Bầu cử tổng thống Pháp vòng 2 : Cuộc song đấu Macron-Le Pen đầy bất trắc
Chiến dịch vận động tranh cử cho vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp khởi động vào hôm qua dĩ nhiên đã chiếm trọn trang nhất báo chí Pháp ra ngày 12/04/2022. các báo đã giành nhiều trang bài cho cuộc chạy đua nước rút giữa hai ứng cử viên còn lại là tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu Marine Le Pen, nhằm thuyết phục cử tri đã vắng mặt hay không bỏ phiếu cho họ nhân vòng 1 vừa qua.
Emmanuel Macron và Marine Le Pen lại đọ sức với nhau để giành chức tổng thống Pháp nhân vòng 2 cuộc bầu cử ngày 24/04/2022. Ảnh ghép © Montage RFI - Reuters/AP
Ngay trên trang nhất của mình, nhật báo Le Monde đã phác họa toàn cảnh trong hàng tựa chính : "Macron-Le Pen : Một hồi 2 bấp bênh hơn". Tờ báo nhắc lại rằng đây là lần thứ hai mà cuộc đấu giành chức tổng thống Pháp diễn ra giữa ông Macron và bà Le Pen, lần đầu tiên là nhân cuộc bầu cử năm 2017. Tuy nhiên, nếu vào năm 2017, ông Macron đã chiến thắng rất dễ dàng, thì lần này, tình hình đã thay đổi hoàn toàn, với kết quả được dự báo là sát nút hơn.
Kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron
Trong bài xã luận mang tựa đề "Một trách nhiệm lịch sử", Le Monde nhắc lại : Vào năm 2017, ngay sau vòng 1, các viện thăm dò đều dự báo ông Macron sẽ chiến thắng với một tỷ lệ cao hơn bà Le Pen đến 20% số phiếu. Trong thực tế, ông đã được bầu làm tổng thống trong vòng 2 với 66% phiếu bầu. Tối Chủ nhật, vừa qua, các ước tính đầu tiên cũng dự báo chiến thắng của ông Macron, nhưng với tỷ lệ sít sao, vì chênh lệch cao nhất chỉ là vỏn vẹn 8%.
Một trong những bất lợi đối với ông Macron là trái với cách nay 5 năm, lần này bà Le Pen có thể dựa vào số phiếu đáng kể của các cử tri đã bầu cho hai ứng cử viên cực hữu khác là Eric Zemmour và Nicolas Dupont-Aignan. Để khắc phục điểm yếu đó, tổng thống mãn nhiệm cần phải tìm phiếu nơi những người đã bầu cho các đảng "chống cực hữu" truyền thống khác, và nhất là nơi các cử tri đã ủng hộ ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon, về thứ ba trong vòng 1, chỉ thua sát nút bà Le Pen.
Đối với Le Monde : "Việc Marine Le Pen được bầu lên làm tổng thống sẽ là một cuộc tấn công vào pháp quyền, một sự thụt lùi trong việc chống thảm họa khí hậu, một sự xét lại các liên minh của nước Pháp vào một thời điểm tồi tệ nhất, trong khi cuộc chiến tàn khốc do Vladimir Putin áp đặt trên Ukraine đã bộc lộ bản chất thực sự của một chế độ mà ứng cử viên Le Pen rất ưu ái".
Trong tình hình đó, Le Monde cho rằng cách hiệu quả duy nhất để đẩy lùi nguy cơ là kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron. Đối với tờ báo, về phần mình, ông Macron phải biết lắng nghe các tiếng nói bất bình, đề ra các biện pháp thích hợp để thuyết phục các cử tri, dung hòa được các biện pháp trừng phạt tối đa đối với Nga, thích ứng nhanh chóng với biến đổi khí hậu đồng thời tính đến những khó khăn tồn tại của các tầng lớp dân Pháp đang bị ảnh hưởng nặng nhất từ tình trạng gia tăng giá cả.
Tóm lại, Le Monde cho rằng, ông Macron phải làm sao để đẩy lùi được hiểm họa cực hữu trong vòng 15 ngày, sau khi đã thất bại trong suốt nhiệm kỳ 5 năm sắp kết thúc".
