Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/04/2022

Điểm báo Pháp - Bucha làm thay đổi cuộc chiến Ukraine

RFI tiếng Việt

Bucha làm thay đổi cuộc chiến Ukraine như Tết Mậu Thân ở Việt Nam ?

Les Echos ghi nhận, có những hình ảnh làm thay đổi dòng chảy lịch sử. Năm 1968, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là thất bại quân sự của Bắc Việt, nhưng lại là bước ngoặt chính trị, khiến người Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Năm 2022, hình ảnh những thường dân bị lính Nga thảm sát ở Bucha có thể là bước ngoặt lịch sử nhưng theo hướng ngược lại :  phương Tây càng hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine.

bucha1

Pháp y khai quật các xác thường dân Ukraine nghi do quân Nga sát hại khi chiếm đóng Bucha, ngoại ô Kiev, ngày 08/04/2022.  Reuters – Valentyn Ogirenko

Bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 và tình hình Ukraine là hai chủ đề chính của báo Pháp hôm nay. Chân dung hai ứng cử viên lọt vào vòng hai, đương kim tổng thống Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu chiếm trang nhất của tất cả các báo, trừ Le Monde ra ngày hôm trước. Les Echoschạy tựa "Cuộc song đấu", tương tự vớiLe Figaro "Macron-Le Pen, trận song đấu mới", vớiLa Croix là "Cuộc đối đầu", còn Libérationcảnh báo "Lần này, thực sự đáng lo".

Pháp : Cuộc song đấu Macron-Le Pen tái diễn

cho rằng "Vòng hai giữa Macron và Le Pen, một sự Libération  lặp lại đáng buồn". Hai mươi năm sau ngày 21/04/2002, với sự kiện chấn động là ứng cử viên cực hữu lần đầu tiên lọt vào vòng hai, đây là lần thứ ba và phe này có lý do để hy vọng hơn bao giờ hết.

Chiến dịch tranh cử đơn điệu trong bối cảnh đợt dịch Omicron và bị cuộc xâm lăng Ukraine che khuất, khiến cử tri Pháp không quan tâm nhiều. Bị giằng co giữa lý trí và trái tim, nhiều người do dự đến phút chót. Emmanuel Macron chú tâm vào cuộc chiến, với tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (EU), chỉ chính thức tham gia tranh cử vào ngày cuối, và từ chối tranh luận. Trong khi đó Marine Le Pen khôn khéo tranh thủ cảm tình với những hình ảnh đời thường, làm quên đi việc bà ngưỡng mộ Vladimir Putin.

La Croix so sánh phòng phiếu với "núi lửa", và cử tri Pháp hôm qua trung thành với truyền thống bất định, thích chống đối. Lại song đấu Macron-Le Pen như 2017, nhưng lần này ứng cử viên cực hữu đạt tỉ lệ cao hơn so với lần trước, khẳng địch hố sâu chia cách nguy hiểm của cử tri, đe dọa nền dân chủ. Các đảng truyền thống thất bại năm 2017, còn năm 2022 thực sự phá sản.

Cánh trung và cực hữu, cực tả chiếm lĩnh chính trường Pháp

Le Figaronói về "Macron, thách thức của một chiến thắng". Cho dù bà Le Pen đã từ bỏ những chủ trương sai lầm (như ra khỏi khu vực đồng euro hay tuổi về hưu 60 cho mọi người), nhưng chương trình của bà hoàn toàn không ổn về tài chánh, ê-kíp kém thuyết phục, bà không hề có kinh nghiệm lãnh đạo và năng lực thì vẫn chưa rõ. Với những khó khăn kinh tế, xã hội và đối ngoại của sắp tới, có nguy cơ cực hữu sẽ hủy hoại những ưu thế hiện có của nước Pháp.

Les Echos tóm tắt, cục diện chính trường Pháp bây giờ gồm ba khối : cánh trung và cực hữu, cực tả, đối lập ôn hòa vắng bóng. Theo tờ báo, việc chống đối ông Emmanuel Macron đã góp phần giúp bà Le Pen lọt vào vòng hai, nhờ cử tri của Eric Zemmour dồn phiếu cho bà. Tương tự đối với Jean-Luc Mélenchon, được lợi với số phiếu của những người cánh tả muốn ngăn phe cực hữu ngay từ vòng đầu. Ứng cử viên cánh hữu Valérie Pécresse là nạn nhân của nỗi sợ Le Pen.

