Viện trợ vũ khí : Phương Tây tin David Ukraine sẽ thắng Goliath Nga
Nga sa lầy tại Ukraine trong khi phương Tây đứng trước nguy cơ trở thành bên tham chiến, Moskva khóa van khí đốt với Ba Lan và Bulgaria gây lo ngại cho Châu Âu. Tập Cận Bình đối mặt với thất bại của chính sách zero Covid đang gây nhiều bất bình ở Trung Quốc. Tại Pháp, các đảng phái tất bật chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Đó là những vấn đề chính được quan tâm hôm 28/04/2022.
Những thành phố Ukraine nơi quân Nga đi qua chỉ còn là gạch vụn. Ảnh chụp từ một video ngày 27/04/2022 tại Moschun, ngoại ô Kiev via Reuters - YouTube/Andrey Nebitov
Dội bão lửa ồ ạt, Nga vẫn không chiếm được Donbass
Về tình hình chiến trường Ukraine, Le Monde nhận thấy "Dù dội bão lửa vào Donbass, Nga vẫn không thể chiếm được toàn bộ vùng này". Tuy có ưu thế về vũ khí hiện đại và hỏa lực, từ đại pháo đến chiến đấu cơ, trực thăng, chiến tuyến vẫn không thay đổi mấy, Nga không đạt được một chiến thắng đáng kể nào. Trước sự kháng cự mãnh liệt của các chiến binh Ukraine, quân Nga bèn hủy diệt tất cả những nơi họ đi qua. Phóng viên Le Mondequan sát thấy ở hai ngôi làng nhỏ Popasna và Rubijne, nơi quân Nga bị cầm chân, những cột khói đen bốc lên nhiều ngày liên tiếp và pháo dội không ngừng.
Chiến thuật nã pháo ồ ạt rồi xe bọc thép mới tiến từ từ, khác hẳn với giai đoạn đầu. Những thành phố quan trọng hơn như Sievierodonetsk và Lyssytchansk (100.000 dân), Nga đánh mãi từ một tháng rưỡi nay vẫn không giành được, và như vậy mục tiêu chiếm Luhansk trước ngày 09/05 là không thể.
Libérationcũng nhận định "Moskva dậm chân tại chỗ ở Donbass". Không còn đòi "phi quốc xã hóa", "phi quân sự hóa" toàn bộ Ukraine, Nga tuyên bố tập trung vào miền đông, để gỡ thể diện không chiếm được Kiev. Nhưng mười ngày sau khi tung ra đợt tấn công lớn này, quân Nga dường như cũng không thành công hơn đợt trước. Theo phía Anh, Nga vẫn thiếu phương tiện hậu cần và yểm trợ, phải trả giá đắt ở Donbass chỉ để chiếm được một ít đất.
Thất bại của Kremlin ở Ukraine là bài học lớn cho những kẻ xâm lược
Lầu Năm Góc ước tính nay Moskva chỉ có được 75% trong số 122 cụm tác chiến cấp tiểu đoàn (Bataillon Tactical Group, khoảng 1.000 lính mỗi cụm) được đưa sang Ukraine lúc đầu. Nhà nghiên cứu Vincent Tourret đánh giá quân Nga thiếu phối hợp và tinh thần xuống rất thấp, "Moskva đã sai lầm khi sử dụng các đơn vị xuống cấp mà không tái phối trí".
Rõ ràng người Nga không hề hình dung sẽ bị kháng cự mạnh như thế, họ không chuẩn bị trong suy nghĩ lẫn hành động. Nhưng chuyên gia cũng không tin rằng Nga sẽ phải đầu hàng, một sự lăng nhục cho Vladimir Putin. Hôm qua Putin còn đi xa hơn khi đe dọa "sử dụng tất cả những công cụ cần thiết".
Le Monde thuật lại trước đó, hôm thứ Ba 26/04, một cuộc họp chưa từng thấy đã diễn ra tại căn cứ Mỹ Ramstein ở Đức, với sự hiện diện của gần 40 nước gồm nhiều thành viên NATO và một số nước Châu Á, Trung Đông. Mục đích là cùng đánh giá nhu cầu quân sự của Ukraine. "Ukraine nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng, và tất cả những người ngồi đây cũng vậy" - bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định. Ông kêu gọi "Giúp tăng cường kho vũ khí và nền dân chủ Ukraine", "hành động theo tốc độ của chiến tranh".
