Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/09/2023

Điểm tuần báo Pháp - Drone tự chế của Ukraine

RFI tiếng Việt

Drone tự chế của Ukraine gây khốn đốn cho Moskva

The Economist tìm hiểu "Bên trong cuộc chiến drone chống lại Putin". Những loại drone mới đã được Ukraine chế tạo để tấn công sâu vào nước Nga, gần đây nhất là các cuộc tập kích hàng loạt vào sáu vùng trên đất địch.

drone1

Những loại drone mới đã được Ukraine chế tạo để tấn công sâu vào nước Nga

Kremlin muối mặt với những vụ drone tập kích liên tục

Hôm thứ Tư 30/08, Kiev đã tung ra đợt tấn công bằng drone lớn nhất từ trước đến nay vào lãnh thổ Nga, và riêng tại Pskov, bốn phi cơ vận tải đã bị phá hủy. Trước đó theo những nguồn tin địa phương, các drone hôm 25/08 đã đánh vào một căn cứ quân sự ở Crimea làm nhiều người chết, những binh sĩ bị thương tràn ngập bệnh viện. Một tuần lễ thảm hại cho Kremlin, đã phải vất vả trước hơn một chục vụ tập kích vào trung tâm Moskva, phải liên tục đóng cửa những phi trường lớn, những vụ nổ không thể giải thích tại các nhà máy vũ khí, sân bay, kho xăng, đường xe lửa.

Một nguồn tin thân cận với những người sáng tạo ra Morok, một trong những drone được đem thử nghiệm trong vụ tấn công Crimea, khẳng định năng lực không kích mới này của Ukraine là kết quả của "những hạt mầm đã được gieo từ nhiều tháng qua", và đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt. Đây là kiểu drone tự sát bay rất nhanh và mang được trọng lượng lớn trên chặng đường hàng mấy trăm cây số. Ê-kíp Morok làm việc miệt mài để làm ra những drone này mà không có tài trợ của chính phủ, chỉ nhờ vào một số mạnh thường quân.

Ukraine cần phải đối phó với Nga, siêu cường về hỏa tiễn, và còn được trợ lực bởi các drone Shahed giá rẻ mua của Iran, trong khi Kiev không được sử dụng những vũ khí do phương Tây viện trợ. Ukraine phải phát triển hỏa tiễn mới hoặc tái sử dụng đồ cũ, như hỏa tiễn địa-không S-200 nay được dùng như địa-địa. Đồng thời một mạng lưới tình nguyện viên và các nhóm của chính phủ cố gắng chế tạo drone trong nước.

Tác động tâm lý đồng thời hỗ trợ tuyến đầu

Chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái được đẩy mạnh vì nhiều lý do. Các cuộc tấn công vào Moskva chiếm trang nhất các báo nhằm tạo tác động tâm lý, cho người dân bình thường thấy được thực tế chiến tranh. Bên cạnh đó, các quân nhân Ukraine khẳng định đa số nhằm hỗ trợ trực tiếp cho cuộc phản công đang được tiến hành từ gần ba tháng qua. Các lữ đoàn biết được địa điểm quân Nga tồn trữ vũ khí nhưng đành bó tay, nên kêu gọi đơn vị drone giúp sức.

Drone được phóng lên vào sáng sớm lúc địch thiếu tập trung, gây rối loạn cho phòng không Nga. Họ thu thập tin tình báo, thường từ đồng minh phương Tây về các radar, chiến tranh điện tử, phương tiện phòng không. Nga không thể khóa chặt toàn bộ lãnh thổ rộng lớn, nên 35-40% số drone đến gần được mục tiêu. Những khó khăn Kiev đang gặp phải là tài chánh, và khó tìm mua linh kiện giá rẻ.

