Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/05/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Ván bài lật ngửa tại Versailles

RFI tiếng Việt

Macron-Putin : Ván bài lật ngửa tại Versailles

Cuộc hội kiến tại điện Versailles giữa chính trị gia lão luyện xuất thân từ KGB và tân tổng thống Pháp, ngôi sao mới trên chính trường quốc tế chiếm trang nhất báo chí hôm nay 29/05/2017. Tất cả đều hy vọng với tính bén nhạy thực dụng của Vladimir Putin và đặc biệt là sự thông minh và cương nghị của Emmanuel Macron, đã chứng minh qua cuộc thử lửa đầu tiên tại thượng đỉnh NATO và G7, sẽ tái lập được "lòng tin", lật qua trang sử căng thẳng giữa Moskva và Châu Âu.

versailles1

Tổng thống Emmanuel Macron đón tổng thống Nga Vladimir Poutin trước sân cung điện Versailles, ngày 29/05/2017. REUTERS/Alexander Zemlianichenko/Pool

Đọ sức tại Versailles

"Thăm dò đối thủ ; Đọ sức tại Versailles ; Ukraine, Syria, và những hồ sơ nóng gây căng thẳng ; Nỗ lực xóa bài làm lại". Trên đây là những nhận định về cuộc hội kiến đầu tiên giữa tổng thống Nga và Pháp vào hôm nay, thứ Hai nay tại điện Versailles, nơi đang diễn ra cuộc triển lãm nhân 300 năm Pierre Đại đế (Pierre le Grand).

Pháp bày trận mời tổng thống Nga tham dự. Trận đồ do cố vấn chính trị quốc tế của điện Elysée, Philippe Etienne, một nhà ngoại giao thấu hiểu nước Nga, bày ra. Theo Les Echos, bảy tháng sau ngày bị tổng thống François Hollande hủy bỏ cuộc hẹn tại Paris do bất đồng trên hồ sơ Syria, tổng thống Vladimir Putin nhận ngay lời mời của tân tổng thống Pháp, mới nhậm chức có bốn ngày.

Tổng thống Macron đã báo trước, ông sẽ đặt vấn đề một cách "khắt khe và không khoan nhượng" với lãnh đạo Nga. Một chuyên gia Pháp dự đoán bầu không khí đối thoại sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, sau đó còn tùy phía Nga lựa chọn : có chấp thuận nhìn nhận đã sai lầm khi đánh cược vào phong trào cực hữu và cho rằng Châu Âu dân chủ đã "suy đồi". Nga có muốn, qua trung gian nước Pháp, cải thiện quan hệ với Châu Âu hay không ?

Một trong những hành động cụ thể mà Putin phải chứng minh muốn nắm bắt bàn tay của Macron, là chấm dứt ngay tức khắc chiến dịch nói xấu, bôi nhọ tân tổng thống Pháp từ trước cho đến sau ngày bầu cử. Nhận định này là của nhà phân tích Nga Andrei Kortunov của Viện Russian Council.

Theo ông, tổng thống Putin là một chiến thuật gia xuất sắc, đi đến Versailles là thông điệp tỏ thiện chí hợp tác với Macron. Đổi lại, tổng thống Nga chờ nhận được bảo đảm. Còn theo Jacques Attali, cựu cố vấn chính trị của cố tổng thống François Mitterand, vì quyền lợi chung, Nga và Pháp phải làm việc với nhau : "Putin cần phải hiểu rằng, Nga không có quyền lợi gì nếu đánh phá làm Liên Hiệp Châu Âu suy yếu".

Cũng trong chiều hướng này, sử gia Hélène Carrère d’Encausse, tác giả quyển sách dự báo "Đế Quốc (Liên xô) tan rã" (1978) cho rằng "chu kỳ nghi kỵ" đang kết thúc để mở ra một giai đoạn mới dựa trên "mẫu số chung văn hóa Thiên Chúa giáo" giữa hai dân tộc Pháp-Nga. Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, nữ sĩ hàn lâm này khẳng định người Nga không phải là dân tộc thích làm nô lệ. Họ yêu chuộng tự do và cởi mở, nhưng vấn đề là dân tộc này mới thoát ra khỏi chế độ độc tài chỉ được một thế hệ, không nên trách họ.

Trong khi đó, nhật báo cánh tả Libération, nhắc nhở thực tế chính trị quốc tế đầy thử thách với tựa "bài trắc nghiệm Putin". Sau khi gặp Trump, Erdogan và những lãnh đạo các nước giàu hồi tuần trước, tổng thống Macron tiếp tục cuộc đua việt dã ngoại giao, đón tổng thống Nga. Libération dành nhiều trang để trình bày các hồ sơ gây xung khắc : Ukraine, Syria, tin tặc...

Cũng theo Libération, khi mời tổng thống Nga bước theo dấu chân Pierre Đại Đế, một bạo chúa có viễn kiến mà Putin tự cho là người nối nghiệp, tổng thống Pháp đã trấn an chủ nhân điện Kremlin. Cùng lúc ông đặt Putin vào thế phải nhìn ra chiều dài lịch sử, phải "biết lý biết tình" trong hai hồ sơ nóng là Syria và Ukraine.

