Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cực hữu thắng vòng 1, hồi kết của kỷ nguyên Macron bắt đầu ?

Nỗi lo đã thành sự thật : cực hữu dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng một. Libération ngày 01/07/2024 kêu gọi "Đoàn kết lại sau cú sốc", Les Echos coi là "Hồi kết của một kỷ nguyên". La Croix chạy tít "Mặt trận cộng hòa : Một tuần để chọn lựa", Le Monde cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "mặt trận cộng hòa". Le Figaro nói về "Cuộc chiến giữa Bardella (cực hữu) và Mélenchon (cực tả)", coi đây là "Bi kịch Pháp".

hoiket1

Người biểu tình chống đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) đốt một rào chắn tại quảng trưởng République, Paris sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội vòng một, ngày 01/07/2024. Reuters - Fabrizio Bensch

Thảm họa do Macron tự gây ra

Le Figaro cho rằng khi các nhà sử học sau này viết về vụ giải tán Quốc hội, sẽ chỉ có mỗi một chữ : thảm họa. Emmanuel Macron hầu như có tất cả : còn ba năm ngự trị tại Élysée, một đa số tương đối ở Quốc hội, một đảng đang hoạt động tốt, một lượng cử tri căn bản tuy hẹp nhưng vững chắc, một quyền lực không thể tranh cãi. Ông đã mất tất cả, trừ Élysée.

Macron muốn một khối trung dung, chia rẽ cánh tả, cô lập cực hữu, những tính toán này đều sai lầm. Tổng thống muốn "chận đường các phe cực đoan", nhưng rốt cuộc cực hữu và cực tả đều cao phiếu hơn bao giờ hết. Bị kẹt giữa hai thái cực, nước Pháp đứng trước viễn cảnh phiêu lưu chính trị hoặc tê liệt định chế : hai mặt của một cuộc khủng hoảng chế độ. Tất nhiên trong một cuộc bỏ phiếu hai vòng, kết quả vòng đầu chưa phải là chắc chắn, có thể xảy ra nhiều việc khác giữa hai vòng.

Tuy vậy sự phân cực rất rõ, thông qua cuộc song đấu RN-LFI ở nhiều nơi, hay những cuộc đấu tay ba. Cử tri đứng trước thế lưỡng nan về chính trị và đạo đức. Đây không phải là sự đối đầu thiện ác, mà là một bi kịch, khi chỉ có những giải pháp tồi để chọn lựa. Chương trình của Tập Hợp Dân Tộc (RN) rất đáng lo, nhưng đối mặt là phe bài Do Thái, cánh tả thân Hồi giáo, hận thù giai cấp, ảo tưởng thuế khóa... Dưới sự thống trị của Nước Pháp Bất Khuất (LFI), Mặt trận Bình dân Mới là véc-tơ của một ý tưởng sẽ làm lụn bại đất nước.

Cực hữu sẽ gặm nhấm dần tự do dân chủ

Libération lưu ý : Có đến 12 triệu người bỏ phiếu cho một đảng cực hữu kỳ thị chủng tộc, phản lại tư tưởng cộng hòa, so với 3 triệu khi Emmanuel Macron mới lên làm tổng thống năm 2017. Tuy vậy không phải là chủ nghĩa phát-xít sẽ đến, mà là phi tự do đang rình rập. Trách nhiệm của phe Macron cũng như các cử tri ôn hòa là rất lớn : Trong một tuần lễ nữa, kỷ nguyên chính trị có thể thay đổi, bước vào một thời kỳ bất định khi những người nắm quyền không thích dân chủ tự do với các cơ chế thăng bằng của nó.

Chủ nghĩa phi tự do đến một cách âm thầm, bắt đầu từ tính chính danh nhờ chiến thắng, được bầu lên bởi lớp người bình dân nhất trong dân chúng. Nó không tuyên bố kế thừa tự do dân chủ, nhưng khẳng định là lời đáp cho sự bất lực của chế độ này. Người cầm quyền không áp đặt một chương trình hủy diệt tự do một cách rõ rệt, nhưng đây là mục đích. Tư pháp cố buộc tôn trọng Nhà nước pháp quyền, báo chí tiết lộ việc lũng đoạn thông tin và tố cáo những mờ ám, các định chế được thành lập để để ngăn chặn sự tùy tiện của chính quyền... đều bị coi là những trở ngại cần đưa vào trật tự.

Bà Marine Le Pen, trong những ngày gần đây, mỗi lần xuất hiện trước truyền thông đều vẽ ra một bức tranh của nước Pháp như trong cảnh tận thế. Theo bà thì Pháp đang lụn bại, bên bờ vực nội chiến, hầu như phá sản ; trường học, bệnh viện không hoạt động được ; các thành phố đang bị Hồi giáo hóa và do bọn buôn ma túy kiểm soát. Một sự bôi đen như vậy là khởi đầu để biện minh cho những biện pháp đặc thù ngoài khuôn khổ pháp lý.

RN, một chính phủ vừa cứng rắn vừa bất tài ?

Sự cực đoan của RN cũng đáng lo như sự thiếu chuẩn bị của đảng này. Khả năng chỉ tám ngày nữa một chính phủ cực hữu không có nổi danh sách các nhân vật có năng lực và khả tín, cộng thêm vào nguy cơ biến tướng. Phe Macron, mà cơ sở ban đầu là chừng mực và lý trí, theo nhật báo thiên tả là nên ý thức trách nhiệm, và cử tri ôn hòa nên ủng hộ mọi ứng cử viên có thể đánh bại cực hữu.

La Croix nhận định kết quả của RN là lịch sử, cao hơn 15 điểm so với năm 2022, đưa Jordan Bardella đứng trước cánh cửa quyền lực. Tuy vậy vẫn chưa là hồi kết cho phía Macron, liên minh cầm quyền chống chọi được hơn mức chờ đợi. Một chiến dịch mới mở ra cho vòng hai, và nhật báo công giáo lạc quan cho rằng từ sự rối loạn hiện nay, có thể nổi lên một đa số xứng đáng với các giá trị của nền cộng hòa.

"Nhiệm kỳ 7 năm" của Macron khá thành công về kinh tế  

Đối với Les Echos, ngày 30/06/2024 đánh dấu cho hồi kết "nhiệm kỳ 7 năm" của Emmanuel Macron : một nhiệm kỳ thứ nhất 5 năm và một mẩu của nhiệm kỳ thứ hai bị chính ông phá hoại. Dù kết quả vòng hai như thế nào đi nữa, giờ đây là lúc nhìn lại những gì Macron đã thực hiện trong thời gian qua. Ông để lại một nước Pháp bị chia thành nhiều mảnh, cực đoan hóa, với trên 450 ghế dân biểu có thể rơi vào tay cực hữu và cực tả. Một nước Pháp giận dữ coi cuộc bỏ phiếu này là cuộc trưng cầu dân ý chống lại Macron, với tỉ lệ đi bầu kỷ lục 68%, khiến tổng thống sẽ phải đối mặt với một thủ tướng thù địch.

Về kinh tế, thành quả của Emmanuel Macron là thất nghiệp ở mức thấp nhất, tìm lại được tính cạnh tranh trên trường quốc tế, bắt đầu tái kỹ nghệ hóa. Những tập đoàn Pháp về hàng không, hàng xa xỉ, du lịch, năng lượng, tài chánh, kỹ thuật số vượt lên dẫn đầu ; trên 2,7 triệu người Pháp trở thành chủ công ty...

Vậy thì tại sao có "Áo Vàng" ? Tại sao có cảm giác bị xuống cấp, các bậc cha mẹ nghĩ rằng tương lai con cái sẽ tệ hơn, lớp người được ưu đãi không quan tâm đến người nghèo, chỉ có giới tinh hoa mới được lợi trong toàn cầu hóa ? Jacques Chirac có lẽ không phải là một tổng thống thật giỏi nếu xét về kết quả, nhưng người Pháp cảm thấy ông thương dân và tôn trọng dân.

Lịch sử của những năm gần đây dạy cho chúng ta rằng không thể nào biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong ba năm tới, cũng như trong bảy ngày sắp tới. Tối Chủ nhật, Emmanuel Macron đã bắn đi những phát đạn cuối cùng khi kêu gọi một ngày 07/07 "tập hợp rộng rãi phe dân chủ và cộng hòa" - mà dù sao đi nữa ông cũng không còn là thủ lãnh.

Chiến tranh chưa thấy lối ra, phân nửa dân số Ukraine cần hỗ trợ tâm lý

Nhìn sang Ukraine, Les Echos cho rằng việc bình thường hóa chiến tranh là khó thể chịu đựng. Phân nửa dân số Ukraine giờ đây cần được hỗ trợ tâm lý. Bên cạnh nỗi lo thường trực, còn có sự bất định về hồi kết của cuộc chiến, dường như vẫn còn rất xa.

Đối với người Pháp, tháng 7 và tháng 8 đồng nghĩa với kỳ nghỉ, bãi biển và những ca khúc mùa hè vui tươi. Với người Ukraine, âm thanh của mùa hè 2024 là tiếng động rì rào của máy phát điện trên đường phố, cộng với những hồi còi báo động. Từ hơn hai năm qua, cuộc sống thường nhật của người dân có thể bị kết thúc bất kỳ lúc nào vì một hỏa tiễn đạn đạo hay drone Nga. Một số bị tử thương khi chờ xe buýt đến sở làm, người khác bị thiệt mạng khi đang đi dạo hay còn đang say giấc trên giường.

Một số cố không nghĩ đến chiến tranh và sự tàn bạo của nó, số khác sống với điện thoại trên tay, theo dõi trực tiếp tình hình chiến sự thông qua các kênh Telegram, chương trình thỉnh thoảng được điểm xuyết bằng những cuộc lạc quyên để mua drone, mua xe hay thiết bị Starlink cho chiến trường. Trên các đường phố Kharkiv, Kiev, Dnipro, những áp-phích kêu gọi tham gia quân đội, cảnh sát, vệ binh quốc gia đã thay cho những bảng quảng cáo dầu thơm, xe hơi. Người Ukraine biết rằng sự can đảm của họ không đủ để đánh bại quân Nga, và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những tuyên bố của tổng thống Pháp, thủ tướng Đức được họ theo dõi sát sao.

Tất cả mọi người đều có bạn bè, người thân, người quen biết đang chiến đấu, và tất cả đều mất đi ít nhất một người bạn, người quen. Trong mỗi thành phố Ukraine, những lá cờ hai màu xanh vàng nở rộ trên các ban-công, cửa sổ, trên trang phục. Chiến tranh đè nặng lên cuộc sống. Theo Bộ Y tế, gần phân nửa dân số, tức 15 triệu người cần được trợ giúp tâm lý, và 3 đến 4 triệu người Ukraine cần đến thuốc men chống trầm cảm. Một cuộc khủng hoảng y tế mà Nhà nước Ukraine khó thể đối phó.

Đói, lạnh, bóng tối không đáng sợ bằng "tình hữu nghị với Nga"

Bất chấp hàng mấy chục ngàn thậm chí hàng trăm ngàn lính Nga đã thiệt mạng, bị thương tật hay mất tích, Vladimir Putin vẫn không từ bỏ mục tiêu. Nếu ở phương Tây một số người cho rằng Putin sẵn sàng thương lượng, ông chủ điện Kremlin vẫn đòi hỏi Ukraine phải đầu hàng.

Một khi "phi quân sự hóa" và bị tước đoạt Crimea, Donbass, Zaporijjia và Kherson, Ukraine sẽ lại bị trói buộc vào kẻ đô hộ trong lịch sử. Mọi người đều hiểu được số phận chờ đợi khi lại rơi vào tay Nga : lưu đày, tra tấn, hành quyết, Nga hóa. Đó là những gì đã diễn ra tại các vùng đất bị chiếm đóng. Sách giáo khoa lịch sử bị đốt, tên các làng mạc, thành phố bị đổi thành tên Nga, tiếng Ukraine bị cấm sử dụng. Putin muốn "phi phát-xít hóa" một đất nước đa văn hóa, đa tôn giáo, có tổng thống là người gốc Do Thái và cực hữu không lọt nổi vào Quốc hội.

Mặc cho oanh tạc, cúp điện… 71% người Ukraine bác bỏ mọi nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, và hầu hết mong muốn Ukraine trở thành thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Hỏa tiễn Nga tiếp tục rơi xuống cơ sở hạ tầng năng lượng, nhưng như tổng thống Volodymyr Zelensky đã khẳng định hôm 11/09/2023 khi bom Nga liên tục đe dọa nhà máy nhiệt điện Kharkiv : "Đói, lạnh, bóng tối không làm chúng tôi sợ hãi bằng tình hữu nghị của các vị. Nhưng lịch sử sẽ lập lại trật tự, và chúng tôi sẽ lại có khí đốt, ánh sáng, nước, thực phẩm. Nhưng không có các vị !".

Gamlet Zinkivsky, nghệ thuật trong chiến tranh

Người họa sĩ đường phố nổi tiếng nhất Ukraine, Gamlet Zinkivsky, từ khi khởi đầu chiến tranh đã tặng cho thành phố Kharkiv quê hương khoảng 80.000 euro tiền bán tranh - một số tiền đáng kể ở một nước mà lương tháng trung bình chưa đầy 350 đô la - để mua drone, xe cộ, hệ thống gây nhiễu sóng... Ông nói với Libération có khả năng mua được năm, sáu căn hộ "Nhưng để làm gì ? Một quả rốc-kết rơi xuống và nhà sẽ chẳng còn".

Kharkiv là một trong những thành phố phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề. Chỉ cách biên giới Nga 30 kilomet, thành phố lớn thứ nhì Ukraine là mục tiêu chính ngay từ ngày đầu. Quân Nga tấn công với tất cả những gì có được : hỏa tiễn, drone, đại pháo ồ ạt trút vào hơn cả Kiev, khiến từ 1,4 triệu dân chỉ còn 400.000 dân, hầu hết sống trong hầm nhà hay trạm xe điện. Gamlet Zinkivsky cũng di tản nhưng hai tháng sau quay về xin đi chiến đấu, nhưng người chỉ huy nói rằng anh sẽ hữu ích hơn khi tiếp tục làm công việc của họa sĩ.

