Macron : Những thách thức kinh tế trong 5 năm tới
Tổng thống Emmanuel Macron sau khi tái đắc cử đang phải đương đầu với một cánh tả "hung hăng" và Ukraine dường như có thể đánh bại Nga là hai chủ đề chính được các nhật báo Pháp hôm 27/04/2022 quan tâm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn mừng tái đắc cử cùng cảm tình viên tại Paris, 24/04/2022. AP - Christophe Ena
Nhật báo Le Monde nói về lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon liên tục chỉ trích tổng thống Macron sau khi ông tái đắc cử. Điều này đã dự báo từ trước và không phải là một bất ngờ. Trước khi vòng hai cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, những người ủng hộ Emmanuel Macron lo ngại sẽ phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt của ông Mélenchon.
Chiến thắng của ông chủ điện Elysée vừa được công bố hôm 24/04, thủ lĩnh cánh tả cực đoan đã ngay lập tức khẳng định ông Macron là "tổng thống có tỷ lệ phiếu bầu tồi tệ nhất trong số các tổng thống của Đệ ngũ Cộng hòa". Ông Mélenchon cáo buộc : "Chế độ quân chủ của ông ta tồn tại một cách mặc định", bởi vì "chế độ này trôi nổi trong một đại dương của các phiếu trắng, và những lá phiếu không hợp lệ".
Những cáo buộc bất hợp pháp ngay lập tức bị những người ủng hộ ông Macron lên án. Dẫn đầu là cựu bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner, đã chỉ trích "trò chơi nguy hiểm" của "kẻ nổi loạn", ông Castaner cáo buộc ông Mélenchon đã tung "tin giả".
Trên thực tế, những chuyên gia của Le Monde đã chứng minh rằng khẳng định của ông Mélenchon là sai lầm, bởi với chiến thắng ở vòng hai với 18,8 triệu phiếu (58,54%) so với 13,3 triệu cho Marine Le Pen (41,46%), ông Macron không phải là người nhận được ít phiếu nhất trong số các tổng thống của nền Cộng hòa thứ năm, cả về tỷ lệ phiếu bầu (ông vượt François Mitterrand năm 1981 và 1988 và cả Nicolas Sarkozy năm 2007), mà cả về số phiếu bầu (nhiều hơn François Hollande vào năm 2012), và thậm chí về tỷ lệ phần trăm số lượng cử tri đã đăng ký (nhiều hơn so với Georges Pompidou vào năm 1969). Ông Castaner cảm thấy phẫn nộ khi mặc dù tổng thống Macron chiến thắng với một tỷ lệ và số phiếu bầu không hề thấp, nhưng ông vẫn bị các đảng phái cho rằng chiến thắng một cách không xứng đáng
Tổng thống của "thiểu số" người Pháp
Những ủng hộ viên của ông Macron tiếp tục chỉ trích và cáo buộc ông Mélenchon có thái độ của một "kẻ thua cuộc tồi tệ".
Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Châu Âu, Clément Beaune, khẳng định hôm 25/04 trên kênh truyền hình CNews rằng với những lời nói dối, ông Mélenchon đã không tôn trọng chính cử tri của mình. "Đối với Jean-Luc Mélenchon, một cuộc bầu cử mà ông ấy không thắng là một cuộc bầu cử không tồn tại", phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal đã nói như vậy trên kênh BFM-TV. Vào năm 2017, ông Mélenchon cũng đã từng có những phản ứng tương tự khi ông không lọt vào vòng hai.
Vào tối Chủ nhật, 24/04, Mélenchon và những người ủng hộ ông còn nói thêm rằng ông Macron là một tổng thống của "thiểu số" người Pháp.
Ngự ở vị trí thứ ba sau vòng một cuộc bầu cử tổng thống với gần 22% phiếu bầu, lãnh đạo của LFI đã để mắt đến cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 12 và 19 tháng 6 tới. Dự định dẫn đầu một phong trào mới mang tên "Liên Hiệp Nhân Dân" bao gồm LFI và một số đảng cánh tả khác, ông Mélenchon đặt mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu mà ông gọi là "vòng ba", tức cuộc bầu cử lập pháp, với hy vọng buộc tổng thống Macron phải "sống chung" với một đa số cánh tả tại Quốc hội.
