Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/04/2022

Điểm báo Pháp - Cuộc đấu Macron - Le Pen về "tuổi về hưu"

RFI tiếng Việt

Tranh cử tổng thống Pháp : "Tuổi về hưu" mở màn cuộc đấu Macron-Le Pen

"Tuổi hưu trí" nổi lên như một chủ đề hàng đầu trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp là đề tài trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp hôm 13/04/2022, hơn 10 ngày trước cuộc bỏ phiếu vòng hai. Ứng cử viên Le Pen tìm cách viết lại lịch sử quan hệ với điện Kremlin cũng là một chủ đề chính.

tuoivehuu1

Cải cách hưu trí là một chủ đề nhạy cảm trong xã hội Pháp. Ảnh minh họa : Biểu tình phản đối một dự án cải cách hưu trí tại Lyon, Pháp, năm 2010. AFP/Jean-Pierre Clatot  

 La Croix chạy tựa trang nhất với câu hỏi : "Hưu trí phải chăng là chìa khóa quyết định sự lựa chọn của cử tri ?". Nhật báo công giáo ghi nhận : Để thu hút thêm các cử tri mới, ứng cử viên Emmanuel Macron cho biết sẵn sàng điều chỉnh dự án cải cách hưu trí. Nhan đề trang nhất của Le Figaro thiên hữu là "Hưu trí: Macron nhượng bộ để quyến rũ cánh tả".

Libération cũng cùng chung quan sát. Nhật báo thiên tả hài hước với hàng tựa : "Macron : Bạn yêu quý, tôi đã bỏ quên cánh tả", trên nền hình ảnh tổng thống mãn nhiệm trong bộ quần áo complet, đang chạy thẳng về hướng trái, tức cánh "tả". Le Monde cùng dành chủ đề chính trang nhất cho việc "Macron nỗ lực thu hút phiếu bầu cánh tả". Riêng Les Echos tập trung nhiều hơn vào việc so sánh "hai dự án hoàn toàn đối lập" về hưu trí giữa hai ứng viên.

Cải cách hưu trí, dự án cải cách trọng tâm của nhiệm kỳ tổng thống Macron 2017 – 2022, đã không được thực hiện, vì nhiều lý do, trong đó có đại dịch Covid-19, và đặc biệt là các bất đồng lớn trong xã hội Pháp. Cải cách hưu trí giờ đây đã trở thành trận chiến mở màn cho cuộc tranh cử tổng thống Pháp vòng hai.

Việc Macron hy sinh một biện pháp mang tính biểu tượng của cương lĩnh tranh cử, để thu hút cử tri là chủ đề mục "Mỗi ngày một sự kiện" của Les Échos, với tựa đề "Tuổi hưu trí : sự ra đời và cái chết của một biểu tượng". Les Echos, trong bài "Trận chiến tuổi về hưu làm hừng hực không khí tranh cử vòng hai", cho biết biết đối thủ Tập Hợp Dân Tộc đã ngay lập tức lên án "thủ đoạn" của ứng cử viên – tổng thống mãn nhiệm kéo lùi tuổi về hưu tối thiểu để tranh thủ tình cảm của cử tri.

Bất bình với quyết định "trở lui" của Macron

Xã luận Le Figaro với tựa đề "Trở lui", tỏ ra bất bình trước việc ứng cử viên – tổng thống mãn nhiệm ngay từ khởi đầu vòng hai tranh cử, đã "lùi bước" trong dự án cải cách hưu trí để lấy lòng các cử tri của Jean-Luc Mélenchon, ứng viên cánh tả về thứ ba trong vòng một. Le Figaro nhấn mạnh : "các cải cách khó khăn cần thiết để hiện đại hóa đất nước, để tạo ra tài sản và công việc cho tương lai" là điểm khác biệt rõ rệt giữa ông Macron với bà Le Pen, người "sẵn sàng hứa hẹn mọi thứ mà không hề quan tâm đến nguồn chi". Le Figaro kêu gọi ứng viên Macron "ngừng trở lui, hãy tiếp tục tiến về phía trước !".

Hy vọng Macron kịp thuyết phục cử tri cánh tả

Ứng cử viên Macron bị "kẹt giữa hai gọng kìm" là tiêu đề bài xã luận Libération. Trái ngược với Le Figaro, nhật báo thiên tả thông cảm với quyết định lùi bước của ông Macron. Theo Libération, thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri cánh tả, ứng cử viên – tổng thống mãn nhiệm chắc chắn sẽ thất bại. Libération nhấn mạnh là cuộc bầu cử năm 2022 này khác hẳn năm 2017. Ứng cử viên cực hữu Le Pen đã đề xuất tuổi về hưu từ 60 đến 62, "vốn là điều mà đông đảo người Pháp mong muốn".

