Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/04/2022

Điểm báo Pháp - Bầu cử tổng thống Pháp : Sinh viên bất bình

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống Pháp : Sinh viên bất bình về song đấu Macron-Le Pen

Hôm 15/04/2022, cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 vẫn là chủ đề nóng nhất đối với các nhật báo Pháp khi chỉ còn 10 ngày nữa sẽ diễn ra vòng 2 giữa hai ứng viên đã về đầu ở vòng một là ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen. 

sinhvien1

Cảnh sát chống bạo động trấn giữ bên ngoài đại học Sorbonne-Paris, Pháp, khi hàng trăm sinh viên chiếm giữ trường học phản đối kết quả bầu cử tổng thống vòng 1. Ảnh chụp ngày 15/04/2022.  AP - Francois Mori

Nhật báo Le Monde nói về chiến thuật của hai ứng viên trước vòng hai. Chiến dịch thuyết phục cử tri bình dân đã bắt đầu. Mười ngày trước vòng hai, tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) và lãnh đạo đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) bà Marine Le Pen phải đối mặt với cùng một thách thức để giành chiến thắng : Thuyết phục những người đã bỏ phiếu trắng ở vòng 1, nay bỏ phiếu cho mình, và thu hút được nhiều người trong số 21,95% cử tri đã ủng hộ ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI).

Những chủ đề chính mà hai ứng viên sẽ đề cập đến để thuyết phục cử tri : Đó là vấn đề về sức mua và lạm phát, cũng như lương hưu và tiền lương. Sau một chiến dịch tranh cử bị rút ngắn do chiến tranh ở Ukraine, ông Emmanuel Macron đang cố gắng đưa những giải pháp mang tính chất xã hội vào chương trình tranh cử của mình, bởi hiện tại, những đề xuất của ông như tăng tuổi về hưu lên 65 đang làm cho cử tri bất bình.

Về phần mình, bà Marine Le Pen muốn củng cố và mở rộng số lượng cử tri của mình, đồng thời cũng trau chuốt hình ảnh bản thân để chứng minh cho mọi người rằng bà có đủ tầm cỡ để làm tổng thống.

Kể từ Chủ nhật vừa qua, cả hai ứng viên đều đang cố gắng quyến rũ các cử tri cánh tả. Bruno Cautrès, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cho biết : "Hiện tại, bà Marine Le Pen đang đặt trọng tâm vào việc đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm cải thiện sức mua của người dân và dường như điều đó đã có tác dụng với việc bà ấy đã mở rộng phạm vi tranh cử của mình so với năm 2017".

Về phần mình, trang nhất và xã luận của nhật báo thiên tả Libération dành sự chú ý cho lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) ông Jean-Luc Mélenchon và tương lai của cánh tả trong hệ thống chính trị Pháp. Với gần 22% số phiếu bầu, ông Jean-Luc Mélenchon đương nhiên là người đang có uy tín cao nhất trong cánh tả, và việc tái cơ cấu cánh tả sẽ phải xoay quanh chương trình vận động bầu cử cực đoan của ông. Ngoài ra cũng phải nói đến thất bại ê chề của thị trưởng Paris, ứng viên thuộc đảng Xã Hội (PS) bà Anne Hidalgo, với tỷ lệ chưa đến 2%, tỷ lệ thấp nhất của đảng Xã Hội trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Rồi những màn trình diễn thiếu sức thuyết phục của hai ứng viên cánh tả khác là Yannick Jadot và Fabien Roussel.

Trong vòng ba tuần tới, đảng Xanh và đảng Cộng Sản sẽ phải thảo luận với đảng LFI để tìm được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, và đây sẽ là bước đệm đầu tiên của việc tái cơ cấu cánh tả. Các cuộc thảo luận đã được tiến hành nhưng còn quá sớm để có thể biết chúng sẽ kết thúc như thế nào. Rủi ro đối với đảng LFI là tự cho rằng mình quá mạnh và quên rằng một phần trong 22% số phiếu là của những cử tri ủng hộ đảng khác đã bầu cho ông Mélenchon khi họ cho rằng ứng viên mà họ ưa thích nhất không có triển vọng tiến xa hơn.

