Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/05/2022

Điểm báo Pháp - Châu Âu đến Mỹ tìm nguồn cung khí đốt

RFI tiếng Việt

Châu Âu đổ xô đến Mỹ tìm nguồn cung khí đốt

Chiến dịch tranh cử Quốc hội Pháp vào tháng 6/2022 bắt đầu sôi động với những thỏa hiệp liên kết của cánh tả ; Cuộc chiến tranh Ukraine tiếp diễn nóng bỏng, Liên Hiệp Châu Âu hối hả chuẩn bị đợt trừng phạt Moskva thứ 6 với trọng tâm là dầu lửa Nga… Đây là những đề tài thời sự chiếm chủ yếu các trang báo Pháp ra ngày hôm 03/05/2022.

khidot1

Trạm tiếp nhận Nezvizh ở Belarus, nơi mà khí đốt của Nga được trung chuyển để sang Ba Lan và Đức. (Photo : AFP )

Về chiến dịch tranh cử Quốc hội Pháp, sự chú ý được dồn về sự kiện đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất - La France Insoumise (LFI) của ông Jean-Luc Mélanchon, về thứ 3 trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đã đạt được thỏa thỏa thuận với đảng Xanh (Europe Ecologie-Les Vert) để liên kết ra tranh cử Hạ Viện Pháp. Nhật báo Le Monde nhận xét qua hàng tựa chính trang nhất : "Liên minh cánh tả : LFI thắng ván đầu tiên" nói về việc hôm Chủ Nhật vừa rồi hai đảng này đã đạt thỏa thuận chưa từng có về các địa hạt bầu cử cho đảng Xanh.

Nhật báo Le Figaro thì chạy tựa chính : "Mélanchon đang áp đặt luật cho cánh tả như thế nào ?". Tờ báo cho thấy, ngay sau khi về thứ 3 trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, Jean-Luc Mélanchon đã kêu gọi liên minh các lực lượng chính trị cánh tả. Nếu thành công, "sự thống lĩnh của Mélanchon sẽ phác họa ra một cánh tả mới của nước Pháp". Sau thỏa thuận với đảng Xanh, có thể sẽ là đảng Xã Hội và đảng cộng sản sẽ tham gia liên minh với Nước Pháp Bất Khuất. Một liên minh cánh tả rộng lớn có thể sẽ khiến đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống vừa tái đắc cử, Emmanuel Macron, khó giành được đa số cầm quyền ở Quốc hội.

Nhật báo công giáo La Croix thì nhận định, việc liên kết của các đảng cánh tả xung quanh đảng nước Pháp Bất Khuất chỉ mang mục tiêu rõ ràng là giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp tới đây và đưa ông Mélanchon lên làm thủ tướng, một khi chiếm được đa số ở Quốc hội, chứ cánh tả Pháp vẫn chưa thể nói được là đã hòa hợp, đoàn kết với nhau.

Úc : Thách thức về thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Salomon

Cũng liên quan đến bầu cử lập pháp nhưng ở nước Úc, báo Le Monde có bài "Trung Quốc phủ bóng trên cuộc bầu cử lập pháp ở Úc". Bài báo cho thấy, thỏa thuận an ninh mà Bắc Kinh đã ký với quần đảo Salomon nằm bên cạnh nước Úc là sự kiện chưa từng có trong vùng Thái Bình Dương, đang làm dấy lên các cuộc tranh luận ở Úc, đặc biệt trong chiến dịch tranh cử Quốc hội đang diễn ra. Các đảng đối lập coi đó là thất bại lớn của chính quyền Canberra, đã không đề phòng được trước thỏa thuận và đó là bước tiến chưa từng có của Trung Quốc đến sát nước Úc, phá hỏng nghiêm trọng môi trường chiến lược của đất nước… Công Đảng đối lập còn gọi đó là "thất bại tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Úc từ sau Đệ nhị Thế chiến".

