Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/04/2018

Điểm báo Pháp - Tổng thống Pháp : chiến tranh và hòa bình

RFI tiếng Việt

Tổng thống Pháp : Thủ lĩnh chiến tranh - thủ lĩnh hòa bình

"Bí mật của nghệ thuật hùng biện" - một di sản quý thời Hy Lạp cổ - tiếp tục được người Pháp phát triển ra sao, "cánh hữu của hữu" tại Pháp đang tập hợp lực lượng như thế nào, hay toàn bộ 40.000 bức thư của hoàng đế Napoléon ra mắt công chúng là một số chủ đề trang bìa của các tuần báo Pháp. Hồ sơ chính của Courrier International là một năm cầm quyền đầu tiên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron qua báo chí nước ngoài.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và thủ tướng Đức Angela Merkel hội kiến tại Berlin, Đức, ngày 19/04/2018. Reuters/Axel Schmidt

Đặc biệt đáng chú ý trong hồ sơ về tổng thống Pháp là bài xã luận "Thủ lĩnh chiến tranh, thủ lĩnh hòa bình", nêu bật sự tương phản cao độ giữa cuộc không kích chớp nhoáng mà Mỹ-Pháp-Anh vừa tiến hành nhắm vào chế độ Damascus - được nước Nga chống lưng - và tuyên bố đầy hy vọng ngay sau đó của tổng thống Pháp về triển vọng Paris và Moskva hâm nóng quan hệ, phối hợp nhau tìm "một giải pháp chính trị" cho xung đột Syria.

Paris tin tưởng có thể phối hợp với Moskva trong hồ sơ Syria đúng vào lúc đại sứ Nga tại Pháp lên án cuộc không kích là một hành động "sỉ nhục" đối với ông chủ điện Kremlin. Tuyên bố có vẻ phi hiện thực của tổng thống Pháp, tuy nhiên lại dựa trên nhiều điều kiện thực tế.

Hai cạm bẫy cần tránh

Trong mắt điện Kremlin, chỉ Pháp mới có thể ở vị thế là "người đối thoại" thực sự của Nga, trong bối cảnh Hoa Kỳ của tổng thống Trump "tự rút khỏi sân chơi quốc tế", Liên Hiệp Châu Âu không thống nhất về chính trị, còn Anh và Nga đang hồi căng thẳng cao độ sau vụ cựu điệp viên bị đầu độc, chưa kể tới sự bất lực của Liên Hiệp Quốc. Moskva rất cần Pháp cho một giải pháp chính trị tại Syria và việc dỡ bỏ trừng phạt phương Tây.

Tuy nhiên, Courrier International lưu ý, để đảm nhiệm được thành công vai trò "người môi giới", vốn nằm trong truyền thống chính trị Pháp từ thời De Gaulle đến nay, tổng thống Macron phải tránh được hai thái cực. Quá gần với tổng thống Nga, ông sẽ bị coi là "người truyền tin" của Putin, ngược lại, quá thân thiết với tổng thống Mỹ trong chuyến công du tuần tới, Emmanuel Macron sẽ bị coi là một "điệp viên hai mang".

"Thatcher" của nước Pháp ?

Hồ sơ tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau gần một năm cầm quyền, của Courrier International tập hợp nhiều đánh giá của báo chí quốc tế. Tuần báo đặt câu hỏi : "Nước Pháp đã thay đổi khá nhanh chóng, nhưng phương pháp của tổng thống Macron liệu có tốt hay không ?".

Courrier International chạy hàng tít lớn đầy khiêu khích : "Macron, kẻ khuấy động", với hình ảnh tổng thống Pháp ngồi trên đoàn tàu cao tốc đang phóng, mặt nghiêm nghị giơ tay hướng thẳng về phía trước, phía sau hành khách người la ó phản đối, kẻ vui vẻ tươi cười. Hình ảnh ngụ ý cuộc cải cách ngành đường sắt Pháp, do chính phủ chủ trương, đang gây phân hóa cao độ công luận trong nước.

