Quân Nga đồng loạt oanh kích hơn 40 đô thị vùng Donbass
Trọng Thành, RFI, 26/05/2022
Quân đội Nga khép chặt gọng kìm xung quanh thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk và tăng cường tấn công trên toàn chiến tuyến vùng Donbass. Theo phía Ukraine, quân Nga đồng loạt oanh kích hơn 40 thành phố, thị trấn. Kiev yêu cầu đồng minh phương Tây khẩn trương viện trợ thêm "vũ khí hạng nặng" để kháng cự với quân Nga.
Thành phố Severodonetsk, miền đông Ukraine, bị quân Nga pháo kích ngày 21/05/2022. AFP - ARIS MESSINIS
Hãng tin Pháp AFP dẫn lại thông tin từ trang mạng Facebook của quân đội Ukraine hôm qua, 25/05/2022 : "Lực lượng chiếm đóng đã pháo kích vào hơn 40 đô thị ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk, phá hủy hoặc làm hư hại 47 vị trí dân sự, bao gồm 38 nhà ở và một trường học. Hậu quả của đợt pháo kích này khiến 5 dân thường chết và 12 người bị thương". Cũng thông báo nói trên, cho biết "10 cuộc tấn công của quân thù đã bị đẩy lùi, 4 xe tăng và 4 máy bay không người lái bị phá hủy, và 62 ‘lính địch’ bị giết".
Riêng về tình hình thành phố Severodonetsk, đang bị quân Nga dồn lực tấn công, trên mạng Telegram tối hôm qua, thống đốc tỉnh Lugansk phía chính quyền Kiev, ông Serguiï Gaïdaï, cho biết quân Nga đang liên tục tấn công hủy diệt thành phố, với pháo phản lực đa nòng Smertch và Tornado. Chiến sự diễn ra ngay sát khu vực ngoại ô thành phố. Theo thống đốc Serguiï Gaïdaï, "tuần tới sẽ là tuần lễ quyết định".
Thành phố Severodonetsk là một trong những đô thị quan trọng cuối cùng tại tỉnh Lugansk hiện còn do Ukraine kiểm soát. Nếu chiếm được Severodonetsk, quân Nga coi như kiểm soát được toàn bộ tỉnh Lugansk. Hãng tin Nga Interfax dẫn lời một đại diện của lực lượng ly khai thân Nga, ẩn danh, cho biết Severodonetsk đã bị "bao vây" từ ba mặt, và cây cầu duy nhất cho phép rời khỏi thành phố kể từ giờ đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. AFP hiện chưa thể kiểm chứng được thông tin này.
Ngược lại, theo thống đốc Serguiï Gaïdaï, chính quyền Ukraine vẫn còn có thể tiếp tục phân phát cứu trợ và tổ chức sơ tán khỏi thành phố Severodonetsk. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine, Oleksandre Motouzyanyk, hôm qua cho biết, các lực lượng Nga đã giành được "một số thắng lợi chiến thuật tạm thời" tại một số khu vực, tuy nhiên, bác bỏ việc quân đội Ukraine đang phải lùi bước.
Tại Diễn đàn Kinh tế Davos, ở Thụy Sĩ, ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba, khẳng định quân đội Nga được trang bị tốt hơn hẳn phía Ukraine về một số loại vũ khí hạng nặng, đặc biệt về "pháo phản lực đa nòng", khiến tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía Nga. Kiev kêu gọi các đồng minh phương Tây khẩn trương cung cấp loại vũ khí này.
Trọng Thành
*******************
Ukraine muốn có hành lang an toàn ở cảng Odessa để xuất khẩu nông phẩm
Thùy Dương, RFI, 26/05/2022
Lo ngại mất khả năng xuất khẩu ngũ cốc do các cảng biển bị quân Nga phong tỏa, tại diễn đàn kinh tế Davos, Thụy Sĩ, ngoại trưởng Ukraine Kuleba ngày 25/05/2022 muốn Kiev và Liên Hiệp Quốc thảo luận về việc lập một hành lang an toàn từ cảng Odessa để xuât chuyển nông phẩm ra nước ngoài.
Tàu chở hàng cập cảng Odessa, Ukraine. Ảnh chụp ngày 04/11/2016 Reuters - Valentyn Ogirenko
Đây cũng là chủ đề thảo luận giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Ukraine hầu đầu tuần. Theo Reuters, Kiev muốn cảng Odessa được rà phá bom mìn và có sự bảo đảm là Nga sẽ không tấn công.
Ngay từ đầu chiến tranh Ukraine, quân Nga đã phong tỏa cảng Odessa, cửa ngõ xuất khẩu quan trọng ở miền nam Ukraine, gây tổn hại cho nền kinh tế Ukraine và tác động đến an toàn lương thực - thực phẩm của thế giới.
