Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/04/2022

Châu Âu đã giúp Putin hiện đại hóa quân đội Nga

RFI tiếng Việt

Mạng điều tra Disclose : Châu Âu, đặc biệt là Pháp, đã giúp Putin hiện đại hóa quân đội Nga

Bất chấp lệnh cấm vận về vũ khí mà Liên Hiệp Châu Âu đưa ra từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraine, các nước Châu Âu vẫn xuất khẩu vũ khí sang Nga cho đến tận năm 2020. Pháp nằm trong số 10 nước có liên quan. Đây là tiết lộ ngày 14/03/2022 của Disclose, cơ quan truyền thông Pháp chuyên về điều tra, giữa cuộc chiến tranh Ukraine. 

mang1

Ảnh được chụp bằng caméra hồng ngoại Catherine XP của hãng Thales, 1 trong hai công ty chính của Pháp xuất khẩu thiết bị cho lực lượng vũ trang Nga cho đến năm 2020. © Screengrab researchgate

Lệnh cấm vận vũ khí mà Châu Âu áp đặt đối với Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/08/2014. Trang mạng điều tra Disclose khẳng định chính việc chính quyền Pháp thời François Hollande và Emmanuel Macron kín đáo cung cấp trang thiết bị quân sự có công nghệ đời mới nhất cho lực lượng vũ trang Nga đã cho phép Vladimir Putin hiện đại hóa đội xe tăng, máy bay và trực thăng chiến đấu. Theo điều tra của Disclose, hơn 1.000 xe tăng của Nga được Pháp trang bị caméra cảm ứng nhiệt, còn máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu thì được trang bị hệ thống dẫn đường và thiết bị dò hồng ngoại của Pháp.

Những công ty Pháp được hưởng lợi nhất từ các hợp đồng này là Thales và Safran, hai hãng mà Nhà nước Pháp là cổ đông hàng đầu. Chẳng hạn, Thales đã trang bị hệ thống dẫn đường TACAN, màn hình video SMD55S và ống ngắm HUD đời mới nhất cho 60 chiến dấu cơ SUKHOI SU-30 của Nga và Moskva đã điều những chiến đấu cơ này sang Syria và chính những chiến đấu cơ này đã cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn thường dân Syria, và từ hồi tháng 02/2022 ngày đêm oanh kích Ukraine. Những chiến đấu cơ SU-30 của Nga cũng đã được quay khi đang bay trên bầu trời vùng Soumy miền đông bắc Ukraine, hay ở Mykolaiv và Tchernihiv ngày 03/05 vừa qua.

Disclose cho biết phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Pháp, Hervé Grandjean, thừa nhận "Pháp đã cho phép thực hiện một số hợp đồng ký từ năm 2014" nhưng ông khẳng định Pháp đã ngừng giao hàng cho Nga "kể từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine". Kể cả như vậy thì theo mạng điều tra Disclose, với việc trang bị vũ trang cho Nga đến tận những năm 2020, Pháp đã mang lại lợi thế quân sự cho Putin, trong khi quân đội Nga vốn đã mạnh hơn về công nghệ số so với Ukraine.

Hai nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, địa chính trị Mourad Chabbi và Laurent Griot, trường Quản lý ở Grenoble, trong bài viết "Tại sao Pháp và Châu Âu không ngừng xuất khẩu vũ khí sang Nga sau lệnh cấm vận năm 2014", đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 08/04/2022, nhấn mạnh cần tập trung tìm hiểu nội dung các hợp đồng mà trang web truyền thông điều tra Disclose tiết lộ, thông qua các nguồn mở trên mạng internet, cũng như chú ý vào lượng vũ khí Pháp xuất sang Nga trong khuôn khổ các hợp đồng nói trên và làm sáng tỏ những lý do thúc đẩy Nga chuyển hướng sang mua vũ khí của Pháp.

Khoảng trống pháp lý

Một trong những nhiệm vụ của Ban Tổng Thư ký Quốc phòng và An ninh Quốc gia Pháp (SGDSN) là kiểm tra, giám sát việc xuất khẩu trang thiết bị chiến tranh. Dường như theo các tài liệu của SGDSN liệt kê trang thiết bị xuất khẩu, cơ quan này đã kiểm tra, xác minh rằng các hợp đồng Pháp thực hiện đã được ký kết trước ngày 01/08/2014, tức là trước ngày lệnh cấm vận của Châu Âu có hiệu lực.

Theo Coarm (Tiểu ban vũ khí khí tài), một nhóm công tác của Hội Đồng Châu Âu, chuyên trách về xuất khẩu các loại vũ khí thông thường, lệnh cấm vận do Liên Hiệp Châu Âu ban hành ngày 01/08/2014 không có hiệu lực đối với các cuộc đàm phán, hợp đồng và thỏa thuận ký kết trước đó, cũng như không áp dụng đối với việc cung cấp các phụ tùng thay thế và các dịch vụ cần thiết cho việc bảo trì và sự an toàn của các hệ thống này.