Gamlet bán tranh và ảnh chụp lấy tiền giúp quân đội, nhưng cũng vẽ lên tường các tòa nhà, xưởng máy, những công trình bị phá hủy… nhiều tác phẩm hội họa để tố cáo chiến tranh. Theo ông, phương Tây không hiểu gì về Putin, một kẻ ma mãnh chuyên đánh lừa, nhất là với những đe dọa về vũ khí nguyên tử. Là họa sĩ tên tuổi quốc tế, Gamlet Zinkivsky vẫn muốn trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng đến nay đã có sáu, bảy lữ đoàn trưởng từ chối nhận – những bức tranh của ông cũng là vũ khí.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Tổng thống Pháp họp với đảng phái đối lập : Đồng thuận về Ukraine và "đối thoại" vì lợi ích chung

Thời sự trong nước là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp hôm nay, 01/09/2023. Les Echos Le Figaro chú ý đến "áp lực lạm phát". Cuộc họp kín 12 giờ giữa tổng thống Emmanuel Macron và lãnh đạo các đảng phái lớn ở Quốc hội là chủ đề chính của hầu hết các báo. Cuộc họp được một bộ phận chính giới và truyền thông đánh giá là "lịch sử", mở đường khai thông thế bế tắc chính trị. Nhiều đảng phái đối lập thất vọng, nhưng chấp nhận tham gia một phiên họp tương tự.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 21/07/2023. AP - Christophe Ena

Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài khen ngợi "Một thành công chiến thuật của Emmanuel Macron", với ghi nhận : "Một lần nữa ông Macron lại giành được huy chương vàng trong môn thi ứng xử giỏi".

Kịch bản bỏ về sớm không xảy ra

Le Figaro ghi nhận thành công của tổng thống Macron trước hết vì "lẽ ra nhiều lãnh đạo đảng phái đối lập có thể đã không nhận lời mời", "nhiều người có thể đã đe dọa sẽ rời phiên họp sớm". Nhưng rút cục kịch bản ấy đã không xảy ra. Tất cả đã ngồi lại đến 3 giờ 15 phút sáng, ngày hôm qua 31/08, sau 12 giờ họp liên tục. Và "tất cả đều chấp nhận sẽ ngồi vào bàn cùng nhau một lần nữa".

Le Figaro ghi nhận, tổng thống Macron đã tạo được "sự chuyển động" trong đời sống chính trị Pháp đúng vào lúc phe cầm quyền có nguy cơ "sa lầy", trong bối cảnh liên đảng cầm quyền không có đa số quá 50% trong Quốc hội, và nội bộ phân hóa. Tại sao tổng thống Macron lại làm được điều này ? Theo Le Figaro, bởi mỗi bên tham gia cuộc họp "thấy được lợi ích của mình". Tuy nhiên, Le Figaro cảnh báo, "điều khó khăn nhất là biến một sự kiện thành công như vậy thành một tiến trình mang lại lợi ích thực sự". Nhật báo thiên hữu tin tưởng lãnh đạo các nhóm nghị sĩ lớn trong Quốc hội tham gia cuộc họp với tổng thống "dường như chia sẻ đòi hỏi chung… về việc xem xét lại các phương thức vận hành của nền dân chủ" Pháp.

Xa cách hẳn với không khí bạo lực cực độ tại Quốc hội

Cũng Le Figaro có bài "Chúng ta ở cách xa hẳn với không khí bạo lực cực độ tại Quốc hội", mô tả một số diễn biến chính của cuộc họp đặc biệt này, qua lời kể của một số lãnh đạo các nhóm nghị sĩ tham dự cuộc họp. "Không khí bạo lực cực độ" nhắc đến tình trạng căng thẳng cao độ tại Quốc hội, với đỉnh điểm là cuộc cải cách hưu trí đầu 2023 bị các đảng phái cánh tả phản đối dữ đội. Nhật báo thiên hữu dẫn lời các lãnh đạo cánh tả, khẳng định cuộc họp đã diễn ra trong không khí "nghiêm túc, cân bằng, xây dựng" (lãnh đạo Đảng cộng sản Fabien Roussel), "không khí thiện chí" (lãnh đạo đảng Xã hội Oliver Faure)…

Tạo không khí tin cậy

Nhật báo kinh tế Les Echos dành mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị" cho cuộc họp nói trên, với bài "Macron : Người có trăm phương nghìn cách để làm bối rối các đảng phái". Tương tự như Le Figaro, Les Echos ca ngợi thành công của tổng thống Macron. Điều mà ông Macron đã làm được trước hết, theo Les Echos, là tạo được "sự tin cậy" (theo Le Monde, tất cả lãnh đạo các đảng phái, chủ tịch lưỡng viện và kể cả tổng thống đều bỏ điện thoại di động trước khi vào họp. Không có bất kỳ trợ lý tổng thống nào tham dự cuộc họp).

Chủ đề cuộc xâm lăng Ukraine của Nga đã được chọn để mở đầu. Tổng thống đã trình bày cặn kẽ vấn đề này trước lãnh đạo các đảng đối lập với các bản đồ do cơ quan tình báo cung cấp. Theo nguồn tin của Les Echos, đây là các tài liệu mật. "Chia sẻ tài liệu mật chứng tỏ sự tôn trọng và lòng tin". Và đây chính là điều không hề quen thuộc với lãnh đạo các đảng đối lập. Và họ đã chấp nhận lắng nghe ông Macron. Theo Les Echos, cuộc họp này "chắc chắn không phải là một cuộc cách mạng, hay một thời điểm lịch sử, như điều mà giới thân cận với tổng thống ca ngợi quá nhanh chóng, nhưng là một diễn biến chính trị có lợi cho tổng thống".

Ukraine – chủ đề đồng thuận

Chính sách hậu thuẫn Ukraine của Pháp là điều mà lãnh đạo tất cả đảng phái tham dự, từ cực hữu cho đến cực tả đều đồng thuận cao. Le Monde nhấn mạnh đến đồng thuận đặc biệt này. "Điện Elysée không bỏ lỡ dịp sau cuộc họp kín nhấn mạnh về "sự ủng hộ tuyệt đối của giới chính trị với chính sách này", vốn bị cựu tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy lên án. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất - LFI, Manuel Bombard, cũng nhấn mạnh đến việc tổng thống Macron ghi nhận không có phần tử thân Putin nào tại bàn họp, và không có bất cứ một đảng phái nào ủng hộ cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraine". Nhận định nói trên là để gián tiếp phản bác các chỉ trích là đảng LFI thân Nga, và nhắc gợi đến quan điểm của lãnh đạo đảng cựu hữu Tập hợp Dân tộc Marine Le Pen, bị đích thân tổng thống cáo buộc "thân Putin".

Macron nhân nhượng cho cánh tả một "hội nghị về xã hội"

Về chủ đề cuộc họp đặc biệt giữa tổng thống với các đảng phái lớn, Le Monde chạy trang nhất : "Macron nhân nhượng cho cánh tả một hội nghị xã hội". "Hội nghị xã hội" tức hội nghị bàn về những người lao động có mức thu nhập dưới mức lương tối thiểu (SMIC). Bài "Vấn đề đời sống của người Pháp chỉ bắt đầu được bàn đến sau lúc nửa đêm" của Le Monde cho biết thái độ dè dặt các lãnh đạo cánh tả trước đề xuất của tổng thống. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Xanh Marine Tondelier nhắc lại bài học về các sáng kiến trước đó "gây thất vọng", như cuộc Thảo luận Toàn quốc sau bạo động Áo Vàng, hay Hội nghị Công dân về Khí hậu, trong lúc lãnh đạo đảng Xã Hội nhấn mạnh đến thủ thuật tuyên truyền của tổng thống, nhưng thừa nhận sẽ tiếp tục đối thoại chừng nào điều đó mang lại các lợi ích cụ thể cho người dân.

Lên án chiến lược truyền thông "lừa dối"

Nhật báo thiên tả Libération có nhiều bài dành cho chủ đề này. Tương tự như các báo bạn, Libération khẳng định điểm đồng thuận lớn các bên đạt được là về chính sách ủng hộ Ukraine, tức phần một của cuộc họp, bất đồng nhiều hơn xung quanh vấn đề các định chế chính trị của nước Pháp trong phần tiếp theo. Cánh hữu bảo vệ nền Đệ ngũ Cộng hòa, trong lúc cánh tả muốn thúc đẩy chuyển qua nền Đệ lục. Điều 49.3, trưng cầu dân ý là các chủ đề gây bất đồng.

Về cuộc họp này, trong một bài viết khác, Libération đả kích mạnh mẽ chiến lược truyền thông "lừa dối" của tổng thống. Theo Libération, "về mặt chính thức, đối thoại diễn ra suôn sẻ, nhưng trước hết có thể thấy, kết quả của sáng kiến chưa từng có từ một tổng thống còn xa mới là một sự kiện lịch sử. Cuộc họp để lại cho tất cả các khách mời cảm giác hẫng hụt, và ấn tượng về việc dàn cảnh không hứa hẹn mang lại kết quả". Libération kết luận, về thực chất, cục diện chính trị nước Pháp không có gì thay đổi" : Bị mất đa số quá 50% tại Quốc hội, tổng thống Macron giờ đang tìm mọi cách "để tìm thêm dưỡng khí sau một giai đoạn đầu tiên của nhiệm kỳ, mà ông ấy đã hành hạ Quốc hội, trong lúc không có được sự ủng hộ của dân chúng".

Về cuộc họp đặc biệt giữa tổng thống và lãnh đạo các đảng phái lớn, nhật báo công giáo La Croix ghi nhận, ngoài duy nhất một hành động cụ thể được đưa ra : tổ chức một hội nghị về những người lương dưới mức tối thiểu, và đồng thuận về Ukraine, không có bất cứ một thỏa hiệp nào khác. Bài "Macron và lãnh đạo các đảng, để kỳ sau xem tiếp" cho biết điện Elysée hứa trong những ngày tới sẽ gửi đến lãnh đạo các đảng bản tổng hợp về các trao đổi, và đề xuất những công việc cần làm".

Tội ác của Nga tại Ukraine tiếp nối sự man rợ của Liên Xô

Le Figaro hôm nay có nhiều bài về Ukraine. Bạo lực Nga đối với Ukraine không phải là chuyện mới. Bài "Những tội ác của Nga tại Ukraine phản chiếu sự man rợ của chế độ Liên Xô trước đây" thuật lại lịch sử về các cuộc thảm sát do lực lượng an ninh mật của chế độ cộng sản Liên Xô (NKVD) tiến hành mùa hè năm 1941 tại một vùng ngoại ô thành phố Ivano-Frankivsk, thuộc miền tây Ukraine. Sau thỏa thuận Molotov-Ribbentrop năm 1939, giữa Liên Xô và chế độ Đức quốc xã, Liên Xô được quyền sáp nhập miền tây Ukraine, vốn thuộc Ba Lan cho đến 1939. Vào thời điểm đó, trước đà tiến quân của lực lượng phát xít, lực lượng an ninh mật của chế độ cộng sản Liên Xô (NKVD) đã được lệnh giết hàng trăm thường dân.

Tuy nhiên, các hành động tội ác của Liên Xô không chỉ diễn ra vào thời điểm này. Theo nhà sử học Iaroslav Koretchuk, giám đốc bảo tàng giải phóng Ukraine, ngay từ khi tiếp quản miền tây Ukraine năm 1939, người Nga đã nỗ lực "triệt hạ văn hóa Ukraine, bắt bớ tất cả các nhà hoạt động dân tộc chủ nghĩa, tất cả giới tinh hoa Ukraine, giới tăng lữ… kể cả giới tinh hoa người Do Thái, người Đức, người Ba Lan, những người mang trong mình bản sắc đa văn hóa của thành phố vốn thuộc Ba Lan", điều mà chế độ Liên Xô không muốn.

Cũng trong số báo này, Le Figaro có các bài viết khác về Ukraine, "Tại Kiev, một viện nghiên cứu về ký ức thách thức lịch sử chính thống do Moskva áp đặt" và "Với Putin, ám ảnh quá khứ nuôi dưỡng tâm lý phục hồi tư tưởng đế quốc".

Về Ukraine, Le Monde có bài "Phải bảo vệ Châu Âu trước Nga", dẫn lại quan điểm của ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, trả lời phỏng vấn nhân chuyến công du của ông qua Pháp. Lãnh đạo ngoại giao Ukraine nhấn mạnh : nước Nga không còn là bạn, và một phần của Châu Âu, mà ngược lại cần phải bảo vệ Châu Âu trước đe dọa từ Moskva. Ông Kuleba thừa nhận đã có một thay đổi triệt để trong tâm lý người Châu Âu về việc này, nhưng vẫn còn có "một núi việc cần làm" để thuyết phục các đối tác Châu Âu ưu tiên bảo vệ sườn đông. Mà quốc gia trực tiếp bảo vệ an ninh Châu Âu "chính là Ukraine".

Cuộc cách mạng cung đình tại Gabon

Cuộc đảo chính tại quốc gia Trung Phi Gabon là chủ đề chính của Le Monde. Hồ sơ "Một cuộc đảo chính Gabon chấm dứt triều đại Bongo" của Le Monde cho biết "cuộc cách mạng cung đình này", có lợi cho một thành viên thân cận của tổng thống, đã chấm dứt 55 cầm quyền của gia tộc Bongo tại quốc gia này. Le Monde cũng nhấn mạnh, đối với Paris, cuộc đảo chính mới tại khu vực được coi là "sân sau" trước đây của nước Pháp ở Châu Phi khác hẳn với cuộc đảo chính tại Niger, do lực lượng đảo chính không chống lại Pháp, quốc gia thực dân cũ.

