Sau đột phá đầu tiên, Ukraine hy vọng cắt đường tiếp tế của quân Nga
Le Monde hôm 31/10/2023 nhấn mạnh "Robotyne, mũi đột phá đầu tiên vào phòng tuyến Nga". Việc chiếm được ngôi làng nhỏ bé này được coi là giai đoạn quan trọng trong cuộc phản công của Ukraine, nhằm cắt đứt tuyến đường bộ nối Nga với Crimea, triệt đường tiếp tế cho quân chiếm đóng ở miền nam.
Ảnh cắt từ video cho thấy dân làng Robotyne vui mừng khi các binh sĩ Lữ đoàn cơ giới 47 Ukraine tiến vào làng ngày 22/08/2023. via Reuters – 47th Separate Mechanizes Bfrigade
Giải phóng Robotyne, đột phá quan trọng
"Robotyne đã được giải phóng !". Vốn có thái độ chừng mực, thứ trưởng quốc phòng Hanna Maliar hôm 28/08 đã vui mừng thông báo như trên trong cuộc họp báo thường kỳ. Hơn hai tháng rưỡi sau khi bắt đầu phản công, lực lượng Kiev đã xuyên thủng được phòng tuyến được đánh giá là kiên cố nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Thoạt nhìn thì đây chỉ là một ngôi làng đồng không mông quạnh ở Zaporijia, chưa đến 500 dân, không có cơ sở chiến lược nào. Nhưng Robotyne nằm dọc theo con lộ T0408 dẫn đến thành phố Tokmak, được coi là chốt chặn để vào được Melitopol và Berdiansk, hai thành phố lớn đang bị chiếm đóng nằm gần biển Azov. Đặc biệt Robotyne ở trung tâm phòng tuyến đầu tiên trong hệ thống ba hàng rào phòng ngự của Nga gồm hàng ngàn chiến hào, những bãi mìn và công cụ chống tăng.
Thibault Fouillet, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng đánh giá thành công này giúp Ukraine có thể khai thác sâu thêm mũi đột phá. Hôm sau đó, quân đội Ukraine loan báo đã tiến được về hướng Novoprokopivka và Verbove, hiện còn cách tiền tuyến ở duyên hải biển Azov 80-90 kilomet.
Kiev tìm cách cắt đường tiếp tế của quân Nga
Chuyên gia Isabelle Dufour của Eurocrise cho rằng cầu đường bộ là điểm lý tưởng để tiến công, tạo ra một hành lang giúp cô lập tả ngạn sông Dniepr và bóp nghẹt quân Nga ở miền nam bằng hỏa lực. Đây cũng là cách mà Ukraine đã thực hiện tháng 11/2022 để đánh đuổi quân Nga khỏi hữu ngạn sông Dniepr và thành phố Kherson.
Chẳng cần phải tiến đến tận biển Azov, chỉ việc oanh kích những tuyến đường sắt ở miền nam và xa lộ E58 chạy từ đông sang tây. Jan Kallberg, nhà nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Chính trị Châu Âu, ước tính Ukraine chỉ còn "10 dặm" nữa để cắt đứt tuyến đường tiếp tế cho quân Nga. Theo các nhà phân tích quân sự, thực tế không đơn giản, cần phải chiếm được một hành lang rộng để tránh bị bao vây, hoặc dùng hỏa lực tấn công vào cạnh sườn. Hơn nữa, Nga còn có thể dùng cầu Kerch và tàu biển đi qua Azov để tiếp liệu dù phức tạp hơn đường sắt.
Trong khi chờ đợi, quân Nga cố sức hàn lại mảnh vỡ Robotyne. Moskva điều động lực lượng lính dù thiện chiến (Vozdouchno Dessantnye Voïska, gọi tắt là VDV), nhưng họ đã mệt mỏi sau 18 tháng chiến đấu. Viện Nghiên cứu Chiến tranh hôm 28/08 nhấn mạnh, sự xuống sức của lực lượng dù làm yếu đi khả năng phòng thủ của quân Nga. Thibault Fouillet nhìn nhận, khả năng huy động lực lượng dự trữ và giữ vững phòng tuyến thứ hai của Nga sẽ là yếu tố quyết định thành bại cho mũi đột phá Robotyne.