Đương kim tổng thống Macron cho dù về đầu, sẽ phải đẩy mạnh vận động trong những ngày tới, thay vì chỉ tổ chức một cuộc mít-tinh lớn và vài chuyến đi tỉnh như trong vòng một. Dù kết quả chung cuộc như thế nào đi nữa, cuộc bầu cử tổng thống 2022 sẽ đi vào lịch sử. Hoặc Emmanuel Macron chiến thắng, chứng minh rằng một tổng thống mãn nhiệm sau nhiệm kỳ 5 năm có thể tái đắc cử mà không phải chia sẻ quyền lực với một thủ tướng đảng khác. Hoặc bà Marine Le Pen được bầu lên, và nước Pháp chuyển sang một thái cực, với cực hữu nắm quyền lần đầu tiên kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Bucha là bước ngoặt cuộc chiến, như Tết Mậu Thân ở Việt Nam ?

Liên quan đến Ukraine, Les Echosphân tích về "Trật tự cảm xúc mới của thế giới". Tác giả bài viết ghi nhận, có những hình ảnh làm thay đổi dòng chảy lịch sử.

Năm 1968, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là thất bại quân sự của Mặt trận Giải phóng Miền Nam và quân Bắc Việt, nhưng lại là bước ngoặt chính trị. Qua những hình ảnh chiếu trên tivi, chiến tranh tràn ngập những ngôi nhà Mỹ. Ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng cần chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự này. Năm 1975, Sài Gòn thất thủ dẫn đến Việt Nam thống nhất phía sau miền Bắc cộng sản.

Năm 2022, hình ảnh những thường dân bị lính Nga thảm sát ở Bucha (và một số nơi khác) liệu sẽ là một bước ngoặt lịch sử - nhưng theo hướng ngược lại với những hình ảnh chiến tranh Việt Nam, khi thúc đẩy phương Tây càng cam kết mạnh mẽ bên cạnh người Ukraine ? Khi cố ý tấn công vào dân thường, trong thời đại internet và mạng xã hội, nước Nga của Putin đã vượt qua lằn ranh đỏ đạo đức, chính trị và cảm xúc ? Hitler liệu có thể tiếp tục chính sách diệt chủng người Do Thái ở Châu Âu nếu có những hình ảnh về các trại tập trung tử thần ?

Tháng Tư 2022, không thể có một chút nghi ngờ nào về tính xác thực ở Bucha. Sự chối cãi, trí trá của Vladimir Putin và các quan chức Nga vừa buồn cười vừa đáng ghê tởm. Thừa hưởng truyền thống sửa đổi, viết lại Lịch sử từ thời đế quốc cho đến thời xô-viết, nước Nga của Putin biết rằng phải luôn chối sạch cho dù có những bằng chứng hiển nhiên. Liệu sẽ có thời kỳ trước và sau Bucha hay không ?

Lịch sử do người chiến thắng viết lại, nên Putin không thể bại trận

Điều cay độc là Lịch sử do người chiến thắng viết lại. Nếu Đức quốc xã không thảm bại, phiên tòa Nuremberg đã không diễn ra. Chế độ Bachar Al Assad đã gây tội ác tày trời ở Syria, nhưng vẫn bám được ghế nhờ sự hỗ trợ của Nga và Iran, nay bắt đầu được tiếp đón tại Trung Đông. Sự bất khả xâm phạm của người chiến thắng có thể là động cơ của Putin hiện nay. Ông ta không thể bại trận, vì như vậy sẽ mất luôn quyền lực và phải ra tòa. Putin phải "hóa trang" thực tế cho đến cùng.

Từ khi cuộc chiến Ukraine khởi đầu, ông Joe Biden dần dà trở thành một Ronald Reagan. Ông gọi Vladimir Putin là "đao phủ", từ ngữ chính xác với những hình ảnh từ Ukraine, nhưng về chính trị, làm thế nào đối thoại với một kẻ như thế ? Không thể vừa muốn đưa Putin ra trước một tòa án quốc tế, lại vừa cung cấp vũ khí cho Kiev một cách nhỏ giọt.

Về phía các đồng minh của Putin, bắt đầu là Trung Quốc và ở mức thấp hơn là Ấn Độ, chừng như bối rối. Khi xâm lược Ukraine một cách vô cùng thô bạo nhưng lại không hiệu quả, Putin đã gây tác hại cho liên minh "vững như bàn thạch" vừa loan báo với Bắc Kinh - một trật tự thế giới dựa trên cơ sở đối nghịch giữa độc tài và dân chủ.