Phía Mỹ nhấn mạnh, từ lúc ông Joe Biden thông qua đợt viện trợ mới cho đến khi Ukraine nhận được vũ khí chỉ mất có 72 giờ. Từ đầu cuộc xâm lăng, Hoa Kỳ và đồng minh đã viện trợ 5 tỉ đô la trong đó Washington đóng góp 3,7 tỉ. Một nhóm tiếp xúc sẽ họp lại mỗi tháng, hoặc trực tiếp hoặc qua video để phối hợp. Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố trước Quốc hội "Chúng ta không biết cuộc chiến sẽ diễn biến như thế nào, chỉ biết rằng một Ukraine có chủ quyền và độc lập sẽ tồn tại lâu hơn là Vladimir Putin". Theo ông, "thất bại chiến lược" của Kremlin sẽ là "bài học lớn cho tất cả những kẻ nào muốn đi theo con đường tương tự".
Phương Tây : Bên đồng tham chiến ?
Le Figarophân tích "Phương Tây trước nguy cơ trở thành bên đồng tham chiến". Hôm thứ Hai ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc NATO tham gia vào cuộc chiến tranh với Nga "thông qua một trung gian".
Cuộc xâm lăng đã bước vào tháng thứ ba, chiến trường từ du kích đô thị nay là vùng đồng bằng bao la Donbass. Nhu cầu vũ khí nặng - pháo, xe bọc thép - cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỹ muốn duy trì động lực thành công của đợt đầu, những khẩu pháo được đưa đến và phương Tây cố bảo đảm đạn dược. Sự huy động này phản ánh niềm tin : David Ukraine có cơ hội thắng được Goliath Nga.
Moskva ngày càng nói nhiều đến việc giao vũ khí cho Ukraine là đồng tham chiến, và không loại trừ việc tấn công vào các đoàn công-voa. Thông thường thì chỉ có tham gia chiến đấu trên thực địa hay vạch kế hoạch mới là tham chiến, chứ không phải việc ủng hộ vật chất hay tài chính. Cũng vì vậy mà từ đầu Joe Biden không muốn áp đặt vùng cấm bay. Ý tưởng Ukraine có cơ chiến thắng đã thúc đẩy Mỹ và Châu Âu mạnh tay hơn, tiến lại gần "vùng xám", với nguy cơ bị trả đũa nếu Putin cảm thấy bị đẩy vào thất bại. CIA đưa ra giả thiết Kremlin sẽ cho "trình diễn" vũ khí nguyên tử ở Hắc Hải hay tại một khu vực ít người, như bắn một "phát súng chỉ thiên" để buộc phương Tây lùi lại. Nhưng Putin cũng phải xem lại hậu quả những hành động của chính mình. Những sự cố liên tục xảy ra ở Transnistria - vùng đất ly khai thân Nga ở Moldova - ông ta có lợi gì khi mở rộng một cuộc chiến tranh vốn đã không thắng nổi tại Ukraine ? Có nên lao vào leo thang quân sự trước Hoa Kỳ và NATO ?
Ukraine, cuộc chiến tranh tiêu hao nếu Putin vẫn ngự ở Kremlin
Nhật báo La Croixlo ngại trước "Ý định kéo dài chiến tranh của Moskva : Một cuộc chiến tiêu hao tại miền đông Ukraine", trong khi Hoa Kỳ rõ ràng đánh cược vào chiến thắng của Kiev. Nhà nghiên cứu Rob Lee cho rằng Ukraine có thể thu gọn lực lượng trên những địa điểm dễ bảo vệ hơn, hoặc tập trung cho các thành phố. Nếu bị mất đất nhưng khiến Nga bị thiệt hại nặng, đã có thể coi là thành công cho Ukraine. Giữa Kiev và Moskva bây giờ là một cuộc chiến của "các phương tiện". Phương Tây chừng như theo logic một cuộc chiến tranh kéo dài để giúp Ukraine thu hồi lại những vùng đất bị chiếm đóng từ 24/02, thậm chí cả phần đất Donbass bị quân ly khai do Nga giựt dây kiểm soát từ năm 2014.
Về phía Nga, không giành được thắng lợi quân sự, liệu Vladimir Putin có tìm kiếm một lối thoát hay muốn leo thang ? Hiện thời mọi dấu hiệu cho thấy Kremlin chuẩn bị về ngoại giao, quân sự và kinh tế cho một cuộc xung đột lâu dài ở Ukraine. Hai nhà nghiên cứu Anh Jack Watling và Nick Reynolds trong báo cáo ngày 22/04 nhận định Moskva muốn kéo dài chiến tranh. Về ngắn hạn là tấn công lớn vào Donbass và về trung hạn là một cuộc tiến công mùa hè để "đấu đến cùng" với Ukraine.