Tuần báo Anh theo xu hướng "bảo thủ" The Spectator nhận định : "Sau nhiệm kỳ một năm đầu tiên đẹp như mơ, Emmanuel Macron bắt đầu phải đối mặt với những rối loạn thực sự đầu tiên… Thời điểm Thatcher đã đến". Báo Anh đặt câu hỏi "Phải chăng người Pháp đã tìm thấy nhà lãnh đạo Thatcher (thủ tướng Anh có biệt danh "Bà đầm thép") của mình ?", đồng thời cảnh báo nguyên thủ Pháp không được nhân nhượng trong cuộc cải cách ngành đường sắt, "một cuộc cải cách mang tính quyết định", trước áp lực của giới công đoàn hỏa xa. Nếu không làm được như thế, ông sẽ không chỉ không cải cách được ngành đường sắt, mà còn bỏ lỡ nhiều cuộc cải cách khác quan trọng hơn.

Nhiều triệu chứng "đêm trước 1968"

Trong khi đó nhật báo Tây Ban Nha El Pais thì lưu ý đến một góc độ khác.

Theo El Pais, tình hình nước Pháp hiện nay rất giống với bối cảnh nửa thế kỷ trước, trước phong trào tháng Năm (Mai 68), khi một chính phủ được coi là mạnh và một tổng thống có xu hướng quân chủ đã bị bất ngờ trước một cuộc phong trào phản kháng rộng lớn.

Bài "Buồn chán hay nổi dậy ?" của El Pais dẫn lại một số kết quả nghiên cứu về xã hội Pháp gần đây, cho thấy "nhóm trung lưu" đang có xu hướng gần lại với nhóm nghèo "về phương diện giáo dục", về nguy cơ thất nghiệp, cũng như "hình dung về tương lai" (điều tra "France, portrait social" của viện Insee).

Nhà nghiên cứu Jérôme Fourquet (Viện Ifop) (điều tra do Fondation Jean Jaurès xuất bản) thì nhấn mạnh đến những "rạn nứt văn hóa" đang âm thầm diễn ra ngay trong các tầng lớp xã hội khá giả, mọi người ngày càng co cụm lại trong các nhóm nhỏ của mình, trong lúc các môi trường tạo điều kiện cho giao lưu văn hóa tập thể (như trại hè chẳng hạn) suy giảm mạnh (xem thêm : Pháp : Trại hè cho trẻ em mất dần sức hấp dẫn ).

Buồn chán, co cụm, thờ ơ, từng là các mầm mống âm thầm đêm trước cuộc nổi dậy tháng Năm 1968, nhưng riêng về xã hội Pháp đương đại cần phải nghiên cứu thêm, El Pais kết luận.

"Tình bạn" với Macron, cơ may cho tổng thống Mỹ

Khó khăn trong nước của tổng thống Pháp, không che khuất được thành tích ngoại giao. Tờ New York Times nhấn mạnh đến "mối quan hệ đặc biệt" mà Emmanuel Macron đã xây dựng được với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo New York Times, trong bối cảnh vây quanh tổng thống Mỹ toàn là các thành phần diều hâu, "tình bạn với Macron" của tổng thống Trump là một cơ may cho thế giới, có thể giúp lãnh đạo Mỹ tránh bị hút vào các xu hướng mang tính hủy diệt, như chủ nghĩa dân tộc - độc tài của các lãnh đạo Nga, Trung Quốc, chiến tranh kinh tế, tấn công vào các định chế pháp quyền, quân sự hóa chính sách đối ngoại, mưu toan làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu.

"Cuộc trường chinh" đánh thức ý thức công dân vì Châu Âu

Khẳng định vị trí trung tâm trên sân chơi quốc tế, tuy nhiên Châu Âu là thách thức trước mắt của tổng thống Macron, sau khi đã giành thắng lợi tại Pháp.

Báo Đức Süddeutsche Zeitung thiên tả đặc biệt chú ý đến cuộc "Trường chinh vì Châu Âu" của đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron. Cộng Hòa Tiến Bước đang gấp rút đào tạo người, dự kiến sẽ "gõ 100.000 cửa nhà để đề nghị các công dân nói chuyện (…) về Châu Âu". "Lắng nghe" và "truyền đi giấc mơ về Châu Âu cho người Pháp", đó là khẩu hiệu của chiến dịch.