Cũng từ hôm Chủ nhật, ông Mélenchon đã kêu gọi người Pháp "bầu ông làm thủ tướng", tức có đa số tại Quốc hội, trước khi hướng về các cử tri của mình và hô vang : "Đừng cam chịu, trái lại, hãy hành động !" .
Những thách thức kinh tế trong 5 năm tới
Cũng theo tờ Le Monde, khi đối mặt với một xã hội đang rạn nứt hơn bao giờ hết, Emmanuel Macron sẽ phải giải quyết các dự án kinh tế lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng trong khi cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp tục làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu, Nhà nước sẽ phải cố gắng duy trì sức mua của người Pháp và tránh tình trạng thất nghiệp tái diễn, đồng thời kiểm soát tài chính công, bằng cách duy trì những nỗ lực đã thực hiện, để thúc đẩy tái công nghiệp hóa đất nước. Đồng thời phải tổ chức quá trình chuyển đổi năng lượng và ứng phó với thách thức khí hậu.
Tăng trưởng ít hơn, lạm phát cao hơn và kéo dài hơn và một tương lai không chắc chắn. Đó là dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đối với nhiệm kỳ thứ hai của mình, tổng thống Emmanuel Macron không nên tin tưởng vào những con số của sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ được quan sát vào năm 2021, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 7%, nhưng đó là lúc Nga chưa tấn công Ukraine khiến năng lượng và một số nguyên liệu thô tăng đột biến.
Lạm phát lên tới 7,4% trong khu vực đồng euro vào tháng 3, hiện được kiềm chế ở mức 4,5% tại Pháp, nhờ các biện pháp của chính phủ. Nhưng lạm phát có thể ở mức 5% trong trung hạn. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô, ông Bruno de Moura Fernandes, tại cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Coface lập luận : "Chúng ta ngày càng tiến tới một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Về cơ bản, áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong những quý tới".
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sau đó sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất chính, một việc mà cơ quan này vẫn chưa làm. "Nếu tôi tăng lãi suất ngày hôm nay, điều này sẽ không làm giảm giá năng lượng bởi 50% lạm phát có liên quan đến giá năng lượng", chủ tịch ECB Christine Lagarde tuyên bố như trên trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/04 với kênh truyền hình Mỹ CBS.
Câu hỏi đặt ra là ECB có thể giữ lập trường này trong bao lâu, vì các định chế tiền tệ khác trên thế giới đã bắt đầu tăng lãi suất. Theo ông De Moura Fernandes, kịch bản lạm phát đình trệ dường như không thể tránh khỏi, đặc biệt là nếu các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn được thực hiện nhắm vào Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, ở Pháp, một số chỉ số vẫn ở mức ổn định. Các hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ vẫn rất sôi động trong quý đầu tiên. Các công ty vẫn tiến hành việc tuyển dụng nhân viên. Chúng ta đang phải đối mặt với một cú sốc có bản chất hoàn toàn khác với cuộc khủng hoảng liên quan đến Covid-19. Và mọi người đang theo dõi sát sao mức độ tiêu dùng, có thể bị tác động bởi sức mua bị giảm, từ đó làm ngưng trệ toàn bộ guồng máy kinh tế.
Emmanuel Jessua, nhà kinh tế tại viện Rexecode cho biết : "Rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế trong ngắn hạn là lạm phát". Theo tính toán của viện này, việc tăng giá sẽ tiêu tốn của các hộ gia đình 30 tỷ euro trong năm nay, tương đương 2% thu nhập của họ. Một con số khổng lồ chưa từng có trong bốn mươi năm qua.
Liệu Ukraine có đánh bại được Nga không ?