Sự thay đổi muộn màng của Macron  liệu còn kịp để thuyết phục cử tri ? Libération bày tỏ hy vọng sẽ "không quá muộn". Không chỉ vấn đề hưu trí, theo Libération, "ứng cử viên Macron chỉ còn 10 ngày nữa để thuyết phục, với các cam kết cụ thể, là ông đã hiểu những lo ngại của giới trẻ về tương lai của hành tinh, và những lo ngại của các tầng lớp dân nghèo về tương lai của chính họ".

Về hồ sơ tuổi về hưu đang là tâm điểm căng thẳng này, La Croix cho biết cụ thể, hôm thứ Hai 11/04, tại Denain (miền bắc), được coi là một căn cứ địa của phe cực hữu, ứng cử viên – tổng thống mãn nhiệm tuyên bố sẵn sàng điều chỉnh dự án cải cách hưu trí, có khả năng tuổi về hưu mới dự kiến sẽ được giảm từ 65 xuống còn 64 tuổi. Ông Macron thậm chí còn cho biết có khả năng tổ chức trưng cầu dân ý. La Croix đặt câu hỏi : việc ứng cử viên - tổng thống mãn nhiệm, "ngay vào ngày đầu tiên của vòng hai tranh cử, tuyên bố sẵn sàng điều chỉnh tuổi hưu trí, vốn được coi là một biểu tượng thực sự của hệ tư tưởng Macron", phải chăng cho thấy cuộc đấu Macron – Le Pen đang bước vào giai đoạn quyết liệt ?

"Hưu trí phải chăng là chìa khóa quyết định ?" 

Khi chọn đặt tựa trang nhất với câu hỏi "Hưu trí phải chăng là chìa khóa quyết định sự lựa chọn của cử tri ?", La Croix muốn để ngỏ vấn đề. Nhật báo công giáo cung cấp nhiều nhận định khác về vấn đề này, đặc biệt từ phía các thành viên đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), để độc giả rộng đường xem xét.

Theo dân biểu Roland Lescure, người phát ngôn của đảng LREM, việc xác định tuổi về hưu tối thiểu ở mốc 64 tuổi hoàn toàn không phải là một điểm mới, mà đã từng có trong dự án cải cách hưu trí của Macron, trước khi bị hủy bỏ trong cương lĩnh chính thức. Ban phụ trách vận động Ê-kíp tranh cử của ông Macron cũng nhấn mạnh đến việc ứng cử viên - tổng thống mãn nhiệm tuyên bố ngay trong tối bầu cử vòng một (10/04) : "sẵn sàng có các sáng kiến mới nhằm tập hợp" đông đảo cử tri Pháp, sự nhân nhượng về tuổi về hưu tối thiểu nói trên như vậy nhất quán với sự thay đổi này. 

Một dân biểu khác của đảng LREM, Sacha Houlié, lưu ý là việc tổng thống sẵn sàng hạ thấp mức tuổi về hưu tối thiểu là một ví dụ cụ thể cho thấy "phương pháp mới" của ông Macron, và vấn đề phương pháp mới "quan trọng hơn là chính biện pháp mới cụ thể này". La Croix cũng dẫn lời phát ngôn viên đảng LREM, khẳng định "vấn đề chủ yếu là không nên để cuộc đối đầu Macron – Le Pen bị quy thành cuộc trưng cầu dân ý về ủng hộ hay chống cải cách hưu trí ?".

Cải cách hưu trí để làm gì ? 

La Croix trong bài "Cải cách hưu trí : Để làm gì ?" cũng trình bày nhiều phương diện quan trọng khác của dự án cải cách, ngoài vấn đề tuổi hưu trí. Theo quan điểm của đảng LREM và ứng viên – tổng thống mãn nhiệm, hệ thống hưu trí của Pháp đang bên bờ phá sản, cần cấp bách cải tổ. Làm việc nhiều hơn, về hưu muộn hơn là cần thiết để đáp ứng với thực tế của một xã hội mà tuổi thọ ngày càng cao hơn. Các nghiệp đoàn, đặc biệt là các nghiệp đoàn cải cách, không phản đối mọi cải cách trong lĩnh vực này. Vấn đề là làm thế nào để bảo đảm công bằng.