Bài xã luận của Le Monde "France – Afrique : virus Gabon" nhấn mạnh điểm chung của năm cuộc đảo chính tại miền Trung và miền Tây Châu Phi những năm gần đây là sự yếu kém của nền dân chủ tại các quốc gia này.

Nhật báo công giáo La Croix có bài "Chấm dứt triều đại Bongo tại Gabon" cũng ghi nhận, cầm quyền từ năm 1967, lãnh đạo các đời tổng thống thuộc dòng họ Bongo đã điều hành đất nước bằng phương thức "phi dân chủ". Sự trị vì của dòng họ Bongo không có lợi cho người Gabon, theo La Croix

Nạn ma túy ở Marseille và nỗi đau của những người mẹ

La Croix hôm nay dành hồ sơ trang nhất cho "Nạn ma túy ở thành phố Marseille và nỗi đau của những người mẹ". Tại thành phố cảng miền nam nước Pháp,nhiều phụ nữ giờ đây sẵn sàng lên tiếng để lên án các bạo lực liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy, và chống lại không khí thờ ơ trong xã hội. 39 người chết tại Marseille từ đầu năm đến nay, người mới nhất là một thanh niên 26 tuổi, bị bắn hôm 31/08. Bài "Phá vỡ luật im lặng, bao phủ xung quanh các vụ giết người" thuật lại nỗ lực của một nhóm phụ nữ.

Pháp : Chưa bao giờ ngành xuất bản bị "thế lực phản động" thao túng như vậy

Với Libération, việc tập đoàn xuất bản Hachette lọt vào tay tỉ phú Vincent Bolloré, theo tư tưởng cực hữu là thông tin chấn động. "Làng xuất bản : Một kỳ ra hè với những thử thách khắc nghiệt" là hồ sơ chính của Libération. Bài xã luận của Libération với tựa đề "Kiểm soát" cảnh báo "chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại nước Pháp, không kể thời kỳ chiếm đóng phát xít, đã hình thành nên một cực phản động lớn đến như vậy".

Tập đoàn xuất bản Hachette nắm giữ nhiều nhà xuất bản uy tín nổi tiếng như Grasset, Fayard, Marabout, Larousse và nhiều tên tuổi khác. Libération cảnh báo, công chúng "có thể sẽ sớm chứng kiến những can thiệp thô bạo như điều đã từng xảy ra với các đài báo như Europe 1, Paris Match, CNews, và JDD…".

Nữ văn sĩ Hàn Quốc và ám ảnh bạo lực thế kỷ XX

Phụ trương về sách của Le Monde dành trang nhất để giới thiệu tác phẩm của nữ văn sĩ Hàn Quốc Han Kang, nhân dịp ra mắt bản dịch cuốn sách : "Impossibles adieux" (Những điều không thể giã từ). Theo Le Monde, cuốn sách được coi là tiểu thuyết xuất sắc nhất của tác giả Hàn Quốc, có chủ đề chính là "hồi ức về những bạo lực của thế kỷ 20".

Tiểu thuyết "Mùn đất" : Trở về lấy cảm hứng từ loài giun

Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới của Gaspard Koenig "Humus" (tạm dịch : Mùn đất). Les Echos ca ngợi cuốn sách hài hước, xuất sắc, với nhân vật chính là những người kỹ sư bình dị, gắn bó với các loài giun đất. Với Les Echos, cuốn tiểu thuyết của nhà triết học, nhà chính trị học Gaspard Koenig, không chỉ là một thông điệp cổ vũ cho sự trở lại với thiên nhiên, để hiểu được sự kỳ diệu của thiên nhiên, trân trọng giá trị của loài vật nhỏ bé, cần cù làm giàu cho đất đai xuyên qua năm tháng, mà đây còn là một lời kêu gọi con người "lấy cảm hứng từ loài giun, về cách sống giản dị và độc đáo của chính loài sinh vật nhỏ bé mang lại sức khỏe cho môi trường xung quanh". 

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế

Chuyến công du của Tổng thống Pháp ở Trung Quốc và những trận bão trong ly nước

Nhân chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Macron (với bà Chủ tịch Hội đồng Châu Âu) và những phát biểu của ông về ý chí tự chủ của Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu) và Pháp đã gây xôn xao dư luận từ hai bên thềm Đại Tây Dương nên mạo muội có vài suy nghĩ về những đề tài đang gây xôn xao này.

macron01

1. Tinh thần độc lập quốc gia có phải là một tội ?

Câu trả lời tùy theo quan niệm cá nhân.

Khi Trump đơn phương đột ngột rút quân khỏi Syria, bỏ đồng minh Kurdistan của mình trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (Islamic State – IS), phe đồng minh đều lũ lượt theo chân Trump. Trừ nước Pháp. Họ một mình tiếp tục ở lại chiến trường Syria giúp đỡ người Kurds.

Cả thế giới tự do đều lên án quyết định ích kỉ và vô trách nhiệm này của Trump, trừ Nga và Trung Quốc, không một ai lên án tinh thần độc lập (với Mỹ) và trách nhiệm này của Pháp. Nhưng cũng không một ai dám mở miệng khen vì... cảm thấy xấu hổ.

2. Khả năng, một ngày nào đó, Mỹ rút khỏi NATO có cơ sở hay không ?

Trong nhiệm kì tổng thống của mình, Trump đã từng tuyên bố muốn rút khỏi NATO, luôn bái phục Putin đến độ tuyên bố "giữa Putin và các cơ quan tình báo Mỹ thì ông ta tin tưởng Putin hơn". Vì lí do gì trong một buổi nói chuyện tay đôi với Putin, Trump không mang theo một người Mỹ nào, kể cả thông dịch viên ? Ám ảnh lớn của Trump và Putin là sự hiện diện của NATO bên cạnh họ, vậy họ đã bàn thảo những vấn đề gì với nhau có làm người ta phải suy đoán ? Ngay cả cơ quan tình báo CIA cũng đã phải vội vã đưa một gián điệp cấp cao của Mỹ ra khỏi nước Nga vì sợ Trump tiết lộ danh tánh người này với Putin.

Ngày 20/04/2014, khi Putin xa quân xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, NATO ở đâu và đã có phản ứng nào ? Từ 23/2 đến 7/4/2022, Putin chiếm thêm hai vùng phía đông Ukraine, Lugansk và Donetsk, NATO ở đâu và đã làm gì ? Khi Putin chính thức tuyên bố sát nhập Crimea vào lãnh thổ Nga ngày 27/02/2017, ngoài lời đe dọa sẽ trừng phạt vài lãnh đạo UKraine hợp tác với Nga, NATO đã không có một lời nào về quyết định này cả ?

Những sự kiện vừa kể trên minh chứng hùng hồn cái chết lâm sàng của NATO. Chính Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã tuyên bố NATO đang ở trong tình trạng chết não.

Phải chờ tới ngày 24/02/2022 khi Putin tung một đoàn xe tăng và thiết giáp dài hơn 80 km vượt biên giới Belarus tiến về thủ đo Kiev của Ukraine, NATO mới giật mình tỉnh dậy. Nói một cách khác, NATO đã được hồi sinh nhờ... Putin.

3. Có khả năng, một ngày nào đó nước Mỹ có một tổng thống có cùng lập trường và thái độ về địa chính trị thuộc vùng Châu Âu như Trump, thậm chí là Trump vào năm 2024, hay không ?

Tới lúc đang viết những dòng này, mặc dù đang bị Tòa án New York truy tố 34 tội hình sự, Trump không những vẫn được ủng hộ mà còn mạnh mẽ hơn trước. Điều này có thể là một bài học cho những tổng thống đảng Cộng hòa trong tương lai : phải có thái độ như Trump.

4. Nếu Mỹ rút khỏi NATO thì đồng minh của Mỹ ở Châu Âu sẽ ra sao ?

Tổng hợp những sự kiện vừa kể trên, viễn kiến cho sự tự lực và tự chủ quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu là một điều bắt buộc. Sự rút lui không báo trước của Mỹ cho đồng minh Châu Âu hoàn toàn có cơ sở. Một thí dụ, Mỹ đã đột ngột rút khỏi Afghanistan (cũng như đã làm trước đó ở Syria) trước sự sững sờ của đồng minh vì không hề được thông báo. Trước viễn ảnh này, vấn đề của Liên Hiệp Châu Âu và Anh là thời gian : thiết lập một chiến lược, một hệ thống phòng thủ quốc phòng đòi hỏi vài chục năm...

Hơn nữa, thái độ lợi dụng và ỷ lại cái dù Mỹ của một số quốc gia Châu Âu luôn bị Mỹ chỉ trích, mạnh nhất là bởi Trump và ngay cả ở Châu Âu. Sự chỉ trích này hoàn toàn chính đáng trên mọi phương diện.

Như vậy người ta có thể cùng lúc lên án sự lợi dụng, ỷ lại và lên án ý nguyện tự lập của Châu Âu ?

5. Cuối tuần vừa qua, trong thời điểm công du ở Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Bắc Kinh đã tung ra một cuộc tập trận qui mô phong tỏa Đài Loan. Tổng thống Macron liền ra lệnh cho một tàu chiến (khu trục hạm Prairial) có trang bị vũ khí, hệ thống radar và cả một lực lượng đặc nhiệm hiên ngang đi qua vùng biển giữa Trung Quốc và Đài Loan (Taiwan strait), cách bờ biển Trung Quốc 85 cây số, để chứng tỏ thái độ cứng rắn của Pháp (và của Liên Âu) đối với Trung Quốc. Song song với thái độ này, Tổng thống Macron phát biểu nước Pháp là đồng minh chứ không phải chư hầu của Mỹ nên không để bị lôi cuốn, một cách máy móc, vào những tranh chấp nào (ngụ ý giữa Trung Quốc và Mỹ) không phải của mình.

Sự kiện này nói lên một cách rõ ràng ý chí của Pháp : 1) cứng rắn đối với tham vọng bá chủ Biển Đông của Trung Quốc và 2) không vào hùa với Mỹ khi sự xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc "nếu" chỉ là sự tranh giành vị thế bá chủ chứ không phải cuộc chiến cho tự do.

Pháp muốn dành cho mình quyền tự quyết và quyền có tiếng nói của mình. Hai quyền này là những quyền tự nhiên của con người và luôn phải tranh đấu cam go để có. Trên phạm vi lớn hơn là quốc gia thì hai quyền này cũng thế. Tại sao lên án người khác những điều mà mình cũng muốn và vẫn làm ?

Macron nhắc lại là về ý thức hệ thì Pháp đứng chung chiến tuyến và là một đồng minh với nước Mỹ. Còn gì rõ ràng hơn ? Có gì để thắc mắc về tinh thần độc lập, không ỷ lại vào Mỹ của Pháp ?

6. Nước Pháp, với 300 đầu đạn nguyên tử, hoàn toàn tự chủ (hệ thống, kĩ thuật) với NATO (chứ không như Anh). Không một nước nào có thể nghĩ tới chuyện tấn công nước Pháp bằng vũ khí nguyên tử. Pháp dư thừa khả năng bảo đảm hòa bình cho chính họ.

Nhưng, với Macron, vấn đề không phải sự an toàn của nước Pháp mà tương lai của Liên Âu.

Lí tưởng của Macron từ trước tới nay vẫn như một : một Liên Âu hùng mạnh, độc lập trên mọi phương diện để sánh ngang vai cùng hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ trong thế kỉ 21, chứ không phải lệ thuộc cả hai như hiện nay. Đó là một viễn kiến hết sức sáng suốt và hoàn toàn khả thi nếu "một số nước" cùng quyết tâm.

Tại sao "một số nước" ? Tại vì một số quốc gia trong Liên Âu đang hưởng những lợi lộc kinh tế quá lớn từ Trung Quốc và Mỹ nên không dám làm bất cứ gì khiến hai siêu cường này phải cau mày, nghĩa là không nên có sự hiện diện của một siêu cường khác.

Nhưng thế giới đang biến chuyển và thay đổi rất nhanh, điều kiện thuận lợi của một số quốc gia này sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Lãnh đạo "một số nước" này cũng biết như thế nhưng vì những lợi ích hiện nay và ngay bây giờ quá lớn khiến họ tạm thời gác lại những chuyện đường xa. Vớt được đồng nào hay đồng đấy.

Người Pháp có đủ thông minh để hiểu rằng họ, cũng như bất kì một nước nào trong khối Liên Âu, không đủ khả năng lãnh đạo một liên hiệp gồm 27 quốc gia, rộng hơn 4,1 triệu km2 với gần 450 triệu dân. Người Pháp chỉ mong ước được sống trong một khối Liên Âu hùng mạnh, trong đó họ cùng một vài quốc gia hùng mạnh khác giữ vai trò đầu tàu, như đang là bây giờ.

Nhiều dự án quốc phòng chung đã được kí kết và một số đã bắt đầu khởi công đều lần lượt bị rút lại để chờ, hoặc đơn giản là hủy bỏ, cũng vì vẫn còn "một số nước" dè dặt. Điều này chứng tỏ là có áp lực trong nội bộ Liên Âu và NATO.

7. Giữ một đường dây liên lạc giữa hai bên tham chiến là một thông lệ từ lâu, ít nhất là từ sau Thế chiến thứ hai, điển hình là "Điện thoại đỏ" giữa Mỹ và Liên Xô. Hiện nay Mỹ và Nga vẫn tiếp tục điện đàm thương thuyết thường xuyên về mọi diễn biến ở Ukraine. Nếu Tổng thống Macron vẫn giữ liên lạc với Moskva và Bắc Kinh thì có gì là bất thường ?

Có nhiều khả năng là cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ chấm dứt bằng giải pháp chính trị, nghĩa là phải qua hòa đàm. Trong điều kiện đó, bên nào không chuẩn bị sẽ bị thua thiệt nặng.

