Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/05/2022

Điểm báo Pháp – Quyền tự do sử dụng súng tại Mỹ

RFI tiếng Việt

Quyền tự do sử dụng súng ở Mỹ và những bi kịch chưa có hồi kết

Vụ xả súng ở một trường tiểu học thuộc bang Texas và những vấn đề liên quan đến quyền sử dụng súng ở Hoa Kỳ là chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm ngày 27/05/2022.

sung1

Ảnh minh họa : Một cửa hàng súng tại Midland, Michigan, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 11/02/2021.  AP - Katy Kildee

"Nước Mỹ chém giết lẫn nhau, đảng Cộng Hòa thì quay mặt nhìn đi chỗ khác" là tiêu đề của xã luận báo Le Monde hôm nay. Theo tờ báo, điều này chẳng khác nào đồng phạm với những thảm kịch tiếp nối nhau. Vụ thanh niên Mỹ 18 tuổi nổ súng vào trường tiểu học đã lấy đi sinh mạng của 19 trẻ em và hai người lớn, một lần nữa rúng động nước Mỹ. Những thảm kịch tương tự cũng đã xảy ra trước đó : thảm sát bằng súng ở Sandy Hook 2013, ở Parkland năm 2018 và gần đây nhất là ở một siêu thị ở New York. Trong mỗi tấm bi kịch này, hung thủ đều không gặp bất cứ vật cản pháp lý nào để có thể tiếp cận súng một cách hợp pháp.  

Le Monde cho biết quyền sử dụng vũ khí ở Mỹ trở nên hiển nhiên đến nỗi mà các nhà cung cấp vũ khí không cần tốn công vận động hành lang. Cây bút xã luận chỉ trích rằng 8 vụ xả súng kinh hoàng trong vòng 13 năm dường như không thay đổi gì. Vào năm 2021, hơn 20 triệu khẩu súng được bán ra tại Mỹ và không thể nhắc đến con số 20 000 người thiệt mạng vì súng, chưa kể những người tự tử. Le Monde đánh giá rằng đảng Cộng Hòa bất lực, không thiết lập được mối quan hệ nhân quả giữa hai hiện tượng.

Giới trẻ, công nghệ và vũ khí  

La Croix dành hồ sơ lớn nói về chủ đề này. Xã luận tờ báo quan tâm đến quyền sử dụng súng ở Hoa Kỳ, khi hung thủ vụ xả súng ở Texas chỉ vừa mới 18 tuổi đã có thể mua hợp pháp một khẩu súng tấn công AR-15 - phiên bản dân sự của súng trường, có thể bắn nhiều lần trong thời gian kỷ lục. Tờ báo trả lời từng câu hỏi. Thứ nhất, tại sao giới trẻ Hoa Kỳ lại bị thu hút bởi vũ khí ? Thông tín viên của nhật báo công giáo tại Hoa Kỳ cho biết 9/10 người trẻ đã thực hành bắn súng vì lý do an ninh. Điều này làm gia tăng nguy cơ trầm cảm ở giới trẻ, và sự lo lắng về cái chết.  

Hơn nữa, việc tiếp cận vũ khí và những thông tin đi kèm cũng khá dễ dàng qua các nền tảng mạng xã hội như Tiktok và Youtube. Với Internet và sự phát triển của công nghệ mới, ngay cả trong những bang quy định nghiêm ngặt về quyền sở hữu súng, người ta có thể tiếp cận những loại vũ khí không bị truy vết bằng việc mua phụ kiện riêng, hoặc sử dụng máy in 3D. Đại dịch cũng như tình trạng bạo lực gia tăng, nhiều người đổ xô đi mua súng vì lý do an ninh.

Điều đáng chú ý đó là hồ sơ lý lịch tội phạm nổ súng giết người. La Croix cho biết họ thường là người da trắng ít học, chưa có tiền án tiền sự, là nhóm người có vũ trang cao nhất so với các chủng tộc khác ở Mỹ. Sở hữu súng là cách để họ khẳng định lại danh tính và quyền hạn của mình. Ngoài ra, các tội phạm trong các vụ tàn sát thường mắc bệnh trầm cảm, hoặc tâm thần hoặc do tổn thương tâm lý từ thời thơ ấu. Khi quyết định giết người, họ thường không có ý định sống sót sau đó.  

Tại sao sau bao nhiêu năm Hoa Kỳ vẫn bất lực trong việc quản lý và hạn chế sử dụng vũ khí ? Hơn nữa, Hiệp hội súng trường quốc gia, chuyên về vận động hành lang ủng hộ vũ khí vẫn tổ chức đại hội thường niên vào hôm nay, 27/05, vài ngày sau vụ thảm sát. Theo Lauric Henneton, giảng viên tại đại học l’université de Versailles Saint-Quentin-en-Yvelines, người Mỹ vẫn duy trì ý niệm về việc sở hữu súng từ thời chiến tranh Cách Mạng Mỹ, đó là phải có vũ khí để tự vệ chống lại kẻ thù, và thậm chí chống lại cả chính phủ. Đối với cử tri và ứng viên đảng Cộng Hòa, đây là quyền tự do căn bản. Họ cho rằng giáo viên cần trang bị vũ khí trong trường hợp bị tấn công. 