Macron rẽ trái, Le Pen lập mặt trận chống Macron
Nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng nêu bật trong tựa lớn trang nhất cuộc song đấu bắt đầu trở nên gay gắt giữa hai ứng cử viên tổng thống Pháp và đặc biệt chú ý đến : "Cách thức Macron và Le Pen mở rộng cơ sở bầu cử".
Theo Le Figaro, thành phần mà cả hai ứng cử viên tổng thống còn lại muốn chinh phục là số cử tri cánh tả mà những đại diện đã bị loại ngay vòng đầu, đặc biệt là số 8,1 triệu người đã bầu cho ông Jean-Luc Mélenchon.
Tờ báo ghi nhận là chỉ môt hôm sau vòng 1 của cuộc bầu cử, ứng cử viên Macron đã đến vận động tại vùng Hauts-de-France, cụ thể là tại hai thị trấn Denain và Carvin, nơi ứng cử viên cực hữu Le Pen dẫn đầu nhưng theo sau là Jean-Luc Mélenchon. Mục tiêu, đối với tổng thống mãn nhiệm, là nói chuyện với những người Pháp đang rất lo lắng trước các vấn đề xã hội. Tờ báo đặc biệt ghi nhận sự kiện ông Macron cho biết "sẵn sàng thảo luận về tốc độ và giới hạn" của kế hoạch cải cách chế độ hưu bổng, và không loại trừ một cuộc trưng cầu dân ý về chủ đề này.
Đối với Le Figaro, nhìn chung, ứng cử viên Macron "đang tăng tốc độ vận động bằng cách rẽ sang cánh tả", trong lúc đối thủ của ông là bà Le Pen thì đã đến thăm tỉnh Yonne, một địa phương vốn rất ủng hộ bà. Bà đã nhân dịp này tìm cách tranh thủ cử tri các vùng nông thôn Pháp. Theo Le Figaro : "Marine Le Pen vẫn duy trì chiến lược tranh cử của vòng một".
Điều nguy hiểm đối với cả hai ứng cử viên, theo tờ báo, việc tranh thủ những người không bầu cho mình nhân vòng 1 có nguy cơ tác động đến những người ủng hộ truyền thống của họ.
Thuyết phục cử tri cánh tả không dễ
Nhật báo thiên tả Libération cũng đặc biệt chú ý đến chiến lược hướng sang cánh tả của ứng cử viên Macron. Tựa lớn trang nhất của tờ báo nhấn mạnh : "Macron lao vào công việc nhọc nhằn".
Đối với Libération, dù về đầu sau vòng 1 cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa qua, ông Macron cũng đã thấy rõ là mình không có phiếu dự trữ hiển nhiên như đối thủ Le Pen. Giải pháp do đó là phải nỗ lực chinh phục khối cử tri đã bỏ phiếu cho hai người bên cánh tả là Jean-Luc Mélenchon (cực tả) và Yannick Jadot (sinh thái), nhưng theo cách không cần sửa đổi quá nhiều nội dung chương trình hành động của ông.
Theo tờ báo, ngay sau khi có kết quả vòng 1, đương kim tổng thống Pháp đã thấy rằng những lời hay ý đẹp về "chủ nghĩa nhân văn, tinh thần thời Khai Sáng, hơi thở 1789" không đủ để chinh phục cử tri, chống lại một Marine Le Pen cực hữu đang trên đà vươn lên.
Việc cấp thiết nhất và đơn giản nhất đối với Macron là sửa chữa một sai sót về hình thức, tức là xem nhẹ việc xuống hiện trường để vận đông. Chinh vì vậy mà ngay hôm qua, ông đã vội vã đến vận động ngay tại hai tỉnh Nord và Pas-de-Calais, trên vùng đất của đối thủ là Marine Le Pen.
Cùng lúc, ông đã cố gắng khắc phục điểm yếu thứ hai bằng cách nói rằng ông đã sẵn sàng "làm giàu" cho một dự án cải cách chế độ hưu bổng bị coi là nghiêng quá xa về bên hữu và gây bất mãn nhiều nhất trong dân chúng. Đối với Libération, tuyên bố này dự báo một khả năng nhượng bộ.