Thành ngữ Pháp có câu "người được chuẩn bị có giá trị gấp đôi".

Lê Mạnh Tường

(14/04/2023)

Additional Info

  • Author Lê Mạnh Tường
Published in Quan điểm

Tổng thống Pháp đang ở vị trí tốt hơn bao giờ hết để thúc đẩy tham vọng EU của mình, nhưng những vụ tranh cãi nên được dừng lại.

macron

Emmanuel Macron hiện là chính trị gia quyền lực nhất Châu Âu. Tổng thống Pháp đã tái đắc cử nhiệm kỳ mới. Trong vòng 5 năm tới, ông sẽ sử dụng vị trí của mình để cố gắng biến đổi không chỉ nước Pháp – mà toàn Châu Âu.

Nếu Macron thực sự thành công, nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông sẽ chứng kiến EU nổi lên như một nhân tố địa chính trị lớn, ngang hàng với Trung Quốc và Mỹ. Mục tiêu tạo ra một siêu cường Châu Âu có vẻ xa vời, thậm chí là viển vông. Nhưng thời thế đang thuận lợi, trao cho Macron cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để thúc đẩy tầm nhìn này.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Macron thường xuyên bị Angela Merkel làm lu mờ. Nhưng Merkel hiện đã nghỉ hưu, không còn là Thủ tướng Đức. Người thay thế bà, Olaf Scholz, lại thiếu sức hút và có khởi đầu không mấy chắc chắn. Macron, với uy tín được nâng cao nhờ tái đắc cử, sẽ tìm cách cung cấp các ý tưởng và sự năng động cho EU.

Tình hình dường như đang ủng hộ cho nhiều lập luận của Tổng thống Pháp về việc hội nhập Châu Âu sâu rộng hơn. Đại dịch Covid-19 cuối cùng đã thuyết phục EU phát hành trái phiếu chung để tài trợ cho các chương trình của mình – điều mà Macron đã thúc đẩy từ lâu, trong khi Đức tỏ ý hoài nghi. Thành tựu đó sẽ mang lại nguồn tài chính mới cho các dự án chung khác của Châu Âu và nâng cao vai trò toàn cầu của đồng euro.

Chiến tranh Ukraine cũng dẫn đến các cam kết tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn Châu Âu, mà trên hết là ở Đức. Gia tăng chi tiêu quân sự là điều không thể thiếu nếu Châu Âu muốn đạt được "quyền tự chủ chiến lược" từ Mỹ mà Macron đã lập luận từ lâu. Khả năng cao Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào năm 2024 có nghĩa là lý lẽ của Macron về một Châu Âu tự cường hơn phải được xem xét một cách nghiêm túc. Nhiều người Châu Âu đã rùng mình trước ý nghĩ về cách nước Mỹ do Trump lãnh đạo giải quyết vấn đề nước Nga.

Tầm nhìn của Macron dành cho nước Pháp và Châu Âu luôn luôn là không thể tách rời. Trong cả hai lần đắc cử tổng thống, vào đêm Chủ nhật vừa qua và vào năm 2017, ông đều lên sân khấu trên nền nhạc là bài quốc ca của EU, bản Ode to Joy của Beethoven. Trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của mình, các kế hoạch của Tổng thống Pháp đối với Châu Âu đã được Berlin đón nhận với thái độ dửng dưng. Nhưng vấn đề trái phiếu chung cuối cùng đã có bước đột phá. Điều đó sẽ khuyến khích Macron tin rằng ông có thể giành chiến thắng trong vòng tranh luận tiếp theo về hội nhập Châu Âu.

Tổng thống Pháp có một số đồng minh quan trọng trong EU. Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chia sẻ mong muốn về một Châu Âu "địa chính trị" của ông. Macron cũng có quan hệ với Mario Draghi, Thủ tướng Ý. (Cả hai đều từng làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.) Nhà lãnh đạo Pháp cũng rất thân thiết với Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Hy Lạp. Hy Lạp và Pháp gần đây đã ký một hiệp ước quốc phòng, phản ánh quan ngại chung của họ về Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những trở ngại đối với việc hiện thực hóa tầm nhìn của Macron cũng vô cùng to lớn. Tổng thống Pháp có thể rất quyến rũ và tài giỏi, nhưng ông cũng có thể kiêu ngạo và ngang ngược.

Macron rất dễ cảm thấy bị xúc phạm và cũng thường xuyên xúc phạm người khác. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã được đánh dấu bằng những tranh cãi ngoại giao nổi bật. Năm 2019, Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Ý, để phản đối những gì họ tuyên bố là "các cuộc tấn công vô căn cứ và tuyên bố kỳ quặc khó có thể chấp nhận" của các bộ trưởng Ý. Trong chiến dịch tranh cử gần đây, Macron đã gọi Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, là một "người cực hữu bài Do Thái". Việc các nhà lãnh đạo EU sử dụng những từ ngữ như thế này để công kích lẫn nhau là rất bất thường – điều này dẫn đến những nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng thống nhất 27 thành viên EU của Macron.

Quan hệ của Tổng thống Pháp với các đồng minh bên ngoài EU cũng chẳng mấy thân thiện. Năm 2021, Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc (trong thời gian rất ngắn) sau vụ bí mật ký kết hiệp ước an ninh AUKUS, khiến người Pháp mất một thỏa thuận vũ khí lớn. Tại London, Macron được nhìn nhận là nhà lãnh đạo EU thù địch nhất với Anh.

Trái ngược với quan hệ đôi khi căng thẳng với các nhà lãnh đạo của các quốc gia đồng minh, Macron đã thực hiện một ‘cuộc tấn công quyến rũ’ [nhưng thất bại] nhằm cố gắng thiết lập quan hệ với Vladimir Putin ở Nga. Trong những năm trước khi Nga xâm lược Ukraine, Pháp đã thúc đẩy một nỗ lực đơn phương và không thành công để tái kết nối với Moscow. Những nỗ lực của Macron trong việc để ngỏ quan hệ với Putin – cả trước và sau cuộc xâm lược Ukraine – đã vấp phải sự khinh bỉ và nghi ngờ của nhiều người ở Trung Âu.

Chính sự chia rẽ trong vấn đề quan trọng về Nga và Ukraine hiện đang là trở ngại lớn nhất cho tầm nhìn của Macron đối với Châu Âu. Ở phần lớn các nước Bắc và Trung Âu, người ta tin rằng Pháp quá thù địch với quyền lực của Mỹ, và quá quan tâm đến sự hòa giải tối hậu với Nga, để có thể trở thành một nhà lãnh đạo chiến lược đáng tin cậy.

Ben Judah của Hội đồng Đại Tây Dương lập luận rằng, vì cuộc chiến ở Ukraine, nhiều nước EU hiện đang "quan tâm hơn bao giờ hết đến việc giữ chân Anh và Mỹ" khi thảo luận về an ninh Châu Âu. Điều đó khiến họ cảnh giác hơn, khi Pháp đề cập đến "quyền tự chủ chiến lược" của EU. Tầm quan trọng gia tăng của NATO cũng được thể hiện qua sự quan tâm mới của Phần Lan và Thụy Điển (cả hai đều là thành viên EU) đối với việc tham gia khối liên minh quân sự này.

Macron đang nắm trong tay cơ hội tuyệt vời để "xây dựng Châu Âu" trong 5 năm tới. Nhưng muốn thành công phải có nhiều thứ hơn, chứ không chỉ sự xuất sắc và năng lượng. Nó còn đòi hỏi những phẩm chất ít được ghi nhận ở Tổng thống Pháp – sự kiên nhẫn và đồng cảm.

Gideon Rachman

Nguyên tác : "This is Macron’s chance to shape Europe’s future", Financial Times, 26/04/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/04/2022

Additional Info

  • Author Gideon Rachman, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Macron : Những thách thức kinh tế trong 5 năm tới

 Tổng thống Emmanuel Macron sau khi tái đắc cử đang phải đương đầu với một cánh tả "hung hăng" và Ukraine dường như có thể đánh bại Nga là hai chủ đề chính được các nhật báo Pháp hôm 27/04/2022 quan tâm. 

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn mừng tái đắc cử cùng cảm tình viên tại Paris, 24/04/2022.  AP - Christophe Ena

Nhật báo Le Monde nói về lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon liên tục chỉ trích tổng thống Macron sau khi ông tái đắc cử. Điều này đã dự báo từ trước và không phải là một bất ngờ. Trước khi vòng hai cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, những người ủng hộ Emmanuel Macron lo ngại sẽ phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt của ông Mélenchon. 

Chiến thắng của ông chủ điện Elysée vừa được công bố hôm 24/04, thủ lĩnh cánh tả cực đoan đã ngay lập tức khẳng định ông Macron là "tổng thống có tỷ lệ phiếu bầu tồi tệ nhất trong số các tổng thống của Đệ ngũ Cộng hòa". Ông Mélenchon cáo buộc : "Chế độ quân chủ của ông ta tồn tại một cách mặc định", bởi vì "chế độ này trôi nổi trong một đại dương của các phiếu trắng, và những lá phiếu không hợp lệ". 

Những cáo buộc bất hợp pháp ngay lập tức bị những người ủng hộ ông Macron lên án. Dẫn đầu là cựu bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner, đã chỉ trích "trò chơi nguy hiểm" của "kẻ nổi loạn", ông Castaner cáo buộc ông Mélenchon đã tung "tin giả"

Trên thực tế, những chuyên gia của Le Monde đã chứng minh rằng khẳng định của ông Mélenchon là sai lầm, bởi với chiến thắng ở vòng hai với 18,8 triệu phiếu (58,54%) so với 13,3 triệu cho Marine Le Pen (41,46%), ông Macron không phải là người nhận được ít phiếu nhất trong số các tổng thống của nền Cộng hòa thứ năm, cả về tỷ lệ phiếu bầu (ông vượt François Mitterrand năm 1981 và 1988 và cả Nicolas Sarkozy năm 2007), mà cả về số phiếu bầu (nhiều hơn François Hollande vào năm 2012), và thậm chí về tỷ lệ phần trăm số lượng cử tri đã đăng ký (nhiều hơn so với Georges Pompidou vào năm 1969). Ông Castaner cảm thấy phẫn nộ khi mặc dù tổng thống Macron chiến thắng với một tỷ lệ và số phiếu bầu không hề thấp, nhưng ông vẫn bị các đảng phái cho rằng chiến thắng một cách không xứng đáng 

Tổng thống của "thiểu số" người Pháp

Những ủng hộ viên của ông Macron tiếp tục chỉ trích và cáo buộc ông Mélenchon có thái độ của một "kẻ thua cuộc tồi tệ". 

Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Châu Âu, Clément Beaune, khẳng định hôm 25/04 trên kênh truyền hình CNews rằng với những lời nói dối, ông Mélenchon đã không tôn trọng chính cử tri của mình. "Đối với Jean-Luc Mélenchon, một cuộc bầu cử mà ông ấy không thắng là một cuộc bầu cử không tồn tại", phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal đã nói như vậy trên kênh BFM-TV. Vào năm 2017, ông Mélenchon cũng đã từng có những phản ứng tương tự khi ông không lọt vào vòng hai. 

Vào tối Chủ nhật, 24/04, Mélenchon và những người ủng hộ ông còn nói thêm rằng ông Macron là một tổng thống của "thiểu số" người Pháp. 

Ngự ở vị trí thứ ba sau vòng một cuộc bầu cử tổng thống với gần 22% phiếu bầu, lãnh đạo của LFI đã để mắt đến cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 12 và 19 tháng 6 tới. Dự định dẫn đầu một phong trào mới mang tên "Liên Hiệp Nhân Dân" bao gồm LFI và một số đảng cánh tả khác, ông Mélenchon đặt mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu mà ông gọi là "vòng ba", tức cuộc bầu cử lập pháp, với hy vọng buộc tổng thống Macron phải "sống chung" với một đa số cánh tả tại Quốc hội. 

Cũng từ hôm Chủ nhật, ông Mélenchon đã kêu gọi người Pháp "bầu ông làm thủ tướng", tức có đa số tại Quốc hội, trước khi hướng về các cử tri của mình và hô vang : "Đừng cam chịu, trái lại, hãy hành động !" .

Những thách thức kinh tế trong 5 năm tới

Cũng theo tờ Le Monde, khi đối mặt với một xã hội đang rạn nứt hơn bao giờ hết, Emmanuel Macron sẽ phải giải quyết các dự án kinh tế lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng trong khi cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp tục làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu, Nhà nước sẽ phải cố gắng duy trì sức mua của người Pháp và tránh tình trạng thất nghiệp tái diễn, đồng thời kiểm soát tài chính công, bằng cách duy trì những nỗ lực đã thực hiện, để thúc đẩy tái công nghiệp hóa đất nước. Đồng thời phải tổ chức quá trình chuyển đổi năng lượng và ứng phó với thách thức khí hậu. 

Tăng trưởng ít hơn, lạm phát cao hơn và kéo dài hơn và một tương lai không chắc chắn. Đó là dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với nền kinh tế toàn cầu. 

Đối với nhiệm kỳ thứ hai của mình, tổng thống Emmanuel Macron không nên tin tưởng vào những con số của sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ được quan sát vào năm 2021, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 7%, nhưng đó là lúc Nga chưa tấn công Ukraine khiến năng lượng và một số nguyên liệu thô tăng đột biến. 

Lạm phát lên tới 7,4% trong khu vực đồng euro vào tháng 3, hiện được kiềm chế ở mức 4,5% tại Pháp, nhờ các biện pháp của chính phủ. Nhưng lạm phát có thể ở mức 5% trong trung hạn. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô, ông Bruno de Moura Fernandes, tại cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Coface lập luận : "Chúng ta ngày càng tiến tới một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Về cơ bản, áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong những quý tới". 