Putin xâm lăng Ukraine làm lợi cho đối thủ Mỹ của Trung Quốc

Từ khi tội ác ở Bucha được phát hiện, Trung Quốc tỏ ra bối rối. Bắc Kinh không thể lên án Nga, nhưng cũng không thể làm ngơ trước sự công phẫn của thế giới. Cũng như Nga, Trung Quốc tìm cách câu giờ. Bắc Kinh có thể nhiệt liệt ủng hộ một nước Nga chiến thắng, nhưng một nước Nga bị hạ nhục lại là chuyện khác.

Về lợi ích kinh tế trước mắt, Nga chỉ chiếm 1/10 trao đổi với Hoa Kỳ và Châu Âu. Đáng lo nhất là về cuộc xâm lăng Ukraine cho đến nay chỉ có một người chiến thắng : nước Mỹ của Joe Biden. Trong vòng chưa đầy một tháng, Washington tìm lại vị thế về đạo lý và một ngày nào đó, khí hóa lỏng của Mỹ sẽ thay thế khí đốt Nga ở Châu Âu. Có một đồng minh ưu tiên như Nga thì được lợi lộc gì, khi chính sách của Moskva chỉ khiến cho đối thủ số một của Trung Quốc là Hoa Kỳ mạnh thêm ?

Cuộc chiến sẽ còn kéo dài và lịch sử vẫn chưa được viết ra. Cuộc xâm lược làm mong manh thêm hy vọng một trật tự quốc tế của các chế độ độc tài mà Trung Quốc và Nga khao khát. Tác giả kết luận, tương lai của dân chủ đang được đánh cược tại chiến trường Ukraine và trong các phòng phiếu ở Pháp. Tương tự, Le Figaro nhận định cuộc xâm lăng của Putin thất bại trên cả bốn lãnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao và đạo đức. Việc ủng hộ Nga làm xấu thêm hình ảnh Trung Quốc, cũng như tham vọng cưỡng chiếm Đài Loan và bành trướng trên Biển Đông. Ukraine đã cung cấp cho Đài Loan những bài học về chiến lược và phương tiện để động viên người dân một nước dân chủ chống lại sự tấn công của một đế quốc độc tài.

Nga gom quân chuẩn bị trận đại chiến Donbass

La Croixcho biết "Quân đội Nga chuẩn bị cuộc tấn công mới ở miền đông như thế nào ?". Kramatorsk, nơi xảy ra vụ oanh kích vào dòng người sơ tán làm ít nhất 52 nạn nhân thiệt mạng, cũng chính là nơi bộ tham mưu lực lượng Ukraine đóng quân. Kramatorsk cùng với Sloviansk sẽ là hai thành phố bản lề, nơi sẽ diễn ra các trận đánh quyết định cho việc chinh phục Donbass.

Tình báo phương Tây đã nhận ra sự dịch chuyển của các đoàn quân Nga, vốn đã kiểm soát được thành phố chiến lược Izium trên đường đến Kramatorsk. Việc gia tăng không kích tại Severodonetsk và Popasna chừng như báo trước những trận đánh dữ dội. Cuộc chiến mới sẽ diễn ra tại sườn phía đông, từ Kharkov ở miền bắc đến Mariupol ở miền nam. Trong 10 đến 15 ngày tới, Nga sẽ cố gắng "giải phóng" Donbass gồm hai tỉnh Luhansk và Donetsk, và nếu được, chiếm thêm Mariupol cùng với hai tỉnh Kherson, Zaporrijia ở miền nam.

Việc điều thêm quân từ Belarus đến miền đông sẽ mất ba, bốn ngày ; và lực lượng tăng viện từ quân khu miền trung và miền đông của Nga mất thêm vài ngày nữa. Nga đã vét sạch lực lượng để tung vào chiến dịch, khoảng 50% bộ binh. Đặc biệt ở mặt trận phía nam, Vệ binh Quốc gia thay chân lực lượng quy ước cho thấy ý đồ thiết lập một chế độ thân Nga.

