Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/09/2023

Điểm báo Pháp - Tổng thống Pháp họp với đối lập

RFI tiếng Việt

Tổng thống Pháp họp với đảng phái đối lập : Đồng thuận về Ukraine và "đối thoại" vì lợi ích chung

Thời sự trong nước là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp hôm nay, 01/09/2023. Les Echos Le Figaro chú ý đến "áp lực lạm phát". Cuộc họp kín 12 giờ giữa tổng thống Emmanuel Macron và lãnh đạo các đảng phái lớn ở Quốc hội là chủ đề chính của hầu hết các báo. Cuộc họp được một bộ phận chính giới và truyền thông đánh giá là "lịch sử", mở đường khai thông thế bế tắc chính trị. Nhiều đảng phái đối lập thất vọng, nhưng chấp nhận tham gia một phiên họp tương tự.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 21/07/2023. AP - Christophe Ena

Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài khen ngợi "Một thành công chiến thuật của Emmanuel Macron", với ghi nhận : "Một lần nữa ông Macron lại giành được huy chương vàng trong môn thi ứng xử giỏi".

Kịch bản bỏ về sớm không xảy ra

Le Figaro ghi nhận thành công của tổng thống Macron trước hết vì "lẽ ra nhiều lãnh đạo đảng phái đối lập có thể đã không nhận lời mời", "nhiều người có thể đã đe dọa sẽ rời phiên họp sớm". Nhưng rút cục kịch bản ấy đã không xảy ra. Tất cả đã ngồi lại đến 3 giờ 15 phút sáng, ngày hôm qua 31/08, sau 12 giờ họp liên tục. Và "tất cả đều chấp nhận sẽ ngồi vào bàn cùng nhau một lần nữa".

Le Figaro ghi nhận, tổng thống Macron đã tạo được "sự chuyển động" trong đời sống chính trị Pháp đúng vào lúc phe cầm quyền có nguy cơ "sa lầy", trong bối cảnh liên đảng cầm quyền không có đa số quá 50% trong Quốc hội, và nội bộ phân hóa. Tại sao tổng thống Macron lại làm được điều này ? Theo Le Figaro, bởi mỗi bên tham gia cuộc họp "thấy được lợi ích của mình". Tuy nhiên, Le Figaro cảnh báo, "điều khó khăn nhất là biến một sự kiện thành công như vậy thành một tiến trình mang lại lợi ích thực sự". Nhật báo thiên hữu tin tưởng lãnh đạo các nhóm nghị sĩ lớn trong Quốc hội tham gia cuộc họp với tổng thống "dường như chia sẻ đòi hỏi chung… về việc xem xét lại các phương thức vận hành của nền dân chủ" Pháp.

Xa cách hẳn với không khí bạo lực cực độ tại Quốc hội

Cũng Le Figaro có bài "Chúng ta ở cách xa hẳn với không khí bạo lực cực độ tại Quốc hội", mô tả một số diễn biến chính của cuộc họp đặc biệt này, qua lời kể của một số lãnh đạo các nhóm nghị sĩ tham dự cuộc họp. "Không khí bạo lực cực độ" nhắc đến tình trạng căng thẳng cao độ tại Quốc hội, với đỉnh điểm là cuộc cải cách hưu trí đầu 2023 bị các đảng phái cánh tả phản đối dữ đội. Nhật báo thiên hữu dẫn lời các lãnh đạo cánh tả, khẳng định cuộc họp đã diễn ra trong không khí "nghiêm túc, cân bằng, xây dựng" (lãnh đạo Đảng cộng sản Fabien Roussel), "không khí thiện chí" (lãnh đạo đảng Xã hội Oliver Faure)…

Tạo không khí tin cậy

Nhật báo kinh tế Les Echos dành mục "Mỗi ngày một sự kiện chính trị" cho cuộc họp nói trên, với bài "Macron : Người có trăm phương nghìn cách để làm bối rối các đảng phái". Tương tự như Le Figaro, Les Echos ca ngợi thành công của tổng thống Macron. Điều mà ông Macron đã làm được trước hết, theo Les Echos, là tạo được "sự tin cậy" (theo Le Monde, tất cả lãnh đạo các đảng phái, chủ tịch lưỡng viện và kể cả tổng thống đều bỏ điện thoại di động trước khi vào họp. Không có bất kỳ trợ lý tổng thống nào tham dự cuộc họp).