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sau đó sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng lãi suất chính, một việc mà cơ quan này vẫn chưa làm. "Nếu tôi tăng lãi suất ngày hôm nay, điều này sẽ không làm giảm giá năng lượng bởi 50% lạm phát có liên quan đến giá năng lượng", chủ tịch ECB Christine Lagarde tuyên bố như trên trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/04 với kênh truyền hình Mỹ CBS. 

Câu hỏi đặt ra là ECB có thể giữ lập trường này trong bao lâu, vì các định chế tiền tệ khác trên thế giới đã bắt đầu tăng lãi suất. Theo ông De Moura Fernandes, kịch bản lạm phát đình trệ dường như không thể tránh khỏi, đặc biệt là nếu các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn được thực hiện nhắm vào Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận khí đốt của Nga. 

Tuy nhiên, ở Pháp, một số chỉ số vẫn ở mức ổn định. Các hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ vẫn rất sôi động trong quý đầu tiên. Các công ty vẫn tiến hành việc tuyển dụng nhân viên. Chúng ta đang phải đối mặt với một cú sốc có bản chất hoàn toàn khác với cuộc khủng hoảng liên quan đến Covid-19. Và mọi người đang theo dõi sát sao mức độ tiêu dùng, có thể bị tác động bởi sức mua bị giảm, từ đó làm ngưng trệ toàn bộ guồng máy kinh tế. 

Emmanuel Jessua, nhà kinh tế tại viện Rexecode cho biết : "Rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế trong ngắn hạn là lạm phát". Theo tính toán của viện này, việc tăng giá sẽ tiêu tốn của các hộ gia đình 30 tỷ euro trong năm nay, tương đương 2% thu nhập của họ. Một con số khổng lồ chưa từng có trong bốn mươi năm qua. 

Liệu Ukraine có đánh bại được Nga không ?

Nhật báo thiên tả Libération chạy tựa trang nhất như trên. Xã luận tờ báo cho hay, theo một số tuyên bố thì cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới và căng thẳng sẽ không hạ nhiệt trong nay mai. Trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu luôn thận trọng trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi nước này bị Nga xâm lăng, tin rằng Nga dường như sẽ cầm chắc phần thắng do thực lực hai bên quá chênh lệch, giờ đây cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu đều đã bất ngờ thay đổi lập trường. Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Kiev hôm Chủ nhật vừa rồi là một manh mối đầu tiên cho sự thay đổi về mặt chiến thuật này, nhất là khi bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin vốn ít khi công du nước ngoài cũng đi cùng ông Blinken. 

Bằng việc tăng cường cả về mặt số lượng cũng như chất lượng những vũ khí được giao cho Ukraine, hai bộ trưởng Mỹ đã nói một cách dứt khoát rằng họ muốn "tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi nước này chiến thắng" và "làm suy yếu Nga". Đây là một thay đổi thực sự trong chiến thuật của Hoa Kỳ khi chúng ta thấy rằng hồi đầu cuộc chiến tranh, các lãnh đạo phương Tây vẫn còn e dè không muốn gây hấn với tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Nhật báo công giáo La Croix cũng có bài viết nói về việc Hoa Kỳ đang huy động các quốc gia đồng minh để giúp Ukraine thắng Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói như trên khi ông mở đầu cuộc họp với đại diện của khoảng bốn mươi quốc gia, trong đó có các nước thành viên hoặc không của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ, ở Đức. 

Trong một cuộc họp kín, cùng với sự góp mặt của bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiï Reznikov, tướng Mark Milley, tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đưa ra một đánh giá khá ảm đạm về giai đoạn mới của cuộc chiến. Ông nói : "Thời gian không ủng hộ Ukraine. Kết quả của trận chiến này sẽ phụ thuộc vào những người trong căn phòng này. Hai, ba, bốn tuần tới sẽ định hình kết quả chung của cuộc chiến này". 

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, cuộc gặp nhằm chia sẻ "hiểu biết chung" về nhu cầu an ninh trong thời gian tới của Ukraine và khả năng đáp ứng của các căn cứ công nghiệp quốc phòng của các đồng minh. Các nước như Israel và Qatar đã tham gia cuộc họp, mặc dù họ không có tên trong danh sách chính thức. Việc Hoa Kỳ mời cả các quốc gia không nằm trong NATO, chẳng hạn như Kenya, Tunisia và Nhật Bản, là một phần của nỗ lực mở rộng sự hỗ trợ đáng kể và mang tính biểu tượng cho Ukraine vượt ra ngoài Châu Âu và NATO. 

Bắc Kinh sợ đi theo vết xe đổ của Thượng Hải

Nhìn sang Châu Á, nhật báo Les Echos có bài viết nói về Bắc Kinh đang trong tình trạng hỗn loạn. Thủ đô Trung Quốc hôm 26/04 đã mở rộng chiến dịch sàng lọc cho 22 triệu dân với hy vọng cắt giảm sự lây lan của biến thể Omicron, trước khi tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát. 

Trong khi người dân lo ngại về tình trạng bị cách ly khắc nghiệt như ở Thượng Hải, các cơ quan y tế Bắc Kinh đã kêu gọi cư dân của 12/16 quận thực hiện ba xét nghiệm PCR trong tuần này. Quy mô của chiến dịch xét nghiệm này lớn chưa từng có ở Bắc Kinh kể từ khi đại dịch nổ ra ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. 

Mặc dù số trường hợp dương tính được xác định vẫn còn hạn chế (100 trường hợp kể từ tuần trước ở thủ đô Trung Quốc, trong đó có 33 trường hợp được công bố vào thứ Ba), nhưng do tốc độ lây nhiễm chóng mặt của biến thể Omicron khiến Thượng Hải bị khốn đốn đã làm cho Bắc Kinh phải cảnh giác cao độ. 

Tính đến thứ Hai, 3,5 triệu cư dân của quận Triều Dương, nơi đông dân nhất thành phố và là trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia, văn phòng, đại sứ quán đã được xét nghiệm sau khi những trường hợp dương tính đầu tiên đã được phát hiện vài ngày trước đó. Chính quyền địa phương sau đó đã quyết định mở rộng các chính sách xét nghiệm đối với toàn bộ người dân thủ đô. 

Phan Minh

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Quốc tế

Pháp : Macron nhượng bộ, báo chí nghi ngờ, Áo Vàng hồi V

Sau 4 hồi biểu dương lực lượng của phe Áo Vàng và một tháng im lặng, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cuối cùng tối hôm qua đã lên tiếng.

macron1

Trang nhất báo Pháp ngày 11/12/2018 với tựa chính về phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron ngày 10/12. Fotomontagem RFI

Lời nhận lỗi và các biện pháp thông báo để "xoa dịu" cơn phẫn nộ của phe Áo Vàng của ông Macron được giới truyền thông Pháp hôm 11/12/2018 tập trung phân tích. Nhìn chung, các nhật báo lớn của Pháp đều nghi ngờ là các nhượng bộ của ông Macron có thể đáp ứng được mong đợi của những người phản đối.

Như đáp lại câu hỏi của nhật báo độc lập Le Monde ra chiều tối hôm trước "Macron : Bước ngoặt nào cho nhiệm kỳ 5 năm ?", nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất chạy hàng tít đậm "Sức mua : Các biện pháp sốc của Macron".

"Mãi lực, tranh luận quốc gia : Khế ước mới của Macron", tựa của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Nhật báo thiên tả Libération thì nhắc lại câu nói của tướng De Gaulle, châm biếm chạy tít "Tôi đã hiểu được quý vị một chút".

Cuối cùng thì tổng thống Pháp cũng đã có "các nhượng bộ" như nhận xét của nhật báo công giáo La Croix. Theo đó, để giúp tăng mãi lực của người dân, một loạt các biện pháp "sốc" đã được đưa ra : Miễn các khoản đóng góp xã hội và thuế thu nhập khoản tiền lương làm thêm giờ ; Hủy tăng mức đóng góp xã hội CSG (Contribution sociale généralisée - Đóng góp cho toàn xã hội) đối với những người về hưu có thu nhập thấp hơn 2000 euro/tháng ; Tăng mức tiền thưởng lao động đối với những người có mức thu nhập thấp, điều này dẫn đến việc tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng.

Những tuyên bố này được giới báo chí nghi ngờ tiếp nhận. Một mặt, đa số các bài xã luận đều đánh giá cao thái độ "nhìn nhận sai lầm" của ông Macron và công nhận nguyên thủ Pháp đã có nhiều nhượng bộ quan trọng. Les Echos cho rằng "ông Macron đã không hà tiện dùng các biện pháp để dập tắt đám lửa. Bệnh càng nặng, liều thuốc phải càng cao".

Mặt khác, nhiều nhật báo cũng nghi ngờ đặt câu hỏi : Phát biểu của ông Macron có thuyết phục được lòng dân hay không ? Câu trả lời là "chưa chắc". Le Figaro tự hỏi : "Sau việc từ bỏ tăng thuế cacbon, khế ước mới cho quốc gia theo như ông Macron đề nghị liệu có sẽ thuyết phục được những người nổi dậy xếp Áo Vàng vào hộp hay không ?".

Tờ nhật báo cộng sản L’Humanité có cái nhìn khắt khe hơn cho rằng nguyên thủ Pháp đã thất bại trong cách điều hành : "Tổng thống đã phải nhượng bộ, nhưng còn xã mới đủ (…) Bị chao đảo vì phong trào Áo Vàng, học sinh trung học la ó, người lao động phản đối, tổng thống Pháp bị lôi ra khỏi giấc mộng người đầy quyền lực".

Cuối cùng, Libération cảnh báo ngay cả khi sự ủng hộ của công chúng dành cho phe Áo Vàng nếu có suy giảm như trông đợi của ông Macron, "phong trào phản đối khó có khả năng tắt lịm trong ngày một ngày hai".

Bất chấp nhượng bộ, Áo Vàng vẫn muốn hồi V

Le Figaro cũng quan tâm đến phản ứng của phe Áo Vàng sau bài phát biểu của tổng thống. Tờ báo nhận thấy "đối với người này đó là những biện pháp nhỏ nhặt, với những người khác là ‘bước đầu hiểu nhau’".

Thủ đô Paris cuối tuần này có nguy cơ lại tiếp tục là sàn diễn của phe Áo Vàng. Lời kêu gọi biểu tình ở Paris một lần nữa đã được đưa ra ngay sau bài phát biểu của tổng thống Pháp. Đối với nhiều người, những biện pháp ông Macron đề xuất rất "nhỏ nhặt", nguyên thủ Pháp vẫn không có gì thay đổi, "Macron vẫn là tổng thống của nhà giàu" khi kiên quyết không tái lập thuế về tài sản. Quyết định tăng lương tối thiểu thêm 100 euro là "chưa đủ". Nhiều người Áo Vàng tại nhiều tỉnh nhỏ cho rằng cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý về các đường lối chính sách của ông Macron hay như cần phải phế truất tổng thống…

Nhưng những chỉ trích trên cũng không được nhiều người Áo Vàng đồng tình. Họ nghĩ là tổng thống đã có những nhượng bộ đáng kể, ông "bắt đầu thấu hiểu người dân" và có "thiện chí giải quyết khủng hoảng".

Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý để có thể thực hiện các biện pháp "nhỏ nhặt" như cáo buộc của nhiều người Áo Vàng, nhà nước Pháp có thể sẽ phải tiêu tốn đến hơn 10 tỷ euro, với một hệ quả khác đáng lo ngại : Thâm hụt ngân sách năm 2019 có thể sẽ bị tăng lên ở mức là 3,5%, thay vì là 2,9% như dự kiến.

Bắc Kinh – Washington : Trận chiến thế kỷ ?

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung những ngày gần đây trở nên nóng bỏng mà trận chiến thương mại chỉ mới là màn mở đầu. Các vấn đề chiến lược mới chính là cốt lõi của mọi sự tranh chấp Mỹ - Trung. Đây chính là nhận xét của nhà báo Michel de Grandi trong bài viết có tựa đề "Cuộc chiến Bắc Kinh – Washington không chỉ có thương mại".

Nước Mỹ như bị Trung Quốc đấm nốc ao. Hoa Kỳ không còn là cường quốc duy nhất trên thế giới. Một vị trí mà Washington thống lĩnh từ bao thập niên nay, kể từ khi Liên Xô tan rã. Nước Mỹ bực bội vì bị Trung Quốc làm cho khốn khổ, lao đao ngay cả trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ không hề ngờ tới.

Trung Quốc gây căng thẳng định chế khi thành lập các cơ chế đa phương riêng của mình. Trung Quốc chống lại các nền dân chủ phương Tây khi tự cho mình là một mô hình quản lý với nhiều nước đang phát triển. Và nhất là địa bàn các vấn đề chiến lược có nguy cơ trở thành sàn đầu giữa hai ông lớn.

Tác giả cho rằng chỉ riêng tại Châu Á, chí ít có 3 điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc đối chọi nhau : Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và nhất là Đài Loan, giờ lại trở thành tâm điểm của sự đối đầu. Với hòn đảo này, Washington không ngừng khiêu khích Bắc Kinh với các chiến dịch cho tầu chiến và chiến đấu cơ qua lại vùng eo biển chỉ rộng có 180 km. Một hành động mà Bắc Kinh luôn kịch liệt phản đối cho đấy là xâm phạm chủ quyền.

Hành động này cũng được Hoa Kỳ áp dụng trên Biển Đông với lý do vùng biển này "không thuộc một quốc gia nào" nên "Hoa Kỳ tiếp tục tự do lưu thông ở những nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép". Để ngăn chặn, Bắc Kinh tiến hành các cuộc tham vấn với các nước trong khối ASEAN sao cho có thể đạt được một bộ "quy tắc ứng xử" trên Biển Đông từ đây trong vòng ba năm tới. Hiện tại chưa có gì là bảo đảm đạt được.

Les Echos trích nhận định của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan trường đại học Hồng Kông, cho rằng "Tập Cận Bình làm tất cả mọi thứ để có thể khẳng định vai trò lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc sao cho vẫn không vượt qua ngưỡng đối đầu vũ trang, không những với Hoa Kỳ, mà với cả những nước láng giềng trong trước mắt".

