Pháp-Nga : Macron tiếp Putin tại lâu đài Versailles (RFI, 29/05/2017)
Nhân lễ khánh thành cuộc triển lãm đánh dấu 300 năm quan hệ Pháp-Nga, tổng thống Emmanuel Macron ngày 29/05/2017 tiếp đồng nhiệm Vladimir Putin tại lâu đài Versailles. Buổi làm việc đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ Paris-Moskva xấu đi nghiêm trọng vì hai hồ sơ Ukraine và Syria.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) đón đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles ngày 29/05/2017. Sputnik/Mikhail Metzel/Kremlin via REUTERS
Theo chương trình nghị sự, vào trưa nay tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo Nga, Vladimir Putin làm việc chung trong vòng 40 phút trước khi họp báo. Sau đó nguyên thủ hai nước cùng khánh thành triển lãm về vị hoàng đế Nga, Peter the Great (Pierre Le Grand - 1672-1725), nhân kỷ niệm 300 năm vị Sa Hoàng này đến cung điện Versailles.
Một ngày trước khi tiếp lãnh đạo Nga, phủ tổng thống Pháp cho biết đôi bên sẽ đề cập đến "tất cả mọi vấn đề một cách thẳng thắn". Về phía Moskva, công luận Nga hài lòng trước việc tổng thống Putin được tiếp đón trọng thể tại lâu đài Versailles, biểu tượng lịch sử của nước Pháp và cũng là nơi chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại qua các đời tổng thống Pháp.
Từ thủ đô Moskva thông tín viên đài RFI Muriel Pomponne :
"Lễ tiếp đón trọng thể tại lâu đài Versailles, gắn liền chuyến viếng thăm của tổng thống Nga với Pierre Đại Đế : báo chí Nga xem đây là một vinh dự lớn nước Pháp dành cho tổng thống Vladimir Putin. Nhật báo MK thậm chí còn bình luận tổng thống Emmanuel Macron tiếp đón đồng nhiệm Nga với tất cả sự trân trọng dành cho một nguyên thủ thuộc hàng cha chú. Vẫn theo tờ báo này, Pierre Đại Đế với Vladimir Putin là hai người mở cửa, đưa nước Nga đến với Châu Âu.
Báo chí chính thức của Nga tiếc là quan hệ giữa Moskva với Châu Âu đã xấu đi nhiều trong ba năm qua, tuy nhiên các tờ báo Nga tuyệt nhiên không đả động đến nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó.
Cố vấn ngoại giao của điện Kremlin nhắc lại, tổng thống Pháp tiếp đồng nhiệm Nga trong khuôn khổ một cuộc gặp không chính thức. Không một văn bản nào sẽ được ký kết. Do vậy, không thể chờ đợi một số tiến triển trên các hồ sơ lớn, chẳng hạn như là liên quan đến Ukraine hay Syria, vốn gây bất đồng nghiêm trọng giữa Paris và Moskva. Có khả năng, đôi bên sẽ đưa ra một vài tuyên bố chung trên vấn đề Lybia, chống khủng bố, hay một vài tiến bộ trong quan hệ song phương.
Nga xem việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời tổng thống Putin như một bằng chứng cụ thể cho thấy Paris đang khẳng định một sự độc lập với Berlin và Washington.
Đại sứ Nga tại Paris, Alexander Orlov, người đã thường xuyên tiếp bà Marine Le Pen ứng cử viên tổng thống Pháp đại diện cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, giờ đây không ngớt lời khen ngợi nguyên thủ Pháp, là một vị tổng thống 'có khả năng và xuất sắc' ".
Thanh Hà
************************
Quan hệ với Putin : Thách thức ngoại giao mới đối với Macron (RFI, 29/05/2017)
Tổng thống Emmanuel Macron tiếp nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles, Pháp, ngày 29/05/23017. REUTERS/Philippe Wojazer
Hôm 29/05/2017, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Điện Versailles. Nếu cuộc gặp giữa Emmanuel Macron-Donald Trump hôm 25/05 là điều nằm trong dự kiến, thì cuộc tiếp xúc tay đôi Macron-Putin hôm nay khiến nhiều người ngạc nhiên, căn cứ vào quan hệ không mấy thuận thảo giữa Nga và Pháp vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Pháp Hollande, và nghi ngại về khả năng Moskva "chơi xấu" ứng cử viên Macron lúc vận động tranh cử. Trong bối cảnh đó, việc ông Macron chủ động đề nghị cuộc gặp được cho là một thách thức ngoại giao mới mà tân tổng thống Pháp sẵn sàng đối đầu.