Một nguồn tinh tình báo Ukraine cho biết Nga đã thu gom được nhiều thiết bị để chế tạo drone đánh vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev trong mùa đông tới, quân Nga cũng rút ngắn được một số khoảng cách về kỹ thuật. Một chiến sĩ sử dụng drone mang bí danh "Thám tử" thổ lộ, anh thường nhận được những cuộc gọi từ tiền tuyến cám ơn đã giúp được hưởng hai, ba ngày không có bom Nga.

Putin khó tránh một vụ binh biến mới 

Liên quan đến vụ rớt máy bay của thủ lãnh Wagner, L'Express giải thích "Vì sao Putin không thể tránh khỏi một cuộc nổi loạn mới", và tại Kremlin, là "thời điểm của thanh trừng". Courrier International trích dịch The Atlantic với nhận xét "Cái chết của Prigozhin báo trước một kỷ nguyên bạo lực", còn theo The Guardian, "Tại Châu Phi, Moskva không còn tấm bình phong nào".

Nước Nga của Vladimir Putin từ lâu là một đất nước của những cái chết bí ẩn. Năm 1998, sau khi được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan an ninh, Galina Starovoitova vốn chủ trương dân chủ hóa đất nước, đã bị bắn hạ ngay tại cầu thang tòa nhà ở Saint Peterburg. Đến 2006, Anna Politkovskaia, nhà báo biết quá nhiều về cuộc chiến Checnya, có cùng số phận trước cầu thang nhà mình ở Moskva. Năm 2015, Boris Nemtsov, người thường xuyên chỉ trích Putin, bị một tay giết mướn hạ thủ ngay gần điện Kremlin… Nhưng trường hợp Yevgeny Prigozhin thì khác hẳn, ông ta không phải là nhà đối lập mà đã giúp Putin rất nhiều tại Bakhmut, cùng với cuộc chiến bóp méo thông tin của đội ngũ dư luận viên…

Giống như nhân vật Icare trong huyền thoại Hy Lạp, chết vì đôi cánh bị thiêu cháy khi bay quá gần mặt trời, Yevgeny Prigozhin sau khi dám công khai thách thức Vladimir Putin, chiếc phi cơ riêng chiều 23/08 đã rơi thẳng xuống đất tan xác trong một hỏa ngục lửa. Chữ ký của ông chủ điện Kremlin rất rõ, qua việc thản nhiên sát hại những người vô tội như phi hành đoàn, thông điệp vô cùng tàn bạo. Prigozhin dấy loạn nhưng lại bỏ ngang không tiến đến tận Moskva, tuy nhiên có thể những người khác sẽ làm điều đó thay vì ngồi chờ đến lượt mình bị trừng phạt. Nhà sử học Galia Ackerman nhận định : "Putin càng hoành hành, ông ta càng kém an toàn hơn".

Nga-Trung sẽ còn căng thẳng

Nhìn chung, giáo sư Serhy Plokhy của đại học Harvard khi trả lời L'Express đã bác bỏ những luận điệu giả dối về lịch sử của Putin. Theo ông, thay vì mang lại tầm vóc một đại cường, cuộc chiến Ukraine đã bộc lộ những yếu kém của chế độ. Vụ binh biến của Prigozhin và cuộc thanh trừng hiện nay trong quân đội chứng tỏ đã có những hoài nghi trong chính bộ máy an ninh.

Nhà nghiên cứu dự báo căng thẳng sẽ gia tăng giữa Nga và Trung Quốc, dù về mặt chính thức hai nước có "tình hữu nghị vô giới hạn". Đó là một liên minh chống phương Tây nhưng trên thực tế có nhiều hạn chế. Về ngắn hạn, Trung Quốc lệ thuộc vào thị trường Mỹ và Châu Âu thay vì Nga. Về dài hạn, ngoài sự tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á, tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng vì Trung Quốc không hề bỏ qua yêu sách ở Xibêri và Viễn Đông Nga, dân Hoa lục cũng kéo sang cư ngụ đông đảo tại vùng này.