Câu hỏi mà Libération đặt ra là những tuyên bố mà ứng cử viên Macron đưa ra là những nhượng bộ thực thụ, hay chỉ là những lời hứa suông nhằm thuyết phục các cử tri cánh tả.
Trong bài xã luận mang tựa đề "Dốc thẳng đứng", Libération ghi nhận là trong ngày hôm qua, ông Macron đã liên tiếp tung ra nhiều tín hiệu về hướng cử tri cánh tả, với một loạt "từ khóa" như "thanh niên", "xã hội", "sinh thái", "quyền phụ nữ"… Thế nhưng, theo tờ báo, chiến dịch chiêu dụ rõ rệt này sẽ phải leo một con dốc thẳng đứng. Bất chấp những lời kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron đang tăng lên bên cánh tả, các chiến lược gia chiến dịch tranh cử của người đứng đầu nhà nước biết rằng việc nhấn mạnh trên các biện pháp đã được thực hiện hoặc gửi một vài "dấu hiệu" mới sẽ không đủ để thuyết phục những người kiên quyết chống Macron trở lại bỏ phiếu cho ông như 5 năm trước đây, hoặc những người sẵn sàng không đi bỏ phiếu, điều này sẽ có lợi cho ứng cử viên cực hữu".
Cử tri Công giáo ngày càng bị xu hướng cực đoan cám dỗ
Riêng nhật báo La Croix thì đã có cái nhìn tổng quát về sự phân hóa trong xã hội Pháp, được phản ánh qua kết quả bầu cử vòng 1. Dưới tựa lớn trang nhất "Ba nước Pháp", tờ báo công giáo không che giấu thái độ lo ngại khi nhân định rằng : "Một hôm sau vòng 1, nước Pháp dường như bị chia cắt thành 3 khối chính mà đại diện là Emmanuel Macron, Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon.
Về chiến lược tranh cử vòng 2 của hai ứng cử viên còn lại, La Croix ghi nhận chủ trương "tấn công Le Pen và chìa tay cho cánh tả" của ông Macron, trong lúc bà Le Pen thì tìm cách thành lập "một mặt trận chống Macron.
Điều mà La Croix lo ngại nhất tuy nhiên lại chính là "Tình trạng cực đoan hóa của những người Công giáo thiên hữu".
Trích dẫn một cuộc điều tra mà tờ báo đã nhờ viện thăm dò Ifop thực hiện hôm 10/04, các ứng cử viên cực hữu đã được đến 40% cử tri Công giáo ủng hộ. Ngoài ra, những cử tri Công Giáo bầu cho cánh tả không hề biến mất, trái với nhận định của một số người, và trong nhóm này, tỷ lệ bầu cho ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon đặc biệt tăng vọt.
Điều đáng ngại là xu hướng bầu cho các ứng cử viên "cực đoan" đã tăng cao so với lần bầu cử vào năm 2017 chẳng hạn, khi hai ứng viên cực hữu chỉ được tổng cộng 28% ủng hộ mà thôi.
Báo động về kế hoạch kinh tế của Le Pen
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành trang nhất cho cuộc đọ sức Macron-Le Pen nhưng nhấn mạnh đến hiểm họa cực hữu trong hàng tựa lớn : "Le Pen : Lời báo động của các đối tác xã hội".
Theo Les Echos, các nghiệp đoàn giới chủ tại Pháp đều đã lên tiếng cảnh báo về kế hoach kinh tế của ứng viên cực hữu. Về phía các công đoàn, tờ báo ghi nhận lời kêu gọi dứt khoát của Công Đoàn CFDT là nên bỏ phiếu cho ông Macron, bên cạnh những lời kêu gọi khác mang tính chất chung chung hơn là phải cản bước bà Le Pen.
Les Echos dĩ nhiên là cũng chú ý đến tuyên bố hôm qua của ông Macron, cam kết sẽ "bổ sung và làm giàu" cương lĩnh tranh cử của mình, đặc biệt là thái độ sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch cải tổ hưu bổng, kể cả trên vấn đề tuổi về hưu ở mức 65.
Trọng Nghĩa