Ukraine : Nam giới ra trận, phụ nữ xuống hầm mỏ
Libération nhận thấy tại Ukraine "Trong khi đàn ông ra mặt trận thì phụ nữ xuống hầm mỏ". Chiến tranh đã hút hết nhân lực của ngành khai khoáng, nên ở vùng Dnipro và nhiều nơi khác, những nữ nhân viên lâu nay làm việc trên mặt đất đã được phân công xuống hầm sâu thay cho nam giới.
Từ đầu cuộc xâm lăng, đã có 800 nam công nhân cầm súng bảo vệ tổ quốc, chưa kể những người tình nguyện xin nhập ngũ, và một số đã làm mọi cách để chạy trốn. Thiếu người, từ mùa hè 2022 ban giám đốc đã phải khuyến khích các nữ nhân viên làm việc dưới hầm mỏ. Họ không phải làm những công việc nặng nhọc như trích xuất than, nhưng lái xe chở công nhân và thiết bị trong những hành lang tối tăm, chật hẹp, sửa điện… sau một tháng huấn luyện.
Hầm mỏ bỗng trở nên gọn ghẽ hơn, thái độ đối xử với nhau lịch sự hơn kể từ khi có phụ nữ tham gia. Nữ giới làm việc ở độ sâu tối đa 300 mét, trong khi nam công nhân xuống đến 475 mét. Nhưng đối với các cô, nỗi sợ không phải là ở sâu dưới mặt đất, mà lo cho con cái bên trên trong những đợt pháo kích của quân Nga.
Stalin làm quốc tang cho địch thủ, Putin muốn Prigozhin rơi vào quên lãng
Liên quan đến Nga, cái chết và đám tang của ông trùm Wagner là những sự kiện ly kỳ vẫn tiếp tục được bàn tán. Le Monde nói về việc "Yevgeny Prigozhin được chôn cất bí mật ở Saint Petersbourg", Le Figaro cho rằng "Với đám tang lặng lẽ, Kremlin muốn đóng lại chương Prigozhin".
Phải nói rằng chính quyền đã vận dụng óc tưởng tượng vô cùng phong phú để đánh lạc hướng báo chí và người hiếu kỳ. Việc chuẩn bị diễn ra tại ba nghĩa trang khác của thành phố, lối vào bị hạn chế. Nhiều xe tang chạy ngang dọc Saint Petersburg, từ nghĩa địa này đến nghĩa địa khác. Một tang lễ giả được tổ chức trong một cơ sở công quyền, được cảnh sát canh gác cẩn mật. Một người thân của thủ lãnh Wagner nhận định : "Ngay cả sau khi chết, Prigozhin vẫn mang lại kịch tính chưa từng thấy trong kỷ nguyên Putin".
Đám tang cứ như là một hoạt động tình báo, đặt ra câu hỏi kẻ thù nào Moskva muốn đánh lừa ? Biệt kích Ukraine hay những người ủng hộ Prigozhin ? Những cựu binh Wagner hẳn là căm thù, hoặc ít nhất là đặt ra những câu hỏi về vụ rớt máy bay hôm 23/08. Một "anh hùng nước Nga" lại được chôn cất lén lút, gần như một kẻ bị ruồng bỏ - Yevgeny Prigozhin đã được chính tay Vladimir Putin trao huy chương cao quý nhất này hồi tháng 6/2022. Trong khi một sắc lệnh tổng thống quy định rõ nghi thức tang lễ dành cho các "anh hùng" với dàn quân nhạc, hàng quân danh dự, ba phát đại bác…
Le Monde nhắc lại hồi năm 1934, sau khi ra lệnh ám sát Sergey Kirov - bí thư thành ủy Leningrad rất được mến chuộng - Stalin đã cho tổ chức quốc tang long trọng. Tám mươi chín năm sau, trong cùng thành phố, tang lễ của Yevgeny Prigozhin diễn ra trong âm thầm, không hề được nói đến trong chương trình thời sự. Chế độ chừng như muốn kết thúc di sản "huyền thoại đen" này càng nhanh càng tốt, Prigozhin là nhân vật gây rắc rối chưa từng thấy từ xưa đến nay cho Kremlin.