Chủ đề cuộc xâm lăng Ukraine của Nga đã được chọn để mở đầu. Tổng thống đã trình bày cặn kẽ vấn đề này trước lãnh đạo các đảng đối lập với các bản đồ do cơ quan tình báo cung cấp. Theo nguồn tin của Les Echos, đây là các tài liệu mật. "Chia sẻ tài liệu mật chứng tỏ sự tôn trọng và lòng tin". Và đây chính là điều không hề quen thuộc với lãnh đạo các đảng đối lập. Và họ đã chấp nhận lắng nghe ông Macron. Theo Les Echos, cuộc họp này "chắc chắn không phải là một cuộc cách mạng, hay một thời điểm lịch sử, như điều mà giới thân cận với tổng thống ca ngợi quá nhanh chóng, nhưng là một diễn biến chính trị có lợi cho tổng thống".

Ukraine – chủ đề đồng thuận

Chính sách hậu thuẫn Ukraine của Pháp là điều mà lãnh đạo tất cả đảng phái tham dự, từ cực hữu cho đến cực tả đều đồng thuận cao. Le Monde nhấn mạnh đến đồng thuận đặc biệt này. "Điện Elysée không bỏ lỡ dịp sau cuộc họp kín nhấn mạnh về "sự ủng hộ tuyệt đối của giới chính trị với chính sách này", vốn bị cựu tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy lên án. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất - LFI, Manuel Bombard, cũng nhấn mạnh đến việc tổng thống Macron ghi nhận không có phần tử thân Putin nào tại bàn họp, và không có bất cứ một đảng phái nào ủng hộ cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraine". Nhận định nói trên là để gián tiếp phản bác các chỉ trích là đảng LFI thân Nga, và nhắc gợi đến quan điểm của lãnh đạo đảng cựu hữu Tập hợp Dân tộc Marine Le Pen, bị đích thân tổng thống cáo buộc "thân Putin".

Macron nhân nhượng cho cánh tả một "hội nghị về xã hội"

Về chủ đề cuộc họp đặc biệt giữa tổng thống với các đảng phái lớn, Le Monde chạy trang nhất : "Macron nhân nhượng cho cánh tả một hội nghị xã hội". "Hội nghị xã hội" tức hội nghị bàn về những người lao động có mức thu nhập dưới mức lương tối thiểu (SMIC). Bài "Vấn đề đời sống của người Pháp chỉ bắt đầu được bàn đến sau lúc nửa đêm" của Le Monde cho biết thái độ dè dặt các lãnh đạo cánh tả trước đề xuất của tổng thống. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Xanh Marine Tondelier nhắc lại bài học về các sáng kiến trước đó "gây thất vọng", như cuộc Thảo luận Toàn quốc sau bạo động Áo Vàng, hay Hội nghị Công dân về Khí hậu, trong lúc lãnh đạo đảng Xã Hội nhấn mạnh đến thủ thuật tuyên truyền của tổng thống, nhưng thừa nhận sẽ tiếp tục đối thoại chừng nào điều đó mang lại các lợi ích cụ thể cho người dân.

Lên án chiến lược truyền thông "lừa dối"

Nhật báo thiên tả Libération có nhiều bài dành cho chủ đề này. Tương tự như các báo bạn, Libération khẳng định điểm đồng thuận lớn các bên đạt được là về chính sách ủng hộ Ukraine, tức phần một của cuộc họp, bất đồng nhiều hơn xung quanh vấn đề các định chế chính trị của nước Pháp trong phần tiếp theo. Cánh hữu bảo vệ nền Đệ ngũ Cộng hòa, trong lúc cánh tả muốn thúc đẩy chuyển qua nền Đệ lục. Điều 49.3, trưng cầu dân ý là các chủ đề gây bất đồng.

Về cuộc họp này, trong một bài viết khác, Libération đả kích mạnh mẽ chiến lược truyền thông "lừa dối" của tổng thống. Theo Libération, "về mặt chính thức, đối thoại diễn ra suôn sẻ, nhưng trước hết có thể thấy, kết quả của sáng kiến chưa từng có từ một tổng thống còn xa mới là một sự kiện lịch sử. Cuộc họp để lại cho tất cả các khách mời cảm giác hẫng hụt, và ấn tượng về việc dàn cảnh không hứa hẹn mang lại kết quả". Libération kết luận, về thực chất, cục diện chính trị nước Pháp không có gì thay đổi" : Bị mất đa số quá 50% tại Quốc hội, tổng thống Macron giờ đang tìm mọi cách "để tìm thêm dưỡng khí sau một giai đoạn đầu tiên của nhiệm kỳ, mà ông ấy đã hành hạ Quốc hội, trong lúc không có được sự ủng hộ của dân chúng".