Đảng Cộng Hòa Tiến Bước hy vọng làm nên một "cuộc cách mạng văn hóa" trước thềm cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu năm tới 2019, và trở thành "lực lượng chính trị mạnh nhất" trong Nghị Viện tương lai, nòng cốt cho một liên minh chính trị mới. Tuy nhiên, báo Süddeutsche Zeitung cũng cảnh giác trước "phương pháp" của tổng thống Pháp, khi ông chủ trương muốn làm nên một cuộc "cách mạng văn hóa". Diễn đạt này không khỏi nhắc đến cuộc "cách mạng văn hóa" kinh hoàng thời Mao Trạch Đông, cách đây nửa thế kỷ khiến hàng chục triệu người Trung Quốc thiệt mạng.

Marathon ở Bình Nhưỡng : Quốc gia toàn trị trên đường mở cửa

Bán đảo Triều Tiên, ít ngày trước cuộc thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un là tâm điểm thời sự quốc tế.

Le Point có phóng sự mô tả cuộc thi bán marathon quốc tế, được tổ chức tại Bình Nhưỡng, với sự tham gia của hơn 400 vận động viên nước ngoài, được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Qua câu chuyện về cuộc thi thể thao, Le Point chuyển đến công chúng những hình ảnh đầy nghịch lý của chế độ Bắc Triều Tiên, quốc gia toàn trị đang bắt đầu mở cửa ra với thế giới bên ngoài.

Do các phóng viên không được phép tham gia trong sự kiện này, nhà báo Le Point phải đóng vai làm vận động viên. Khách nước ngoài phải tuân theo hàng loạt các quy định, giao tiếp với dân chúng bị ngăn chặn, bắt buộc phải tỏ thái độ tôn kính với các lãnh đạo Bắc Triều Tiên quá cố là những điều không khó hình dung tại quê hương của Kim Jong-un. Chính các hướng dẫn viên là những người đầu tiên đốc thúc khách tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt.

Phóng viên Le Point được chứng kiến cảnh an ninh mặc thường phục canh gác để người dân Bắc Triều Tiên, buộc tham gia cổ động cuộc chạy đua, không được phép rời khán đài khi cuộc đua chưa kết thúc, cảnh công viên nước hoành tráng nhưng vắng khách, vì giá vé rất cao so với thu nhập trung bình. Điều ngạc nhiên không kém đối với phóng viên Le Point là thái độ của nhiều khách quốc tế. Sau khi thưởng thức món chả nướng tại một tiệm ăn sang trọng, họ đã thốt lên với vẻ bất mãn : người dân ở đây được an toàn và sung sướng, tại sao người ta lại mô tả Bắc Triều Tiên như "một chế độ hãi hùng" ?

Le Point mỉa mai : Đúng là trong chương trình du lịch Bắc Triều Tiên còn thiếu mục tham quan các trại tập trung, nơi giam cầm 200.000 tù nhân chính trị.

Truyền thông trung thực : Đừng để bị mạng xã hội lấn át !

Về truyền thông và nền dân chủ, báo L’Obs đặc biệt lo ngại nguy cơ truyền thông trung thực bị đẩy lùi với sự lên ngôi của các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, đang đóng vai trò các phương tiện truyền thông mới.

Trả lời phỏng vấn L’Obs, nhà báo Frédéric Filloux, một chuyên gia về kỹ thuật số, cảnh báo chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một thế hệ "được thông tin rất kém", do truyền thông chủ lưu mất đất, lĩnh vực truyền thông bị bỏ ngỏ, tin giả, tin bịa tràn ngập. Và công chúng ngày càng có xu hướng đánh đồng các thông tin nghiêm túc, "có chất lượng" - mà phải rất công phu mới làm ra được - với các loại thông tin chắp vá, nửa thực, nửa hư, gây ngộ nhận.

Nhà báo Frédéric Filloux chỉ ra thủ phạm trực tiếp của tình trạng này là hệ thống các mạng xã hội, trang mạng thông tin "miễn phí" sống chủ yếu nhờ vào quảng cáo, đã thay thế các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc đưa tin, nhưng chính mình lại không có trách nhiệm về chất lượng của thông tin được đăng tải. Các nền dân chủ, nếu tiếp tục để tin giả, tin thật lẫn lộn như vậy, không sớm thì muộn sẽ phải đối mặt với các thảm họa. Bởi hệ quả của điều này là sự bùng phát không gì kiểm soát nổi của các quan điểm cực đoan. Việc Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ chỉ là một trường hợp gây sốc lớn đầu tiên.