Averianov, nhân vật khả nghi
Trong khi đó "Tướng Nga Averianov trong tầm ngắm của phương Tây". Le Monde cho biết nhân vật bị nghi ngờ đứng sau vụ rớt máy bay của thủ lãnh Wagner đã từng bị nhận diện trong nhiều hoạt động mờ ám tại Châu Âu.
Theo những thông tin được Mỹ chuyển cho các đồng minh Châu Âu, vụ chiếc máy bay của Yevgeny Prigozhin bị nổ tung không phải là tai nạn, các nhân viên tình báo quân đội Nga (GRU) có thể đóng một vai trò. Trong số đó nổi lên cái tên Andrei Averianov, người đứng đầu đơn vị 29155 của GRU. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đơn vị này huấn luyện du kích quân cộng sản ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ la-tinh. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, họ chuyển sang "các nhiệm vụ đặc biệt", tức những hoạt động ngầm - thường là đẫm máu.
Có thể kể vụ ám sát hụt gián điệp hai mang Sergey Skripal bằng chất độc Novichok tại Anh hôm 04/03/2018, hay vụ làm nổ hai kho đạn ở Cộng hòa Czech năm 2014, làm hai người chết và phá hủy 100 tấn đạn dược, thiết bị dành cho quân đội Ukraine. Tình báo Praha ghi nhận Andrei Averianov đích thân từ Vienna đến để chỉ huy. Năm 2016, đơn vị của ông ta tổ chức đảo chánh ở Montenegro nhưng không thành công. Averianov lập hậu cứ ở một số vùng ở Pháp giáp giới Thụy Sĩ. Kremlin không quên công trạng : ông ta nay lọt được vào vòng thân cận của Vladimir Putin và dường như chuẩn bị thừa hưởng di sản ở Châu Phi của kẻ thù không đội trời chung là Yevgeny Prigozhin.
"Nạn dịch đảo chánh" tiếp tục lan đến Gabon
Nhìn sang Châu Phi, tất cả các báo đều quan tâm đến vụ đảo chánh ở Gabon. Xã luận của La Croix nhận định, các vụ đảo chánh liên tục xảy ra tại những nước Châu Phi nói tiếng Pháp. Trong ba năm qua, giới quân nhân đã chiếm lấy quyền lực tại Mali, Tchad, Guinea, Burkina Faso, Niger và mới nhất là hôm qua tại Gabon. Nhìn chung, quyền lực có được bằng vũ lực là nguồn gốc của bất bình đẳng, bạo lực, đàn áp các quyền tự do. Những hành động này phải bị lên án. Tuy vậy tình hình ở mỗi nước lại khác nhau.
Gabon là quốc gia dầu lửa từ 55 năm qua chỉ do một gia tộc nắm quyền. Vụ đảo chánh diễn ra ngay sau hôm tổng thống mãn nhiệm Ali Bongo tuyên bố tái đắc cử và trò hề bầu cử này là một cái cớ chính đáng của giới tướng lãnh để lật đổ ông ta. Trên khắp Châu Phi, làn sóng phản kháng đang đe dọa nhiều chính quyền do giới trẻ không nhìn thấy tương lai. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo cần trông cậy vào cơ chế dân chủ, tính minh bạch – theo La Croix. Le Figaro nhận thấy cuộc đảo chánh diễn ra một cách dễ dàng không làm mấy ai ngạc nhiên. Tuy vậy giới ngoại giao Pháp đang bối rối trước "nạn dịch đảo chánh" ở Châu Phi.