Về cuộc họp đặc biệt giữa tổng thống và lãnh đạo các đảng phái lớn, nhật báo công giáo La Croix ghi nhận, ngoài duy nhất một hành động cụ thể được đưa ra : tổ chức một hội nghị về những người lương dưới mức tối thiểu, và đồng thuận về Ukraine, không có bất cứ một thỏa hiệp nào khác. Bài "Macron và lãnh đạo các đảng, để kỳ sau xem tiếp" cho biết điện Elysée hứa trong những ngày tới sẽ gửi đến lãnh đạo các đảng bản tổng hợp về các trao đổi, và đề xuất những công việc cần làm".

Tội ác của Nga tại Ukraine tiếp nối sự man rợ của Liên Xô

Le Figaro hôm nay có nhiều bài về Ukraine. Bạo lực Nga đối với Ukraine không phải là chuyện mới. Bài "Những tội ác của Nga tại Ukraine phản chiếu sự man rợ của chế độ Liên Xô trước đây" thuật lại lịch sử về các cuộc thảm sát do lực lượng an ninh mật của chế độ cộng sản Liên Xô (NKVD) tiến hành mùa hè năm 1941 tại một vùng ngoại ô thành phố Ivano-Frankivsk, thuộc miền tây Ukraine. Sau thỏa thuận Molotov-Ribbentrop năm 1939, giữa Liên Xô và chế độ Đức quốc xã, Liên Xô được quyền sáp nhập miền tây Ukraine, vốn thuộc Ba Lan cho đến 1939. Vào thời điểm đó, trước đà tiến quân của lực lượng phát xít, lực lượng an ninh mật của chế độ cộng sản Liên Xô (NKVD) đã được lệnh giết hàng trăm thường dân.

Tuy nhiên, các hành động tội ác của Liên Xô không chỉ diễn ra vào thời điểm này. Theo nhà sử học Iaroslav Koretchuk, giám đốc bảo tàng giải phóng Ukraine, ngay từ khi tiếp quản miền tây Ukraine năm 1939, người Nga đã nỗ lực "triệt hạ văn hóa Ukraine, bắt bớ tất cả các nhà hoạt động dân tộc chủ nghĩa, tất cả giới tinh hoa Ukraine, giới tăng lữ… kể cả giới tinh hoa người Do Thái, người Đức, người Ba Lan, những người mang trong mình bản sắc đa văn hóa của thành phố vốn thuộc Ba Lan", điều mà chế độ Liên Xô không muốn.

Cũng trong số báo này, Le Figaro có các bài viết khác về Ukraine, "Tại Kiev, một viện nghiên cứu về ký ức thách thức lịch sử chính thống do Moskva áp đặt" và "Với Putin, ám ảnh quá khứ nuôi dưỡng tâm lý phục hồi tư tưởng đế quốc".

Về Ukraine, Le Monde có bài "Phải bảo vệ Châu Âu trước Nga", dẫn lại quan điểm của ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, trả lời phỏng vấn nhân chuyến công du của ông qua Pháp. Lãnh đạo ngoại giao Ukraine nhấn mạnh : nước Nga không còn là bạn, và một phần của Châu Âu, mà ngược lại cần phải bảo vệ Châu Âu trước đe dọa từ Moskva. Ông Kuleba thừa nhận đã có một thay đổi triệt để trong tâm lý người Châu Âu về việc này, nhưng vẫn còn có "một núi việc cần làm" để thuyết phục các đối tác Châu Âu ưu tiên bảo vệ sườn đông. Mà quốc gia trực tiếp bảo vệ an ninh Châu Âu "chính là Ukraine".