Như vậy là bất kỳ hợp đồng vũ khí nào ký kết sau ngày 01/08/2014 đều có thể bị lên án và bị Liên Âu trừng phạt nặng nề. Nhưng biện pháp này đến nay không liên quan đến vũ khí Pháp xuất khẩu sang Nga mà cơ quan truyền thông điều tra Disclose tiết lộ cách nay ít lâu. Điều này có nghĩa là các nước Châu Âu vẫn tiếp tục xuất khẩu vũ khí sang Nga và đã tận dụng các lỗ hổng pháp lý trong các quy định của Châu Âu để tiếp tục giao vũ khí cho Moskva.

Từ năm 2015 đến năm 2020, doanh số bán vũ khí của 10 nước Châu Âu cho Nga đạt khoảng 346 triệu euro, trong đó riêng Pháp là 152 triệu euro (44%). Với doanh số này, Pháp là nhà cung cấp thiết bị quân sự hàng đầu của Châu Âu cho Nga trong giai đoạn này.

Sự hiện diện của thiết bị quân sự Pháp tại chiến trường Ukraine

Các video mà quân đội Ukraine đã quay được cho thấy các xe tăng và xe bọc thép mà quân Nga sử dụng và bị phá hủy hoặc bị bỏ rơi được trang bị các thiết bị của Pháp. Trong số các thiết bị quân sự Pháp xuất khẩu sang Nga, có thiết bị điện tử phục vụ bộ binh và không quân. Cụ thể, Moskva đã đặt mua các caméra cảm ứng nhiệt Catherine FC và XP của nhà sản xuất Pháp Thales, nhằm trang bị cho xe tăng T-72 và T-90 của Nga. Còn đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ, tập đoàn Safran, đã xuất khẩu caméra cảm ứng nhiệt Matis STD trang bị cho các xe tăng chiến đấu T-72, T-80 BVM và T-90.

Liên quan đến thiết bị cho chiến đấu cơ và máy bay trực thăng, thông qua ngành công nghiệp quốc phòng, Pháp đã xuất khẩu màn hình video Thales SMD55S và HUD trang bị cho máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-30, các hệ thống định vị TACAN cho phi cơ Mig-29, mũ phi công có trang thiết bị nghe nhìn Thales Topowl cho phi công máy bay chiến đấu và hệ thống định vị Safran Sigma 95N. Còn công ty Sofradir xuất khẩu sang Nga máy dò hồng ngoại theo khuôn khổ một thỏa thuận ký kết hồi tháng 10/2012.

Các thỏa thuận ký kết giữa các tập đoàn Thales và Safran của Pháp với Nga không phải là mới. Vào năm 2007, các công ty này đã ký một thỏa thuận với Rosoboronexport, cơ quan chuyên trách xuất khẩu cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga. Những thương vụ này có từ hồi chiến tranh Syria và đã từng bị tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tố cáo.

Công cuộc hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng của Nga

Toàn bộ trang thiết bị Pháp giao cho Nga đã giúp Moskva hiện đại hóa một phần lực lượng vũ trang. Quả thực sau khi cạn kiệt ngân sách hồi đầu những năm 1990, Nga vẫn khó bắt kịp đà tiến của Tây phương và một số nước Châu Á trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các hệ thống và thiết bị cảm biến cho máy bay.

Theo Sipri (Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm), chi tiêu quốc phòng của Liên Xô vào năm 1988 (tính theo tỉ giá euro năm 2019) là 281 tỉ đô la. Con số này của Nga hồi năm 1993 là 41 tỉ và năm 1998 chỉ là 15 tỉ nhưng chiếm tới 2,7% GDP. Sự phục hồi chi tiêu quân sự của Nga bắt đầu vào năm 1998, và đến nay lên tới khoảng 62 tỷ đô la vào năm 2020, chiếm đến 4,3% GDP, trong khi đó tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đều chi chưa đến 2% GDP cho quốc phòng.

Tình hình ngân sách của Nga hiện giờ đã tốt hơn rất nhiều và Nga là một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu. Thế nhưng, giai đoạn yếu kém khó khăn kéo dài kể trên đã để lại dấu vết trong bộ máy công nghiệp quốc phòng Nga. Ngay sau cuộc chiến ở Gruzia hồi năm 2008, các lực lượng vũ trang Nga đã phải tiến hành một công cuộc hiện đại hóa sâu rộng.

Dưới góc nhìn về công nghiệp, tình hình năm 2011 được mô tả là cực kỳ xuống cấp : nghành nghiên cứu và phát triển của Nga già nua, năng lực sản xuất yếu kém và các chương trình kéo dài không thể hoàn thành đúng hạn, chẳng hạn dự án INS Vikramaditya. Tàu sân bay cũ của Liên Xô đi vào hoạt động từ năm 1987, ngưng hoạt động vào năm 1996, được Ấn Độ mua lại hồi năm 2004. Theo hợp đồng mua bán, ngành công nghiệp Nga phải hoàn thành công tác tái hiện đại hóa và giao tàu sân bay cho Ấn Độ vào năm 2008. Nhưng cuối cùng, phải đến năm 2013 Nga mới hoàn thành hợp đồng với chi phí tăng gấp 3 lần và sau cuộc thử nghiệm hạ thủy đầu tiên thất bại thảm hại vào năm 2012.