Putin muốn kéo nước Nga ra khỏi Châu Âu, hướng về Trung Quốc, nhưng nhiều người dân Nga bất bình. Giới tinh hoa vốn gần gũi về văn hóa với Châu Âu, thích xài tiền ở Paris thay vì Bắc Kinh, và tác giả không cho rằng Bắc Kinh có thể nhanh chóng thay thế Paris trong tâm trí những người Nga có học thức.

Moskva thiệt hại nặng vì phương Tây cấm vận

Trên lãnh vực kinh tế, chuyên gia Nicolas Bouzou trên L'Express nhận định "Các biện pháp trừng phạt của phương Tây rõ ràng đã gây thiệt hại nặng cho Nga". Trái với khẳng định của một số người, việc áp đặt mức trần 60 đô la/thùng cho dầu lửa Nga đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tài chánh của nước này. Đồng rúp mất giá đến 30% so với đồng đô la kể từ đầu năm nay. Dù đã lập ra những "đoàn tàu ma" để tránh né, thuế thu từ dầu khí đã giảm 40% từ đầu 2023 và trong 7 tháng qua, thâm hụt lên đến 2% GDP, một kỷ lục đối với đất nước đã quen với thặng dư ngân sách. Tác giả cho rằng không nên bị ảnh hưởng bởi những lời bình luận cho là "trừng phạt không hiệu quả", "chỉ khiến Moskva ngã vào vòng tay Bắc Kinh", vì hiệu quả của cấm vận là trong dài hạn. Nga chưa sụp đổ, nhưng phải trả giá rất đắt cho cuộc xâm lăng.

Cuộc di tản lớn nhất của người Nga từ thập niên 20

Về phần người dân Nga đã di cư với số lượng lớn kể từ cuộc xâm lăng, làm tăng thêm những khó khăn kinh tế cho Vladimir Putin, theo The Economist. Khoảng 300.000 người Nga đã chạy khỏi đất nước trong đợt đầu tiên. Làn sóng di tản thứ hai diễn ra vào tháng 9/2022, khi Vladimir Putin loan báo "động viên từng phần", những thanh niên tuyệt vọng tìm cách vượt biên giới để tránh bị đẩy ra chiến trường Ukraine. Các ước tính độc lập mới nhất cho rằng từ 817.000 đến 922.000 người đã rời nước Nga từ tháng 2/2022.

Họ tìm đến Kazakhstan và Serbia là chính, mỗi nước đón nhận 150.000 người. Nhưng người Nga cũng tỏa đi khắp thế giới, trong đó từ 30.000 đến 40.000 ở Hoa Kỳ. Đây là cuộc di tản lớn nhất kể từ thập niên 20, đa số có thu nhập và học vấn cao. Vào tháng 4, Viện Gaidar ở Moskva công bố có tới 35% xí nghiệp thiếu lao động, cao nhất từ 1996 đến nay, đặc biệt ít nhất 100.000 chuyên gia vi tính đã rời nước Nga.

Nga yếu thế, Bắc Kinh thừa cơ lấn đất

Giậu đổ, bìm leo. Courrier International nhận thấy "Một bản đồ chính thức của Trung Quốc đã gộp cả một mảnh đất là lãnh thổ của Nga", nhưng Kremlin không nhanh chóng phản ứng như những nước khác. Ngày 28/08, Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố bản đồ năm 2023, trong đó bên cạnh những vùng đất tranh chấp với Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Việt Nam ; còn có cả đảo Bolshoi Ussuriysky mà Bắc Kinh gọi là Hắc Hạt Tử bị cho nằm gọn trong biên giới Hoa lục.

