Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/06/2018

Điểm báo Pháp - Macron - Erdogan - World Cup 2018

RFI tiếng Việt

Macron đến gặp Giáo hoàng, Thổ Nhĩ Kỳ có "tân vương"

Trang nhất các nhật báo lớn của Pháp ngày 26/06/2018 nhất loạt đưa tin về chuyến công du Vatican của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

macron1

Giáo hoàng Francis tặng quà cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc gặp tại Vatican, ngày 26/06/2018Alessandra Tarantino/Pool via Reuters

Nhật báo công giáo La Croix trang trọng chạy tít : "Một vị tổng thống đến gặp Giáo Hoàng". Le Monde nêu rõ đó là "Cuộc gặp đầu tiên giữa Macron và giáo hoàng Francis".

Nhật báo thiên tả Libération thông báo : "Macron đến Vatican" rồi nói "Tôi xin chào Ngài, Francis". Riêng Le Figaro nói thẳng "Châu Âu, Di dân : Macron đến tìm hậu thuẫn của Giáo hoàng". Tuy nhiên, nhật báo thiên hữu này lưu ý là nhìn từ Vatican, cuộc khủng hoảng di dân, và các hậu quả chính trị tại Châu Âu đang làm thay đổi diện mạo khu vực.

Thủ tướng Đức Angela Merkel bị suy yếu, nước Pháp được xem như là điểm tiếp sức để tái khởi động sự năng động của Châu Âu. Thế nhưng, theo nhật báo, dường như có nhiều chủ đề khác như đạo đức sinh học, thế tục, số phận người công giáo ở phương Đông có nguy cơ lấn át các hồ sơ di dân và Liên Hiệp Châu Âu.

Liên quan đến chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix có bài phỏng vấn ngắn ông Bruno Joubert, cựu đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh (2012-2015) khẳng định "Đó có lẽ sẽ là một sai lầm cho tổng thống Pháp nếu không đến gặp Giáo hoàng".

Ông giải thích rằng quan hệ giữa Pháp và Vatican giờ thật sự là một mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước. Đúng hơn hết là giữa "một Giáo hội tự do với một Nhà nước tự do". Một vị tổng thống đến gặp giáo hoàng bởi vì Ngài cũng là lãnh đạo của một cường quốc đóng giữ một vai trò trong một trật tự quốc tế và tiếng nói của Ngài đang được toàn thế giới lắng nghe, bất kể họ có là người công giáo hay không.

Recep Erdogan : Siêu "tân vương" của Thổ Nhĩ Kỳ

Kết quả bầu cử với thắng lợi áp đảo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là chủ đề quốc tế chính được các báo Pháp khai thác nhiều nhất. Sau nhiều ngày đưa ra những dự đoán bất lợi cho ông Erdogan, các báo Pháp hôm nay đành ngậm ngùi nhìn nhận "Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan khẳng định thế thống trị của mình", như hàng tít lớn trên Le Monde.

Le Figaro chua chát đề tựa "Erdogan bắt đầu thời trị vì độc quyền". Tái đắc cử với 52,5% phiếu bầu, tổng thống Erdogan đã thâu tóm thành công quyền lực chưa từng có. Ông kiểm soát các định chế pháp lý và nghị viện. Tổng thống Erdogan giờ có thể điều hành đất nước theo ý muốn của mình, cả trên lĩnh vực đối nội lẫn đối ngoại.

Dù vậy, Les Echos lưu ý đến "Những thách thức mới dành cho Erdogan". Làm thế nào hâm nóng lại quan hệ giữa Ankara với các nước phương Tây, đã bị xuống cấp nghiêm trọng do những bất đồng trên các hồ sơ người Kurdistan, khủng hoảng Syria ?

Nhưng thách thức lớn nhất dành cho tổng thống Erdogan chính là vấn đề kinh tế. Quả thật dưới sự lãnh đạo của ông, tổng sản phẩm nội địa đã tăng gấp ba, nhưng đồng thời, lạm phát cũng tăng vọt theo. Khả năng thanh khoản giảm nghiêm trọng, lãi suất cao ngất ngưỡng và mức nợ công của lĩnh vực tư nhân hiện đang chạm ngưỡng.

Trong khi đó, đầu tư nước ngoài tụt giảm thê thảm 40% trong vòng 2 năm. Điều đó phản ảnh phần nào thái độ nghi kỵ gia tăng đối với một nền kinh tế với các quy định pháp lý không rõ ràng. Hệ quả là hiệu suất cũng không tăng theo. Ví dụ điển hình nhất là đồng livre của Thổ đã bị mất giá đến 18% kể từ đầu năm nay.