Les Echos cũng không quên nhắc lại, năm 2016, ông Steve Bannon, chủ nhân một trang báo cực kỳ bảo thủ Breitbart News đã từng viết : "Chúng ta sẽ tiến hành một cuộc chiến ở Biển Đông trong vòng từ 5-10 năm nữa. Không còn gì để nghi ngờ về điều này".

Để tránh rơi vào chiếc bẫy đối đầu trực diện, vẫn còn một giải pháp thứ ba, nằm giữa thương mại và các vấn đề địa chính trị : Tìm cách ngăn cản kẻ khác bành trướng sức mạnh. Do vậy trước hết Hoa Kỳ phải làm chủ các công nghệ và triển khai các biện pháp hòng ngăn chặn Trung Quốc đạt được các mục tiêu kế hoạch Made in China 2025.

Trong cuộc đua này, Trung Quốc sử dụng mọi chiêu có thể : từ không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đến dọ thám, đi qua cả việc mua lại các hãng công nghệ hàng đầu. Do vậy, vụ bắt giữ con gái chủ tịch Hoa Vi chỉ là chương mới trong cuộc cọ xát mà những màn "giựt gân" còn xa mới kết thúc.

Hiệp ước Di dân : Nạn nhân của "tin giả"

Trong lĩnh vực xã hội liên quan đến vấn đề di dân. Trong hai ngày họp 10-11/12/2018, tại Marrakech, Morocco, 150 quốc gia thông qua dự thảo Hiệp ước Di dân, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên theo Le Monde, hiệp ước này trong những ngày qua trở thành đối tượng công kích của các phong trào cực đoan, dân tộc chủ nghĩa và phi tự do.

Trong bài xã luận có tựa đề "Các chiến dịch bóp méo thông tin xung quanh Hiệp ước Di dân", Le Monde cho biết một chuỗi các thông tin giả, bị bóp méo đã được lan truyền rộng rãi gây hoang mang cho người dân tại một số nước trong Liên Hiệp Châu Âu mà phong trào dân túy, bài di dân đang lên mạnh mẽ như Ý, Áo, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech…

Tại Pháp, Le Monde chỉ trích lãnh đạo đảng cựu hữu Tập hợp Quốc gia bởi vì bà Marine Le Pen đã không ngần ngại liên hệ phong trào Áo Vàng với Hiệp ước Di dân, cáo buộc chính phủ "tổ chức nhập cư" gây thiệt hại cho người lao động và sức mua của họ. Trên mạng xã hội, cư dân mạng sôi sục trước thông tin cho rằng "chính phủ Pháp bị đặt dưới sự giám hộ của Liên Hiệp Quốc" và sẽ có "hàng triệu di dân vào nước Pháp".

Le Monde nêu rõ Hiệp ước Di dân vừa được các nước thông qua không có chữ ký, không có tính chất ràng buộc. Tuy sẽ được bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/12/2018 tới đây, hiệp ước không nhằm mục đích áp đặt cách chính sách di dân đối với các bên tham gia. Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu hợp tác, các tham vọng chung và cùng chia sẻ trách nhiệm.

Pháp : Nhà dưỡng lão cho gà đẻ trứng

Gà đẻ trứng phục vụ con người được quyền hưởng một cuộc sống nhàn hạ, ung dung tự tại. Đây chính là mục tiêu mà chuỗi siêu thị Monoprix, thuộc tập đoàn Casino đặt ra cho các nhà cung cấp trứng gà.

Ngày 10/12/2018, Monoprix đã ký kết một thỏa thuận đối tác với công ty khởi nghiệp Poulehouse để kinh doanh các loại trứng của doanh nghiệp này, theo khẩu hiệu "Poulehouse đề nghị loại trứng đầu tiên không giết gà đẻ trứng".

Một cách cụ thể, những con gà đẻ trứng chỉ có sản lượng cao nhất trong vòng từ ba đến 18 tháng, tức là mỗi ngày cho được một quả trứng. Rồi khi sản lượng giảm dần, gà sẽ bị đem giết. Người ta ước tính "mỗi năm Pháp triệt hạ gần 50 triệu con gà đẻ trứng".

Theo mô hình kinh tế mới của Poulehouse, mỗi một quả trứng bán ra phải cho phép tài trợ chế độ hưu cho những con gà cao cấp này cũng như một nương thân ở vùng Limoges. Tại khu trang trại rộng 16ha này, người ta sẽ dựng hai trại, một cho gà đẻ trứng và một cho gà về hưu.

Nhưng mô hình này chỉ có lợi khi người tiêu thụ phải chấp nhận mua trứng với giá mắc hơn gấp đôi so với trung bình, tức là khoảng 1euro/ trứng hay 5,99 euro cho một hộp sáu quả. Đã được bày bán tại nhiều chuỗi siêu thị như Biocoop, Naturalia và Franprix, nhà cung cấp này đã bán được hơn một triệu quả trứng tính từ ngày thành lập năm 2017.

Nhóm khởi nghiệp hy vọng mô hình "không giết gà" có thể chiếm lĩnh từ 2-3% thị trường trước khi trở thành một tiêu chuẩn, như mô hình trứng thu nhặt từ gà thả rong.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Macron đến gặp Giáo hoàng, Thổ Nhĩ Kỳ có "tân vương"

Trang nhất các nhật báo lớn của Pháp ngày 26/06/2018 nhất loạt đưa tin về chuyến công du Vatican của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

macron1

Giáo hoàng Francis tặng quà cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc gặp tại Vatican, ngày 26/06/2018Alessandra Tarantino/Pool via Reuters

Nhật báo công giáo La Croix trang trọng chạy tít : "Một vị tổng thống đến gặp Giáo Hoàng". Le Monde nêu rõ đó là "Cuộc gặp đầu tiên giữa Macron và giáo hoàng Francis".

Nhật báo thiên tả Libération thông báo : "Macron đến Vatican" rồi nói "Tôi xin chào Ngài, Francis". Riêng Le Figaro nói thẳng "Châu Âu, Di dân : Macron đến tìm hậu thuẫn của Giáo hoàng". Tuy nhiên, nhật báo thiên hữu này lưu ý là nhìn từ Vatican, cuộc khủng hoảng di dân, và các hậu quả chính trị tại Châu Âu đang làm thay đổi diện mạo khu vực.

Thủ tướng Đức Angela Merkel bị suy yếu, nước Pháp được xem như là điểm tiếp sức để tái khởi động sự năng động của Châu Âu. Thế nhưng, theo nhật báo, dường như có nhiều chủ đề khác như đạo đức sinh học, thế tục, số phận người công giáo ở phương Đông có nguy cơ lấn át các hồ sơ di dân và Liên Hiệp Châu Âu.

Liên quan đến chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix có bài phỏng vấn ngắn ông Bruno Joubert, cựu đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh (2012-2015) khẳng định "Đó có lẽ sẽ là một sai lầm cho tổng thống Pháp nếu không đến gặp Giáo hoàng".

Ông giải thích rằng quan hệ giữa Pháp và Vatican giờ thật sự là một mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước. Đúng hơn hết là giữa "một Giáo hội tự do với một Nhà nước tự do". Một vị tổng thống đến gặp giáo hoàng bởi vì Ngài cũng là lãnh đạo của một cường quốc đóng giữ một vai trò trong một trật tự quốc tế và tiếng nói của Ngài đang được toàn thế giới lắng nghe, bất kể họ có là người công giáo hay không.

Recep Erdogan : Siêu "tân vương" của Thổ Nhĩ Kỳ

Kết quả bầu cử với thắng lợi áp đảo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là chủ đề quốc tế chính được các báo Pháp khai thác nhiều nhất. Sau nhiều ngày đưa ra những dự đoán bất lợi cho ông Erdogan, các báo Pháp hôm nay đành ngậm ngùi nhìn nhận "Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan khẳng định thế thống trị của mình", như hàng tít lớn trên Le Monde.

Le Figaro chua chát đề tựa "Erdogan bắt đầu thời trị vì độc quyền". Tái đắc cử với 52,5% phiếu bầu, tổng thống Erdogan đã thâu tóm thành công quyền lực chưa từng có. Ông kiểm soát các định chế pháp lý và nghị viện. Tổng thống Erdogan giờ có thể điều hành đất nước theo ý muốn của mình, cả trên lĩnh vực đối nội lẫn đối ngoại.

Dù vậy, Les Echos lưu ý đến "Những thách thức mới dành cho Erdogan". Làm thế nào hâm nóng lại quan hệ giữa Ankara với các nước phương Tây, đã bị xuống cấp nghiêm trọng do những bất đồng trên các hồ sơ người Kurdistan, khủng hoảng Syria ?

Nhưng thách thức lớn nhất dành cho tổng thống Erdogan chính là vấn đề kinh tế. Quả thật dưới sự lãnh đạo của ông, tổng sản phẩm nội địa đã tăng gấp ba, nhưng đồng thời, lạm phát cũng tăng vọt theo. Khả năng thanh khoản giảm nghiêm trọng, lãi suất cao ngất ngưỡng và mức nợ công của lĩnh vực tư nhân hiện đang chạm ngưỡng.

Trong khi đó, đầu tư nước ngoài tụt giảm thê thảm 40% trong vòng 2 năm. Điều đó phản ảnh phần nào thái độ nghi kỵ gia tăng đối với một nền kinh tế với các quy định pháp lý không rõ ràng. Hệ quả là hiệu suất cũng không tăng theo. Ví dụ điển hình nhất là đồng livre của Thổ đã bị mất giá đến 18% kể từ đầu năm nay.

Dẫu sao thì những chướng ngại đó đã không thể nào cản trở được ông Erdogan trở thành "siêu tổng thống" tập trung hết toàn bộ quyền hành pháp như nhận xét của bài xã luận Le Monde. Một bộ phận lớn xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho đến giờ đã biết cách kháng cự. Do vậy, theo bài viết, việc chế độ độc tài đã củng cố quyền lực của mình giờ đang trở thành một thách thức mới cho xã hội dân sự Thổ.

Pháp : 4 trong 10 bệnh ung thư có thể tránh được

Trong lĩnh vực sức khỏe, báo Le Monde trích dẫn kết quả một nghiên cứu khoa học đăng trên Tuần san dịch tễ học ngày 25/06/2018 khẳng định có những căn bệnh ung thư có thể "tránh được" nếu chúng ta có cách sống và môi trường sống "trong sạch".

Nghiên cứu của nhà khoa học Pháp, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế về Ung thư khẳng định nhiều yếu tố gây ung thư nghiêm trọng do thói quen xấu của con người như thuốc lá, rượu, dùng nhiều thịt đỏ, thịt nguội có tẩm chất bảo quản, ít hoạt động thể thao, phơi nhiễm khí độc do nghề nghiệp hay môi trường sống không lành mạnh.

Từ những nghiên cứu đó, các nhà khoa học cho rằng có nhiều chứng ung thư con người có tránh được như ung thư phổi, ngực, ruột tràng, cuống họng, da, gan, bao tử hay thận…

World Cup 2018 : Pháp gặp lại "người quen cũ" Đan Mạch

Đề tài cuối cùng không một nhật báo nào có thể bỏ qua là World Cup 2018. Báo Pháp đều quan tâm đến trận đấu chiều tối nay giữa Pháp và Đan Mạch. Le Figaro lo lắng tự hỏi : Liệu đội áo lam có giữ được ngôi đầu bảng trước một đối thủ không ít lần khiến đội Pháp "khóc dở, cười dở".

Còn Le Monde thì quan tâm đến thân phận của những cầu thủ ngồi ghế dự bị, những "chiến sĩ vô danh". Khi thắng chỉ được thơm lây, không được nêu tên tuổi. Nhưng khi thua cũng bị vạ lây vì cũng mang tiếng là tuyển thủ đội quốc gia.

Về phần mình, Les Echos có bài chú ý đến nguyện vọng của tổng thống Hàn Quốc, có vẻ mang tính hão huyền nhưng rất có hy vọng hiện thực : đó là có ngày được tổ chức chung với Bắc Triều Tiên một Cúp Bóng đá Thế Giới.

Minh Anh

***************

Cúp Bóng Đá Thế Giới và những người "Thợ cắt tóc"

Ngoài chuyện thắng thua của các đội tuyển, chuyện hậu trường World Cup đôi khi cũng gây sự tò mò. Mỗi một ngày, các báo Pháp đều dành vài trang báo để nói về kết quả các trận đấu hôm trước, đưa ra các phân tích và đánh giá tương quan lực lượng các trận đấu trong ngày. Và đương nhiên là không quên những chuyện bên lề của quả bóng tròn.

macron2

Ảnh chụp màn hình bài viết của Le Monde (26/06/2018)RFI / Capture d'image

Le Figaro (26/06/2018) thông báo : "Đan Mạch – Pháp : mục tiêu vị trí đầu bảng cho đội áo lam". Đội tuyển Pháp có dịp gặp lại "người quen cũ" sau các kỳ Euro 84, World Cup 98 và Euro 2000, những trận đấu mang lại vinh quang cho đội tuyển Pháp khi các cầu thủ đá hết mình.

Nhưng cũng chính "người quen cũ" này đã nhiều lần nhấn chìm đội áo lam, đôi khi xuống đến tận đáy cùng của nỗi nhục nhã như trong trận bán kết Thế Vận Hội Mùa Hè 1908 với tỷ số 17-1, hay như trận thua Euro 92 và World Cup 2002.

Thắng thua là lẽ thường tình. World Cup là niềm vui của người này, nhưng là nỗi buồn của kẻ khác. Nhưng có lẽ sẽ không có nỗi buồn nào bằng sự buồn tủi của những cầu thủ ngồi ghế dự bị. Như thấu hiểu nỗi niềm của các cầu thủ "vô danh" đó, báo Le Monde có một bài viết, hóm hỉnh đề tựa "Profession : Coiffeur".