Hòn đảo có diện tích 350 kilomet vuông trên dòng Hắc Long Giang đã được Nga và Trung Quốc có thỏa thuận phân chia từ năm 2008. Thế nhưng trên bản đồ mới, toàn bộ hòn đảo thuộc về Trung Quốc ! Tờ Newsweek của Mỹ tỏ ra ngạc nhiên trước "sự im lặng của Kremlin", trong khi các quốc gia Châu Á liên quan đều chính thức lên tiếng phản đối. Rốt cuộc đến 31/08 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga mới nói rằng "vấn đề biên giới" đã được đôi bên giải quyết dứt khoát từ lâu. Một nguồn tin ngoại giao Nga nói với RBK có lẽ "đây chỉ là vấn đề kỹ thuật".

Kinh tế Trung Quốc xuống dốc không phanh

Moskva chịu lép vế vì tự trói mình vào cuộc xâm lăng Ukraine. Trong khi đó tình hình kinh tế Trung Quốc không hề sáng sủa. Xã luận của Le Point nhận định "Hoàn toàn không ổn cho Trung Quốc". Tăng trưởng chậm chạp, khủng hoảng địa ốc kéo dài, tiêu thụ giảm sút... Mô hình "tư bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa" cho thấy những hạn chế của nó. Tăng trưởng trong quý II chỉ còn 0,8%, khiến chỉ tiêu 5% trong năm 2023 trở nên ngoài tầm với. Tháng 7, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược với làn sóng lạm phát chưa từng thấy trên thế giới từ 40 năm qua, Trung Quốc bị giảm phát, chỉ số giá sụt xuống 0,3%. Thị trường địa ốc vốn đóng vai trò quan trọng trong những thập niên qua, chiếm đến 1/4 GDP, nhưng Covid đã làm vỡ quả bóng khổng lồ có từ trước đó do đầu cơ và tham vọng của các chủ đầu tư. Hậu quả là những căn nhà mới không ai mua, Evergrande rồi Country Garden mất khả năng chi trả, làm bất ổn toàn bộ hệ thống tài chánh và nhất là khiến người dân hoang mang.

Lo sợ, chính quyền ngưng công bố những con số không tốt như tỉ lệ thanh niên thất nghiệp. Các ủy viên trung ương đảng khi học chính trị không hiểu được quy luật, tiêu thụ trước hết là tâm lý và lòng tin. Một chế độ độc tài dễ dàng ra lệnh cho các chủ xí nghiệp nhà nước sản xuất và đầu tư nhiều hơn, nhưng không thể buộc công dân chi xài tiền của họ. Đối mặt với sự bất tín nhiệm của người tiêu dùng tự do đang nắm giữ quyền lực kinh tế thực sự, mô hình "xã hội chủ nghĩa theo kiểu Trung Hoa" đang phô ra những giới hạn, bộc lộ những khiếm khuyết về cơ cấu.

"Covid kinh tế kéo dài", con bệnh Trung Quốc vẫn hôn mê

Tương tự, chuyên gia Adam S. Posen trên L'Express đánh giá "Trung Quốc chịu đựng bệnh Covid kéo dài về kinh tế". Do quá độc đoán, chế độ của Tập Cận Bình đã làm tê liệt tăng trưởng suốt một thời gian dài, khiến cho dân chúng và các nhà đầu tư không còn tin tưởng. Cuối 2022, người ta hy vọng kinh tế Trung Quốc và thế giới sẽ phục hồi. Sau ba năm phong tỏa ngặt nghèo, buộc xét nghiệm hàng loạt, Bắc Kinh bất ngờ từ bỏ "zero Covid". Ban đầu du lịch, dịch vụ và bán lẻ đã giúp vực dậy đôi chút, nhưng đến cuối quý II các dữ liệu cho thấy tình trạng u ám còn kéo dài.

