G7 quan ngại tình hình tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông (RFA, 27/05/2017)
Các nước thuộc nhóm G7 lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình tranh chấp tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông ; đồng thời lên tiếng kêu gọi phi quân sự hóa tại những ‘thực thể có tranh chấp’ở hai vùng biển đó.
Lãnh đạo các nước G7 tại Taormina, Sicily, Italy hôm 27/05/2017. AFP
Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao như vừa nêu vào ngày 27 tháng 5, theo đó lãnh đạo Nhóm Bảy quốc gia giàu có trên thế giới, gọi tắt theo tiếng Anh G7, có cuộc gặp tại Taormina, Italy đưa ra kêu gọi liên quan đến hai vùng biển đang có tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước khác : Biển Đông và Hoa Đông.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham gia cuộc gặp với lãnh đạo các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản. Vào cuối buổi chiều ông Trump trở về Hoa Kỳ kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong cương vị người đứng đầu chính phủ Mỹ.
Vào ngày 31 tháng 5 tới đây, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có cuộc tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Đây là một vị khách đầu tiên từ các quốc gia Đông Nam Á được ông Trump tiếp sau khi lên nhậm chức tổng thống nước Mỹ.
Trước đó vào ngày 22 tháng 5, Hoa Kỳ giao cho Việt Nam sáu xuồng tuần duyên và vào ngày 25 tháng 5 trao tiếp một tàu tuần duyên trọng tải cao. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, phát biểu tại buổi lễ giao sáu xuồng tuần duyên cho Việt Nam rằng Hoa Kỳ và những nước khác trong cộng đồng quốc tế cũng được hưởng lợi từ sự ổn định trong khu vực.
Đến ngày 25 tháng 5, khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Hải quân Hoa Kỳ USS Dewey tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải đi vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là hoạt động đầu tiên dưới thời của tổng thống Donald Trump.
Động thái này được cho là một biểu tượng quan trọng thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như hoạt động xây dựng đảo nhân tạo rồi trang bị quân sự mà Bắc Kinh gấp rút tiến hành trên những thực thể tại vùng biển có tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua.
*********************
G7 kêu gọi "phi quân sự hóa" Biển Đông (RFI, 28/05/2017)
Lãnh đạo các nước G7 chụp hình với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, Taormina, ngày 26/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Thượng đỉnh 7 quốc gia công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới lần thứ 47 kết thúc chiều 27/05/2017 tại Taormina, đảo Sicilia, Ý. Tuy bất đồng sâu rộng trên hồ sơ biến đổi khí hậu vì chủ trương trái chiều của tổng thống Mỹ, thủ tướng nước chủ nhà Paolo Gentiloni nhấn mạnh đến các điểm đồng thuận tích cực, từ chống khủng bố trên toàn cầu đến tình hình nóng bỏng tại Châu Á như hồ sơ Bắc Triều Tiên, và xung khắc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, G7 bày tỏ lo ngại về diễn biến tại đây. Tuy không chỉ đích danh Trung Quốc, bản thông cáo chung nhấn mạnh đến các nguyên tắc quốc tế cũng như Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển UNCLOS. Khác với tuyên bố tại Ise-Shima, Nhật Bản, năm 2016, lần này G7 "kiên quyết chống lại mọi hành động đơn phương có thể làm căng thẳng gia tăng" và kêu gọi "phi quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp".
Về bản thông cáo chung do chính phủ Ý công bố, từ Taormina, đặc phái viên Romain Lemaresquier tường trình :
"Cuối cùng, G7 cũng tìm được đồng thuận tương đối trên các hồ sơ được thảo luận trừ vấn đề biến đổi khí hậu. Trong bản thông cáo chung, G7 ghi nhận lập trường của Mỹ, cần thời gian suy nghĩ và sẽ thông báo quyết định đi hay ở vào tuần tới. Trong khi đó, 6 nhà lãnh đạo còn lại cam kết tuân thủ hiệp định COP 21, chống trái đất bị hâm nóng.
Về thương mại quốc tế, G7 thành công duy trì nước Mỹ trong khuôn khổ đa phương trong khi Donald Trump chủ trương co cụm. Hồ sơ di dân nhập cư, tuy nghiêm trọng, nhưng không đạt được tiến bộ cụ thể. Trái lại, cuộc chiến chống khủng bố là hồ sơ được 7 nước đồng ý nhanh chóng nhất ngay trong ngày họp đầu tiên. Bản thông cáo chung còn kêu gọi những tác nhân internet gia tăng phương tiện phát hiện các nội dung kích động dùng bạo lực.
Một hồ sơ quan trọng khác mà mọi người mong chờ là quan hệ với Nga. G7 khuyến cáo Moskva tôn trọng lịch trình thỏa thuận ngưng bắn Minsk, nếu không sẽ bị trừng phạt thêm. Thái độ triệt để ủng hộ chế độ Syria của Nga cũng được G7 xem xét kỹ và kêu gọi một cuộc ngưng bắn thật sự và một giải pháp chính trị.