Từ cảng Odessa, hai đặc phái viên, Sébastien Nemeth và Jad El Khoury, gửi về bài phóng sự :
"Lẽ ra đây là mùa cao điểm, nhưng hiện giờ các bãi biển và vùng ven biển của Odessa hầu như đều vắng bóng người. Thành phố không còn giữ được dáng vẻ như trước và cư dân thành phố đang sống dưới sự phong tỏa của Nga, kéo dài từ Biển Đen đến biển Azov. Albert Kabakov, chủ tịch câu lạc bộ du thuyền nói :
"Các tàu chiến của Nga chủ yếu tập trung gần Đảo Rắn, cách đây 100km. Trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột, chúng tôi còn có thể trông thấy chúng. Quân Nga thậm chí nhắm vào các tàu thương mại. Hiện giờ, không tàu nào có thể ra khơi. Binh sĩ bảo vệ bờ biển. Đi dạo chơi cũng bị cấm. Các vị thấy đấy, có một sợi dây chắn lối ra từ cảng. Chúng tôi thậm chí đã nhìn thấy thủy lôi trôi nổi đến tận đây, cách bờ biển 15m. Những người lính đã đến, kéo nó ra ngoài xa và kích nổ".
Bản thân cảng cũng đã trở thành một boongke không thể vào được và một phần miền nam đất nước đã bị quân Nga chiếm đóng. Thế nhưng, đối với Natalia Kumeniuk, phát ngôn viên Bộ chỉ huy khu vực của Ukraine, không thể để vùng lãnh thổ này lọt vào tay quân thù :
"Ngay từ đầu, Putin đã nói rằng khu vực này là mục tiêu, nhất là cảng Odessa. Miền Nam Ukraine thu hút sự quan tâm của Nga, đặc biệt là về nguồn điện và khí đốt để cung ứng cho Crimea. Chiếm được thành phố Kherson giúp quân Nga làm được điều đó và cho phép họ chặn đường ra biển của chúng tôi, và cuối cùng là mở cho họ một con đường đến Transnistria. Nhưng quân đội Nga không mạnh, họ chỉ đông thôi. Và cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc. Nếu quân Nga đào chiến hào và tìm cách trụ lại mãi ở miền nam Ukraine, chúng tôi sẽ chôn vùi họ ngay tại đây".
Nga cố gắng phong tỏa để bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine và cảng Odessa, nơi hàng chục ngàn tấn thực phẩm được xuất khẩu mỗi tháng. Vì vậy, quân đội Ukraine đang yêu cầu phương Tây chuyển vũ khí nhanh chóng hơn nữa cho Ukraine để họ sớm tìm cách phản công".
Thùy Dương
*************************
Hạm đội Biển Đen phong tỏa cảng Ukraine, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Chi Phương, RFI, 26/05/2022
Cảng biển miền nam Ukraine vẫn bị Hạm đội Biển Đen của Nga phong toả từ 3 tháng qua. Khoảng 95 % tàu quốc tế bị ngăn cấm di chuyển trên biển Đen và biển Azov. An ninh lương thực thế giới có thể bị tác động nghiêm trọng do Ukraine là một nước xuất khẩu lương thực lớn.
Cảng Mariupol, miền nam Ukraine, 23/02/2022. AP - Sergei Grits
Thương nhân nước này đã mất hàng triệu đô. Doanh nhân Andrez Bezukh cho biết sản lượng cá mỗi năm của công ty khoảng 350 tấn cá , tuy nhiên con số này dự kiến chưa đạt 100 tấn vào năm 2022.
"Công ty của tôi đã thua lỗ rất nhiều. Mọi người đang lao đao và phải tìm các công việc khác trong thời gian này. Tất cả các tàu thuyền đi lại đã bị cấm, ngay cả tàu đánh cá. Những con tàu từ tây bắc Crimea đậu ở đây đều bị cấm di chuyển. Hôm 18/05, chúng tôi được phép ra khơi để thu lại dụng cụ đánh cá mà chúng tôi đã bố trí ở đó từ ngày 24/02 do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Cảng biển Odessa, Ukraine, 04/11/2022. Reuters - Valentyn Ogirenko
Các hoạt động xuất nhập khẩu bị tê liệt, nhiều mặt hàng xuất khẩu thiết yếu của Ukraine không thể xuất cảng được. Nhà xuất khẩu lương thực Vitaly Lavrov cho hay :
"Trước kia chúng tôi có thể xuất khẩu đến 6 triệu tấn lương thực mỗi tháng từ các cảng hay các trung tâm vận chuyển khác, hiện giờ lượng xuất khẩu chỉ đạt 600 700 nghìn tấn. Chúng tôi đang cố gắng xoay xở để xuất hàng từ các cảng khác, từ cảng Danube chẳng hạn".
Ukraine là một trong những nước xuất khẩu nông phẩm lớn nhất thế giới, cung cấp 12 % sản lượng ngũ cốc và một nửa dầu hướng dướng cho toàn cầu. Liên Hiệp Quốc cho biết, nếu các cảng của Ukraine không hoạt động trở lại trong vòng 2 tháng tới, rất có thể thế giới sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Chi Phương