vào lúc 12 giờ 15 phút, tám quả bom rơi xuống một quảng trường thành phố, giết chết ít nhất 47 thường dân. Một bác sĩ trong bệnh viện khẳng định với Human Rights Watch (HRW) có những vết thương do bom bi, và đối với Amnesty International cũng như HRW, vụ thả bom này cần phải được Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) điều tra.

Chưa bao giờ một cuộc chiến được nhanh chóng quan tâm đến thế : hôm qua, công tố viên CPI, Karim Khan, đã đến Ukraine. Nhiều nước sau đó cũng mở điều tra như Đức, Tây Ban Nha, Estonia, Latvia, Ba Lan ; một ủy ban điều tra quốc tế độc lập của Liên Hiệp Quốc được thành lập. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng thu thập các hình ảnh và video trên internet. Bà Cécile Coudriou, phụ trách Amnesty International tại Pháp cho biết có những chuyên gia về kỹ thuật số phân tích và xác thực những hình ảnh, và xem xét có sử dụng những vũ khí cấm để tấn công dân thường hay không.

Điều tra từ xa không đủ, còn phải có được các bằng chứng tại chỗ càng nhiều càng tốt - theo bà Bénédicte Jeannerod, giám đốc tại Pháp của HRW. Bên cạnh đó là những thông tin quý giá từ tình báo hoặc nguồn tin quân sự của các nước, tư pháp có thể nhận được những hình ảnh vệ tinh mà các tổ chức phi chính phủ không thể có được.

Một cuộc chiến đang diễn ra trước mắt toàn thế giới

Nhưng chính người dân Ukraine mới có điều kiện thu thập những chứng cứ tội ác chiến tranh. Trong lời kêu gọi từ Kiev hôm 28/02, 40 tổ chức phi chính phủ đã đề nghị cộng đồng quốc tế cung cấp công nghệ và hỗ trợ cho những nhóm đang ghi nhận tội ác của Putin. Luật sư Clémence Bectarte của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) cho biết các tổ chức Ukraine đã có kinh nghiệm thu thập tư liệu về Crimea và Donbass trong những năm gần đây. Công tố viên trưởng Ukraine cho mở một trang web để dân chúng gởi đến những bằng chứng.

Luật sư Alain Werner, của Civitas Maxima, một tổ chức Thụy Sĩ chuyên điều tra về tội phạm quốc tế nhận xét, chưa bao giờ một cuộc chiến lại diễn ra trước mắt toàn thế giới như thế. Nhưng có được chứng cứ là một việc, đưa được các thủ phạm ra tòa lại là việc khác. Chẳng hạn về việc thả bom vào bệnh viện phụ sản, Nga có thể chối chỉ là thiệt hại liên đới. Cần phải chứng minh được Moskva cố ý tấn công thường dân, mới có thể coi là tội ác chiến tranh. Thế nên càng có nhiều bằng chứng, Moskva mới khó thể chối tội.

Tư pháp quốc tế phân biệt trách nhiệm giữa các cấp chỉ huy và thực hiện, nhưng tìm ra chuỗi chỉ huy không dễ. Công việc của một vài tổ chức phi chính phủ độc lập ở Nga và những nguồn tin quân sự nội bộ là quan trọng, chính nhờ các quân nhân bỏ ngũ mới truy ra được những người có trách nhiệm trong cuộc chiến Syria.

Vladimir Putin, tội phạm chiến tranh

Cần có phiên tòa xét xử Vladimir Putin ? Đối với luật sư Emmanuel Daoud chuyên về luật hình sự quốc tế, điều này là logic. "Putin rõ ràng là tội phạm chiến tranh, những gì đang diễn ra ở Ukraine đã vượt quá tầm mức ở Chechnya hay Syria". Tuy nhiên hãy còn rất nhiều trở ngại trước khi nhìn thấy tổng thống Nga đứng trước vành móng ngựa.