Nếu dịch theo từng từ, Profession là Nghề nghiệp, Coiffeur là Thợ cắt tóc. Vậy thợ cắt tóc có liên quan gì đến bóng đá ? Xin thưa với quý vị là Có. Bởi vì đó là cách dùng từ với nội dung này ra đời ở Pháp dùng để ám chỉ đến các cầu thủ dự bị thường trực.

Theo nhật báo, cách dùng này có thể có hai xuất xứ. Nguồn gốc thứ nhất là vào năm 1958, trong kỳ World Cup tại Thụy Điển. Mùa giải năm đó, đội tuyển Pháp xếp hạng ba và chỉ sử dụng có 15 trong số 22 tuyển thủ. Bảy cầu thủ còn lại dường như để "giết thời gian" đã tình nguyện làm thợ cắt tóc cho các tuyển thủ chính thức.

Xuất xứ thứ hai có thể là từ năm 1986, để chỉ người ngồi sau băng ghế đứng lên cầm kéo cắt tóc. Ông Henri Emile, khi ấy là trợ lý cho huấn luyện viên trưởng Henri Michel tại World Cup Mexico nhớ lại : "Một cầu thủ đã cắt tóc cho một người khác và hài hước nói rằng : Dù sao đi nữa tớ cũng chỉ có mỗi việc này để làm mà thôi".

Kể từ đó, thuật ngữ "Thợ cắt tóc" đã trở nên phổ biến. Vậy người ta có cảm thấy xấu hổ khi bị xem là thợ cắt tóc hay không ? Xin thưa là Không. Bởi vì tất cả mọi người, kể cả những danh thủ cũng đều phải trải qua kinh nghiệm này.

Volgograd : Một trận chiến khác của World Cup

Cúp Bóng Đá Thế Giới là dịp để nước chủ nhà giới thiệu các danh lam thắng cảnh tại những thành phố có diễn ra các trận cầu, nhằm thu hút khách du lịch. Nước Nga cũng không là một ngoại lệ. Thành phố Volgograd là nơi diễn ra các trận đấu của bảng A và trận đấu sau cùng của vòng loại là ngày 28/06 giữa đội Nhật Bản và Ba Lan.

Thế nhưng, theo Le Monde, đằng sau không khí hừng hực của bóng đá, còn là một trận đấu khác âm thầm hơn. Đó là một cuộc chiến lịch sử. Le Monde có bài viết đề tựa "Cúp Thế Giới trên đóng tro tàn của trận chiến Stalingrad".

Thành phố Volgograd trước đây có tên gọi là Stalingrad. Thành phố mang tên của nhà lãnh đạo độc tài thời Xô Viết, ông Stalin. Đây cũng là nơi diễn ra trận chiến ác liệt giữa Hồng Quân Liên Xô và quân phát xít Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Vết tích của cuộc chiến khốc liệt đó vẫn còn tồn lại đến ngày nay. Người ta đã tìm thấy "bảy quả bom, đã được tháo gỡ thành công và hơn 300 mảnh vụn các thiết bị quân sự", cùng với hài cốt của hai binh sĩ Hồng Quân ngay trên mảnh đất công trường xây sân vận động bóng đá.

Giờ đây, nhiều cựu chiến binh, những người từng tham gia trận chiến oai hùng năm đó, nay tuổi đã gần đất xa trời, nhưng vẫn đang tiếp tục đấu tranh muốn giữ lại tên cũ thành phố là Stalingrad. Theo họ, nếu không có ông Stalin lúc bấy giờ, nước Nga không thể nào thắng trận. Họ muốn sửa chữa lại sai lầm của Khrouchtchev, người đã quyết định xóa tên Stalin, trả lại tên Volgograd vào năm 1961.

Họ tự hỏi, tại sao ở Pháp có nhiều con đường và phố mang tên Stalingrad hơn là ở Nga ? Ít nhất là vẫn còn đến 167 con phố hay đại lộ mang tên nhà độc tài tại Pháp đấy sao.

World Cup tại Bắc Triều Tiên ?

Les Echos cũng tham gia vào câu chuyện World Cup 2018 nhưng với một câu hỏi lớn : "Thế nếu như Bắc Triều Tiên đón Cúp Bóng Đá Thế Giới thì sao ?". Ý tưởng này đã từng được tổng thống Hàn Quốc đề cập đến một lần vào tháng 06/2017. Đề xuất đã khiến nhiều người cười khẩy, nhưng nay với việc hâm nóng quan hệ ngoạn mục giữa hai nước Triều Tiên, thì điều đó có nhiều hy vọng thành sự thật.

Bởi vì theo quan điểm của tổng thống Moon Jae-in, nếu World Cup 2030 sẽ do một khối Châu Á bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí nếu có thêm Bắc Triều Tiên đồng tổ chức, "điều đó có lẽ sẽ giúp kiến tạo một nền hòa bình giữa hai miền Nam và Bắc, và rộng hơn nữa là cho cả vùng Đông Bắc Á".

Mơ ước hai nước Triều Tiên cùng tổ chức World Cup đã được tổng thống Moon thổ lộ cùng với chủ tịch FIFA. Hứng thú trước ý tưởng này, ông Gianni Infantino dường như đã đáp trả rằng Seoul có lẽ nên chuẩn bị ngay từ bây giờ một hồ sơ ứng cử như thế.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Tổng thống Pháp : Thủ lĩnh chiến tranh - thủ lĩnh hòa bình

"Bí mật của nghệ thuật hùng biện" - một di sản quý thời Hy Lạp cổ - tiếp tục được người Pháp phát triển ra sao, "cánh hữu của hữu" tại Pháp đang tập hợp lực lượng như thế nào, hay toàn bộ 40.000 bức thư của hoàng đế Napoléon ra mắt công chúng là một số chủ đề trang bìa của các tuần báo Pháp. Hồ sơ chính của Courrier International là một năm cầm quyền đầu tiên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron qua báo chí nước ngoài.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và thủ tướng Đức Angela Merkel hội kiến tại Berlin, Đức, ngày 19/04/2018. Reuters/Axel Schmidt

Đặc biệt đáng chú ý trong hồ sơ về tổng thống Pháp là bài xã luận "Thủ lĩnh chiến tranh, thủ lĩnh hòa bình", nêu bật sự tương phản cao độ giữa cuộc không kích chớp nhoáng mà Mỹ-Pháp-Anh vừa tiến hành nhắm vào chế độ Damascus - được nước Nga chống lưng - và tuyên bố đầy hy vọng ngay sau đó của tổng thống Pháp về triển vọng Paris và Moskva hâm nóng quan hệ, phối hợp nhau tìm "một giải pháp chính trị" cho xung đột Syria.

Paris tin tưởng có thể phối hợp với Moskva trong hồ sơ Syria đúng vào lúc đại sứ Nga tại Pháp lên án cuộc không kích là một hành động "sỉ nhục" đối với ông chủ điện Kremlin. Tuyên bố có vẻ phi hiện thực của tổng thống Pháp, tuy nhiên lại dựa trên nhiều điều kiện thực tế.

Hai cạm bẫy cần tránh

Trong mắt điện Kremlin, chỉ Pháp mới có thể ở vị thế là "người đối thoại" thực sự của Nga, trong bối cảnh Hoa Kỳ của tổng thống Trump "tự rút khỏi sân chơi quốc tế", Liên Hiệp Châu Âu không thống nhất về chính trị, còn Anh và Nga đang hồi căng thẳng cao độ sau vụ cựu điệp viên bị đầu độc, chưa kể tới sự bất lực của Liên Hiệp Quốc. Moskva rất cần Pháp cho một giải pháp chính trị tại Syria và việc dỡ bỏ trừng phạt phương Tây.

Tuy nhiên, Courrier International lưu ý, để đảm nhiệm được thành công vai trò "người môi giới", vốn nằm trong truyền thống chính trị Pháp từ thời De Gaulle đến nay, tổng thống Macron phải tránh được hai thái cực. Quá gần với tổng thống Nga, ông sẽ bị coi là "người truyền tin" của Putin, ngược lại, quá thân thiết với tổng thống Mỹ trong chuyến công du tuần tới, Emmanuel Macron sẽ bị coi là một "điệp viên hai mang".

"Thatcher" của nước Pháp ?

Hồ sơ tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau gần một năm cầm quyền, của Courrier International tập hợp nhiều đánh giá của báo chí quốc tế. Tuần báo đặt câu hỏi : "Nước Pháp đã thay đổi khá nhanh chóng, nhưng phương pháp của tổng thống Macron liệu có tốt hay không ?".

Courrier International chạy hàng tít lớn đầy khiêu khích : "Macron, kẻ khuấy động", với hình ảnh tổng thống Pháp ngồi trên đoàn tàu cao tốc đang phóng, mặt nghiêm nghị giơ tay hướng thẳng về phía trước, phía sau hành khách người la ó phản đối, kẻ vui vẻ tươi cười. Hình ảnh ngụ ý cuộc cải cách ngành đường sắt Pháp, do chính phủ chủ trương, đang gây phân hóa cao độ công luận trong nước.

Tuần báo Anh theo xu hướng "bảo thủ" The Spectator nhận định : "Sau nhiệm kỳ một năm đầu tiên đẹp như mơ, Emmanuel Macron bắt đầu phải đối mặt với những rối loạn thực sự đầu tiên… Thời điểm Thatcher đã đến". Báo Anh đặt câu hỏi "Phải chăng người Pháp đã tìm thấy nhà lãnh đạo Thatcher (thủ tướng Anh có biệt danh "Bà đầm thép") của mình ?", đồng thời cảnh báo nguyên thủ Pháp không được nhân nhượng trong cuộc cải cách ngành đường sắt, "một cuộc cải cách mang tính quyết định", trước áp lực của giới công đoàn hỏa xa. Nếu không làm được như thế, ông sẽ không chỉ không cải cách được ngành đường sắt, mà còn bỏ lỡ nhiều cuộc cải cách khác quan trọng hơn.

Nhiều triệu chứng "đêm trước 1968"

Trong khi đó nhật báo Tây Ban Nha El Pais thì lưu ý đến một góc độ khác.

Theo El Pais, tình hình nước Pháp hiện nay rất giống với bối cảnh nửa thế kỷ trước, trước phong trào tháng Năm (Mai 68), khi một chính phủ được coi là mạnh và một tổng thống có xu hướng quân chủ đã bị bất ngờ trước một cuộc phong trào phản kháng rộng lớn.

Bài "Buồn chán hay nổi dậy ?" của El Pais dẫn lại một số kết quả nghiên cứu về xã hội Pháp gần đây, cho thấy "nhóm trung lưu" đang có xu hướng gần lại với nhóm nghèo "về phương diện giáo dục", về nguy cơ thất nghiệp, cũng như "hình dung về tương lai" (điều tra "France, portrait social" của viện Insee).

Nhà nghiên cứu Jérôme Fourquet (Viện Ifop) (điều tra do Fondation Jean Jaurès xuất bản) thì nhấn mạnh đến những "rạn nứt văn hóa" đang âm thầm diễn ra ngay trong các tầng lớp xã hội khá giả, mọi người ngày càng co cụm lại trong các nhóm nhỏ của mình, trong lúc các môi trường tạo điều kiện cho giao lưu văn hóa tập thể (như trại hè chẳng hạn) suy giảm mạnh (xem thêm : Pháp : Trại hè cho trẻ em mất dần sức hấp dẫn ).

Buồn chán, co cụm, thờ ơ, từng là các mầm mống âm thầm đêm trước cuộc nổi dậy tháng Năm 1968, nhưng riêng về xã hội Pháp đương đại cần phải nghiên cứu thêm, El Pais kết luận.

"Tình bạn" với Macron, cơ may cho tổng thống Mỹ

Khó khăn trong nước của tổng thống Pháp, không che khuất được thành tích ngoại giao. Tờ New York Times nhấn mạnh đến "mối quan hệ đặc biệt" mà Emmanuel Macron đã xây dựng được với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo New York Times, trong bối cảnh vây quanh tổng thống Mỹ toàn là các thành phần diều hâu, "tình bạn với Macron" của tổng thống Trump là một cơ may cho thế giới, có thể giúp lãnh đạo Mỹ tránh bị hút vào các xu hướng mang tính hủy diệt, như chủ nghĩa dân tộc - độc tài của các lãnh đạo Nga, Trung Quốc, chiến tranh kinh tế, tấn công vào các định chế pháp quyền, quân sự hóa chính sách đối ngoại, mưu toan làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu.

"Cuộc trường chinh" đánh thức ý thức công dân vì Châu Âu

Khẳng định vị trí trung tâm trên sân chơi quốc tế, tuy nhiên Châu Âu là thách thức trước mắt của tổng thống Macron, sau khi đã giành thắng lợi tại Pháp.

Báo Đức Süddeutsche Zeitung thiên tả đặc biệt chú ý đến cuộc "Trường chinh vì Châu Âu" của đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron. Cộng Hòa Tiến Bước đang gấp rút đào tạo người, dự kiến sẽ "gõ 100.000 cửa nhà để đề nghị các công dân nói chuyện (…) về Châu Âu". "Lắng nghe" và "truyền đi giấc mơ về Châu Âu cho người Pháp", đó là khẩu hiệu của chiến dịch.

Đảng Cộng Hòa Tiến Bước hy vọng làm nên một "cuộc cách mạng văn hóa" trước thềm cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu năm tới 2019, và trở thành "lực lượng chính trị mạnh nhất" trong Nghị Viện tương lai, nòng cốt cho một liên minh chính trị mới. Tuy nhiên, báo Süddeutsche Zeitung cũng cảnh giác trước "phương pháp" của tổng thống Pháp, khi ông chủ trương muốn làm nên một cuộc "cách mạng văn hóa". Diễn đạt này không khỏi nhắc đến cuộc "cách mạng văn hóa" kinh hoàng thời Mao Trạch Đông, cách đây nửa thế kỷ khiến hàng chục triệu người Trung Quốc thiệt mạng.