Tuy bận đối ngoại, tổng thống Macron không những không quên mà còn chuẩn bị trước tình hình chính trị quốc nội. Macron dọn đường cho thời hậu bầu cử Quốc hội, tựa chính của Le Figaro. Nhật báo cánh hữu cho biết chủ nhân điện Elysée ấn định mục tiêu "giành đa số tuyệt đối" để có thể tiến hành cải cách như đã hứa lúc tranh cử.

Angela Merkel : Châu Âu tự lực tự cường

Dư âm thượng đỉnh NATO và G7 vẫn còn. Le Monde phát hành từ chiều thứ Bảy nhận định : Donald Trump một mình chống lại tất cả. Nước Nga và khủng bố Hồi giáo là hai mối hiểm nguy đe dọa Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Thái độ bất chấp quyền lợi chung của của nhân Nhà Trắng làm thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục Liên Hiệp Châu Âu lãnh đạm với Hoa Kỳ, tựa của Les Echos.

Giải thích thái độ cứng nhắc của tổng thống Mỹ trên hồ sơ khí hậu, Le Monde trích lời cố vấn kinh tế Gary Cohn : "Ông Trump đến G7 để học hỏi. Tư tưởng ông ấy đang thay đổi và cuối cùng sẽ biết lấy quyết định dự trên cơ sở quyền lợi tốt nhất cho Hoa Kỳ". Thái độ thiếu tôn trọng đồng minh của Donald Trump tại thượng đỉnh NATO ngày hôm trước thượng đỉnh G7 cũng gây bất bình ở Châu Âu. Theo chuyên gia Dominique Moise (Les Echos), NATO đang bị hai đe dọa từ bên ngoài : "Nước Nga của Putin cảm thấy bị khinh thường và khủng bố Daech có thể ngang nhiên tấn công vào tận bên trong như vụ Manchester".

Đe dọa từ bên trong là nội bộ chia rẽ. Donald Trump và Erdogan làm cho NATO suy yếu. Muốn tồn tại, NATO cần Châu Âu hùng mạnh hơn và nước Mỹ bớt xé lẻ.

Tuy nhiên, thất vọng vì chủ trương "nước Mỹ trước tiên" và thái độ thọc gậy bánh xe của Donald Trump, thủ tướng Đức Angela Merkel, tuy không gọi đích danh chủ nhân Nhà Trắng, trong một buổi họp vận động tranh cử, kêu gọi Châu Âu "tự lực tự cường đừng trông cậy vào bất kỳ ai khác". Lãnh đạo nước Đức tuyên bố, từ nay "vẫn xem Hoa Kỳ là bạn như nước Nga".

Khi Cộng Hòa Liên Bang Đức, đồng minh truyền thống của Mỹ từ suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, mà đặt Washington ngang hàng với Moskva, thì còn gì đau hơn nữa ? Báo chí Mỹ lập tức bình luận rộng rãi và nhấn mạnh, "tổng thống Trump trả giá cho thái độ khinh xuất và thiếu tập trung trong suốt thượng đỉnh G7" mà lý do chính là "không nắm vững hồ sơ".

Sản xuất dầu hỏa : OPEP giảm, Mỹ tăng

Trong lãnh vực năng lượng, OPEP và Nga rơi vào bẫy khí đá phiến của Mỹ. Tổ chức các nước dầu hỏa cùng với Nga bắt tay giảm sản xuất để thúc đẩy giá dầu tăng lên, nhưng trên thực tế, mục tiêu này không đạt được.

Trang kinh tế của La Croix phân tích vì sao dầu hỏa sản xuất ít đi mà giá không tăng làm cho các nước sản xuất từ Trung Đông cho đến Nga thất thu hàng khối ngoại tệ.

Tuần qua, OPEP và Nga quyết định tiếp tục kéo dài thêm 9 tháng thỏa thuận giảm lượng dầu sản xuất khoảng 2% lượng cung trên toàn cầu (1,8 triệu thùng mỗi ngày). Thế nhưng, giá dầu vẫn giảm. Thủ phạm đây rồi, theo La Croix. Chỉ trong vòng 7 tháng, số giếng khai thác dầu từ đá phiến ở Mỹ, còn gọi là dầu không quy ước, tăng từ 450 lên 722. Với Donald Trump ở Nhà Trắng, với thông điệp khuyến khích năng lượng hóa thạch, ngân hàng sẽ gia tăng đầu tư vào lãnh vực này với hệ quả giá dầu sẽ xuống thấp.

Festival de Cannes : phim Thụy Điển thắng giải

Trong lãnh vực điện ảnh, Liên hoan Cannes kết thúc tối Chủ Nhật 28/05 với nhiều bất ngờ. Le Figaro hoan nghênh cuốn phim "The Square" của Thụy Điển chiếm được giải cao quý nhất là Cành Cọ Vàng. Libération thất vọng vì cuốn phim Pháp nói về cuộc tranh đấu của hiệp hội Act Up chống Sida không được giải nhất. Tuy nhiên "120 nhịp đập trong một phút"giành được Giải Thưởng Lớn, tức hạng nhì.

Cuối cùng, trang y tế, Le Figaro giới thiệu đến độc giả kết quả nghiên cứu và kiểm chứng mới nhất về hiệu năng chống ung thư của Aspirine, được khám phá như thuốc trị sốt từ năm 1829. Nghiên cứu được thực hiện tại California Hoa Kỳ, trên 57.000 giáo viên, kéo dài trong 20 năm. Aspirine, với liều lượng nhỏ có thể làm giảm xác xuất gây ung thư.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 656 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)