"Về hưu ở tuổi 60" theo Le Pen : Rất ít người Pháp "đủ tiêu chuẩn"

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài mô tả "những đối lập" về tuổi hưu trí trong dự án của hai ứng viên, Le Pen và Macron. Về mặt chính thức, bà Le Pen chủ trương hạ thấp tuổi về hưu chính thức của người Pháp, từ 62 tuổi hiện nay xuống 60 tuổi, ông Macron ngược lại muốn nâng lên 65 tuổi, và giờ đây chấp nhận có thể là 64 tuổi. Les Echos cũng cho biết, hồi năm ngoái, theo một thăm dò dư luận về "tuổi hưu lý tưởng" của bộ Đoàn kết Xã hội và Y tế, đa số người Pháp vừa về hưu coi tuổi lý tưởng là "khoảng 61 tuổi", nhiều hơn 5 tháng so với một thăm dò tương tự năm 2017. Nhận xét rút ra là: đông đảo người Pháp một mặt chấp nhận làm việc lâu hơn, nhưng vẫn mong muốn được về hưu sớm hơn.

Dự án cải cách hưu trí của ông Macron nâng dần tuổi về hưu tối thiểu mỗi năm 4 tháng, để đạt mức 65 tuổi vào năm 2031. Theo Les Echos, dự án cải cách của ông Macron "mang tính duy lý", nhờ cải cách nâng tuổi về hưu, nước Pháp tiết kiệm thêm được 13 đến 15 tỉ euro, sau khi đã có đủ tiền chi trả cho việc nâng mức tiền hưu tối thiểu lên 1.100 euro/tháng, và hạ tuổi về hưu với những người làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc.

Ngược lại, dự án cải cách của bà Le Pen chủ yếu đánh vào "tình cảm" của cử tri. Theo Les Echos, nói là hạ tuổi về hưu xuống 60, nhưng trên thực tế, dự án cải cách của bà Le Pen đã thay đổi rất nhiều so với dự án năm 2017, với nhiều điều kiện bổ sung quan trọng. Theo dự án mới của bà Le Pen, để về hưu ở tuổi 60, đương sự cần làm việc đủ 40 năm, có nghĩa là làm việc ít nhất từ năm 20 tuổi.

Les Echos nhấn mạnh là, ngày càng hiếm người thỏa mãn được đòi hỏi này, bởi những cư dân có bằng cấp thấp thường có những giai đoạn thất nghiệp kéo dài, và những hợp đồng ngắn hạn. Tuổi về hưu thực tế như vậy chắc chắn sẽ phải cao hơn nhiều. Tuổi về hưu tối thiểu giữa Macron và Le Pen, về mặt danh nghĩa là rất khác biệt, nhưng rút cục lại thu hẹp khoảng cách rất nhiều, do thực tế nói trên.

Điểm tranh cử đầu tiên của Le Pen : Một trang trại nhỏ

Nỗ lực thu hút cử tri cánh tả của Macron là hồ sơ chính của Le Monde. Le Monde cũng chú ý đến việc ứng cử viên cực hữu Tập Hợp Dân Tộc tập trung đặc biệt vào chủ đề "sức mua", vốn đang là chủ đề quan tâm hàng đầu của đông đảo cử tri Pháp, và đẩy những vấn đề căn bản của đối với quan điểm cực hữu truyền thống xuống hàng thứ yếu. Le Monde cũng chú ý đến chuyến đi bất ngờ của bà Le Pen, trong ngày đầu tiên của vòng hai cuộc tranh cử, đến một trang trại sản xuất lương thực nhỏ, vùng Bourgogne-France-Comté, miền trung nước Pháp, rộng chừng 250 ha.

Mục tiêu của ứng viên cực hữu trong chuyến đi này là thể hiện quan tâm đến "nước Pháp của những người bị quên lãng". Bà Le Pen đả kích ông Macron là tổng thống bảo vệ "bất công và "sự tàn phá xã hội"".  Theo Le Monde, ứng cử viên Le Pen hiểu rằng "phiếu bầu của vùng nông thôn có ý nghĩa quyết định với bà", những kết quả cao nhất với Le Pen là tại các khu vực dân cư thưa thớt, với các thị xã từ 50.000 dân trở lên, sự ủng hộ dành cho Le Pen sụt giảm mạnh. Giới làm nông tại Pháp, với số lượng chỉ khoảng dưới 400.000 người, có ý nghĩa không nhỏ về mặt biểu tượng với người Pháp. Theo thăm dò dư luận của Ipsos Sopra Steria hôm 06/04, khoảng 27% ủng hộ Macron, khoảng 24% ủng hộ Le Pen.