Đó là vì rất khó truy tố một nguyên thủ, vì những lý do chính trị và ngoại giao. Cũng theo luật sư Alain Werner, trong 20 năm hiện diện, CPI chỉ mới kết án được một ít nhân vật thuộc hạng hai. Tòa án Hình sự Quốc tế không đưa được Bachar Al Assad ra tòa vì phải được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh, và có nguy cơ bị Nga phủ quyết. Trong trường Vladimir Putin có hơi khác. Tuy Nga và Ukraine không phê chuẩn hiệp ước Roma, nhưng từ 2014 Kiev đã công nhận thẩm quyền của CPI về các tội ác trên lãnh thổ của mình, thế nên tòa không cần thông qua Hội đồng Bảo an. Chỉ cần cả 39 nhà nước đã ký là đủ - một động thái chưa từng có từ trước đến nay.

Trên lý thuyết, CPI có thể ra lệnh bắt giữ tổng thống Nga. Nhưng như vậy phải đợi ông chủ điện Kremlin tự dẫn xác đến một nước có ký hiệp ước Roma, và hy vọng nước này bắt giữ, cho dẫn độ Putin sang La Haye, nơi đặt trụ sở CPI - một chuyện khó thể xảy ra.

Lập tòa án đặc biệt để xử Putin ?

Một khả năng khác là lập tòa án đặc biệt về Ukraine - như đòi hỏi của công tố viên trưởng Ukraine hay cựu thủ tướng Anh Gordon Brown. Theo họ, khác với CPI, tòa án đặc biệt có thể xét xử tội tấn công giữa một Nhà nước với một Nhà nước khác, dễ hơn là xử Vladimir Putin về tội ác chiến tranh. Nhưng luật sư Bectarte nhắc nhở, đa số các tòa án đặc biệt như về Nam Tư hoặc Rwanda đều được lập ra sau cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an, nên mới có được tính chính danh và quyền cưỡng chế.

Quân dân Ukraine còn chống chọi được bao lâu trước một Vladimir Putin khăng khăng cố chấp ? Trên Les Echos, giáo sư kinh tế Barry Eichengreen đề nghị một giải pháp táo bạo : cấp quốc tịch Pháp hoặc EU cho những viên chức Ukraine có nguy cơ bị bắt hay bị thủ tiêu, thưởng tiền cho những lính Nga chạy sang các nước láng giềng. Các nhà lãnh đạo Ukraine như bộ trưởng, dân biểu có thể được cấp tư cách ngoại giao để có được quyền đặc miễn, riêng tổng thống Zelensky có thể trở thành đại sứ EU, cách tốt nhất để cứu mạng ông. Những người lính bỏ ngũ, những thanh niên Nga nhất là những người có trình độ chạy sang được tặng thưởng. Giải pháp trên đây không tốn kém mà lại có lợi về lâu về dài.

Bức màn sắt kỹ thuật số ở Nga

Nhưng có bao nhiêu người biết rõ về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Vladimir Putin ?Le Mondenhấn mạnh đến "Mối đe dọa về bức màn sắt kỹ thuật số ở Nga".

Moskva khóa chặt những thông tin về cuộc xâm lăng Ukraine, các mạng xã hội Facebook, Instagram bị chặn. Những cơ quan truyền thông độc lập phải tự giải thể như đài phát thanh huyền thoại Tiếng vọng Moskva, hoặc đăng những trang trắng như Novaia Gazeta. Truyền thông ngoại quốc như CNN, New York Times… ngưng hoạt động tại Nga. Các tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận tại Nga lo ngại nếu không còn internet, người Nga không còn cách nào để có được thông tin khả tín, chỉ còn luận điệu của nhà nước.

Sau vụ một nữ nhà báo đột ngột xuất hiện trong chương trình thời sự truyền hình để tố cáo chiến tranh, đài này vẫn tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra, thản nhiên nói về "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "trợ giúp Ukraine để chống lại phát-xít". Điều bất ngờ là xuất hiện cái tên Mariupol, thành phố đang hứng chịu những trận bom khủng khiếp của Nga. Khán giả chỉ nhìn thấy những người dân di tản, các tòa nhà bốc cháy hay sụp đổ… nhưng không biết họ phải chạy trốn ai, vì sao thành phố họ bị không kích và ai đã tấn công thì lại càng không biết. Những hình ảnh này chỉ thoáng qua trong chương trình thời sự dài 50 phút. Đối với Moskva và nhà đài công cụ của chế độ, "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine đáng được cho vào quên lãng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 274 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)