Nước nghèo nhưng quan giàu
Libération chơi chữ "Gabon : Bongo bị đẩy ra ngoài", dùng chữ "pustché" (đảo chánh) đồng âm với chữ "pousser" (đẩy). Tờ báo nhắc nhở, năm trong số những người con của cựu tổng thống Omar Bongo, cha của Ali Bongo, đã bị điều tra ở Pháp vì tội biển thủ công quỹ, riêng Ali Bongo được quyền đặc miễn vì là đương kim tổng thống. Thời còn cai trị, Omar Bongo sở hữu ít nhất 11 địa chỉ ở Paris, tại những khu phố đắt tiền nhất. Nhìn chung gia đình Bongo có 33 căn nhà ở Pháp, hầu hết thuộc các địa điểm sang trọng của Paris.
Tại Hoa Kỳ, họ mua 7 căn nhà ở Washington trị giá 4,2 triệu đô la, trả bằng tiền mặt, chưa kể một va li chứa 1,5 triệu đô la gồm toàn giấy bạc mệnh giá 100 đô của một trong các con gái của Omar Bongo. Theo lời đồn, Omar có đến 55 người con với khoảng 30 phụ nữ. Nhưng cựu tổng thống không bị truy tố hình sự ở Mỹ, còn vụ án ở Pháp sẽ được xử vào năm 2024 hay 2025. Có điều không biết lúc đó ai sẽ đại diện Nhà nước Bongo trong phiên tòa. Về phần tướng đảo chánh Brice Oligui Nguema, chỉ huy Vệ binh Cộng hòa, người lên làm tổng thống lâm thời, cũng được cho là đã mua bằng tiền mặt ba căn nhà ở ngoại ô Washington từ 2015 đến 2018 với giá hơn 1 triệu đô la.
Mông Cổ : Chuyến thăm độc đáo của Giáo hoàng Francis
Theo La Croix, có lẽ đây là chuyến đi có một không hai. Giáo hoàng Francis rời Roma chiều thứ Năm 31/08 để thăm Mông Cổ cho đến thứ Hai. Đây là một trong những giáo hội Công giáo nhỏ nhất thế giới nhưng lại tăng trưởng kỷ lục. Được ba nhà truyền giáo ngoại quốc thành lập năm 1992, đến 1995 có được 14 tín đồ và 30 năm sau thì gấp 100 lần. Tổng cộng 1.394 giáo dân Mông Cổ sẽ đón tiếp người đứng đầu giáo hội ở Ulan-Bator. Họ chỉ chiếm 0,04% dân số của đất nước từng là cộng sản, có tỉ lệ người theo đạo Phật là 53%.
Vì sao vị giáo hoàng đã 87 tuổi, sức khỏe kém, có lịch trình làm việc dày đặc, lại ngồi máy bay khoảng 20 tiếng đồng hồ, vượt quãng đường 16.500 kilomet khứ hồi để gặp một cộng đồng nho nhỏ nằm lẻ loi gần sa mạc Gobi ? Hồng y trẻ tuổi nhất giáo hội Giorgio Marengo (48 tuổi) nói vui : "Bởi vì giáo hội Mông Cổ của chúng tôi là giáo hội duy nhất trên thế giới mà tất cả giáo dân đều có thể chụp hình với Giáo hoàng !". Cựu kiếm sĩ gốc Ý khẳng định : "Đối với giáo hoàng Francis, mỗi tín đồ đều xứng đáng cho một chuyến đi".
Thật ra, Công giáo đã được Mông Cổ - đế quốc của Thành Cát Tư Hãn, qua đời năm 1227 – công nhận từ thời đó. Về mặt ngoại giao, khó khăn nhất của chuyến thăm này là việc gặp gỡ các đại diện của Phật giáo Tây Tạng, kẻ thù của Bắc Kinh, trong khi Giáo hoàng vẫn mong muốn đặt chân lên Trung Quốc một ngày nào đó.
Thụy My