Khi đưa ra lời mời hôm 18/05 nhân cuộc điện đàm với tổng thống Nga, ông Macron đã nêu bật lý do khiến ông chủ động gặp ông Putin, bất chấp những dấu hiệu không thiện cảm của Moskva đối với ông trước đó. Ông nói rõ : "Cho dù có khác biệt trong quan điểm về nhiều vấn đề, hai nước Nga và Pháp vẫn có quan hệ lâu đời và đặc biệt".
Trước ngày 18/05, quan điểm chung của Nga vẫn không mấy tốt đẹp với ông Macron. Trong thời gian Pháp vận động tranh cử tổng thống, trong số bốn ứng viên chủ chốt, chỉ có ông Macron là không được Moskva ủng hộ. Thậm chí ông Putin còn gián tiếp nâng đỡ qua việc tiếp bà Marine Le Pen, ứng viên cực hữu thuộc đảng Mặt Trận Quốc Gia, đối thủ số một của ông Macron, khi bà Le Pen ghé thủ đô Nga.
Sau khi ông Macron chiến thắng, báo chí Nga vẫn còn tiếp tục đả kích người được dân Pháp chọn lựa. Còn có tin là Nga nhúng tay vào các vụ tin tặc tấn công vào ê kíp vận động cho ông Macron.
Thế nhưng Emmanuel Macron là một chính trị gia thực tế, đã thấy rõ rằng nhiều hồ sơ như Syria hay Ukraine sẽ không thể có giải pháp nếu tiếp tục bị Nga chọc gậy bánh xe.
Một nước Nga hung hăng sẽ khiến Tây Âu phải tốn công, tốn của, để dự phòng ; đây là điều mà một người mong Châu Âu vững mạnh và phát triển như ông Macron hoàn toàn không muốn.
Mặt khác việc ông Macron chìa bàn tay hòa giải với Nga cũng không đi ngược lại quan hệ đặc biệt vốn có giữa Paris và Moskva trong thời gian qua, với Pháp luôn có một chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây khác.
Putin muốn Nga thoát khỏi tình trạng bị cô lập
Về phần tổng thống Nga Putin cũng thế, ông cũng là một lãnh đạo thực tế, biết nắm bắt tình hình để tận dụng thời cơ.
Theo các nhà quan sát, nói gì thì nói, Nga vẫn cần Châu Âu. Thái độ kình chống Châu Âu trong thời gian qua đã không dẫn Nga đến đâu, trong lúc ý hướng xích lại gần nước Mỹ với Donald Trump làm tổng thống thì liên tiếp bị trở ngại.
Trong bối cảnh đó, lời mời của Emmanuel Macron đến thật đúng lúc, và dù không nói ra, Vladimir Putin đã quyết định đến Paris trong cố gắng kéo nước Nga ra khỏi tình trạng cô lập hiện nay.
Đối thoại tái lập với một trong hai đầu tầu của Châu Âu là một điều kiện thuận lợi giúp Nga tháo gỡ hệ thống trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu đối với Moskva đang làm kinh tế Nga điêu đứng.
Nhìn chung, cuộc gặp Macron-Putin là một tín hiệu tích cực. Nhưng theo nhận định của ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Pháp (IFRI), được AFP trích dẫn, do việc hai bên đã mất lòng tin khá lớn, từ sau vụ Nga sáp nhập Crimea, công việc khôi phục lại quan hệ không thể nhanh chóng được.
Riêng đối với tân tổng thống Pháp Macron, cuộc gặp với tổng thống Nga sẽ cho phép ông khẳng định thêm uy tín trên trường quốc tế, một uy thế sẽ gia tăng thêm qua cuộc tiếp xúc với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 03/06 tới đây.
Trọng Nghĩa