Trong những phát biểu chính thức, cuộc xâm lăng Ukraine được so sánh với "Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại" giữa Liên Xô và Đức quốc xã nhằm biện minh cho những thiệt hại vừa qua và chuẩn bị dư luận cho những hy sinh sắp tới. Tiến sĩ địa chính trị Jean-Sylvestre Mongrenier nhấn mạnh "Vladimir Putin không sẵn sàng chấp nhận một thất bại sẽ làm lung lay quyền lực và tính chính danh của ông ta. Hạn chế về quân sự buộc Putin phải hạ thấp mục tiêu, nhưng ý đồ chính trị vẫn là sự biến mất của một Ukraine độc lập, có chủ quyền".
Còn với Kiev, trong bài xã luận, La Croix đặt câu hỏi liệu Ukraine có tự hài lòng với việc quay lại tình hình trước cuộc xâm lăng, hay còn muốn chiếm lại những vùng đất ly khai, thậm chí thu hồi Crimea ? Cuộc chiến có nguy cơ dai dẳng, tách biệt Nga khỏi phần còn lại của Châu Âu đang đứng sau lưng Ukraine, mà việc Moskva cúp khí đốt đối với Ba Lan, Bulgaria hôm qua chỉ là khúc dạo đầu. Xung đột còn kéo dài một khi Vladimir Putin còn ngồi tại điện Kremlin.
Phong tỏa Thượng Hải : Cư dân kêu gào, người ngoại quốc dứt áo ra đi
Nhìn sang Châu Á, chính sách zero Covid của Tập Cận Bình thật sự đáng lo. Các báo đều có những bài bình luận, phóng sự chi tiết. Libérationmô tả "tại Thượng Hải, một sự trừng phạt tập thể không có hồi kết", đối với Le Monde là "Thượng Hải, chính sách phong tỏa tối đa".
Từ cuối tuần qua, những hàng rào kim loại được dựng lên xung quanh các tòa nhà, bảo vệ trực 24/24. Người dân bị xét nghiệm liên tục, những ai từ chối vì sợ lây nhiễm bị đe dọa mã y tế từ xanh sẽ bị đổi sang vàng. Mất mã xanh sẽ chịu nhiều hậu quả, nhất là khi muốn vào bệnh viện. Một phụ nữ kể lại với Le Monde, nửa đêm công an đến báo cho biết toàn bộ khu phố sẽ bị đưa đi cách ly. Cô phải mặc đồ bảo hộ trùm kín người, lên xe buýt cùng với nhiều hàng xóm đi tận 500 km đến tỉnh An Huy, vì Thượng Hải tuy có đến 300.000 chỗ nhưng đã đầy kín. Khu cách ly có tường bị ẩm, gián bò đầy phòng, nhà vệ sinh dơ bẩn…
Libérationnói thêm, cổng ra vào các khu nhà bị khóa, nếu hỏa hoạn khó thể thoát thân. Trên đường chỉ có những chiếc xe cấp cứu hiếm hoi di chuyển, những người giao hàng và nhân viên trong bộ đồ "phi hành gia" phun khử khuẩn những con đường vắng ngắt. Ngược với Vũ Hán năm 2019, mỗi gia đình có một người được ra ngoài đi chợ, các cơ sở thương mại đều bị đóng cửa. Chính quyền nói bảo đảm cung cấp thực phẩm, nhưng thực tế không đáp ứng nổi. Một cô gái cho biết trong 29 ngày chỉ nhận được hai gói hàng nhỏ gồm một ít rau củ, bánh khô và sữa. Một người Pháp thổ lộ đành phải ăn ngày một bữa : thực phẩm bán chui khó mua và giá trên trời : 80 euro một giỏ trái cây, 57 euro cho hai miếng sườn cốt-lết.
Khó chấp nhận nhất là việc tách rời trẻ em với cha mẹ. Khi Henri và Zoé, một cặp vợ chồng Pháp được báo hai đứa con sẽ bị đưa đi cách ly, họ chặn cửa ra vào và rốt cuộc được yên ổn sau khi lãnh sự Pháp phải thương lượng 5 tiếng đồng hồ qua điện thoại. Không ít người ngoại quốc quyết định rời Hoa lục, nhưng trước hết phải tìm được một chuyến bay, lấy lại hộ chiếu nếu bị giữ, xin giấy phép di chuyển đặc biệt, tìm được taxi - đôi khi bị đòi đến 900 euro để ra sân bay. Cặp vợ chồng trên quyết đi "một đi không trở lại", dù mất tiền cọc và nhiều tháng tiền thuê nhà đã trả trước.