Các sinh viên bất bình về màn song đấu Macron-Le Pen

Về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài nói về các trường đại học Panthéon-Sorbonne, viện nghiên cứu Chính trị (Sciences Po) hay trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Supérieure) đều bị sinh viên phong tỏa, vì không hài lòng với kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vòng một. Hôm qua 14/04, các sinh viên biểu tình ở trường Sorbonne đã có những hành động quá khích như ném ghế ra ngoài cửa sổ hướng về các xe cảnh sát.

Với những khẩu hiệu hô hào không bỏ phiếu cho cả Macron lẫn Le Pen, hay "Cách mạng là nghĩa vụ", "Sorbonne bị chiếm đóng", rõ ràng là cuộc đấu giữa Macron-Le Pen ở vòng 2 khiến băng ghế của các trường đại học trở nên rất "sôi động". Từ hôm 12/04, những sinh viên được gọi là "chống phát xít" đã lên tiếng bày tỏ sự tức giận sau kết quả vòng một, đặc biệt là ở Paris. Theo một cuộc thăm dò của Ipsos-Sopra Steria, 42% thanh niên trong độ tuổi 18-24 đã không đi bỏ phiếu ở vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống. Trong số những người trẻ tuổi, tỷ lệ phiếu bầu dành cho ứng viên đảng LFI, Jean-Luc Mélenchon là 31%.

Chiến tranh Ukraine : Quân Nga tạo bầu không khí kinh hoàng ở thành phố Kherson

Về tình hình chiến tranh Ukraine, tờ Le Monde nói về nỗi sợ hãi mà người dân ở Kherson đang phải chịu đựng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Nỗi lo sợ bạo lực đã khiến những người Ukraine sống ở vùng Kherson rời khỏi khu vực mà quân đội Nga đã chiếm đóng. Những hình ảnh khủng khiếp về Bucha, Irpin và những thành phố trong đống tro tàn khác cứ quay cuồng trong đầu người dân. Natalia, 38 tuổi, cư dân Kherson, cho biết : "Tôi không thể chịu được nữa nên tôi đã rời đi ngay khi có thể. Những kẻ buôn người yêu cầu những khoản tiền điên rồ, nhưng cuối cùng tôi cũng đã đoàn tụ được với gia đình. Gia đình tôi di chuyển bằng ô tô từ hướng ngược lại, đi qua Zaporizhia. Thành phố này vẫn nằm trong vùng tự do, tức là dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine". Natalia lo sợ rằng câu chuyện của cô sẽ thu hút sự chú ý của Nga, dẫn đến hậu quả tai hại cho những người thân của cô vẫn ở lại vùng bị chiếm đóng.

Cũng như Natalia, Sergei, 41 tuổi đã quyết định bỏ lại cha mẹ mình để chạy trốn. "Tôi đã ra đi hôm 11/04, bởi vì tôi cảm thấy rằng mọi thứ sẽ không ổn. Tôi nhìn thấy những hình ảnh của Bucha và tôi thấy những người lính Nga xung quanh tôi trở nên hung hãn hơn. Trên hết, tôi sợ rằng các hành lang nhân đạo sẽ đóng cửa".

Còn Liuba Alexandrova, 30 tuổi, hiện đang lánh nạn tại tổ chức phi chính phủ The Way Home ở Odessa vẫn hy vọng vào một ngày quân đội Ukraine sẽ tái chiếm Kherson. Liuba nói : "Chúng tôi muốn trở về nhà ở Kherson, nhưng hiện tại tình hình ở đó rất nguy hiểm, nên chúng tôi phải rời đó và đến Ba Lan".