Dẫu sao thì những chướng ngại đó đã không thể nào cản trở được ông Erdogan trở thành "siêu tổng thống" tập trung hết toàn bộ quyền hành pháp như nhận xét của bài xã luận Le Monde. Một bộ phận lớn xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho đến giờ đã biết cách kháng cự. Do vậy, theo bài viết, việc chế độ độc tài đã củng cố quyền lực của mình giờ đang trở thành một thách thức mới cho xã hội dân sự Thổ.

Pháp : 4 trong 10 bệnh ung thư có thể tránh được

Trong lĩnh vực sức khỏe, báo Le Monde trích dẫn kết quả một nghiên cứu khoa học đăng trên Tuần san dịch tễ học ngày 25/06/2018 khẳng định có những căn bệnh ung thư có thể "tránh được" nếu chúng ta có cách sống và môi trường sống "trong sạch".

Nghiên cứu của nhà khoa học Pháp, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế về Ung thư khẳng định nhiều yếu tố gây ung thư nghiêm trọng do thói quen xấu của con người như thuốc lá, rượu, dùng nhiều thịt đỏ, thịt nguội có tẩm chất bảo quản, ít hoạt động thể thao, phơi nhiễm khí độc do nghề nghiệp hay môi trường sống không lành mạnh.

Từ những nghiên cứu đó, các nhà khoa học cho rằng có nhiều chứng ung thư con người có tránh được như ung thư phổi, ngực, ruột tràng, cuống họng, da, gan, bao tử hay thận…

World Cup 2018 : Pháp gặp lại "người quen cũ" Đan Mạch

Đề tài cuối cùng không một nhật báo nào có thể bỏ qua là World Cup 2018. Báo Pháp đều quan tâm đến trận đấu chiều tối nay giữa Pháp và Đan Mạch. Le Figaro lo lắng tự hỏi : Liệu đội áo lam có giữ được ngôi đầu bảng trước một đối thủ không ít lần khiến đội Pháp "khóc dở, cười dở".

Còn Le Monde thì quan tâm đến thân phận của những cầu thủ ngồi ghế dự bị, những "chiến sĩ vô danh". Khi thắng chỉ được thơm lây, không được nêu tên tuổi. Nhưng khi thua cũng bị vạ lây vì cũng mang tiếng là tuyển thủ đội quốc gia.

Về phần mình, Les Echos có bài chú ý đến nguyện vọng của tổng thống Hàn Quốc, có vẻ mang tính hão huyền nhưng rất có hy vọng hiện thực : đó là có ngày được tổ chức chung với Bắc Triều Tiên một Cúp Bóng đá Thế Giới.

Minh Anh

***************

Cúp Bóng Đá Thế Giới và những người "Thợ cắt tóc"

Ngoài chuyện thắng thua của các đội tuyển, chuyện hậu trường World Cup đôi khi cũng gây sự tò mò. Mỗi một ngày, các báo Pháp đều dành vài trang báo để nói về kết quả các trận đấu hôm trước, đưa ra các phân tích và đánh giá tương quan lực lượng các trận đấu trong ngày. Và đương nhiên là không quên những chuyện bên lề của quả bóng tròn.

macron2

Ảnh chụp màn hình bài viết của Le Monde (26/06/2018)RFI / Capture d'image

Le Figaro (26/06/2018) thông báo : "Đan Mạch – Pháp : mục tiêu vị trí đầu bảng cho đội áo lam". Đội tuyển Pháp có dịp gặp lại "người quen cũ" sau các kỳ Euro 84, World Cup 98 và Euro 2000, những trận đấu mang lại vinh quang cho đội tuyển Pháp khi các cầu thủ đá hết mình.

Nhưng cũng chính "người quen cũ" này đã nhiều lần nhấn chìm đội áo lam, đôi khi xuống đến tận đáy cùng của nỗi nhục nhã như trong trận bán kết Thế Vận Hội Mùa Hè 1908 với tỷ số 17-1, hay như trận thua Euro 92 và World Cup 2002.

Thắng thua là lẽ thường tình. World Cup là niềm vui của người này, nhưng là nỗi buồn của kẻ khác. Nhưng có lẽ sẽ không có nỗi buồn nào bằng sự buồn tủi của những cầu thủ ngồi ghế dự bị. Như thấu hiểu nỗi niềm của các cầu thủ "vô danh" đó, báo Le Monde có một bài viết, hóm hỉnh đề tựa "Profession : Coiffeur".

Nếu dịch theo từng từ, Profession là Nghề nghiệp, Coiffeur là Thợ cắt tóc. Vậy thợ cắt tóc có liên quan gì đến bóng đá ? Xin thưa với quý vị là Có. Bởi vì đó là cách dùng từ với nội dung này ra đời ở Pháp dùng để ám chỉ đến các cầu thủ dự bị thường trực.

