Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/03/2022

Điểm báo Pháp - Châu Âu bừng tỉnh về quân sự…

RFI tiếng Việt

Châu Âu bừng tỉnh về quân sự trước mối đe dọa từ Nga

Đã một tháng trôi qua kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine, Le Monde, Le Figaro La Croix vẫn dành trang nhất cho chủ đề này. 

bungtinh1

Toàn cảnh phiên họp các bộ trưởng ngoại giao và Quốc Phòng Châu Âu tại Bruxelles, ngày 21/03/2022. AP - Olivier Matthys

Nhật báo Le Monde chạy tựa "Quân đội Nga bắn vào dân thường" nói về thành phố Mykolaiv bị bắn phá hàng ngày kể từ ngày 24/02 vừa qua, thành phố này đang phải chịu tổn thất nặng nề do các cuộc oanh kích không ngừng nghỉ của quân đội Nga. Vào ngày 19/03, tên lửa đã phá hủy một doanh trại quân đội ở phía bắc thành phố trước 6 giờ sáng. Cuộc tấn công này đã gây ra một cuộc tàn sát, vì từ 100 đến 200 binh sĩ Ukraine lúc đó đang ngủ trong doanh trại nói trên. Khoảng 50 binh sĩ đã thiệt mạng trong giấc ngủ, nhưng cả quân đội lẫn quan chức đều không đưa ra số nạn nhân cụ thể. 

Maxime Mischenko, 21 tuổi, phải trở về Mykolaiv, sau hai mươi ngày mắc kẹt tại ngôi làng của ông bà anh ở Novoolexandrivka. "Tôi cứ ngỡ rằng rời khỏi thành phố sẽ an toàn hơn". Thế nhưng quân đội Nga đã chiếm đóng ngôi làng của ông bà anh, phá hủy máy biến áp, cắt mạng điện thoại di động và cấm mọi di chuyển của thường dân. "Chúng tôi liên tục nghe tiếng súng nổ vào ban đêm và chúng tôi chỉ có thể ngủ vào ban ngày. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi quyết định quay trở về Mykolaiv, vì chúng tôi không còn đủ thức ăn cho năm người". 

Cùng chủ đề, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về việc dường như quân đội Nga đang cố tình phá hủy những bệnh viện của Ukraine. Một số trung tâm y tế đã bị tấn công bởi các cuộc bắn phá của Nga. Tổ chức Y tế Thế giới đề cập đến một chiến lược có chủ ý của Moskva. 

Kể từ hôm Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24/02, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận có 43 cuộc tấn công nhắm vào các dịch vụ y tế. Trong số đó, bệnh viện nhi và bệnh viện phụ sản của Mariupol bị ném bom vào ngày 09/03, khiến 3 người thiệt mạng, 17 người bị thương và những hình ảnh này đã được lan truyền ra khắp thế giới. 

Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, Michael Ryan tuyên bố hôm 16/03 rằng hệ thống y tế của Ukraine đã trở thành "mục tiêu của quân đội Nga". "Việc tấn công các cơ sở y tế đã trở thành một phần của chiến lược và chiến thuật chiến tranh. Điều này thực sự không thể chấp nhận được, vì nó trái với luật nhân đạo quốc tế. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều cuộc tấn công vào hệ thống y tế như thế ở bất kỳ đâu trên thế giới". 

Chiến thuật này làm mọi người gợi nhớ đến Syria nơi các lực lượng của Bashar al Assad và các đồng minh của ông, bao gồm cả Nga, đã bị các tổ chức phi chính phủ nhân quyền cáo buộc cố tình nhắm mục tiêu vào các bệnh viện. Vào tháng 7 năm 2016, tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Nhân quyền đã ghi nhận 373 vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng y tế của Syria khiến 750 nhân viên thiệt mạng. 

Châu Âu bừng tỉnh về quân sự trước mối đe dọa từ Nga 

Về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết về sự buông thả của các nước Châu Âu trong việc phát triển quân sự. 