Liuba cũng lo lắng về những tin đồn người dân bị cưỡng hiếp và ngược đãi : "Quân Nga lục soát các căn hộ, tìm kiếm các cựu chiến binh (trong cuộc xung đột vào năm 2014 ở Donbass), các nhà hoạt động ủng hộ Ukraine, và nhiều người đã biến mất mà không để lại dấu vết. Chúng tôi thường xuyên nghe được những tiếng súng. Tôi đã bị hoảng loạn ở Kherson, với ý nghĩ rằng những người thân của tôi sẽ bị giết. Tôi rất lo cho anh trai tôi và sáu đứa con của anh ấy. Anh ấy không có khả năng ra đi. Anh ấy sống trong một ngôi làng, và quân Nga đã di chuyển đến đó".

Phần Lan tiến lại gần NATO

Nhìn lên Bắc Âu, chính phủ Phần Lan đang cân nhắc thiệt hơn trong việc gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chính phủ Phần Lan hôm 13/04 đã công bố một báo cáo chiến lược để làm cơ sở cho các cuộc thảo luận nội bộ sẽ diễn ra vào những tuần tới. Mặc dù đây không phải là đơn chính thức xin gia nhập liên minh, nhưng điều đó cũng cho thấy Phần Lan chưa bao giờ tiến gần đến việc gia nhập NATO đến thế.

Bản báo cáo dài 53 trang là phần bổ sung cho bản phân tích chiến lược mới nhất được chính phủ Phần Lan công bố vào tháng 11 năm 2020. Mục tiêu là để đánh giá tác động của xung đột Nga-Ukraine đối với an ninh Phần Lan, quốc gia có đường biên giới chung dài 1.300 km với Nga. Là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU) từ năm 1995, Phần Lan không nằm trong liên minh quân sự nào, những vẫn duy trì quan hệ đối tác khăng khít với NATO.

Nga gây sức ép với Phần Lan và Thụy Điển

Về phần mình, nhật báo Les Echos có bài về việc hôm qua 14/04, điện Kremlin đe dọa sẽ triển khai tên lửa hạt nhân xung quanh biển Baltic nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, trong bối cảnh Stockholm và Helsinki càng ngày càng xích lại gần liên minh.

Ở cả hai quốc gia từ hơn 70 năm qua cho đến nay, dư luận luôn ủng hộ chính sách trung lập, tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi trong những tuần gần đây trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết quyết định về vấn đề này sẽ được đưa ra "trong những tuần tới" trong chuyến công du của bà tới Stockholm hôm 13/04.

Đồng nhiệm Thụy Điển, bà Magdalena Andersson, cũng muốn nhanh chóng đánh giá lại tình hình an ninh của nước mình một cách tỉ mỉ. Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, vốn đã có 30 thành viên, sẽ là một vố đau không nhỏ đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, bởi một trong những mục tiêu chính của ông là sự suy yếu của liên minh.

Hộ chiếu Hoa Kỳ cho điền chữ X vào ô giới tính

Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về những công dân Hoa Kỳ không xác định được giới tính, bắt đầu từ 11/04 có thể để ngỏ chi tiết này trong hộ chiếu của mình. Thay vào đó họ có thể lựa chọn để chữ "X" thay vì "M" (Male-nam) hay "F" (Female-nữ). Biện pháp này đặc biệt dành cho những người không xác định được giới tính cụ thể. Cải cách này sẽ cải thiện cuộc sống của những người chuyển giới và bảo đảm rằng tất cả mọi người được đối xử công bằng.

Được chính quyền Biden công bố năm 2021, điều khoản này phản ánh mong muốn đáp ứng những thách thức mà người Mỹ phải đối mặt với hiện tượng "giới tính của một người có thể thay đổi". Kể từ khi nhậm chức, tổng thống Biden đã không ngừng có những hành động nhằm làm cho những người chuyển giới và đồng tính được tôn trọng hơn. Vào tháng Giêng năm 2021, ông đã bổ nhiệm Rachel Levine, một bác sĩ nhi khoa chuyển giới, làm trợ lý thư ký (tương đương với một bộ trưởng trong nội các Hoa Kỳ) về y tế. Đây là lần đầu tiên một người "chuyển giới" có một chức vụ cao như thế trong chính phủ Hoa Kỳ.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 321 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)