Theo Le Monde, từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã mở rộng rất mạnh ảnh hưởng trong vùng nam Thái Bình Dương, chủ yếu nhờ chính sách viện trợ hay cho vay ưu đãi. Năm 2019, khi chính phủ Salomon bất ngờ chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc, Bắc Kinh đã hứa hẹn dành cho quần đảo này "những cơ hội phát triển chưa từng có". Mặc dù vậy, Úc vẫn là nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho quần đảo. Hai nước vẫn có một hiệp ước an ninh. Giờ đây, nước Úc lo ngại Trung Quốc sử dụng thỏa thuận về an ninh, chưa từng có trong vùng, để lập căn cứ hải quân tại quần đảo Salomon. Điều này sẽ là một mối đe dọa lớn đối với an ninh lãnh thổ và các tuyến cung ứng của Úc trong trường hợp xảy ra xung đột. Hiện tại, thủ tướng Salomon, ông Sogavare, cam kết không cho lập một cơ sở quân sự như vậy trên lãnh thổ Salomon.

Theo Le Monde, trước các tham vọng của Trung Quốc, các chuyên gia chiến lược Úc khuyến cáo đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp tới đấy, dù là đảng nào, cũng cần phải nhanh chóng củng cố khả năng quốc phòng của đất nước.

Liên Hiệp Châu Âu : Chưa xong khí đốt đã đến dầu lửa Nga

Chuyển qua với các trang bài liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, hầu hết các báo đều chú ý vào cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hôm qua (02/05), tại Bruxelles.

Nhật báo kinh tế Les Echos có bài "EU trên đường hướng tới gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga". Tờ báo cho thấy, cuộc họp này là để các bộ trưởng năng lượng của Liên Hiệp Châu Âu phối hợp chiến lược về khí đốt nhằm đối phó với khả năng Nga có thể sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Liên Âu. Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu sẽ phải thông báo loạt trừng phạt mới đối với Nga tập trung vào cấm vận dầu lửa. Hiện tại, mới chỉ có hai nước trong Liên Hiệp là Ba Lan và Bulgaria bị Nga cắt khí đốt. Hai nước này đang được hỗ trợ tích cực từ phía Liên Âu, nhưng trong tương lai EU phải tính toán các biện pháp mang tính hệ thống để giảm dần sự lệ thuộc vào khí đốt Nga, đặc biệt việc tích trữ cho mùa đông tới, cũng như tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, theo Les Echos.

Giai đoạn tiếp theo của chiến lược năng lượng sẽ liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Ủy Ban Châu Âu từ nhiều ngày qua đã thăm dò các nước thành viên, và dự tính sẽ thông báo gói trừng phạt thứ 6 trong tuần này, trọng tâm là cấm vận dầu lửa Nga. Các bước có thể cũng sẽ được tiến hành dần dần, trước mắt là giảm nhập khẩu dầu Nga, rồi tiến đến ngừng hẳn vào cuối năm nay. Hiện tại, trong lĩnh vực năng lượng, Châu Âu mới ban hành lịch trình cấm vận than đá Nga cho tới mùa hè này thì ngừng hẳn.

Theo Les Echos, từ trước tới nay, vấn đề cấm vận dầu lửa vẫn vấp phải sự từ chối của Berlin vì lo ngại kinh tế thiệt hại, nhưng lần này lập trường của Đức đã thay đổi theo hướng tích cực, sau khi đã cố gắng cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập của Nga từ tháng Hai, giờ đây Đức đã sẵn sàng chấp nhận lệnh cấm vận chung của Liên Hiệp. Nhưng lại nổi lên vật cản Hungary, nước lệ thuộc lớn vào dầu khí Nga và vẫn được mua dầu với giá ưu đãi của Moskva. Budapest dọa phủ quyết nếu cấm vận dầu lửa gây khó khăn cho kinh tế Hungary.

Đổ xô đến Mỹ tìm khí đốt

Trước mắt, Liên Âu đang phải tính đến nguy cơ bị Nga cắt nguồn cung khí đốt. Nhiều nước trong Liên Hiệp đang đôn đáo đi tìm nguồn cung mới. Một trong các hướng là nguồn khí đốt Mỹ. Đây là hồ sơ sự kiện chính của nhật báo La Croix. Tờ báo chạy tựa trang nhất, trên bức ảnh lớn, một con tàu biển lớn chở khí hóa lỏng : "Châu Âu đổ xô vào khí đốt Mỹ". Tờ báo có bài phân tích "Khí đốt tự nhiên, một thứ vũ khí Mỹ đối phó với Nga". Theo La Croix, Hoa Kỳ muốn thế chỗ Nga trong việc cung ứng năng lượng cho Châu Âu, chủ yếu nhờ có nguồn khí đá phiến dồi dào. Quyết tâm của Mỹ nói thì dễ hơn nhiều với việc triển khai thực hiện.