Hiến pháp bất di bất dịch 

Cũng trong chủ đề này, luật sư Olivier Piton, làm việc tại Washington trả lời Le Figaro giải thích vì sao rất khó có thể thay đổi chỉnh sửa luật về sử dụng vũ khí cũng như về vận động hành lang trong lĩnh vực này. Bản Hiến pháp sửa đổi lần thứ hai của Hoa Kỳ "tôn vinh" quyền sử dụng súng của mọi công dân. Ngoài ra, liên quan đến đặc quyền của mỗi bang đối với Nhà nước liên bang, sửa đổi luật pháp quốc gia và sửa đổi Hiến pháp không dễ dàng và phải đáp ứng được hai điều kiện : Quốc hội phải thông qua sửa đổi theo nguyên tắc hai phần ba số dân biểu ủng hộ. Sau đó, bản sửa đổi phải được chấp thuận bởi ba phần tư số bang của Hoa Kỳ. Sự cân bằng quyền lực chính trị khiến cả hai điều kiện trên gần như không thể đáp ứng được.  

Nga giành nhiều chiến thắng ở Donbass, liệu Kiev có để tâm ? 

Chiến sự tại Ukraine vẫn là chủ đề thời sự quốc tế được nhiều báo quan tâm.  

La Croix đưa tin về tình hình thực địa tại vùng Lugansk, Donbass. "Lực lượng Ukraine bị tổn thất nặng nề" trong cuộc giao tranh giành thành phố công nghiệp ở Sievierodonetsk. Nga đã điều hơn 10 000 binh lính cùng các loại hỏa lực đến khu vực này. Pháo binh Nga bao vây từ 3 phía, cắt điện, cắt nước và phương thức liên lạc. Hơn 15 000 dân vẫn ở lại đây, sống trong hầm trú ẩn, nhiều người đã thiệt mạng. Nga có thể mở cuộc tấn công trực tiếp vào thành phố trong những ngày tới, hoặc sử dụng chiến thuật bao vây như ở Mariupol.  

Theo La Croix, dù Nga đã giành được nhiều chiến thắng tại Donbass trong những ngày gần đây nhưng về tổng thể, Ukraine vẫn giành ưu thế do có sẵn nhân lực và được phương Tây hỗ trợ đáng kể. Hơn nữa chiến thắng ở Donbass ít quan trọng với Ukraine hơn là với Nga. Có thể Ukraine sẽ tìm cách cân bằng lực lượng để tránh tổn thất quá nhiều và với hy vọng có thể giành lại được những vùng lãnh thổ bị mất sau này.  

Những vết thương chiến tranh khó lành 

Libération thì đến ngoại ô Kiev, ở Hostomel, vùng được giải phóng từ hai tháng qua với tựa đề : "Nghĩ rằng cuộc sống đã quay trở lại quỹ đạo là một ảo tưởng". Dù lính Nga có rời đi, nhưng làm sao những cư dân của ngôi làng từng là bãi chiến trường, nhân chứng của các vụ thảm sát, có thể quên đi những thương tổn đó. Họ vẫn sống trong nỗi ám ảnh và sợ hãi, sợ rằng kẻ thù có thể quay trở lại. 

Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì đề cập đến lập trường ở Gruzia, quốc gia từng là thành viên của Liên Xô, ngay từ đầu cuộc chiến dường như "đang xa rời Liên Hiệp Châu Âu và quay trở về vòng tay của Moskva". Quốc gia này không lên án Nga xâm lược, thậm chí còn hỗ trợ các doanh nghiệp Nga lách các trừng phạt của phương Tây. Phải chăng vì Gruzia đang lo sợ ? Có những lập luận cho rằng có thể Nga sẽ cố tìm lấy một chiến thắng ở một nơi nào đó khác, nếu thất bại trên lãnh thổ Ukraine, và đó có thể là sáp nhập vùng Ossetia thân Nga ở Gruzia (Georgia). Một cựu chính trị gia Gruzia cho rằng Nga có thể dễ dàng giành chiến thắng ở Gruzia nếu muốn, Vladimir Putin không cần tốn công lập chính phủ bù nhìn, vì điều này đã là thực tế. Nếu như Gruzia làm hồ sơ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào tháng Ba vừa qua, thì nhiều thành viên trong chính phủ nước này vẫn chỉ trích Châu Âu về nhiều mặt.  