Ngược lại ở Mariupol, khoảng 3.000 quân nhân Ukraine vẫn tử thủ dù Nga nhiều lần kêu gọi đầu hàng. Họ trụ lại ở nhà máy Azovstal, nằm trên khuôn viên rộng đến 8 kilomet vuông và có những đường hầm sâu đến 80 m. Quân kháng chiến còn trụ được bao lâu nữa ? Dường như tạm thời quân Nga đã bỏ ý định tấn công thành phố cảng này, để đánh vào nguồn tiếp liệu của Ukraine.

Để giữ Donbass, Ukraine rất cần NATO viện trợ vũ khí "bây giờ, hoặc là quá trễ" - theo ngoại trưởng Dmytro Kouleba. Cộng hòa Czech đã đáp ứng qua việc gởi một số T-72 và xe bọc thép thời Liên Xô, Slovakia tặng hệ thống S-300. Đặc biệt trong chuyến thăm Kiev bất ngờ hôm thứ Bảy 09/04, thủ tướng Anh loan báo gởi 120 xe bọc thép và nhất là hỏa tiễn chống hạm, loại vũ khí mà Ukraine vẫn mong đợi từ nhiều tuần qua.

Chỉ huy chiến dịch Donbass : Một tướng lãnh tàn bạo

Cũng về Ukraine, Libérationđề cập đến "Tướng Nga Dvornikov, những vụ tàn sát từ Chechenya đến Donbass". Điện Kremlin chỉ định Aleksandr Dvornikov chỉ huy cuộc tấn công vào đông nam Ukraine, giúp Vladimir Putin tìm được một chiến thắng trước ngày kỷ niệm 09/05. Viên tướng này nổi tiếng là tàn bạo.

Nhìn từ Moskva, tướng Aleksandr Dvornikov, 60 tuổi, là người của tình huống. Ông này là tư lệnh quân khu miền Nam từ 2016, phạm vi hoạt động gồm cả Crimea, Donbass và vùng Rostov trên sông Đông, có nghĩa là nắm rõ địa thế. Dvornikov sẽ phải cải thiện việc liên lạc giữa các quân khu, và khó khăn trước mắt là thời gian : trong vòng chưa đầy một tháng phải kết thúc chiến dịch trong tư thế thắng cuộc, trước dịp mừng chiến thắng phát-xít Đức với cuộc diễn binh truyền thống. Có nghĩa là phải chinh phục toàn bộ vùng Luhansk và Donetsk, và sau đó "phi quân sự hóa" Ukraine càng nhiều càng tốt.

Aleksandr Dvornikov từng chỉ huy các lực lượng Nga tại Syria ngay từ đầu. Năm 2015, quân Nga ở Syria bị các tổ chức phi chính phủ đồng loạt tố cáo việc không kích các khu dân cư và nhắm vào các bệnh viện. Trước đó, vị tướng sinh năm 1961 tại vùng Viễn Đông chỉ huy sư đoàn cơ giới của quân khu Bắc Kapkaz, vào lúc cuộc chiến Chechenya lần thứ hai đang ác liệt nhất.

Cuộc xâm lăng hủy hoại phân nửa nền kinh tế Ukraine

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echoslo ngại vì "Chiến tranh đã hủy hoại gần phân nửa nền kinh tế của Ukraine trong năm nay". Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tối qua, GDP của Ukraine sẽ sụt 45% trong năm nay và nếu cuộc chiến kéo dài sẽ còn tệ hại hơn.

Nhiều lãnh vực kinh tế đã sụp đổ : thu ngân sách không còn, phân nửa số doanh nghiệp đã đóng cửa, thương mại đột ngột bị ngưng lại, hoạt động kinh tế trở nên bất khả tại nhiều vùng mà hạ tầng cơ sở bị hủy hoại. Chưa kể thiệt hại đối với sản xuất và xuất khẩu sắp tới : đất nông nghiệp bị thu hẹp, thiếu lao động vì 1/4 dân số phải di tản, và hiện một phần ba dân số Ukraine nay cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Le Figaro cho biết tính đến ngày 08/04, đã có đến 14.000 tòa nhà cần phải xây dựng lại ở Ukraine. Trước khi quân Nga tràn vào ngày 24/02, bộ trưởng Phát triển các vùng, Oleksiy Tchernychov, 44 tuổi được tổng thống Zelensky giao nhiệm vụ giám sát chương trình "đại tái thiết" đất nước. Nhưng nay ông chỉ có thể ghi nhận tình trạng "đại phá hủy", khi đi thăm các thành phố xung quanh Kiev bị oanh kích dữ dội vào tuần trước : Borodyanka, Bucha, Hostomel, Makariv, Vorzel… Riêng tại Borodyanka, hai phần ba số tòa nhà đã bị hư hại hoặc sụp đổ, chôn vùi hàng trăm cư dân. Bên cạnh đó, ít nhất 400 cơ sở hạ tầng quan trọng trên cả nước cần phải tái thiết. Những con số trên đây chỉ là tạm tính, vì bom đạn của Nga vẫn trút xuống Ukraine, tương lai chưa biết ra sao.