Theo nhật báo, cách dùng này có thể có hai xuất xứ. Nguồn gốc thứ nhất là vào năm 1958, trong kỳ World Cup tại Thụy Điển. Mùa giải năm đó, đội tuyển Pháp xếp hạng ba và chỉ sử dụng có 15 trong số 22 tuyển thủ. Bảy cầu thủ còn lại dường như để "giết thời gian" đã tình nguyện làm thợ cắt tóc cho các tuyển thủ chính thức.

Xuất xứ thứ hai có thể là từ năm 1986, để chỉ người ngồi sau băng ghế đứng lên cầm kéo cắt tóc. Ông Henri Emile, khi ấy là trợ lý cho huấn luyện viên trưởng Henri Michel tại World Cup Mexico nhớ lại : "Một cầu thủ đã cắt tóc cho một người khác và hài hước nói rằng : Dù sao đi nữa tớ cũng chỉ có mỗi việc này để làm mà thôi".

Kể từ đó, thuật ngữ "Thợ cắt tóc" đã trở nên phổ biến. Vậy người ta có cảm thấy xấu hổ khi bị xem là thợ cắt tóc hay không ? Xin thưa là Không. Bởi vì tất cả mọi người, kể cả những danh thủ cũng đều phải trải qua kinh nghiệm này.

Volgograd : Một trận chiến khác của World Cup

Cúp Bóng Đá Thế Giới là dịp để nước chủ nhà giới thiệu các danh lam thắng cảnh tại những thành phố có diễn ra các trận cầu, nhằm thu hút khách du lịch. Nước Nga cũng không là một ngoại lệ. Thành phố Volgograd là nơi diễn ra các trận đấu của bảng A và trận đấu sau cùng của vòng loại là ngày 28/06 giữa đội Nhật Bản và Ba Lan.

Thế nhưng, theo Le Monde, đằng sau không khí hừng hực của bóng đá, còn là một trận đấu khác âm thầm hơn. Đó là một cuộc chiến lịch sử. Le Monde có bài viết đề tựa "Cúp Thế Giới trên đóng tro tàn của trận chiến Stalingrad".

Thành phố Volgograd trước đây có tên gọi là Stalingrad. Thành phố mang tên của nhà lãnh đạo độc tài thời Xô Viết, ông Stalin. Đây cũng là nơi diễn ra trận chiến ác liệt giữa Hồng Quân Liên Xô và quân phát xít Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Vết tích của cuộc chiến khốc liệt đó vẫn còn tồn lại đến ngày nay. Người ta đã tìm thấy "bảy quả bom, đã được tháo gỡ thành công và hơn 300 mảnh vụn các thiết bị quân sự", cùng với hài cốt của hai binh sĩ Hồng Quân ngay trên mảnh đất công trường xây sân vận động bóng đá.

Giờ đây, nhiều cựu chiến binh, những người từng tham gia trận chiến oai hùng năm đó, nay tuổi đã gần đất xa trời, nhưng vẫn đang tiếp tục đấu tranh muốn giữ lại tên cũ thành phố là Stalingrad. Theo họ, nếu không có ông Stalin lúc bấy giờ, nước Nga không thể nào thắng trận. Họ muốn sửa chữa lại sai lầm của Khrouchtchev, người đã quyết định xóa tên Stalin, trả lại tên Volgograd vào năm 1961.

Họ tự hỏi, tại sao ở Pháp có nhiều con đường và phố mang tên Stalingrad hơn là ở Nga ? Ít nhất là vẫn còn đến 167 con phố hay đại lộ mang tên nhà độc tài tại Pháp đấy sao.

World Cup tại Bắc Triều Tiên ?

Les Echos cũng tham gia vào câu chuyện World Cup 2018 nhưng với một câu hỏi lớn : "Thế nếu như Bắc Triều Tiên đón Cúp Bóng Đá Thế Giới thì sao ?". Ý tưởng này đã từng được tổng thống Hàn Quốc đề cập đến một lần vào tháng 06/2017. Đề xuất đã khiến nhiều người cười khẩy, nhưng nay với việc hâm nóng quan hệ ngoạn mục giữa hai nước Triều Tiên, thì điều đó có nhiều hy vọng thành sự thật.

Bởi vì theo quan điểm của tổng thống Moon Jae-in, nếu World Cup 2030 sẽ do một khối Châu Á bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí nếu có thêm Bắc Triều Tiên đồng tổ chức, "điều đó có lẽ sẽ giúp kiến tạo một nền hòa bình giữa hai miền Nam và Bắc, và rộng hơn nữa là cho cả vùng Đông Bắc Á".

Mơ ước hai nước Triều Tiên cùng tổ chức World Cup đã được tổng thống Moon thổ lộ cùng với chủ tịch FIFA. Hứng thú trước ý tưởng này, ông Gianni Infantino dường như đã đáp trả rằng Seoul có lẽ nên chuẩn bị ngay từ bây giờ một hồ sơ ứng cử như thế.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)