Nhật báo thiên tả Libération chạy tựa trang nhất như trên. Xã luận tờ báo cho hay, theo một số tuyên bố thì cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới và căng thẳng sẽ không hạ nhiệt trong nay mai. Trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu luôn thận trọng trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi nước này bị Nga xâm lăng, tin rằng Nga dường như sẽ cầm chắc phần thắng do thực lực hai bên quá chênh lệch, giờ đây cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu đều đã bất ngờ thay đổi lập trường. Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Kiev hôm Chủ nhật vừa rồi là một manh mối đầu tiên cho sự thay đổi về mặt chiến thuật này, nhất là khi bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin vốn ít khi công du nước ngoài cũng đi cùng ông Blinken.
Bằng việc tăng cường cả về mặt số lượng cũng như chất lượng những vũ khí được giao cho Ukraine, hai bộ trưởng Mỹ đã nói một cách dứt khoát rằng họ muốn "tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi nước này chiến thắng" và "làm suy yếu Nga". Đây là một thay đổi thực sự trong chiến thuật của Hoa Kỳ khi chúng ta thấy rằng hồi đầu cuộc chiến tranh, các lãnh đạo phương Tây vẫn còn e dè không muốn gây hấn với tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhật báo công giáo La Croix cũng có bài viết nói về việc Hoa Kỳ đang huy động các quốc gia đồng minh để giúp Ukraine thắng Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói như trên khi ông mở đầu cuộc họp với đại diện của khoảng bốn mươi quốc gia, trong đó có các nước thành viên hoặc không của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ, ở Đức.
Trong một cuộc họp kín, cùng với sự góp mặt của bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiï Reznikov, tướng Mark Milley, tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đưa ra một đánh giá khá ảm đạm về giai đoạn mới của cuộc chiến. Ông nói : "Thời gian không ủng hộ Ukraine. Kết quả của trận chiến này sẽ phụ thuộc vào những người trong căn phòng này. Hai, ba, bốn tuần tới sẽ định hình kết quả chung của cuộc chiến này".
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, cuộc gặp nhằm chia sẻ "hiểu biết chung" về nhu cầu an ninh trong thời gian tới của Ukraine và khả năng đáp ứng của các căn cứ công nghiệp quốc phòng của các đồng minh. Các nước như Israel và Qatar đã tham gia cuộc họp, mặc dù họ không có tên trong danh sách chính thức. Việc Hoa Kỳ mời cả các quốc gia không nằm trong NATO, chẳng hạn như Kenya, Tunisia và Nhật Bản, là một phần của nỗ lực mở rộng sự hỗ trợ đáng kể và mang tính biểu tượng cho Ukraine vượt ra ngoài Châu Âu và NATO.
Bắc Kinh sợ đi theo vết xe đổ của Thượng Hải
Nhìn sang Châu Á, nhật báo Les Echos có bài viết nói về Bắc Kinh đang trong tình trạng hỗn loạn. Thủ đô Trung Quốc hôm 26/04 đã mở rộng chiến dịch sàng lọc cho 22 triệu dân với hy vọng cắt giảm sự lây lan của biến thể Omicron, trước khi tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Trong khi người dân lo ngại về tình trạng bị cách ly khắc nghiệt như ở Thượng Hải, các cơ quan y tế Bắc Kinh đã kêu gọi cư dân của 12/16 quận thực hiện ba xét nghiệm PCR trong tuần này. Quy mô của chiến dịch xét nghiệm này lớn chưa từng có ở Bắc Kinh kể từ khi đại dịch nổ ra ở Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Mặc dù số trường hợp dương tính được xác định vẫn còn hạn chế (100 trường hợp kể từ tuần trước ở thủ đô Trung Quốc, trong đó có 33 trường hợp được công bố vào thứ Ba), nhưng do tốc độ lây nhiễm chóng mặt của biến thể Omicron khiến Thượng Hải bị khốn đốn đã làm cho Bắc Kinh phải cảnh giác cao độ.
Tính đến thứ Hai, 3,5 triệu cư dân của quận Triều Dương, nơi đông dân nhất thành phố và là trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia, văn phòng, đại sứ quán đã được xét nghiệm sau khi những trường hợp dương tính đầu tiên đã được phát hiện vài ngày trước đó. Chính quyền địa phương sau đó đã quyết định mở rộng các chính sách xét nghiệm đối với toàn bộ người dân thủ đô.
Phan Minh