"Truyền thông hãy rời khỏi Facebook !" là kêu gọi của tác giả (rời khỏi Facebook không có nghĩa là đoạn tuyệt, mà chủ yếu là không để Facebook nắm quyền kiểm soát các quan hệ với bạn đọc). Nhà báo Frédéric Filloux đề nghị các phương tiện truyền thông trở lại làm đúng sứ mạng của mình.

Về phần mình, nhà báo - chuyên gia tin học Frédéric Filloux đã lập ra một một thuật toán tự động thẩm định thông tin tốt, có chất lượng, đang hoàn thiện, mà hiện theo ông có tỉ lệ chính xác là khoảng 95%. Deepnews.ai được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu hàng chục triệu bài báo thuộc tám cơ sở truyền thông khác nhau.

Buộc các tập đoàn tin học tôn trọng Nhà nước pháp quyền

Tuy nhiên, Facebook chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Xã luận Le Point vạch ra vấn đề sâu xa hơn nằm ở "mô hình kinh tế" chủ lưu hiện nay của nền kinh tế kỹ thuật số, với các đại gia thuộc nhóm GAFAM (bao gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft).

Riêng Google và Facebook thu hút đến 80% tiền bán quảng cáo tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Theo Le Point, chủ trương thông tin "miễn phí", tưởng như là một lý tưởng tốt của một thời, lại trở thành cơ sở cho quan điểm làm ăn mang tính lưu manh. Đó là nếu như có miễn phí mặt này, thì sẽ có đánh cắp ở mặt khác để bù lại. "Đánh cắp các dữ liệu đời tư, tiền lương của người cộng sự, tiền thuế phải trả".

Le Point kêu gọi đưa các tập đoàn tin học trở lại với Nhà nước pháp quyền, với trách nhiệm xã hội, với nhận định là Liên Âu hiện đang đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực này. Đây cũng là một cơ hội cho phép Châu Âu vọt lên trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Hơn 40.000 bức thư của Napoléon : Người thách thức số phận

Ký ức về Napoléon, nhân vật khổng lồ của của lịch sử Pháp và Châu Âu, là chủ đề trang bìa của L’Obs. Nhân dịp tập 15 và cũng là tập cuối cùng của toàn tập thư từ của Napoléon được xuất bản, L’Obs trở lại giới thiệu bộ sưu tập hơn 40.000 bức thư của hoàng đế Pháp. Dự án - của Quỹ Napoléon - ra đời năm 2002 đã nhận được sự đóng góp của khoảng 200 bảo tàng, viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ của 40 quốc gia, không kể các sưu tập tư nhân. 200 nhà nghiên cứu tham gia thẩm định tài liệu.

Những thư từ được xuất bản trong tập cuối, trong đó 22% thư chưa bao giờ được công bố, cho thấy một Napoléon cuối đời (1814-1821), bị thua trận, trở lại với trận chiến Waterloo, rồi chấp nhận ra hàng và sống lưu đày trên đảo Sainte-Hélène, trong hoàn cảnh nào cũng vẫn là người "thách thức số phận". "Không bao giờ ông chấp nhận để ai nói thay mình, kể cả thần chết" (chính Napoléon đọc cho quận công Montholon chấp bút bức thư cuối cùng, với các lời di chúc, gửi toàn quyền đảo Saint-Hélène).

"Alzheimer" : Cuốn sách lên án giới chuyên môn

Trong lĩnh vực y tế, Le Point giới thiệu với độc giả cuốn sách mới về bệnh "Alzheimer", "gây chấn động". Theo các tác giả, cho đến nay cơ chế của Alzheimer, thường được gọi là bệnh mất trí nhớ, vẫn hoàn toàn bí ẩn, giới chuyên môn quá vội vã khi đưa ra các chẩn đoán khi không đủ cơ sở, để rồi hàng loạt dược phẩm được tung ra. Nhưng tiền mất, tật mang.