Hỏa tiễn cơ động và drone của NATO giúp Ukraine chiến thắng đợt đầu

Le Monde ngày 11/04/2022 điểm qua những loại vũ khí đã làm nên khác biệt trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lăng, các loại hỏa tiễn chống tăng, phòng không và drone tác chiến được quân Ukraine sử dụng tỏ ra rất hiệu quả.

bucha2

Quân nhân Ukraine sử dụng hỏa tiễn Javelin của Mỹ trong một cuộc tập trận ở Donetsk ngày 12/01/2022  AP

Lý do chính tạo nên thành công có liên quan đến thất bại của Nga với kế hoạch "tấn công chớp nhoáng". Nga dự định chỉ trong vài ngày lính dù sẽ chiếm được phi trường Hostomel, rồi đại quân tiến về thủ đô Kiev để lật đổ hoặc giết chế tổng thống Volodymyr Zelensky. Bộ binh với xe tăng và pháo được yểm trợ bằng hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình.

Theo nhà nghiên cứu Dimitri Minic của IFRI, từ 1.800 đến 2.000 xe tăng đã được huy động, chiếm 10 % năng lực của Moskva, và 8.000 xe bọc thép đủ loại trên tổng số 25.000. Những chiến xa T-72 biểu tượng của quân đội Nga, và cả những loại tân tiến hơn như T-80 hay T-90 tưởng chừng xuyên thủng được phòng ngự của Ukraine. Nhưng Nga không ngờ đến sự kháng cự mạnh mẽ của lực lượng kháng chiến và sự hỗ trợ của phương Tây.

Ukraine dần dần chiếm được thượng phong với các hỏa tiễn chống tăng. Chủ yếu là hỏa tiễn Javelin của Mỹ, và AT4 hay NLAW của Anh, những vũ khí vác vai có thể vô hiệu hóa xe tăng cách xa vài trăm mét. Khi phát hiện điểm yếu của Nga là tiếp liệu vì chiến dịch không dự trù kéo dài, Ukraine bèn nhắm vào các đoàn công-voa hậu cần, với các drone Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, đã mua được khoảng 20 chiếc trước khi chiến tranh nổ ra. Nga có các giàn hỏa tiễn tân tiến như Buk hay Pantsir, nhưng không sử dụng được vì mặt đất bùn lầy và không được bảo trì.

Trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát tầng thấp của vùng trời, Ukraine có hệ thống phòng không Igla thời Liên Xô, và nhất là hỏa tiễn Stinger được hồng ngoại hướng dẫn của phương Tây, hạ được trực thăng và chiến đấu cơ ở cao độ thấp.

Về phía Nga ngoài phi cơ còn tấn công được từ Nga và Belarus bằng hỏa tiễn đạn đạo Islander có tầm bắn 500 km với sai số chỉ vài chục mét. Nga đã cho bắn vài trăm quả nhưng gần đây thì ít hơn, có lẽ dự trữ không nhiều. Islander còn có thể mang đầu đạn nguyên tử, gây lo ngại cho phương Tây. Một loại khác là Kalibr có tầm bắn 1.500 đến 2.500 km, đã được bắn đi từ Hắc Hải. Riêng Kinjal, hỏa tiễn siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 10, cũng đã từng được sử dụng tại chiến trường Ukraine. Việc dùng bom phốt pho tấn công thường dân, bị coi là tội phạm chiến tranh, đang là nghi vấn.

Nhìn chung, các chuyên gia lo ngại những trận không chiến - hiếm thấy trong giai đoạn đầu - nếu diễn ra ở miền đông, thì phía Ukraine kém trang bị hơn. Moskva có khoảng 300 đến 500 tiêm kích hiện đại, Kiev chỉ có 150 ; còn về hệ thống phòng không như Buk-M1 và S-300, thì Ukraine chỉ có loại thuộc thế hệ cũ hơn của Nga.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 403 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)