Cơ chế bầu cử bất cập của Pháp khiến căng thẳng xã hội gia tăng

Những khuyết tật của hệ thống dân chủ tại Pháp cũng là chủ đề chính bài xã luận Le Monde. Bài "Những lỗ hổng của hệ thống dân chủ đại diện" chỉ trích độ vênh rất lớn giữa tỉ lệ đại diện của các đảng phái tại Quốc hội và tỉ lệ cử tri ủng hộ thực sự trong xã hội. Hai đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) và Mặt Trận Dân Tộc (Rassemblement National) chỉ có lần lượt 17 và 8 dân biểu, trong lúc ứng viên tổng thống của hai đảng này vừa giành được hơn 20% phiếu trong vòng một bầu tổng thống. Le Monde dự đoán, cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 tới cũng khó lòng khắc phục được khuyết tật này của hệ thống bầu cử Pháp, vốn có lợi hơn nhiều cho các đảng lớn.

Le Monde nhấn mạnh là, khuyết tật này của hệ thống bầu cử Pháp không phải là "một vấn đề mới", nhưng cho dù đã được nêu lên vào điểm khởi đầu mỗi nhiệm kỳ tổng thống mới, rút cục đều nhanh chóng bị lãng quên. Le Monde cảnh cáo : các căng thẳng xã hội sẽ gia tăng, nếu việc cải tổ trong lĩnh vực này không được thực hiện.

Macron để ngỏ cửa cho "các quan điểm khác biệt"

Khắc phục khuyết tật của hệ thống chính trị hiện hành cũng là một chủ trương của ứng cử viên – tổng thống mãn nhiệm. Bài "Một "phương pháp mới" của chính phủ để mở rộng cơ sở quần chúng" của Le Monde cho biết rõ ứng cử viên Macron, ngay trong tối vòng một bầu cử tổng thống, đã khẳng định, trong trường hợp tái đắc cử, sẽ thay đổi phương pháp thực thi quyền lực, theo hướng mở rộng hơn cho "các quan điểm khác biệt", để có thể tập hợp một "phong trào chính trị lớn". Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu hiện giờ của ông Macron là giành được chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, "bởi kết quả dự kiến rất sít sao", theo chính trị gia Gilles Boyger, cánh tay phải của Edouard Philippe, cựu thủ tướng dưới quyền Emmanuel Macron, người sáng lập đảng trung hữu Horizons.

Le Pen tìm cách viết lại quan hệ với Putin

Ứng cử viên Le Pen tìm cách viết lại lịch sử quan hệ với điện Kremlin là chủ đề trang nhất của Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp nhấn mạnh là, mọi thái độ thân thiện với chế độ Putin, đang bị cáo buộc "tội ác chiến tranh", khi tiến hành cuộc xâm lăng quốc gia láng giềng Ukraina, sẽ phải "trả giá" trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Hồi tuần trước, ứng cử viên cực hữu đã buộc phải điều chỉnh "khẩn cấp" lập trường thân Putin, khi khẳng định cần phải nối lại quan hệ với nước Nga "một ngày nào đó".

Theo nhà phân tích François Heisnbourg (IISS), bà Le Pen đã buộc phải có một động tác nhỏ để tỏ thái độ "sám hối" về quan hệ trước đây với chính quyền Putin. Trên thực tế, theo Les Echos, những sự tương đồng về quan điểm giữa chính trị gia cực hữu với chủ nhân điện Kremlin là rất rõ ràng. Bà Le Pen không giấu sự ngưỡng mộ với tổng thống Nga. Năm 2017, trước cuộc bầu cử tổng thống, chủ nhân điện Kremlin đã chấp nhận tiếp ứng cử viên Le Pen, một cử chỉ đặc biệt hiếm khi dành cho một ứng viên tổng thống nước ngoài.

Không chỉ chịu ảnh hưởng về ý thức hệ, đảng Tập hợp Dân tộc của bà Le Pen cũng đã nhận được những ủng hộ tài chính từ chính quyền Nga. Cụ thể trong cuộc bầu cử cấp vùng và tỉnh năm 2014, số tiền hơn 9 triệu euro của một ngân hàng, nổi tiếng gần gũi với giới tình báo Nga (First Czech-Russian Bank). Lần tranh cử tổng thống 2022, đảng của bà Le Pen đã quay sang tìm hỗ trợ tài chính ở chính quyền Hungary, của thủ tướng Viktor Orban, nổi tiếng thân Putin, thông qua ngân hàng Magyar Külkereskedelmi Bank.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 283 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)