Từ nay đã rõ, đầu năm 2020 khi đại dịch khởi phát, là điểm không thể quay đầu đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chao đảo kể từ 2015 khi Nhà nước mở rộng kiểm soát. Từ thời điểm này, tỉ lệ tiền gởi ngân hàng trong GDP lên đến 50%, đầu tư của tư nhân giảm 25%. Thị trường tài chánh và có thể bản thân chính quyền Bắc Kinh đã không đánh giá đúng mức sự trầm trọng của ca "Covid kinh tế kéo dài" này. Giống như một bệnh nhân mãn tính, kinh tế Trung Quốc tiếp tục hôn mê sau khi giai đoạn nguy ngập "zero Covid" đã qua. Phương thuốc hiệu nghiệm duy nhất là bảo đảm cho người dân bình thường và doanh nghiệp rằng chính quyền sẽ thôi can thiệp thô bạo, đã không được áp dụng.

Chống dịch cực đoan, Đảng cộng sản lộ rõ bộ mặt hung bạo

Theo ông Posen, trong các chế độ toàn trị, kinh tế phát triển theo cùng một kịch bản. Trước hết là thời kỳ tăng trưởng, các công ty ngoan ngoãn được chính quyền ưu ái. Nhưng một khi chế độ cảm thấy vững chắc hơn, sẽ bắt đầu hành động tùy tiện và rốt cuộc sự sợ hãi, tâm trạng bất định khiến người dân và các công ty nhỏ quyết định cất giữ tiền mặt. Các quan chức từ thời Đặng Tiểu Bình kềm chế được xu hướng can thiệp vào lãnh vực tư nhân. Nhưng dưới thời Tập Cận Bình và nhất là từ đầu đại dịch, Đảng cộng sản Trung Quốc độc đoán hơn hẳn.

Con virus corona không phải là thủ phạm chính, mà là phản ứng miễn dịch của người dân trước những hành động quá đáng của Nhà nước. Trước đó, đại đa số đều tôn trọng thỏa thuận ngầm từ thập niên 80 "không chính trị, khỏi rắc rối". Đến 2013, Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng quy mô, trừ khử những địch thủ chính như Bạc Hy Lai và vài năm sau còn đi xa hơn với những cú đòn vào các tập đoàn công nghệ. Chẳng hạn Mã Vân (Jack Ma) cuối 2020 do công khai phê phán đã bị đánh tơi tả. Các nhà đầu tư phương Tây lo ngại, nhưng dân chúng Hoa lục vẫn thờ ơ.

Ngược lại, các biện pháp chống dịch khắt khe cho thấy quyền lực tuyệt đối của đảng. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cả một thành phố bị phong tỏa vô thời hạn, những cửa hàng bị đóng, cư dân bị nhốt, cuộc sống và phương cách mưu sinh bị đe dọa mà không được báo trước và không có cách nào phản đối. Một nỗi sợ hãi chưa từng thấy kể từ thời Mao lan rộng. Tất nhiên bên cạnh đó còn có những yếu tố khác như bong bóng địa ốc, cấm vận của Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc của Tập Cận Bình đã lộ rõ bộ mặt hung bạo quen thuộc của các chế độ độc tài.

Lao động, Pháp ngữ : Tựa chính các tuần báo

L’Obs tuần này đặt vấn đề "Có nên cứu vãn tiếng Pháp ?", trong khi L’Express dành trang nhất cho "Lao động, khó khăn mới của Pháp". Hiệu năng giảm sút, làm việc ít hơn các nước láng giềng nhưng người Pháp lại muốn giữ nguyên những phúc lợi xã hội đang có. Courrier International đưa tít "Làm việc từ xa : Tất cả đều lùi bước". Kết thúc làm việc từ nhà 100%, tại Hoa Kỳ và Anh, các tập đoàn công nghệ và những công ty lớn kêu gọi nhân viên trở lại sở làm, nhưng vấp phải sự phản kháng. Le Point chạy tựa "Salman Rushdie, người sống sót". Ba mươi bốn năm sau khi bị giáo chủ Hồi giáo Shia ra lệnh tử hình, và một năm sau khi một hung thủ đâm ông bị thương nặng, nhà văn lại trình làng một tiểu thuyết mới.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 237 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)