Cuốn sách "Alzheimer, Le grand leurre" của giáo sư lão khoa Olivier Saint-Jean (bệnh viện Pompidou, Paris) và nhà báo kỳ cựu Favreau khẳng định giới chuyên môn đã "không nghiên cứu thực sự về quá trình lão hóa". Hàng trăm triệu hộp thuốc đã được tung ra, hàng chục tỉ euro tiêu tùng, chỉ để che lấp sự bất lực trước các triệu chứng lão hóa không thuốc chữa.

Theo các tác giả, các rối loạn trí não tuổi già cần được coi như hậu quả của lão hóa, chứ không phải của một căn bệnh giả tưởng, thì mới có hy vọng tìm ra được giải pháp. Việc điều trị, cải thiện cuộc sống người cao tuổi cần phải dựa nhiều vào các tiếp cận xã hội, tâm lý. Người già cả rất cần đến giao tiếp với cộng đồng, sự hỗ trợ của con cái. Quy mọi biểu hiện bệnh lý cho Alzheimer, phó mặc mọi trách nhiệm cho thuốc bệnh, phải chăng là "biến tuổi già thành bệnh tật".

Mất 95% da vẫn sống, nhờ tình anh em

Cũng trong lĩnh vực y tế, L’Obs đưa bạn đọc đến với hai anh em sinh đôi tại một ngôi làng nhỏ miền bắc nước Pháp. Frank bị mất 95% da, sau một tai nạn khủng khiếp tại nơi làm việc, cơ hội sống sót chưa đầy 1%, đã được Erik nhường lại một phần da. Trước vụ ghép da lịch sử này, chưa từng ai bị mất quá 60% diện tích da mà thoát được tử thần.

Frank Dufourmantelle sống lại một cách kỳ diệu là nhờ hàng loạt nguyên nhân. Trước hết, anh đã được cấp cứu hết sức kịp thời, chỉ ít phút sau tai nạn. Ê-kíp bác sĩ tuyệt vời, về chuyên môn, cũng như về tâm lý. Nhưng nếu không có sự hy sinh của người anh em sinh đôi sẵn sàng nhường da, xẻ thịt, Frank ắt hẳn không có cơ hội được sống dưới ánh mặt trời.

"Cây đậu cánh chim" ở xứ Băng Đảo : truyện ngụ ngôn thời hiện đại

Khép lại mục điểm tuần báo xin giới thiệu một câu chuyện gợi nhiều suy nghĩ về cây Lupin hoa tím (còn gọi là cây Đậu cánh chim), từng được coi là cứu tinh của môi trường xứ Băng Đảo (Iceland), nhưng ít năm gần đây lại trở thành đối tượng chia rẽ người dân xứ này thành hai phe.

Phóng sự mục "360 độ" của Courrier International kể rằng : Xứ Băng Đảo vốn tự hào về các vùng núi non đất đai cằn cỗi, nhưng hùng tráng như cảnh trên Mặt Trăng. Thế nhưng, cách đây nửa thế kỷ, để cứu môi trường thực vật của hòn đảo trên đà tàn lụi, hệ quả của quá trình công nghiệp hóa tàn khốc hàng thế kỷ, người ta đã du nhập vào xứ này loài Đậu cánh chim Alaska, có sức sống mãnh liệt. Bởi chúng có thể thu hút ni-tơ từ khí quyển làm giàu những vùng đất khô cằn nhất.

Cùng với khí hậu Trái đất bị hâm nóng, Đậu cánh chim tím biếc dần lan rộng, làm nên một gương mặt mới cho Băng Đảo. Những người ủng hộ vui mừng vì loài thực vật mới làm tươi tốt xứ sở, nhưng nhiều người thù ghét Đậu cánh chim, bởi chúng vừa phá hủy khung cảnh nguyên sơ hoành tráng xưa kia, lại vừa tiêu diệt nhiều giống loài khác. Tiêu diệt Đậu cánh chim hay tiếp tục để chúng phát triển ? Tại Iceland, rất ít người có quan điểm trung dung.

Phóng sự của Courrier International như một câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại. Khi con người sau bao nhiêu nỗ lực can thiệp với tham vọng biến đổi tự nhiên để phục vụ mình, rốt cục đang dần dần hiểu ra rằng phương thức tối ưu là chung sống với thiên nhiên. Sức sống mãnh liệt của loài Đậu cánh chim là một thách đố, nhưng cũng là một cơ hội cho con người.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 818 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)