Marathon ở Bình Nhưỡng : Quốc gia toàn trị trên đường mở cửa

Bán đảo Triều Tiên, ít ngày trước cuộc thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un là tâm điểm thời sự quốc tế.

Le Point có phóng sự mô tả cuộc thi bán marathon quốc tế, được tổ chức tại Bình Nhưỡng, với sự tham gia của hơn 400 vận động viên nước ngoài, được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Qua câu chuyện về cuộc thi thể thao, Le Point chuyển đến công chúng những hình ảnh đầy nghịch lý của chế độ Bắc Triều Tiên, quốc gia toàn trị đang bắt đầu mở cửa ra với thế giới bên ngoài.

Do các phóng viên không được phép tham gia trong sự kiện này, nhà báo Le Point phải đóng vai làm vận động viên. Khách nước ngoài phải tuân theo hàng loạt các quy định, giao tiếp với dân chúng bị ngăn chặn, bắt buộc phải tỏ thái độ tôn kính với các lãnh đạo Bắc Triều Tiên quá cố là những điều không khó hình dung tại quê hương của Kim Jong-un. Chính các hướng dẫn viên là những người đầu tiên đốc thúc khách tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt.

Phóng viên Le Point được chứng kiến cảnh an ninh mặc thường phục canh gác để người dân Bắc Triều Tiên, buộc tham gia cổ động cuộc chạy đua, không được phép rời khán đài khi cuộc đua chưa kết thúc, cảnh công viên nước hoành tráng nhưng vắng khách, vì giá vé rất cao so với thu nhập trung bình. Điều ngạc nhiên không kém đối với phóng viên Le Point là thái độ của nhiều khách quốc tế. Sau khi thưởng thức món chả nướng tại một tiệm ăn sang trọng, họ đã thốt lên với vẻ bất mãn : người dân ở đây được an toàn và sung sướng, tại sao người ta lại mô tả Bắc Triều Tiên như "một chế độ hãi hùng" ?

Le Point mỉa mai : Đúng là trong chương trình du lịch Bắc Triều Tiên còn thiếu mục tham quan các trại tập trung, nơi giam cầm 200.000 tù nhân chính trị.

Truyền thông trung thực : Đừng để bị mạng xã hội lấn át !

Về truyền thông và nền dân chủ, báo L’Obs đặc biệt lo ngại nguy cơ truyền thông trung thực bị đẩy lùi với sự lên ngôi của các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, đang đóng vai trò các phương tiện truyền thông mới.

Trả lời phỏng vấn L’Obs, nhà báo Frédéric Filloux, một chuyên gia về kỹ thuật số, cảnh báo chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một thế hệ "được thông tin rất kém", do truyền thông chủ lưu mất đất, lĩnh vực truyền thông bị bỏ ngỏ, tin giả, tin bịa tràn ngập. Và công chúng ngày càng có xu hướng đánh đồng các thông tin nghiêm túc, "có chất lượng" - mà phải rất công phu mới làm ra được - với các loại thông tin chắp vá, nửa thực, nửa hư, gây ngộ nhận.

Nhà báo Frédéric Filloux chỉ ra thủ phạm trực tiếp của tình trạng này là hệ thống các mạng xã hội, trang mạng thông tin "miễn phí" sống chủ yếu nhờ vào quảng cáo, đã thay thế các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc đưa tin, nhưng chính mình lại không có trách nhiệm về chất lượng của thông tin được đăng tải. Các nền dân chủ, nếu tiếp tục để tin giả, tin thật lẫn lộn như vậy, không sớm thì muộn sẽ phải đối mặt với các thảm họa. Bởi hệ quả của điều này là sự bùng phát không gì kiểm soát nổi của các quan điểm cực đoan. Việc Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ chỉ là một trường hợp gây sốc lớn đầu tiên.

"Truyền thông hãy rời khỏi Facebook !" là kêu gọi của tác giả (rời khỏi Facebook không có nghĩa là đoạn tuyệt, mà chủ yếu là không để Facebook nắm quyền kiểm soát các quan hệ với bạn đọc). Nhà báo Frédéric Filloux đề nghị các phương tiện truyền thông trở lại làm đúng sứ mạng của mình.

Về phần mình, nhà báo - chuyên gia tin học Frédéric Filloux đã lập ra một một thuật toán tự động thẩm định thông tin tốt, có chất lượng, đang hoàn thiện, mà hiện theo ông có tỉ lệ chính xác là khoảng 95%. Deepnews.ai được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu hàng chục triệu bài báo thuộc tám cơ sở truyền thông khác nhau.

Buộc các tập đoàn tin học tôn trọng Nhà nước pháp quyền

Tuy nhiên, Facebook chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Xã luận Le Point vạch ra vấn đề sâu xa hơn nằm ở "mô hình kinh tế" chủ lưu hiện nay của nền kinh tế kỹ thuật số, với các đại gia thuộc nhóm GAFAM (bao gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft).

Riêng Google và Facebook thu hút đến 80% tiền bán quảng cáo tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Theo Le Point, chủ trương thông tin "miễn phí", tưởng như là một lý tưởng tốt của một thời, lại trở thành cơ sở cho quan điểm làm ăn mang tính lưu manh. Đó là nếu như có miễn phí mặt này, thì sẽ có đánh cắp ở mặt khác để bù lại. "Đánh cắp các dữ liệu đời tư, tiền lương của người cộng sự, tiền thuế phải trả".

Le Point kêu gọi đưa các tập đoàn tin học trở lại với Nhà nước pháp quyền, với trách nhiệm xã hội, với nhận định là Liên Âu hiện đang đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực này. Đây cũng là một cơ hội cho phép Châu Âu vọt lên trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Hơn 40.000 bức thư của Napoléon : Người thách thức số phận

Ký ức về Napoléon, nhân vật khổng lồ của của lịch sử Pháp và Châu Âu, là chủ đề trang bìa của L’Obs. Nhân dịp tập 15 và cũng là tập cuối cùng của toàn tập thư từ của Napoléon được xuất bản, L’Obs trở lại giới thiệu bộ sưu tập hơn 40.000 bức thư của hoàng đế Pháp. Dự án - của Quỹ Napoléon - ra đời năm 2002 đã nhận được sự đóng góp của khoảng 200 bảo tàng, viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ của 40 quốc gia, không kể các sưu tập tư nhân. 200 nhà nghiên cứu tham gia thẩm định tài liệu.

Những thư từ được xuất bản trong tập cuối, trong đó 22% thư chưa bao giờ được công bố, cho thấy một Napoléon cuối đời (1814-1821), bị thua trận, trở lại với trận chiến Waterloo, rồi chấp nhận ra hàng và sống lưu đày trên đảo Sainte-Hélène, trong hoàn cảnh nào cũng vẫn là người "thách thức số phận". "Không bao giờ ông chấp nhận để ai nói thay mình, kể cả thần chết" (chính Napoléon đọc cho quận công Montholon chấp bút bức thư cuối cùng, với các lời di chúc, gửi toàn quyền đảo Saint-Hélène).

"Alzheimer" : Cuốn sách lên án giới chuyên môn

Trong lĩnh vực y tế, Le Point giới thiệu với độc giả cuốn sách mới về bệnh "Alzheimer", "gây chấn động". Theo các tác giả, cho đến nay cơ chế của Alzheimer, thường được gọi là bệnh mất trí nhớ, vẫn hoàn toàn bí ẩn, giới chuyên môn quá vội vã khi đưa ra các chẩn đoán khi không đủ cơ sở, để rồi hàng loạt dược phẩm được tung ra. Nhưng tiền mất, tật mang.

Cuốn sách "Alzheimer, Le grand leurre" của giáo sư lão khoa Olivier Saint-Jean (bệnh viện Pompidou, Paris) và nhà báo kỳ cựu Favreau khẳng định giới chuyên môn đã "không nghiên cứu thực sự về quá trình lão hóa". Hàng trăm triệu hộp thuốc đã được tung ra, hàng chục tỉ euro tiêu tùng, chỉ để che lấp sự bất lực trước các triệu chứng lão hóa không thuốc chữa.

Theo các tác giả, các rối loạn trí não tuổi già cần được coi như hậu quả của lão hóa, chứ không phải của một căn bệnh giả tưởng, thì mới có hy vọng tìm ra được giải pháp. Việc điều trị, cải thiện cuộc sống người cao tuổi cần phải dựa nhiều vào các tiếp cận xã hội, tâm lý. Người già cả rất cần đến giao tiếp với cộng đồng, sự hỗ trợ của con cái. Quy mọi biểu hiện bệnh lý cho Alzheimer, phó mặc mọi trách nhiệm cho thuốc bệnh, phải chăng là "biến tuổi già thành bệnh tật".

Mất 95% da vẫn sống, nhờ tình anh em

Cũng trong lĩnh vực y tế, L’Obs đưa bạn đọc đến với hai anh em sinh đôi tại một ngôi làng nhỏ miền bắc nước Pháp. Frank bị mất 95% da, sau một tai nạn khủng khiếp tại nơi làm việc, cơ hội sống sót chưa đầy 1%, đã được Erik nhường lại một phần da. Trước vụ ghép da lịch sử này, chưa từng ai bị mất quá 60% diện tích da mà thoát được tử thần.

Frank Dufourmantelle sống lại một cách kỳ diệu là nhờ hàng loạt nguyên nhân. Trước hết, anh đã được cấp cứu hết sức kịp thời, chỉ ít phút sau tai nạn. Ê-kíp bác sĩ tuyệt vời, về chuyên môn, cũng như về tâm lý. Nhưng nếu không có sự hy sinh của người anh em sinh đôi sẵn sàng nhường da, xẻ thịt, Frank ắt hẳn không có cơ hội được sống dưới ánh mặt trời.

"Cây đậu cánh chim" ở xứ Băng Đảo : truyện ngụ ngôn thời hiện đại

Khép lại mục điểm tuần báo xin giới thiệu một câu chuyện gợi nhiều suy nghĩ về cây Lupin hoa tím (còn gọi là cây Đậu cánh chim), từng được coi là cứu tinh của môi trường xứ Băng Đảo (Iceland), nhưng ít năm gần đây lại trở thành đối tượng chia rẽ người dân xứ này thành hai phe.

Phóng sự mục "360 độ" của Courrier International kể rằng : Xứ Băng Đảo vốn tự hào về các vùng núi non đất đai cằn cỗi, nhưng hùng tráng như cảnh trên Mặt Trăng. Thế nhưng, cách đây nửa thế kỷ, để cứu môi trường thực vật của hòn đảo trên đà tàn lụi, hệ quả của quá trình công nghiệp hóa tàn khốc hàng thế kỷ, người ta đã du nhập vào xứ này loài Đậu cánh chim Alaska, có sức sống mãnh liệt. Bởi chúng có thể thu hút ni-tơ từ khí quyển làm giàu những vùng đất khô cằn nhất.

Cùng với khí hậu Trái đất bị hâm nóng, Đậu cánh chim tím biếc dần lan rộng, làm nên một gương mặt mới cho Băng Đảo. Những người ủng hộ vui mừng vì loài thực vật mới làm tươi tốt xứ sở, nhưng nhiều người thù ghét Đậu cánh chim, bởi chúng vừa phá hủy khung cảnh nguyên sơ hoành tráng xưa kia, lại vừa tiêu diệt nhiều giống loài khác. Tiêu diệt Đậu cánh chim hay tiếp tục để chúng phát triển ? Tại Iceland, rất ít người có quan điểm trung dung.

Phóng sự của Courrier International như một câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại. Khi con người sau bao nhiêu nỗ lực can thiệp với tham vọng biến đổi tự nhiên để phục vụ mình, rốt cục đang dần dần hiểu ra rằng phương thức tối ưu là chung sống với thiên nhiên. Sức sống mãnh liệt của loài Đậu cánh chim là một thách đố, nhưng cũng là một cơ hội cho con người.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mi cho biết rng cái bt tay cht ti mc tím tái vi nguyên th M "không phi không có ch ý" và đó là mt "khonh khc tht".

battay1

Tổng thng M và Pháp trong cuc gp Brussels hôm 25/5.

Ông Macron nói vi truyn thông Pháp rng ông mun "cho thy ông không nhượng b, dù ch mang tính biểu tượng, nhưng cũng không mun làm quá lên".

Trước hi ngh thượng đnh NATO Brussels, B, nguyên th M và Pháp đã gp nhau và đã có mt cái bt tay tn nhiu giy mc ca báo chí quc tế.

Hai nhà lãnh đo đã nhìn thng vào mt nhau trong khi bt tay nhau thật cht và rt lâu trước khi Tng thng M Donald Trump dường như rút tay li.

Có thể thy hai nhà lãnh đo mím cht môi, dường như c gng mình lên.

Văn phòng ca ông Macron đã xác nhn vi hãng tin AP v thông tin do t Le Journal du Dimanche của pháp đăng ti trước đó.

battay2

Vẻ mt ca Th tướng Nht sau khi bt tay ông Trump.

Cái bt tay ca ông Trump vi Th tướng Nht Shinzo Abe trước đó cũng thu hút s chú ý ca báo gii khi "ông ch" Nhà Trng kéo mnh tay ca nhà lãnh đo "x mt tri mc" v phía mình khi ông ti thăm M.

Còn khi Th tướng Đc Angela Merkel thăm Hoa Kỳ, ông Trump thm chí còn không chu bt tay bà khi xut hin trước báo chí.

Tng thng M Donald Trump hôm 27/5 tr v nước sau chuyến công du đu tiên k t khi nhm chc.

Trong chuyến đi kéo dài 9 ngày, ông Trump ti Saudi Arabia, Israel và Châu Âu, nơi ông gp Đc giáo hoàng Francis Vatican và tham d cuc hp của NATO và khi G7.

Published in Quốc tế