Thách thức cũng đặt ra với Châu Âu

Ngoài ra, còn có thể nói tới những vụ hàng Nga xuất khẩu bị các khách hàng trả lại cho nhà sản xuất, chẳng hạn như vụ những chiếc phi cơ Mig 29 được giao cho Algeria vào năm 2008 nhưng đã bị Alger trả lại vì lỗi sản xuất, không tuân thủ hợp đồng. Các máy bay đó phần nào được lắp các thiết bị đã qua sử dụng trên phi cơ của lực lượng không quân Nga.

Vào năm 2013, khi nỗ lực quốc phòng của đất nước được khởi động mạnh mẽ trở lại, tình hình của các lực lượng vũ trang Nga, đặc biệt là hải quân, vẫn khá ảm đạm, và được hạ xuống chỉ còn là "tạo ra một thứ mới với một thứ cũ", theo Philippe Migault, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược Châu Âu.

Trên thực tế, khi các hợp đồng tàu chiến BPC Mistral do hãng Pháp Naval Group chế tạo bị hủy bỏ để đáp trả vụ Nga xâm lược bán đảo Crimea của Ukraine, các đại diện của Căn cứ Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Nga (BITD) đã giả vờ vui mừng vì quyết định của Pháp. Họ tuyên bố rằng các nhà công nghiệp Nga hoàn toàn có khả năng chế tạo tương tự. Nhưng thực tế là hiện nay trong đội tàu tham chiến của Nga không có tàu nào đạt mức tương đương BPC Mistral của Pháp.

Hai nhà nghiên cứu Pháp kết luận tình hình hiện tại cũng cảnh báo Bruxelles về việc phải bắt đầu khôi phục năng lực của lực lượng vũ trang của Liên Âu. Sau 30 năm liên tục cắt giảm, ngân sách quốc phòng Châu Âu chắc chắn sẽ tăng trở lại, và có thể là mạnh. Nhưng, ngay cả khi ngành công nghiệp và công nghệ quốc phòng của Châu Âu (và đặc biệt là của Pháp) đã không sụp đổ theo cách giống như chuyện từng xảy ra ở Nga, sự hồi phục sẽ không thể đạt được ngay lập tức.

Thùy Dương

***********************

Chiến tranh Ukraine : Vladimir Putin tự tin sẽ đạt được mục tiêu "cao cả"

Minh Anh, RFI, 12/04/2022

Tổng thốngVladimir Putin hôm 12/04/2022 tuyên bố "chiến dịch quân sự" của Nga tại Ukraine, không chút nghi ngờ, sẽ đạt được điều mà ông gọi là "những mục tiêu cao cả". 

mang2

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu khi ông đến thăm sân bay vũ trụ Vostochny, vùng Amur, Nga, ngày 12/04/2022.  via Reuters- Sputnik

Theo truyền thông Nga được Reuters dẫn lại, tổng thống Nga trong một bài diễn văn nhân lễ trao thưởng, đã tuyên bố rằng nước Nga không còn chọn lựa nào khác khi phải mở "chiến dịch quân sự" này để phòng thủ và cuộc đối đầu với các thế lược Ukraine "chống Nga" là không thể tránh khỏi. 

Vladimir Putin nhắc lại : Mục tiêu chính của cuộc can thiệp quân sự Nga ở Ukraine là nhằm "cứu" các cư dân vùng Donbass, phía đông Ukraine, ở đó, phe ly khai thân Nga chiến đấu chống các lực lượng Ukraine từ năm 2014. 

Ông khẳng định : "Những mục tiêu (của cuộc tấn công) này là tuyệt đối rõ ràng và cao cả. Một mặt, chúng ta hỗ trợ và cứu người dân, và mặt khác, chúng ta đơn giản chỉ đưa ra những biện pháp để bảo đảm an ninh của chính nước Nga", và ông kết luận : "Đây là một quyết định đúng." 

Cũng trong ngày hôm nay, tổng thống Nga có cuộc gặp với đồng nhiệm Belarus Alexandre Loukachenko tại Vostotchny, đông nam Siberia, ở Nga, để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhân dịp kỷ niệm chuyến bay đầu tiên của Iouri Gagarine vào vũ trụ.

AFP nhắc lại, từ đầu cuộc chiến, quân Nga vẫn tập trung tại Belarus. Tổng thống Lukashenko, đồng minh chính của Nga, hôm thứ Năm 07/02, tuyên bố tham gia vào các cuộc đàm phán về "chiến tranh" Ukraine, một thuật ngữ bị cấm tại Nga. 

Trong phiên họp hội đồng an ninh, tổng thống Belarus nhấn mạnh : "Chúng tôi xem sự việc này như là một cuộc chiến tranh đang diễn ra ngay trước cửa nhà mình. Và cuộc chiến này có những tác động nghiêm trọng đến tình hình Belarus. Chính vì thế, không nên có một thỏa thuận ở sau lưng Belarus".

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Minh Anh
Read 353 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)