Thế giới vẫn chưa sẵn sàng với một nước Mỹ của Trump 

Trước những can thiệp của Mỹ và các khoản viện trợ khổng lồ cho Ukraine, Les Echos đặt câu hỏi, liệu rằng chiến tranh Ukraine sẽ diễn biến khác đi nếu người ngồi ở Nhà Trắng không phải Joe Biden mà là Donald Trump ? Cây bút Jacques Attali của Les Echos cho rằng khả năng Trump quay trở lại nắm quyền vào năm 2024 là hoàn toàn có thể. Đặt giả thuyết nếu Trump thắng cử vào năm 2020, Mỹ sẽ không áp đặt trừng phạt đối với Nga, không viện trợ Ukraine. Anh cũng sẽ theo chân Mỹ và Đức sẽ nhắm mắt làm ngơ, không phải lo về vấn đề nguồn cung năng lượng. Mỹ cũng có thể rút chân ra khỏi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.  

Viễn cảnh Trump quay trở lại Nhà Trắng dường như càng rõ ràng hơn khi Joe Biden ngày càng mất lòng dân. Đảng Cộng Hòa gần như hoàn toàn nằm trong tay Trump. Les Echos cho rằng Châu Âu vẫn chưa chuẩn bị cho viễn cảnh này - một nước Mỹ cực quyền, nguy cơ đối mặt với nội chiến, thậm chí không còn là một nước dân chủ và từ chối thể hiện đoàn kết với tất cả các Châu lục khác. Châu Âu phải tự xoay xở cứu lấy thân nếu phải đối mặt với các đe doạ từ bên ngoài, và Châu Âu không có khả năng này. 

Giấc mộng xanh của thị trưởng Paris

Về thời sự Pháp, trang nhất Le Figaro quan tâm đến những những dự án quy hoạch thành phố Paris của thị trưởng Anne Hidalgo, sau thất bại của bà trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua. Dường như bà bị "ngã xe" và tiếp tục sa lầy trong vết xe đổ. Xã luận nhật báo thiên hữu nhận định rằng ứng viên cánh tả đang phá hủy thành phố đẹp nhất thế giới bằng những quy hoạch thay đổi cảnh quan đô thị, giao thông, đầy bất cập. Trong giới chính trị gia, dường như bà đang dần làm mất tín nhiệm.  

Các kế hoạch kiến trúc đô thị có vẻ như làm cho Paris xanh hơn, đẹp hơn lại không khả thi. Kế hoạch trồng 500 000 cây xanh của bà vẫn chưa thực hiện được, nhưng lại đề xuất chặt cây ở khắp nơi. Để giảm thiểu ô tô trong thành phố, nhiều tuyến đường thu hẹp, sửa lại, mở rộng làn đường cho xe đạp. Thế nhưng, các chỉ dẫn không rõ ràng, vật liệu xây dựng ngổn ngang, khiến dân thủ đô, từ người đi bộ đến người đi ô tô không biết đường nào mà lần. Giấc mơ biến đường vành đai thành đồng cỏ xanh hay đại lộ Champs-Elysées thành đại lộ xanh nhất hành tinh hóa ra lại là cơn ác mộng.  

Cư dân thủ đô nhìn thành phố bị "phá huỷ", bẩn thỉu, chuột chạy từ Buttes Chaumont sang những đại lộ Grands Boulevards. Người dân ngoại ô hay ở các tỉnh khác nếu đi xe diesel gây ô nhiễm và muốn vào Paris, ngoài phí cầu đường và tắc nghẽn giao thông, được yêu cầu "vui lòng đừng làm phiền cuộc sống yên bình của thủ đô".

Giới chuyên gia tiếp tay cho buôn bán đồ cổ bất hợp pháp

Vẫn về thời sự Pháp, báo Libération tiết lộ một bê bối trong giới nghệ thuật : xuất khẩu bất hợp pháp các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ. Libération chỉ ra rằng hàng trăm tác phẩm nghệ thuật đến từ các quốc gia có nền chính trị bất ổn, thậm chí là có chiến tranh, đã bị bán lại trên thị trường nghệ thuật, có mặt tại nhiều phòng tranh và triển lãm lớn, với các chứng nhận giả từ các chuyên gia tiếng tăm hay đánh giá của các bảo tàng uy tín.  

Khoảng hơn chục tác phẩm có nguồn gốc không rõ ràng hoặc phi pháp được bảo tàng Metropolitan Museum of Art of New York và bảo tàng Louvre Abu Dhabi mua với giá lên đến hơn 54 triệu euro. Cựu lãnh đạo bảo tàng Louvre Abu Dhabi, Jean-Luc Martinez hôm 25/05 đã bị truy tố vì tội rửa tiền và đồng phạm trong các vụ lừa đảo của nhóm tội phạm có tổ chức. Theo các báo cáo, lợi nhuận thu được từ các vụ buôn bán đồ cổ phi pháp bị nghi là để hỗ trợ các hoạt động vũ trang của các băng nhóm tội phạm có tổ chức và khủng bố.  

Xã luận tờ báo nhận định rằng, những triển lãm hay các bộ sưu tập được thực hiện từ nhiều thập kỷ qua dựa trên các tác phẩm "bị cướp đi" ở các nước thuộc địa dưới chế độ thực dân. Đáng buồn hơn nữa là các cuộc chiến tranh là nguồn cung các báu vật một cách phi pháp, bên cạnh thảm kịch về con người và xã hội và kinh tế.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 321 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)