Theo tờ báo, từ đầu tháng Tư, các phái đoàn đại diện của hơn chục nước Liên Âu từ Estonia Bulgaria hay Pháp… đã đến Houston, thủ phủ của ngành năng lượng Mỹ, để tiếp xúc với các tập đoàn sản xuất khí đá phiến lớn nhất của Mỹ. Mục đích là để thảo luận về "các giải pháp ngắn hạn" thay thế năng lượng Nga bằng nguồn cung ứng từ Mỹ. Theo La Croix, trong tháng Tư, các nước Châu Âu chiếm 65% lượng khí hóa lỏng xuất khẩu của Mỹ. Các công ty Mỹ trước vẫn nhắm tới thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, giờ quay sang tập trung vào Châu Âu.

Sau khi Nga quyết định cắt khí đốt của Bulgaria và Ba Lan, bộ Năng lượng Mỹ đã cho phép hai cơ sở sản xuất khí hóa lỏng đang còn trong quá trình xây dựng ở Texas và Lousiana được xuất khẩu sang các nước Châu Âu. Nhiều cơ sở sản xuất khí hóa lỏng ở Mỹ giờ đã chạy hết công suất. Nhưng một vấn đề đặt ra là các cảng tiếp nhận khí hóa lỏng chở từ Mỹ sang bằng tàu biển. Các hệ thống hạ tầng cơ sở này phải mất nhiều năm xây dựng, từ 5 năm cho đến hàng chục năm. Thêm vào đó là thách thức về vấn đề bảo vệ môi trường. Khai thác khí đá phiến và sử dụng khí đốt tự nhiên rõ ràng từng trước đến nay vẫn là hoạt động không hề thân thiện với môi sinh.

Vẫn liên quan đến chuyện đi tìm nguồn cung ứng khí đốt thay thế, nhật báo Libération có bài phóng sự ghi nhận, bất chấp giá thành cao và tác động đến môi trường, hai nước Estonia và Phần Lan sẽ cùng nhau xây dựng một cảng nổi tiếp nhận khí hóa lỏng để bỏ qua nguồn khí tự nhiên của Nga. Đầu tư lớn này có nguy cơ làm kéo dài việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong tương lai.

Ukraine : Miền Đông chờ đợi chiến thắng của Nga

Chuyển qua với chủ đề chiến sự ở Ukraine, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết đáng chú ý với tựa đề : "Kremlin thu nhỏ mục tiêu tại Ukraine cho ngày kỷ niệm chiến thắng 09/05",

Les Echos cho biết dường như Moskva không còn đặt mục tiêu phải dành một chiến thắng nào đó trên chiến trường Ukraine để tán dương trong ngày lễ hàng năm mừng chiến thắng chủ nghĩa phát-xít sắp tới. Điều này đã được ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định hôm Chủ Nhật. Trong khi đó, trên mặt trận Donbass, quân Nga vẫn không tiến được bao nhiêu. Trong khi đó, lại xuất hiện nhiều thông tin nói rằng Nga có thể sẽ tuyên chiến, tổng động viên để đẩy chiến dịch quân sự lên một cấp độ cao hơn, hoặc thông báo sáp nhập hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk vào Nga.

Kinh tế Pháp vượt qua đại dịch

Phần cuối mục điểm báo hôm nay dành cho một tin vui cho kinh tế Pháp. Báo Le Figaro cho hay dự báo về hiện tượng các doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt vì đại dịch Covid-19 đã không xảy ra với nước Pháp. Các doanh nghiệp Pháp bị suy yếu xuống mức thấp nhất trong giai đoạn 2020-2021, giờ có tăng lại. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp Pháp đang ở trong hoàn cảnh tài chính tốt hơn cả trước đại dịch. Cho dù chiến tranh Ukraine có tác động đến giá cả và lạm phát, tăng trưởng có giảm tốc, nhưng các doanh nghiệp Pháp vẫn có đủ phương tiên tài chính để đối phó. Nhìn chung, các biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch đã tỏ ra có hiệu quả.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 310 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)