Đồng hồ báo thức đã đổ chuông cách đây vài năm, nhưng Châu Âu vẫn đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê khi bị kẹt giữa giấc mơ về "quyền tự chủ chiến lược" và đồng thời vẫn nương tựa vào một Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầy bất trắc. 

Trước thềm ba hội nghị thượng đỉnh NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu (EU) diễn ra vào ngày mai tại Bruxelles, Châu Âu giờ đây không còn lựa chọn nào khác là phải có những phản ứng cụ thể. Cách đây vài hôm đô đốc Bléjean, tổng giám đốc ban tham mưu quân sự EU nói rằng : "Quốc phòng Châu Âu trong vài ngày qua đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong vòng 30 năm. Châu Âu đang đặt mình vào tình trạng báo động". 

Đã đến lúc tất cả các quốc gia Liên Âu phải tăng cường ngân sách quốc phòng. Hiện nay, mới chỉ có tám quốc gia trong khối dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, nhiều nước đã bắt đầu chú tâm hơn vào việc này, bắt đầu từ Đức. Ý cũng là một trong những nước tỏ ra lo lắng về việc quân đội bị tụt hậu. Với mức chi 1,41% GDP cho ngân sách quốc phòng, Ý rõ ràng là một trong những quốc gia hoạt động quân sự kém nhất trong Liên Hiệp. "Mối đe dọa từ Nga là động cơ để đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Chúng tôi có thể chọn làm điều đó ở cấp quốc gia hoặc cấp Châu Âu. Tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia sẽ chọn một cách tiếp cận chung", thủ tướng Ý Mario Draghi, tuyên bố hồi đầu tháng 3. 

Hoa Kỳ cũng sẽ phải xem xét lại về chiến lược của mình ở Châu Âu. 100.000 lính Mỹ hiện đang được đặt tại đây. Việc Washington duy trì quân đội ở Châu Âu trái với kế hoạch ban đầu của chính quyền Biden, vốn đang muốn rút quân dần dần khỏi lục địa này. Cuộc chiến ở Ukraine cũng là một thách thức đối với cả Hoa Kỳ chứ không phải của riêng Châu Âu. 

Nga bắt đầu thừa nhận về những thiệt hại nhân mạng ở Ukraine 

Nhật báo thiên tả Libération có bài viết về hàng chục phương tiện truyền thông của Nga đã bắt đầu loan tin về cái chết của các binh sĩ bất chấp sự kiểm duyệt về ngôn từ khi nói về "chiến dịch đặc biệt" đang diễn ra ở Ukraine. 

"Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga đã có 9.861 người thiệt mạng và 16.153 người bị thương trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine". Câu này được đăng trên trang báo Komsomolskaya Pravda, một tờ báo thân điện Kremlin của Nga, trước khi bị xóa sau vài phút. Con số này thực sự khác xa so với con số 498 trường hợp tử vong mà chính quyền Nga đã công bố cho đến nay. 

Sau khi vội vàng xóa đoạn văn nói trên, tờ báo đã nhanh chóng thông báo rằng trang web của mình đang bị "hack". Một lập luận không đáng tin lắm vì con số thiệt hại của Nga mà quân đội Ukraine đưa ra đã vượt quá 14.000 người chết. 

Sau gần một tháng chiến đấu ác liệt, cuối cùng quân đội Nga dường như đã bắt đầu rụt rè thừa nhận về những tổn thất của mình. 

Nga chặn Facebook và Instagram 

Tờ Le Monde có bài viết về việc Nga tiến thêm một bước trong cuộc chiến chống lại các mạng xã hội nước ngoài nhằm kiểm soát thông tin trong nước một cách toàn diện. Facebook và Instagram, hai trong số các mạng xã hội phổ biến nhất của Nga, đã bị một tòa án ở Moskva tuyên bố là "cực đoan" hôm 21/03 và hoạt động của chúng đã bị cấm ở nước này. 