Tuy có nhiều hồ sơ được bàn thảo trong hai ngày thượng đỉnh, nhưng không một thỏa thuận nào có tầm cỡ. Đây có lẽ là sự kiện làm nhớ đến thượng đỉnh thứ 43 của G7, vừa kết thúc tại Taormina, nước Ý".
Phản ứng của Trung Quốc
Về phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố G7 liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo Reuters, hôm nay, phát ngôn viên Lục Khảng của bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp với các nước "thông qua đàm phán để đảm bảo hòa bình và ổn định". Bắc Kinh hy vọng nhóm các nước G7 và các quốc gia khác không can thiệp và tôn trọng nỗ lực giải quyết tranh chấp của các nước trong khu vực, và đề nghị G7 "ngưng các tuyên bố vô trách nhiệm".
G7 răn đe Bắc Triều Tiên
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, bản thông cáo chung G7 cho rằng Bắc Triều Tiên càng ngày càng trở thành "nguy hiểm cho hoà bình và ổn định" thế giới, với tham vọng trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. G7 đã sẵn sàng ban hành thêm biện pháp trừng phạt.
Là thành viên của G7, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hài lòng vì hồ sơ Bắc Triều Tiên được G7 "xem là ưu tiên trong số các ưu tiên". Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước bị đe dọa trực tiếp.
Dường như để thách thức thế giới, trong bản tin hôm nay, chủ nhật 28/05/2017, hãng KCNA của Bình Nhưỡng loan báo lãnh đạo Kim Jong-un "giám sát một hệ thống phòng không mới", nhưng không nói rõ lúc nào và ở đâu.
Tú Anh, Thùy Dương
***********************
Trung Quốc ‘bất mãn’ với tuyên bố G7 về Biển Đông, Biển Hoa Đông (VOA, 28/05/2017)
Các lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung nhắc đến Biển Đông, Biển Hoa Đông, 27/5/2017
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 28/5 nói Trung Quốc "rất bất mãn" về tuyên bố của nhóm G7 đề cập đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông Lục nói các nước G7 nên ngừng đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm.
Người phát ngôn này nói Trung Quốc cam kết giải quyết thích đáng các tranh chấp với các nước liên quan thông qua thương thuyết trong khi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ông Lục cho hay Trung Quốc hy vọng G7 và các nước khác sẽ kiềm chế, tránh đưa ra quan điểm, đồng thời tôn trọng các nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp của các nước ở khu vực.
Trong tuyên bố chung hôm 27/5, các lãnh đạo G7 nói họ quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông. Họ cũng kêu gọi phi quân sự hóa "các thực thể có tranh chấp".
Cho đến tối 28/5, Việt Nam chưa có phát biểu chính thức liên quan đến tuyên bố của G7.
Hồi giữa tháng 4 năm ngoái, khi các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại đối với tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó, ông Lê Hải Bình, cho biết Việt Nam "hoan nghênh" tuyên bố của hội nghị ngoại trưởng G7 "theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế".
Ông Bình cũng nói rằng Việt Nam "đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong khi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng đòi chủ quyền đối với nhiều phần chồng lấn ở vùng biển.
Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về một số đảo nhỏ không có người ở.
Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và tăng cường các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Mỹ quan ngại rằng các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do hàng hải cũng như để mở rộng tầm hoạt động chiến lược của Trung Quốc.
Đầu tuần vừa qua, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tuần tra vì tự do hàng hải gần Đá Vành khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa có tranh chấp.
Cuộc tuần tra lần đầu dưới thời Tổng thống Trump đã gây ra phản ứng tức giận từ Bắc Kinh.
Nhóm G7 gồm có các nước Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Anh, Ý và Nhật.
(theo Reuters, truyền thông Việt Nam)
**********************
Tranh chấp Biển Đông vẫn là nội dung chính Đối thoại Shangri-La 2017 (Vietnam+, 28/05/2017)
Ảnh minh họa. (Nguồn : japantimes.co.jp)
Theo straitstimes.com, trong 6 tháng qua, Hải quân Mỹ đã tránh tới những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng thuộc các vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, ngày 25/5, tàu khu trục USS Dewey đã tới gần khu vực Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên quần đảo được bồi đắp, khiến Trung Quốc - nước đang chiếm đóng trái phép - ngang nhiên lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Cuộc tuần tra của tàu khu trục tên lửa dẫn đường này là chiến dịch "tự do hàng hải" đầu tiên của Mỹ trên Biển Đông kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống.
Tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra trên Biển Đông có thể sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La, giống như đã từng chi phối cuộc đối thoại năm ngoái mà tại đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cho rằng các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ khiến nước này phải chịu rủi ro về việc "tạo ra một bức Vạn lý trường thành tự cô lập".
Điều này đã khiến một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc đáp trả rằng Bắc Kinh không "gây ra hay lo sợ tình trạng rối loạn" và nước này cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể phối hợp để gìn giữ hòa bình tại vùng biển trên mà không cần các nước khác can thiệp.