Cuộc cách mạng cung đình tại Gabon

Cuộc đảo chính tại quốc gia Trung Phi Gabon là chủ đề chính của Le Monde. Hồ sơ "Một cuộc đảo chính Gabon chấm dứt triều đại Bongo" của Le Monde cho biết "cuộc cách mạng cung đình này", có lợi cho một thành viên thân cận của tổng thống, đã chấm dứt 55 cầm quyền của gia tộc Bongo tại quốc gia này. Le Monde cũng nhấn mạnh, đối với Paris, cuộc đảo chính mới tại khu vực được coi là "sân sau" trước đây của nước Pháp ở Châu Phi khác hẳn với cuộc đảo chính tại Niger, do lực lượng đảo chính không chống lại Pháp, quốc gia thực dân cũ.

Bài xã luận của Le Monde "France – Afrique : virus Gabon" nhấn mạnh điểm chung của năm cuộc đảo chính tại miền Trung và miền Tây Châu Phi những năm gần đây là sự yếu kém của nền dân chủ tại các quốc gia này.

Nhật báo công giáo La Croix có bài "Chấm dứt triều đại Bongo tại Gabon" cũng ghi nhận, cầm quyền từ năm 1967, lãnh đạo các đời tổng thống thuộc dòng họ Bongo đã điều hành đất nước bằng phương thức "phi dân chủ". Sự trị vì của dòng họ Bongo không có lợi cho người Gabon, theo La Croix

Nạn ma túy ở Marseille và nỗi đau của những người mẹ

La Croix hôm nay dành hồ sơ trang nhất cho "Nạn ma túy ở thành phố Marseille và nỗi đau của những người mẹ". Tại thành phố cảng miền nam nước Pháp,nhiều phụ nữ giờ đây sẵn sàng lên tiếng để lên án các bạo lực liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy, và chống lại không khí thờ ơ trong xã hội. 39 người chết tại Marseille từ đầu năm đến nay, người mới nhất là một thanh niên 26 tuổi, bị bắn hôm 31/08. Bài "Phá vỡ luật im lặng, bao phủ xung quanh các vụ giết người" thuật lại nỗ lực của một nhóm phụ nữ.

Pháp : Chưa bao giờ ngành xuất bản bị "thế lực phản động" thao túng như vậy

Với Libération, việc tập đoàn xuất bản Hachette lọt vào tay tỉ phú Vincent Bolloré, theo tư tưởng cực hữu là thông tin chấn động. "Làng xuất bản : Một kỳ ra hè với những thử thách khắc nghiệt" là hồ sơ chính của Libération. Bài xã luận của Libération với tựa đề "Kiểm soát" cảnh báo "chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại nước Pháp, không kể thời kỳ chiếm đóng phát xít, đã hình thành nên một cực phản động lớn đến như vậy".

Tập đoàn xuất bản Hachette nắm giữ nhiều nhà xuất bản uy tín nổi tiếng như Grasset, Fayard, Marabout, Larousse và nhiều tên tuổi khác. Libération cảnh báo, công chúng "có thể sẽ sớm chứng kiến những can thiệp thô bạo như điều đã từng xảy ra với các đài báo như Europe 1, Paris Match, CNews, và JDD…".

Nữ văn sĩ Hàn Quốc và ám ảnh bạo lực thế kỷ XX

Phụ trương về sách của Le Monde dành trang nhất để giới thiệu tác phẩm của nữ văn sĩ Hàn Quốc Han Kang, nhân dịp ra mắt bản dịch cuốn sách : "Impossibles adieux" (Những điều không thể giã từ). Theo Le Monde, cuốn sách được coi là tiểu thuyết xuất sắc nhất của tác giả Hàn Quốc, có chủ đề chính là "hồi ức về những bạo lực của thế kỷ 20".

Tiểu thuyết "Mùn đất" : Trở về lấy cảm hứng từ loài giun

Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới của Gaspard Koenig "Humus" (tạm dịch : Mùn đất). Les Echos ca ngợi cuốn sách hài hước, xuất sắc, với nhân vật chính là những người kỹ sư bình dị, gắn bó với các loài giun đất. Với Les Echos, cuốn tiểu thuyết của nhà triết học, nhà chính trị học Gaspard Koenig, không chỉ là một thông điệp cổ vũ cho sự trở lại với thiên nhiên, để hiểu được sự kỳ diệu của thiên nhiên, trân trọng giá trị của loài vật nhỏ bé, cần cù làm giàu cho đất đai xuyên qua năm tháng, mà đây còn là một lời kêu gọi con người "lấy cảm hứng từ loài giun, về cách sống giản dị và độc đáo của chính loài sinh vật nhỏ bé mang lại sức khỏe cho môi trường xung quanh". 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 209 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)