Hai mạng này, cũng như Twitter, đã bị chặn sau khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Nền tảng chia sẻ video YouTube dường như cũng đang nằm trong tầm ngắm của điện Kremlin. Tuần trước, cơ quan quản lý viễn thông Roskomnadzor đã cáo buộc gã khổng lồ về tin học Google của Mỹ và YouTube có các hoạt động "mang tính khủng bố", và do đó, cũng có thể sẽ bị Nga chặn. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thông qua vì tầm quan trọng của trang web này đối với nền kinh tế Nga cũng như đối với việc tuyên truyền thông tin do các phương tiện truyền thông Nhà nước kiểm soát. 

Quả thực, việc chặn Facebook và Instagram cũng là một vố đau đối với Nga. Cụ thể, Instagram với 62 triệu tài khoản được mở tại Nga, đã trở thành một công cụ giao tiếp và bán hàng của nhiều công ty và cá nhân. Việc Instagram bị chặn cũng đồng nghĩa với việc đình chỉ hoạt động của hàng chục công ty nước ngoài tại Nga, bao gồm cả trong lĩnh vực công nghệ. 

Bruxelles đề ra chính sách cụ thể tiếp nhận người tị nạn Ukraine 

Về chủ đề này, nhật báo Les Echos có bài viết nói về việc ba tuần sau khi các bộ trưởng Nội Vụ 27 nước kích hoạt quy chế "Bảo vệ tạm thời", Ủy ban Châu Âu hôm nay 23/03 sẽ có thông báo trợ giúp các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu về việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ em và tìm công ăn việc làm cho người lớn tại Liên Âu. 

Ủy ban cũng đang tìm cách thúc đẩy các ngân hàng thương mại bảo đảm việc chuyển đổi tiền hryvnia của những người Ukraine đang bỏ trốn. Hiện tại, các ngân hàng thương mại không chấp nhận tiền mặt của Ukraine. Những người tị nạn đôi khi là nạn nhân của những kẻ cho vay nặng lãi. Ngoài ra thêm một vấn đề được đề cấp đến, đó là hóa đơn điện thoại cao cắt cổ mà người Ukraine phải chi trả. Ủy ban đang nghiên cứu khả năng cho phép họ hưởng lợi của quy chế Châu Âu về phí chuyển vùng. 

Margaritis Schinas, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách về Di cư tuyên bố : "Sẽ là một tín hiệu xấu đối với EU nếu Châu Âu đưa ra một khuôn khổ pháp lý rất nhanh chóng và sau đó không thực hiện như đã hứa". 

Quy chế "Bảo hộ tạm thời" trao cho người Ukraine quyền làm việc tại các nước EU và được hưởng hệ thống chăm sóc sức khỏe và trường học của nước sở tại. Các cơ quan truyền thông hôm nay tập trung chú ý vào trẻ em, những người chiếm gần một nửa trong số 3,5 triệu người tị nạn đã đến EU. Nhiều bé thậm chí đặt chân đến EU mà không có người đi kèm, do đó dễ bị bắt cóc và thậm chí là bị đem đi bán. 

Điều lý tưởng là trẻ nhỏ sẽ được đưa vào hệ thống giáo dục càng nhanh càng tốt thông qua các hệ thống trường học từ xa.

Nhiều người đã chạy khỏi Ukraine một cách vội vã, và trong lúc hoảng loạn đã không kịp mang theo bằng cấp của mình, nhưng các nước trong khối đã nhận được chỉ thị không gây khó dễ họ và phải công nhận giá trị bằng cấp của họ. Ủy ban cũng yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm rằng họ phải nhận được mức lương và điều kiện làm việc như những người lao động bình thường. Ủy ban nhấn mạnh rằng những di dân có trình độ hoặc tay nghề cao phải được coi là chất xám của EU. 

Về vấn đề nhà ở, tình hình hiện tại không đáng lo lắm, vì nhiều người tị nạn đã có được sự giúp đỡ, tình đoàn kết của cộng đồng người Ukraine ở hải ngoại. Tuy nhiên, đây sẽ là một vấn đề nan giải nếu cuộc chiến kéo dài. 

Các quốc gia thành viên được khuyến khích sử dụng tất cả các chi phí cần thiết để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thiết yếu những người tị nạn, sau đó liên hệ với Ủy ban để được bồi hoàn. 

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 295 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)