Trung Quốc đang "Bắc Triều Tiên hóa"
Le Mondenhận định "Tập Cận Bình vấp phải thất bại của chiến lược zero Covid". Việc phong tỏa khắc nghiệt Thượng Hải và sắp tới là Bắc Kinh tỏ ra không hiệu quả, nhưng trước thời điểm đại hội đảng, mọi chỉ trích đều bị bóp nghẹt. Các tỉnh đang đề cử 2.300 đại biểu, Tập Cận Bình được "bầu" làm đại biểu Quảng Tây, và sẽ tiếp tục làm chủ tịch nước nhờ đã sửa đổi Hiến pháp. Những nhà lãnh đạo khác là ai, thường trực Bộ Chính trị thay đổi thế nào, ai sẽ thay Lý Khắc Cường năm 2023… ?
Chưa ai biết được, nhưng trước mắt mọi kêu rêu về tình trạng Thượng Hải đều vô ích. Ngay cả nhà dịch tễ học nổi tiếng Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), từng được tặng thưởng trong giai đoạn Vũ Hán cũng bị kiểm duyệt trên internet vì dám viết rằng zero Covid không hiệu quả. Một số người nhận xét Trung Quốc đang "Bắc Triều Tiên hóa" với nạn sùng bái cá nhân ông Tập.
Theo chuyên gia Valérie Niquet, biến thể Omicron bộc lộ hạn chế của chế độ Bắc Kinh. Trung Quốc tuy đã mua lại giấy phép phân phối Pfizer, nhưng do dân tộc chủ nghĩa, lại không muốn sản xuất dù biết rằng vac-xin nội địa kém hiệu quả. Cũng như với Nga, các nhà đầu tư bỗng ý thức được những rủi ro phía sau bộ mặt tưởng chừng chắc chắn, của một chế độ chỉ nhằm phục vụ một người hay một nhóm người. Nhưng trầm trọng nhất là giới trung lưu, xưa nay chấp nhận đổi tự do chính trị lấy thú vui tiêu thụ, đã bị đánh mạnh. Đại dịch rồi sẽ qua, nhưng "con sâu đã làm tổ trong trái cây".
"Con sói" thò chân vào đảo quốc Thái Bình Dương, Úc, Pháp, Mỹ cảnh giác
Tại Thái Bình Dương, La Croixkhông quên nhắc nhở "Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng quân sự" ở khu vực này. Việc ký một thỏa thuận an ninh với quần đảo Salomon hôm 19/04 là cú sốc lớn cho tất cả láng giềng. Ian Kemish, cựu cao ủy Úc (tương đương đại sứ của khối Thịnh vượng chung) tại Papouasia-New-Guinea cho rằng đó là "chiến thắng về chiến thuật quan trọng của Bắc Kinh trong chiến lược tạo ảnh hưởng ở Thái Bình Dương". Nhà nghiên cứu Anne-Marie Brady của đại học Canterbury (New Zealand) lo ngại vì các Nhà nước Thái Bình Dương đã có những hiệp ước an ninh cần thiết, và việc quân đội Trung Quốc xâm nhập được một số khu vực quan trọng đe dọa an ninh của toàn bộ vùng này.
Quần đảo Salomon vốn nằm trên tuyến đường hàng hải chiến lược giữa Châu Á và Hoa Kỳ. Chuyên gia Alexandre Dayant cảnh báo "Nếu Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại Salomon, sẽ xáo trộn thế trận. Úc sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống quốc phòng". Những tháng gần đây hải quân Trung Quốc có những hoạt động dọ thám trên biển đến tận Tân Calédonie. Paris đã phản ứng trước thỏa thuận không minh bạch này, khẳng định "Pháp hiện diện tại Nam Thái Bình Dương (Tân Calédonie, Tahiti) và phía sau là Liên Hiệp Châu Âu", cam kết duy trì "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, tôn trọng luật pháp quốc tế". Washington tất nhiên lo ngại một căn cứ hải quân trong khu vực sẽ giúp Trung Quốc tung hoành ở rất xa biên giới.
Thụy My